Vì sao VN chậm phát triển

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá kinh doanh, văn hoá quản trị trong kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp...

Re: NGUYEN NHAN VN CHAM PHAT TRIEN

Gửi bàigửi bởi monghoa » Thứ 3 13/11/07 22:20

TÍNH DÂN CHỦ LÀNG MẠC VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC.
Tính dân chủ, như là một hệ quả của tính cộng đồng, là một đặc điểm quan trọng trong nguyên tắc ứng xử của người Việt Nam. Không giống như những thể chế dân chủ phương Tây, tính dân chủ trong văn hóa Việt Nam có những nét độc đáo riêng với những ưu điểm cũng như nhược điểm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của người Việt.

Tính dân chủ trong văn hóa Việt Nam được hình thành từ hai yếu tố: văn hóa và lịch sử. Tính dân chủ bắt nguồn từ một hình thức tổ chức cộng đồng quan trọng nhất trong văn hóa Việt: làng. Nếu người dân Trung Hoa chỉ có quan hệ nhà nước, không qua một giới trung gian nào thì người dân Việt Nam lại tồn tại trong mối quan hệ làng – nước. Làng vừa là công cụ phục vụ cho nhà vua trong những công việc như thu thuế, tuyển mộ quân lính lại vừa có tác dụng che chở người dân chống lại bộ máy quan liêu của triều đình.
Với truyền thống văn hóa nông nghiệp âm tính, người Việt Nam có khuynh hướng sống hài hòa với tự nhiên, từ đó dẫn đến nguyên tắc trọng tình cảm và nhu cầu về một đời sống hòa thuận. Nhưng muốn sống dựa trên tình cảm, trong quan hệ xã hội, con người phải tôn trọng và cư xử bình đẳng (dân chủ) với nhau. Chính làng đã tạo ra một vị thế, diện mạo ổn định cho người dân, là môi trường nuôi dưỡng tinh thần dân chủ mà các nhà khoa học gọi là nền dân chủ làng mạc.
Lịch sử dân tộc Việt Nam được viết nên bằng những trang sử chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân ta phải luôn đoàn kết, dựa vào sức mình để chống lại chế độ cai trị hà khắc của ngoại bang. Vì vậy, những người cai trị đất nước thường cũng là người lãnh đạo các cuộc chiến tranh giữ nước hiểu rất rõ vai trò và sức mạnh to lớn của khối đoàn kết cộng đồng. Trong suốt tiến trình lịch sử, người dân Việt luôn thể hiện tính chủ động trong các hoạt động liên quan đến vận mệnh đất nước . Tính dân chủ còn thể trong mối tương quan giữa người cai trị (vua) với người dân. Người dân Việt Nam luôn ý thức rõ nước không phải là tài sản riêng của một dòng họ nào cả mà của toàn thể nhân dân. Vì đối với người Việt, “trung” là với nước chứ không phải một dòng họ nên khi xảy mâu thuẫn giữa vua với đất nước thì đất nước là yếu tố quyết định.

Bên cạnh những ưu điểm như tạo được sự ổn định và bảo vệ được người dân khỏi sự áp bức của bộ máy chính quyền, tính dân chủ làng mạc đã có những tác động tiêu cực
Thứ nhất, tính dân chủ dẫn đến tình trạng cào bằng, vai trò cá nhân bị thủ tiêu. Trong doanh nghiệp, điều này thể hiện rõ qua tình trạng lãnh đạo tập thể. Các quyết định ở phần lớn các công ty Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tham khảo ý kiến nhân viên. Đây chính là một hình thức của bệnh sợ trách nhiệm. Là quyết định chung nên khi xảy ra sự cố, không thể đổ lỗi cho ai cả. Từ thực tế không ai chịu trách nhiệm dẫn đến việc không ai thực sự quan tâm giải quyết vấn đề xảy ra.
Thứ hai tính dân chủ khiến cho ý thức phục tùng cấp trên kém phát triển. Hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” là tình trạng phổ biến trong quản trị ở Việt Nam. Người nhân viên thường chỉ phục tùng cấp trên ở một mức độ tương đối và có khi chỉ làm theo ý mình. Khi xảy ra sai phạm, người cấp trên cũng gặp khó khăn khi xử phạt nghiêm khắc cấp dưới.
Thứ ba, tính dân chủ trong truyền thống văn hóa Việt Nam cùng với đặc điểm trọng tình hơn trọng lý dẫn đến ý thức tôn trọng pháp luật không cao. Chức năng của pháp luật chính là đảm bảo sự ổn định của xã hội và bảo vệ quyền lợi của mọi người. Ở các nhà nước phương Tây, pháp luật có tính tối thượng, bắt buộc mọi người dân phải tuân theo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, “tình trạng phép vua thua lệ làng” vẫn còn hết sức phổ biến. Vì vậy, tình trạng các công ty làm ăn theo kiểu “lách luật” vẫn xảy ra thường xuyên. Các doanh nghiệp chưa ý thức được tôn trọng pháp luật chính là cách đảm bảo sự phát triển bền vững của mình.
Từ đó cho thấy, để phát triển đất nước, chúng ta cần phải khắc phục những tàn dư của tính dân chủ làng mạc. Ý thức tuân thủ kỷ luật trong doanh nghiệp và tôn trọng pháp luật trong đời sống xã hội là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để khắc phục tình trạng chậm phát triển và xây dựng đất nước vững mạnh về mọi măt.
RANDOM_AVATAR
monghoa
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 21:13
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGUYEN NHAN VN CHAM PHAT TRIEN

Gửi bàigửi bởi TJM » Thứ 4 14/11/07 0:01

[justify]Mọi sự phát triển đều cần có bệ đỡ.
Sau chiến tranh thế giới lần 2, bệ đỡ để Nhật lại biến thành phượng hoàng từ đống tro tàn của mình chính là vô số triệu đô la Mỹ rót vào. Sau khi đất nước bị chia cắt, Nam Hàn (Hàn Quốc) rơi vào cảnh nghèo khổ đến độ từng được nước Việt Nam Cộng Hoà viện trợ lương thưc. Thế nhưng đất nước ấy đã đi lên được từ số tiền Mỹ trả cho việc tham chiến tại Việt Nam cũng như tiền bồi thường chiến phí do Nhật trả. Và lòng dân của đất nước họ hoà làm một ngay chính trong những giai đoạn khốn khó ấy.
Sau các cuộc chiến tranh giữ nước liên tiếp, nước ta chẳng còn gì ngoài lòng tự hào dân tộc. Không có tiền bồi thường chiến phí, lại bị cấm vận, mất rất nhiều người trong cuộc chiến, dân tộc bị chia rẽ, Việt Nam bắt đầu lại từ con số 0. Chúng ta không có bệ đỡ kinh tế.
Và trong thời điểm đó, các nước Đông Á đã bắt đầu tăng tốc.
Khó có thể nói rằng người Việt là dân tộc thiếu tinh thần cầu tiến. Giới trẻ Việt hôm nay vẫn cố gắng làm việc ngày đêm, học tập ngày đêm. Chúng ta cũng không ngừng học hỏi kinh nghiệm kinh doanh của thế giới. Dù vẫn có những công ty Việt Nam nhỏ điều hành theo kiểu tập thể lãnh đạo nhưng những công ty Việt Nam có tầm cỡ lại làm việc rất quy cũ, đúng bài bản như công ty quảng cáo Đất Việt, công ty FPT, công ty HPT, công ty thiết kế xây dựng Nhà Vui, công ty xây dựng Hoà Bình. Ngay cả các công ty Nhà Nước (mà bây giờ đã được cổ phần hoá gần hết) cũng cố gắng không ngừng trong việc học cách hội nhập với phương thức làm việc quốc tế. Người Việt cố gắng tự xây lấy một bệ đỡ kinh tế cho mình.
Khi quốc tế có thể bước chân vào đầu tư và nhìn ngắm Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng thì chúng ta được khá nhiều sự giúp đỡ về kinh tế. Nhưng chúng ta vẫn chậm phát triển.
Các chính sách không nhất quán, mang tính "cứu thương" cùng với nạn tham nhũng làm chùng bước tất cả các ý tưởng đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Nguyên nhân của của sự thiếu nhất quán, đồng bộ và tính chiến lược cũng như nạn tham nhũng nằm ở chất nông nghiệp, làng xã của con người Việt mà lớp người càng trẻ thì càng học được cách khắc phục.
Như vậy, Việt Nam chậm phát triển là vì chúng ta thiếu một bệ đỡ kinh tế sau chiến tranh. Ngược lại, khi chúng ta tiến hành xây dựng lại nền kinh tế thì chúng ta lại gặp phải những bức tường thép từ chính trong lòng đất nước.[/justify] (TBTT)
RANDOM_AVATAR
TJM
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 22:46
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi THANHTAM » Thứ 4 14/11/07 10:06

BÀN THÊM VỀ NGUYÊN NHÂN CHẬM PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ VIỆT NAM

Phương pháp quản trị của người quản trị doanh nghiệp là một trong những yếu tố mang tính chiến lược cho sự phát triển của doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do phương pháp quản trị của người Việt Nam. Đặt văn hóa quản trị Việt Nam trong sự so sánh với văn hóa phương Tây sẽ thấy rõ điều này. Nếu người phương Tây hết sức nguyên tắc trong cách xử lý công việc thì người Việt Nam cực kỳ linh hoạt. Linh hoạt là một điều tốt song trong rất nhiều trường hợp nó đi với hệ quả xấu là sự tùy tiện, sự biến báo để kiếm lợi cho riêng mình chứ không từ sự phát triển chung. Trong cách ra quyết định, người Việt dựa dẫm vào tập thể, vào dư luận trong khi người phương Tây dựa vào sự quyết đoán người quản trị, người đứng đầu. Quyết định dựa vào nhiều người, vào tập thể bao giờ cũng chậm hơn sự quyết đoán của một cá nhân. Trong kinh doanh, cơ hội đến và đi trong chớp mắt, nếu không biết chớp thời cơ, thiếu tính quyết đoán thì sẽ là người thua, người về sau. Người Phương Tây quản lý nhân viên bằng các quy định, quy chế, hợp đồng trong lúc người Việt ràng buộc nhân viên bằng bổng lộc, tình cảm. Người quản trị, nhất là trong quản trị kinh doanh phương Tây, hình thức động viên nhân viên cấp dưới bằng vật chất, lợi nhuận cụ thể trong lúc người Việt Nam động viên bằng tinh thần trừu tượng… Với phương pháp quản trị như thế, người quản trị doanh nghiệp Việt Nam vô tình (!!!!) đã tạo ra một bộ máy làm việc đậm chất nông nghiệp: cồng kềnh, dềnh dàng, vận hành chậm … và đó cũng là một cách “góp phần” làm cho nền kinh tế Việt Nam chậm phát triển.
TT
11/2007
RANDOM_AVATAR
THANHTAM
 
Bài viết: 35
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 14:04
Đến từ: Tp.HCM- Viet Nam
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGUYEN NHAN VN CHAM PHAT TRIEN

Gửi bàigửi bởi CUHUYEN » Thứ 4 14/11/07 10:15

Từ một bài viết:
http://72.14.235.104/search?q=cache:wSH ... d=10&gl=vn
Cách đánh bóng thương hiệu của các đại gia Hàn Quốc
Điện thoại đi động Samsung, tivi màn hình phẳng LG, xe hơi Hyundai Sonatas là những cái tên rất được người tiêu dùng ngày nay ưa chuộng.
thương hiệu này cũng lọt vào Top 100 thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới năm 2005 do tạp chí BusinessWeek và hãng tư vấn thương hiệu Interbrand bình chọn. Rõ ràng, tên tuổi của các "ông lớn" Hàn Quốc đã được cả thế giới kính nể.
Đằng sau những cái tên Samsung, LG, Hyundai... là những chiến lược tầm cỡ, là kết tinh của tham vọng, ý chí và của một nền văn hoá.
Những chiến lược tầm cỡ
Sự vươn lên mãnh liệt của các thương hiệu Hàn Quốc gây chú ý cao độ kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng suýt chút nữa huỷ diệt những "đại gia" thống trị nền kinh tế Hàn Quốc (thường gọi là các chaebol), như Samsung và Hyundai.
Các hãng này đã phải thắt lưng buộc bụng để vượt qua thời khó khăn. Chẳng hạn, Samsung phải cắt giảm 34% nhân công, bán hoặc cơ cấu lại 100 nhánh kinh doanh. Và để tiếp tục vươn lên, họ đã bắt đầu hướng mạnh sang việc nâng cao thương hiệu như một cách tạo dựng lại tài sản cho hãng theo hướng nhanh chóng và đơn giản nhất.
Và thế là, ban lãnh đạo tập đoàn này thống nhất rằng cái tên Samsung phải được nhắc đến trong mọi sản phẩm của hãng, từ TV sang trọng như Plano, Tantus, Yepp cho tới những chiếc điện thoại bình dân nhất. Biết được sức lan toả của tên tuổi mà những chiếc điện thoại di động có thể mang lại, Samsung đã tập trung đánh bóng thương hiệu ở lĩnh vực này. Vậy là họ đã đầu tư nghiên cứu và cải tiến để làm sao điện thoại Samsung phải khác biệt và tạo được dấu ấn mạnh mẽ với người dùng.
Cứ như vậy, mọi khâu còn lại trong quá trình sản xuất đều phục vụ mạnh mẽ cho khâu quảng bá thương hiệu. Samsung không mất nhiều thời gian để gặt hái thành quả của định hướng đó. Từ một nhà sản xuất nhiều sản phẩm làng nhàng, Samsung đã được biết đến như một nhà cung cấp điện thoại di động thời trang, đứng ngang hàng với đại gia điện thoại di động số 1 thế giới Nokia và người khổng lồ số 2 Motorola. Doanh số bán của hãng cũng xếp thứ 3 thế giới, chỉ còn kém hai đại gia trên.
Chính việc làm thương hiệu thành công của những chaebol như Samsung hay LG đã tạo ra thương hiệu chung gọi là Hàng Hàn Quốc. Và thương hiệu chung này, đến lượt nó lại là tài sản quý nhất cho các nhà sản xuất nước này. Ngày nay, nói đến Hàng Hàn Quốc, người ta nghĩ ngay đến những sản phẩm nhỏ xinh, thời trang, kiểu mẫu và màu sắc đa dạng, giá phải chăng...
Mạnh mẽ xông xáo trên trường quốc tế
Vừa xây dựng thương hiệu trong nước, các chaebol cũng không quên khuấy đảo thị trường thế giới, với hy vọng tạo nên những thương hiệu mang tính toàn cầu. Về phương diện này, người Hàn Quốc đã rất khôn khéo trong việc lợi dụng thị trường Trung Quốc và Ấn Độ để phổ biến tên tuổi hình ảnh của mình.
Nước lên thuyền lên, khi hàng trăm triệu người tiêu dùng ở hai quốc gia này phát âm rõ ràng những cái tên khó đọc như Hyundai thì cũng là lúc thương hiệu đó đã vươn lên tầm toàn cầu.
Các hãng như Hyundai cũng không quên hướng tới thị trường Mỹ, "nhờ" các thương gia nước này quảng bá cho cái tên của mình thông qua những chuyến công cán trên toàn cầu. Hyundai chú trọng điều này tới mức, chỉ trong 24 tháng, họ đã giới thiệu với người Mỹ tới 7 kiểu xe mới mang tên riêng là Tucson, Sonata, Accent, Azera, Santa Fe và Elantra cùng tên chung đứng trước là Hyundai.
Kết quả là, các cửa hàng bán xe ở Mỹ nhận bán ngày càng nhiều sản phẩm của họ, và nương vào đó, mục đích quảng bá thương hiệu toàn cầu của họ dần đạt được.
Ngoài ra, người Hàn Quốc cũng không thể bỏ lỡ cơ hội quảng bá thương hiệu ra toàn thế giới thông qua những sự kiện mang tính toàn cầu hoặc quá nổi tiếng. Những chiếc bảng đề tên Samsung, LG nằm la liệt trên các sân bóng đá ở các kỳ World Cup và giải Ngoại hạng Anh. Những giải đấu thể thao các loại mang tên "Samsung Cup" - giải cricket Nam Á, hay "LG Cup" - giải bóng đá đã quá quen thuộc với người Việt Nam... ngày càng diễn ra đều đặn.
Ý chí và nền văn hoá công ty
Những chiến lược xuất phát từ bên trong, những tham vọng vươn dần ra toàn cầu đã đóng góp rất nhiều cho thương hiệu hàng Hàn Quốc. Song, không thể không nhắc đến "nền văn hoá công ty" ở quốc gia này. Không có nó, khó có thể lường được mọi người sẽ biết được gì từ những cái tên phương Đông khó đọc ấy.
Chính những người lãnh đạo Samsung, LG và Hyundai là những người quản lý doanh nghiệp mình theo một nền văn hoá công nghiệp mới, dám loại bỏ tất cả những yếu tố lạc hậu trong phương pháp luận trước kia.
Chẳng hạn, khi Kim Ssang Su lên nhận chức Giám đốc điều hành LG tháng 10/2003, ông đã ngay lập tức tạo dấu ấn của mình tại hãng bằng cách đặt ra hàng loạt mục tiêu cao và cấy vào lòng nhân viên lòng tự tôn và niềm tin cao độ với công ty. Không cuộc họp nào mà Kim không nhắc lại với cấp dưới về mục tiêu lọt vào Top 3 nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới.
Chuyện tương tự cũng xảy ra ở đối thủ trong nước của LG là Samsung. Rất nhiều người biết tới ông chủ của hãng này là Lee Kun-hee với câu nói: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn”. Ông đã khơi dậy tinh thần dân tộc Hàn Quốc, không chỉ “người Hàn dùng hàng hóa Hàn” mà còn là “người Hàn tự hào về sản phẩm Hàn”.
Cái gọi là văn hoá công ty cũng được ông nhấn mạnh: “Một thiên tài có thể nuôi sống hàng triệu người khác. Trong kỷ nguyên sắp tới, khi sáng tạo là động lực quan trọng nhất cho thành công doanh nghiệp, chúng tôi sẽ thu hút những người tài năng nhất. Giá trị kinh tế của một thiên tài là hơn 1 tỷ USD… Thế giới doanh nghiệp đang thay đổi sâu sắc. Thật khó đoán ngành nào sẽ phát triển và đem lại vận hội trong tương lai. Nhưng nếu sử dụng những người tinh hoa nhất, bạn sẽ giải quyết được bất cứ vấn đề gì của tương lai”.
Đến nay, uy tín của những Lee Kun-hee, Kim Ssang Su, trong làng quản trị doanh nghiệp thế giới không còn gì để tranh cãi, cũng như sự công nhận đối với các thương hiệu LG, Samsung.
Phía trước là thách thức
Mấy năm qua các ngôi sao Hàn Quốc đã trở nên quen thuộc với khán giả khắp thế giới. Thế nhưng, đôi khi các ngôi sao này cũng vấp phải những chuyện không hay ho gì. Người ta lo ngại, các ngôi sao trong ngành công nghiệp Hàn Quốc, các chaebol, cũng không tránh khỏi vấp váp lớn phía trước.
Giá nguyên vật liệu đầu vào ngày càng tăng trong khi tài nguyên trong nước không dồi dào gì; đồng won cao giá dần khiến xuất khẩu thiệt hại, kém cạnh tranh; nhân công trong nước ngày càng khan hiếm trong khi nhân công nước ngoài lại có thể ảnh hưởng tới "nền văn hoá công ty"; sự vươn lên mạnh mẽ của các công ty ở đại lục Trung Quốc... là những khó khăn rõ rệt trước mắt các chaebol.
Người Hàn Quốc vẫn vững tin rằng những chiến lược tầm cỡ, tham vọng và ý chí cùng nền văn hoá công ty đặc thù sẽ giúp họ giữ vững thương hiệu, qua đó là vị trí của mình trên phạm vi toàn cầu. Nhưng đối thủ của họ cũng nhanh chóng học hỏi và đang có niềm tin riêng của họ, và vì thế, có thể ảnh hưởng tới niềm tin của người Hàn.

Bài viết trên cho mình vài suy nghĩ về những nguyên nhân chậm phát triển của Việt nam mình (từ những kinh nghiệm của Hàn Quốc):
1. Thắt lưng buộc bụng để vượt qua thời khó khăn. ( trong bài giảng, TS Trần Ngọc Thêm đã so sánh về đặc tính tiết kiệm trong tính cách Hàn - Việt.) người Việt hoang phí hơn người Hàn. Trong lịch sử đã nhiều lần chính phủ kêu gọi tòan dân thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu, tất cả đầu tư cho sản xuất. Trước khi thời trang Hàn tạo thành một trận cuồng phong như hơn chục năm trở lại đây, thì người Hàn từng mặc đồng phục cứt ngựa, trai cũng như gái, vải áo thô, cứng…
Việt nam chưa thóat khỏi nghèo vậy mà một xã hội tiêu thụ đã sớm lộ diện…và được cổ vũ…
2. Tham vọng và ý chí là một đặc trưng của các dân tộc Đông Bắc Á. Việt Nam thiếu đặc tính này. Người việt vốn đại khái - xuề xòa - Nước đôi – thiếu quyết đóan…
Người Việt cũng dễ bằng lòng với “trong nhà nhất mẹ nhì con”. Tầm của người việt là tầm cạnh tranh trong lũy tre làng. Ra khỏi lũy tre, người Việt dễ trở nên AQ.
3- Coi trọng con người: người Hàn quan niệm, một thiên tài có thể nuôi sống hàng triệu người khác. Trong kỷ nguyên sắp tới, khi sáng tạo là động lực quan trọng nhất cho thành công doanh nghiệp, chúng tôi sẽ thu hút những người tài năng nhất. Nếu sử dụng những người tinh hoa nhất, bạn sẽ giải quyết được bất cứ vấn đề gì của tương lai”.
Coi trọng yếu tố con người, coi trọng thực sự và dựa trên cơ sở đánh giá sáng suốt là một trong những thành công của Hàn quốc và cả Nhật Bản. Việt Nam thiếu hẳn điều này. Một thời gian dài, chủ nghĩa tập thể thống trị. Quan niệm “không mợ thì chợ vẫn đông” ăn sâu bám rễ trong bản năng người quản trị. Vì thế người tài đa số bị đẩy khỏi những vị trí quan trọng. Nhiều khi, người tài còn bị vô hiệu hóa.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng cho thấy, vai trò của người đứng đầu là quan trọng như thế nào trong việc xác định hướng đi cho cả một dân tộc. Đôi khi cũng phải độc tài để uốn cả dân tộc theo một hướng đi đúng. Và Việt nam cũng cần có những cá nhân mang tầm ảnh hưởng như thế trong thời bình, thời thương trường là chiến trường này.
4. Tinh thần dân tộc: không chỉ “người Hàn dùng hàng hóa Hàn” mà còn là “người Hàn tự hào về sản phẩm Hàn”. Việt Nam chúng ta đã chiến thắng trong chiến tranh nhờ tinh thần dânt tộc. Thế nhưng việc phát huy tinh thần dân tộc trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt này lại chưa được chú trọng.
Có ý kiến cực đoan cho rằng: sao Đảng - chính phủ không cho dân biết những o ép mà Việt nam phải chịu trong mối quan hệ với láng giềng và quốc tế nói chung để hình thành một tinh thần phản kháng, để hình thành quyết tâm phải mạnh lên để thóat khỏi những o ép đó? ở một mức độ nào đó, cá nhân tôi cũng nghĩ, phải tìm cách khích lệ tinh thần dân tộc hơn nữa, mới mong việt nam có những bước phát triển nhanh hơn, xa hơn.
RANDOM_AVATAR
CUHUYEN
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi lamha » Thứ 4 14/11/07 11:18

Tại sao có hiện tượng thần kỳ Đông Á? Khi nhìn vào triết lý quản trị kinh doanh của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ta nhìn thấy ở họ một vài điểm:
- Tinh thần lao động cần cù, khẩn trương, nhiệt huyết, ý chí nghị lực sôi sục của mọi người, năng lực tổ chức quản lý của người lãnh đạo.
- Ưu đãi của chính phủ trong việc vay nợ trong nước, nước ngoài và trong các chính sách giá cả, thu nhập, xuất nhập khẩu và thuế khóa.
- Coi trọng nhân tố con người, đào tạo sử dụng con người là khâu then chốt...
- Biết cách kết hợp hài hoà giữa danh và lợi, giữa quyền lợi khách hàng và quyền lợi nhà sản xuất kinh doanh, trên hết vẫn là quyền lợi khách hàng, giữ chữ Tín.
Ở Việt Nam, tại sao có sự chậm phát triển trong quản trị kinh doanh? Chúng ta cũng từng bước phát triển, nhưng vẫn còn là quá chậm. Người Việt Nam với tư duy nông nghiệp, tất nhiên không thể làm kinh doanh giỏi như các nước công nghiệp khác, bên cạnh đó, tôi còn thấy còn quá nhiều doanh nghiệp Việt Nam không ngay thẳng, luôn tìm cách để qua mặt khách hàng, sao cho kiếm được thật nhiều lợi nhuận, từ doanh nghiệp đã thành đạt cho tới những doanh nghiệp không tên tuổi, đơn cử là các vụ nước tương, nước mắm gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây.Rõ ràng là các doanh nghiệp đó biết rằng làm thế là hại sức khoẻ người tiêu dùng, nhưng họ vẫn làm, vì làm như thế sẽ tạo cho họ nhiều lợi nhuân. Tôi đọc chuyện "Cân gian phải luyện hẳn hoi", thấy thật khổ cho người tiêu dùng Việt Nam, tránh thế nào cũng không khỏi bị mua lầm! Những người bán nhỏ lẻ thì luôn tìm cách bán bớt, cân gian như thế, còn những doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn hàng chất lượng cũng lừa dối khách hàng chẳng hơn gì. Cân gian mà cũng phải học đủ mọi ngón nghề như vậy, quả là việc gian trá, lừa dối khách hàng dường như thành thói quen rồi! Chữ Tín của thương nhân Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề cần bàn lắm!
RANDOM_AVATAR
lamha
 
Bài viết: 268
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi cachua » Thứ 4 14/11/07 11:42

Bạn Thanhtam viet
Tiêu chuẩn chính của người quản trị Việt Nam là người quản trị phải là người có UY TÍN, ĐỨC ĐỘ

Mình xin có thắc mắc sau: căn cứ vào quy định nào để xác định đây là 2 tiêu chuẩn chính (hay chỉ là quan niệm của người Việt Nam)
RANDOM_AVATAR
cachua
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Thứ 3 05/06/07 18:19
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGUYEN NHAN VN CHAM PHAT TRIEN

Gửi bàigửi bởi khuongho » Thứ 4 14/11/07 14:53

Nguyên nhân chậm phát triển của Việt Nam

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm phát triển của Việt Nam bao gồm cả những nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan. Nhưng trong khuôn khổ phần đóng góp ý kiến của mình, tôi chỉ xin đề cập đến nguyên nhân này nhìn từ góc độ quản lý và sử dụng nhân sự, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước.
“Phải nhìn nhận rằng, hệ thống chính trị và hệ thống quản lý Nhà nước được tổ chức và vận hành như hiện nay đang tạo ra những vùng “chồng lấn” hoặc những “khoảng trống” rất lý tưởng cho tha hóa, cho bất cập và tệ nạn tham nhũng hoành hành”
Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, nhà nước cần có những thay đổi, chuyển hóa hệ thống sao cho phát huy được hiệu quả và tạo động lực phát triển cho đất nước. Trong khi bàn về sự thay đổi hay chuyển hóa của hệ thống, không thể bỏ qua vấn đề vai trò cá nhân của con người trong hệ thống - ở mọi cấp, mọi thang bậc trong hệ thống.
Nói đến vai trò cá nhân, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ trong sự phát triển của đất nước. Có thể thấy hiện nay một số nước trong khu vực Đông Á có nền kinh tế phát triển rất coi trọng vai trò và đóng góp của cá nhân (ví dụ như chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài tại Singapore). Trong khi đó ở Việt Nam, vốn là một đất nước có gốc văn hóa nông nghiệp, vốn trọng cái ta hơn cái tôi, vì vậy vai trò của cá nhân trong cộng đồng thường rất mờ nhạt. Có một thực tế rất phổ biến, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước là “người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng”. Ý kiến của tập thể vẫn có xu hướng lấn át ý kiến cá nhân. Đó là chưa kể ở nhiều nơi, những cá nhân có khả năng, có kiến thức thì lại bị chèn ép, không được ghi nhận đóng góp. Thêm vào đó, “bệnh cơ cấu” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố thủ trong vấn đề phát triển và trọng dụng nhân tài.
Thêm một lý do ở góc độ sử dụng nhân lực là ở Việt Nam hiện nay là nhà nước vẫn chưa có chính sách sử dụng và đãi ngộ hợp lý dành cho những nhân tài trẻ tuổi. Là đất nước có nền văn hóa gốc nông nghiệp nên người Việt Nam vẫn mang tư tưởng trọng kinh nghiệm hơn. Điều này cũng có một số mặt tích cực của nó nhưng nếu chúng ta chỉ khăng khăng giữ lấy tư tưởng này trong thời điểm hiện tại thì sẽ bỏ qua việc tiếp thu ý kiến cũng như sử dụng những nhân tài trẻ tuổi, tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng có tư duy, kiến thức phù hợp với thời cuộc.
RANDOM_AVATAR
khuongho
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 6 12/10/07 11:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGUYEN NHAN VN CHAM PHAT TRIEN

Gửi bàigửi bởi ttmmsuongkho » Thứ 4 14/11/07 16:46

Mong chi Cù Huyền chỉ ra đâu là nguyên nhân gây ra chậm phát triển của Việt Nam rõ hơn nữa ngắn thì càng hay. Bài của chị thật ấn tương. Bài của e hơi dài, nguyên nhân cũng dài.
Nếu như chúng ta ai cũng có quan điểm của một ngươi TQ sống ở hải ngoại viết một cuốn sách: "Người Trung Quốc Xấu" thật là tuyệt nếu ta cũng có ai đó việt được cuốn sách này Đây là ý tưởng của PGS Cao Xuân Hạo quá cố nhưng ông chưa thực hiện đươc. Thật đáng tiêc.
Mỗi người chúng ta ai cũng nhìn nhận được nguyên nhân là thực sự nhìn vào sự thật cho dù là phủ phàng "người Việt cũng xấu" để ta đứng lên từ cái "xấu" này vinh hạnh thay !

Chổ Mộng Hòa dẫn: Trong doanh nghiệp, tình trạng lãnh đạo tập thể. Các quyết định ở phần lớn các công ty Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tham khảo ý kiến nhân viên. Tôi không đồng ý quan điểm này ở góc độ những quyết định đều tham khảo ý kiến nhân viên, tôi cho rằng lãnh đạo tập thể thì không ai chịu trách nhiệm bởi hậu quả do một vài người có quyền quyêt định. Điều này thử hỏi sao nhân viên có ý kiến được ! than ôi đây là cách làm của những công ty nước ngoài: hiệu quả, kết quả cao, trách nhiệm nặng nề, sáng tạo được tôn trọng và đề cao bạn ạ.

Mộng Hòa cũng nói: "Thứ hai tính dân chủ khiến cho ý thức phục tùng cấp trên kém phát triển" và "Hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” là tình trạng phổ biến trong quản trị ở Việt Nam" vậy bạn nghĩ tính dân chủ phương đông là nguyên nhân làm VN kém phát triển ? MH cần nghĩ lại và cho ý kiến. Thank, Merci Beaucoupe

"Người nhân viên thường chỉ phục tùng cấp trên ở một mức độ tương đối và có khi chỉ làm theo ý mình" theo tôi thượng bất chính thì hạ tất loạn rồi còn làm theo ý mình --> mất trật tự, công chức dù !

Tôi đồng ý với bạn chúng ta phải thượng tôn pháp luật, trước hết là luật giao thông. Vậy ta phải làm gì: trả lương để họ đủ sống, đủ nuôi 1 đứa con, tuần có thể đến nhà hát ít nhất 1 lần xả strees, một năm phải đi du lịch ít nhất 1 lần/ 1 tháng. Và công khai minh bạch tất cả tài chính của mình, không loại trừ trường hợp đặc biệt như ông là quan to dạng nào (ví dụ: trong đợt bẩu cử vào Duma quốc gia Nga, ông Putin cũng phải công khai tài sản, Putin có gì sau 8 năm cầm quyền ?)

Ta biết ta "tính dân chủ trong truyền thống văn hóa Việt Nam" và "trọng tình hơn trọng lý" rồi lách luật tại sao: luật chưa phổ quát mọi đối tượng, luật xử và răng đe còn nhẹ nên người thực thi từ chối linh hoạt trong phương cách giải quyết. Dường như chúng ta luôn học hỏi TQ như có người nói với tôi: đem từ TQ về còn một thứ chưa đem..cái cò, tấm bia...!

Về đề nghị của bạn tôi thấy không khả thi. phải nói là bản chất người Việt là nông nghiệp nên chỉ tôn lên để đạt được ý đồ mà thôi ! làm sau giải quyết triệt để cái MH gọi là tàn dư; Tàn dư ở đây là văn hoá đó, không có căn tính này so VN còn giữ bản sắc sau 1000 năm giặc tàu đô hộ, 100 năm bị nô lệ ?

Tôi nghĩ rằng để VN phát triển. Theo quan điểm của MH tôi đưa ra ý kiến này với MH: chúng ta cần đào tạo "lại" tất cả công nhân, nhân viên để họ biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng luật doanh nghiệp...tạo ý thức cộng đồng của doanh nghiệp và quan trọng hơn hết hãy tạo cơ hội để chăm sóc gia đình họ và chính họ, đây là cách thắt chặt quyền lợi và quan hệ liên đới với công ty. Và ai giáo dục, giáo dục như thế nào để bộ GDDT trả lời.
Trân trọng, chào thân mến!
Chúc hạnh phuc và may mắn luôn đến với mọi người và đặc biệt Mộng Hòa !
RANDOM_AVATAR
ttmmsuongkho
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 14:45
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ngnhân chậm ptriển của Việt Nam&bài học đvới VN từ kn Đ.Á

Gửi bàigửi bởi quynhtram » Thứ 4 14/11/07 20:39

xuanhieu đã viết:Mặc dù trong những năm gần đây tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam rất cao, rất nhanh và cũng đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên Việt Nam vẫn nằm trong các nước nghèo trên thế giới và cũng đang phải đối đầu với những khó khăn, thách thức rất lớn trong quá trình hôi nhập vào thế giới và khu vực.




Trước hết tôi không đồng ý với ý kiến bạn cho rằng" Việt Nam vẫn nằm trong các nước nghèo trên thế giới",cộng với cách phân tích nguyên nhân chậm phát triển của Việt Nam. Tôi nhận thấy dường như bạn (và một số thành viên khác )hơi có thành kiến với cách nhìn của sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2006 vừa qua, Việt Nam đã tuyên bố thoát khỏi các nước nghèo trên thế giới.
Sự kiện gần đây nhất, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO.Theo đó đại hội đồng WTo đã đánh giá tư cách thành viên của Việt Nam: Là một nước có nền kinh tế chuyển đổi,đang phát triển.

Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế cho rằng: Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Vn cũng góp phần vào sự tăng trưởng GDP của VN . Vậy khác với cách hiểu của Xuanhieu là chất lượng của tăng trưởng còn thấp, chủ yếu vẫn dựa vào sự tăng trưởng của yếu tố đầu vào là vốn đầu tư. Vì như thế bạn đã phủ nhận đi những đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài cho sự phát triển của nền kinh tế Vn

Trở lại với chủ đề "nguyên nhân chậm phát triẻn của Việt Nam và bài học đối với Việt Nam từ kinh nghiệm Đông Nam Á"
Theo nhận định chủ quan của tôi: Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trên mọi lĩnh vực trong đó có kinh tế. Tôi cho rằng nếu tính xuất phát điểm từ tháng 1 năm 2007 thì nền kinh tế VN đang phát triẻn mạnh mẽ so và luôn vượt dịnh mức đề ra, (vì vậy chúng ta không nên lấy quá khứ - tức là trước năm 2007 để đánh giá) mà chúng ta nên bàn luận về nền kinh tế hiện tại để có cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế nước nhà.
Hình đại diện của thành viên
quynhtram
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 4 14/11/07 16:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi Admin » Thứ 4 14/11/07 22:48

Ngày gửi: Hôm qua 09:46
Người gửi: vyka96
Người nhận: Admin

Đây là bài viết của Trần Thanh Hà (vyka96) nhờ Admin post gium len mạng:

Nguyên nhân chậm phát triển của Việt Nam và những bài học đối với Việt Nam từ kinh nghiệm Đông Á


Nguyên nhân chậm phát triển của Việt Nam ngoài những lí do khách quan như chiến tranh, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, theo tôi còn các nguyên nhân chủ quan. Để xác định các nguyên nhân ấy trước hết phải tìm hiểu đặc điểm văn hoá - những mặt mạnh, yếu của VH Việt Nam ở thời điểm xuất phát, sau đó là hướng xuất phát cùng các biện pháp để thực hiện quá trình phát triển ấy.

1. Đặc điểm văn hoá VN ở thời điểm xuất phát.

Việt Nam là đất nước gốc nông nghiệp với loại hình VH trọng tĩnh. Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên là tôn trọng, sống hoà hợp với thiên nhiên. Thái độ này có mặt mạnh là giữ được môi trường tự nhiên nhưng mặt yếu là khiến con người trở nên rụt rè, e ngại. Về lối nhận thức, tư duy thiên về tổng hợp và biện chứng (trọng quan hệ), chủ quan, cảm tính và kinh nghiệm. Lối tư duy này không có điều kiện cho việc hình thành những ngành khoa học chuyên sâu. Về mặt tổ chức cộng đồng, với nguyên tắc tổ chức cộng đồng là trọng tình, trọng đức, trọng văn, trọng nữ. Cách thức tổ chức cộng đồng là linh hoạt và dân chủ trong cộng đồng. Mặt trái của linh hoạt là tuỳ tiện, của dân chủ là “hoà cả làng”, là bệnh coi thường phép nước. Trọng tình và linh hoạt làm cho tính tổ chức của người nông nghiệp VN kém.

Dưới góc độ triết lí âm dương thì loại hình VH của Việt Nam là VH trọng tĩnh (trọng âm). Về văn hoá tổ chức cộng đồng thì tính cộng đồng và tính tự trị làng xã là hai đặc trưng cơ bản của nông thôn Việt Nam.Tính cộng đồng với mặt mạnh (dương tính) là liên kết các thành viên trong làng lại với nhau, mỗi người đều hướng tới người khác. Nhưng tính cộng đồng lại tạo nên những tập thể làng xã khép kín mang tính tự trị. Tính tự trị khẳng định sự độc lập của làng xã, ít liên hệ với bên ngoài; làng nào biết làng ấy, mỗi làng là một vương quốc khép kín (âm tính). Tính tự trị cao độ của làng xã VN làm cho làng xă VN như một thứ vương quốc nhỏ với luật pháp riêng và tiểu triều đình riêng, tạo nên truyền thống “Phép vua thua lệ làng”. Chính tính cộng đồng và tự trị là nguồn gốc sản sinh ra những ưu điểm và nhựơc điểm trong tính cách người VN. Nếu ưu điểm của tính cộng đồng là tinh thần đòan kết tương trợ; là tính tập thể hòa đồng và nếp sống dân chủ bình đẳng thì nó lại có nhược điểm là sự thủ tiêu vai trò cá nhân, thói dựa dẫm, ỷ lại và thói cào bằng, đố kỵ. Tính tự trị có ưu điểm là tạo nên tinh thần tự lập; tính cần cù và nếp sống tự cấp tự túc nhưng lại có nhược điểm là óc tư hữu, ích kỷ; là óc bè phái địa phương và óc gia trưởng tôn ty.
Truyền thống văn hoá nông nghiệp trọng văn nên trong xă hội, kẻ sĩ được coi trọng nhất. Bốn nghề phổ biến, đồng thời cũng là bốn bậc thang trong xã hội là Sĩ, Nông, Công, Thương. Sau trí thức là nông dân; công và thương là những nghề thấp kém. Ngay cả nhà nước cũng đề ra chính sách trọng nông ức thương.

Tính Cộng đồng và tính Tự trị của nông thôn VN và quan hệ Nông-Thương còn được thể hiện cả trong lĩnh vực tổ chức đô thị, trong mối quan hệ giữa nông thôn với đô thị; đó là nông thôn VN chi phối đô thị. Đô thị VN chịu ảnh hưởng của nông thôn và mang tính nông thôn rất đậm nét. Đô thị VN truyền thống luôn có nguy cơ bị “nông thôn hóa”.

Đặc điểm quan trọng có tính quy luật của văn hóa tổ chức đời sống tập thể VN trong lịch sử là âm luôn mạnh hơn dương. Âm mạnh hơn dương, tức là khả năng bảo tồn mạnh hơn khả năng phát triển. Xét theo nguyên lý âm dương, xã hội VN là - âm ở trong âm.

2. Hướng xuất phát và các biện pháp thực hiện.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản VN; đất nước ta đã chọn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa. Sự lựa chọn này không phải là nguyên nhân chậm phát triển ở VN; nhưng đã đặt ra rất nhiều thách thức trong việc thực hiện sự phát triển ấy. Như đã trình bày ở trên, xã hội VN mang tính âm; âm ở trong âm - với những mặt mạnh (ưu điểm- mang tính dương) cũng như những mặt yếu (nhược điểm - mang tính âm) rất rõ nét. Trong quá trình vận động, nếu những nhà lãnh đạo không có các biện pháp hạn chế tới mức thấp nhất; thậm chí triệt tiêu những cái xấu - nhược điểm và đề cao, phát huy những ưu điểm thì hệ quả sẽ là chậm phát triển và ngựơc lại.

Chủ nghĩa Tư bản với nền sản xuất công nghiệp phát triển, cạnh tranh… thuộc dương. xét về một khía cạnh nào đó, lại là một liệu pháp rất tốt để hạn chế những nhược điểm (mang tính âm) ở xã hội VN.

Chủ nghĩa xã hội, ở đó không còn sự bóc lột người; ở đó con người làm việc theo năng lực và hưởng thụ theo nhu cầu… lại mang tính âm. Như vậy; chúng ta đã xuất phát từ một xã hội trọng âm (ở một mức thấp), đến một xã hội trọng âm (ở mức độ cao hơn) mà không đi qua xã hội trọng dương (chủ nghĩa tư bản), mà thay thời kỳ trọng dương ấy bằng “thời kỳ quá độ”. Xét theo triết lý Âm. Dương trong âm lý âm dương thì xã hội VN xuất phát từ Âm trong âm

3. Những bài học đối với VN từ kinh nghiệm Hàn quốc.

Cũng là một quốc gia với loại hình kinh tế chủ yếu là nghề nông nghiệp lúa nước như VN, nhưng Hàn quốc phát triển được như ngày nay; theo tôi là do người Hàn đã thành công trong việc phát huy những ưu điểm và hạn chế tới mức thấp nhất những nhược điểm trong tính cách của họ. Nói khác đi, họ đã thành công trong việc vô hiệu hóa những thuộc tính âm, để trong tính cách của người Hàn càng ngày càng dương nhiều hơn, thậm chí, để chỉ còn lại phần mang thuộc tính dương. Cụ thể trong lối làm việc; người Hàn đã chuyển từ lười nhác đến cần cù; từ lề mề đến khẩn trương và làm việc với nhiệt huyết, ý chí và nghị lực sục sôi. Sự chuyển biến ấy, được chuẩn bị, tiến hành một cách bài bản dưới thời chính quyền quân sự của tổng thống Pak Jeong-Hui (một chính quyền mang tính dương!) thông qua các chính sách phát triển kinh tế với những kế hoạch 5 năm rất cụ thể, bài bản và khả thi; đó là kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962-1966) với chiến lược “công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu” tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động, chi phí sản xuất thấp. Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1967-1971) với chính sách thay thế nhập khẩu đã chuyển sang chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở hiện đại hoá cơ cấu công nghiệp. Sau khi đạt được kết quả từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và lần thứ 2, họ mới tiến hành kế hoạch 5 năm lần 3 (1972-1976) là chú trọng vào công nghiệp nặng và công nghiệp hoá chất - những ngành đòi hỏi nhiều vốn và lao đông có tay nghề cao. Như vậy, trong công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hóa đất nước; người Hàn đã tiến hành từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó; từ những ngành có chi phí thấp không đòi hỏi tay nghề cao có thể sử dụng nhiều lao động (công nghiệp nhẹ) đến những ngành đòi hỏi phải có nhiều vốn và sử dụng có tay nghề và công nghệ cao (công nghiệp nặng)… Nghĩa là xã hội Hàn đã ngày càng dương hơn.
Một bước đi rất thành công nữa của chính quyền tổng thống Pak Jeong-Hui, đó là đã tạo ra “cú hích” để nâng cao đời sống kinh tế ở nông thôn; làm thay đổi bộ mặt văn hoá- xă hội của nông thôn và ổn định tình hình xă hội ở đô thị. Đó chính là phong trào Saemaeul – một phong trào xã hội rộng lớn, đã có ý nghĩa chính trị to lớn trong việc thức tỉnh đức tính cần cù của người dân, tập hợp sức mạnh tập thể tạo nên một Cộng đồng mới, đem lại một cuộc sống mới no ấm và tốt đẹp cho cá nhân, gia đình và sự ổn định, giàu mạnh cho tòan xã hội. Là một nước nông nghiệp lúa nước; “cú hích” trên đã góp phần rất lớn trong việc hạn chế những khuyết điểm mang tính âm ở những người nông dân; để họ ngày càng “dương” hơn.

Nhờ sự “dương hóa” một cách bài bản và toàn diện tất cả các thành phần nhân dân trong xă hội thông qua các chính sách phát triển kinh tế và phong trào Saemaeul. Thành công của Hàn quốc là một bài học rất quý báu để chúng ta phát triển đất nước Việt Nam mình!

Trần Thanh Hà
Hình đại diện của thành viên
Admin
Quản trị viên
 
Bài viết: 63
Ngày tham gia: Thứ 7 27/10/07 10:39
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá kinh doanh / Văn hoá Doanh nghiệp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron