VH QTKD: bàn về “Hiện tượng thần kỳ Đông Á"

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá kinh doanh, văn hoá quản trị trong kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp...

VH QTKD: bàn về “Hiện tượng thần kỳ Đông Á"

Gửi bàigửi bởi lena » Thứ 3 23/10/07 11:06

VĂN HÓA KINH DOANH NHẬT BẢN

Trong không gian kinh tế tri thức yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Văn hóa làm cho yếu tố đó trở thành có chất lượng, liên kết và nhân lên siêu cấp các giá trị riêng lẻ của mỗi người và trở thành nguồn lực vô tận của mỗi quốc gia. Văn hóa kinh doanh là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh, là cái mà các chủ thể kinh doanh áp dụng hoặc tạo ra trong quá trình hình thành nên những nền tảng có tính ổn định và đặc thù trong hoạt động kinh doanh của họ

1. Những nguyên nhân chính làm nên sự đặc thù của VHDN Nhật Bản

Sự phân thứ bậc mang tính "đẳng cấp": Đạo Khổng du nhập vào Nhật Bản từ rất sớm, kết hợp với tinh thần tôn vinh giới Võ sĩ đạo như là một đẳng cấp hàng đầu: Võ sĩ - Trí thức - Công Nông - Thương nhân, đã làm nên một xã hội đẳng cấp kiểu Nhật Bản với tư tưởng đề cao Lễ - Tín - Nghĩa - Trí - Nhân. Cho đến nay có nhiều thay đổi, nhưng tinh thần đó vẫn biểu hiện rất mạnh trong các mối quan hệ xã hội và các tổ chức của Nhật Bản thể hiện: - Tôn ti trật tự " Công ty mẹ và con "; Hội sở và chi nhánh - Quan hệ cấp trên, cấp dưới " Lớp trước và lớp sau"; Khách hàng và người bán hàng.

Một đất nước vốn dĩ nghèo nàn về tài nguyên, có nhiều thiên tai, kinh tế chủ yếu là nông - ngư nghiệp và sự ảnh hưởng của Tam Giáo Đồng nguyên du nhập nên người Nhật Bản coi trọng: - Tinh thần tập thể - Hài hòa Thiên Nhân Địa - Đề cao sự hợp lí - Sự ứng xử theo thứ tự coi trọng Lễ, Tín, Nghĩa, Trí, Nhân. Xã hội Nhật Bản tự biết mình thiếu rất nhiều các điều kiện nhưng cần phải khẳng định mình, nên có khuynh hướng du nhập và cải hóa những gì du nhập vào để chúng biến thành kiểu Nhật Bản. Bởi vậy Văn hóa Doanh nhân Nhật Bản có sự giao thoa đỉnh cao các yếu tố Tây / Đông/ Nhật Bản. Tuy nhiên đến một lúc nào đó sự phát triển làm cho chiếc áo đó bộc lộ nhiều bất cập và mâu thuẫn. Tất cả cái đó cũng phản ánh trong tính cách phức tạp của người Nhật Bản.

Ngôn ngữ có nhiều mặt hạn chế (như rất ít các nguyên âm, Phụ âm luôn đặt trước nguyên âm, một tỉ trọng lớn từ ngữ gốc ngoại nhập được thể hiện dưới dạng chữ Kanji và chữ Katakana) góp phần khiến người Nhật Bản rất cẩn trọng khi phát biểu, thể hiện chính kiến, và thường thông qua thái độ ngầm định, những yếu tố phi ngôn ngữ, sự nỗ lực thể hiện của bản thân để điền vào chỗ trống của ngôn từ. Bởi vậy để hiểu họ thường phải kết hợp nghe họ nói, quan sát những gì họ thể hiện và thấu hiểu tính cách của họ.

Sự thua trận của Nhật Bản trong Đại chiến thế giới lần thứ II khiến Nhật Bản chỉ còn lại đống tro tàn và nhục nhã, bên cạnh đó là bị ràng buộc bởi rất nhiều cam kết bất lợi. Điều này khiến cả nước Nhật gắn kết lại, làm hết sức mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong thời kì này dấy lên trong xã hội Nhật Bản sự tôn vinh lao động xả thân vì doanh nhân và vì xã hội. Người Nhật Bản coi trọng lao động hơn tất cả, gắn bó với doanh nhân hơn với gia đình của mình, đặt tất cả sự nghiệp của mình cho sự thành công của tổ chức. Cạnh tranh và hiệp tác được thúc đẩy song hành. Hàng chục năm qua đi, những phẩm chất đó đã trở thành những nét mới, bền chắc và định hình thành Văn hóa Doanh nhân Nhật Bản. Không ai nghi ngờ gì Văn hóa Doanh nhân đó đã giúp nhiều doanh nhân Nhật Bản gặt hái được nhiều thành công, Nhật Bản trở thành cường quốc thứ II trong nền kinh tế thế giới.

2. Nét độc đáo của VHDN Nhật Bản

Triết lí kinh doanh
Có thể nói rất hiếm các doanh nhân Nhật Bản không có triết lí kinh doanh. Điều đó được hiểu như sứ mệnh của doanh nhân trong sự nghiệp kinh doanh. Là hình ảnh của doanh nhân trong ngành và trong xã hội. Nó có ý nghĩa như mục tiêu phát biểu, xuyên suốt, có ý nghĩa định hướng cho doanh nhân trong cả một thời kì phát triển rất dài. Thông qua triết lí kinh doanh, doanh nhân tôn vinh một hệ giá trị chủ đạo xác định nền tảng cho sự phát triển, gắn kết mọi người và làm cho khách hàng biết đến doanh nhân. Hơn nữa các doanh nhân Nhật Bản sớm ý thức được tính xã hội hóa ngày càng tăng của hoạt động sản xuất kinh doanh, nên triết lí kinh doanh còn có ý nghĩa như một thương hiệu, cái bản sắc của doanh nhân. Ví dụ như Công ty Điện khí Matsushita: "Tinh thần xí nghiệp phục vụ đất nước" và " kinh doanh là đáp ứng nhu cầu của xã hội và người tiêu dùng". Doanh nghiệp Honđa: "Không mô phỏng, kiên trì sáng tạo, độc đáo: và - Dùng con mắt của thế giới mà nhìn vào vấn đề”. Hay công ty Sony: "Sáng tạo là lí do tồn tại của chúng ta"...

Lựa chọn những giải pháp tối ưu
Những mối quan hệ: Doanh nhân - Xã hội; Doanh nhân - Khách hàng; Doanh nhân - Các Doanh nhân đối tác; Cấp trên - cấp dưới thường nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích, tiêu chí, đường lối. Để giải quyết các doanh nhân Nhật Bản thường tìm cách mở rộng đường tham khảo giữa các bên, tránh gây ra những xung đột đối đầu. Các bên đều có thể đưa ra các quyết định trên tinh thần giữ chữ Tình trên cơ sở hợp lí đa phương. Các qui định Pháp luật hay qui chế của DN được soạn thảo khá "lỏng lẻo" rất dễ linh hoạt nhưng rất ít trường hợp lạm dụng bởi một bên.

Đối nhân xử thế khéo léo
Trong quan hệ, người Nhật Bản chấp nhận người khác có thể mắc sai lầm, nhưng luôn cho đối tác hiểu rằng điều đó không được phép lặp lại và tinh thần sửa chữa luôn thể hiện ở kết quả cuối cùng. Mọi người đều có ý thức rất rõ rằng không được xúc phạm người khác, cũng không cần buộc ai phải đưa ra những cam kết cụ thể. Nhưng những chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức doanh nhân (trách nhiệm đặt trên tình cảm) đã tạo một sức ép vô hình lên tất cả khiến mọi người phải xác định được bổn phận của mình nếu muốn có chỗ đứng trong tổ chức. Điều này rõ ràng đến mức khi tiếp xúc với các nhân viên người Nhật nhiều người nước ngoài cảm thấy họ tận tụy và kín kẽ, nếu có trục trặc gì thì lỗi rất ít khi thuộc về người Nhật Bản. Người Nhật Bản có qui tắc bất thành văn trong khiển trách và phê bình như sau: - Người khiển trách là người có uy tín, được mọi người kính trọng và chính danh "Không phê bình khiển trách tùy tiện, vụn vặt, chỉ áp dụng khi sai sót có tính hệ thống, gây lây lan, có hậu quả rõ ràng "Phê bình khiển trách trong bầu không khí hòa hợp, không đối đầu, Win – Win”.

Phát huy tính tích cực của nhân viên
Người Nhật Bản quan niệm rằng: trong bất cứ ai cũng đồng thời tồn tại cả mặt tốt lẫn mặt xấu, tài năng dù ít nhưng đều ở đâu đó trong mỗi cái đầu, khả năng dù nhỏ nhưng đều nằm trong mỗi bàn tay, cái Tâm có thể còn hạn hẹp nhưng đều ẩn trong mỗi trái tim. Nhiều khi còn ở dạng tiềm ẩn, hoặc do những cản trở khách quan hay chủ quan. Vấn đề là gọi thành tên, định vị nó bằng các chuẩn mực của tổ chức, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, thúc đẩy bằng đào tạo, sẵn sàng cho mọi người tham gia vào việc ra quyết định theo nhóm hoặc từ dưới lên. Các DN Nhật Bản đều coi con người là tài nguyên quí giá nhất, nguồn động lực quan trọng nhất làm nên giá trị gia tăng và phát triển bền vững của DN. Người Nhật Bản quen với điều: sáng kiến thuộc về mọi người, tích cực đề xuất sáng kiến quan trọng không kém gì tính hiệu quả của nó, bởi vì đó là điều cốt yếu khiến mọi người luôn suy nghĩ cải tiến công việc của mình và của người khác. Một DN sẽ thất bại khi mọi người không có động lực và không tìm thấy chỗ nào họ có thể đóng góp.

Tổ chức sản xuất kinh doanh năng động và độc đáo
Tinh thần kinh doanh hiện đại là lấy thị trường làm trung tâm, xuất phát từ khách hàng và hướng tới khách hàng. Điều này đã thể hiện rất sớm trong phong cách và đường lối KD Nhật Bản. Các DN lớn của Nhật Bản chỉ chiếm không đến 2% trong tổng số các DN mà đại bộ phận là các DN vừa và nhỏ. Nhưng sự liên kết giữa chúng thì rất đa dạng và hiệu quả. Đó là sự liên kết hàng ngang giữa các công ty mẹ (loại lớn) nhằm phát huy lợi thế tuyệt đối của các công ty thành viên, tăng khả năng cạnh tranh vào các thị trường lớn, với các đối thủ lớn của quốc tế. Nhưng dưới mỗi công ty mẹ là vô số các công ty con (loại vừa và nhỏ) liên kết theo chiều dọc nhằm phát huy các lợi thế tương đối của các công ty thành viên, khai thác lợi thê tiềm năng của thị trường tại chỗ, tăng lợi thế tuyệt đối cho công ty mẹ, và uyển chuyển thích nghi khi có biến động kinh tế. Sự liên kết đó thấy rất rõ qua hình thức cổ phần chéo, gắn kết về tài chính, nghiên cứu phát triển, hệ thống kênh phân phối, cung ứng đầu vào, hỗ trợ nhân sự... Các doanh nhân Nhật Bản luôn đề cao chất lượng thỏa mãn nhu cầu khách hàng, các cam kết kinh doanh , đi trước thị trường và kết hợp hài hòa các lợi ích. Cải tiến liên tục, ở từng người, từng bộ phận trong các doanh nhân Nhật Bản để tăng tính cạnh tranh của doanh nhân và thỏa mÂn khách hàng tốt hơn là điều rất nhiều người nước ngoài đã từng biết

Công ty như một cộng đồng
Điều này thể hiện trên những phương diện: - Mọi thành viên gắn kết với nhau trên tinh thần chia xẻ trách nhiệm hơn là bởi hệ thống quyền lực "Tổ chức như một con thuyền vận mệnh, một mái nhà chung" Anh làm được gì cho tổ chức quan trọng hơn anh là ai - Sự nghiệp và lộ trình công danh của mỗi nhân viên gắn với các chặng đường thành công của doanh nhân - Mọi người sống vì doanh nhân, nghĩ về doanh nhân, vui buồn với thăng trầm của doanh nhân - Triết lí kinh doanh được hình thành luôn trên cơ sở đề cao ý nghĩa cộng đồng và phù hợp với các chuẩn mực xã hội, hướng tới những giá trị mà xã hội tôn vinh. Đã có thời người ta hỏi nhau làm ở đâu hơn là hỏi gia đình như thế nào. Sự dìu dắt của lớp trước đối với lớp sau, sự gương mẫu của những người lãnh đạo làm cho tinh thần cộng đồng ấy càng bền chặt. Trong nhiều chục năm chế độ tuyển dụng chung thân suốt đời và thăng tiến nội bộ đã làm sâu sắc thêm điều này.

Công tác đào tạo và sử dụng người
Thực tế và hoàn cảnh của Nhật Bản khiến nguồn lực con người trở thành yếu tố quyết định đến sự phát triển của các doanh nhân. Điều đó được xem là đương nhiên trong Văn hóa Doanh nhân Nhật Bản. Các doanh nhân khi hoạch định chiến lược kinh doanh luôn coi đào tạo nhân lực và sử dụng tốt con người là khâu trung tâm. Các doanh nhân quan tâm đến điều này rất sớm và thường xuyên. Các doanh nhân thường có hiệp hội và có quĩ học bổng dành cho sinh viên những ngành nghề mà họ quan tâm. Họ không đẩy nhân viên vào tình trạng bị thách đố do không theo kịp sự cải cách quản lí hay tiến bộ của khoa học công nghệ mà chủ động có kế hoạch ngay từ đầu tuyển dụng và thường kì nâng cấp trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên. Các hình thức đào tạo rất đa dạng, nhưng chú trọng các hình thức đào tạo nội bộ mang tính thực tiễn cao. Việc sử dụng người luân chuyển và đề bạt từ dưới lên cũng là một hình thức giúp cho nhân viên hiểu rõ yêu cầu và đặc thù của từng vị trí để họ xác định cách hiệp tác tốt với nhau, hiểu được qui trình chung và trách nhiệm về kết qua cuối cùng, cũng như thuận lợi trong điều hành sau khi được đề bạt. Cách thức ấy cũng làm cho các tầng lớp, thế hệ hiểu nhau, giúp đỡ nhau và cho mọi người cơ hội gắn mình vào một lộ trình công danh rõ ràng trong doanh nghiệp.

Nét độc đáo của VHDN Nhật Bản đã kết tụ rất rõ nét trong Phong cách quản lí kiểu Nhật, là một trong những nguyên nhân chính làm nên sự thành công trong KD của các DN Nhật Bản

3. Một điển hình về văn hoá kinh doanh : Ông Konosuke Matsushita
Konosuke Matsushita (1894 - 1989) là một nhà doanh nghiệp lớn và nổi tiếng của nước Nhật. Ông là người sáng lập ra tập đoàn Matsushita Electric, tập đoàn kinh doanh hùng mạnh nhất nhì Nhật bản. Ngày nay, khắp thế giới, ai cũng biết đến mặt hàng điện tử gia dụng mang nhãn hiệu National, Panasonic... do tập đoàn Matsushita Electric sản xuất. Matsushita Electric là một tập đoàn đa quốc gia cỡ lớn với khoảng 240.000 nhân viên, hơn 100 chi nhánh và nhà máy hải ngoại, tổng doanh thu hàng năm lên tới trên 56 tỷ USD. Doanh số của tập đoàn tương đương 85% GDP của Singapore hoặc Philippine (1992), gấp 4 lần tổng sản phẩm trong nước của Việt nam năm 1992.

Konosuke Matsushita là ai ?
Đó là cậu bé 9 tuổi của một gia đình nề nếp kiểu Nhật bị khánh kiệt vào những năm đầu của thế kỷ 20, phải rời ghế nhà trường ở độ tuổi thiếu nhi để bước vào học nghề sửa xe đạp ở thành phố Osaka. Mồ côi cha, mẹ từ năm 15; 18 tuổi, tự lực mưu sinh với bệnh phổi hiểm nghèo ngay từ độ tuổi "hoa niên"của cuộc đời. Ông vốn chỉ có trong tay 100 Yên tiền trợ cấp thôi việc, đã gây dựng nên một cơ đồ khổng lồ của hãng Matsushita Electric.

Cuộc đời của Matsushita chính là bản đúc kết kinh nghiệm thành công và cả triển vọng bão tố đối với một dân tộc đã biết bằng sức mạnh của ý chí, tinh thần và tài nghệ, tiến lên chinh phục hết mục tiêu này đến mục tiêu khác trong một thế giới cực kỳ phức tạp mà quy luật thị trường còn ghê gớm hơn cả chiến trường.

Ông đã nêu ra một số bài học:
Một là, trong nghệ thuật giải quyết vấn đề, phải thẳng thắn đối mặt với nó, không được để vấn đề vượt khỏi tầm tay.
Hai là, "Vượt qua gian lao càng to lớn, con người càng vĩ đại", " Lớn sóng phải to thuyền", những câu châm ngôn kiểu ấy của Goethe, Tolstoi cho thấy phẩm chất cần có của con người trong thử thách.
Ba là, nên nghĩ những gian lao như liều thuốc quý giúp cho sự phát triển của bạn. Cơn khủng hoảng chính là cơ hội bằng vàng trắc nghiệm khả năng và độ vững bền thự sự của bạn. Từ mỗi thất bại nên rút ra những bài học cho tương lai và dốc sức biến mỗi vận rủi thành vận may...
Các Quan điểm và phương pháp quản lí của Matsutani có sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Nhật Bản. Triết lí kinh doanh của Matsushita là:
Cần phải "sản xuất" (đào tạo) con người trước khi SX ra SP. Con người có quy cũ và chất lượng mới mong có SP chất lượng
Ông Matsutani đã nghĩ ra nhiều biện pháp đào trong quản lí nhân sự như: - Luân chuyển nội bộ "Cải thiện điều kiện và môi trường làm việc" “Khen thưởng theo tinh thần và giá trị sáng kiến của nhân viên” DN là nơi qui tụ và đào tạo con người - Cần có biện pháp quản lí xí nghiệp sao cho mọi nhân viên cảm thấy họ đang sống và làm việc trong một công ty có hoàn cảnh dễ chịu. Phải đạt được điều "Trăm tướng một lòng, ba quân hợp sức"
Mọi người trong công ty đều phải tự hỏi và trả lời được những câu hỏi:
- Vì sao có công ty này?
- Mục đích kinh doanh của Công ty là gì?
- Tinh thần kinh doanh và những quan điểm chủ đạo là gì?
Kinh doanh thực sự là cuộc chiến, trong đó sự tồn tại thuộc về khả năng tìm kiếm nơi có nhu cầu tiêu thụ
Những tinh thần chủ đạo của công ty Matsushita mà về sau trở thành những nét chính của Văn hóa Doanh nhân trên đất nước Phù Tang là:
- Doanh nhân phục vụ đất nước
- Quang minh chính đại
- Hòa thuận nhất trí
- Lễ độ khiêm nhường
- Phấn đấu vươn lên
- Đền đáp công ơn
Các qui tắc kinh doanh của Matsushita: Văn hóa kinh doanh Nhật Bản
- Lợi nhuận thu được từ việc phục vụ xã hội đó là niềm tự hào
- Cần nuôi dưỡng niềm tin: Nhờ có công ty của mình thì nền kinh tế xã hội mới vận hành bình thường được
- Phải biết ơn và kính trọng khách hàng: họ là người thân, là người thày của doanh nhân. Phải luôn thấu hiểu cái lí của họ. Phải đáp ứng kì vọng của họ. Họ là trung tâm trong các hoạt động của doanh nhân
- Không vì lấy lòng khách hàng mà hạ thấp nhân viên
- Vấn đề không phải là vốn mà là sự tín nhiệm
- Phấn đấu làm SP chất lượng, nhưng phổ biến sản phẩm đến mọi đối tượng mới quan trọng nhất

Nguyễn Tất Thịnh - chuyên gia tư vấn DN - Giảng viên HVHCQG
Nguồn:http://www.nhatban.net/mod/smartsection/item.php?itemid=139
RANDOM_AVATAR
lena
 
Bài viết: 13
Ngày tham gia: Thứ 4 25/07/07 10:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HÓA KINH DOANH NHẬT BẢN

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 5 25/10/07 0:21

Bài này (cùng với bài Kaizen) trên website http://www.nhatban.net tôi đã đăng lại trên website của chúng ta (http://www.vanhoahoc.edu.vn/vn/Nghien-C ... /?pageNo=2), và đã tham khảo bổ sung cho phần VHQTKD NB trong bài giảng.

Bài này khá gần với cách tiếp cận của tôi nhưng kết quả không hoàn toàn giống nhau. Các bạn có thể so sánh, đánh giá sự khác nhau trong “Những nguyên nhân chính làm nên sự đặc thù của VHDN Nhật Bản” và “Nét độc đáo của VHDN Nhật Bản” với những phần tương ứng trong bài giảng.

TNT
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

VH QTKD: bàn về “Hiện tượng thần kỳ Đông Á”

Gửi bàigửi bởi yeudaikho » Thứ 5 25/10/07 15:22

[center]TRUNG QUỐC: “HIỆN TƯỢNG THẦN KỲ MỚI” Ở ĐÔNG Á[/center]

(ĐCSVN) - Thế giới đã từng biết đến các “con rồng” Đông Á và đó cũng đã là các “hiện tượng thần kỳ” Đông Á vào những năm 60 – 80 của thế kỷ XX: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore. Thế nhưng từ đầu thế kỷ XXI này, có một “con rồng mới”, một “hiện tượng thần kỳ mới” lại nổi lên ở Đông Á khiến cả thế giới ngạc nhiên và khâm phục. Đó là “con rồng” Trung Quốc.

Ngày 1/10/1949, tròn 58 năm trước đây, tại quảng trường Thiên An Môn, Chủ tịch Mao Trạch Đông – nhà sáng lập ra Đảng Cộng sản Trung Quốc đã long trọng tuyên bố nước CHND Trung Hoa ra đời. Từ một nước phong kiến nông nghiệp lạc hậu, nhân dân nghèo đói, sau 58 năm trải qua những thăng trầm do nhiều nguyên nhân khác nhau, Trung Quốc ngày nay đã trở thành cường quốc không chỉ ở riêng khu vực Đông Á mà trên cả phạm vi toàn cầu. Trung Quốc đã trở thành “con rồng mới”, “hiện tượng thần kỳ mới” về sự phát triển nhanh và xếp hạng cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là một “hiện tượng đặc biệt” không chỉ bởi đánh giá, ngợi khen của nhiều nhà phân tích, bình luận trong báo giới vài năm gần đây, mà hơn cả: đó là một hiện thực sống động ở quốc gia rộng lớn và đông dân nhất thế giới này.

Đánh giá của báo giới


Trung Quốc đã trở thành “con rồng mới”, “ hiện tượng thần kỳ mới” ở Đông Á. Đó là những lời đánh giá, bình luận của không ít các nhà phân tích khi bàn về Trung Quốc trong những năm gần đây. “Trung Quốc đang tiến lên theo hướng trở thành nước lớn nhất thế giới” đã là tiêu đề của một bài bình luận đăng trên tuần báo “Thế giới” của Tây Ban Nha trong năm 2005 được trích dẫn từ cuốn sách “Báo cáo về địa vị quốc tế của Trung Quốc năm 2006” do Nhà xuất bản Nhân dân, Bắc Kinh, ấn hành cùng năm đó.

Ngày 25/1/2006, Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên đã diễn ra tại Davos (Thuỵ Sĩ), Trong nhiều vấn đề bàn thảo, vấn đề “Ảnh hưởng ngày càng tăng lên của Trung Quốc” đã là một trong những đề tài quan trọng được quan tâm thảo luận sôi nổi nhất tại diễn đàn này. Trước bối cảnh kinh tế Trung Quốc liên tục giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao nhất thế giới với 2 con số suốt hơn hai thập niên vừa qua, và ngày càng có nhiều hơn các sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in China” xuất đi khắp thế giới, đã khiến cho nhiều “đại gia” nổi tiếng về nhiều thương hiệu sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Ý, Anh, Pháp... mặc dù đã có bề dầy từ nhiều chục năm qua, thậm chí hàng trăm năm nay vẫn phải kinh ngạc và khâm phục.

Không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đã vượt trội như vậy mà hầu hết các lĩnh vực khác, quốc gia này cũng đã đạt được những kết quả, thành tựu “bứt phá” ngoạn mục. Hãy xem tuần báo Mỹ “Newsweek” đã ra ngày 9/5/2005 với chuyên đề “Tương lai thuộc về Trung Quốc chăng?”, trên trang bìa của tuần báo này đã có in hàng chữ “Thế kỷ Trung Quốc” và ảnh của diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc Chương Tử Di, nền của bức ảnh là cảnh Vạn Lý Trường Thành và tháp Viên ngọc phương Đông của Thượng Hải. Nội dung của chuyên đề này đã viết về sự “trỗi dậy” của Trung Quốc sau hơn hai thập niên cải cách mở cửa, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà ở cả các lĩnh vực khác như khoa học, công nghệ, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục, điện ảnh, tôn giáo, y tế... Bình luận của tác giả chuyên đề này đã cho rằng, sự “trỗi dậy” của Trung Quốc là một hiện thực và nhấn mạnh sự “trỗi dậy” đó không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn đối với Mỹ cần tăng cường hơn nữa các quan hệ hợp tác phát triển cùng Trung Quốc.

Điểm qua vài lời bình luận trên đây của một số tờ báo có thương hiệu đã đủ cho thấy Trung Quốc đang trở thành “hiện tượng đặc biệt có một không hai” ở thập niên đầu của thế kỷ XXI. Càng những năm gần đây càng có nhiều học giả, chính khách, nhà phân tích đã dùng nhiều hình ảnh so sánh và sử dụng các mỹ từ để ca ngợi Trung Quốc như: “người khổng lồ đang trỗi dậy”; “hiện tượng thần kỳ mới” của Đông Á; “Sức hấp dẫn của Trung Quốc ngày càng tăng”; “Tương lai thuộc về Trung Quốc” “con rồng mới”, “con hổ mới” của Đông Á... Lý do đơn giản vì thế giới đã rất ngạc nhiên và vô cùng khâm phục trước nhiều thành tựu phát triển ngoạn mục của Trung Quốc, trong đó nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực kinh tế.

Hiện thực sống động

Sự thần kỳ trước hết của nền kinh tế Trung Quốc là đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và liên tục 29 năm qua đều duy trì ở chỉ số trên dưới 10% bình quân hàng năm, kể từ sau khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách mở cửa với chiến lược bốn hiện đại hoá do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng vào năm 1979. Chính vì thế Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng mạnh và tăng rất nhanh qua các năm.

Năm 1975, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1% GDP thế giới; đến năm 2006, đã chiếm đến 6%, và nếu tiếp tục phát triển ổn định, kinh tế Trung Quốc vào năm 2020 sẽ chiếm từ 12 - 15% GDP toàn cầu. Đặc biệt, năm 2006 vừa qua, với quy mô GDP đạt 20.490 tỷ NDT (tương đương với khoảng 2.600 tỷ USD), tăng 10,7% so với năm 2005, đã đưa Trung Quốc vươn tới vị trí cường quốc kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, chỉ kém Đức một khoảng cách ngắn (2.890 USD) và theo dự báo chắc chắn sẽ vượt qua Đức vào năm 2008 để tiến tới vị trí thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản. Đó chính là sự thần kỳ thứ hai của Trung Quốc. Sự thần kỳ này cùng với sự thần kỳ về thành tựu tăng trưỏng cao và liên tục đã nêu trên của Trung Quốc khiến ta liên tưởng nhớ lại trường hợp Nhật Bản có nền kinh tế thảm bại, điêu tàn sau Thế chiến hai nhưng chỉ không đầy hai thập niên sau, với sự tăng trưởng cao liên tục của thời kỳ 1955 – 1973, ngưòi Nhật đã làm nên “kỳ tích” trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ. Các thuật ngữ “nền kinh tế thần kỳ Nhật Bản”, “con rồng Nhật Bản” bắt đầu có từ đó. Noi gương Nhật Bản, như đã biết chỉ không đầy thập niên sau, những năm 70 – 80 của thế kỷ XX, liên tiếp xuất hiện thêm các “con rồng”, các “nền kinh tế thần kỳ” khác ở Đông Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore.

Quay trở lại với “con rồng” Trung Quốc, “nền kinh tế thần kỳ” Trung Quốc. Nếu dự báo năm 2008 Trung Quốc sẽ vượt qua Đức, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là hiện thực thì trật tự kinh tế thế giới sẽ có biến đổi “khác thường”. Vì khi đó (năm 2008), lần đầu tiên trong lịch sử hậu cách mạng công nghiệp, châu Âu sẽ mất vai trò là một trong ba đầu tầu kinh tế thế giới. Cùng với Nhật Bản, Trung Quốc đã và đang góp phần quan trọng làm cho cán cân kinh tế toàn cầu nghiêng dần về phía châu Á (mà Đông Á chính là trọng tâm) không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà cả trong hầu hết các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế thế giới như thương mại, dịch vụ, du lịch... Thực tế này, phải chăng chính là sự thần kỳ thứ ba tiếp theo hai sự thần kỳ trên của Trung Quốc.

Theo nguồn tin từ ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản đã được Vietnam Net đăng tải ngày 22/6/2005: kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2015. Đây là đánh giá của Trung tâm nghiên cứu kinh tế toàn cầu và Ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, thì Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2015, và vào năm 2040 sẽ có thể vượt qua cả Mỹ để tiến tới vị trí thứ nhất, nếu như Nhật Bản và Mỹ vẫn giữ nguyên nhịp độ tăng trưởng như hiện nay, đặc biệt là với Nhật Bản thì dự báo đó có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn.

Như vậy, đã có thể khẳng định rằng, nếu như thập niên 60 – 80 của thế kỷ XX các “con rồng” Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore đã từng làm nên “sự thần kỳ của các nền kinh tế công nghiệp mới – NIES” thì hiện tại, Trung Quốc đang là một “hiện tượng thần kỳ kinh tế” mới ở đầu thế kỷ XXI này. Xin đưa ra một vài số liệu cơ bản để minh chứng rõ thêm: Từ một nước trước thập niên 70 của thế kỷ truớc có nền kinh tế chậm phát triển nhưng chỉ sau hơn hai thập niên, năm 2006, cùng với việc trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới về GDP, Trung Quốc đã đạt tổng kim ngạch ngoại thương là 1.760 tỷ USD, tăng 23,8% so với mức trung bình hàng năm, trở thành nước lớn thứ ba thế giới về kim ngạch ngoại thương so với mức thứ 6 trong 5 năm trước đó và chiếm 24,6% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Chính sự tăng trưởng ngoại thương vượt bậc đó, đặc biệt do xuất siêu cao đã tạo ra thặng dư thương mại lớn tới 177,3 tỷ USD, tăng hơn 69,3 tỷ USD so với mức kỷ lục đã đạt được năm 2005 (108 tỷ USD), là tác nhân chính khiến cho cũng năm 2006, với dự trữ ngoại tệ đạt 1066,3 tỷ USD, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành quốc gia có dự trữ ngoại tệ đứng đầu thế giới.

Những kết quả, thành tựu tăng truởng kinh tế ngoạn mục trên đây đã là điều kiện vật chất thuận lợi để hơn 350 triệu dân Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo. Ngoài ra, hàng năm có thêm khoảng 15 triệu người được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình phát triển đô thị. Cải cách, mở cửa với chiến lược hiện đại hoá đất nước của Trung Quốc đã đạt được những thành tựu rực rỡ là do Đảng Cộng sản Trung Quốc của các thế hệ lãnh đạo tài ba mỗi người một vẻ, từ Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân và hiện đang là Hồ Cẩm Đào, nhưng tất cả đều giống nhau là biết áp dụng kinh nghiệm hội nhập thị trường quốc tế của Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Quá trình đó càng được thúc đẩy nhanh hơn nhờ các nhà lãnh đạo sáng suốt đã nhìn thấy vận hội mới và biết cách tận dụng thời cơ và sức mạnh của dòng chảy toàn cầu hoá, nhất là toàn cầu hoá kinh tế để khôi phục lại vị thế thượng phong của Trung Quốc mà đầu thế kỷ XVIII triều đại phong kiến Mãn Thanh, Trung Hoa đã làm được ( vào năm 1700, kinh tế Trung Quốc đã chiếm tới 25% GDP toàn thế giới.

Như tính quy luật biện chứng của sự phát triển về mối quan hệ nhân quả, kinh tế phát triển mạnh kéo theo là các hoạt động xã hội và đời sống dân sinh phát triển nhanh hơn. Sáng tạo về khoa học công nghệ thu được nhiều thành quả quan trọng hơn. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển tốt hơn. Hệ thống y tế công cộng càng được tăng cường. Các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao có thêm điều kiện phát triển nhanh hơn. Đời sống của nhân dân do đó được cải thiện một bước đáng kể. “Ở thành thị, 11,84 triệu người có việc làm mới. Thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị đạt 11.759 NDT, của cư dân nông thôn đạt 3.587 NDT, khấu trừ nhân tố giá cả, thu nhập thực tế tăng 10,4% và 7,4% so với năm trước”(“Báo cáo công tác của Chính phủ” do Thủ tướng Ôn Gia Bảo trình bày tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa X Trung Quốc ngày 5/3/2007)...

Không chỉ thế, hiện tại Trung Quốc còn được coi là một cường quốc về một số lĩnh vực mà không phải bất kỳ quốc gia giầu mạnh nào cũng dễ đạt được, đó là khoa học công nghệ và quân sự, đặc biệt là quân sự. Trong “ Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc” của Mỹ đã công bố năm 2006 khá chi tiết về thực trạng này cho thấy, hiện Mỹ coi “Trung Quốc là đối thủ lớn nhất” về tiềm lực quân sự, kể cả sức mạnh hải, lục, không quân về số quân đông, thực lực mạnh cả về kỹ, chiến thuật tác chiến và vũ khí trang bị đều hiện đại, tối tân. Ngoài ra từ lâu Trung Quốc đã là một trong số không nhiều quốc gia đã có vũ khí hạt nhân và có ngành khoa học vũ trụ phát triển mạnh không thua kém nhiều so với Mỹ - hiện đang là cường quốc số 1 về các lĩnh vực này.

Mặt trái của “tấm huy chương

Vẫn theo tính quy luật biện chứng của sự phát triển thì hầu hết các sự vật, hiện tượng đều mang tính hai mặt, tựa như một tấm huy chương bao giờ cũng có hai mặt: phải và trái. Sự phát triển “thần kỳ” của “con rồng” Trung Quốc cũng vậy. Mặt phải là những kết quả, thành tựu phát triển vượt bậc như đã nêu trên đây; Mặt trái là những hạn chế, bất cập còn tồn đọng, thậm chí có những tiêu cực đã nảy sinh từ chính quá trình phát triển đó mà Trung Quốc chưa khắc phục, chưa vượt qua được, phải “vui vẻ chấp nhận” hoặc kể cả “bắt buộc phải trả giá”.

Theo đánh gia chung của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc khoảng gần hai thập niên gần đây đã được hưởng nhiều lợi ích từ toàn cầu hoá và nhất là lợi ích do việc gia nhập WTO từ tháng 12/2001 đến nay. Vì thông qua đó, các hoạt động kinh tế đối ngoại như đã nêu của Trung Quốc đều đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc do dựa trên nền tảng các ngành sản xuất trong nước cũng đều có sự phát triển vượt bậc và môi trường quốc tế thuận lợi

Thế nhưng, vẫn theo các nhà phân tích, hội nhập toàn cầu hoá kinh tế, trực tiếp nhất là gần 6 năm gia nhập WTO, Trung Quốc cũng phải chịu không ít tổn hại và còn đang gặp phải không ít các khó khăn, thách thức đang đặt ra như: nền kinh tế còn phát triển quá nóng; tỷ lệ tiêu hao năng lượng và vật tư trong sản xuất còn lớn dẫn đến mâu thuẫn giữa cầu về tăng trưởng kinh tế với cung về năng luợng và vật tư vẫn gay gắt; ô nhiễm môi trường sinh thái do đẩy mạnh CNH, HĐH còn cao; phân hoá giầu nghèo trong toàn xã hội và chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn tiếp tục gia tăng; một số vấn đề bức xúc liên quan đến lợi ích quần chúng giải quyết chưa thật tốt; cải cách hành chính và chuyển đổi chức năng của Chính phủ còn chậm; một bộ phận cán bộ công chức nhà nước còn quan liêu, tham nhũng...

Quyết tâm phát triển một “xã hội hài hoà”

Tuy còn có những biểu hiện mặt trái như vậy, nhưng rõ ràng một sự thật hiển nhiên là đất nước Trung Quốc hôm nay đã thực sự là “người khổng lồ đang trỗi dậy”. Cải cách, mở cửa và hội nhập toàn cầu, hội nhập WTO đã đưa lại cho Trung Quốc nhiều thành tựu phát triển vượt bậc, và do đó về cơ bản đa số nhân dân Trung Quốc đã có đời sống ấm no, khá giả. Chính vì thế, toàn thể nhân dân Trung Quốc vẫn một lòng kiên trì, quyết tâm đi theo con đường xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc do Đại hội lần thứ XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra từ năm 2002 và gần đây đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào khẳng định thêm tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp ngày 11/10/2006 là tiếp tục cải cách theo chiều sâu, đẩy mạnh mở cửa, tạo cơ sở vững chắc cho việc khắc phục các biểu hiện mặt trái trên đây, tiến tới xây dựng một xã hội khá giả, một xã hội hài hoà XHCN, chấn hưng dân tộc và xây dựng đất nước Trung Quốc ngày càng giầu mạnh, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của khu vực và toàn cầu, xứng với vị thế của một cường quốc.
Phương Anh
(theo Website Đảng Cộng Sản Việt Nam)
Hình đại diện của thành viên
yeudaikho
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Chủ nhật 03/06/07 21:24
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: bàn về “Hiện tượng thần kỳ Đông Á”

Gửi bàigửi bởi yeudaikho » Thứ 5 25/10/07 15:30

Thưa thầy!
Xin thầy nói rõ thêm về "Hiện tượng thần kỳ Đông Á".
"Không ít người trong giới phân tích kinh tế ở phương Tây cho rằng, hiện tượng “thần kỳ Đông Á” về thực chất chỉ là một dạng “tăng trưởng bong bóng xà phòng”, tan rã trong chốc lát và khó có thể khôi phục."
Nhận định trên có đúng không?
Hình đại diện của thành viên
yeudaikho
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Chủ nhật 03/06/07 21:24
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: bàn về “Hiện tượng thần kỳ Đông Á”

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Chủ nhật 28/10/07 7:56

Ban yeudaikho than men,

Mặc dù bạn đặt câu hỏi cho tôi, nhưng tôi chưa muốn trả lời trả lời bạn ngay, vì đây là diễn đàn nên tôi muốn nghe các bạn thảo luận với nhau trước đã.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: xuanhieu & huu duyen

Gửi bàigửi bởi Barbie Hsu » Thứ 2 29/10/07 17:13

Em không biết huu duyen có lộn thần kì đông á với kinh tế bong bóng không, chứ hai cái đó khác nhau mà ... ở hai thời kì hoàn toàn khác nhau.

Còn cái chậm mà chắc ... thật ra, em nghĩ đó là một sự nguỵ biện của những ai không làm nhanh được mà thôi ... không biết em nghĩ có đúng không.

Còn xuanhieu thì lại đưa ra quá nhiều nguyên nhân, tựu trung lại em chỉ thấy có 1 nguyên nhân chính mà thôi. Đó là giao việc không đúng người ... và người thì chưa đủ tầm mà thôi ...

Chỉ cần 1 chút lệch lạc là cái gì cũng chậm hết, chứ không phải chỉ có kinh tế mà thôi.
Hình đại diện của thành viên
Barbie Hsu
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 7 27/10/07 10:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Barbie Hsu

Gửi bàigửi bởi the_endless_love » Thứ 2 29/10/07 17:29

"Em không biết huu duyen có lộn thần kì đông á với kinh tế bong bóng không, chứ hai cái đó khác nhau mà ... ở hai thời kì hoàn toàn khác nhau"
-> theo mình thấy thì không phải huuduyen lộn mà là bạn đã đọc nhầm. Bạn đọc kỹ lại đi nhé
Hình đại diện của thành viên
the_endless_love
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 7 27/10/07 12:05
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: the endless love & huuduyen

Gửi bàigửi bởi Barbie Hsu » Thứ 2 29/10/07 18:28

Uh nhi !

Cảm ơn the endless love nhé, em đọc nhầm thiệt cà. Vậy thì xin lỗi huuduyen nhe. hihi
Hình đại diện của thành viên
Barbie Hsu
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 7 27/10/07 10:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: the endless love & huuduyen

Gửi bàigửi bởi nguyenhuuduyen » Thứ 2 29/10/07 20:57

Barbie Hsu đã viết:Uh nhi !

Cảm ơn the endless love nhé, em đọc nhầm thiệt cà. Vậy thì xin lỗi huuduyen nhe. hihi


hì hì... không có chi. Chúc bạn vui.
RANDOM_AVATAR
nguyenhuuduyen
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 7 27/10/07 11:54
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

VH QTKD: bàn về “Hiện tượng thần kỳ Đông Á”

Gửi bàigửi bởi vuthihuyenly » Thứ 5 08/11/07 15:17

NGUYÊN NHÂN CỦA “HI ỆN TƯỢNG THẦN KỲ ĐÔNG Á”
Trong vài thập kỷ qua thì kinh tế Đông Á nổi lên và phát triển một cách nhanh chóng. Đầu tiên là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, rồi đến Trung Quốc, đã tạo nên một làn sóng kinh tế mới mà giới chuyên môn phải dùng cụm từ “Hiện tượng thần kỳ Đông Á” để nói đến hiện tượng này.
Về thực trạng phát triển kinh tế của những nước này thì như các anh, chị đã phân tích, còn về nguyên nhân của hiện tượng này theo tôi có các nguyên nhân chính sau đây.
Khu vực Đông Á (các nước này chủ yếu nằm ở Đông Bắc Á, trừ Singapore) nằm trong loại hình văn hoá trọng tĩnh phương Đông nhưng so với Đông Nam Á thì vùng này hoàn toàn khác biệt về địa hình, khí hậu, truyền thống văn hoá
Khu Vực: Đông Bắc Á / Đông Nam Á
Địa hình: Núi non, thảo nguyên / Sông nước
Khí hậu: Lạnh, khô / Nóng, ẩm
Truyền thống văn hoá: Truyền thống trọng nam, tham vọng chinh phục / Truyền thống trọng nữ, ước vọng sống hoà hợp

Do vậy, ta thấy rằng khu vực Đông Bắc Á thiên về dương tính hơn so với khu vực Đông Nam Á. Điều này sẽ làm cho kinh tế Đông Bắc Á phát triển khác biệt với Đông Nam Á.

Nhật Bản
Thần đạo làm cho người Nhật tin rằng các Kami chỉ sinh ra dân tộc Nhật Bản. Vì vậy, họ coi toàn thể dân tộc Nhật có cùng huyết thống nên họ có tính tập thể rất cao. Hơn nữa, chủ nghĩa gia đình và tính tôn ti trong gia đình ở Nhật bản rất mạnh, được nâng lên thành hệ tư tưởng quốc gia. Từ tổ chức gia đình đã mở rộng ra tổ chức xã hội, tạo nên tính tập thể ở những quy mô khác nhau: công ty, lãnh địa của lãnh chúa, quốc gia.
Tính gia đình này khhiến cho người Nhật sống, suy nghĩ, làm việc và sẵn sàng hy sinh hết mình vì tập thể, luôn gạt bỏ cái tôi, hướng đến lợi ích chung, tạo nên tính thống nhất cao trong hành động. Khi người Nhật đã làm việc tập thể thì họ sẽ đóng góp tích cực vào công việc của tập thể, tránh làm tổn hại đến danh dự của tập thể và hiệu quả công việc luôn vượt khỏi sự mong đợi. Chủ doanh nghiệp coi công nhân như con cháu, đã tuyển dụng là không sa thải.
Tính trọng thể diện, ham học hỏi đã thúc đẩy dân tộc Nhật phát triển.
Tính mục đích và tính cầu toàn giúp cho người Nhật biết mình muốn gì và luôn tập trung tất cả để thực hiện mục đích ấy. Họ luôn thận trọng trong công việc và làm việc gì cũng muốn đạt được kết quả tốt nhất.
Tinh thần võ sĩ đạo đã tạo cho người Nhật phẩm chất: kiên nghị, khuân phép, ý chí mạnh mẽ, khiêm nhường… Họ làm việc tận tuỵ, trọng chữ tín, trọng chất lượng, có tinh thần trách nhiệm cao, không có thói gian lận, lừa bịp, trốn thuế, làm hàng giả. Áp dụng chiến lược “đúng lúc” trrong sản xuất kinh doanh.
Triết lý quản trị Kaizen (cải tiến) vói nội dung 5S: sàng lọc (loại bỏ những thứ không cần thiết), sắp xếp (phân loại, hệ thống hoá mọi thứ), sạch sẽ (vệ sinh, kiểm tra để mọi thứ đúng nơi quy định), săn sóc (tiêu chuẩn hoá, quy trình hoá những gì đã đạt được với ba nguyên tắc trên để mọi thành viên doanh nghiệp có thể tuân theo một cách bài bản hệ thống), sẵn sàng (giáo dục, duy trì, cải tiến bốn nguyên tắc trên trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp).
Những tính cách trên, đặc biệt là chủ nghĩa gia đình và tính tôn ti đã làm cho Nhật Bản phát triển như ngày nay. Chủ nghĩa gia đình và tính tôn ti khiến cho cả nước Nhật gắn kết lại với nhau cùng nhau làm hết mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế của quốc gia. Họ tổ chức công ty theo kiểu gia đình với “Công ty mẹ và công ty con” , “Hội sở chi nhánh”, “Lớp trước lớp sau” tạo thành một “mạng lưới gia đình” rất đa dạng và hiệu quả. Và coi “Công ty như một con thuyền vận mệnh một mái nhà chung”. Sự nghiệp và con đường của mỗi nhân viên gắn với sự phát triển và thành công chung của gia đình doanh nghiệp. Sự gương mẫu của người lãnh đạo, sự dìu dắt của lớp trước với lớp sau làm cho doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Khi chủ nghĩa gia đình phát triển ra phạm vi doanh nghiệp, quốc gia thì các thành viên trong gia đình vừa là ta vừa là “ngoài ta” tạo nên sự cạnh tranh và hợp tác luôn song hành nhau. Khi có mâu thuẫn quyến lợi họ thường tránh xung đột mà tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng và dung hoà lợi ích.
Vì Nhật Bản không có tài nguyên nên rất coi trọng nguồn lực con người. Họ đào tạo và sử dụng nhân lực theo kiểu luôn chuyển đề bạt từ dưới lên. Giúp nhân viên hiểu rõ yêu cầu công ciệc và tràch nhiệm của mình để làm việc đạt được kết quả tốt nhất vì sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Với một tính cách Nhật Bản như vậy đã làm cho nước Nhật từ một nước nghèo trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ 4 trên thế giới như ngày nay.

Hàn Quốc
Theo như GS Trần Ngọc Thêm phân tích thì 7 đặc trưng tính cách của người Hàn ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá kinh doanh của họ.
1. Tính trọng tình
2. Khả năng nhãn cảm cao
3. Tính trọng thể diện
4. Chủ nghĩa gia đình và tính tôn ti
5. “Hận” và tính hướng nội
6. Tính nước đôi vừa âm vừa dương
7. Lối làm việc cần cù, khẩn trương với nhiệt huyết, ý chí và nghị lực
Ở người Hàn vẫn mang căn tính nông nghiệp với thói quen không coi trọng thời gian nên họ làm việc chăm chỉ và cần mẫn, coi công việc là trung tâm, thời gian là thứ yếu. Tính lương theo khối lượng công việc đã hoàn thành chứ không tính lương theo thời gian. Từ khi bước vào quá trình công nghiệp hoá, người Hàn ham làm việc, ham làm giàu, lúc nào họ cũng cảm thấy thiếu thời gian nên có tác phong làm việc rất khẩn trương.
“eui-yok” (Ý chí và tham vọng) được coi là trái tim của công ty, nếu để mất “eui-yok” thì thì sẽ kéo theo sự mất sinh khí, khiến cho năng lực cạnh tranh và sự sống còn của công ty sẽ tiêu tan.
Phong trào Saemaul là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh tiềm tàng của ý chí và nghị lực của truyền thống văn hoá Hàn.
Tổ chức tập đoàn kinh tế kiểu Chaebol: mỗi tập đoàn có nhiều công ty thành viên hoạt động theo kiểu đa ngành với mức độ đa dạng hoá sản xuất rất cao.
Tổ chức tập đoàn kinh tế theo kiểu gia đình, các thành viên của một gia đình đóng vai trò chủ đạo. Về nguồn gốc truyền thống đó là các doanh nghiệp kiểu gia đình phong kiến di thực lại và phát triển lên dưới chế độ TBCN. Các dòng họ sáng lập ban đầu là các tộc trưởng tạo dựng công ty, do đó cơ cấu tổ chức của nó mang hình thức tập đoàn đẳng cấp. Chủ nghĩa gia đình trị đã tạo nên mạng lưới công ty lớn, nhỏ cố kết rất chặt chẽ với nhau. Tính tôn ti đã tạo cho người Hàn một tác phong làm việc nghiêm túc.
Trong quan hệ trên dưới người Hàn phổ biến là nhường nhịn, nhưng chủ yếu là người dưới nhường người trên. Trong quan hệ ngang bằng phổ biến là cạnh tranh, người Hàn có định hướng địa vị cao gây ra sự cạnh tranh gay gắt. Điều này thúc đẩy họ cố gắng làm việc để khẳng định mình và vươn lên.
Tính cách mạnh mẽ, cứng rắn không khoan nhượng nên bất cứ khi nào sự đè nén vượt xa khỏi gới hạn của sức chịu đựng thì sẽ có sự phản kháng vô cùng mạnh mẽ đòi hỏi sự thay đổi. Điều này đã xảy ra trong lịch sử Hàn Quốc và đã biến họ từ một quốc gia nghèo đói trở nên một cường quốc kinh tế như ngày nay.

Trung Hoa
Văn hoá Trung Hoa với truyền thống văn hoá gốc du mục, thường xuyên di chuyển nên nghề thương nghiệp phát triển từ rất sớm, có truyền thống văn hoá kinh doanh phát triển hơn cả. Ở đây danh và lợi được coi trọng ngang nhau nên kinh doanh đã phát triển từ rất sớm ngay từ đời nhà Thương. Còn có cả hiện tượng nhà nho đi buôn nên sớm hình thành một tầng lớp thương nho.
Trung Hoa có cả một truyền thống kinh doanh với 5 giai đoạn: thương nhân tự phát, thương nhân nhà nước, thương nhân tự do, thương nhân bị chèn ép, thương nhân vươn lên. Có 4 loại thương nhân truyền thống: đại thương, trung thương, tiểu thương, quan thương.
Tổ chức của thương nhân theo kiểu gia đình, gia đình trở thành nền móng của quốc gia. Doanh nghiệp gia đình đóng vai trò rất lớn từ truyền thống đến hiện đại. Quyền quản lý công ty nằm trong tay người đứng đầu gia đình, các vị trí chủ chốt còn lại cũng do các thành viên khác trong gia đình chia nhau phụ trách. Công ty chính lien kết với các công ty “đồng minh” của những người bà con xa gần thành một mạng lưới. Cách tổ chức này giúp họ có tính độc lập cao, dễ dàng thích nghi khi đến lập nghiệp ở nơi khác và tổ chức những hoạt động xuyên quốc gia một cách dễ dàng.
Trung Hoa còn có cả một kho tàng triết lý kinh doanh được đúc kết lại trong sách vở. Những thuật kinh doanh chủ yếu: coi trọng đường xá, chọn điểm kinh doanh; người bỏ ta lấy, người lấy ta đưa; dự đoán thị trường, săn tìm tin tức; gợi sự chú ý, làm vừa lòng khách; lưu chuyển mà thông, buôn bán mà đổi; không dám bán đắt, lãi ít bán nhiều; dùng những cách kì lạ để thắng lợi, mạnh cả trí-dũng-nhân; lấy nghĩa đãi người, lấy tín đãi lợi; ra sức làm việc, cần kiệm làm đầu; phân công phù hợp, quản lý chặt chẽ;

Tóm lại
Các nước Đông Bắc Á đều thuộc tiểu vùng văn hoá Đông Bắc với loại hình văn hoá trung gian trọng thế tục – coi trọng cả lợi lẫn danh nên có văn hoá kinh doanh phát triển hơn cả.
Đài Loan, Hồng Kông, Singapore thuộc tiểu vùng văn hoá Đông Nam Á nhưng lại là những quốc gia “Trung Quốc” nên truyền thống văn hoá vẫn thuộc về Đông Bắc Á.
Với truyền thống văn hoá trọng cả danh lẫn lợi, hầu như các nước này đều gắn liền kinh doanh với chủ nghĩa gia đình và rộng hơn nữa là quốc gia nên có hệ thống kinh doanh rất chặt chẽ và các thành viên trong công ty đều có trách nhiệm chung cho gia đình của mình. Như thế thì kinh tế của khu vực Đông Á ngày càng tăng trưởng cao và hiện tượng “thần kỳ Đông Á” sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai chứ không thể là tăng trưởng bong bóng xà phòng được.
Khu vực Đông Á đang ngày càng trở thành nhà máy sản xuất hàng công nghiệp của thế giới, đặc biệt là các loại máy móc, đồ điện gia dụng, xe hơi, xe máy, máy chụp hình… đến các loại phần cứng của công nghệ thong tin như máy tính xách tay, điện thoại di động. Hiện nay Đông Á sản xuất khoảng 95% máy nghe nhạc DVD, 85% máy tính xách tay, gần 100% ổ đĩa cứng máy tính, 70% máy cassette, gần 80% máy phim đèn chiếu, 80% máy điều hoà không khí, 60% ti vi màu, 30% xe hơi của thế giới. công nghiệp hoá tiến nhanh và cơ cấu ngày càng hướng vào những ngành có giá trị tăng cao.

NGUYÊN NHÂN CHẬM PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM
Việt Nam nằm trong loại hình văn hoá Đông Nam trọng tĩnh, thiên hẳn về âm tính (nông nghiệp điển hình), trọng danh khinh lợi, coi thương nghiệp là nghề thấp kém, trọng nghĩa khinh tài nên không có truyền thống văn hoá kinh doanh.
Văn hoá Việt Nam mang đầy đủ những đặc trưng tính cách của cư dân nông nghiệp điển hình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tính cộng đồng đã tạo nên tính cào bằng, dựa dẫm, bè phái, coi nhẹ cá nhân (khôn độc không bằng ngốc đàn).
Tính ưa hài hoà dẫn đến cái gì cũng đại khái xuề xoà, thiếu quyết đoán, thiếu chí làm giàu.
Thiên về âm tính dẫn đến chậm chạp, nhẹ lý, thiếu trách nhiệm, thiếu sức cạnh tranh.
Tính tổng hợp dẫn đến óc phân tích kém, thiếu sâu sắc.
Tính linh hoạt dẫn đến tuỳ tiện, thiếu truyền thống pháp luật, “trên bảo dưới không nghe”.
Văn hoá Việt Nam âm mạnh hơn dương nên khả năng bảo tồn mạnh hơn khả năng phát triển nên Việt Nam chậm phát triển. “Thà nghèo đói nhưng ổn định” đã từng là chủ trương một thời của Việt Nam “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện”.
Trước đây chúng ta vẫn thường dựa vào khai thác tài nguyên đất nước (hái, bắt, đào) mà không chú trọng đến phát triển các nguồn lực khác nhất là nguồn lực con người.
Vì vậy, trong suốt cả một thời gian dài Việt Nam chậm phát triển chỉ mới gần đây Việt Nam mới bắt đầu hoà nhập vào kinh tế thế giới, mở rộng dầu tư nước ngoài và bắt đầu học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.
RANDOM_AVATAR
vuthihuyenly
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 5 07/06/07 15:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá kinh doanh / Văn hoá Doanh nghiệp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến6 khách

cron