VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá kinh doanh, văn hoá quản trị trong kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp...

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi dinhduc » Thứ 2 12/11/07 23:50

Về Nghĩa và Lợi
“Người quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiêu nhân hiểu rõ về lợi”, nói như vậy không có nghĩa là người quân tử không biết tí nào về lợi, và ngược lại. Trong câu nói của Khổng Tử, ta thấy xuất hiện hai yếu tố tất yếu của cuộc sống là tinh thần – nghĩa, và vật chất – lợi. Tác giả dùng hai nhận định của cá nhân về nghĩa - lợi để ứng với hai hình ảnh người là quân tử - tiểu nhân, cho thấy trong quan điểm của ông nghĩa có giá trị cao hơn lợi, tương đương với việc coi trọng người quân tử hơn kẻ tiểu nhân. Vì rằng, vì nghĩa con người trở nên cao thượng – quân tử, nhưng vì lợi con người có thể bất chấp tất cả để được lợi về mình, ích kỷ - tiểu nhân.
Trong kinh doanh, mục đích cuối cùng là lợi nhuận, là làm giàu. Làm giàu cho bản thân người kinh doanh và làm giàu cho xã hội, góp phần đưa đất nước bước ra khỏi cảnh đói nghèo, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo với những nước khác. Điều đó, nếu không gọi là nghĩa thì gọi là gì? Đặc biệt trong xã hội thực dụng như hiện nay, kinh tế - lợi là lá cờ đầu cho các phong trào thiện nguyện – nghĩa.
Đối với các doanh nghiệp “có tâm”, làm sao lợi nhiều mà vẫn giữ được nghĩa là một việc làm vô cùng khó. Nhắc đến văn hóa kinh doanh, mọi người thường hô hào phải kết hợp nhịp nhàng và bảo đảm sự thường trực hai yếu tố nghĩa và lợi trong kinh doanh. Nhưng làm sao nhịp nhàng được khi lợi và nghĩa vẫn là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt nhau. Thậm chí đôi lúc chúng còn được coi là hai thế lực triệt tiêu lẫn nhau?
Do đó, cần phải xóa bỏ sự khác biệt giữa hai nghĩa và lợi, cỡi bỏ quan niệm “lợi là mục tiêu, nghĩa là nghĩa vụ”. Vì như vậy, nghĩa chẳng qua là phục vụ cho mục đích của lợi, đồng nghĩa với việc làm việc “thiện” mà có “mưu đồ” thì chẳng những không có nghĩa mà còn trở nên vô nghĩa, càng làm càng hại.
Giống như người mẹ chăm sóc con, nếu người mẹ chăm sóc vì nghĩa vụ phải làm, không như thế thì sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt đối với bản thân người mẹ đó, thì việc chăm sóc ấy mất hết hoàn toàn giá trị, chẳng khác nào người vú em, mất đi ý nghĩa thiên liêng của “mẹ”.
Cũng vậy, nếu nghĩa được hình thành dưới tinh thần phi nghĩa thì mọi hô hào và kết hợp đều trở nên hợm cả. Vậy, đều cốt yếu là hiểu một cách rốt ráo về cái gọi là nghĩa. Nó không phải là cái “được” hữu thức trước khi làm, mà là các “được” vô thức sau khi làm. Làm việc nghĩa vì tâm niệm đó xuất phát từ thiện tâm, là bổn hoài, là lý tưởng, là niềm vui, không phải là nghĩa vụ. Cũng giống như mẹ nuôi con vậy.
Trở lại phạm vi của chúng trong kinh doanh, nhà doanh nghiệp phải nhận thức và cảm nhận một cách rốt ráo rằng nghĩa – lợi là một chứ không phải là hai, nó là nhất thể. Vì vậy không thể chia chẻ dù bất cứ lý do nào. Nhận thức được như vậy thì sẽ không bao giờ có việc nước tương có chất gây ung thư, nước mắm có nồng độ đạm cao vì bỏ thêm phân URE, tiêu có “lẫn” hạt gòn, hạt điều nặng là nhờ ngâm nước, trái cây và rau củ có chất gây hại cho sức khỏe của con người, xây cầu sụp cầu, làm đường sụp đường, bê tông cốt sắt thành bê tông cốt tre…
Tóm lại, sẽ là sai lầm nếu như phân biệt nghĩa và lợi thành hai tiêu chí khác nhau trong kinh doanh, mà hãy để nó trở thành một thực thể thống nhất như chất đỏ duy nhất trong máu nhận thức để nuôi sống cơ thể doanh nghiệp. Đó là điều rất khó thực hiện, nhưng không có nghĩa là không thực hiện được.
Tập tin đính kèm
Về Nghĩa và Lợi.doc
(29.5 KiB) Đã tải về 1520 lần
RANDOM_AVATAR
dinhduc
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 22:52
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 3 13/11/07 1:08

[justify]Thật thú vị về một câu nói của Khổng Tử cách đây hơn 2500 năm mà vẫn còn có ý nghĩa thời sự dưới cái nhìn văn hóa kinh doanh như hiện nay.
Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn lena nói về kinh doanh với môi trường sống. Một khi làm kinh doanh, chúng ta đồng ý với nhau rằng đã kinh doanh thì mục đích của nó là lợi nhuận, kiếm lời. Song không vì thế và chỉ vì lợi ích bản thân, doanh nghiệp mà hủy hoại đi môi trường sống của chúng ta hoặc vì lợi mà bất chấp tất cả những hậu quả xấu do hành động kinh doanh kiếm lời của mình để lại như hậu quả môi trường, hậu quả xã hội, hậu quả về mặt đạo đức.
Nhân đây tôi muốn nói thêm về các câu chuyện “nhập rác” của các doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp của Việt Nam (xin miễn nêu tên) đã không ngần ngại ký những hợp đồng nhập rác phế thải, phế liệu của phương Tây dưới các nhãn nhập hàng phế thải còn tận dụng được, nhập hàng cũ giúp bà con tiết kiệm v.v… Hậu quả là hàng second hand nhập về xài không được bao lâu đã hỏng, lại tốn công vận chuyển, khi chúng hỏng không có chỗ để vứt, tiêu hủy. Có tiêu hủy thì cũng tốn tiền tiêu hủy, còn sinh ra ô nhiễm môi trường. Tôi thật sự không biết các doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng phế liệu có suy nghĩ gì đến tác hại của nó hay không? Nếu không có chủ trương dứt khoát, Việt Nam trong vài mươi năm nữa sẽ tràn ngập rác phế thải của các nước công nghiệp tiên tiến.
Nhà nước ta mở cửa, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để cho các nước vào đầu tư nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến v v.v… Chủ trương đó của Đảng và Nhà nước rất đúng đắn, rất tốt và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thế nhưng, xin các cơ quan chức năng của chúng ta nên nhớ rằng: Các nước phương Tây nói chung, các nước công nghiệp nói riêng, cách đây vài ba chục năm và thậm chí cho đến bây giờ vẫn còn bị ô nhiễm do các nhà máy, nhà sản xuất các chất độc hại dùng trong công nghiệp và ở nước họ, họ bị tẩy chay dữ dội. Hiện nay, họ đang tìm kiếm cơ hội đẩy các nhà máy, xí nghiệp sản xuất các chất độc hại sang các nước đang phát triển. Đó có thể nói là một nguy cơ cho các nước đang phát triển và đã không ít các nước nghèo đã trả giá cho những sai lầm của mình.
Chúng ta mời gọi đầu tư, mời gọi các công ty, xí nghiệp nhưng phải có đối sách từ chối hoặc hạn chế những công ty sản xuất các mặt hàng độc hại. Và phải buộc họ có trách nhiệm giữ gìn môi trường sống cho nhân dân sở tại. Hiện nay, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất làm ô nhiễm môi trường và hậu quả là nhân dân các địa phương sở tại gánh chịu.
Thiết nghĩ, các công ti nước ngoài nào vì lợi ích mà quên nghĩa, quên trách nhiệm đối với con người và môi trường sống thì phải trừng phạt họ đích đáng. Không thể thả nổi môi trường sống của chúng ta cho họ như hiện nay.[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

HIỂU THÊM VỀ NGHĨA VÀ LỢI THEO KHỔNG TỬ

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 3 13/11/07 2:07

[justify]Khổng Tử trong Luận ngữ có câu nói nổi tiếng về Nghĩa và Lợi: Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi [Lý Nhân 16], Nguyễn Hiến Lê dịch là “Người quân tử hiểu rõ về Nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về Lợi”. Bình luận câu nói này từ góc nhìn văn hoá quản trị kinh doanh.
Để hiểu quan điểm của Khổng Tử về nghĩa và lợi, thiết nghĩ cần phải có một tham luận sâu về vấn đề này. Ngoài câu Khổng tử được học giả Nguyễn Hiến Lê dịch trên, chúng tôi có nhã ý làm phong phú thêm quan điểm của Khổng tử về nghĩa và lợi thông qua một số lời phát biểu khác của ông.
Tử viết: “Quân tử dụ ư nghĩa; tiểu nhân dụ ư lợi” [Lý nhân 16].
Đoàn Trung Còn dịch là: “Đức Khổng Tử nói rằng: Bậc quân tử tinh tường về việc nghĩa; kẻ tiểu nhân rành rẽ về việc lợi.” [Tứ Thư, Đoàn Trung Còn dịch, NXB 2006, tr. 58-59.]
Cùng nguyên văn chữ Hán trên, quyển Luận ngữ (Trung Anh Văn Đối Chiếu Bản) dịch câu trên như sau: “Confucius remarked, “A wise man sees what is right in a question; a fool, what is advantageous to himself.” [The Discourses and Sayings of Confucius: p. 21, the translation of Dr. Legge dịch từ Luận Ngữ]
Cước chú của câu này là một phiên bản dịch khác của Sir Chanoner Alabaster translates thus: “ The gentleman regards what is right; the cad regards what will pay.” [cước chú số 19 trang 149 bản dịch Anh đối chiếu: The Discourses and Sayings of Confucius]

Rất nhiều cách dịch và giảng nghĩa khác nhau tuy nhiên tất cả đều tương tự như nhau. Tôi xin nêu ra đây để mọi người bàn thêm.
Khổng Tử là người không chê lợi, ông đã phát biểu quan điểm của ông về lợi nhiều lần trong quyển Luận Ngữ (quyển sách mà các học giả xưa nay cho rằng nó là lời đích thực của Khổng Tử). Ông khẳng định mình cũng ham giàu có và sang trọng như mọi người.
Xin trích nguyên gốc chữ Hán-Việt: “Tử viết: Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã. Bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử dã. Bần dữ tiện, thị nhân chi sở ố giã; bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khử dã. Quân tử khử nhân, ố hồ thành danh? Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân. Tháo thứ tất ư thị, điên bái tất tư thị.” [Lý nhân 5]
“Giàu và sang là điều người ta muốn. Nhưng nếu được nó mà không theo đúng đạo, thì ta không làm. Nghèo và hèn là điều người ta ghét; nhưng nếu như ta không thể thoát khỏi nó bằng cách theo đúng đạo thì ta không rời khỏi (nghĩa là chấp nhận nó VVT).”[Phan Ngọc dịch, theo Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam 2002: 154].
Tử viết: “Phú nhi khả cầu dã, tuy chấp tiên chi sĩ, ngô diệc vi chi. Như bất khả cầu, tùng ngô sở háo.” [Thuật Nhi 11].
Nếu như có thể mong giàu có một cách đúng đắn thì dù có phải làm kẻ cầm roi (canh ngoài chợ) ta cũng làm. Còn nếu không thể mong một cách đúng đắn thì ta theo điều ta thích.” [Phan Ngọc 2002: 155].
Ở một đoạn khác của Thuật Nhi, ông nói: “Phạn sơ thực, ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ trung hỹ. Bất nghĩa nhi phú thả quí, ư ngã như phù vân.”
Khổng Tử nói: “Ăn gạo thô, uống nước lã, co tay lại làm gối kê, trong việc này cũng có cái vui. Còn làm chuyện bất nghĩa để được giàu sang thì đối với ta như đám mây nổi.” [Phan Ngọc 2002: 155].
Tử viết: “…. Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã. Bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã.” [Thái Bá 14].
“Nếu nước có đạo mà mình nghèo và hèn thì đó là điều xấu hổ. Nếu nước vô đạo mà mình giàu và sang thì đó là điều xấu hổ.” [Phan Ngọc 2002: 156].
Theo ý tứ các câu trên thì Khổng Tử là người đã kết hợp cả nghĩa và lợi. Đối với ông, lợi (có thể hiểu là giàu có và sang trọng) thì mọi người muốn có được, ông cũng vậy, có khác chi họ đâu nhưng ông giữ lập trường của mình rằng để giàu có mà làm điều bất nghĩa thì ông chịu nghèo, hèn còn hơn.
Tôi cho rằng Khổng Tử đã dung hòa nghĩa và lợi như theo lập trường quân tử, có thế ông mới xứng danh là vạn thế sư biểu. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê trong quyển hồi ký của mình viết: “Học thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời. Nếu sau mười thế hệ, người ta thấy nó vẫn còn làm cho đức trí con người được nâng cao thì phải coi nó là một cống hiến lớn cho nhân loại rồi”. Chúng tôi cho rằng tư tưởng về nghĩa và lợi của Khổng Tử là một đóng góp lớn cho nhân loại nhất là trong tình hình kinh doanh kiếm lợi bất chấp mọi thủ đoạn như hiện nay.
Một vài bài trích và lạm bàn để rộng đường dư luận. Xin thầy/cô, anh/chị bàn thêm.[/justify]

