VỀ VĂN HOÁ KINH DOANH Ở VIỆT NAM

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá kinh doanh, văn hoá quản trị trong kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp...

Re: VĂN HOÁ KINH DOANH Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi ngungudainguyensoai » Thứ 3 13/11/07 14:26

dì oi, không phai vậy đậu hai ban ấy đang........yêu nhau đấy
Tôi trang trọng thề rằng: Tôi vô tích sự !
(Trích: Harry Porter)
RANDOM_AVATAR
ngungudainguyensoai
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: Thứ 4 03/10/07 21:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HOÁ KINH DOANH Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 15/11/07 19:47

Văn hoá tặng quà trong kinh doanh


Trong một thị trường toàn cầu, đa văn hoá và phụ thuộc lẫn nhau của thế kỷ 21 này, sự thành công của các doanh nhân còn được quyết định bởi kiến thức về những điểm khác biệt giữa các nền văn hoá trong hành động và tập quán kinh doanh.

Sự thiếu hiểu biết về các văn hoá kinh doanh tại các thị trường khác nhau có thể dẫn tới những hiểu nhầm hay gây mất lòng đối tác kinh doanh. Những bước tiến vững chắc ra thị trường toàn cầu sẽ không thể thiếu kiến thức về các tập quán, nghi thức kinh doanh ở từng nền văn hoá cụ thể.

Một phần quan trọng trong kiến thức kinh doanh đa văn hoá đó là các quy ước, tục lệ tặng quà khác biệt trên thế giới. Việc hiểu rõ văn hoá tặng quà và các quy ước có liên quan có thể giúp các doanh nhân nước ngoài xây dựng thành công những mối quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác kinh doanh, đồng nghiệp hay khách hàng địa phương.

Các quy ước, tục lệ tặng quà đa văn hoá thường liên quan tới những yếu tố chính sau:

- Ai là người nhận quà tặng? Đó là cá nhân, nhóm người hay tổ chức? Địa vị, trạng thái của người nhận quà là gì?

- Loại quà nào có thể chấp nhận, loại quà nào không thể chấp nhận?

- Những nghi thức, quy tắc nào có liên quan tới việc trao quà và nhận quà?

- Có nên đền đáp lại món quà?

Tại nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ hay vương quốc Anh, việc tặng quà là khá hiếm gặp trong thế giới kinh doanh. Trên thực tế, nó có thể dẫn tới sự hiểu nhầm việc tặng quà như một hành động hối lộ. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, việc tặng quà và các nghi thức của nó giữ một vị trí trung tâm trong các hoạt động kinh doanh.

Để nêu bật một vài khía cạnh khác biệt của các văn hoá tặng quà trong kinh doanh, chúng ta sẽ xem xét các ví dụ cụ thể.

Tục lệ tặng quà tại Trung Quốc

- Đây là một hành động thông thường và mang tính xã giao trong các ngày kỷ niệm, cảm ơn vì đã giúp đỡ hay thậm chí nhờ cậy giúp đỡ trong tương lai.

- Tuy nhiên, không thể tặng quà nếu không có lý do hợp lý hay không có người chứng kiến.

- Khi một doanh nhân Trung Quốc muốn mua một món quà, sẽ rất bình thường với việc họ sẽ trực tiếp hỏi người nhận quà thích gì.

- Quà tặng kinh doanh luôn được đền đáp ngược lại. Không thực hiện điều đó có thể là một hành động tồi.

- Khi tặng quà, tuyệt đối đừng đưa tiền mặt.

- Đừng quá căn cơ với lựa chọn quà tặng của bạn bởi nếu vậy bạn sẽ được xem như một ‘iron rooster’ (gà trống sắt) – ý muốn nói việc có được một món quà từ bạn cũng như việc nhổ một chiếc lông từ con gà trống sắt.

- Tuỳ thuộc vào loại quà, hãy tránh việc tặng đơn lẻ một cái gì đó. Người Trung Quốc rất coi trọng sự cân bằng và hài hoà, vì vậy hãy tặng một đôi.

Tục lệ tặng quà tại Nhật Bản

- Việc tặng quà là một phần trung tâm trong văn hoá kinh doanh của người Nhật Bản.

- Hãy mang theo nhiều món quà khác nhau trong chuyến đi của bạn để nếu bạn được ai tặng quà, bạn sẽ có cái để đền đáp lại.

- Văn hoá kinh doanh của người Nhật Bản nhấn mạnh vào hành động của việc tặng quà chứ không phải bản thân món quà.

- Những món quà đắt tiền là điều bình thường.

- Thời điểm tốt nhất để tặng quà đó là cuối buổi gặp gỡ.

- Món quà cho một cá nhân nên được trao tặng một cách riêng tư.

- Nếu bạn trao quà cho một nhóm người, thời điểm tốt nhất là khi có mặt tất cả mọi người.

- Nghi thức chính xác nhất đó là trao tặng hay đón nhận một món quà bằng cả hai tay.

- Trước khi chấp nhận một món quà, bạn nên lịch sự từ chối một hoặc hai lần.

- Con số bốn hay số chín thường được xem là không may mắn. Việc tặng món quà đi theo cặp là hoàn toàn có thể.

Tục lệ tặng quà tại Ả Rập Xê Út

- Việc tặng quà chỉ nên được thực hiện với những người thân thiết nhất và mang ý nghĩa tình cảm sâu sắc.

- Món quà nên có chất lượng tốt nhất.

- Đừng bao giờ mua vàng hay lụa như một món quà cho đàn ông.

- Bạc có thể được chấp nhận.

- Luôn trao hay nhận quà với tay phải.

- Người Ả Rập Xê Út rất thích các loại nước hoa, dầu thơm cho quần áo. Phổ biến nhất là sản phẩm ‘oud’ có thể có giá đến 1000 bảng Anh/ounce.

- Việc mở gói quà khi nhận quà là không thích hợp.

Trung Quốc, Nhật Bản và Ả Rập Xê Út chỉ là một vài trong số rất nhiều văn hoá tặng quà kinh doanh khác nhau. Thích hợp nhất, bạn nên tìm hiểu chắc chắn về các nghi thức tặng quà cụ thể tại bất cứ quốc gia nào bạn có kế hoạch kinh doanh. Có như vậy, bạn sẽ giảm thiểu các hành vi gây hiểu nhầm hay mất lòng, đồng thời mở rộng cánh cửa dẫn tới thành công.

dịch từ Business Know-how
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HOÁ KINH DOANH Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 15/11/07 20:25

Kinh doanh và thuật phong thủy


Bạn muốn kinh doanh của mình phát đạt hơn? Bạn cũng muốn một môi trường làm việc hài hoà giúp khích lệ và trợ giúp cả bạn lẫn những người bạn làm việc cùng? Thế còn việc sở hữu những kỹ năng suy nghĩ sáng tạo và hiệu suất hơn?

Nếu câu trả lời của bạn là “Có” đối với một trong các câu hỏi trên, bạn có thể nên quan tâm tới việc sử dụng Thuật phong thuỷ, một nghệ thuật sắp đặt của người Trung Hoa cổ. Rất nhiều công ty Trung Quốc ngày nay đã áp dụng thuật phong thuỷ và tận hưởng nhiều lợi ích từ đây. Rõ ràng nhất đó là tạo ra được một môi trường làm việc yên bình, thành công và sinh lời.

Thật tuyệt vời khi bước vào cuộc hành trình tới thế giới diệu kỳ của “gió và nước”. Chúng ta sẽ có thể biết cách sử dụng dòng chảy năng lượng gọi là “chi” để cải thiện bản thân và hoạt động kinh doanh.

Phong thuỷ là một triết lý đã chứng minh ích lợi trong hơn ba nghìn năm qua. Hãy sắp xếp lại bàn làm việc và tâm trí của bạn. Hãy để chân lý mênh mông của Thuật phong thuỷ mang lại sự cân bằng tốt đẹp cho cuộc sống công việc.

Thuật phong thuỷ

Phong thuỷ là nghệ thuật sắp đặt vật thể của người Trung Hoa cổ nhằm đem lại những ảnh hưởng có lợi hay bất lợi. Sự sắp đặt này được dựa trên dòng chảy năng lượng “chi” theo cấu trúc âm và dương.

Về ngữ nghĩa, theo tiếng Trung Quốc, “phong” và “thuỷ” là “gió” và “nước”. Nhờ “gió” và “nước” mà các dòng năng lượng chảy qua tự nhiên và vạn vật. Dòng chảy năng lượng này không nên gặp trở ngại và cần có sự cân bằng để loại bỏ mọi sự bất thường.

Âm và Dương là biểu tượng và niềm tin vào tự nhiên, vào sự hiện hữu của một thế giới vạn vật hài hoà. Không có gì hoàn toàn là dương hay âm; trong một vật thể luôn có ít nhất một phần nào đó của âm hay dương. Âm là mặt đen, biểu lộ sự yếu đuối, bị động, đen tối, lạnh lẽo, mùa đông và phụ nữ. Còn dương là mặt sáng, biểu lộ sự mạnh mẽ, chủ động, sáng sủa, ấm áp, mùa hè và nam giới. Thuật phong thuỷ được dựa trên học thuyết âm dương này.

Bát quái

Đây là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong thuật phong thuỷ để tạo ra những thay đổi tích cực. Bát quái là một biểu đồ tám cạnh thể hiện 8 điểm của la bàn.

Mỗi hướng của la bàn tập trung vào một khía cạnh khác biệt của cuộc sống, chẳng hạn hướng Đông Nam ảnh hưởng tới sức khoẻ và giàu có. Sử dụng kiến thức này có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu trong tất cả các khía cạnh cuộc sống.

Áp dụng trong kinh doanh

Thuật phong thủy đã và đang được áp dụng rộng rãi hơn trong thế giới kinh doanh. Cách đây không lâu, khách sạn MGM nổi tiếng tại Las Vegas, Mỹ theo thuật phong thuỷ đã cho xây dựng hai con sư tử bằng đá khổng lồ để tránh kinh doanh thua lỗ. Các công ty đang ngày một quan tâm nhiều hơn tới thuật phong thuỷ và những ứng dụng của nó trong kinh doanh.

Bố trí, sắp đặt lại bàn làm việc và không gian làm việc

Theo thuật phong thuỷ, hiệu quả công việc và sự giàu có trong kinh doanh có thể được nâng cao bằng việc sắp xếp lại và thiết lập trật tự trên bàn làm việc của bạn. Những dòng năng lượng mạnh mẽ không thể tuôn chảy đều nếu có sự bừa bộn trên bàn làm việc cản trở hướng đi và làm tắc nghẽn chúng.

Hãy loại bỏ mọi thứ khỏi bàn làm việc của bạn và dọn sạch mọi sự bừa bộn xung quanh đó. Bạn chỉ đặt trở lại những vật dụng nào được sử dụng hàng ngày và giấy tờ trên bàn làm việc phải gọn gàng và được giới hạn trong những công việc cần thiết. Những vật dụng và giấy tờ khác nên được đặt ở đâu đó, trong ngăn bàn, ngăn kéo tủ, giá tài liệu,....

Giờ đây bàn làm việc của bạn đã gọn gàng, hãy đặt thêm vào đó vật gì đấy đáng yêu, tích cực và giúp thăng tiến sự nghiệp. Bạn nên sử dụng bát quái để hướng dẫn cách bày trí, chẳng hạn để gia tăng sự giàu có cho kinh doanh, hãy đặt tượng giả cổ màu đỏ hay màu tía vào góc đông nam của bàn.

Phía tây của bàn tượng trưng cho sức khoẻ, sự phát triển cá nhân và gia đình. Tại đó nên được đặt đồ gỗ có màu xanh lá cây. Một chiếc cây nhỏ cũng khá thích hợp cho khu vực này hay một bức hình gia đình trong khung bằng gỗ.

Định vị bàn làm việc của bạn trong phòng hay trong văn phòng

Trong thuật phong thuỷ, ví trí bàn làm việc có ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc, thành công và sự thịnh vượng của bạn trong cuộc sống kinh doanh. Vị trí tốt nhất của bàn làm việc nên ở nơi có thể nhìn ra toàn bộ gian phòng và sau lưng là tường.
Bạn cũng nên có tầm nhìn ra cả cửa số và cửa ra vào, nhưng đừng bao giờ hướng thẳng tới cửa ra vào. Đường ra vào cửa hay cửa sổ không nên hướng trực tiếp tới lưng bạn bởi nếu thế sẽ đem lại nhiều điều xấu.

Hoa và cây cảnh

Hoa và cây cảnh sẽ mang lại nhiều nhân tố tích cực cho môi trường làm việc. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, nó còn cải thiện chất lượng không khí, hoà đồng chúng ta với thế giới tự nhiên bên ngoài và màu sắc xanh tươi sẽ khích lệ những phát triển kinh doanh và cá nhân.

Song bạn cần tránh cây xương rồng hay các loài cây có lá sắc cạnh bởi điều đó có thể dẫn tới các điều xấu. Để đem lại những điều tốt đẹp, hoa và cây cảnh cần tươi và sum suê. Nếu cây cảnh chết, hãy bỏ nó ngay và thay thế bằng một cây khác. Cũng rất tốt nếu dùng cây cảnh bằng nhựa hay bằng lụa nhưng bạn cần giữ chúng không bị bám bụi.

Nước

Nước là biểu tượng mạnh mẽ nhất trong thuật phong thuỷ. Dòng chảy năng lượng của nó rất có lợi cho sức khoẻ và sự thịnh vượng của bạn nhưng cần quan tâm kỹ lượng để giữ cho nước luôn mới và sạch.

Các đài phun nước hay tháp nước là rất tuyệt vời nhưng cần chắc chắn rằng dòng chảy của nước không bị cản trở, tù đọng hay quá nhanh. Những tháp nước nhỏ được thiết kế đặt trên bàn cũng là một lựa chọn tốt nếu không gian bị giới hạn.

Một lựa chọn khác đó là bể cá cảnh hay bể thuỷ sinh. Bạn nên nuôi cá vàng bởi vì vàng là một biểu tượng của người Trung Quốc cho tiền bạc và có qua đó có tác dụng thu hút tiền bạc.

Một cách tuyệt vời nữa để đưa nước vào kinh doanh đó là sử dụng bất cứ vật dụng nào minh hoạ cho nước.

Văn phòng tại nhà

Thuật phong thuỷ cũng coi trọng sự thiết yếu phải giữ cho cuộc sống cá nhân và công việc tách biệt nhau khi bạn có văn phòng làm việc tại nhà. Một lối vào riêng biệt từ bên ngoài cho văn phòng tại nhà của bạn là một lựa chọn. Nếu không thể, bạn nên bố trí căn phòng ở gần cửa trước hay cửa sau của căn nhà. Khi phòng làm việc tại nhà là một phần của căn phòng lớn hơn, hãy chắc chắn bạn ngăn tách nó bằng một vách ngăn hay những cây cảnh lớn. Một khu vực được trải thảm cũng thích hợp để làm nột bật nơi làm việc.

Trần nhà trong nơi làm việc của bạn như thế nào? Một trần nhà phẳng sẽ đảm bảo các dòng chảy năng lượng tốt nhất; còn bằng không bạn nên treo chiếc chuông gió để loại bỏ những điều xấu.

Bạn còn có thể đẩy mạnh dòng chảy năng lượng cá nhân và những điềm tốt trong tương lai bằng việc ăn mặc hợp lý và chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh và hình thức của bạn. Đừng làm việc tại nhà khi còn đang mặc bộ đồ ngủ pyjamas.

Chắc phải mất hàng năm để hiểu đầy đủ và sâu rộng về thuật Phong thuỷ. Bạn nên tới các cửa hàng sách hay thư viện để tìm hiểu thêm về bí quyết thành công từ hàng nghìn năm trước đây này. Cho dù bạn là một nhân viên hay nhà quản lý, có rất nhiều yếu tố tuyệt vời bạn có thể ứng dụng từ Phong thuỷ vào môi trường làm việc, công việc và sự nghiệp của mình một cách có lợi nhất.
dịch từ Business Know-how
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VỀ VĂN HOÁ KINH DOANH Ở VIỆT NAM (1)

Gửi bàigửi bởi phuong-nguyen » Thứ 4 05/03/08 3:15

Không ít người trong chúng ta luôn tự hào về chợ Bến Thành như là một biểu tượng của Thành phố, biểu tượng của Sài Gòn với kiến trúc đẹp và vị trí thuận lợi. Trong chợ luôn diễn ra hoạt động buôn bán tấp nập, kẻ đến người đi. Đây còn là một trong những nơi không thể bỏ qua cho du khách khi đến thành phố để mua sắm,tham quan. Tuy nhiên với tôi, mặc dù rất yêu thích hình ảnh chợ từ ngoài nhìn vào nhưng đến với chợ như một cực hình bất đắc dĩ khi tôi dẫn những người bạn nước ngoài đi tham quan thành phố, vì trong tôi là một sự sợ hãi bao trùm khi chúng tôi đi lượn lờ nhìn ngắm hàng hóa. Tôi cũng nghĩ có người cũng có cảm giác đó khi bạn đã trải nghiệm.
Không phải tự nhiên hôm nay tôi lại viết về Bến Thành nhưng vì sự sợ hãi của tôi đã nhường cho nỗi buồn, buồn cho một thành phố kinh doanh năng động nhưng lại vận tồn đọng kiểu kinh doanh hãi hùng, thô lỗ do đó tôi phải viết lên những suy nghĩ của mình.
Không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể có được một môi trường kinh doanh mang lại sự hài lòng cho cả người bán lẫn người mua, một môi trường để du khách có thể sẵn sàng nghĩ đến khi họ có kỳ nghỉ của mình, nơi họ được đối xử với những ứng xử của văn hóa kinh doanh?
Chiều nay, bất đắc dĩ tôi trở thành người hướng dẫn cho một thanh niên Nhật Bản lần đầu tiên đến Việt Nam. Một người bạn của tôi nhờ tôi tìm chỗ trọ rẻ và công ty du lịch để cậu ấy chọn điểm đến mới cho mình trong chuyến hành trình 40 tiếng từ Lào đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi dẫn người bạn trẻ đi một vòng những nơi tham quan quan trọng ở thành phố như Bảo tàng chứng tích chiến tranh, bưu điện trung tâm, nhà thờ Đức Bà và tôi nghĩ đến chợ Bến Thành vì cậu ấy muốn mua sắm một chút đồ. Chúng tôi đi vòng vòng nhìn ngắm hàng hóa được trưng bày đẹp mắt, chợ cũng khang trang hơn sau Tết, nền chợ được trang trí rất đẹp. Nhưng đi đến đâu chúng tôi cũng bị chèo kéo mời gọi dù chỉ vừa liếc mắt nhìn hàng hóa, hơn thế nữa là bị nắm kéo lại ở một vài nơi. Tôi liếc qua cũng thấy vài vị khách Âu vừa bước vào lòng chợ đã bị réo gọi Madame, Sir.
Chúng tôi ngắm được một chiếc áo thể thao ưng ý, người bán hàng "hét" 250 ngàn đồng. "Trời ơi, đắt quá" người thanh niên thốt lên. Cậu so sánh với một chiếc áo như vậy ở Thái lan cũng không đến phân nữa giá đó. Thế là chúng tôi đi, nhưng người bán hàng đã níu áo cậu lại và nói 150 ngàn, OK??
Ai mà dám đứng lại nữa vì chỉ trong vòng vài phút giá hàng đã xuống gần phân nữa rồi. Chúng tôi hãi quá cúi đầu đi để lại sau lưng cái dè bĩu.
Tiếp tục cuộc hành trình tìm nơi có chiếc áo thứ hai, nhưng cũng khó lắm vì vừa ngó lên dáo dác tìm là đã bị mời gọi miễn cưỡng. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được gian hàng có chiếc áo giống nhưng giá cũng thật thống nhất 250 ngàn. Tôi đành giả bộ nói chỗ khác họ nói 100 ngàn mà chưa đồng ý. Người bán hàng nói coi chừng hàng không giống nên tôi khẳng định y chang. Thế là người hàng nói "Muốn bao nhiêu?? OK, 100 ngàn giống tiệm trước."
Trước khi liều mình quay lại tìm áo, chúng tôi đã thống nhất để cho cậu trả giá vì tôi biết nếu tôi ra dấu mua hay không mua, chúng tôi chắc không còn mạng trở về. Vì vậy cậu bạn trốn sau lưng tôi nhưng nói 80 nghìn đồng. Người bán hàng cố nói chắc giá 100, nên chúng tôi cũng cố nói 80 và cô ấy nói lại đây bán cho 80 nghìn. Chúng tôi tưởng thật nên tiến đến nhưng cô ấy cầm một bên tay áo và ra dấu nói để cắt cái ống tay ra bán 80 ngàn. Chúng tôi thật shock cho văn hóa bán hàng này nên chúng tôi đi và cô ấy nói 90 ngàn. Lại đi thêm một vòng nhưng cuối cùng chúng tôi quay lại và mua được chiếc áo giá 90 ngàn và người bạn rất vui mừng vì đã có thời gian "thú vị" ở chợ.

thế đấy, văn hóa kinh doanh ở chợ Bến Thành, vài điều cần học hỏi.
"Học để làm người"
Hình đại diện của thành viên
phuong-nguyen
 
Bài viết: 17
Ngày tham gia: Thứ 7 12/01/08 18:55
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Can i install 2 anti virus and run them at different time.?

Gửi bàigửi bởi Radoscp » Thứ 5 18/02/10 6:57

I bought panda antivirus pro 2010. I have the activation code but I don't have the cd. What do I download and how do I activate it? forex robot
RANDOM_AVATAR
Radoscp
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 4 17/02/10 2:58
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VỀ VĂN HOÁ KINH DOANH Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 5 18/02/10 21:57

Không riêng gì ở VN bạn ơi, các nước châu Á đều có "truyền thống" như vậy. Bạn qua Trung Quốc mà xem, người bán hàng còn hét giá một món hàng thậm chí hơn vậy nữa. Khách hàng mà chúng tôi thường xuyên làm việc là những đoàn Mã Lai, Indonesia bảo với chúng tôi rằng ở nước họ giá những món hàng như vậy còn đắt hơn nữa. Tuy nhiên, họ hét ra giá như vậy thì cũng kinh khủng thiệt, nhưng nếu bạn bình tĩnh quan sát những quý bà ngoại quốc shopping chuyên nghiệp mà xem, họ còn trả giá một món hàng đến giá rẻ khiến tôi cũng không ngờ được. Nhiều khách hàng Mã Lai, Indo nói với chúng tôi rằng "ra chợ Bến Thành là vui nhất vì được trả giá thoải mái". Chợ Bến Thành có những khu vực bán hàng giá niêm yết đấy chứ. Nhiều món hàng chúng tôi thấy còn rẻ hơn ở siêu thị Coop Mart nhiều. Tất nhiên là cũng có những người lâu lâu mới đi du lịch chẳng biết món hàng đó giá trị ra sao nên trả giá hớ.

Bài viết sau đây của một người bạn học mà chúng tôi cho là thú vị văn hóa nói thách trong kinh doanh. Mạn phép không xin phép trước bạn Nguyễn Tuấn Anh.Mời các bạn xem qua.

[center]NÓI THÁCH DƯỚI GÓC NHÌN
VĂN HÓA KINH DOANH

Nguyễn Tuấn Anh[/center]


[justify]MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Có một thời người ta truyền kinh nghiệm cho nhau rằng khi đi mua sắm ở chợ Bến Thành, chúng ta cứ trả giá phân nửa so với người bán "hét" là vừa. Còn đi du lịch Trung Quốc, những người đi trước truyền kinh nghiệm cho nhau rằng người bán nói mười, người mua trả hai hoặc ba là vừa! Và đáng chú ý hơn, đó là cú "trả giá” gần đây của Bộ Tài chính dành cho ngành thể thao: phía thể thao đề xuất kinh phí cho việc chuẩn bị SEA Games 2007 là 42 tỉ đồng. Và sau khi cân đo đong đếm, Bộ Tài chính quyết định cấp 3 tỉ đồng!
Có thể nói, việc thuận mua vừa bán là điều mà mọi người cả người mua lẫn người bán vẫn hằng mong đợi. Song để có được cái giá cuối cùng xứng với giá trị món hàng thì trước đó, một cuộc ngã giá đã diễn ra. Sẽ chẳng có sự kì kèo thêm bớt nếu không có sự nói thách. Nói thách có từ lâu đời và trở thành một nghệ thuật làm ăn trong giới kinh doanh. Nó đôi khi quan trọng đến mức quyết định thành công trong một cuộc mua bán, và nếu muốn kinh doanh tốt thì người ta phải biết nói thách. Vậy không nói thách sẽ không thành công? Và nói thách có những tác động gì? Đó là lí do để người viết bài thực hiện đề tài này.
2. Mục đích nghiên cứu
Bài viết tìm hiểu nói thách như một nghệ thuật làm ăn trong giới kinh doanh, muốn làm sáng tỏ những khía cạnh liên quan của nó cũng như hiệu quả của việc nói thách.
3. Đối tượng nghiên cứu
Bài viết hướng đến sự nói thách một cách khái quát dưới góc nhìn văn hóa kinh doanh, xem đó như một nhân tố có tác dụng kích thích, góp phần vào khâu tiêu thụ hàng hóa.

4. Phương pháp nghiên cứu
Dựa trên nguồn tài liệu có được cũng như tri thức khai thác từ mạng Internet, bài viết được thực hiện thông qua một số phương pháp chủ yếu:
- Phương pháp tổng hợp: có cái nhìn khái quát nhất về nói thách.
- Phương pháp phân tích: tìm hiểu những khía cạnh của nói thách.
- Phương pháp định nghĩa: nhận diện thế nào là nói thách.


NỘI DUNG

1. Khái niệm nói thách
Từ điển trên mạng Wikitionary cho một cái nhìn ban đầu về nói thách, đó là “ đặt giá cao hơn giá muốn bán, mong người mua trả hớ và do đó mình được nhiều lời hơn”.
Còn Đại từ điển Tiếng Việt lại định nghĩa khái niệm này: “nói thách là nói cao hơn giá định bán để người mua trả xuống là vừa”. [Nguyễn Như Ý (cb) 1999: 1275].
Trong khi đó, nhìn nhận một cách bình dân hơn, nhiều người đi chợ cho rằng, nói thách là kiểu mua bán ngoài chợ, người bán nói thách để tung hỏa mù người mua. Ai không biết đi chợ, không rành giá cả thì "dính".
Như vậy, nhìn chung, nói thách đều được bàn đến như một cách nói không thật, dưới góc độ kinh doanh, thì đó là một thuật ngữ dùng trong buôn bán. Một cách đơn giản, có thể nói: “Nói thách là nói khống lên giá trị thành tiền của người bán đối với sản phẩm trong quá trình trao đổi mua bán hàng hóa”. Vậy, phàm những gì được xem là sản phẩm, có giá trị sử dụng, có tính kinh doanh đều có thể trở thành đối tượng của nói thách.
Nhận diện nói thách: điều này vừa đơn giản lại vừa không. Người ta thường dựa vào kinh nghiệm làm ăn mà xác định việc có nói thách hay không trong một cuộc mua bán. Và những lĩnh vực hàng hóa mà người mua chưa từng trải qua, biết đến hoặc những thứ thuộc về mua bán giá trị tinh thần thì thường không nhận diện được nói thách, bởi có nói thách hay không chỉ người chủ hàng mới biết, thậm chí người chủ hàng đôi khi cũng không biết giá trị thực của món hàng mình làm chủ, qua đó việc ra giá cũng khó có thể định lượng được cao thấp. Vậy, điều kiện tiên quyết để nhận diện được nói thách, trước hết, đó chính là việc biết được giá trị sử dụng cũng như giá trị thành tiền gốc của món hàng. Thứ hai, người ta cần xem xét đến mức độ lợi nhuận cần đạt đến của người chủ món hàng. Ví dụ: một món hàng trị giá gốc một triệu đồng, người bán đặt lợi nhuận 50%, tức là món hàng chỉ được bán khi có người trả với giá một triệu rưỡi đồng, và lúc đó, nói thách chính là việc ra giá hơn một triệu rưỡi đồng. Song cùng món hàng ấy, người chủ khác chấp nhận với lợi nhuận 20%, đồng nghĩa món hàng sẽ được bán với giá một triệu hai trăm ngàn đồng, và như thế chỉ cần ra giá hơn một triệu hai trăm ngàn đồng cũng có nghĩa là nói thách. Vậy, nói thách chỉ có giá trị tương đối trên một mặt bằng chung. Trên thực tế, do cùng trên một thương trường hàng hóa nên việc nói thách thường có biên độ gần nhau, và tùy theo các nhân tố người bán, người mua, vật để mua bán mà việc nói thách được xác lập.
2. Nói thách - Những khía cạnh liên quan
2.1 Nói thách và kinh doanh
Thật là ví von nếu so sánh kinh doanh không nói thách như đi học không học bài. Kinh doanh luôn gắn liền với nói thách, bởi nói thách chính là sản phẩm thừa của sản xuất kinh doanh. Không biết từ bao giờ, một điều in đậm trong tâm trí con người đó là kinh doanh thì phải nói thách, không nói thách không phải kinh doanh. Từ lẽ đó, đến ngày nay, người bán vẫn quen nói thách và người mua vẫn quen trả giá. Nhiều người trong nghề khăng khăng một điều rằng mua mà không trả là mua “hớ” ngay. Bởi vẫn có thực tế: Có khi trả chỉ bằng một nửa giá người ta thách mà vẫn mua được hàng thì tại sao lại không trả? Thế nên, ngược lại không nói thách thì lấy gì để trả giá.
Người Trung Hoa rất giỏi kinh doanh, và lẽ dĩ nhiên họ cũng giỏi nói thách. Không ít người đồng tình quan niệm buôn bán của người Trung Hoa là “không cho chúng nó thoát”. Họ giữ khách bằng mọi giá. Và giá nào họ cũng có thể bán được vì với họ không có giá nào là không thu được lợi nhuận. Chuyện kể một người du lịch mua hàng tại Trung Hoa, món hàng được đề xuất giá 1000, người khách trả 100 và còn nói thêm: “tôi ở Việt Nam qua, anh nên bán hữu nghị”. Họ gật: “Ô, Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, bán cho anh vui!” Đúng lúc ấy, sau lưng người khách là một người khác trả giá cùng món hàng ấy và họ đã bán với cái giá 70! Và thế là, núi liền núi, sông liền sông, họ bán cho… họ vui!
Không ít người khen nghệ thuật bán hàng của người Trung Hoa rằng họ là những người lành tính, người mua trả bao nhiêu cũng được, không chửi, không đốt phong long. Thế nhưng không lành tính sao được khi người mua hàng có trả bao nhiêu thì cũng dính!
Nói thách trong kinh doanh cũng có nhiều đường hướng. Ở các nơi kinh doanh lớn, cố định, bán hàng lâu năm, gây được uy tín và có một số lượng khách hàng cơ bản... thường người ta ít nói thách, nếu có cũng không nhiều và thường thi khách mua cứ xem giá trả tiền. Nói thách rộ lên ở những nơi kinh doanh không cố định, theo mùa và theo thời. Và nói thách cũng tùy vào từng đối tượng, người mua hàng quen, nhiều kinh nghiệm sẽ ít bị “chém” hơn và nếu bị thì vết “chém” cũng không sâu bằng những con người mới mẻ. Với cái vẻ lơ ngơ, thật thà, chất phác, người bán hàng sẽ dễ dàng ra giá và thỏa sức nói thách mà không một chút nghi ngại, còn người không hề chuyện “chặt chém” này.
Vì thế, nói thách được dung dưỡng bởi rất nhiều những người mua thiếu hiểu biết và thiếu tinh thần cầu thị. Nhưng, nếu chuyện kinh doanh buôn bán mà không nói thách thì sẽ chẳng còn tồn tại lời nói nơi cửa miệng con người: “ồn ào như cái chợ” và những người kinh doanh buôn bán, đi chợ sẽ được tiếng “ít chuyện” hơn.
2.2 Nói thách với nghệ thuật ngôn từ
Ở đâu có mua bán trao đổi hàng hóa, ở đó có nói thách, đó là điều mà con người ngày trước không ai phủ nhận. Vì phổ biến, tồn tại lâu dài, nói thách trở thành một nghệ thuật, nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Nó đòi hỏi người kinh doanh mua bán phải có tri thức, tối thiểu là tri thức về lĩnh vực và mặt hàng họ kinh doanh. Nếu không có tri thức, người kinh doanh hàng hóa sẽ khó lòng tung hỏa mù trước khách hàng để có thể dẫn dụ họ đến với món hàng có giá cao ngất mà vẫn tưởng như còn rẻ. Từ nói thách, việc trả giá đã ra đời. Sự kì kèo bớt một thêm hai với những người khéo nói quả là một nghệ thuật, và nói thách có nghệ thuật sẽ có được phần thưởng tức thì: món hàng bán được giá hời. Cũng bởi nói thách cần nghệ thuật nên người buôn bán lâu năm thường có thâm niên ăn nói tốt hơn và thường thì họ bán được nhiều hơn. Nhưng tuổi tác không là nhân tố quyết định trong mua bán cũng như việc nói thách, mà vấn đề nằm ở chỗ cái duyên mua bán. Loại trừ yếu tố “cái vía” làm ăn ( nhẹ vía thì dễ bán hơn là nặng vía) mà dân gian vẫn lưu truyền thì cái duyên mua bán có lẽ chính là nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nói cách khác đó là nghệ thuật nói thách. Bởi có duyên, bán một lời hai, không duyên bán hai lời một cũng chẳng ai ngó ngàng. Có lẽ cũng vì thế, người kinh doanh thường phải là những người biết ăn nói, nói được tốt và nói được nhiều. Một góc nhìn nhỏ về các chợ truyền thống Việt Nam, không ai có thể phủ nhận về khả năng ăn nói của những người ngồi chợ, và những người không biết ăn nói sẽ chịu ít nhiều thiệt thòi.
Vậy nên người kinh doanh cũng cần trang bị cho mình nghệ thuật nói thách, bởi không có nghệ thuật sẽ bị “bắt bài”, ngôn ngữ kinh doanh, chợ búa trở nên phong phú có lẽ là vì thế.
2.3 Nói thách với đời sống
Điều có lẽ sẽ làm không ít người thời nay cảm thấy thú vị khi nói đến tục cưới hỏi của người xưa, đó là tục thách cưới. Sẽ không hoàn toàn thuyết phục nếu cho rằng đó là sự vận dụng của việc nói thách trong kinh doanh vào việc cưới, nhưng ít nhiều ở đây người ta có thể cảm nhận được đám cưới cũng có thể nói thách. Và với một đám cưới, trong một chừng mực nhất định, cô dâu sẽ trở thành kẻ được rao bán, để rồi thách cưới cũng là một cách nói thách. Chuyện trăm năm của một đời người nỡ lòng nào cha mẹ lại đem ra để kì kèo bớt một thêm hai? Trong các đám cưới xưa, nhà gái thường đòi cau,.rượu, trâu bò hay lợn gà, vòng nhẫn, quần áo, gạo nếp, hương nến.... Có nhà đòi thách rất nặng, và cũng có không ít nhà trai không thể đáp ứng. Không tìm ra cách giải quyết, họ tìm đến và nhờ người mai mối lựa lời để nói với nhà gái xin bớt đi đôi chút. Đây chính là chuyện trả giá cho sự nói thách. Nếu nhà gái đồng ý thì đám cưới sẽ được tiến hành (hàng hóa có thể trao đổi mua bán), còn nếu nhà gái nhất quyết không xuống giá thì đám cưới có thể bị hoãn lại ngay (đến bao giờ nhà trai lo đủ mới được), hoặc có khi sẽ không có đám cưới, điều này cũng như việc trả giá không thành thì hàng hóa không thể giao dịch.
Ngày nay, chuyện thách cưới đã giảm đi nhiều, cả về số lượng lẫn tính chất (quan niệm xưa, con gái đi ấy chồng là con nhà người ta rồi, bố mẹ đẻ không có quyền hành gì nữa nên phải nói thách sao cho “đáng đồng tiền bát gạo”). Thách cưới chỉ còn là một nghi thức mang tính thủ tục. Như thế, tính chất của việc nói thách không còn xác thực như ngày trước và cũng không nặng chất mua bán trao đổi như trước, bởi con gái đi lấy chồng không trở thành con người ta mà là con của hai nhà.
Một góc độ nói thách khác trong đời sống hiện đại cũng đáng quan tâm, đó là hiện tượng khi cơ quan cấp dưới đề xuất xin cấp trên kinh phí để triển khai một dự án, một kế hoạch hay tổ chức một hội nghị, hội thảo, chương trình thường kê số kinh phí dự trù lên cao để chờ cấp trên duyệt xuống là vừa. Chuyện này giờ đây đã trở thành phổ biến và thành nếp ở hầu hết các cơ quan nhà nước. Nó lặp đi lặp lại, tạo cho người ta thói quen, người ở dưới thì cứ kê lên cao để người ở trên duyệt xuống là vừa, mà cho dù không kê lên thì người ở trên cũng cắt bớt vì nghĩ (hiển nhiên) đã kê rồi, vậy thì người ở dưới có kê lên cũng là sự thường. Cái tiền lệ bất thành văn này đã tạo tâm lý “ưa nói thách” ở cấp đề nghị, cũng như tạo tâm lý “ưa cắt bớt” của cấp được đề nghị. Thế nên, rất ít ai kê đúng mục đích số kinh phí đề nghị với cấp có thẩm quyền, cũng như không mấy khi cấp trên đồng ý ngay với đề xuất về kinh phí của cấp dưới, và chuyện duyệt chi thêm là rất hiếm gặp. Điển hình là câu chuyện vui nhưng có yếu tố thật trong việc tổ chức một hội nghị của đơn vị nọ, kinh phí xin cấp trên khá lớn và chỉ được duyệt một nửa, ấy vậy mà vẫn tổ chức “thành công tốt đẹp”. Thế mới biết nói thách không là chuyện của những người kinh doanh, cuộc sống vẫn còn tiềm ẩn nhiều chuyện nói thách đến thú vị.
2.4 Nói thách với đạo đức
Dân gian có câu: “Thật thà cũng thể lái trâu
Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”.
Xét trong một quan hệ nhất định, người làm kinh doanh là những người biết nói dối, và đó là nói dối có nghệ thuật. Nói thách về bản chất chính là nói dối có nghệ thuật. Và nói dối thường bao giờ cũng không tốt, và được xem là không có đạo đức, vậy nói thách chính là không có đạo đức?
Theo tác giả Lê Ngọc Trà thì “kinh doanh và đạo đức không phải là cặp phạm trù đối lập và mối quan hệ giữa kinh doanh và đạo đức cũng không đặt ra quá gay gắt như đã từng đặt ra trong xã hội đức trị. Kinh doanh là một hoạt động thực tiễn của con người, còn đạo đức là một lĩnh vực của hoạt động tinh thần”.[ Nhiều tác giả 2007: 205]
Một cách hiểu nôm na, thương trường là chiến trường, và đạo đức sẽ không có chỗ đứng trong cuộc chiến này bởi nó thuộc một hệ tọa độ khác. Nói như vậy cũng có nghĩa, nói thách không phải là không có đạo đức. Không hẳn vậy, bởi nói thách không nói đến đạo đức trong kinh doanh nhưng sẽ phần nào cho thấy được đạo đức của người kinh doanh. Và đây là một yếu tố thiết yếu cho sự thành công lâu dài trong kinh doanh, đó chính là một nét của văn hóa kinh doanh. Thế nên, nói thách có một liên hệ ngầm với đạo đức thông qua chủ thể kinh doanh. Doanh nhân có đạo đức không có nghĩa sẽ không nói thách trong kinh doanh, ngược lại doanh nhân không có đạo đức vẫn có thể không nói thách bởi họ thu lợi nhuận từ những mảng tối khác. Văn hóa kinh doanh yêu cầu đạo đức kinh doanh, và nói thách dường như ở trong mối liên hệ ngầm với đạo đức, và nó phụ thuộc vào đạo đức của người kinh doanh.
3.Văn hóa kinh doanh đối đầu với nói thách
Tháng 9/2007, Bộ Công thương đã ra Chỉ thị 002/CT- BCT yêu cầu Ban quản lý (BQL) các chợ hướng dẫn tiểu thương niêm yết giá rõ ràng, bán đúng giá trong chợ, đặc biệt là tại các chợ đầu mối. Tuy nhiên đến nay, tình hình thực hiện niêm yết và bán đúng giá vẫn còn khá xa lạ với cả tiểu thương và người tiêu dùng. Bởi người ta đã quen với nói thách, quen với việc đi mua hàng là phải trả giá. Đó là một nét văn hóa của đời sống kinh tế cộng đồng. Thế nên, không ít người, dù biết hàng có niêm yết giá nhưng vẫn trả giá. Và cũng rất lạ là người bán cũng sẵn sàng bán với cái giá thỏa thuận giữa 2 bên, còn cái bảng niêm yết trở thành vật trang trí hơn là sự định giá.
Xét một khía cạnh khác, việc kinh doanh buôn bán mang nặng tính cạnh tranh, nếu thống nhất một giá, sự cào bằng như vậy lại đôi khi lại là một sự không công bằng trong kinh doanh. Hơn nữa, giá cả thay đổi bất thường, việc niêm yết giá sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Song, một điều không thể phủ nhận đó là nét tích cực, có phần có lợi cho người mua qua việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Không chỉ thể hiện văn minh thương mại mà trong quan hệ mua - bán, điều này còn mang lại lòng tin cho khách hàng. Điều tốt được theo, không ít chợ có nhiều sạp hàng không dùng chiêu nói thách nhưng vẫn bán được hàng và tạo được uy tín trong khách hàng. Mà với thị trường trăm người bán vạn người mua, việc giữ được lòng tin với khách hàng là rất quan trọng. Có thể thấy sự cần thiết này ngay từ chuyện mua bán nhỏ nhặt như mớ rau, con cá, hầu hết các bà nội trợ đều tìm cho mình những người bán hàng quen biết, tin tưởng. Cũng như với những người không thường xuyên đi chợ, mà các tiểu thương vẫn gọi là khách vãng lai, họ có thể bị mua hớ hoặc mua phải hàng dởm một lần, nhưng chắc chắn lần sau họ sẽ không quay lại cửa hàng đó nữa. Điều này lý giải vì sao có những cửa hàng, dù nằm trong góc khuất vẫn đông người đến mua, trong khi không ít gian hàng hoành tráng nằm ở vị trí đắc địa vẫn vắng tanh. Và như thế, nói thách sẽ đối đầu với văn hóa kinh doanh trong xã hội hiện đại.
Nhìn về quá khứ, khi nền kinh tế chưa phát triển, việc buôn bán còn nhỏ, khi bán hoặc mua người ta phải thăm dò, khảo giá, mặc cả. Trong cuốn Đaghestan [NXB Tác phẩm mới, 1977], nhà văn R. Gamzatov kể rằng: “...ở các chợ phương Đông, lần nói giá đầu tiên không có nghĩa lí gì. Người bán có thể đòi 100 rúp cho thứ hàng chỉ đáng giá 5 cô-pếch”. Khi nền kinh tế đã phát triển, thị trường đã mở rộng ra cả nước và nước ngoài, giá cả do quy luật chi phối, hàng bán phải ghi rõ giá, không những tạo sự thuận tiện cho người mua, mà còn cần thiết cho việc kiểm tra, kiểm soát.
Tuy nhiên, thực hiện văn hóa kinh doanh là một việc gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nói thách là một thói quen, tồn tại không chỉ ở Việt Nam, các nước đang phát triển mà ngay cả các nước phát triển, người ta cũng biết nói thách. Để không còn nói thách trong kinh doanh, đó là một quá trình lâu dài. Theo kết quả cuộc điều tra về chân dung người tiêu dùng hiện đại do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức năm 2006 đã cho thấy, ngày càng có nhiều khách hàng thành thị chọn siêu thị làm địa điểm mua sắm chính cho gia đình vì các lý do: tiện lợi, sạch sẽ và không phải trả giá. Như vậy, lọai hình kinh doanh mới sẽ hạn chế đất sống của nạn nói thách. Nhưng không thể biến đổi tất cả các chợ truyền thống thành siêu thị. Bởi chúng mang những thang giá trị khác nhau, không thể thay thế. Chẳng hạn như chợ Viềng (Nam Định), chợ đã trở thành một nét văn hoá độc đáo của vùng quê này. Trước đây 2 thế kỷ, chợ còn có tên là chợ chơi du xuân (du xuân thị). Chợ mỗi năm chỉ họp một phiên kéo dài từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 Tết. Ai cũng cố đi chợ Viềng một lần để mong có lộc cho cả năm buôn may bán đắt, để chơi, để kiếm món đồ có giá hời, thậm chí chỉ để lấy tiếng là đã đi chợ Viềng. Bởi điều đặc biệt ở đây là cả người bán lẫn người mua đều không đặt mục đích lợi ích kinh tế lên trên hết. Đây là phiên chợ mà người bán không cần bán đắt, người mua chẳng thiết tha với giá rẻ, đắt, chỉ cần " bán", " mua" lấy được cho phát tài quanh năm. Và còn nhiều loại chợ khác nữa, như chợ Tình (ở Sapa),… thế nên chợ là nét văn hóa đặc sắc của đời sống cộng đồng. Chợ tuy nhiều lọai, nhiều kiểu hình nhưng nhìn chung, còn chợ cũng có nghĩa sẽ còn nói thách. Thực hiện nếp sống văn minh, đưa văn hóa kinh doanh vào chợ không là vấn đề đơn giản và có thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm từng nhận định về tính cách con người Việt: “Nhờ tính cách hài hòa, khả năng biến báo, lối sống linh hoạt mà trong quá trình phát triển, nền văn hóa Việt Nam luôn có những bước chuyển tiếp rất mềm mại, nước đôi chứ không cứng rắn và đứt đoạn”[ Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu) 2007: 297]. Do đó, nói thách với những khía cạnh liên quan của nó đã trở thành nét văn hóa của người Việt, nếu có biến đổi để thích nghi với hoàn cảnh điều kiện mới, người Việt ắt sẽ có cách ứng xử hợp lý với nó theo thời gian, bởi tất cả đều phục vụ cho đời sống.

KẾT LUẬN
Không ai lớn lên không từng một lần chứng kiến cảnh nói thách trong đời. Người ta có thể nói thách với một phạm vi rất rộng không riêng gì trong chuyện kinh doanh, nhưng kinh doanh là cái gốc cho nói thách hình thành. Từ những mặt hàng nhỏ nhặt đến những kiện hàng lớn mang tầm quốc tế đều có thể trở thành đối tượng của nói thách. Con người ngày một tiến đến văn minh và khẳng định văn hóa. Nói thách cũng là một nét văn hóa, song giá trị này đang dần lu mờ khi con người tiến đến một nền kinh doanh mang đẳng cấp cao hơn, phạm vi rộng lớn hơn. Tính minh bạch càng được thể hiện thì nói thách càng trở nên bất cập. Nhưng, tùy theo đặc tính của mỗi nền kinh tế, đặc biệt tùy theo tính cách con người, mà nói thách, với người Việt Nam, được nhìn nhận với nhiều sắc diện khác nhau. Và nếu nói ở Việt Nam không còn nói thách thì đó là câu nói không của một ngày gần đây.[/justify]
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả 2007: Văn hóa kinh doanh -những góc nhìn, NXB Trẻ, 272tr.
2. Lê Ngọc Trà (tổng hợp và giới thiệu) 2007: Văn hóa Việt Nam - đặc trưng và cách tiếp cận, NXB Giáo dục, 339tr.
3. Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam (Nguyễn Như Ý chủ biên) 1999: Đại từ điển Tiếng Việt, NXB Văn hóa thông tin, 1892tr.

Các trang Web:
1. http://www.muabandoanhnghiep.com
2. http://www.camnanggiadinh.com.vn
3. http://vi.wiktionary.org
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VỀ VĂN HOÁ KINH DOANH Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi thienphuong » Thứ 4 10/03/10 11:53

Tôi thấy các ý kiến nêu ra ở đây là xác đáng, bây giờ chuyện nói thách là nhan nhản. Có điều, nhiều khi cái tâm lý ngại trả giá là một trở ngại. Tôi mà đi ra chợ thì chỉ biết mua chứ hầu như không biết trả giá bao giờ nên chắc suốt đời đi siêu thị !
Non ministrari , sed ministrare
Hình đại diện của thành viên
thienphuong
 
Bài viết: 200
Ngày tham gia: Thứ 3 04/11/08 17:12
Đến từ: LocHung
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Trang trước

Quay về Văn hoá kinh doanh / Văn hoá Doanh nghiệp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron