Văn hóa bảo tồn nòi giống của người Raglai ở Khánh Hòa

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tình yêu, tình dục, quan hệ nam nữ...

Văn hóa bảo tồn nòi giống của người Raglai ở Khánh Hòa

Gửi bàigửi bởi TranHieu » Thứ 4 27/10/10 10:12

NGƯỜI RAGLAI Ở KHÁNH HOÀ
DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA BẢO TỒN NÒI GIỐNG

------------------Trần Kiêm Hoàng

Được sự cho phép của Ths Trần Kiêm Hoàng, tôi post bài này lên diễn đàn để anh chi em có tư liệu tham khảo về đời sống và Văn hóa tộc người. Quan điểm của cá nhân tôi, tôi cho rằng đây là một tài liệu hiếm và quý được viết bởi một người am hiểu về chuyên môn, có trải nghiệm thực tế, có nhiệt huyết nghiên cứu về văn hóa. Để tỏ lòng kính phục, tôi sẵn lòng tài trợ BCS tăng khoái cảm cho Ths Trần Kiêm Hoàng để Ths tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng cho bà con người Raglai nhằm giới thiệu cho bà con biết có nhiều loại BCS khác với những loại được phát miễn phí của những chương trình bảo vệ sức khỏe sinh sản. :mrgreen:

Văn hoá bảo tồn nòi giống là thành tố văn hoá nhìn từ con người nếu xét cấu trúc văn hoá 3 thành phần: văn hoá nhìn từ không gian, văn hoá nhìn từ thời gian và văn hoá nhìn từ chủ thể. Tìm hiểu văn hóa bảo tồn nòi giống của người Raglai ở Khánh Hòa, chúng tôi tham khảo một số công trình của Nguyễn Thế Sang, Phan Quốc Anh, Hải Liên, Ngô Đức Thịnh, nhóm tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, …đã nghiên cứu về tộc người này. Tuy nhiên hầu hết các tác giả chủ yếu trình bày dưới giác độ dân tộc học hoặc xã hội học, nhưng chỉ ở mức độ khái quát. Trong quá trình khảo sát điền dã những vùng người Raglai cư trú ở Khánh Hòa chúng tôi vẫn có khó khăn nhất định. Tìm hiểu về phục trang cổ truyền của người Raglai đã khó khăn, tìm hiểu đời sống tình dục của họ lại càng khó khăn hơn. Ở bình diện này chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời chung chung, và phần lớn là: “Malơu lắm” (mắc cỡ lắm). Những người lớn tuổi thì cho rằng đó là việc của ông bà, của trời cho nó như thế, vì vậy phải làm theo chứ không hiểu, không biết (!).

Được sự giúp đỡ của Chamaliaq Riya Tiẻnq (Tô Hạp, Khánh Sơn), già làng Catơr Diễn (Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn), Pinãng Điệp Phới (Cam Phước Đông, Cam Ranh), Pinãng Điệp Ba (Cam Phước Đông, Cam Ranh) và một số thông tín viên ở xã Cam Thịnh Tây, Cam Ranh, chúng tôi đã thu thập được một số thông tin về đề tài này. Lần tìm trong kho tàng ngữ văn dân gian của họ và những thông tin quá trình nghiên cứu từ trước đến nay, chúng tôi hệ thống lại báo cáo này dưới hình thức ghi chép điền dã, đây cũng là những tiền đề để chúng tôi tiếp tục công trình này trong thời gian đến.

Tri thức về giới và hôn nhân


Người Raglai ở Khánh Hòa cũng như các dân tộc Tây nguyên khác, trước đây chưa có ý thức về tổ quốc, nước mà chỉ có nhà (sàc), dòng họ (pitìaq) và làng (palơi). Nhiều làng tạo nên vùng, khu vực (lagar) nhưng mờ nhạt và không có ý nghĩa nhiều. Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, con cái sinh ra lấy họ mẹ. Con gái út sẽ được thừa hưởng căn nhà chính (sàc inã – nhà tổ mẫu). Trước đây, các con gái khác sau khi lấy chồng, tách bếp ra nhưng vẫn ở trong căn nhà của cha mẹ sau khi làm nối dài ra hai bên (chủ yếu về phía tay phải – nhìn từ trong nhà ra). Khi có điều kiện về kinh tế, gia đình các cô gái lớn cũng làm nhà riêng nhưng vẫn lệ thuộc vào căn nhà chính trong các cuộc lễ của gia đình, dòng họ. Chỉ khi nào họ thực hiện đầy đủ các lễ theo tục lệ căn nhà của họ mới trở thành một nhà tổ mẫu (sàc inã) độc lập.
Nam giới Raglai sau khi cưới vợ, người Raglai gọi là bán thân cho nhà vợ. Họ phải sang ở nhà vợ, làm mọi việc cho nhà vợ. Nếu người vợ chết, hoặc một lý do nào đó do vi phạm luật tục không còn được phép ở nhà vợ thì phải trở về nhà cha mẹ của mình nhưng không được mang theo gì cả.
Trong gia đình Raglai, người đàn bà làm chủ và quán xuyến mọi việc trong gia đình. Người này được gọi là Mủq sàc/Po sàc (bà chủ nhà/chúa chủ nhà). Khi làm nhà mới, người đầu tiên bước vào nhà để làm lễ cúng tại cột cái căn nhà phải chính là Mỏq sàc chứ không phải người đàn ông. Theo già làng Pinãng Điệp Ba, xã Cam Phước Đông, thị xã Cam Ranh cho biết, đến mùa thu hoạch giống cây trồng trên nương rẫy (lúa, bắp…)hàng năm, người Raglai làm lễ bơc kakìq (lễ ăn đầu lúa mới). Người ăn chén cơm, bát cháo bắp hầm đầu tiên phải là người bà chủ nhà, tiếp đến con cái trong nhà, người đàn ông ăn sau cùng. Mọi việc mua sắm, trao đổi vật dụng trong nhà đều do phụ nữ đảm nhận và quyết định.

Người đàn ông không có vai trò ở gia đình vợ nhưng lại quan trọng đối với gia đình nhà mình (họ trai). Khi trong gia đình, dòng họ có việc liên quan đến xử kiện theo luật tục hay áp dụng phong tục tập quán thì người phụ nữ lại hỏi và quyền phán quyết ở đây lại là ông cậu (anh, em trai của bà). Điều này chúng ta cũng cầm xem xét và phân biệt rõ về quan niệm mẫu hệ và mẫu quyền. Vai trò của người đàn ông đối với nhà vợ và nhà mình ở người Raglai.
Theo luật tục Raglai, nam nữ tuổi từ 14 trở lên là có thể cưới vợ gả chồng. Vì vậy, trước năm 2000, hiện tượng tảo hôn ở người Raglai còn phổ biến ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều cô gái tuổi chỉ vào khoảng 15, 16 nhưng đã có đến 2, 3 con tay bồng, vai địu cùng chồng lên nương lên rẫy ở xã Thành Sơn, Ba Cụm Bắc huyện Khánh Sơn. Theo quan niệm của họ, con cái là do ông bà cho chứ không phải muốn là có, vả lại trong nhà cũng cần có người lao động nên việc sinh con sớm là phổ biến ở vùng người Raglai cư trú trước đây.
Một cặp vợ chồng Raglai có sinh bao nhiêu đứa con cũng được nhưng nếu chưa có con gái có nghĩa là chưa có người để làm nhang (cúng Yàc), bởi con trai lớn lên sẽ bỏ nhà mình mà sang ở nhà vợ, đi bán thân cho nhà vợ suốt đời.

Trong tài liệu Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu Phan Xuân Biên đã viết : “Người Raglai có tục dih sugơr … Tục này ở người Raglai đã mất dần vào những thập kỷ 60-70 của thế kỷ 20” (2, 177,178). Trong quá trình điền dã chúng tôi thấy tục này còn ở xã Cam Phước Đông, thị xã Cam Ranh; xã Ba Cụm Bắc, Sơn Bình huyện Khánh Sơn. Tuy không còn phổ biến những trong các buổi lễ hội của palơi, hay các cuộc liên hoan nào đó tổ chức của cộng đồng vẫn còn những cặp nam nữ (thậm chí có cả những người nam là dân tộc Kinh, Êđê cũng tham gia trong các buổi ngủ thảo).

Dih sugơr/sigơr là một loại quan hệ tiền hôn nhân của người Raglai. Khi trong một gia đình có lễ bỏ ma (vidhi atơu ), lễ cưới (huaq vu), lễ cúng tạ yàc hay một cuộc lễ chung của palơi, mọi người đến chung vui, chia buồn và cùng tham gia phần hội, uống rượu cần, nhảy múa. Đến khuya, từng cặp nam nữ có thể kéo nhau vào nhà, ra rẫy để ngủ thảo. Nam có thể là chưa có vợ, nữ chưa có chồng, cũng có trường hợp hai bên hoặc một trong hai bên đã có gia đình, nhưng trường hợp này rất hiếm, chúng tôi chỉ được nghe nói lại chứ thật sự chưa biết cụ thể trường hợp nào tại thời điểm chúng tôi khảo sát (2007). Theo tập tục, những cặp ngủ thảo này chỉ được phép nói chuyện,tâm tình, ôm ấp nhau mà ngủ qua một đêm, không được quan hệ tình dục. Nếu có là vi phạm luật tục và bị phạt rất nặng. Người tố cáo vi phạm này thường là cô gái. Nếu sáng ra, mọi người thấy cô gái xỏa tóc ngồi ở cửa ra vào thì mọi người đã biết “chuyện đó” đã xảy ra với cô gái. Chàng trai ngủ với cô gái đêm hôm đó phải có trách nhiệm báo với gia đình mang gà, rượu đến để cúng ma nhà cô gái. Sau buổi cúng, gia đình hai bên cho phép hai người tiếp tục làm quen và thành vợ thành chồng (nói rõ phần lễ cưới). Trường hợp chàng trai không cưới cô gái làm vợ sẽ bị phạt rất nặng theo luật tục Raglai khi cô gái này nhờ làng xử kiện.

Đây có lẽ là dấu vết của loại hình tạp hôn cổ sơ còn sót lại trong đời sống văn hóa người Raglai. Trong các câu chuyện sử thi (akhàt jucar), truyện cổ (akhàt ter ) Raglai, chúng tôi đã trực tiếp sưu tầm, biên dịch cũng thuật lại những trường hợp như vậy. Trong sử thi Awơi Nãi TiLơr kể lại hai cô công chúa Sa-ien và Ma-tien là con gái của vua thần Biển khơi khi bị nàng Tilơr bắt về làng sau một trận thách đấu. Hai nàng được Tilơr tổ chức đám cưới giữa hai nàng công chúa với hai dũng sĩ của mình là ChiGanrưh và ChiGanval. Ban đầu hai nàng không chịu nhưng khiếp sợ trước lưỡi gươm của Awơi Nãi TiLơr hai nàng buộc phải bằng lòng. Đám cưới được tổ chức phần lễ xong, đến phần hội. Awơi Nãi TiLơr sai hai nàng MuBiaq, MuBien đến nhà chứa bông dệt vải mời hai chàng Chiyàc và Chijaràc ra chung vui. Nghe đầu đuôi câu chuyện, hai chàng trai này muốn đích thân hai công chúa phải ra mang cơm rượu lễ cưới tận nơi hai chàng mới đồng ý. Khi hai nàng theo lệnh của Awơi Nãi TiLơr ra đến nơi, vừa gặp nhau MaTien và Chiyàc, Sa-ien và Chijaràc đã phải lòng nhau (dù mới đám cưới xong với hai chàng ChiGanrưh và ChiGanval). Thế là hai nàng công chúa ngủ lại với hai chàng Chiyàc, Chijaràc và đã có thai với họ.

Đến lứa tuổi 12, 13 tuổi, nam nữ Raglai tự tìm hiểu nhau. Mặc dù còn mang nhiều tàn dư chế độ mẫu hệ, nhưng người con trai chủ động trong việc đi tìm bạn đời của mình. Cô gái có thể là người trong làng hoặc người làng khác, thậm chí cách xa nhiều con suối, nhiều ngọn đồi. Hai người cảm thấy tâm đầu ý hợp thì có thể đến được với nhau. Tuy nhiên, hai người phải là khác họ. Nếu cùng họ thì phải xem xét có vi phạm vào tội arih - tội loạn luân hay không. Dù khác họ nhưng trường hợp đặc biệt đối với hai họ là Mấu (Chamaliaq) và họ Cau (Pinãng) không bao giờ được lấy nhau. Tìm hiểu về điều này chúng tôi sưu tầm được truyền thuyết Cayua ga hagiq pitìat chamaliaq buh mãq ngãq sudiq vusàc si pitìat pinãng jơc oh? Chuyện kể rằng:
Tại một làng Raglai nọ, có một gia đình hai vợ chồng trẻ và hai đứa con đang sống yên lành trong một căn nhà ở giữa làng. Người chồng họ Mấu, người vợ họ Cau. Một buổi chiều hôm nọ, có người anh vợ ở xa về thăm. Người chồng thấy vậy liền ra chuồng gà bắt một con gà thật to, anh nghĩ rằng thế nào vợ mình cũng ra bắt gà để đãi người anh ruột nên ông anh ta bẻ gãy cổ con gà rồi để ngay cửa chuồng chứ không mang vào cho vợ. Sau đó anh ta lại vào lựa một ché rượu cần thật lớn, loại rượu ngon nhất để dành tiếp khách. Anh lấy vòi hút ra bầu nước cốt đầu tiên. Sau đó anh châm thêm nước để dành tiếp mời hàng xóm.
Hai anh em ngồi nói chuyện làm nương làm rẫy vui vẻ chờ đến lúc người vợ dọn cơm mang ra ăn bữa tối. Người em rễ lấy cơm canh mời tận tay ông anh vợ. Anh vẫn tưởng rằng đó chính là canh gà mà anh đã giết sẵn. Người anh đi đường xa đói bụng nên ăn uống ngon lành, không để ý gì cả. Canh của người anh đang ăn chính là canh rau rịa nấu với bí dưa hạt. Khi ông anh nhai hạt bí, người em rễ mới nói:
- Ôi, nhai làm gì mấy cái xương gà đó. Anh bỏ lại cho con chó ăn thôi.
Ông anh nghe nói như vậy không biết người em tưởng mình đang ăn cơm thịt gà hay cố tình chọc ông ta như vậy. Nghĩ như vậy nhưng ông vẫn nói:
- Nào có gì đâu, cũng chỉ làm cơm canh thôi mà.
Người chồng nghe nói vậy lấy làm lạ. Anh sai vợ nhóm lửa thêm cho sáng nhà, đốt thêm đuốc cho tỏ mọi thứ. Đến lúc lửa sáng lên nhìn vào nồi canh anh mới biết là canh rau rịa chứ không hề có miếng thịt gà nào. Anh chồng bực mình lắm nhưng không nói gì. Ông mời anh vợ uống rượu cần. Anh cũng uống thật nhiều đến lúc say mềm ra, nằm ngủ tại chỗ bên mâm cơm trên sàn nhà.
Đến sáng khi người anh vợ đã về anh mới ra lại chuồng gà để xem thử. Anh tức tối khi thấy con gà hôm qua chính tay mình bẻ cổ chết vẫn còn nguyên ở cửa chuồng. Người Raglai rất mến khách. Người lạ cũng được tiếp đãi tử tế huống gì đây là người anh ruột của vợ. Anh gọi vợ đến bên cầu thang chưởi mắng thậm tệ. Trong lúc bực tức, anh vớ cây gậy dựng bên cạnh đánh vợ một cái. Rủi thay, cái đập của anh vô tình phạm vào chỗ hiểm nên người vợ ngã vật chết ngay tại chổ.
Biết ông anh vợ chưa đi xa, anh chạy theo nói:
- Này anh ơi, mày quay lại mà xem. Em mày nó ngu nên nó chết rồi.
Nghe tiếng hú gọi của người chồng, ông anh quay lại để xem thực hư. Khi thấy rõ em gái mình đã chết. Ông ta không nói gì mà lập tức trở về báo tin cho cả họ Cau nhà mình định giết người chồng để trả thù cho em gái.
Người chồng thấy vậy mang hai đứa con vào nhà đóng hết cửa. Tay anh ta lăm lăm con dao. Anh tuyên bố nếu ai xông vào nhà thì anh chém chết ráng mà chịu. Gia đình bên người vợ thấy như vậy bèn đứng bên ngòai mắng chửi suốt 3 ngày đêm. Họ đi mời chủ làng là người mang họ Bo Bo (Catơr) đứng ra phân xử theo luật tục.
Vì trong nhà đã xãy ra vụ giết người nên không thể xử tại đó. Mọi người kéo nhau ra bờ suối để xét xử. Người họ Bo Bo đứng ở giữa xử vụ việc. Người họ Cau đứng bên này bờ suối, họ Mấu đứng bên kia bờ suối. Ba bên cùng xử hoài vẫn không được bèn thề độc với nhau rằng nếu sau này hai họ lấy nhau thì con cháu của họ dù có đến mấy đời sau cũng bị hộc máu mà chết…Kể từ đó đến nay, hai họ Cau và Mấu không hề cưới nhau nữa. Đó là điều cấm kị từ câu chuyện trên mà thành .

Trong các hình thức hôn nhân của người Raglai, hôn nhân con cô- con cậu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Người này thì bảo rằng cho phép, người kia lại cho rằng như thế là vi phạm tội loạn luân. Trong luật tục Raglai chúng tôi không thấy đề cập đến điều này, tuy có một vài cặp nam nữ ở xã Ba Cụm Bắc huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa thành vợ chồng (2,181), nhưng quá trình điền dã của chúng tôi từ năm 1990 đến nay ở các vùng Raglai cư trú vẫn thấy đây không phải là hiện tượng phổ biến. Điều này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sau này ở các vùng người Raglai Nam (Ninh Thuận, Bình Thuận) mới có thể đưa ra giả thiết về trường hợp hôn nhân con cô – con cậu ở người Raglai.

Trường hợp hôn nhân giữa người chồng hay người vợ với chị em vợ hoặc với anh em chồng sau khi chồng hay người vợ chết không khắc nghiệt và phổ biến như tục “chuê nuê” (nối dây) của người Êđê. Khi người chồng chết, người vợ có thể lấy anh chồng hoặc người vợ chết, người chồng có thể lấy em vợ nhưng với điều kiện người đó còn độc thân (chưa có hoặc chồng, vợ đã chết). Điều này không quy định trong luật tục Raglai. Trong quá trình điền dã chúng tôi chỉ tìm được những việc này trong các câu chuyện cổ (akhàt ter) hay sử thi (akhàt jucar). Nhưng ngay cả trong những câu chuyện này vẫn tùy thuộc vào chàng trai hay cô gái có bằng lòng hay không chứ không bắt buộc phải thực hiện tục nối dây này.

Một tập tục vẫn còn phổ biến ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, xã Cam Thịnh Tây, thị xã Cam Ranh đó là việc đi ở trước của người con trai. Khi chàng trai để ý cô gái và được cô gái đồng ý thì chàng trai có thể đến ở nhà cô gái này để làm việc và tìm hiểu thêm trước khi đi đến hôn nhân. Sau một thời gian, nếu thuận tình, họ nhà trai sẽ đến và xin làm lễ cưới. Trường hợp chàng trai đồng ý nhưng cô gái lại thay đổi ý kiến (hoặc ngược lại), việc nên vợ nên chồng không thành, gia đình cô gái phải cúng ma cho gia đình chàng trai một ché rượu và một con gà (?). Ở thị trấn Tô Hạp huyện Khánh Sơn đã có trường hợp anh Chamaliaq M. xã Ba Cụm Bắc đến ở nhà cô Catơr H. Gần nữa năm sau, nhà cô gái buộc anh M. phải trở về nhà vì cô H. không còn để ý đến M. nữa. Gia đình M. đòi nhà gái phải xử theo luật tục và cúng thần hồn cho M. để anh chàng đi kiếm người khác (!). Tuy không phải là phổ biến nhưng tục này vẫn còn và một số người Raglai lại không xem đây là hủ tục. Anh Catơr Thoại, một thanh niên Raglai đã học xong chương trình Cao đẳng Văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh, gia đình ở xã Ba Cụm Bắc huyện Khánh Sơn. Sau khi tốt nghiệp, anh công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao của huyện. Năm 2004, phải lòng một cô gái ở xã Sơn Bình. Thế là anh chuyển lên ở hẳn tại Sơn Bình. Tâm sự với chúng tôi anh nói: “Hai đứa mình thương nhau, để đợi đủ tiền là mình làm đám cưới. Hiện nay mình đang ở với nhau để tìm hiểu”.

Đối với người Raglai ở Khánh Hòa có hai hình thức lễ cưới:
Cacah richo: lễ cưới phạt. Trai gái đã có quan hệ xác thịt trước hôn nhân hoặc vì không đủ điều kiện tổ chức họ sống với nhau như vợ chồng, đến khi nào có đủ điều kiện vật chất thì làm lễ cưới phạt. Có những cặp vợ chồng sống với nhau hàng chục năm, có nhiều mặt con rồi mới làm lễ cưới.
Huaq vu: lễ cưới trang trọng. Lễ này dành cho trai gái sau khi tìm hiểu nhau trai trắng gái lành (không quan hệ tình dục trước lễ cưới) thì được phép tổ chức lễ cưới này. Huaq vu là tên gọi có từ xa xưa của người Raglai. Huaq biến âm từ tiếng huiq, có nghĩa là húp, hớp. Vu ở đây có nghĩa là cơm, là cháo bắp hầm. Người Raglai trước đây, trước khi sử dụng lúa rẫy (padai), nguồn lương thực chính của họ chính là bắp (gilo). Bắp được bỏ vào nồi đất lớn, đun suốt đêm đến sáng cho chín mềm (Vulai pichu djap pichu vu la-iap), chàng trai cô gái ăn cháo bắp hầm thành vợ thành chồng.

Từ ngày xưa, lễ cưới Huaq vu của người Raglai là hình thức cưới đơn giản, theo tục lệ hai vợ chồng ăn chung tô cơm đuôi cá, húp cháo bắp hầm nên vợ thành chồng (Jaluq vu icu icàt huaq vu si gưq paleq sudiq pajơc vusàc).
Lễ cưới của người Raglai thường được tổ chức hai bên gia đình, nhà trai trước, nhà gái sau. Trong gia đình làm rượu cần, giết heo , trâu bò, gà… để thiết đãi bà con làng xóm. Mọi người đến chung vui đều mang theo rượu, gạo , trứng gà sống hoặc vật nuôi trong nhà đến để góp chung vui với gia đình. Trong lễ cưới hai vợ chồng cùng hai ông cậu bên vợ bên chồng ngồi trên một chiếc chiếu trải ở cột cái nhà làm lễ cầu nhang, chứng nhận cho hai người thành vợ thành chồng.
Tội được xem là nặng quy định tại luật tục Raglai chính là loạn luân (Arih agap), ngoại tình (khiang gưq rai), bắt vợ nhau (sudiq gưq)…
Nước đã chui vào cái bụng,
Con lươn đã chui vào người rồi…
Hay thay lòng đổi dạ của người đàn ông, người đàn bà:
Đã khác cây gỗ, khác bước đi, khác nước, khác tắm.
Luật tục Raglai quy định cần phải phạt lễ cúng tạ tội ông bà ít nhất năm tay heo, một ché rượu. Nếu không xử theo luật tục thì tai họa khôn lường sẽ đổ ập xuống buôn làng:
“Cả gan dám nghịch phản luật tục xưa, làm rối rắm loạn luân
Biển trời sẽ xáo động, nứt đất sập trời…
… làm cho sạt đất sập trời cuốn trôi,
Làm cho lụt lội nước biển dâng tràn…
Phải cúng tạ lỗi với Chúa thần tổ nòi giống, chúa thần số mệnh đất trời biển cả mới trừ được tai ương cho cả dòng họ, buôn làng.
Văn hóa bảo tồn nòi giống nhìn từ tín ngưỡng của người Raglai
Trong tín ngưỡng của mình, người Raglai đã xây dựng hệ thống thần linh dày đặc chung quanh mình. Trong hệ thống thần linh đó, mỗi người có tám vị thần chăm lo số mệnh từng người. Có thần lành, thần dữ. Căn cứ vào số phận của mỗi người mà xác định được người đó do thần nào đảm trách. Các vị thần bản mệnh có tên gọi khác nhau. Bao gồm:
Aluah coq tacuai (thần đầu cổ), là vị thần tổ sinh ra dòng họ;
Inã su pu surah, jah thub jaho, brai padai (thần số mệnh, giữ sổ sách sinh tử, giữ thước đo gạo thần);
Aluah jah brah jah padai, jah luong galang, thưh luma majra tijuh (thần giữ lúa giữ gạo kho tàng, thước bằng năm, gậy chống bằng bảy);
Inã ru pu pajơ, pajơ rup, drơi, thơi, akoq (thần sai khiến, thần sinh ra hình hài, thân thể, trán đầu);
Inã cơi pu mủq ròh, cơi pa mủq pajơ (thần ông bồng bà nuôi, ông ẵm bà sinh);
Aluah pa sapalai tai tisơu che garo anã pamam (thần bỏ uổng phí, vú xệ, sau lưng quay đi trước mặt cho bú);
Aluah jah go lidai, jah gơm, jah phang, gơm ilăng, phang masũh (thần giữ ống bể, giữ gươm, giữ đao, gươm biết cựa quậy, dao biết đâm chém);
Aluah mubah nàh jah ia huruơi (thần miệng rồng giữ mặt trời).
Mỗi vị thần đều quy định những lễ vật khác nhau. Tùy theo bản mệnh của mình mà người Raglai cúng vật tương ứng với vị thần bản mệnh. Sau khi cúng xong vật này sẽ đi cùng anh ta suốt cuộc đời, kể cả sau khi lấy vợ gả chồng, đến khi chết thì chôn theo. Để biết được thần bản mệnh, người Raglai phải nhờ đến thầy cati hoặc vijơu. Chúng tôi đã được dự không ít lần các buổi cúng như thế này ở huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa. Con trai của Chamaliaq Riya Tiẻnq ở khóm 4, thị trấn Tô Hạp bị bệnh, anh sang nhờ bà cati ở xã Sơn Trung xem bói. Thầy cati cầm sợi dây mảnh, một đầu có cột một khoen đồng nhỏ đong đưa qua lại, miệng lẩm nhẩm như nói chuyện với các vị thần linh. Sau đó, thầy cati phán bảo thần bản mệnh của con anh Chamaliaq Riya Tiẻnq là vị thần nào đó và cần phải cúng lễ vật là một cái chén bằng đồng cho đứa bé ngoài rượu và gà theo quy định chung. Trò chuyện với chúng tôi, anh Chamaliaq Riya Tiẻnq cho biết có người phải cúng mâm đồng, mặt mala, ché…
Hoạt động đời sống tâm linh của con người Raglai vô cùng đa dạng để rồi từ đó tạo nên tôn giáo, văn hóa. Đời sống tâm linh của con người hướng về chính họ theo một quan niệm đời thường gắn với thế giới siêu linh. Từ đó xuất hiện những nghi lễ cho cuộc sống con người. Theo các nhà nghiên cứu, nghi lễ đời người xuất hiện cùng với xã hội lòai người. Trải thời gian, những nghi lễ ấy một mặt được duy trì, một mặt được phát triển, hoàn thiện và xuất hiện những nghi lễ mới. Mỗi dân tộc trên thế giới có mức độ biểu hiện lễ thức khác nhau trong đời sống của một con người. Trong nghi lễ ấy, có nhiều nghi lễ không chỉ gắn với đời sống tâm linh mà còn đánh dấu những chặng đường trưởng thành của mỗi con người, là “kỷ niệm”mà mỗi con người trong cuộc đời chỉ thực hiện một lần (có thể 2 đến 3 lần nhưng không phổ biến: Lễ cưới, lễ Thọ) như : Lễ đặt tên, lễ cưới, lễ tang, lễ lên lão…
Đối với người Raglai, phát xuất từ tín ngưỡng đa thần, có thể tóm tắt các lễ chính của họ trong vòng đời như sau:
Lễ khai sinh đặt tên (Va vruh , Pacheq lingĩa palaya anan)
Sau khi sinh được một tháng, cha mẹ tíên hành làm lễ Pacheq lingĩa palaya anan cho con. Lễ vật cúng nhang (Yàc), cúng thần hồn ông bà tổ tiên bao gồm: Trầu, cau, rượu cần, trứng gà sống, gà (gia đình khá giả làm nguyên cả một con heo 4, 5 tay ). Đứa bé là gái có thêm cái nia, cái nong hoặc chày cối, nếu là con trai thì có con dao, cây nỏ , ống tên.
Các lễ vật được bày biện tại “cột cái” nhà, nơi thờ thần linh, ông bà tổ tiên ngự. Ngày nay nhà của người Raglai được xây bằng gạch từ nhiều nguồn khác nhau (nhà tình nghĩa, chính sách hoặc tự chủ gia đình bỏ tiền xây dựng) thì họ cúng ở một góc nhà nào đó, xem như đó là cột cái của căn nhà truyền thống của họ.
Trong lễ này cha mẹ khấn bái cầu chúc phúc cho con, cầu ông bà tổ tiên phù hộ cho đứa bé. Sau khi khấn bái xong, nếu đứa bé là con trai thì người cha lấy tên nỏ bắn về hướng mặt trời mọc 7 mũi tên, bắn về hướng mặt trời lặn 6 mũi tên, đứa bé là con gái thì người mẹ vỗ vào nong vào nia, lấy chày giã vào cối. Tất cả chỉ mang tính ước lệ cầu cho con trai khỏe mạnh nhanh nhẹn, giỏi việc săn bắt sản xuất; cầu cho con gái tháo vát, đãm đang việc nhà, trông coi việc bếp núc nồi niêu.
Chấm dứt phần lễ, mọi người cùng ăn uống. Cùng đánh mãla hát hò đối đáp vui vẻ. Bà con hàng xóm, dòng họ được ăn trầu, ăn cơm uống rượu.
Lễ Cải sanh (Vlưq ghuơr (Sưq)
Người Raglai quan niệm sau khi làm lễ bỏ ma (Vidhi atơu), người chết về với thế giới ông bà, từ đó lại đầu thai trở lại trần gian. Như vậy có những trường hợp kiếp trước là cha , là chú, mẹ, cô, dì ,bác… bây giờ trở lại làm con làm cháu trong gia đình. Cũng do đó đứa trẻ “xấu hổ” (malơu) với mọi người trong gia đình sinh ra hay bệnh tật, khó nuôi, thậm chí dẫn đến tử vong (matai). Do đó , để đứa bé sống khỏe mạnh, không còn xấu hổ nữa, cần phải làm lễ Vlưq ghuơr cho nó.
Lễ Cải sanh do cha mẹ đứng ra làm cho con cái, không kể là gái hay trai. Thời gian làm lễ cải sanh từ khi đứa trẻ được 1 tuổi trở lên. Bất kỳ lúc nào làm cũng được nhưng buộc phải làm. Nếu đã lấy vợ lấy chồng rồi thì hai bên cha mẹ cùng lo.
Lễ vật trong lễ cải sanh của người Raglai cũng đầy đủ cau trầu, rượu cần, trứng gà sống, gà để bói lưỡi, có điều kiện kinh tế người trong nhà làm cả heo. Tuy nhiên vật không thể thiếu đó là một chiếc bè làm bằng bẹ chuối kết lại và vật cúng cải sanh cho người được cúng. Hiện nay trên địa bàn Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa vẫn còn những ông (bà) thầy Cati. Thầy Cati không phải là một dạng thầy cúng, thầy mo như trước đây.
Khi cúng có thể cha mẹ khấn bái cầu mong ông bà tổ tiên, cầu nhang cho người được cúng cải sanh, không còn “xấu hổ” nữa mà sống với hòa hợp gia đình. Nếu cha mẹ không biết khấn bái có thể mời thầy Cati khấn giúp. Sau khi cúng xong người trong nhà mang chiếc bè ra rừng ra suối mà thả. Trên bè chỉ có trầu cau, có thể có thêm 1 chai (hoặc 1 đến 2 ly nhỏ) rượu trắng hay rượu cần. Vật cúng cải sanh trở thành tài sản riêng của người được cúng. Mọi người cùng vui vẻ ăn uống. Lúc này mọi người cũng không quên sự giúp đỡ của thầy Cati. Họ cúng thần hồn của thầy Cati (Asur palagar) 3 con gà (01 con cha thần hồn người cúng và 2 con cho Cati của thầy ,nếu cúng heo thì thay bằng một đùi heo và 1 bầu rượu cần.
Lễ cầu Thượng đế (Sa-ùq aluah):
Trong đời sống của mình, khi có sự việc “chẳng lành”, mắc lỗi, bệnh hoạn hay làm ăn thất bát, khó khăn… người Raglai lại khấn nguyện cầu cúng aluah (thượng đế) cho mọi chuyện suôn sẻ, bệnh hoạn qua đi. Lễ này thường là hai lần: Lần đầu là cầu xin, lần thứ hai là lễ tạ. Điều này giống như người Kinh đi cầu nguyện các nơi thờ tự, sau đó đi cúng tạ ơn.
Lễ thứ nhất: Cầu xin
Lễ này cũng thường là cha mẹ làm cho con. Nếu cha mẹ không biết khấn bái thì mời người biết cúng , có uy tín trong dòng họ hay trong làng cũng được. Lễ vật bao gồm: cau trầu, trứng gà sống, rượu trắng hoặc rượu cần. Khi khấn bái cầu xin lễ tạ bằng heo thì làm giả bằng bông gòn, cầu tạ bằng bò trâu thì làm giả bằng mo cau.
Lễ thứ hai: Lễ tạ
Sau khi được như ý nguyện, lễ tạ có thể làm ngay trong năm hoặc 3, 7, 9… năm sau cũng được nhưng phải là năm lẻ (trừ năm thứ 5). Lễ vật lúc này cũng y như lễ thứ nhất. số gà tính bằng con cũng phải bằng số gà lễ thứ nhất, heo hoặc trâu bò là thật chứ không còn giả như trước nữa. Có một lễ vật không thể thiếu đó là người cúng tạ phải làm 2 đến 3 bè chuối để sau khi cúng thì mang ra sông ra suối mà thả cho chảy theo dòng nước.
Pùq dùq jĩa :Lễ mừng thọ
Lễ này tổ chức khi người Raglai có điều kiện về kinh tế và tuối từ 50 mùa rẫy trở lên. Thông thường chỉ làm cho đàn ông hay ở một vài phụ nữ có tài ăn nói giỏi được trong làng chấp nhận .
Lễ vật của Pùq dùq jĩa cũng bao gồm trầu cau, gà phải có để bói lưỡi, trứng gà sống, rượu cần, heo hoặc trâu bò.
Người Raglai dựng nêu trước nhà của mình, cột heo (hoặc trâu ,bò) tại gốc nêu sau đó đập cho chết hoặc bị thương sau đó mang vào chọc tiết.
Lễ vật được bày tại cột cái nhà để cúng tạ ông bà tổ tiên. Sau phần lễ là phần hội. Mọi người trong làng, trong dòng họ đến chúc tụng và hát hò ăn uống. Thông thường đối với người Raglai, bất kỳ nhà nào có việc cúng lễ là họ cùng đến để chung vui hoặc chia buồn (nếu là tang lễ) , khi đến mỗi người thường mang theo gạo, trứng gà, chai rượu để góp vào với gia chủ trong phần đãi khách. Phần hội này kéo dài đến 2,3 ngày, mọi người ăn cho hết mới trở về nhà mình.
Tlãh sàc: Lễ tách nhà.
Theo tục lệ của người Raglai, con theo họ mẹ, trai lớn lập gia đình về ở nhà vợ. Trong nhà cứ mỗi lần con gái bắt chồng về lại nối dài nhà ra về phía bên phải. Mỗi hộ gia đình tách ra ăn riêng, nhà dài lại có thêm một bếp. Mọi việc lễ nghi trong nhà con cháu đều phải cúng bái tại cột cái nhà. Nếu con cái muốn làm nhà riêng cũng được nhưng khi trong nhà có việc phải trở về nhà chính (sàc inã- nhà tổ mẫu) để cúng bái. Vì vậy muốn tách riêng phải làm lễ tlãh sàc. Nếu có điều kiện về kinh tế thì cả hai vợ chồng cùng làm, nếu không đủ thì làm cho ai trước cũng được (thông thường bên vợ làm lễ tách nhà trước). Thực tế tại huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa, có nhiều cặp vợ chồng khi có dâu rể rồi mới làm làm lễ tách nhà. Người vợ làm lễ trước, sau đó vài năm người chồng mới làm. Trong thời gian đó, nếu nhà bên chồng có việc chung, người chồng vẫn phải trở về nhà tổ mẫu để tham dự và cúng tế.
Lễ vật để cúng khi tách nhà cũng như các lễ khác, bao gồm cau trầu , rượu cần, trứng gà sống, riêng gà phải đủ số 6 con: 2 con cúng ông bà tổ tiên, 2 con cúng cho chủ nhà tổ mẫu (po sàc inã), cúng cho thần hồn của vợ chồng tách nhà 2 con.
Sau lễ tách nhà, cả hai vợ chồng được quyền cúng bái tổ tiên tại cột cái nhà của mình, không phải trở về nhà tổ mẫu cũ nữa.
Lễ tang, Lễ hội bỏ ma (Vidhi atơu ) :
Người Raglai với quan niệm rằng: Khi một người chết, hồn vía của họ sẽ thất lạc, bơ vơ . Vì vậy họ có tục gọi hồn người chết nhập vào một vật nào đó trước khi làm lễ mãn tang (Lễ bỏ ma). Người Raglai tìm thanh đá kêu (patơu lit) để giữ hồn người chết, là cây vật thần gọi là Gai tuah. Cây vật thần cũng có thể làm bằng cây rựa, cây chà gạt (gơr tagac atơu). Cây rựa hay cây chà gạt khi làm vật giữ hồn người chết để phục vụ cho lễ bỏ ma đều có vai trò như một Gai tuah. Gai tuah dùng để múa ma (Tumuya atơu), đưa hồn người chết từ nhà ra mồ, giữ hồn người chết trước khi làm lễ bỏ ma. Nếu không có Gai tuah vong linh người chết sẽ không nhập về cõi âm, phải chịu kiếp khổ ải, không về được thế giới ông bà. Từ quan niệm tín ngưỡng này người Raglai không đặt nặng vấn đề thời gian. Tất nhiên ở lễ tang của người Raglai có thể mỗi địa phương mỗi khác một ít, nhưng ở lễ bỏ ma đều giống nhau.
Thời gian của lễ bỏ ma tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Có thể là 1,2 năm, thậm chí nhiều năm sau, khi người thân của người chết có đủ “năng lực” sắm sửa các lễ vật. Để lễ bỏ ma Vidhi atơu tổ chức đầy đủ, trọn vẹn theo đúng phong tục, gia đình người chết phải mời mọi người trong palơi, mọi người trong họ hàng với nhiều gà, heo, rượu thậm chí cả trâu, bò.

Sau lễ bỏ ma, linh hồn người chết hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc của người sống, người chết thực sự đi đến “quê hương mới” của mình, còn người sống được “giải phóng” thực sự mọi liên hệ với người chết. Nói cách khác, lúc này người chết chuyển sang trạng thái sống khác, không liên hệ gì với người thân nữa. Do vậy người Raglai không có tục thờ cũng hay làm bàn thờ người chết sau lễ bỏ ma.
Với tư cách là sản phẩm tinh thần của một tộc người, những phong tục, lễ nghi trên bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố lành mạnh. Lẽ tất nhiên, trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể của họ, những quy định ở một số tục lệ không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng, dù ở đâu, dù bất kỳ lúc nào những yếu tố lành mạnh của các lễ nghi vẫn là cơ bản. Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, một tộc người vẫn có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay, dân tộc đó phải có một tư duy trong sáng, lành mạnh. Sự lành mạnh đó, không phải lúc nào cũng xuất hiện một cách rõ ràng, cụ thể trước nhà nghiên cứu. Nhiều khi nó bị phủ một màu sắc mê tín thần bí. Chỉ cần gạt bỏ màu sắc mê tín thần bí đó, lập tức chúng ta nhận thấy cốt lõi, hiện thực, duy vật của hiện tượng. Có thể đơn cử những lời cầu cúng trong các nghi lễ cạnh cổ cúng gốc cột cái nhà sàn. Trong sinh hoạt tưởng chừng như hoang toàn mê tín đó ta vẫn nhận được các yếu tố hiện thực. Ngay trong lời khấn bái kêu mời thần nhang sông suối , núi rừng, thần nhà cửa bếp núc… chẳng qua chỉ là biểu tượng của thế giới tự nhiên, cuộc sống xung quanh họ và lời cầu cúng là sự ký thác của con người luôn mong muốn vươn đến sự ấm no, an lành và hạnh phúc.

Người Raglai và đời sống tình dục

Theo thống kê dân số Raglai cả nước từ cuộc tổng điều tra dân số ngày 1/4/1999 là 96.931 người, trong đó nam 47.386, nữ 49.545, đến năm 2003 tăng hơn 108 ngàn người, đạt tỷ lệ tương đương 3,8% . Chỉ nhìn qua con số, nếu so với chỉ tiêu phát triển dân số từ 1 đến 1,5 thì con số này không lớn đối với tộc người thiểu số có tổng dân số đứng thứ 21/54 dân tộc cả nước và cũng không thể hiện được văn hóa bảo tồn nòi giống của tộc người này. Trao đổi với những cặp vợ chồng Raglai, chúng tôi nghe họ nói trước đây mỗi gia đình đều sinh nhiều con nhưng chết từ trong bụng mẹ hay từ sơ sinh đến độ tuổi thành niên cũng không phải là ít. Điều này cũng dễ hiểu do chất lượng cuộc sống còn thấp, điều kiện ăn ở không hợp vệ sinh, những căn bệnh của miền núi nhiệt đới (sốt rét) luôn đe dọa trong cuộc sống hằng ngày.

Trong quan niệm của mình, người Raglai không có khái niệm phân biệt bạn đời và bạn tình. Nếu quan hệ tình dục thì chỉ với chồng hoặc vợ của mình, ngoài ra là ngoại tình. Ngoại tình là một tội nặng đối với luật tục Raglai. Ngoại tình không chỉ làm ô uế bản thân mình, danh dự của mình mà còn mang họa cho gia đình, dòng họ. Ông bà tổ tiên sẽ không còn giúp đỡ, độ trì cho những người, những gia đình có người ngoại tình. Như vậy thần hồn giận dữ, nhang thần ác ma sẽ quấy rối. Do đó, khi bị xử phạt tội ngoại tình theo luật tục, người bị buộc tội phải cúng không chỉ cho thần hồn của mình mà còn phải cúng tẩy sạch ô uế cho ông bà tổ tiên.
Quan hệ tình dục được người Raglai gọi là pachhưh juman ma-in pasrãq, có nghĩa là việc thích thú người đàn ông và đàn bà cho đã thèm với nhau. Trong khi thực hiện việc làm tình giữa nam và nữ, người Raglai có thành ngữ choh dhul gahul matlam, nghĩa đen tiếng Việt là giông tố phong ba, lụt lội và hạn hán, là làm tung bụi đất mù mịt.

Trong luật tục Raglai quy định:
“Việc tình dục của phàm trần cốt để duy trì nòi giống
Duy trì sự sinh sôi cho cuộc sống trường tồn”.
Trong ngôn ngữ của người Raglai, từ pu có nghĩa là chúa, chúa chủ. Tùy theo ngữ cảnh cũng có thể hiểu là nhang , chúa nhang. Người Raglai sùng bái việc quan hệ tình dục để duy trì giống nòi nên các bộ phận trên con người nam và nữ đều có tên gọi gắn liền với pu:
Pucũc tlu (chúa cái mu dương vật), pucũc pe/pucũc cõt (chúa cái mu âm hộ), pucũc luvàc (chúa cái âm vật), pucũc luvàc pe (chúa cái âm đạo), pucũc gơc beq tlu gơc lamuar (chúa cái đầu dương vật)…
Tisơu/tusơu/pusơu (vú, chúa cái vú) cũng đồng thời là tên thần thuế nuôi dưỡng đứa bé từ thuở sinh ra cho đến khi lớn lên. Ia tisơu có nghĩa là sữa trong vú, là nước tinh khiết của chúa thần thuế. Atoc tisơu , puq tisơu có nghĩa là chúa núm vú. Trong khi nam và nữ giao hợp, tay của nam thọc vào vai bên nách của nữ để tạo sự hưng phấn hai bên, ở đây có tên gọi là pu-àq (chúa nhang nách). vị trí để kích dục như pusaq/vusaq (chúa nhang rốn). Buồng trứng và dạ con của người phụ nữ cũng được gọi là pasaq saq anảq.
Trong ngôn ngữ Raglai vẫn có những câu thành ngữ khi nam - nữ có nhu cầu quan hệ tình dục thì được ví von như con gà mái đang muốn đẻ trứng:
Goc haràc đàc dari goc uràc cutàc manũq (Muốn được đàng điếm, người ta nứng như con gà mái nôn đẻ trứng).
Theo quan niệm của người Raglai thời gian để thực hiện việc giao cấu hợp lý nhất trong một ngày ở hai buổi: Buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ và buổi tối từ 7 đến 8 giờ, đó là những giờ tốt. Không gian thực hiện hành vi có thể ở trong nhà, trên nương rẫy hay ở bờ suối… việc đó còn tùy thuộc vào hai người, tùy thuộc vào lứa tuổi.
Trong một số tác phẩm viết về người Raglai do các tác giả người Việt (Kinh) mà chúng tôi khảo sát được, có lẽ do người viết chưa biết rõ về ngôn ngữ của người Raglai nên quá trình “sáng tạo” khi biên tập rất tự nhiên khi sử dụng từ “tui” làm danh xưng cho người Raglai khi nói chuyện. Đối với người Raglai, trong ngôn ngữ của họ từ “tôi (mình)” là “cơu”, còn “tui/patui” lại có nghĩa là làm tình: tui gưq di huruơi di kar (làm tình với nhau ban ngày ban mặt), tui gưq di dơc di rah (làm tình lúc đang đứng, đang đi), tui gưq tui paq ruaq tui pađàc (làm tình nằm úp, làm tình nằm ngữa), tui gưq choc cuơi pahuơi cudủt choc cuơi pahuơi pe (làm tình để nữ chúi đầu chỏng mông hở âm hộ)…

Người Raglai và trang phục từ góc nhìn bảo tồn nòi giống

Trong văn hóa bảo tồn nòi giống của người Raglai ở Khánh Hòa còn thể hiện ở trang phục. Để giữ gìn thân thể của mình, người Raglai có những bộ trang phục truyền thống phù hợp theo giới tính. Nữ quấn cà chăn (cacheh), nam quấn cà giọt/khố (ca-it). Vấn đề này chúng tôi không đi sâu bởi đã có các công trình nghiên cứu của Nguyễn Thế Sang (bản ghi chép điền dã năm 1998), công trình của Hải Liên và bài tham luận chuyên về trang phục của người Raglai ở Khánh Hòa. Về góc độ bảo tồn nòi giống, trang phục truyền thống của người Raglai thuận lợi cho việc đi lại trên nương rẫy, băng rừng, lội suối và thuận tiện cho những lúc giao hợp nam và nữ. Bởi cà chăn của nữ không thắt bằng dây mà quấn và không mặc… quần lót bên trong. Cà giọt của nam cũng chỉ là mảng vải dài được quấn để che bộ sinh dục của mình. Tuy nhiên đến nay không thấy nam giới Raglai sử dụng loại cà giọt này. Đối với nữ chỉ còn một số phụ nữ già ở các xã Thành Sơn, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc và Sơn Trung huyện Khánh Sơn chúng tôi còn thấy sử dụng qua việc buôn bán, trao đổi với người Chăm bán rong.
Nghiên cứu văn hóa bảo tồn nòi giống của tộc người Raglai là một đề tài rộng, bao quát nhiều lĩnh vực. Trong báo cáo này chúng tôi chỉ giới thiệu ở mức độ khái quát mong rằng sẽ đóng góp một phần nhỏ vào các công trình nghiên cứu sâu về đề tài sau này.


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.Trần Ngọc Thêm 2005: Lý luận văn hóa học (tập bài giảng) Đại học KHXH&NV Tp.HCM.
2. Phan Xuân Biên (cb), Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ 1998: Văn hóa & xã hội người Raglai ở Việt Nam. Nxb KHXH.
3. Nguyễn Thế Sang 2005: Luật tục Raglai. Nxb Văn hóa dân tộc.
Tôi dâng hiến đời tôi cho 3 việc
Trà ngon - Rượu quý - Sex
http://www.thegioinguoilon.info/diendan/
RANDOM_AVATAR
TranHieu
 
Bài viết: 74
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 22:06
Đến từ: Cty Viet Thai Son
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hoá tình yêu và tình dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến21 khách