VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá kinh doanh, văn hoá quản trị trong kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp...

Quan niệm về quân tử của Khổng Tử

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 4 14/11/07 23:34

Những ý kiến trên đây của mọi người quả là có nhiều ý rất xác đáng.
Mình xin góp phần làm rõ hơn quan niệm về quân tử của Khổng Tử qua bài viết dưới đây:

Có thể nói, trong văn hoá truyền thống Trung Quốc, nhân cách quân tử của Nho gia là sự thể hiện quan trọng tinh thần nhân văn Trung Quốc, mà quan niệm quân tử của Khổng Tử lại là cơ sở và hạt nhân của nhân cách Nho gia. Đối với Trung Quốc ngày nay, việc hiểu được quan niệm quân tử của Khổng Tử, đề xướng nhân cách quân tử nhà nho có giá trị vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng lại đạo đức xã hội. Chúng ta đều biết, bất kì một loại đạo đức nào, ngoài nhân tố chính trị, đều phải xây dựng trên cơ sở nhân cách cao thượng và tinh thần nhân văn sâu sắc. Trung Quốc ngày nay muốn xây dựng cho mình luân lí đạo đức khuôn mẫu, có trật tự thì cần phải tìm tinh thần nhân văn nội tại từ trong truyền thống văn hóa vốn có của mình, trong đó, nhân cách quân tử là một phương diện quan trọng không thể coi thường.
Bài viết này chủ yếu giới thiệu quan niệm quân tử của Khổng Tử. Để tiện cho việc tổng kết, chúng tôi mượn quan niệm “tam đạt đức” của quân tử trong Trung Dung để trình bày tư tưởng quân tử của Khổng Tử.
1. Trước thời Khổng Tử, từ “quân tử” dùng để chỉ những quan viên dưới vua, trên đại phu, thường được dùng đối sánh với “tiểu nhân”, chẳng hạn: “Quân tử lao động trí óc, tiểu nhân lao động chân tay” (quân tử lao tâm, tiểu nhân lao lực) [Tả truyện], “Quân tử chăm lo công việc cai trị, tiểu nhân chăm lo công việc lao động sản xuất” (quân tử vụ trị, tiểu nhân vụ lực) [Quốc ngữ]. Thế mà Khổng tử đã biến từ chỉ có nghĩa “thân phận, địa vị” này thành lí tưởng của nhân cách đạo đức Nho gia. Ông đưa ra khái niệm “nho quân tử”. Ông nói với học trò của mình là Tử Hạ rằng : “Ngươi hãy làm bậc nho quân tử, đừng làm nho tiểu nhân” (Nhữ vi quân tử nho, vô vi tiểu nhân nho) [Luận ngữ - Ung Dã, 11]. “Nho” là từ thời xưa dùng để gọi những người có học. Chu Hi nói: “Nho, là để gọi những người có học” (Nho, học giả chi xưng). Như vậy có thể thấy, trong con mắt Khổng Tử, “nho” là tư cách (thân phận) bên ngoài của con người, mà quân tử là sự tu dưỡng bên trong của một con người ; theo thói quen của nhà nho, có thể gọi là “công phu nội tại” (sự tu dưỡng bên trong). Vậy công phu nội tại là gì ?
Trung dung dẫn lời Khổng Tử nói : “Ba đức trí, nhân, dũng là những phẩm đức chung trong thiên hạ [ba phẩm đức để thi hành 5 đạo lí] tuy là 3 nhưng cũng như một” (trí, nhân, dũng tam giả, thiên hạ chi đạt đức dã, sở dĩ hành chi giả nhất dã). Đây chính là cái mà hậu thế gọi là “tam đạt đức”. Có điều chỉ nói trí, nhân dũng không thôi thì vẫn hơi trừu tượng. Rút cục ba chữ này bao hàm nội dung gì ? Trong Luận ngữ, Khổng tử đã từng đề cập đến.
Trong Luận ngữ có hai chỗ nhắc đến trí, nhân, dũng; một chỗ nói: “Đạo của quân tử có ba, ta chưa thể đạt được: Kẻ nhân thì không ưu phiền, kẻ trí thì không bị mê hoặc, kẻ dũng thì không sợ hãi” (Quân tử đạo giả tam, ngã vô năng yên : nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ) [Luận ngữ - Hiến vấn, 30]. Một chỗ khác cũng tương tự như vậy : “Bậc trí chẳng mê hoặc, bậc nhân chẳng lo âu, bậc dũng chẳng sợ hãi” (trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ) [Luận ngữ - Tử Hãn, 28]. Đạo được nói ở đây hoàn toàn có thể hiểu là công phu nội tại. Tuy Khổng Tử đã khiêm tốn nói ta không có đủ năng lực để đạt đến “đạo” này, nhưng ông cũng nói rõ cho chúng ta rằng, nhân, trí, dũng là ba điều mà người quân tử phải đạt tới. Nói ngược lại, nếu như một người đã đạt được ba yêu cầu này thì có thể trở thành quân tử.
2. Nhân là cốt lõi học thuyết của Khổng Tử, vì thế mà Khổng học còn được gọi là “nhân học”. Nhìn chung các nhà nghiên cứu nho học đều cho rằng, cốt lõi của nhân thể hiện trong mấy câu sau: “Ôi ! với bậc nhân, điều gì mình muốn lập thì lập cho người, điều gì mình muốn đạt thì làm cho người đạt.” (Phù nhân giả, kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân). [Luận ngữ - Ung Dã, 28]. Đây là một dạng công phu “khắc kỉ”, cũng chính là công phu “nội tu” (tu dưỡng bên trong), cho nên Khổng Tử nói : “Thắng được những ham muốn của bản thân, quay trở về với lễ là nhân” (Khắc kỉ phục lễ vi nhân) [Luận ngữ - Nhan Uyên, 1]. Đã có rất nhiều luận bàn về hai câu này, ở đây chúng tôi không bàn thêm nữa.
Nhân cũng chính là “ái”, con người sở dĩ là người, chính là vì con người có “nhân”, có “ái” và “lòng bất nhẫn”. Cần phải nói rõ rằng, khái niệm “ái” của Khổng tử không phải là cái “ái” giữa anh và tôi, giữa nam và nữ. Nhân của Khổng tử là cái “ái bản thể”. Sự thể hiện của ái là “Người nhân là người biết yêu thương rộng khắp mọi người” (nhân giả ái nhân) mà Mạnh Tử nói . Tóm lại, cái “ái” mà Khổng tử nói là cái ái “suy kỉ cập nhân”, là cái ái từ bản thân, mà căn bản của ái là nhân. Khổng tử nói về nhân là từ góc độ căn bản của bản thể, từ góc độ sở dĩ con người là người, mà không phải từ góc độ tình cảm.
3. “Trí” và “tri” có sự tương quan mật thiết nhưng không tương đồng. Từ góc độ “tri” mà xét, “trí” là cảnh giới mà con người phải tích lũy một thời gian nhất định mới đạt được. Cảnh giới này chính là “Ba mươi tuổi có thể lập thân, bốn mươi tuổi không bị mê hoặc” (tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc) mà Khổng Tử nói. Người đạt đến cảnh giới này, thì sẽ “bất hoặc” (không bị mê hoặc), quý ở chỗ tự biết, đúng như lời Khổng Tử nói: “Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, đó mới là biết vậy” (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã). [Luận ngữ ]. Chữ “tri” trong “thị tri dã” có thể lí giải thành “trí”.
Ngày nay nhiều người thường cho rằng đọc nhiều sách là có trí tuệ, thậm chí còn cho rằng trí tuệ chẳng qua chỉ là cách nói khác của “thông minh”. Kì thực không phải như vậy; tri là tri, trí là trí. Tri cùng lắm cũng chỉ là kĩ năng, dựa vào nó, con người có thể làm được nhiều việc, có thể tạo ra những thứ máy móc, vũ khí mà người bình thường đến nằm mơ cũng không tưởng tượng ra được. Còn trí liên quan đến giá trị sinh mệnh của một con người, quan hệ đến cái căn bản của sự an thân lập mệnh (nghiệp) của một con người. Tri thức nhiều không chắc đã giải quyết được cái khốn hoặc của nhân sinh, nhưng trí lại có thể làm được điều này.
4. Dũng không phải để chỉ kẻ có sức mạnh, cũng không phải là sự dũng cảm không sợ chết, mà là chỉ cái dũng khí thấy việc nghĩa thì làm. Khổng tử nói : “Thấy việc nghĩa mà không làm thì chẳng phải là kẻ dũng” (Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã). Nếu một người có dũng mà không có nghĩa thì chỉ là một kẻ lỗ mãng. Kẻ lỗ mãng có đạo đức sẽ làm cho xã hội loạn, kẻ lỗ mãng không có đạo đức sẽ làm việc trộm cắp để sống, làm hại xã hội. Trả lời câu hỏi của học trò là Tử Lộ, Khổng Tử đã bày tỏ quan điểm này. Tử Lộ hỏi: “Quân tử có chuộng dũng không ?” (Quân tử thượng dũng hồ?). Khổng tử đáp: “Quân tử coi nghĩa là trên hết. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn, tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì thành trộm cắp” (Quân tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn ; tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo.) [Luận ngữ - Dương Hoá, 17]. Đọc hai câu trên, thì chắc chúng ta đã phần nào hiểu rõ thế nào là “nghĩa”. Theo lí giải của nho gia, “nghĩa” đối với “lợi”. “Lợi” là chỉ việc của cá nhân, “nghĩa” là chỉ việc của nhiều người, hay nói đó là việc có lợi cho nhiều người, đó chính là cái gọi là “nghĩa là hòa hợp” (nghĩa giả nghi dã). Cho nên Khổng tử nói : “Quân tử thấu hiểu về nghĩa, tiểu nhân thấu hiểu về lợi”(Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi) [Luận ngữ - Lí nhân, 16], mà “nghĩa” là cái phải học tập mới hiểu được, vì thế hiếu dũng tất phải hiếu học, bởi vì “Hiếu dũng mà không hiếu học thì sẽ loạn” (Hiếu dũng bất hiếu học, kì tế dã loạn).
5. Hiển nhiên trong “tam đạt đức”, “nhân” là sự tu dưỡng căn bản nhất, quan trọng nhất. Trí và dũng vừa đạt đến phương tiện của nhân, vừa cần dựa vào nhân mới vận dụng chính xác được. Điểm này không cần tôi nói nhiều, Khổng Tử đã từng nói rất rõ ràng. Ông nói: “Bậc nhân yên vui với điều nhân, bậc trí làm lợi nhân” (Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân), lại nói: “Người nhân ắt có dũng, nhưng người dũng chưa chắc đã có nhân” (Nhân giả, tất hữu dũng; dũng giả, bất tất hữu nhân) [Luận ngữ - Hiến vấn, 5].
6. Trong lời nói của Khổng tử về tam đạt đức, còn có ba từ quan trọng: bất ưu, bất hoặc và bất cụ. Chúng tôi mới chỉ giải thích từ “bất hoặc”, ở đây sẽ giải thích thêm về “bất ưu”, “bất cụ”. “Bất ưu, bất cụ” mà Khổng tử nói đến thực chất là việc tu dưỡng bên trong của người có phẩm đức cao thượng. Sự tu dưỡng này khiến cho con người ta đạt đến cảnh giới: ngẩng trông trời, cúi xem đất đều không hổ thẹn với lòng mình. Đó chính là “bất ưu”, “bất cụ”. Khổng tử và học trò là Tư Mã Ngưu có một đoạn đối thoại về “bất ưu”, “bất hoặc”: “Tư Mã Ngưu hỏi về quân tử, Khổng Tử trả lời : “Quân tử không ưu phiền, không sợ hãi” (Quân tử bất ưu bất phiền). Tư Mã Ngưu lại hỏi: “Không ưu phiền, không sợ hãi, như thế gọi là quân tử chăng ?” (Viết : Bất ưu bất cụ, tư vị chi quân tử dĩ hồ ?). Khổng Tử trả lời: “Xét trong lòng không có điều gì sai, thì sao phải ưu phiền, sợ hãi !” (Nội tỉnh bất cữu, phù hà ưu hà cụ !) [Luận ngữ - Nhan Uyên, 4]. Theo cách nói ngày nay thì bất ưu, bất cụ chính” là “thản nhiên”. Thản nhiên là một thái độ sống lí tưởng; đó là thứ mà người quân tử có, còn kẻ tiểu nhân không thể thản nhiên được. “Quân tử thản nhiên, rộng rãi. Tiểu nhân luôn luôn lo lắng” (quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích) [Luận ngữ - Thuật nhi, 36]
7. Nho gia không đề xướng việc tu dưỡng cá nhân để “độc thiện kì thân” (tốt cho riêng bản thân mình). Đã như vậy, Khổng Tử còn nhấn mạnh việc tự tu dưỡng nhân, trí, dũng của quân tử đề làm gì ? Về điểm này, trong đối đáp giữa Khổng tử và học trò là Tử Lộ đã sáng tỏ: “Tử Lộ hỏi về quân tử. Khổng tử trả lời: “Tu dưỡng bản thân theo điều kính. Hỏi: “Như thế thôi sao?”. Đáp : “Tu dưỡng bản thân để vỗ yên mọi người”. Hỏi: “Như thế thôi sao ?” Đáp: “Tu dưỡng bản thân để vỗ yên bách tính. Ngay cả vua Nghiêu, vua Thuấn còn lo khó làm được như thế” (Tử Lộ vấn quân tử. Tử viết: “Tu kỉ dĩ kính. Viết : như tư nhĩ dĩ hồ? Viết: “Tu kỉ dĩ an nhân”. Viết: “Như tư nhi dĩ hồ ?”, Viết: “Tu kỉ dĩ an bách tính. Nghiêu Thuấn kì do bênh chư !) [Luận ngữ - Hiến vấn, 45]. Tử Lộ hỏi thế nào là quân tử ? Khổng tử đáp dùng thái độ nghiêm cẩn để tự tu dưỡng. Tử Lộ lại hỏi như thế thôi sao? Khổng tử lại đáp mục đích của tu dưỡng bên trong là để “vỗ yên mọi người”. Tử Lộ lại hỏi như thế thôi sao? Khổng tử lại trả lời mục đích của tu dưỡng bên trong là để “vỗ yên trăm họ”.
Như vậy đã rõ thế nào là quân tử, vậy thì phải làm thế nào mới có thể đạt đến trình độ mà Khổng Tử nói ? Có thể có hai vấn đề mấu chốt: “học rộng theo văn” (Bác học ư văn) và “Dùng lễ để chế ước” (ước chi dĩ lễ). “Khổng tử nói: “Người quân tử học rộng theo văn, khuôn mình theo lễ, nhờ thế cũng có thể không trái với đạo vậy” (Tử viết: “Quân tử bác học ư văn, ước chi dĩ lễ, diệc khả dĩ phất bạn hĩ phù !”) [Luận ngữ - Ung Dã, 25]
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu “Bác học vu văn”. Trong Luận ngữ, nói đến “văn” thường là chỉ Thi, Thư, Lễ, Nhạc mà Khổng Tử dùng để dạy học. Nhưng chúng ta cần chú ý, “học” được nói đến ở đây đương nhiên không phải là chỉ những tri thức văn hóa bình thường. Xét trong toàn Luận ngữ, cái mà Khổng Tử gọi là học là sự tìm tòi nghiên cứu ý nghĩa nhân sinh, là cái học “tính” và “mệnh”, là “nhân” học. Vậy thì tại sao lại còn nói đến “văn” nữa ? Khổng Tử không coi Thi, Thư là những tác phẩm văn học, mà coi chúng là cái học tính mệnh để nghiên cứu. Chúng ta lấy “Thi” làm ví dụ. Khổng Tử từng nói “Thi có ba trăm bài. Chỉ một lời mà có thể bao quát được hết, ấy là: suy nghĩ không xằng bậy.” (Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chí, viết : tư vô tà) [Luận ngữ - Vi chính, 2] Trong bài tựa Kinh Thi truyện, Chu Hi viết: “Nếu có người hỏi ta rằng, Thi làm ra để làm gì ? Ta đáp: “Cái tĩnh của con người ta vốn do tính trời; cảm xúc với sự vật thì động, đó là do cái dục của tính vậy. Ôi ! Đã có dục thì tất phải suy nghĩ; đã có suy nghĩ thì tất phải nói; đã nói thì lời không thể hết, vì vậy phải phát ra ngâm nga vịnh thán, tất có âm hưởng tiết tấu tự nhiên, không thể hết được. Thi làm là vì vậy. (Hoặc hữu vấn dư viết: Thi hà vi nhi tác dã ? Dư ứng chi viết: “Nhân sinh nhi tĩnh, thiên địa chi tính dã; cảm vu vật nhi động, tính chi dục dã. Phù kí hữu dục hĩ, tắc bất năng vô tư. Kí hữu tư hĩ, tắc bất năng vô ngôn. Kí hữu ngôn hĩ, tắc ngôn chi sở bất năng tận nhi phế vi tư ta vịnh thán chi dư giả, tất hữu tự nhiên chi âm hưởng tiết tấu nhi bất năng dĩ yên. Thử Thi chi sở dĩ tác dã.”.)
8. “Ước chi dĩ lễ”, “ước” là chỉ quy phạm, đây là nói về hành vi bên ngoài. “Lễ” cố nhiên là chỉ một số trật tự thành hình, nhưng đối với Khổng Tử mà nói, lễ ở bên ngoài và nhân ở trong làm trong ngoài của nhau, mà nhân là căn bản. Ông nói: “Người mà bất nhân, dùng thế nào được lễ? Người mà bất nhân, dùng thế nào được nhạc?” (Nhân nhi bất nhân, như lễ hà ? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà ?) [Luận ngữ - Bát Dật, 3]
Tóm lại, muốn đạt đến nhân cách của quân tử thì: từ bên trong phải “Học rộng theo văn” (bác học vu văn), mượn trí tuệ của cổ nhân để bổ sung bên trong của mình, làm thanh tĩnh nội tâm của mình; từ bên ngoài thì phải “lấy lễ mà chế ước nó” (ước chi dĩ lễ), làm một người hiểu phép tắc, giữ trật tự. Làm như vậy không phải vì sợ pháp luật và dư luận, mà là để làm theo cái nhân mà trong lòng gìn giữ.

(Vũ Huy Vỹ dịch, nguồn: confucius2000)

(*) Đường Canh Tỉnh tên thật là Nghiêm Tích Vũ, người Chiêu Thông – Vân Nam, là thạc sĩ Thần học. Công việc chính của ông là giảng dạy và nghiên cứu Thần học Cơ Đốc Giáo. Gần đây ông tập trung vào nghiên cứu so sánh thần học Cơ Đốc giáo và triết học Trung Quốc.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 4 14/11/07 23:54

MẪU NGƯỜI QUÂN TỬ-CON NGƯỜI TOÀN THIỆN TRONG LUẬN NGỮ CỦA KHỔNG TỬ

Bốn tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Nho giáo mà bất kỳ người nào nghiên cứu học thuyết này cũng đều biết đến là Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, được nhà triết học nổi tiếng đời Tống là Chu Hy (1130 - 1200) sắp xếp, kế thừa cách chú giải của các nhà tư tưởng Tống Nho đi trước, cũng như chú giải của chính ông thành bộ sách có tên chung là Tứ thư tập chú, trong đó Luận ngữ được xem là một trong những tác phẩm khởi đầu quan trọng cho một nền Nho học Trung Hoa do Khổng Tử sáng lập. Đây là cuốn sách đề cập đến các vấn đề của triết học, chính trị, tôn giáo, đạo đức... Có thể nói, những tinh tuý được rút ra từ những vấn đề đó nhằm mục đích xây dựng con người toàn thiện, toàn mỹ cho một xã hội phong kiến lý tưởng theo học thuyết của Không Tử. Trong bài viết này, từ bình diện triết học, chúng tôi muốn làm rõ mẫu người quân tử - con người toàn thiện trong Luận ngữ của Khổng Tử.

Để làm rõ mẫu người quân tử - con người toàn thiện trong học thuyết Khổng Tử, chúng ta cần phải lý giải tại sao ông lại chọn đối tượng quan tâm trong học thuyết của mình là con người và các quan hệ của con người. Song, trong khuôn khổ của một bài viết, chúng tôi không thể thực hiện được điều đó mà chỉ muốn nói rằng, bất kỳ ai khi nghiên cứu học thuyết của Khổng Tử cũng đều thống nhất ở điểm cho rằng, đứng trước một xã hội đang phải hứng chịu sự suy thoái về đạo đức của con người (cái mà Trời phú cho con người khi con người xuất hiện và được đặt nó vào vị trí trung tâm của Vũ trụ), xác định đối tượng quan tâm của mình ở trần thế, Khổng Tử muốn làm cho con người thấy được chính bản thân mình, thấy được sự băng hoại về bản tính đạo đức (tính bản thiện) vốn giống nhau khi nó mới được sinh ra nhưng cũng ngay lập tức bị phân hoá, đồng thời dạy cho con người biết cái căn bản nhất của nó là Nhân tính. Chính vì vậy mà ông không đề cập, hay nói đúng hơn là cố ý tránh đề cập đến những vẫn đề sống - chết, mà chỉ chú ý đến bậc trí giả, đó là người biết "chuyên vào việc nghĩa để giúp dân, kính trọng quỷ thần nhưng tránh xa" (Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi - Luận ngữ, VI, 20).

Khổng Tử cũng không thích nói về những điều kỳ diệu, về sự hiện diện của thần thánh. Điều này chúng ta có thể biết được qua cuộc đối thoại giữa Quý Lộ và Khổng Tử. Quý Lộ hỏi về việc thờ quỷ thần, Khổng Tử nói rằng: "Thờ người còn chưa nổi, làm sao thờ được ma?". Thưa: Dám hỏi về sự chết. Khổng Tử nói: "Sống còn chưa biết rõ, làm sao biết được sự chết?" (Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: "Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ”? Viết: "Cảm vẫn tử”.Viết: " Vị tri sinh, yên tri tử”? Luận ngữ, XI, 11). Tuy nhiên, để giữ gìn trật tự xã hội nói riêng, Vũ trụ nói chung, Khổng Tử không phủ nhận sự tồn tại của quỷ thần. ông kêu gọi phải kính tổ tiên và biết trọng quỷ thần: "Tế tổ tiên coi như tổ tiên đang có mặt, tế thần coi như thần đang có mặt" (Tế như tại, tế thần như thần tại - Luận ngữ, III, 12).

Qua đó, chúng ta thấy, Khổng Tử hạn chế nhiệm vụ của mình ở việc phục vụ mọi người, quan tâm đến công việc quốc gia, nhưng ông vẫn cho rằng, cuộc sống của mọi người, của dân tộc lại phụ thuộc vào đường lối lãnh đạo đúng đắn hay sai lầm của thiên tử và hệ thống quan lại. Đường lối đó là Đạo Khác với quan niệm của Lão Tử - "Đạo khả đạo, phi thường đạo", đạo mà Khổng Tử đưa ra là đạo của thế giới hiện tượng, là cái cần được nắm bắt để áp dụng vào việc trị nước. Đạo đó có nhiệm vụ uốn nắn những người có nhận thức sai lầm, "cong vậy" thành ngay thẳng. Khi con người trở nên chân thành, ngay thẳng thì mọi quan hệ đều trở nên tất đẹp, bởi vì bản thân con người là linh hồn, là trung tâm của vạn vật trong trời đất.
Vậy ai là người có thể thực hiện sứ mệnh nói trên trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa ? Trước hết, chúng ta đọc được trong Đạo đức kinh của Lão Tử: "Đạo lớn... nuôi dưỡng vạn vật mà không làm chủ vạn vật. Nó vĩnh viễn là "không", vô vi, cho nên có thể bảo nó là ẩn vi (vô hình), muôn vật quy về nó mà nó không làm chủ, cho nên có thể bảo nó là lớn. Vì cho tới cùng, nó không tự nhận nó là lớn cho nên mới hoàn thành được cái vĩ đại của nó" . Người nắm được đạo cao và có đức cả là Thánh nhân (Đạo nhân). Đó là người "biết hoà thì gọi là bất biến (thường), biết bất biến thì gọi là sáng". Còn Khổng Tử thì lại thấy mẫu người (Đức cả) đó là người nắm được đạo Trung, họ thật hiếm trong dân chúng thời bấy giờ: "Trung dung quả là một đức tính, rất mực tất đẹp? Đã lâu dân chúng không theo nổi" (Trung dung chi đức dã, kỳ chí dĩ hồ! Dân tiễn cữu hĩ - Luận ngữ, VI, 27).

Trong Kinh Dịch đã có khái niệm con người toàn thiện hay thiện nhân. Đó là người biết theo đạo trung chính, biết giá trị của hạng cao sĩ. Thế nhưng, Dịch không bỏ qua mẫu người đối lập với con người hoàn thiện như hai thế lực tự nhiên âm và dương. Đó là sự đối lập giữa quân tử và tiểu nhân. Nguyễn Hiến Lê đã nhận định một cách đúng đắn rằng, "Dịch muốn đào tạo hạng người quân tử, khuyến khích tiểu nhân cải tà quy chính (quẻ Bác): "Dịch vị quân tử mưu” là nghĩa vậy, cho nên tôi cho đạo Dịch là ‘đạo của người quân tử". Nếu ngay từ đầu, tiểu nhân và quân tử là hai hạng người đối lập nhau và sự đối lập đó là hoàn toàn mang tính tự nhiên thì làm thế nào để tiểu nhân cải tà quy chính được? Khổng Tử là người đã khắc phục vấn đề đó bằng cách vượt khỏi lập luận của Dịch về sự hình thành hai thế lực đối lập. Nhìn thẳng vào cuộc sống xã hội hiện thực, ông đã khẳng định rằng, "Bản tính người ta gần giống nhau, thói quen khiến xa nhau (Tính tương cận dã, tập tương viễn dã - Luận ngữ, XII, 2). Nghĩa là, nếu "giáo đục" con người, có thể uốn nắn đạo đức của họ, tẩy đi những tham dục nảy sinh trong cuộc sống của họ, đưa họ về với bản tính (thiện) ban đầu và nâng cao phẩm hạnh của họ bằng "ngũ thường”. Tuy nhiên, với kẻ tiểu nhân thì sự "giáo dục" đó chỉ có hiệu quả khi phát hiện kịp thời sự suy thoái đạo đức "bởi thói quen" của nó và khi sự suy thoái đó chưa đến mức tột cùng của sự hèn hạ. Khổng Tử nói rằng: "Chỉ có hạng thượng trí và hạng trí ngu là không thay đổi (tính tình)" (Duy thượng trí dữ hạ trí ngu bất di Luận ngữ, XVII, 3). Hạng thượng trí ở đây chi thánh nhân, đó là những người nắm được quy luật của trời đất (Cửu trù) để làm ra các phép tắc dạy người. Bậc thấp hơn là quân tử, tức là người giữ đúng phép tắc trong hành xử của mình. Bậc cuối cùng trong sự phân hạng người là tiểu nhân, tức là những kẻ mà trong cuộc sống, bất chấp mọi giá trị đạo đức, sẵn sàng làm bất cử điều gì, miễn là có lợi cho họ.

Mọi điều hay lẽ phải trong phép ứng xử đạo đức đã được các thánh nhân đời xưa vạch ra. Khổng Tử chỉ là người thuật lại và mong muốn học thuyết của mình có người thực hiện. Người đó chính là bậc quân tử, hay còn gọi là con người toàn thiện. Chữ "quân" trong cụm từ “quân tử” thường dùng để chỉ người đàn ông đạo đức, người toàn thiện hoặc "siêu nhân". Ngoài ra, chữ "quân" đó còn đùng để chỉ các bậc quân vương. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Quân tử động khẩu, tiểu nhân động thủ”, tức là: "Quân tử dùng lời, tiểu nhân dùng tay".

Mâu thuẫn giữa hai mặt trái ngược nhau của con người đã có từ lâu. Song, đối với Khổng Tử, nó trở nên cực kỳ quan trọng và cấp bách. Lúc nào ông cũng dành sự quan tâm của mình xung quanh vấn đề con người, xem sự xa rời bản tính (Trời sinh) ban đầu như là nguyên nhân dẫn đến sự đảo lộn trật tự thế giới và đó chính là sự xa rời Đạo. Giữ mình theo Đạo, người quân tử bao giờ cũng tỏ ra thư thái như đạt được sự giải thoát khỏi những ràng buộc, cám dỗ của đời thường - cái vốn làm mọi người xa nhau. Khổng Tử nói: "Người quân tử thư thái mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái " (Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái - Luận ngữ, XIII, 26). Tuy nhiên, sự thư thái đó chỉ là tương đối, bởi người quân tử bao giờ cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trước xã hội, giống như Bồ Tát trong đạo Phật. Khi “làm sạch" mình, làm trong sạch từ bên trong, người quân tử đồng thời làm sạch cái không gian quanh mình, làm cho môi trường sống khỏi bị ô nhiễm bởi những thói đời hèn hạ, giải thoát cho mình đồng thời với giải thoát cho những người khác. Chính vì vậy, Khổng Tử khẳng định, kẻ tiểu nhân không tự giải phóng cho mình (hạ trí ngu bất di). Ông nói: “Đức của người quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi thì cỏ rạp xuống" (Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển - Luận ngữ, XII, 18).

Người quân tử có sức mạnh biến cải nhân dân đến chỗ tất hơn. Sức mạnh đó không chỉ là lời nói, mà còn là sức mạnh bên trong, là đạo đức. Người quân tử lấy đạo đức làm động cơ thúc đẩy nhân dân hành thiện. Khổng Tử nói: “Dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình pháp để giải trật tự, dân tránh khỏi tội nhưng chưa biết hổ thẹn. Dùng đức để dẫn dắt, dùng lễ để giữ trật tự, dân biết hổ thẹn mà tiến tới chỗ tất lành" (Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ, đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách - Luận ngữ, II, 3).

Ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy khi sự biểu hiện đó không phù hợp thì tư duy của người phát ngôn có thể không lành mạnh cũng có khi việc phát ngôn quá chất phác, không đủ sức thuyết phục người nghe cũng bất lợi. Vì vậy, khi nêu ra đặc trưng của người quân tử, Khổng Tử đã xem xét mối tương quan giữa tính chất phác (Trời cho) với học vấn: "Chất phác thắng văn vẻ thì quê mùa, văn vẻ thắng chất phác thì cứng nhắc. Văn vẻ và chất phác đều nhau, mới nên quân tử" (Chất thắng văn tắc đã, văn thắng chất tắc sử, văn chất bân bân nhiên hậu quân tử - Luận ngữ, VI, 16).

Một trong những đặc điểm nổi bật của con người toàn thiện là mối quan hệ của nó với cộng đồng xã hội. Khổng Tử nói: "Quân tử thân với khắp mọi người mà không tư vị, kẻ tiểu nhân tư vị mà không thân với khắp mọi người"(Quân tử chu nhi bất tị, tiểu nhân tị nhi bất chu - Luận ngữ, II, 14). Câu này được địch theo nhiều cách khác nhau. Nếu xét trên bình diện triết học thì câu này mang ý nghĩa sâu sắc về cấu trúc. Chữ chu ở đây chỉ sự chu tất, chu toàn, có thể hiểu là tính cách của con người toàn thiện và chỉ có con người toàn thiện mới có khả năng thể hiện được chủ ý của Vũ trụ. Vì vậy, theo chúng tôi, dịch chữ chu là thân khắp với mọi người không thể hiện đủ nghĩa của từ.

Con người chu toàn có thể được xem như là tấm gương, là chủ thể của mọi thiện chân, cho nên ai cũng kính nể. Khi được tất cả kính nể thì trong quan hệ không thể thiên lệch với bất kỳ người nào, nhóm nào, bè đảng nào. Tiểu nhân thì hoàn toàn ngược lại. Vì không có tính chu toàn, nên kẻ tiểu nhân chỉ có thể cấu kết với những người đồng tâm, đồng ý với mình, chính vì thế mà xã hội để bị phân chia thành phe nhóm khác nhau, đấu tranh cho quyền lợi của phe nhóm mình và chèn ép các nhóm khác, thậm chí đấy tới mức thù hằn nhau. Như vậy, xét về mặt cấu trúc hệ thống, tiểu nhân có thể được coi là những bộ phận trong một chỉnh thể, luôn nằm trong sự thống nhất biện chứng và bản thân nó không thể đại diện cho một chỉnh thể xác định, tức là luôn bị ràng buộc bởi các mối quan hệ bắt buộc, không tự do, nó được xem như Ià công cụ để phục vụ cho những mục đích nào đó. Ngược lại, "quân tử không thể là công cụ(quân tử bất khí - Luận ngữ, II, 12).

Bảo tồn được tính thiện cao cả ban đầu là điều kiện để người quân tử trở nên phổ biến. Đã là phổ biến thì người quân tử có thể chi phối cuộc sống một cách toàn vẹn. Mặt khác, chính vì giữ được tính thiện cao cả đó mà người quân tử thể hiện mình như là người hoàn thiện với đầy đủ phẩm cách tất đẹp trong việc thi hành đạo nhân: "Nết hiếu và nết để có phải là gốc của việc thi hành đạo nhân đó chăng"? (Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dư - Luận ngữ, 1,2).

Từ việc đề cao đức hiếu, đễ, Khổng Tử đi đến thuyết chính danh. Đối với câu hỏi cái gì cần cho đường lối trị quốc đúng đắn, Khổng Tử trả lời: "Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con" (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử - Luận ngữ, XII, 11). Câu trả lời thật là đơn giản, song lại hàm chứa một nội đung khá đầy đủ về chính danh. Khổng Tử nhận thấy, trong một xã hội thịnh trị, có những đẳng cấp xã hội, thì bổn phận của mỗi con người phải được phân định một cách rạch ròi, trình độ tri thức của họ cũng phải tương ứng với công việc mà họ đảm nhận: "Hiểu biết là hiểu biết, không hiểu nhận là không hiểu. Thế cũng là đã hiểu rồi vậy" ( Tri chi vi tri chi,bất tri vi bất tri. Thị tri dã - Luận ngữ, II,17). Đặc biệt, đối với bậc quân tử lại càng phải thận trọng trong cuộc sống. Điều gì chưa nắm chắc, chưa rõ thì không nên cả quyết một cách vội vàng: "Người quân tử đã nêu được tên gọi (danh chính) ắt nói được ra lời, đã nói được ra lời ắt làm được. Đối với lời nói ra, người quân tử không bao giờ cẩu thả vậy" (Quân tử danh chi tất khả ngôn dã, ngôn chi tất khả hành dã. Quân tử ư kỳ ngôn vô sở cầu nhi dĩ hĩ - Luận ngữ, XIII, 3).

Theo Khổng Tử, con người toàn thiện là người có phẩm chất đạo đức phù hợp với ngũ thường, trong đó nhân tính được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, người quân tử "Có khi còn quyên sinh để giữ trọng đạo nhân" (Hữu sát thân dĩ thành nhân - Luận ngữ, XV, 8), hoặc "Người quân tử lấy đạo nghĩa thành làm căn bản, dùng lễ để thi hành, biểu lộ bằng đức khiên tốn, hoàn thành nhờ chữ tín" (Quân tử nghĩa dĩ vi chất, lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi - Luận ngữ, XV, 17).

Vậy Lễ là gì mà có thể làm cho thế giới này trở nên trật tự hài hoà? Lễ trước hết là cái làm cho vạn vật trong thế giới này có được vị thế phù hợp. Do vậy, con người là một trong vạn vật đó cũng phải tuân theo lễ, phải biết " Khắc kỷ phục lễ", bởi "Người mà không có lòng nhân, dùng lễ sao được? Người mà không có lòng nhân dùng nhạc sao được?" (Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà? Luận ngữ, III, 3), hoặc "Cung kính mà thiếu lễ thì khó nhọc, cẩn thận mà thiếu lễ thì nhút nhát, cương dũng mà thiếu lễ thì loạn, thẳng thắn mà thiếu lễ thì nóng gắt" (Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỉ. Dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giáo - Luận ngữ, VIII, 2). Như vậy, lễ là cái đóng vai trò điều chỉnh hành vi con người, làm cho con người ứng xử với nhau tất hơn trên cơ sở lấy "Thứ" làm trọng. Nhờ có "thứ" mà con người biết "Điều gì mình không muốn [người khác làm cho mình], chớ áp dụng cho người" (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Luận ngữ, XV, 23).

Như vậy, quân tử chưa phải là người lý tưởng (mặc dù các nhà tư tưởng Tống Nho đã đặt nó ngang hàng với thánh nhân). Bản thân người quân tử cũng tự nhận thấy mình chưa phải là người hoàn thiện, nên họ luôn tự xác định phải thường xuyên hoàn thiện hoá bản thân để trở nên tất hơn. Trong cuộc sống hàng ngày không ai có thể tránh được sai lầm, song người quân tử là người biết sai để sửa và đó cũng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người toàn thiện. Khổng Tử nói: " Có lỗi mà không sửa mới thật là lỗi", "Quá nhi bất cải, thị ví quá dã - Luận ngữ, XV, 29). Khác với quân tử, tiểu nhân không nhận thấy lỗi của mình và nếu nhận ra cũng không chịu sửa, thậm chí còn dấu diếm. Người quân tử luôn nghiêm khắc với mình, luôn tự truy tìm nguyên nhân ở mình, ngược lại, tiểu nhân thường đổ lỗi cho người khác: "Người quân tử trông ở mình, kẻ tiểu nhân trông ở người" (Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân - Luận ngữ, XV, 20). Đó là quan hệ giữa nghĩa và lợi. Quân tử trọng nghĩa mà luôn sửa mình, còn tiểu nhân vì lợi mà trốn tránh trách nhiệm: "Quân tử rành về điều nghĩa, kẻ tiểu nhân rành về điều lợi" (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi - Luận ngữ, IV,16).

Quân tử là mắt khâu liên kết giữa thánh nhân và người thường, là sợi chỉ nối quá khứ với hiện tại. Quân tử "Sợ ba điều: Sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời nên không sợ, [mà còn] khinh nhờn bậc đại nhân, diễu cợt lời của thánh nhân" (Quân tử hữu tam uý: Uý thiên mệnh, uý đại nhân, uý thánh nhân chi ngôn. Tiểu nhân bất tri thiên mệnh nhi bất uý dã, hiệp đại nhân, vũ thánh nhân chi ngôn - Luận ngữ, XVI, 8). Quả thật, nếu không biết sợ, không cảm nhận được sự hiện diện của trời, sỉ vả quá khứ và coi thường những điều thánh thiện thì tất thảy những cái đó sẽ dẫn tới tai hoạ nghiêm trọng. "Chẳng biết được mệnh trời, không lấy gì để làm người quân tử. Chẳng biết lễ, không lấy gì để lập thân. Chẳng biết phân biệt nổi lời phải trái, không lấy gì để biết người" (Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử đã, bất tri lễ vô dĩ lập dã. Bất tri ngôn, vô dĩ tri nhân dã - Luận ngữ, XX, 3). Quân tử khác với tiểu nhân là ở chỗ biết lễ do đi theo đường chính, nắm được đạo Trung dung, biết được mệnh trời mà "vươn lên" để đạt đến cao thượng, đến trạng thái hoàn thiện và làm cho người khác cùng hoàn thiện thêm. Khổng Tử nói: "Người quân tử đạt tới chỗ cao thượng, kẻ tiểu nhân đạt tới chỗ thấp hèn" (Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt - Luận ngữ, XIV, 24).

Sự "vươn lên" đến trạng hoàn thiện là một quá trình tự cải tạo của người quân tử Con đường khó khăn của sự nghiệp cải tạo đó xuất phát từ nghiên cứu vạn vật, không ngừng nâng cao hiểu biết về mọi mặt và làm cho ý mình thành thật, tiến tới chính tâm để tu thân, tề gia, trị quốc và cuối cùng là bình thiên hạ. Từ bậc thiên tử cho tới thường dân ai cũng phải lấy sự tu thân làm gốc. Vì vậy, khi Tử Lộ hỏi Quân tử phải làm gì, Khổng Tử đáp: "Sửa mình để nên người kính cẩn". Lại hỏi: Có vậy thôi ư? Đáp: "Sửa mình kính cẩn để yên mọi người". Lại hỏi: "Có vậy thôi ư? Đáp: Sửa mình kính cẩn để yên trăm họ. Sửa mình để yên trăm họ, việc đó dẫu vua Nghiêu, vua Thuấn cũng chưa làm cho trọn" (Tử Lộ vấn quân tử, Tử viết: "Tu kỷ dĩ kính". Vấn: "Như tư nhi dĩ hồ?" Viết: "Tu kỷ dĩ an bách tính.Tu kỷ an bách tính, Nghiêu Thuấn kỳ do bệnh chu”- Luận ngữ, XIV, 45). Qua đoạn đối thoại trên đây, chúng ta thấy, quan điểm của Khổng Tử về con đường hoàn thiện hoá là vô tận, đến các bậc thánh nhân, như vua Nghiêu, vua Thuấn, vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn. Sự vận động để đến với bản thân với tư cách con người toàn thiện đều thông qua sự hoàn thiện hoá bản thân.

Con đường hoàn thiện hoá là con đường giải thoát. Ở các tôn giáo khác nhau, quan niệm về giải thoát cũng khác nhau song mục đích chỉ là một - đó là khắc phục quan niệm coi tự kỷ là trung tâm. Trong tư tưởng của Khổng Tử, đó là sự chiến thắng của con người đối với chính bản thân mình, vượt lên trên mình, là sự phục hồi lễ, khôi phục thiện nhân khởi thuỷ. Con đường giải thoát đó phải do chính người quân tử thực hiện thông qua sự tự hoàn thiện mà phương pháp và mục tiêu của sự tự hoàn thiện đó đã được thánh nhân vạch ra. Khi Nhan Uyên hỏi về Nhân, Khổng Tử giải thích: "Dẹp bỏ tư dục, trở về với lễ là phát huy điều nhân. Một ngày dẹp bỏ tư dục, trở về với lễ, cả thiên hạ [chịu cảm hoá] quay về về với điều nhân vậy" (Khắc kỷ phục lễ vi nhân, nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên. Nhân do kỷ nhi do nhân hồ tai? - Luận ngữ, XII, 1).

Giải thoát bản thân khỏi sự ràng buộc của những dục vọng, từng bước nâng cao tri thức của mình về vạn vật (cách vật), về thế giới con người (biết người, yêu thương con người) là con đường hoàn thiện chân chính của Quân tử. Chiến thắng bản thân có nghĩa là chiến thắng những gì trong con người đang cản trở nó quay về với toàn bộ phẩm chất tất đẹp ban đầu mà Trời ban cho. Việc làm đó là phù hợp với Quân tử - con người toàn thiện, vốn chỉ cầu ở mình chứ không bao giờ cầu ở người.

Nguyễn Thị Kim Chung
Tạp chí Triết học
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi VANROT » Thứ 5 15/11/07 12:52

Luận ngữ là một trong bốn quyển sách nằm trong bộ Tứ Thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Đây là quyển sách do các học trò của Khổng Tử sưu tầm, ghi chép lại những lời nói, những mẫu chuyện của Ngài khuyên dạy các học trò, hoặc người đương thời về nhiều vấn đề: Luân lí, Triết học, Chính trị, Học thuật). Sách Luận Ngữ có thể cho là quyển sách dạy đạo làm người quân tử một cách thực tiễn nhất, và mô tả tính tình, cử chỉ, đức độ của đức Khổng Tử, như phác họa một mẫu mực hoạt động cho người đời sau noi theo. Sách này cho ta biết được nhiều câu cách ngôn xác đáng về đạo người quân tử.
Trong Luận ngữ, Khổng Tử có nói rằng: “quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”. Nguyễn Hiến Lê dịch là: “ người quân tử hiểu rõ về Nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về Lợi”.
Câu nói trên của Ngài Khổng Tử xuất phát từ xã hội thực tế lúc bấy giờ: chiến tranh loạn lạc, đạo đức con người suy đồi, tôn ti trật tự trên dưới bị đảo lộn, người trên dạy người dưới không nghe; ngược lại, người bên dưới nói người bên trên cũng không nghe: vua- quan, cha- con, chồng- vợ. Chính vì muốn cho xã hội đi vào ổn định, Khổng tử đã đề cao khía cạnh đạo đức (Nghĩa), và xem thường khía cạnh vật chất (Lợi). Do vậy, theo Khổng Tử, người hiểu và thực hiện được khía cạnh đạo Đức (Nghĩa) này thì chỉ có người Quân tử; người chỉ lo suy tư, tìm kiếm Lợi lộc thì là người tiểu nhân. Người tiểu nhân là người bị khinh rẻ trong xã hội (dưới cách nhìn của Nho gia). Theo Khổng Tử, chính vì Lợi mà mọi người dùng thủ đoạn, mưu mô tranh nhau, giết nhau để có được nó. Do vậy, mà làm cho xã hội Xuân Thu chiến quốc vốn đã rối loạn thì càng rối loạn thêm. Do đó, Khổng Tử xem thường Lợi, chú trọng đạo đức (Nghĩa). Mục đích của Ngài là nhằm xây dựng xã hội đương thời an bình, con người sống thật lòng, có tình với nhau.
Dưới cách nhìn của nhà quản trị kinh doanh thì câu nói trên của Khổng Tử, theo tôi nó vừa có điểm lạc hậu, và có điểm vẫn còn giá trị.
Chúng ta biết rằng, mục đích của nhà kinh doanh là tạo ra lợi nhuận. Lợi nhuận càng nhiều thì càng tốt cho Công ty, cơ quan, xí nghiệp của nhà kinh doanh. Nhà quản trị kinh doanh phải có chính sách hoặch định để làm cho lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, phát triển ổn định đều đều... Như vậy, nhà quản trị kinh doanh này, được người ta nhìn nhận, đánh giá là nhà kinh doanh giỏi, thành đạt. Nếu một nhà quản trị kinh doanh giỏi ăn nên làm ra, hai nhà quản trị kinh doanh giỏi, nhiều người quản trị kinh doanh giỏi nhất định sẽ nên một quốc gia giàu mạnh. Một khi kinh tế giàu mạnh sẽ thúc đẩy hàng loạt các mặt khác cũng phát triển theo: văn hóa, quốc phòng, khoa học, vị thế trên trường quốc tế được nâng cao… Nhìn trên thế giới, chúng ta thấy các nước có nền kinh tế mạnh: Mỹ, Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Đức… thường tiếng nói của họ có giá trị, chi phối các nước nghèo khác. Nếu chúng ta xét câu nói trên của Khổng Tử trong trường hợp này thì nó không phù hợp, không có giá trị. Do vậy, trong trường hợp phân tích này, nếu có ai cho cá nhân tôi nói thì tôi có thể nói ngược lại với Khổng Tử: “ người quân tử hiểu rõ về Lợi, người tiểu nhân hiểu rõ về Nghĩa”.
Trên thực tế, nếu xét bề sâu của việc tạo ra lợi nhuận, nhà quản trị kinh doanh giỏi phải biết dựa vào rất nhiều yếu tố: nắm bắt thị trường, phải biết nắm bắt cơ hội tốt, có khi phải gian dối, mánh khóe trong kinh doanh…để hoạch định, định hướng cho công việc kinh doanh hiệu quả. Sự gian dối, mánh khóe ở đây dưới mức độ luật pháp có thể chấp nhận được, đối tác kinh doanh có thể chấp nhận được (lợi mình và lợi người). Tóm lại, trong kinh doanh, theo tôi, chúng ta chú trọng đến khía cạnh lợi nhuận thì chắc chắn rằng khía cạnh đạo đức( Nghĩa) sẽ không được xem trọng.
Tôi ví dụ rằng: hiện nay các nước giàu có luôn luôn đi tìm những nước nghèo có nhân công lao động đông, tiền lương thấp, chính phủ của những nước nghèo này phải có chính sách ưu đãi trong việc đầu tư kinh doanh… Các công ty của những nước giàu này, luôn miệng nói rằng, họ đến để giúp đỡ chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm cho người dân ở các nước nghèo… Trên thực tế, các nước giàu vào các nước nghèo đầu tư đã giúp cho các nước nghèo giải quyết được một số vấn đề kinh tế: giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách nhà nước…Nếu chúng ta xét ở bề sâu của vấn đề kinh doanh về lâu dài thì khía cạnh đạo đức bị phớt lờ đến nguy hiểm. Trên thực tế, các công ty ở những nước giàu vào các nước nghèo đầu tư kinh doanh, họ không có chuyển giao công nghệ gì mà chỉ đem những thiết bị lỗi thời ở các nước họ đến để xây dựng kinh doanh sản xuất. Chính điều này đã để lại hậu quả ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhiều bệnh nguy hiểm xuất hiện trong cuộc sống người dân… Vấn đề của hậu quả ô nhiễm này, gian dối trong lời hứa kinh doanh, chính phủ ở các nước nghèo có biết không? Các nhà kinh doanh ở các nước giàu có biết không? Tôi chắc chắn rằng tất cả ai ai cũng biết. Đã biết sao vẫn chấp nhận? rõ ràng là vì lợi nhuận trước mắt ( lợi mình và lợi người) mà hai bên ( người đầu tư và nước được đầu tư) chấp nhận, và chấp nhận bỏ qua khía cạnh đạo đức (Nghĩa). Do đó, nếu nhìn nhận câu nói trên của Khổng Tử thì ta thấy câu nói ấy vẫn còn có giá trị.
Tóm Lại:
Đạo đức là khía cạnh tìm cầu của nhân loại muôn đời. Nếu xét về thời gian thì giá trị của lợi nhuận có thể tồn tại trong một thời gian có giới hạn, còn đạo đức tồn tại mãi mãi với nhân loại. Dưới góc nhìn văn hóa quản trị kinh doanh, theo tôi chúng ta đừng vì lợi nhuận quá mà bỏ qua trách nhiệm đạo đức; cũng đừng vì đạo đức (nghĩa) mà rồi chúng ta bị hạn chế, cản trở trong kinh doanh. Do vậy, trong kinh doanh chúng ta phải biết kết hợp hài hòa cả hai: đạo đức (nghĩa) và lợi nhuận. Với mục đích làm cho kinh tế xã hôi phát triển bền vững cả về Chất và về Lượng. Chúng ta tạo ra lợi nhuận kinh doanh không những có lợi cho mình và còn cho người khác, không những có lợi cho đời này mà còn có lợi cho đời sau.
RANDOM_AVATAR
VANROT
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 3 05/06/07 20:35
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi hoangtan » Thứ 5 15/11/07 12:58

Trong kinh doanh, vấn đề về “Lợi và Nghĩa” khái quát lại chính là vấn đề về đạo đức kinh doanh. Khổng Tử trong Luận ngữ đã có câu nói nổi tiếng về “Nghĩa và Lợi” là: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”, dịch là “Người quân tử hiểu rõ về Nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về Lợi”. Đã kinh doanh thì không ai là không muốn có lợi, nhưng “lợi” như thế nào cho hợp “nghĩa” mới là điều quan trọng. Người kinh doanh có tài phải là người biết hòa hợp được giữa “Lợi” và “Nghĩa”, không nên chỉ vì “Lợi” mà bất chấp tất cả. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nếu muốn phát triển vấn đề đạo đức doanh nhân, giúp doanh nhân giữ vững được mối tương quan giữa “Lợi và Nghĩa” thì Nhà nước ta cũng cần phải tạo mọi điều kiện, giúp đỡ họ trong kinh doanh, vừa phát triển nền kinh tế quốc gia, vừa duy trì trật tự kỷ cương xã hội. Sau đây là một số giải pháp cơ bản về vấn đề phát triển đạo đức của doanh nhân trong công cuộc hiện nay:

1) Giải pháp về chính trị
Muốn cho doanh nhân Việt Nam chứng tỏ được tài năng, đạo đức của họ cần phải xây dựng một chế độ dân chủ thực sự, một nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước phải là người đại diện quyền lợi của toàn xã hội, là người điều chỉnh các lợi ích chính đáng của mọi cá nhân, mọi thành phần kinh tế. Từ đó Nhà nước phải ban hành những văn bản pháp luật, có những chính sách công bằng, hợp lý để giúp cho Doanh nhân được tự do "cạnh tranh lành mạnh", "phát triển bình đẳng", "phục vụ trung thực". Pháp luật cần chặt chẽ, chính xác, quy định những điểm Doanh nhân được làm tức là những điều pháp luật không cấm. Vừa qua có những vụ án, các nhà kinh doanh, buôn bán bị quy vào tội danh "lợi dụng kẽ hở" của pháp luật. Đồng thời cũng cần xác định vấn đề hình sự và hoạt động kinh doanh buôn bán, không hình sự hóa những vấn đề phức tạp của hoạt động này.
Ban hành pháp luật là quan trọng, nhưng người thực thi pháp luật mang tính quyết định. Do vậy, cần phải chống tiêu cực trong bộ máy quyền lực, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, các ngành, các cấp. Doanh nhân Việt Nam cần phải tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, việc làm này rất khó khăn nhưng có ý nghĩa rất to lớn

2. Giải pháp kinh tế
Phải xác định rõ thể chế kinh tế và chế độ sở hữu ở nước ta trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó lợi ích của Doanh nhân đến đâu? lợi ích xã hội đến đâu? Vấn đề sở hữu như một động lực thúc đẩy hoạt động của Doanh nhân. Từ vấn đề này dẫn đến xác lập quan hệ đạo đức và giá trị, chuẩn mực đạo đức trong xã hội, đây là những vấn đề có liên quan đến đạo đức của Doanh nhân. Theo Forbes thì "Việc không có một nhà tỷ phú nào cho thấy quốc gia đó còn nhiều hạn chế trong việc khuyến khích làm giàu. Tại đó còn tồn tại nhiều chính sách chưa hợp lý, hệ thống tài chính - thuế khóa chưa minh bạch, cơ chế với sự phát triển của doanh nhân còn bó buộc".
Đặc biệt những Doanh nhân hoạt động trong thành phần kinh tế Nhà nước (Doanh nghiệp nhà nước) vai trò, trách nhiệm, thì quyền lợi và nghĩa vụ của họ cần được xác định rõ. Nếu không sẽ có tình trạng làm tốt chưa chắc đã được đánh giá cao, làm dở chưa chắc đã bị đánh giá thấp, thậm chí còn được tôn vinh bằng những danh hiệu cao quý.


3. Vấn đề nhận thức và tư tưởng
Liên quan đến đạo đức xã hội và đạo đức Doanh nhân là vấn đề "bóc lột" hiện nay. Cần hiểu rõ thế nào là "bóc lột" (hay là sử dụng sức lao động) và quan trọng hơn là "bóc lột" trong điều kiện nước ta hiện nay còn có ý nghĩa nhân văn, nhân bản, ý nghĩa đạo đức không? Bởi hiện nay có rất nhiều người lao động (ở nông thôn và thành thị), họ không có công ăn việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình, họ cần được "bán" sức lao động. Nếu các Doanh nhân tạo cho họ công ăn việc làm, đem tài năng và vốn liếng vào việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cho bản thân thì đó chính là hành vi đạo đức. Điều này cần được khẳng định, cần được làm rõ ý nghĩa đạo đức tích cực của việc "bóc lột", bởi do tính tất yếu kinh tế - xã hội hiện nay. Đồng thời cần phải khẳng định giá trị của doanh nghiệp, Doanh nhân trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay. Nếu trước đây trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước vai trò của các quân đoàn, binh đoàn bộ đội, vai trò của các tướng lĩnh quyết định thắng lợi trên chiến trường, thì ngày nay trong xây dựng kinh tế vai trò của các doanh nghiệp (các tập đoàn kinh tế), vai trò của Doanh nhân quyết định chiến thắng trên các thương trường... Do vậy, cần chuyển đổi các giá trị đạo đức cho phù hợp: nếu trước đây tinh thần yêu nước thể hiện ở giá trị đạo đức cao cả là phấn đấu cho độc lập tự do của dân tộc (Không có gì quý hơn độc lập tự do) thì ngày nay tinh thần yêu nước được mở rộng, đó là phấn đấu vì "dân giàu, nước mạnh". Và điều đó đã trở thành giá trị đạo đức cao đẹp - Doanh nhân phải là người nêu cao giá trị đạo đức mới và là nhân vật tiêu biểu cho giá trị đó.

4. Vấn đề giáo dục giá trị đạo đức Doanh nhân
Vấn đề giáo dục đạo đức cho Doanh nhân là vấn đề của toàn xã hội và là vấn đề tự ý thức của chính giới Doanh nhân.
Đối với xã hội cần phải nâng cao nhận thức về vai trò của Doanh nhân, giá trị xã hội của Doanh nhân bằng sự tôn vinh Doanh nhân. Cần khắc phục những mặc cảm sai lầm về doanh nhân. Chúng ta cần nghiên cứu xây dựng văn hóa Doanh nhân Việt Nam với những đặc trưng, đặc điểm mang tính đặc thù của Việt Nam như một thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Chúng ta cần phải bồi dưỡng lý tưởng, đạo lý, triết lý làm giầu cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt thế hệ trẻ để họ trở thành những Doanh nhân Việt Nam sánh vai cùng Doanh nhân các cường quốc năm châu theo tinh thần Hồ Chí Minh. Đồng thời, phải xây dựng truyền thống Doanh nhân Việt Nam với sự tôn vinh Doanh nhân Việt Nam bên cạnh những giá trị cao đẹp khác của dân tộc.
RANDOM_AVATAR
hoangtan
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 6 08/06/07 2:13
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi NGUYENANH » Thứ 5 15/11/07 16:31

Phàm đã làm người trên đời không ai không biết cách tìm kiếm thu lợi cho mình, cho bên mình, phe phái mình. Rồi như một cán cân, bên này lợi ắt sẽ có bên mang hại. Ấy vậy, câu nói của Khổng Tử lại cho rằng cái nghĩa thì gắn với người quân tử, còn cái lợi lại gắn với kẻ tiểu nhân. Người suốt đời chỉ biết nghĩa là người quân tử còn người chỉ biết thu lo lợi lộc là kẻ tiểu nhân hết? Truyền thống tư tưởng Trung Hoa là cực đoan (Theo ý GS.TSKH Trần Ngọc Thêm) nên câu nói của Khổng Tử cũng không ngoài chất cực đoan ấy. Suy cho cùng, tư tưởng Khổng Tử cốt lõi lại đó là chữ NHÂN, có chăng nếu nhân vì người thì gọi là nghĩa, còn nhân vì mình sẽ gọi là lợi? Rồi từ đó hành nhân vì người sẽ là quân tử, hành nhân vì mình sẽ là tiểu nhân? Đã vậy, trong tư tưởng Khổng Tử còn có quan niệm chỉ quân tử mới có thể có hành động tiểu nhân mà không bao giờ tiểu nhân lại có hành động quân tử. Lại một sự cực đoan! Thế nên, không có người chỉ có nghĩa cũng như không có người chỉ biết đến lợi. Trong nghĩa có lợi, trong lợi có nghĩa (trong quân tử có tiểu nhân, trong tiểu nhân có quân tử). Đã là người không thể thiếu một trong hai, vấn đề chỉ là mức độ ít, nhiều mà thôi.
Bàn đến nghĩa và lợi trong văn hoá quản trị kinh doanh, ta càng thấy sự giao thoa, hòa quyện, bổ sung và hỗ trợ của nghĩa và lợi. Nếu quản trị kinh doanh chỉ có nghĩa, sự thất bại là điều không tránh khỏi bởi nó không là sự “từ thiện”, còn nếu lợi được đề cao thái quá thì chẳng khác nào sống hôm nay chẳng nghĩ đến ngày mai. Bởi giết con bò lấy thịt hôm nay thì làm sao đòi được sữa ngày mai? Có lẽ vì thế, giới doanh thương Trung Quốc không ai dùng đến nghĩa lợi theo như Khổng Tử mà họ trở nên phát đạt, thịnh vượng. Còn với dân Nam ta, sự nhập nhằng nước đôi từ truyền thống nông nghiệp lại trở nên hữu hiệu khi nhìn nhận nghĩa lợi không một chút cực đoan mà có phần linh hoạt, thích ứng cao. Thế nên mặc dù quan niệm “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” nhưng cũng có khi phải “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Còn lí do tại sao ta không giàu được như người thì đó lại là một vấn đề khác. Nhưng cũng có thể vì nghĩa-lợi nhập nhằng mà “chân buộc ghét chân đi” rồi kéo nhau cùng ngã nên yếu vẫn hoàn yếu, không ai hại mình mà chính mình tự chuốc lấy hại vào thân. Thế mới biết con đường đi lên vẫn còn xa lắm, xa lắm…
RANDOM_AVATAR
NGUYENANH
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 3 19/06/07 21:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

"Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy"

Gửi bàigửi bởi tklt » Thứ 6 16/11/07 0:45

Tôi xin tham gia ý kiến chút xíu thảo luận với bạn ng giang binh. Bạn có nêu: Trung Hoa cũng có câu nói rất nổi tiếng mà người Việt mình ai cũng biết: "Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy". Theo trí nhớ của tôi, nếu nhớ không lầm thì có 2 câu khác nhau. Câu 1: "Quân tử nhất ngôn". Câu 2: "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Còn câu bạn nêu: "Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy" chỉ có trong các phim bộ của người Hoa được người Việt chuyển ngữ (mà tôi nghĩ có lẽ chuyển ngữ không đúng). Vì vậy việc ghép "quân tử" với "tứ mã" ở đây hơi khiên cưỡng. Câu "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy" cũng có rất nhiều người dùng thành tiếng Việt rồi, là: "Một lời nói ra, bốn ngựa khó theo".
Ý câu này là lời nói quan trọng, khi đã nói ra thì không thể rút lại. "Tứ mã nan truy" là 1 hình ảnh ví von, lấy hình ảnh xe tứ mã chạy rất nhanh mà cũng không bắt lại kịp câu nói một khi đã xuất ra thành lời. Còn hình tượng "mã" (con ngựa) trong văn hóa Trung hoa lại là chuyện hoàn toàn khác nữa, không liên quan nhiều đến "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy" nên tôi xin phép dừng ở đây. Thân mến. :D
RANDOM_AVATAR
tklt
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 2 15/10/07 12:29
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi hoangtan » Thứ 6 16/11/07 9:03

Trong kinh doanh, dù vẫn biết là phải kiếm lời, tuy nhiên cũng cần phải nhớ đến một chữ “tâm”. Có giữ được “Tâm” thì mới là người quân tử, là người dung hòa được nghĩa và lợi, như lời Khổng Tử đã dạy: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”. Có một câu chuyện của một công ty nước ngoài bàn về chữ “tâm” trong kinh doanh mà đến nay vẫn được truyền tụng: Johnson & Johnson (J&J) là một trong những tập đoàn hàng đầu của Mỹ chuyên sản xuất, kinh doanh dược phẩm và dụng cụ y tế...
Năm 1965, J&J tung ra thị trường sữa dưỡng da cho trẻ em rất được ưa thích. Một số khách hàng lại dùng sữa ấy cho chính mình những khi tắm nắng, vì thế thị phần của sữa dưỡng da J&J càng ngày càng lớn. Cuối 1968, bộ phận nghiên cứu & phát triển của J&J nhận thấy rằng nếu dùng sữa dưỡng da ấy để tắm nắng sẽ có nguy cơ bị ung thư da. J&J tự nguyện nhờ một số phòng thí nghiệm độc lập kiểm định thêm và khi chắc chắn kết quả, ban lãnh đạo J&J họp nhân viên lại để cùng làm bản thông báo cho các hãng thông tấn xã về kết quả xét nghiệm của mình. Kể từ tháng 2-1969, J&J thu lại tất cả sữa dưỡng da chưa được bán trên thị trường, và ngưng sản xuất cho đến khi J&J khắc phục được nguy cơ trên. Doanh số hằng năm của loại kem dưỡng da J&J lúc đó là khoảng 240 triệu USD/năm.
Một sự kiện khác xảy ra vào năm 1981, ở thành phố Chicago có một người bệnh tâm thần cho thuốc độc vào một số lọ thuốc trị nhức đầu nhãn hiệu Tylenol do J&J sản xuất và bày bán ở các quầy hàng bán thuốc trong những siêu thị. Sự kiện trên làm thiệt mạng bốn người và cảnh sát không bắt được người tâm thần gây các án mạng trên. Mặc dù chỉ xảy ra ở Chicago và giới chức trách an ninh địa phương nghĩ rằng người rối loạn tâm thần trên chỉ cho thuốc độc vào một số lọ Tylenol đã bày bán ở siêu thị, ban lãnh đạo J&J sau khi hội ý với nhân viên vẫn cương quyết rút lại để kiểm định tất cả lọ thuốc Tylenol đã phân phối không chỉ ở Mỹ mà ở toàn thế giới, vì theo J&J, không có gì bảo đảm là người bị bệnh thần kinh trên chỉ bỏ thuốc độc vào các lọ Tylenol lúc đã bày bán, mà không bỏ vào lúc sản xuất hoặc trước khi được phân phối đi khắp nơi. Toàn bộ chi phí để thực hiện quyết định trên là 350 triệu USD.
Như vậy, J&J đã thể hiện được trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng.
J&J, từ thập niên 1920 đến nay, đề cao bản sắc của doanh nghiệp dựa trên hai giá trị chung: “The Identity of J&J: Integrity & Respondibility” (“Bản sắc của J&J: Ngay thẳng và trách nhiệm”), khởi xướng bởi con trai nối nghiệp của người sáng lập công ty là Robert Wood Johnson. Trong lịch sử, J&J đã chứng minh về hiện thực của bản sắc doanh nghiệp bao gồm hai giá trị đó. Trách nhiệm trở thành hành vi chuẩn mực để đánh giá mọi hoạt động của J&J và trở thành văn hóa “trách nhiệm”, được xuất phát từ cái tâm của toàn thể cán bộ nhân viên, đặc biệt từ lãnh đạo cao nhất của J&J đối với khách hàng. Trách nhiệm thể hiện ra bên ngoài bằng bản sắc (được xây dựng niềm tự hào), đến lượt mình bản sắc quay lại định nghĩa rõ giá trị và nhân cách (trách nhiệm) mà J&J muốn mang đến cho khách hàng của mình thông qua thương hiệu.
Còn các doanh nghiệp sản xuất trong nước ta thì sao? Gần đây, ở nước ta, có một số doanh nghiệp đã vì lợi của mình mà bất chấp sức khỏe của cộng đồng, xã hội. Họ đã quên đi cái “tâm” của mình, chỉ biết kiếm lợi cho bản thân, như vụ nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn cho phép, sản xuất giò chả có hàn the, hóa chất, phở có phoocmon… dẫn đến hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, nguy hại đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Họ chỉ thể hiện trách nhiệm của mình sau khi bị nêu tên! Vậy, văn hóa doanh nghiệp ở đâu? đạo đức doanh nghiệp ở đâu? Cái tâm của họ ở đâu? Đây là một câu hỏi lớn đang rất được mọi ngừơi quan tâm suy nghĩ.
RANDOM_AVATAR
hoangtan
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 6 08/06/07 2:13
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi khuongho » Thứ 6 16/11/07 9:13

Tôi tán thành ý kiến cho rằng không nên tách biệt khái niệm "nghĩa" và "lợi" trong kinh doanh, một doanh nghiệp bao giờ cũng nghĩ đến lợi nhuận nhưng vẫn phải biết nghĩ đến con người, đến cộng đồng xung quanh. Vì vậy, nếu người kinh doanh chỉ biết nghĩ đến lợi lộc cho riêng mình, bất chấp cả việc gian lận hay thậm chí là giẫm đạp lên người khác để thu được lợi nhuận thì chỉ có thể là "tiểu nhân".
Những ngày qua, tôi thực sự bức xúc với chuyện những người kinh doanh hàng thực phẩm và vật liệu xây dựng ở những vùng vừa mới trải qua cơn lũ đã đẩy giá bán sản phẩm lên gấp 2, 3 lần vì biết rõ "cung không đủ cầu". Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, nhân dân miền Trung vốn đã khốn khó, nay sau cơn lũ lại càng thiếu thốn và khó khăn hơn. Thậm chí có những gia đình đã mất trắng hết tài sản, chỉ mong không bị đói là đã hạnh phúc rồi. Trong khi đồng bào, nhiều cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp đang dốc sức cứu trợ cho miền Trung thì cũng có không ít những doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng...lợi dụng tình trạng này để tăng giá thành sản phẩm nhằm tận thu lợi nhuận. Dù bức xúc nhưng trong tình thế cần phải ổn định cuộc sống, người dân cũng phải bấm bụng để mua. Không cần phải nói cũng đủ biết lợi nhuận của những doanh nghiệp này sẽ như thế nào. Dẫu biết đây là kiểu kinh doanh "ăn xổi ở thì" không thể tồn tại lâu dài nhưng thực tế thì nó vẫn tồn tại và đã tồn tại từ rất lâu rồi mà không có cơ quan quản lý nào có biện pháp can thiệp, và những người kinh doanh theo hình thức này vẫn đang giàu lên nhanh chóng. Bằng mọi cách để đạt được sự giàu có bất chấp cả việc giẫm đạp lên sự khốn khó của cộng đồng xung quanh thì chỉ có thể là "kẻ tiểu nhân".
RANDOM_AVATAR
khuongho
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 6 12/10/07 11:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi GAUMAP » Thứ 6 16/11/07 11:44

Nghĩa -Lợi , Quân tử -Tiểu Nhân là hai cặp phạm trù lớn và rất khác nhau.
Nó sẽ có vô vàng kết quả khác nhau nếu chiếu nó dưới các góc nhìn có mục đích khác nhau
Nguyên thủy của nó , chính yếu là giúp cho việc trị nước...
Trong kinh doanh ngày nay , khi đề cập đến nó như là việc bàn để cho vui...Hoặc nó sẽ đúng ở cõi Niết ban..
Bởi vì , Kinh doanh gắn liền vớilợi nhuận.Nếu không có lợi nhuận thì là từ thiện mất rồi !

Mà nghĩ về lợi nhuận thì người ngoài cuộc nhìn vào kinh doanh là bất lương , bất nghĩa - trọng lợi, là tiểu nhân.Nhưng người trong cuộc ( người kinh doanh ) lại cho là đúng , là bù đắp lại công sức , chất xám mà mình đã bỏ ra...

Tóm lại , đỉnh cao của thế giới thành đạt trong kinh doanh la Bill Gate , cuối cùng , Ông phải dành lợi nhuận của mình vào việc thiện thì đó mới đúng là Nghĩa - lợi , Quân tử -Tiểu nhân như tinh thần của Khổng Tử vậy!
Tiếc thay , thế giới những người như Ông lại là số rất rất ít!

Rất cám ơn sự chia sẽ của quý vị!
RANDOM_AVATAR
GAUMAP
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 6 12/10/07 22:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VH QTKD: về Nghĩa và Lợi

Gửi bàigửi bởi nttn218 » Thứ 3 08/01/08 23:24

Nhìn vấn đề theo góc nhìn cuả văn hoá kinh doanh thì có phi thực tế không khi loại bỏ hoàn toàn yếu tố "lợi". Nói thẳng thắn ra, mục đích cuối cùng cuả người làm kinh tế là có được lợi nhuận. Theo cách hiểu cuả em, Nghiã ngày xưa - ngày nay tạm gọi là "lợi ích xã hội", Lợi - ngày xưa - ngày nay tạm gọi là "lợi ích kinh tế". Do đó, văn hoá kinh doanh không phải là sự chọn lưạ bỏ 1 trong 2: hoặc Nghiã hay Lợi mà là cân nhắc giưã "lợi ích xã hội" và "lợi ích kinh tế" chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong hoạt động kinh tế để nhằm phát sinh lợi nhuận?
Tuỳ theo, triết lý kinh doanh cuả mỗi doanh nghiệp mà họ sẽ chọn tỉ lệ Lợi ích xã hội/lợi ích kinh tế là 5/5; 4/6 hay 7/3...
Em xin kể lại đoạn đối thoại giưã 1 phóng viên HQ và một phó Giám đốc NHTM CP Việt Nam như sau:
PV: Theo ông, đâu là điểm khác biệt lớn nhất trong văn hoá kinh doanh giữa VN và HQ?
GĐ: Tôi từng tiếp xúc với nhiều đối tác HQ là những tập đoàn tài chính lớn, các công ty HQ kinh doanh rất giỏi, rất chuyên nghiệp do vậy mà đa số mục đích họ đề ra là làm sao để đạt được lợi ích kinh tế lớn nhất. Riêng doanh nghiệp VN chúng tôi, NH.... nói riêng, ban Giám đốc chúng tôi luôn cân nhắc giưã lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện một dự án khi lợi ích kinh tế chỉ 3 phần, lợi ích xã hội đến 7 phần....
Theo em, tỉ lệ 7/3 giưã Nghiã (lợi ích xã hội) và Lợi (lợi ích kinh tế) là một con số "thực" và đẹp.
Hand + Heart + Head = Human
Hình đại diện của thành viên
nttn218
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 6 30/11/07 17:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá kinh doanh / Văn hoá Doanh nghiệp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron