YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tình yêu, tình dục, quan hệ nam nữ...

YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi MyLinh » Thứ 5 31/05/07 21:50

YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Ai cũng biết, tình dục xưa nay gần như là một lĩnh vực cấm kỵ trong văn chương truyền thống Việt Nam.

Thế nhưng gần đây con đê xây bởi những ảnh hưởng Nho giáo đó đã bị phá vỡ. Đặc biệt là với các nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban... nó như một ngọn lửa đã được thổi bùng lên.

Mình nghĩ, hơn đâu hết, Diễn đàn VĂN HOÁ HỌC của chúng ta có trách nhiệm thảo luận, xem xét, đánh giá vấn đề này.

Trong số những truyện ngắn viết về đề tài này, mình rất thích truyện ngắn có cái tên gọi cực kỳ ngắn gọn và thoạt đầu khó hiểu "TỰ" của nữ nhà văn Y Ban. Bởi vậy, mình sẽ từ từ post lên đây truyện ngắn này.

Trước hết, mời các bạn yêu văn hoá và văn hoá học cùng nhâm nhi thưởng thức và suy ngẫm.

Sau nữa mời các bạn tham gia thảo luận. Mong các bạn hưởng ứng.

Mỹ Linh
Hình đại diện của thành viên
MyLinh
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 5 31/05/07 20:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi MyLinh » Thứ 6 01/06/07 20:53

Y Ban - Tự

..............
Khi đầu óc tôi tỉnh táo tôi đã nghĩ ra được điều mình đang cần. Thực ra đó là một hành trình tôi đang đi tìm một tình yêu. Tôi đâu có luỵ nhiều cái gọi là tình dục. Tôi đã sống rất hạnh phúc với chồng tôi sau nhiều năm không hề có tình dục. Tình yêu của chồng tôi đã lấp đầy sự thiếu hụt đó. Rồi chồng tôi đã bỏ tôi ra đi khi lầm tưởng rằng cái gọi là tình dục đó quan trọng hơn tình yêu của anh. Đến người số hai, người số ba cũng vậy, họ đã không đem đến được tình yêu cho tôi. Từ lâu thế giới người ta đã phát minh ra một thứ dụng cụ, chỉ để thoả mãn mà không cần đến tình yêu. Đó là cái chim giả.Và tôi đã nghĩ ra liệu pháp chim giả.

Có cái chim giả tôi sẽ ngẩng cao đầu và nói: Không, không bao giờ em gặp lại anh nữa đâu. Nhưng cái chính là tôi sẽ bảo toàn được những sự tốt đẹp cho những người đàn ông của dân tộc tôi. Họ đều là những người tốt đẹp cả, người đàn ông số bốn, năm, sáu, bảy...


Lời Quản trị Diễn đàn

Truyện “Tự” của Y Ban do bạn MyLinh đưa lên trong chủ đề “Yếu tố tình dục trong văn Y Ban từ góc nhìn văn hoá”. Truyện đã được đưa lên trọn vẹn và được để tại chuyên mục này trong 5 ngày, đủ để các bạn quan tâm tham khảo.

Nay, khi các thành viên đã bắt tay vào thảo luận, Quản trị Diễn đàn xét thấy truyện không còn cần thiết để ở đây nữa nên quyết định dời nó đến lưu trữ tại chuyên mục “Tài liệu học tập cho HVCH và NCS” (trong phần "Thông báo của bộ môn VHH"). Những anh chị HVCH và NCS ngành văn hoá học đến sau muốn xem để tham gia thảo luận có thể truy cập truyện này (sau khi đã đăng ký cấp quyền HVCH & NCS) tại địa chỉ: http://vanhoahoc.edu.vn/diendan/viewtopic.php?f=30&t=50&p=82#p82 .

Admin
Tập tin đính kèm
YBan.JPG
Nhà văn Y BAN
YBan.JPG (5.19 KiB) Đã xem 23802 lần
Hình đại diện của thành viên
MyLinh
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 5 31/05/07 20:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trao doi voi MyLinh ve van de Tinh duc trong VHVN hien nay

Gửi bàigửi bởi TranHieu » Thứ 6 08/06/07 23:11

Kinh gui ban MyLinh!
Cam on ban reply.
Cung giong nhu MyLinh, toi la ke ngoai dao doi voi cong viec chuyen nganh ve VH. Hien tai, toi dang phu trach Marketing cho mot cty TNHH. Vi vay, von kien thuc cua toi ve VH con it oi (mac du da hoc xong CT, dang trong thoi gian lam luan van). Tuy nhien, de dap lai S cua MyLinh, toi cung xin duoc neu len vai thien y cua toi ve van de nay.
Truoc het, toi dong y voi quan diem cua MyLinh: Tinh duc khong co gi xau va Tinh duc trong van hoc noi chung trong van cua Y Ban noi rieng khong co gi xau. Nhung lieu day co thuc su la mot hien tuong van hoa hay chua thi can xem xet.
Bat dau tu Trung Quoc, han khong ai xa la voi nhung cai ten : Xuan Thu, Ve Tue, Mien Mien, Cuu Dan .... voi nhung tac pham mieu ta ve sex nhieu hon muc can thiet. O VN, tiep sau hien tuong "bung no tinh duc trong van hoc" o TQ ta thay xuat hien mot vai cay but tao bao, co the ke den Phan Huyen Thu voi tac pham Nguoi dan ba nam nghieng roi "tung bung" hon la Do Hoang Dieu (Bong de), "mau lua" nua la Vi Thuy Linh (trong nhom Ngua Troi) ngoai ra co the ke den Nguyen Ngoc Tu, nhom Mo mieng (Li doi, Bui Chat, Khuc Duy) roi den Y Ban (Y Ban da qua 2 lan ...lua va da 46t roi ).... Toi co cam giac rang day cung chi la mot "phong trao" giong nhu bao phong trao khac dang dien ra trong XHVN, chu no khong phai la mot hien tuong moi (tu than tac gia thay nhu cau, cam hung sang tac), noi trang ra la an theo (Neu ai da tung doc nhung tac gia nu viet ve sex cua VHTQ gan day thi se thay ro hon).
Toi se de tam nghien cuu van de nay va tiep tuc post bai thao luan voi anh chi em.
Truoc khi out, toi cung xin tiep suc MyLinh ma ho hao anh chi em trong khoa VHH minh hay tham gia thao luan nhiet tinh xoay quanh van de Tinh duc trong van hoc de chung ta tim duoc nhung cai chung (va co the xay dung thanh) Van hoa tinh duc VN. Mr. Green
Tôi dâng hiến đời tôi cho 3 việc
Trà ngon - Rượu quý - Sex
http://www.thegioinguoilon.info/diendan/
RANDOM_AVATAR
TranHieu
 
Bài viết: 74
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 22:06
Đến từ: Cty Viet Thai Son
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 7 09/06/07 23:27

Hoà chung không khí nói vê yếu tố tình dục trong văn Yban tu góc nhìn Văn hoá, tôi post 1 bai về nọ Đó là ý kiến cùa nhà văn Nguyễn Huy Thiêp.

Tính dục trong văn học hôm nay

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Sex chỉ là sex thì vô nghĩa, không đáng bàn, tốt nhất là đi xem phim sex. Luân lý khoác lên sex cái áo giáp nghĩa vụ cao thượng rồi trả công rẻ mạt cho nó bằng chút ít khoái cảm không làm thoả mãn thật sự cho cả người nam, người nữ....

1. Văn học là nhân học

Định nghĩa về văn học nêu trên của Macxim Gorki được nhiều nhà văn ưa thích vì nó có tính chất hướng đạo cho công việc viết văn của họ.
Muốn viết văn, nhà văn dứt khoát phải biết cách nghiên cứu con người. Bước đầu của việc nghiên cứu đấy là ngay từ đầu anh ta phải biết cách nhìn, biết cách quan sát bản thân mình, sau đó mới mở rộng ra quan sát “ngoài thiên hạ”. Việc nhìn chính xác thấu đáo con người là việc rất khó đối với một nhà văn trẻ. Thường thường, những “nhà văn trí thức” đã giành thời gian rất nhiều để tìm đọc các sách về tâm lý học, về triết học, thậm chí cả về y khoa, về sinh lý học, kể cả đến tử vi tướng số v.v…
Tôi lấy làm ngạc nhiên vì thấy nhiều nhà văn trẻ quá tự tin về thiên tài, về năng khiếu đã coi thường việc học tập bài bản những kinh nghiệm của người xưa mà chỉ ỷ lại vào “sự mơ mộng bay bổng của tâm hồn” (!) vào tưởng tượng… Văn học quả thực không phải là thứ lao động cơ bắp giành cho “các thợ đấu lực lưỡng”… Chúng ta biết rằng hầu hết các nhà văn cổ điển đều bắt đầu công việc viết văn của họ một cách dè dặt như những cậu học trò khiêm tốn bằng những bài tập rất nhỏ, bằng những “truyện ngắn” có tính chất tự quan sát bản thân mình trước khi “anh cùng em đi sang bên kia cầu”, trước khi đi ra ngoài xã hội. Họ không bao giờ đặt bút viết ra những gì “bịa đặt”, những gì mà họ không từng trải qua, không từng thể nghiệm.
Chúng ta còn nhớ Honoré de Banzac vĩ đại khi viết văn đã quan sát và tự phát hiện ra tuyến nước bọt trước khi các nhà y học phát hiện ra nó.
Trong văn học hiện đại, nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy các tác phẩm tự sự của các nhà văn trẻ (bằng cách tự quan sát bản thân mình) bao giờ cũng “nặng đồng cân” hơn các tác phẩm có tính chất hư cấu, bịa đặt hay “tưởng tượng” rất nhiều. Muốn tự sự, nhà văn trẻ dứt khoát phải thành thật - điều mà rất ít người viết cả gan làm được. Chúng ta cứ than phiền về sự nhạt nhẽo của các cây bút trẻ. Chính việc né tránh “sự thật bản thân”, thói giả dối (muốn qua sông mà không ướt áo, muốn lập danh một cách nhàn hạ) đã là một nguyên nhân làm nên sự nhạt nhẽo đó.
Trong việc tự quan sát, “chỗ kín” chính là chỗ người ta hay bỏ quên nhất. Văn học Việt Nam trong nhiều năm gần như bỏ qua đề tài tính dục. Thực ra viết về sex là rất khó. Việc “lập ngôn” những chuyện cao đạo về “trung, nghĩa, lễ, trí, tín”, về “giang sơn”, về “an ninh thế giới”, về “hình như thượng”, về các chuyện “vĩ mô” v.v… tôi không dám cho là hão huyền nhưng lại vẫn thường được đa số các nhà văn theo đuổi từ bấy lâu nay đôi khi cũng nhàm và nhảm. Chỉ một số ít người “liều mình như chẳng có”, chỉ một số ít người tiên phong mới dám động bút viết về đề tài khó nói này. “Nếu không hiểu rõ con cu/ Đọc vạn quyển sách cũng ngu như bò” (Thơ Nguyễn Bảo Sinh). Đấy là một chân lý mà gần đây người ta mới vỡ oà ra, nhất là sau khi cùng với sự phổ cập của Internet, bóng ma sexy không ngừng ám ảnh, thậm chí trùm lên đời sống tinh thần của hầu hết nhiều người (không cứ chỉ là trẻ tuổi) ở trong xã hội. Ta hãy đảo qua các tiệm “cà phê internet” vào các đêm trắng mới thấy văn học ở ta “quan liêu” thế nào. Văn học đã không biết cách làm thoả mãn các độc giả thân yêu của nó để đề tài ấy cho các phương tiện nghe nhìn khác ra sức khai thác vô tội vạ, thậm chí chẳng đếm xỉa đến bất cứ một thứ tabou nào hết.

2. Dục tính là nhân tính

Triết lý trứ danh đó của đạo Phật thật sâu sắc và vĩ đại. Để hiểu rõ điều này chẳng phải dễ dàng. Hầu hết các nhà văn đáng kể trong thâm tâm đều muốn viết ra được một cuốn “dâm thư” có ý nghĩa giáo dục như “Truyện Kiều”, như “Nghìn lẻ một đêm”, “Hồng lâu mộng” hay “Kim Bình Mai”… Người xưa từng cho rằng sex, cái hiểm địa ấy chính là “cánh cửa sinh ra ta mà cũng là nấm mồ chôn ta”. Ở người đời, tư tưởng - với sự hỗ trợ của bản năng – bao giờ cũng muốn phóng khoáng phong lưu nhưng lại thường không dám nhìn thẳng vào mình, không muốn (như nhiều người nói) “đối diện với mình”, không dám “đối diện với tha nhân”. Con người ngượng ngập tìm cách che giấu dục vọng, kìm nén nó, không dám bước ra các biên giới lằn ranh luân lý.
Thường các ranh giới vô hình ấy chỉ là hàng rào chắn để áp đặt cho người khác chứ lại không nhằm vào mình (dâm là xấu, dành cho kẻ khác chứ không dành cho ta). Trớ trêu, câu chuyện “ban ngày quan lớn như thần/ ban đêm quan lớn tần mần như ma” vẫn là một nét chân dung phổ quát không phải chỉ riêng ở những người “giỏi chính trị”. Không gì dạy cho người ta “giỏi chính trị” như dục vọng. Nhân tính và phi nhân tính cũng là ở đấy. Dục vọng với sĩ diện, với danh dự là “hai mặt của một vấn đề”, là văn hoá, là nghệ thuật đã làm nên giá trị (phải chăng là duy nhất có ý nghĩa?) cho cuộc sống này.
Sex- về phương diện nào đấy không chỉ đơn thuần là chuyện phòng the duy trì nòi giống. Luân lý khoác lên sex cái áo giáp nghĩa vụ cao thượng rồi trả công rẻ mạt cho nó bằng chút ít khoái cảm không làm thoả mãn thật sự cho cả người nam, người nữ. Luân lý làm nghèo tính dục. Nhiều nhà văn cảm thấy bó tay trước bức tường vô minh luân lý dựng lên trước đề tài tính dục. Đề tài này khó đến nỗi trong văn chương thực sự nó gần như một miếng đất hoang. Đúng là hiểm địa!

3. Vẫn bị bóng đè

Trong văn học Việt Nam “đương đại” (tôi lấy mốc bắt đầu từ “đổi mới” trở lại đây) phải ghi công cho các nhà văn nữ với việc khai hoá đề tài tính dục. Người đầu tiên có những đóng góp đáng kể là Phạm Thị Hoài với một loạt truyện ngắn như “Năm ngày”, “Thuế biển”, “Chín bỏ làm mười” v.v… Lối viết “gia giáo” của Phạm Thị Hoài vẫn là một lối tiếp cận từ xa, sex trong tinh thần chữ nghĩa nhiều hơn là ở những cảm giác trực tiếp. Gần đây, với tập truyện ngắn “Bóng đè”, Đỗ Hoàng Diệu có một sự bứt phá hiện đại và quyết liệt hơn ở trong ý thức của người viết về đề tài này.
Sự ỡm ờ trong việc trình bày tính dục làm cơ sở cho những ngụ ngôn phê phán xã hội là một định hướng khá chính xác của ngòi bút hiện thực vô thức Đỗ Hoàng Diệu (tiếc thay Đỗ Hoàng Diệu cũng vẫn chỉ bó hẹp ở trong hệ quy chiếu hiện thực mà thôi). Cái hạn chế, chính là ở chỗ Đỗ Hoàng Diệu cũng chưa dám đi tới cùng để ý nghĩa ngụ ngôn kia (tức là vạch trần chân tướng xã hội) khoả thân trần trụi hơn. Sở dĩ “Bóng đè” thành công, làm nhiều người thích hơn các truyện ngắn khác như “Dòng sông hủi”, “Tình chuột” v.v… chính là ở chỗ Đỗ Hoàng Diệu đã làm cho người đọc hiếu kỳ luôn nơm nớp dò hỏi: “Ai đè? Bóng nào đây? Lịch sử ư? Hay là xã hội? Hay là… ấy?”. Tôi rất hiểu cái khó của Đỗ Hoàng Diệu vì bản thân tác giả cũng chẳng muốn salon hoá “cái nõn nường” một chút nào (nó đáng để treo cao hơn). Viết về sex có tính chất thiền không phải ai cũng đủ sức làm được.
Sex chỉ là sex thì vô nghĩa, không đáng bàn, tốt nhất là đi xem phim sex. Cho đến nay có lẽ chưa có nhà văn nào ở ta viết về đề tài tính dục vừa làm thoả mãn được tính hiếu dâm lại vừa thoả mãn được thói ưa chuộng luân lý và tật thói đạo đức giả của người đời một cách thuyết phục và văn học nhất. Thực sự, đây là một bài toán khó giải cho các cây bút tiên phong trong văn học. Đến bây giờ, “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu vẫn là một bóng đè cho nhiều người viết (nhất là cho đám mày râu lúc nào cũng ra dáng oai phong lẫm liệt giương oai diễu võ trên các văn đàn).
Hay là chúng ta hãy bắt đầu bằng việc tự quan sát bản thân và viết ra những lời tự sự thật lòng, thật tự nhiên, không hề dối trá? Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc kể lại những mối tình đầu với ý thức sám hối rằng chúng ta đã để buột mất đi cuộc sống, buột mất đi những cảm giác khoái lạc nhất chẳng qua vì chúng ta đã đánh giá quá cao “những thiên đường mù”?
Trở lại trường hợp của Đỗ Hoàng Diệu. Dù thế nào đi nữa tôi vẫn coi đó là một hiện tượng đáng kể nhất trên văn đàn vừa qua. “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu vẫn còn dư sức đè người ta nếu như chưa có ai viết được về tính dục hay hơn và hot hơn thế.

• Nguyễn Huy Thiệp
15/4/2006
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi MyLinh » Thứ 7 09/06/07 23:41

MyLinh cảm ơn bạn TranHieu đã là người đầu tiên hưởng ứng tích cực lời mời thảo luận của MyLinh. [Và tiếp theo, cảm ơn Sin Ân nữa].

Tuy nhiên, bạn TranHieu đã vào đề hơi đột ngột với câu “Cam on ban reply. Cung giong nhu MyLinh, toi la ke ngoai dao doi voi cong viec chuyen nganh ve VH”. Chắc rằng 2 câu đó sẽ khiến cho các thành viên khác ngơ ngác chẳng hiểu gì hết ngoài hai chúng ta !

MyLinh đành phải xin giải thích với các bạn thế này:

Số là cách đây 2 hôm MyLinh có nhận được một tin nhắn từ bạn TranHieu, nội dung như sau (có lược bớt một chút):

Gui Ban My Linh
toi dong tinh voi quan diem cua ban. Nhung khong hieu ban cong tac o linh vuc nao?... Truyen ngan Tu cua Y Ban ... lau nay chi luu hanh tren Internet. Neu toi nho kong nham thi ngay sau [khi] tap truyen ngan nay cua YB duoc 1 NXb in thi bi thu hoi. Day la mot dien dan chinh thuc cua Khoa Van Hoa Hoc, vay mong ban khi post bai hay can trong keo anh huong den dien dan.
Tran trong


Quả thực, MyLinh đã rất xấu hổ khi được TranHieu nhắc nhở như vậy. MyLinh rất yêu website và Diễn đàn này. Trong thâm tâm, MyLinh rất biết ơn BM đã bỏ công sức (trong khi công việc chuyên môn rất bận rộn) xây dựng cho chúng ta “sân học” và ‘sân chơi “ này.

Trong bức thư mà MyLinh đã viết trả lời tin nhằn của bạn TranHieu (mà TranHieu vừa nhắc đến ở trên rằng “Cam on ban reply”), MyLinh đã thú nhận rằng mình chỉ là một người rất yêu thích văn chương và văn hoá, nhưng không có được cái may mắn làm việc trong những ngành nghề, lĩnh vực trưc tiêp liên quan đến văn hoá và văn hoá học, mà là làm việc trong môi trường kinh doanh.

Đi học cao học văn hoá học là môt cố gắng lớn của MyLinh. Còn chồng và gia đình thì chỉ muốn MyLinh đi học quản trị kinh doanh.

Do kiến thức lỗ mỗ và thiếu hụt như vậy mà MyLinh đã nghĩ một cách đơn giản rằng đưa chủ đề [hot] này ra cũng là một cách đóng góp xây dựng Diễn đàn, không ngờ nó lại có thể có khía cạnh làm “ảnh hưởng đến Diễn đàn” như TranHieu nói.

Về Y Ban và “Tự”: MyLinh biết đến Y Ban một cách khá ngẫu nhiên.

Có một lần MyLinh lang thang trong các diễn đàn của giới doanh nghiêp, gặp chuyện “Tự”, thấy hay hay, MyLinh liền download về. Nhưng vì lúc đó chưa được học môn phương pháp NCKH cùa thây Thêm nên MyLinh không chép lại đường dẫn, thành ra bây giờ chẳng thể biết nó ở đâu nữa.

Hai vợ chồng MyLinh đã cùng xem, và thú thực là đều cùng có một cảm giác như nhau là vừa thấy sợ vừa thây thích.

Chông MyLinh làm trong lĩnh vực xây dựng, lớn hơn MyLinh cả gần chục tuổi, nên anh đọc thấy rất thấm thía. Anh đã trải qua thời bao cấp (còn MyLinh khi đó thì còn hơi nhỏ, nhưng cũng hiểu biết ít nhiều).

MyLinh cũng có nghe nói là tập I am đàn bà bị đình chỉ phát hành và thu hồi. Nhưng vì không được đọc nên cũng không nghĩ đến việc kiểm tra xem chuyện TỰ có trong tập này hay không.

Học xong môn Lý luận văn hoá học của thầy Thêm (trong đó có mục "văn hoá bảo tồn nòi giống" và các vấn đề lý luận khác), tuy chắc là chưa hiểu hết được, nhưng MyLinh cứ băn khoăn mãi về cái cảm giác "thích" chuyện này của cả hai vợ chồng.

Vì vậy MyLinh post chuyện này lên đây, muốn để sau đó được nghe cạc ban và các thầy cô bình luận, phân tích để hiểu kỹ hơn về chuyện này và để xem cái "cảm giác" của mình có đúng không.

Nếu “bị thu hồi” thì nó phải là xấu. Vậy thì xin các bạn và các thầy cô phân tích cho vợ chồng MyLinh hiểu nó xấu ở chỗ nào?

Chắc rằng không phải xấu vì chuyện sex? Vì nếu là chuyện sex thì đâu phải Y Ban là người đầu tiên và duy nhất? MyLinh không có điều kiện theo dõi được đầy đủ, chỉ mới đọc vài truyện như Man Nương của Phạm Thị Hoài; Bóng đè,Vu quy của Đỗ Hoàng Diệu; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư... Bạn TranHieu vừa rồi đã cung cấp cho chúng ta một danh sách còn dài hơn.

Chắc rằng cũng không phải vì nó “nhớp nhúa”. Trước đây, nhiều người cứ ngây thơ nghĩ rằng văn chương thì phải thơ mộng, lãng mạn..., nhưng các nhà văn hiện thực đã mở mắt cho chúng ta thấy rằng văn chương có thể nói đến những điều tối tăm, ô uế, bẩn thỉu, nhớp nhúa.. nhưng vẫn cứ có thể tuyệt vời như thường. Nguyễn Huy Thiệp với “Tướng về hưu” và nhiều truyện khác; Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận” nhớp nhúa hơn nhiều - Nguyễn Ngọc Tư còn bị lên án rằng đã bôi xấu quê hương, tưởng rằng sách phải bị cấm đến nơi; tác giả phải ra toà, phải bỏ xứ mà đi đến nơi, ấy vậy mà rồi sách vẫn cứ được coi là hay - bán chạy như tôm tươi, tác giả vẫn được những người dũng cảm (sau đó thì cả những người "ăn theo" nữa) ca ngợi!

Vừa rồi TranHieu có đồng ý rằng tình dục trong văn học nói chung và trong văn của Y Ban nói riêng không có gì xấu. Bạn ấy cho rằng vấn đề chỉ là ở chỗ “nó thực sự là một hiện tượng văn hoá hay chưa?” Rằng chẳng qua nó (cùng với các tác giả Việt Nam khác) “ăn theo” phong trào văn học sex của Trung Quốc.

“Ăn theo” lại càng không phải là một cái xấu. Chẳng phải tất cả chúng ta đều đang “ăn theo” đấy sao? Ta đang đi theo hướng kinh tế thị trường - đó chẳng phải là “ăn theo” sao? Sản xuất hàng hoá “ăn theo” thói quen mua săm của dân chúng. Quảng cáo “ăn theo” hàng hoá. Truyền hình và báo chí “ăn theo” quảng cáo. Ngành đào tạo báo chí học "ăn theo" báo chí và truyền hình, v.v. và v.v.

Không chỉ “ăn theo”, nhiều khi chúng ta còn ‘ăn cắp”: ăn cắp thời gian (điều này thì rõ quá!), ăn cắp không gian (vd: lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường...), ăn cắp uy tín (vd: các quan chức dùng địa vị của mình để mưu lợi ích cá nhân), v.v. Những cái đó mới thực là xấu. Nhưng ôi thôi – nó phổ biến và quen thuộc đến mưc người ta quên rằng nó xấu. Quên rằng nó xấu còn bởi vì cái xấu ấy - ở những mức độ khác nhau - đang có ở chính trong mỗi người.

Yếu tố tình dục, những câu chuyện tình dục như Y Ban miêu tả cũng có thể hiện hữu trong mỗi người. Chỉ có điều lâu nay nhiều người phủ lên mình bộ mặt đạo đức giả nên cho rằng nó xấu. Hoặc vì lâu nay không quen nói ra - cái lâu nay chi nói riêng thì nay có người nói toang toang ra cho mọi người cùng nghe ! Cái lâu nay chỉ nói trong nhà thì nay có người nói to lên giữa thanh thiên bạch nhật !

Nếu các bạn không tin điều tôi nói thì hãy nhìn lại mà xem: Trong hơn 1 tháng tồn tại của Diễn đàn này, nếu không kể ba chủ đề "Hướng dẫn sử dụng..." (là cái ai cũng cần), "Phương pháp NCKH" và "Văn hoá học đại cương" (là những chủ đề liên quan đến việc thi cử), thì chủ đề được đông người vào xem nhất chính là chủ đề tình dục trong văn Y Ban này đấy (117 lựơt)! MyLinh có thể cá rằng có không ít người ngày ngày chờ post lên để vào xem đoạn tiếp theo, rồi vợ chồng cùng bàn tán với nhau; nhưng ngày hôm sau trước mặt bàn dân thiên hạ thì vẫn tỉnh queo mà chê bai, mà "eo ơi, khiếp"!

Theo MyLinh, có một điều chắc chắn là hạn chế của loại truyện này: nó cần được giới hạn cho người lớn. Nói khác đi, nó cần được dán nhãn “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”. Hàng hoá này dành riêng cho phụ nữ, hàng hoá kia dành riêng cho đàn ông, quần áo nọ dành riêng cho trẻ em, truyện này phim kia dành riêng cho người lớn... Việc giới hạn phạm vi sử dụng thì đâu phải là cái xấu !

Nếu không chứng minh được là nó xấu, thì ta nên thử tìm xem nó có “giá trị” (- thuật ngữ văn hoá học) ở chỗ nào?

Theo đúng định nghĩa, có GIÁ TRỊ là có VĂN HOÁ đấy!
Hình đại diện của thành viên
MyLinh
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 5 31/05/07 20:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi CaoLy » Thứ 2 11/06/07 15:42

Y Ban: 'Tình yêu được tôi chắt chiu và dùng dè xẻn'

vnexpress.net, 13/2/2005

- “Đàn bà xấu thì không có quà” của chị đã được dư luận đón nhận, chị được là mình nhiều hơn ở trong tiểu thuyết hay truyện ngắn?

- Trong tác phẩm Đàn bà xấu thì không có quà, nàng Nấm có đôi chân ngắn còn tôi cao 1m60, cô ấy khát khao một tình yêu còn tôi thì hình như dư thừa... Nhưng tôi và cô ấy cùng có chung một điểm là cùng viết văn. Còn trong các truyện ngắn khác của tôi thì là những người đàn bà đang chống chếnh trên con đường tình yêu và sự nghiệp, không lẽ lại cứ là tôi cả sao. Tuy nhiên, khi viết tôi luôn đặt tôi vào tình huống của nhân vật để diễn tả tâm lý vì thế nên người đọc cứ nghĩ rằng đó chính là tôi.

- Hiếm người nào có thể hiểu về những người đàn bà hơn chị, chị làm thế nào để nhìn thấy những khát vọng, ẩn ức của người đàn bà xấu như Nấm?

- Thì tôi cũng là một người đàn bà xấu mà. Nếu tự nhận thấy mình đẹp có lẽ tôi đã cầm bút về người đàn bà đẹp.

- Có khi nào chị nghĩ mình sẽ chuyển hướng đề tài hướng về những người đàn ông với những nỗi đau riêng của họ?

- Có chứ, tôi cũng đã có viết về những người đàn ông. Ngay trong truyện đàn bà xấu thì tôi nghĩ nhân vật trưởng ban biên tập cũng khá đậm. Hoặc trong các truyện ngắn Bài thơ viết cho Mực, tôi đã viết về ông Khiết đã giết chết con chó chỉ bởi vì nó trung thành quá. Giết chết nó rồi thì lại đau đớn quá, lấy chiếc áo của ông để khâm liệm cho nó rồi còn làm một bài thơ đốt trên mộ nó. Bài thơ thế này: Bảo chui vào gầm gường/ Ừ thì chui vào gầm gường. Bảo sủa lên/ Ừ thì sủa lên. Bảo im đi/ Ừ thì im đi. Rồi im lặng sống một đời con chó.

- Người ta bảo trong trang viết thường chỉ đi vào những cái vụn vặt đời thường, thì tác phẩm sẽ không “lớn” được, chị nghĩ sao?

- Tình yêu mà không là chuyện lớn ư? Những tác phẩm còn lại với thời gian là những câu chuyện tình đấy chứ. Tôi vẫn quan niệm rằng đã là tác phẩm nghệ thuật thì phải hay. Một câu chuyện tình tầm thường nhưng khi được thăng hoa bằng câu chữ, được người đọc đón nhận thì sẽ hơn nhiều một tác phẩm viết những điều to tát mà không hay. Vì những điều to tát đó không được người ta đọc thì còn gì là tác phẩm lớn nữa

- Sau những vất vả và gian truân để sống và kiếm tìm hạnh phúc, chị cảm thấy sao nếu được nhận xét đang ở thời điểm sung mãn?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sung mãn cả. Mọi thứ đều được tôi chắt chiu từng ngày và dùng dè xẻn. Nhất là cái thứ gọi là tình yêu và hạnh phúc đó. Tôi chỉ tin vào cái đang tồn tại đó thôi, còn ngày mai tôi không biết nó thế nào.

- Chị nghĩ sao khi người ta nói, hạnh phúc không êm ả đối với người đàn bà viết văn?

- Tôi chẳng thích thú gì với cụm từ "người đàn bà viết" một chút nào. đơn giản tôi là một nhà văn, tôi cố gắng có trách nhiệm với ngòi bút, đến một lúc nào đó không viết được nữa thì thôi. Còn hạnh phúc của nhà văn Y Ban thế nào à? Rất đơn giản thôi, một buổi sáng thức dậy tự bằng lòng với những thứ mình đang có và thế là hạnh phúc. Còn hôm nay ư, đang rất đau khổ. Có thể sự đau khổ này là do mình tự làm khổ mình thôi. Tôi thương thân mình và thương một người đàn bà khác. Một sự thương cảm mà tôi chợt nghĩ ra rằng không cần vì người đàn bà đó không cần đến sự thương cảm của tôi đâu, chỉ để mà thương thân mình thôi nhưng tôi vẫn không thể dứt mình khỏi ý nghĩ đó được.

- Sau “Đàn bà xấu thì không có quà", chị sẽ tiếp tục cho ra mắt tác phẩm nào trong năm mới?

- Tôi cũng không biết ngày mai tôi sẽ viết gì. Tôi nghiệm ra rằng “nói trước bước không qua. Tôi mà nói tôi sẽ định viết cái này cái nọ thì y như rằng có viết được chục trang rồi cũng bỏ. Tôi vừa khai bút năm mới được một truyện ngắn Hai bảy bước chân lên thiên đường, theo đánh giá của tôi đó là một truyện hay và cái chính là sau một năm, tôi mới viết được thêm 1 truyện ngắn.

Thu Hà thực hiện
RANDOM_AVATAR
CaoLy
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 3 05/06/07 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi CaoLy » Thứ 2 11/06/07 17:56

Y Ban với “I am đàn bà”

dantri.com.vn, 20/03/2007

- Khi biết tập truyện “I am đàn bà” của mình - ấn phẩm Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ, Công ty Văn hoá & Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản bị thu hồi, chị phản ứng ra sao?

- Nghe tin tôi cực kỳ bị sốc. Tôi như một tội đồ khi mọi người nghĩ tôi vừa gây ra scandal để đánh bóng tên tuổi. Có nhà văn còn nhắn tin: “Chúc mừng vì cậu càng… nổi tiếng”. Tôi rơi vào trạng thái rất chán. Chồng tôi cũng là một nghệ sĩ, chúng tôi chỉ biết chia sẻ với với nhau chứ bạn bè thì...

- Nếu như “I am đàn bà” bị sửa chữa, gạch bỏ một số trang đoạn nữa, với tư cách là tác giả, chị xử lý thế nào?

- Cuốn sách I am đàn bà do NXB Công an Nhân dân ấn hành, tôi đã đồng ý với biên tập cắt bỏ một số đoạn và cũng đồng ý với bản thảo giống hệt do NXB Phụ nữ liên kết với Nhã Nam xuất bản, nhưng nếu NXB Phụ nữ cắt bỏ nữa thì tôi sẽ không đồng ý cho in.

Khi tôi đồng ý liên kết với Nhã Nam, trong văn bản có nói khi biên tập, cắt bỏ đoạn nào thì phải thông qua tác giả. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết, NXB Phụ nữ định cắt bỏ đoạn nào, như thế nào của tôi.

- Có nhiều người cho rằng, sở dĩ cuốn “I am đàn bà” bị thu hồi là do tác giả quá sa đà vào khía cạnh sex?

- Về chuyện cuốn sách bị thu hồi, đến giờ, tôi cũng chưa được ai giải thích lý do vì sao. Còn về sex, tôi đã từng nói trên báo chí là tôi dùng sex làm phương tiện và mục đích để truyền tải ý đồ của mình. Thực ra trong cuốn này, tôi “buông thả” mình nhưng hoàn toàn ý thức được việc viết của mình.

Nếu theo lối viết của ngày xưa, tôi có thể cắt bỏ đi rất nhiều đoạn của truyện ngắn I am đàn bà và Tự mà vẫn là truyện ngắn hay. Nhưng tôi nói thẳng ra thế này, tôi cũng có máu ăn thua tí. Các cô trẻ viết sex, tôi cho rằng chưa “chín”, chưa “thấm” gì so với người đàn bà 46 tuổi, một chồng, 2 con nên tôi thử “tung ra” để mọi người xem như thế nào.

¬- Biết là chị viết như một sự trải nghiệm đến tận cùng của một người đàn bà có “máu ăn thua” với “các cô viết trẻ” , nhưng với “Tự” và“I am đàn bà” người ta nói Y Ban đề cập sex với lối thể hiện dường như quá đà, buông tuồng, dễ dãi?

- Nếu đó là lời nhận xét của độc giả thì tôi hoàn toàn tôn trọng. Bản thân tôi, tôi hoàn toàn làm chủ được ngòi bút của mình. Nếu tôi “buông thả” thì tôi đã viết cuốn này thành tiểu thuyết rất…ẩm ướt.

Trong Tự, tôi đưa ra những vấn đề rất nóng của xã hội từ thời bao cấp, mở cửa và hội nhập cùng thân phận người phụ nữ xuyên suốt các thời kỳ đó. Còn I am đàn bà, tôi viết khi đọc bài báo về người phụ nữ đi làm ôsin bên xứ người, trần trụi một tí nhưng tư tưởng rất nhân văn.

Tôi là một nhà văn nghiêm túc. Tôi nghĩ vấn đề mình đề cập rất nhân văn và tôi làm mọi điều để nó đến được với độc giả chứ tôi không phải kẻ háo danh, gây sốc để thu hút sự chú ý.

- Nếu cho thang điểm 10, chị tự chấm cho cuốn “I am đàn bà” điểm mấy?

- Quan điểm của tôi là truyện nào vừa ra là truyện tôi thích nhất. Truyện nào viết ra tôi cũng cho 10 điểm hết!

Tôi rất khoái khi I am đàn bà ra được. Những đứa con nào mà mình nuôi nó dễ quá thì ít có kỷ niệm với mình, ngược lại đứa con nào mang nặng đẻ đau “nhiều chuyện” thì lại có nhiều duyên nợ hơn. Riêng cái cuốn này, tôi chờ đợi nó ra đời lâu quá. Từ tháng 8/2005, tôi đã đưa nó sang NXB Hội Nhà văn nhưng họ không cho giấy phép, cho đến cuối năm 2006 nó mới xin được giấy phép ra đời dưới NXB Công an Nhân dân nhưng cũng gặp không ít sóng gió.

- Không chỉ “gặp sóng gió” trong dư luận mà cuốn sách bị thu hồi còn ảnh hưởng tới vấn đề…“tiền nong”?

- Dĩ nhiên là ảnh hưởng chứ, sách không được phát hành thì tôi cũng bị thiệt hại về kinh tế. Đấy là chưa nói đến việc tôi mang truyện ngắn I am đàn bà dự thi trên báo Văn nghệ, cuối tháng 3 tổng kết. Giờ mọi chuyện ầm ĩ như thế này thì… ảnh hưởng vô cùng rồi!

- Chị từng nói, chị chỉ muốn có những người “đập” cho mình một cú vào mặt để mình đừng…ảo tưởng. Vậy việc cuốn “I am đàn bà” bị thu hồi, có thể coi là “một cú đập vào mặt chưa”?

- Mọi người vẫn thường trêu tôi là Y Ban được nhiều ưu ái và khen ngợi quá. Cuốn nào của tôi ra cũng thu hút sự chú ý và gặt hái thành quả nên đã đến lúc “đập cho Y Ban một cú”. Quả thật khen mà không đúng, tôi chẳng thích. Nhưng đập thì cũng phải đập làm sao cho đúng. Nếu nói cuốn này sex, dễ dãi và thu hồi thì tôi không tâm phục khẩu phục.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!

Nguyễn Hằng
RANDOM_AVATAR
CaoLy
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 3 05/06/07 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi ptngocdiep » Thứ 3 12/06/07 9:03

Tôi tán thành suy nghĩ mạnh dạn của bạn Mỹ Linh...

ptndiep

Tôi biết là tập truyện ngắn I am đàn bà của Y Ban do NXB Phụ nữ ấn hành vừa bị Cục Xuất bản đình chỉ phát hành và thu hồi (mà lý do chủ yếu có lẽ là do 2 truyện “I am đàn bà” và “Tự”).

Nhưng tôi lại biết là trước đó, tháng 11/2006, cũng chính tập truyện I am đàn bà này đã được NXB Công an nhân dân phát hành và bán hết 1.500 bản in.

Dù bị cấm hay chính vì bị cấm mà càng nhiều người tìm đọc cuốn sách này hơn, I am đàn bà trở thành một sự kiện văn học, hay rộng hơn, một sự kiện trong đời sống văn hóa.

Bạn TranHieu cho rằng truyện của Y Ban không phải là một hiện tượng văn hoá vì nó chẳng qua “ăn theo” phong trào văn học sex của Trung Quốc. Có lẽ bạn ấy hơi “quan trọng hoá” khái niệm “sự kiện”. “Sự kiện” theo Từ điển tiếng Việt do GS. Hoàng phê chủ biên chỉ là “sự việc có ý nghĩa ít nhiều quan trọng đã xảy ra” (tr. 862, bản in năm 1992). Việc một cuốn sách bị thu hồi và được nhiều người tìm đọc thì chắc chắn là một “sự việc có ý nghĩa ít nhiều quan trọng” trong đời sống văn hoá rồi!

Ý kiến về sự kiện này hiện đang rất khác nhau, chính vì vậy mà tôi tán thành suy nghĩ mạnh dạn của bạn Mỹ Linh (trong chúng ta không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để mạnh dạn được như bạn ấy) là nên đưa ra trao đổi trên diễn đàn văn hóa học của chúng ta.

Điều quan trọng ở đây, theo tôi, là ta cần phân biệt “dục” và “dâm”.

Tình dục là nhu cầu nhân bản của con người, và chúng ta ai mà chẳng nhớ câu châm ngôn Marx yêu thích nhất là: “Cái gì thuộc về con người đều không xa lạ đối với tôi”. Tình dục là chuyện của văn hóa chứ, phải không?

Còn “dâm”, “khiêu dâm”, những chuyện dâm đãng, khích động bản năng thú tính trong phần con của CON NGỪỜI thì phản văn hóa.

Trong trả lời phỏng vấn, Y Ban tỏ ra rất có ý thức về điều này. Bà bảo bà là “nhà văn viết về sex một cách logic và có văn hóa”. Viết về sex một cách logic, theo bà có nghĩa là “tôi không cố tình nhấn nhá vào sex như một cách khiêu dâm.Tôi viết sex khi nhân vật cần phải như thế, câu chuyện nó đẩy nhân vật vào tình huống có sex...”. Còn viết về sex một cách có văn hóa, theo bà, có nghĩa là “đặt sex vào sự đối xử văn minh và có văn hóa của những con người có tri thức”. Lại nữa, “Nếu mình viết trực tiếp, thắng tuột về nó như một thứ nhu cầu bản năng, kích động ở người đọc những ý nghĩ không lành mạnh, không trong sáng thì tác phẩm sẽ trở nên phản cảm. Nhưng nếu tác giả khéo léo, thay thế những khái niệm về các bộ phận, các hành vi của con người bằng nhiều cách diễn đạt văn chương hơn, phủ lên chi tiết “tục” những ý nghĩa rất người, đưa trí tưởng tượng của độc giả đến các vấn đề nhân văn thì khi đó, người đọc sẽ không "lăn tăn" đến chuyện đề tài nữa”.

Tất nhiên, chúng ta không thể chỉ căn cứ vào những lời biện hộ của chính tác giả. Từ ý đồ chủ quan đến hiệu quả khách quan là con đường thật xa. Nhưng riêng tôi cảm thấy về cơ bản, có thể nói trong Tự, “câu chuyện nó đẩy nhân vật vào tình huống có sex” và tác giả ở nhiều chỗ đã làm được việc “thay thế những khái niệm về các bộ phận, các hành vi của con người bằng nhiều cách diễn đạt văn chương hơn, phủ lên chi tiết “tục” những ý nghĩa rất người, đưa trí tưởng tượng của độc giả đến các vấn đề nhân văn”. Và Tự đã nhìn dục tình như chuyện văn hóa.

Thí dụ, tôi cứ nghĩ những người đã học văn hóa học, học về tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp như chúng ta mà đọc đoạn “lễ hội trong vườn cây” và “khảo cây mít” sẽ thấy thấm thía hơn người khác đấy.

Tôi cũng nghĩ rằng Tự đã “đưa ra những vấn đề rất nóng của xã hội từ thời bao cấp, mở cửa và hội nhập cùng thân phận người phụ nữ xuyên suốt các thời kỳ đó”. Tôi cũng đã trải qua thời bao cấp, dù khi đó còn bé, nhưng tôi bỗng có thể hình dung lại được, cảm nhận được khá nhiều điều Y Ban đã thể hiện. Những tình trạng cuộc sống khó khăn của một thời “đôi khi cũng đồng hành với sự tha hoá” (lúc ấy thì không khác được, ta phải vượt qua, nhưng bây giờ nhìn lại làm sao mà không khỏi tự thương xót?). Tôi nghĩ rằng ở đây không chỉ có vấn đề người nữ và dục tình mà chính là vấn đề người nữ và dục tình trong quan hệ với những vấn đề xã hội và lịch sử.

Điều quan trọng nữa là tôi cảm thấy tuy có thể “bạo liệt”, nhưng nhân vật của Y Ban, văn của Y Ban vẫn rất “nữ tính”, và đằng sau tất cả có lòng thương yêu con người, ao ước vươn tới những cảm xúc xứng đáng với con người.

Thú thật, cũng có đôi chỗ tôi đọc và cảm thấy hơi “quá đà”. Tôi nghĩ nhà văn có ý thức làm chủ ngòi bút của mình nhưng một đôi khi những con chữ như những con ngựa bất kham…
Chính Y Ban cũng mang máng về điều này, khi chồng bà đọc “Tự” xong đã bảo bà: “Đừng cho in truyện đó, không thì đeo mo vào mặt đấy”, hay khi bà hối hận rằng trong khi đã cấm con gái mình đọc thì lại không nghĩ rằng nhiều người trẻ sẽ đọc bà mà bà thì lại mặc định truyện viết cho những người đã từng trải…
RANDOM_AVATAR
ptngocdiep
 
Bài viết: 14
Ngày tham gia: Thứ 4 30/05/07 8:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

THAM CHIEU

Gửi bàigửi bởi TranHieu » Thứ 3 12/06/07 20:11

Toi da tung du dinh viet tieu luan ve van de Tinh duc trong van hoc tre VN hien nay nhung do hoc dot, kien thuc con han hep nen de tai do toi danh bo do (vi du dinh do ma toi doc ve de tai nay kha nhieu nhu ban MyLinh da viet "cung cap mot danh sach con dai hon"). Trong qua trinh xu li du lieu, toi nhan thay rang, cach viet ve sex cua nhung cay viet tre (phan nhieu la nu) VN voi nhung cay viet nguoi Viet o nguoc ngoai rat khac nhau. Nhung cay viet nguoi Viet o nuoc ngoai ve sex co the ke den Le thi Tham Van va Pham thi Hoai. O day, toi khong dua ra nhan xet chi dua ra duong dan mot truyen cua Pham Thi Hoai de anh chi em doc tham chieu:
http://vanhoahoc.googlegroups.com/web/P ... Md943rSonA
Anh chi em doc va dua ra nhan xet nhe.
Rat mong duoc doc nhung bai post nhu cua MyLinh, ptngocdiep.
Sửa lần cuối bởi mrTruongSon vào ngày Thứ 4 13/06/07 11:30 với 1 lần sửa trong tổng số.
Nguyên nhân: đề nghị bạn viết tiếng Việt có dấu
Tôi dâng hiến đời tôi cho 3 việc
Trà ngon - Rượu quý - Sex
http://www.thegioinguoilon.info/diendan/
RANDOM_AVATAR
TranHieu
 
Bài viết: 74
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 22:06
Đến từ: Cty Viet Thai Son
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN Y BAN TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi NgoDieuLan » Thứ 4 20/06/07 10:14

Tôi đọc TỰ của nhà văn Y Ban qua sự giới thiệu của một người bạn. Tôi đọc một mạch từ đầu đến cuối và ấn tượng đầu tiên của tôi là thấy là lạ bởi cách viết về tình dục khá “mạnh” của tác giả. Tuy nhiên nó không đọng lại lâu mà trôi qua khá nhanh, nhường chỗ cho những suy tưởng khác.

Lại đọc được thông tin truyện bị cấm in và phát hành, tôi không thể không đọc truyện thêm một đôi lần nữa, để kiểm tra cảm giác ban đầu của mình, nhưng rồi cũng chỉ nhận thấy ngoài cảm giác về lối viết mạnh, thẳng thì hoàn toàn bị cuốn vào diễn biến nội tâm của nhân vật. Diễn biến sex trong câu chuyện có cụ thể chi tiết thật nhưng không trần trụi, phản cảm vì tác giả đã “thay thế những khái niệm về các bộ phận, các hành vi của con người bằng nhiều cách diễn đạt văn chương hơn, phủ lên chi tiết “tục” những ý nghĩa rất người, đưa trí tưởng tượng của độc giả đến các vấn đề nhân văn”. Tôi thiết nghĩ, để đem đến được cho người đọc những suy nghĩ tương đối “ổn định” thông qua tình dục như thế thì tác giả rõ ràng phải và đã kiểm soát được ngòi bút của mình.

Ở TỰ, người ta không những hiểu mà còn rất thấm thía về cái cách mà nhu cầu tình dục của con người được đối xử như thế nào trong các giai đoạn phát triển của xã hội. Sex của nhân vật nữ trong TỰ được cho thêm không gian, được trả lại cho ít nhiều bản năng, được để phát triển tự nhiên theo cảm xúc nhân vật, và đẩy lên đến đỉnh điểm của cao trào rồi bất ngờ, bằng cách này hay cách khác, bị tước đoạt đi một cách phũ phàng. Con người cứ đi tìm, rồi bị rơi vào cái cảm giác hụt hẫng, lơ lửng, thất vọng, ê chề, rồi lại đi tìm…

Theo tôi, TỰ đã làm được cái việc là tạo một cái nhìn trực diện vào chủ đề tình dục, đặc biệt hơn là tình dục với phụ nữ. Đã là con người thì tình dục sẽ là nhu cầu, mà là nhu cầu thì cần được đáp ứng. Nhưng thực tế đối với nhiều phụ nữ (tôi cho là như vậy), thì chuyện dành “ưu ái” cho nhu cầu này gần như không được họ ý thức hoặc ý thức chưa đầy đủ. Tư tưởng cho rằng tình dục thuộc về mảng tối, mảng cấm kỵ trong con người tồn tại quá lâu đã trở thành một nếp nghĩ, một cái “bóng đè” đối với người phụ nữ trên con đường đi tìm hạnh phúc cho chính mình. Thực ra, người ta đói mà không được ăn no, khát mà không được uống cho thỏa cơn thèm thì làm sao có thể nói là hạnh phúc? Đem ra so sánh với nhu cầu ăn uống thì có thể hơi thô thiển nhưng khao khát nhu cầu tình dục mà không được thỏa mãn (mà họ hoàn toàn đáng được hưởng) thì cũng có khác gì.

Tình dục trong TỰ có phần “bản năng” thì vì chính bản thân tình dục cũng là như vậy mà. Cái cách mà nhân vật TÔI muốn gào lên với mẹ chồng rằng cô “cũng thích chuyện ấy với chồng” “nếu không có tiếng đằng hắng của mẹ và tiếng cười rúc rích của chị dâu” là một cách muốn mọi người công nhận điều đó của TỰ đấy chứ. Cô muốn lên tiếng chống đối ý nghĩ “Đàn bà thì mình chỉ cốt là cho nó có con chứ có phải sung sướng gì đâu” là muốn phản kháng lại với lối suy nghĩ tự kìm hãm, tự lừa dối cái bản năng ấy của không ít người trong xã hội chúng ta. Có ai đọc mà không thấy giật mình trước một phản ứng bất ngờ và dữ dội (mặc dù ngấm ngầm) như thế không? Giật mình để rồi nhìn lại mình, để ngẫm nghĩ xem mình đã đối xử với nhu cầu ấy của bản thân như thế nào, và sẽ thế nào để cuối đời không phải băn khoăn như nỗi băn khoăn của nhân vật về hạnh phúc của người mẹ tảo tần hy sinh của cô: “niềm vui sướng hạnh phúc của mẹ là gì?”!

Tình dục của nhân vật ở TỰ tuy có phần “bản năng” nhưng không phản cảm, vì phần lớn tác giả đã “chăm chút” nó bằng những từ ngữ thanh hơn, và quan trọng là bà đã không tách rời nhu cầu tình dục của nhân vật với nhu cầu tình yêu, hướng suy nghĩ của độc giả đến phần NGƯỜI của nhân vật. Với chồng và có tình yêu thì tình dục của nhân vật thăng hoa, có quá trình phát triển, có khao khát. Mặt khác, đề cập đến những hành vi tình dục rõ ràng dẫn dắt đến những cảm xúc ngày càng mãnh liệt của TÔI với chồng rồi đem dập tắt chúng phũ phàng bằng những hoàn cảnh tréo ngoe, hết lần này đến lần khác, mà thật là logic trong bối cảnh lịch sử xã hội thời chưa mở cửa, tác giả đã gây ra được một hiệu ứng xúc cảm: sự thấm thía, xót xa cho cái nhu cầu khao khát tình dục và tình yêu không được thỏa mãn của con người, một thời… Tôi thiết nghĩ, nếu buông thả theo lối viết buông tuồng, dễ dãi, kích thích tầm thường thì tác giả đã không thể hướng chúng ta đến ý nghĩa nhân văn như thế.

Đề cập đến tình dục thẳng thắn không né tránh, nhất là trong môi trường xã hội có một bề dày lịch sử đi qua chế độ phong kiến, thì có thể ít nhiều gây sốc, nhưng không phải cú sốc nào cũng mang đến hiệu quả tiêu cực. Vậy nếu có sốc thì hãy cứ sốc đi, rồi khi bình tĩnh lại thì ngẫm xem liệu người ta có nên và có thể "phân biệt chủng tộc" với cái nhu cầu ấy hoài được không?

Mà cũng biết đâu đấy, TỰ và những cái tương tự thế lại có thể củng cố được sự tự tin của một số người ở phương diện tế nhị này? Vì lâu nay học hỏi, tìm tòi sex không công khai có thể đem đến cho người ta cảm giác mình đã học đuợc điều không giống ai, không “đạo đức”. Bây giờ được công khai quan sát nó hơn, người ta thấy mình cũng không đến nỗi … không giống ai! Trong những tạp chí như Người Đẹp Việt Nam, Thế Giới Phụ Nữ, Thời Trang Trẻ, Hạnh Phúc Gia Đình,… người ta dành nhiều trang thậm chí hẳn một chuyên mục để bàn bạc, tư vấn về sex và cách cải thiện sex. Vậy thì tại sao không thể xem TỰ, ở một khía cạnh, cũng là một hình thức giáo dục về sex? Có hiệu quả đấy chứ! Vì đằng sau đó còn là những cảm xúc rất người của TỰ nữa.

Trong thời đại bùng nổ của các phương tiện thông tin này, có thể nói là gần như không thể ngăn cấm mọi người tiếp cận với sex, ở hình thức này hoặc khác. Người ta cũng biết là thay vì ngăn cấm, vòng vo thì hãy đối diện và tiếp thu sex một cách có văn hóa, để rồi tự biết bảo vệ mình trước sự xâm nhập ồ ạt vang thau lẫn lộn của những sản phẩm văn hóa phương tây. Theo ý kiến chủ quan của riêng tôi thì TỰ là một cách nhìn thẳng vấn đề như thế. Cái cốt yếu là câu chuyện đã có thể làm cho người ta thấy ấm áp, dễ chịu khi tình dục của nhân vật song hành với tình yêu, và biết thất vọng, chán nản, ê chề cùng với nhân vật khi đối diện với sex không tình yêu. Cảm nhận được cái hay và ý thức cái không hay trong cách cư xử với tình dục, người ta tự nhiên sẽ biết phải làm gì với nó.
RANDOM_AVATAR
NgoDieuLan
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Thứ 7 02/06/07 10:19
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá tình yêu và tình dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến33 khách