Tài liệu tham khảo:
1/ Tứ Thư, Đoàn Trung Còn dịch, NXB Thuận Hoá 2006.
2/ Bản Sắc Văn Hoá Việt Nam, Phan Ngọc, NXB Văn Học 2002.
3/ Luận ngữ (Trung Anh Văn Đối Chiếu Bản)
4/ Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học 2007.
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

BÀN VỀ “NGHĨA” VÀ “LỢI” TRONG KINH DOANH

Gửi bàigửi bởi nguyenlam » Thứ 3 13/11/07 10:21

Khổng Tử có câu: "Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi" (quân tử hiểu rõ về nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về lợi).
"Nghĩa" và "lợi" là hai phạm trù có quan hệ mật thiết với nhau trong kinh doanh. Bàn về nghĩa và lợi tức là nói đến phương thức hành động và mục đích mà người làm kinh doanh hướng tới.Nhưng nghĩa và lợi không đơn thuần là cái vật chất hay cái có được trước mắt mà phải mang tính lâu dài thì mới thể hiện được hết ý nghĩa của hai phạm trù này.
Trước hết xin bàn một chút về nghĩa gốc của hai phạm trù nghĩa và lợi. Có thể nói, "nghĩa" tức là việc đề cập đến vấn đề đạo đức của con người, cụ thể ở đây là trong sản xuất kinh doanh. Người kinh doanh nói chung phải là người có thực tài và phẩm chất đạo đức. Họ không những biết kinh doanh mà còn phải kinh doanh có định hướng, hợp với lòng người để không bị lên án hay chỉ trích. Cũng như Khổng Tử nói "bất nghĩa mà phú quý thì ta không cầu", cho nên lựa chọn cách thức kinh doanh và sử dụng người trong kinh doanh là rất quan trọng. Còn "lợi" chình lợi nhuận, là thu nhập mà người ta keesm được trong quá trình sản xuất kinh doanh. Lợi thì có nhiều kiểu, có lợi ít lợi nhiều, có cái lợi chính đáng và không chính đáng.
Bàn rộng ra thì người kinh doanh không chỉ biết tạo ra cái lợi cho mình mà còn biết tạo ra cái lợi cho nhiều người, cho xã hội. Đó gọi là vừa có nghiã, vừa có lợi. Người "quân tử" thì không thu vén cái lợi cho mình mà còn nghĩ đến cái lợi lớn hơn, cái lợi chung cho cả cộng đồng, quốc gia. Kẻ "tiểu nhân" chỉ có thể nhìn thấy cái lợi trước mắt, cái lợi nhỏ, cái lợi cho riêng bản thân mà thôi, chưa kể đến là cái lợi mà họ có được ấy bằng con đường chính đáng hay không chính đáng. Vấn đề ở đây chính là sự suy nghĩ và tầm nhìn trong không gian lẫn thời gian mà ngoiừ kinh doanh thực thụ cần đạt tới.
Khổng Tử tuy không phải là nhà kinh doanh nhưng khi ông bàn đến nghĩa và lợi thì rất ư là chí lý. Là một nhà chính trị, một nhà tư tưởng lớn, Khổng Tử mong muốn mang đến những cách thức quản trị hữu hiệu nhất nhằm phục vụ lợi ích chung cho toàn xã hội, thiết nghĩ những nhà kinh doanh có thể vận dụng một cách triệt để nghệ thuật này vào công viêc quản trị của mình.
Văn hoá Trung Hoa nổi tiếng trên nhiều phương diện, trong đó phải kể đến văn hoá kinh doanh xuất phát từ điều kiện địa lý tự nhiên. Văn hoá kinh doanh Trung Hoa là một nền văn hoá rất trọng lợi. Lợi là yếu tố rất quan trọng trong làm kinh doanh nhưng có thể nó chưa phải là duy nhất vì nghĩa có thể tạo ra cả danh và lợi.
Trong bất cứ tổ chức nào cũng có sự phân công, mỗi người đều có phần việc của mình, trong kinh doanh, sự phân công càng cụ thể rõ ràng, đúng người đúng việc thì hiệu quả công việc càng tăng cao. Ý nghĩa của phạm trù nghĩa chính là ở chỗ này. Do đó, người nào biết vận dụng nghĩa thì chắc chắn sẽ thành công trong công việc quản trị. Nhưng xét ở góc độ sâu hơn có thể thấy mỗi mặt đều có tác động qua lại lẫn nhau tạo nên một mối liên hệ biện chứng, cái này là cơ sở cho cái kia tồn tại và phát triển.
RANDOM_AVATAR
nguyenlam
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 4 13/06/07 16:35
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi THANHTAM » Thứ 3 13/11/07 16:01

Keke, vấn đề cũng thú vị đấy nhỉ.
"Người quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi". Quân tử rõ ràng là người tốt,mà người tốt thì suy nghĩ hướng thiện, cho nên từ hiểu rõ về nghĩa và làm việc nghĩa khoảng cách không bao xa. Thế nên người quân tử làm quản trị kinh doanh thì là phúc cho các thành viên của doanh nghiệp, phúc cho xã hội và phúc cho thiên hạ. Đã làm kinh doanh thì phải đi tìm cái lợi, tìm thấy cái lợi. Người quân tử nhìn thấy cái lợi không chỉ thấy cái lợi. Người quân tử thấy cái lợi nghĩ đến nghĩa, dùng caí lợi để làm việc nghĩa.
Phàm là kẻ tiểu nhân thì là người xấu, người xấu làm kinh doanh chỉ để trục lợi, sẵn sàng làm người bất nghĩa để trục lợi. Kẻ tiểu nhân mà làm người quản trị thì là hoạ cho doanh nghiệp, hoạ cho xã hội và hoạ cho cả thiên hạ.
Kinh doanh là kiếm lời, lợi nhuận nằm ở một trong những vị trí hàng đầu. Người quân tử hay kẻ tiểu nhân làm quản trị kinh doanh hay kinh doanh cũng không thể không tính đến vấn đề này. Cho nên phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân nhờ "nghĩa". Hiểu về "nghĩa" anh là người quân tử, bỏ qua "nghĩa" anh là kẻ tiểu nhân. Trong kinh doanh, ranh giới này thật mong manh lắm thay.
RANDOM_AVATAR
THANHTAM
 
Bài viết: 35
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 14:04
Đến từ: Tp.HCM- Viet Nam
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi ttmmsuongkho » Thứ 3 13/11/07 17:25

Trong Lụan ngư có câu này: "quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỷ" có nghĩa là quân tử gặp khốn cùng thì giữ được vẻ khí khái còn tiểu nhân thì không. Trong kinh doanh ai chẳng nghĩ đến điều lợi. Neu muốn tồn tại.
Nói cho cùng điều mà Khổng tử nói chính xác: xong nếu thiển cận mà nghĩ (hiểu) như nghĩa đen của ong thi nguy. Không lẽ thế giới này chỉ có hai loại: Quân tử - Tiểu nhân. Vấn đề là người quân tủ như thế nào mới là quân tử, và thế nào là tiểu nhân. Tiểu nhân thì thấy đầy đường, còn quan tử khong phải lúc nào cũng thấy.
Nói cho cùng ông chỉ muốn người ta là quan tử cả, xong khong như ong nghĩ.
vậy Khổng tử muốn nói gì qua câu trên của ông, theo thiển ý của tôi: là người hãy nhìn xa trông rộng. Tức là hãy để ra một phút suy nghĩ cái lợi thế nào.
Còn hiểu theo nghĩa đen thì không lẽ ai hể kinh doanh là hám lợi -->là tiểu nhân. Vậy Trung Hoa đều tiểu nhân cả "vi thương bất phú".
RANDOM_AVATAR
ttmmsuongkho
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 14:45
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

BÀN THÊM VỀ PHẠM TRÙ QUÂN TỬ-TIỂU NHÂN

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 3 13/11/07 19:13

[justify]Về mặt từ nguyên mà nói, ban đầu cặp phạm trù quân tử-tiểu nhân có nghĩa khác hẳn cách chúng ta hiểu như ngày nay.
Tiếng quân tử, tiểu nhân đã xuất hiện trước thời Khổng Tử [theo Nguyễn Hiến Lê: Khổng Tử, NXB Văn Hoá 1995]. Đến thời Khổng Tử, ông đã cung cấp cho nó nội dung mới đó là giai cấp kẻ sỹ mà ông đã đào tạo.
Quân tử là người có học, học rộng, có địa vị cao sang, thống trị người khác. Nó trỏ cái địa vị trong xã hội chứ không trỏ cái phẩm tính con người. Người có chức phận cao. Cai trị dân, có đức hay không, đều gọi là quân tử. Còn tiểu nhân chỉ là hạn thường dân, thấp cổ bé miệng, hạng bị trị.
Theo Luận Ngữ thì Khổng Tử đã dùng từ quân tử theo ba nghĩa: thuần trỏ địa vị, thuần trỏ tư cách, vừa trỏ địa vị vừa trỏ tư cách.
Về sau, quân tử trỏ cái phẩm chất của con người. Người quân tử ắt hẳn là người có học, có hiểu biết, ứng xử phải đạo và có phẩm chất tốt, rộng lượng, biết suy nghĩ và hành động vì mình và vì người khác nữa. Còn hạn tiểu nhân chỉ những người có tâm địa hẹp hòi, chỉ biết riêng lợi ích bản thân của mình, mọi hành động chỉ nhằm là đem lại lợi ích cho chính mình, chà đạp lên người khác chỉ vì tư lợi của mình.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, không ai tự nhận mình là kẻ tiểu nhân cả mà chỉ thông qua những hành vi bản thân của mình mà người khác, xã hội đánh giá. Thực chất thì phẩm chất của mỗi người không thể che đậy được, sớm hay muộn rồi sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Mình suy nghĩ như thế nào thì biểu hiện ra bên ngoài như thế ấy (Thành ư trung hình ư ngoại?)[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi lamha » Thứ 4 14/11/07 10:31

Bài viết của các anh chị và các bạn rất thú vị. Đúng là Nghĩa và Lợi là hai thứ mà bất cứ người kinh doanh chân chính nào cũng muốn có và muốn làm sao để đạt được cả hai, cân bằng cả hai, không thiệt mình, không hại người, giúp mình và giúp người. Xã hội nào mà chẳng mong muốn có những nhà quản trị kinh doanh vừa có tài vừa có đức? Tài và Đức phải song song nhau, có tài thì sẽ kinh doanh tốt và tạo ra nhiều lợi nhuận cho cá nhân và cho xã hội, còn có đức để định hướng cho cái tài, hướng cho cái tài đi đúng hướng, không làm điều bất nghĩa. Nếu kinh doanh mà chú trọng quá nhiều đến chữ Nghĩa, không màng đến chữ Lợi thì cũng không tốt, mà bỏ qua chữ Nghĩa, chỉ chăm chăm đến chữ Lợi thì đúng là không được rồi! Ta thấy rằng người quân tử (nhà kinh doanh chân chính) không phải là người hoàn toàn khinh thường chữ Lợi, vấn đề là người quân tử hiểu rõ chữ Nghĩa hơn chữ Lợi, biết được cái gì là quan trọng hơn trong cán cân giữa Nghĩa và Lợi mà thôi!
RANDOM_AVATAR
lamha
 
Bài viết: 268
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi hoangdiep » Thứ 4 14/11/07 19:46

DANH VÀ LỢI

Danh và Lợi là hai thứ hấp dẫn đối với người đời. Danh và Lợi có thể làm con người mù quáng lương tâm, gây ra nhiều đau khổ và tội lỗi, ràng buộc con người vào vòng luân hồi vay trả- trả vay.

Theo Khổng Tử: “ Người danh giá trước hết phải là người có “danh”, nhưng hình như cái “danh” nào cũng có giá của nó”ù. Cũng có người không sống vì danh mà vì những mục đích cao cả khác của của mình. Có rất nhiều danh tài đã lưu danh sử sách nhờ những đóng góp to lớn của họ cho loài người. Cả cuộc đời họ cống hiến cho sự nghiệp, không còn thời gian cho chính bản thân mình và dù muốn hay không, họ cũng phải trả giá cho cái Danh mà xã hội dành cho họ.

Trên thực tế cuộc sống, cái “Danh” là “hư vô” không thể nắm bắt, không thể ăn được nhưng sao người ta vẫn cứ lao vô cái “hư vô” ấy? Thông thường, hễ có “Danh” là có “Lợi” , mà cái “Lợi” thường phô bày cho ta thấy trước mắt. Có lẽ vì thế mà không ít người đời tránh được ham muốn của cái “Lợi” nhưng cái “Danh” không phải ai cũng muốn là được!? Cũng theo Khổng Tử: “ Danh và Lợi là hai thứ mà người đời ham thích và mong muốn càng có nhiều càng tốt”. Danh và Lơiï là hai phạm trù chỉ mục đích của cuộc sống. Tuy nhiên, để có được Danh và Lợi mà không xuất phát từ thực chất bản thân thì đó là Danh hão và Lợi giả. Công có thành thì Danh mới toại. Danh có chính Lợi thì mới bền.

Phải chăng hai chữ “Danh và Lợi” luôn đi đôi với Tiền? Phải chăng hám Danh và hám Lợi luôn đi kèm với hám Tiền? Tiền là một thứ phù du mà Danh và Lợi đều liên quan tới nó. Danh - Lợi và Tiền tài để làm gì khi mà cuộc sống cứ phải bon chen để có bằng được nó?! Hãy thanh thản làm những gì mình muốn, hài lòng với những gì mình có quả có vui hơn không?!

Trong Văn hoá kinh doanh, “Danh và Lợi” cũng là hai phạm trù luôn gắn liền với nhau, bởi: một nhà doanh nghiệp, kinh doanh một sản phẩm đạt chất lượng cao, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đương nhiên “Danh bất hư truyền” sẽ tạo được uy tín cho người tiêu dùng, doanh thu sẽ cao và đương nhiên sẽ thu “Lợi” rất nhiều. Ngược lại, nếu một cơ sở sản xuất kém chất lượng lại quảng cáo không đúng sự thất, người tiếu dùng khi mua những sản phấm trên sẽ bất tín nhiệm, khi đó cái “Danh” cũng mất mà cái “Lợi cũng không còn.

Thế mới biết, không nghĩ đến “Danh” mà thành Danh mới bền! Mà khi đã có Danh với đúng với thực chất của mình ắt sẽ có “Lợi” thực sự.

Hoàng Điệp
RANDOM_AVATAR
hoangdiep
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 16:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Nghĩa và lợi trong văn hóa kinh doanh Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Thuy Dung » Thứ 4 14/11/07 21:27

NGHĨA VÀ LỢI TRONG VĂN HÓA KINH DOANH VIỆT NAM


Bàn luận về nghĩa và lợi, theo tôi, về thực chất chủ yếu là việc mưu cầu lợi ích nên lấy nguyên tắc nào làm mục tiêu hàng đầu, cả trong cuộc sống lẫn trong kinh doanh. Tôi đồng ý với Vuthihuyenly khi gán “nghĩa” gắn liền với tinh thần và mang tính đạo đức, “lợi” gắn với vật chất và mang tính lợi ích. Câu “quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” hay lý luận vvề vviệc lấy nguyên tắc đạo đức làm đầu hay lấy lợi ích vật chất làm đầu; lấy đức làm gốc hay lấy lợi ích vvật chất làm gốc được văn hóa truyền thống Trung Hoa đề cập và bàn luận sâu sắc. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta ngày nay và ứng dụng trong môi trường kinh doanh Việt Nam, thì xem ra cần xét đến yếu tố đạo đức và lợi ích.
Dĩ nhiên, bất kể là quân tử hay tiểu nhân cũng cần nắm rõ nghĩa và lợi; quan trọng là sự vận dụng hay đặt cái nào là nguyên tắc hàng đầu trong ứng xử của từng đối tượng (quân tử hay tiểu nhân). Chính đức Khổng Tử cũng phải thừa nhận: “cũng trọng lợi và cũng rất muốn lợi… ta làm thầy học cũng có mặt mưu sinh mưu lợi… phát tài và làm quan là những việc mà ai cũng thích”. Cốt lõi của vấn đề là lợi thì ai cũng đều muốn (kề cả bạn, cả tôi), nhưng con đường để đạt lợi là không ai giống ai. Người quân tử nếu hiểu rõ nghĩa, lấy đạo đức làm gốc trong họat động kiếm lợi thì không ai chê trách. Tương tự vậy, trong kinh doanh, doanh nghiệp nào nắm được mục đích của việc kiếm lời cuối cùng là để phục vụ quyền lợi con người (bản thân người quản lý, nhân viên cấp dưới, khách hàng, kể cả đối tác) và phải thực hiện các nghĩa vụ đối với xã hội (đóng thuế đầy đủ, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước), tất yếu doanh nghiệp đó thành công.
Hiểu được điều đó, nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng làm được như vậy. Trong giao thương hiện nay, không ít doanh nghiệp lại đặt lợi ích của mình lên hàng đầu (tức lợi), bất chấp làm tổn hại đối tác hay tìm mọi cách “lách luật” (khai thuế giả, trốn thuế, sử dụng lao động vị thành niên…) để họat động đạt lợi cao nhất, thậm chí bất kể nguy hại về dân sinh. Chẳng hạn, như anh Vovanthanh có đề cập, các công ty nhập hàng phế thải từ nước ngoài (có những thứ mà người ta đã phải bỏ đi-tức không thể dùng được nữa). Tôi nghĩ, họ biết về sự nguy hại của các loại phế thải đó (có độc tố, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiếp xúc, gây ô nhiễm môi trường…), nhưng vì cái lợi trước mắt quá lớn mà họ bất chấp tất cả, buông bỏ cả mặt đạo đức kinh doanh. Nếu biết dung hòa giữa lợi ích và trách nhiệm đối với môi trường sống, với cộng đồng xã hội thì họ đã không nhập khẩu phế thải. Do đó, vận dụng nghĩa và lợi trong kinh doanh không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Tóm lại, theo tôi, vấn đề nghĩa và lợi là hai mặt của một vấn đề, không thể tách riêng khi xem xét mà cần xét mối quan hệ tương tác của chúng. Trong văn hóa kinh doanh, các doanh nghiệp, những doanh nhân chú trọng kết hợp được hai mặt nghĩa và lợi để dung hòa giữa lợi ích lâu dài của doanh nghiệp mình với trách nhiệm xã hội, với cộng đồng. Để đạt được, chẳng khác nào phải học tập và vận dụng thông suốt triết lý xa xưa mà không lỗi thời của Khổng Tử: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”.
RANDOM_AVATAR
Thuy Dung
 
Bài viết: 21
Ngày tham gia: Thứ 5 25/10/07 16:29
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá kinh doanh / Văn hoá Doanh nghiệp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron