Vì sao VN chậm phát triển

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá kinh doanh, văn hoá quản trị trong kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp...

Re: ngnhân chậm ptriển của Việt Nam&bài học đvới VN từ kn Đ.Á

Gửi bàigửi bởi tklt » Thứ 3 06/11/07 12:08

Tôi có đọc bài thảo luận về sự chậm tiến của Việt nam của bạn xuanhieu. Bạn đã miêu tả hiện trạng và một số phương cách cải thiện (chủ yếu là về kinh tế). Vậy ở đây tôi chỉ xin tham gia thêm vài ý kiến, nhìn nhận về nguyên nhân chậm tiến kinh tế của Việt nam và khả năng cải thiện.
Theo tài liệu giảng dạy của thầy Trần Ngọc Thêm,Việt nam nằm trong vùng Đông Nam, vùng văn hóa trọng tĩnh, âm tính. So sánh giữa các vùng (phương Tây, Tây Bắc, Đông nam và các vùng chuyển tiếp), vùng Đông Nam là vùng kinh tế phát triển chậm nhất.
Từ góc nhìn văn hóa, ta thấy truyền thống văn hóa Việt nam có nhiều điểm bất lợi cho việc phát triển kinh tế, kinh doanh:
-Văn hóa gốc nông nghiệp với nếp suy nghĩ rất “làng xã”
-Sự trọng ổn định, trọng tình dẫn đến những hiện tượng như “cào bằng”, ít tôn trọng qui củ, pháp luật, “dĩ hòa vi quí”, nước đôi….
-Tính cách âm tính, trọng tĩnh là nguyên nhân của sự chậm chạp, bảo thủ
Nếu chúng ta cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng của sự chậm tiến kinh tế Việt nam là do tác động của nền văn hóa âm tính, trọng tĩnh. Mà văn hóa vốn là cái đã được tích lũy bền vững từ nhiều đời nên rất khó thay đổi. Vậy có cơ may phát triển kinh tế Việt nam hay không?
Trước tiên, chúng ta có thể điểm qua một số ưu điểm trong bản thân nền văn hóa Việt:
-Truyền thống đoàn kết
-Tính thân thiện, hiếu khách: thuận lợi cho việc phát triển ngoại giao, giao lưu buôn bán
-Tính dễ thích nghi: tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập, thích ứng với những thay đổi trong xã hội. (Chúng ta có thể xem tính cách có trong truyền thống lâu đời này là thiên về hướng “động” không?)
-Tính sáng tạo: tính cách này rất có lợi trong việc ứng phó các tình huống, góp phần cải thiện những tình thế, điều kiện xấu. Vậy phải chăng cũng có thể xếp tính cách này vào hướng động?
-Tính tiết kiệm: tốt cho việc tích lũy vốn kinh doanh
Những ưu điểm trên đã, đang và sẽ góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế Việt nam.
Hơn nữa, sống là động. Vậy ngay cả văn hóa, khái niệm khá tĩnh và bền vững, cũng có thể dịch chuyển theo thời gian. Những điểm bất lợi trong tính cách người Việt đối với việc phát triển kinh tế, kinh doanh cũng có thể sẽ được cải thiện thông qua giáo dục, ảnh hưởng của môi trường xã hội xung quanh; Bởi con người Việt nam vốn thông minh, có truyền thống hiếu học và cởi mở.
Và còn có vấn đề: Có chắc trăm phần trăm là văn hóa Việt hoàn toàn “âm trong âm” không? Nếu đúng vậy thì sự phát triển vượt bực gần đây của kinh tế Việt nam có thể giải thích thế nào?
Trần Kiều Lại Thuỷ, NCS K1
RANDOM_AVATAR
tklt
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 2 15/10/07 12:29
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi cachua » Thứ 6 09/11/07 11:18

CHỮ “TÍN” TRONG VĂN HÓA KINH DOANH

[justify]Văn hoá kinh doanh của mỗi dân tộc được hình thành ngay từ khi xuất hiện hoạt động kinh doanh trong đời sống xã hội của dân tộc đó, dù con người có ý thức được hay không. Văn hóa kinh doanh Việt Nam cũng được hình thành từ rất lâu đời và cùng phát triển theo đà phát triển của xã hội và kinh doanh.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, khi phân tích nguyên nhân không phát triển của thương mại nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung, người thầy lỗi lạc trong giới doanh thương Việt Nam - Lương Văn Can đã đưa ra 10 nguyên nhân:
• Không có thương phẩm
• Không có thương hội
• Không có tín thực
• Không có kiên tâm
• Không có nghị lực
• Không biết trọng nghề
• Không có thương học
• Kém đường giao thiệp
• Không biết tiết kiệm
• Khinh nội hoá
Trong đó nguyên nhân đứng hàng thứ ba là do người mình “không có tín thực”, tức là làm ăn không biết giữ chữ tín.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng, điểm yếu này càng bộc lộ rõ ràng hơn:
- Ở tầm vĩ mô: các chính sách của Chính phủ thường hay thay đổi, và khi thay đổi lại không cần tính đến quyền lợi của những người có liên quan. Đây là một khiếm khuyết quan trọng, làm môi trường kinh doanh Việt Nam kém tính hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
- Ở tầm vi mô: theo nhiều nhà kinh doanh nước ngoài, các nhà kinh doanh Việt Nam không coi trọng chữ tín, hay viện dẫn các lý do khách quan để khước từ việc thực hiện cam kết. Điều này thường gây nhiều phiền toái trong quan hệ với các đối tác nước ngoài. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là nhiều người không coi đây là khiếm khuyết cần sửa chữa, mà lại coi đó là đường lối khôn ngoan của mình, và chê bai đối tác là thiếu thông cảm, không uyển chuyển.
Điều này có thể lý giải theo các đặc trưng văn hóa của Việt Nam
- Người Việt Nam ưa tổ chức theo nguyên tắc trọng tình, lấy tình nghĩa làm đầu, “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Trong khi đó, việc kinh doanh hiện nay không thể dựa vào tình nghĩa mà phải dựa vào pháp luật, vào những cam kết mà trong kinh doanh được thể hiện qua hợp đồng kinh tế. Hợp đồng bao gồm nhiều điều khoản mà quan trọng nhất là giá cả, số lượng, chất lượng và thời hạn giao hàng. Những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng thì phải thực hiện bằng được.Chúng ta không thể viện dẫn những lý do tình cảm để thanh minh cho việc vi phạm những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Thực hiện đúng những điều khoản trên thì doanh nghiệp mới giữ được chữ Tín với đối tác kinh doanh. Còn đối với người tiêu dùng, không có một hợp đồng ràng buộc nào, nhưng doanh nghiệp vẫn phải giữ chữ Tín. Khi thành lập một doanh nghiệp có nghĩa là doanh nhân tự gắn cho mình trách nhiệm lớn lao đối với xã hội, với người tiêu dùng. Trách nhiệm đó là phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, thực hiện đúng chế độ hậu mãi: bảo hành, bảo dưỡng...
- Với đặc trưng ưa hài hòa đã dẫn đến tật xấu là đại khái xuề xòa, thiếu trách nhiệm trong mỗi việc làm của mình. Tính linh hoạt cũng đã dẫn đến tật xấu là tùy tiện. Tùy tiện trong việc đưa ra các chính sách kinh tế và cũng tùy tiện thay đổi khi gặp phản ứng của doanh nghiệp, của xã hội.
Chính vì xuất thân từ nền kinh tế tiểu nông, lại thường xuyên phải đương đầu với những hoàn cảnh tự nhiên và xã hội nhiều bất trắc, con người Việt Nam thường có tầm nhìn thấp, ngắn hạn, hay thay đổi và muốn đi đường tắt, thay vì kiên nhẫn chờ đợi kết quả lâu dài. Chữ “tín” không được quan tâm đúng mức.
Đây cũng chính là một trong số rất nhiều những nguyên nhân làm cho kinh tế Việt Nam chậm phát triển.[/justify]
RANDOM_AVATAR
cachua
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Thứ 3 05/06/07 18:19
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi pham thi bich hang » Thứ 6 09/11/07 17:01

BÀN VỀ NGUYÊN NHÂN KINH TẾ VIỆT NAM CHẬM PHÁT TRIỂN
Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng tôi chỉ đề cập đến một số yếu tố liên quan đến vai trò của người “quản trị”.
Phải nhận rằng, số lượng “người quản trị” ở Việt Nam khá lớn, quản trị khắp mọi lãnh vực, lớn có nhỏ có rải đều từ Trung ương cho đến địa phương. Một đất nước nhỏ như Việt Nam mà có đến hơn 1,3 triệu công chức nhà nước (tính cho đến năm 2005) thì là một con số “khổng lồ”. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chất lượng của nhà “quản trị” ở Việt Nam.
Theo bạn Hữu Duyên, ông Thomas Bo Pedersen đã nhận định rằng: "Kinh tế Việt Nam phát triển không bằng các nước trong khu vực, nhưng sự phát triển của Việt Nam là chậm nhưng chắc chắn và ổn định". Còn bạn Barbie Hsu thì nghĩ lời nhận định ấy là “một sự nguỵ biện của những ai không làm nhanh được mà thôi”.
Sở dĩ người thì cho rằng sự phát triển chậm của Việt Nam hiện nay là tốt, người thì bảo là không đều có nguyên do nhất định. Riêng tôi, tôi nhận thấy nguyên nhân chậm phát triển ở hiện tượng tự mâu thuẫn trong cách quản trị của Việt Nam. Người Việt vốn dĩ chịu ảnh hưởng của nền văn hoá nông nghiệp, nên trọng kinh nghiệm. “Chính sách” trọng kinh nghiệm đã một thời đưa đến “thành công” cho việc phát triển một nền kinh tế nông nghiệp lúa nước khá rực rỡ. Vào thời ấy, nông nghiệp đã là “văn minh” vì đưa con người từ chỗ lệ thuộc, sống bám vào thiên nhiên qua kinh tế săn bắt, hái lượm, tiến đến việc tận dụng thiên nhiên và độc lập tương đối với thiên nhiên bằng việc trồng cấy và chăn nuôi. Đời sống cư dân nhờ thế mà ổn định hơn nhiều. Tư duy “an ổn” ấy đã thoả mãn được những nhu cầu của cuộc sống và người ta cho thế là đủ, cũng chính tư duy ấy trở thành cây cổ thụ trong tâm thức của người Việt Nam.
Khi đến thời hiện đại, Việt Nam tiếp xúc với những nền văn minh khác nhau, đặc biệt là nền văn minh thực dụng Phương Tây thì người Việt mới vỡ lẽ về sự tụt hậu của mình. Để “rượt theo” sự phát triển của những nền văn minh ấy thì người Việt lại rơi vào “nóng vội”. Hai loại tư duy này cùng tồn tại để tạo nên hai thái cực : “cấp tiến” và “bảo thủ”. Có khi hai thái cực này cùng tồn tại trong một nhà quản trị, cũng có khi tồn tại và phân chia các nhà quản trị Việt Nam thành hai phe đối lập, cộng thêm ý thức trách nhiệm theo kiểu tập thể nữa đã trở thành nguyên nhân khá lớn trong việc chậm phát triển của Việt Nam.
Bởi vì, khi quyền lực nằm trong tay một nhà quản trị bảo thủ, thì mọi thứ đều phải ngồi chờ để nghe ngóng… mà như thế thì dễ bỏ qua những cơ hội phát triển hiếm có. Khi quyền lực ở trong tay một nhà quản trị cấp tiến thì những chính sách được thay đổi liên tục, đến nỗi những người thừa hành để thực hiện cũng không kịp quán triệt hết mọi chính sách ấy và đất nước dễ rơi vào tình trạng rối ren như “một bè rau muống” mà việc cấp quyền sở hữu bất động sản là một ví dụ. Cả hai tình trạng này không phải là không xảy ra ở Việt Nam. Thêm vào đó, tính “cộng đồng” được thể hiện khá mạnh mẽ trong việc chịu trách nhiệm khi gặp sự cố. Điển hình mới nhất là vụ sập mấy nhịp cầu Cần Thơ vừa qua làm chết rất nhiều người nhưng tôi chưa thấy cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm mà vẫn còn “đợi” kết quả của những cuộc điều tra để xem “nhà đầu tư” nào sẽ chịu trách nhiệm, và chịu trách nhiệm đến đâu. Còn nếu như không điều tra đến mình thì vụ việc coi như “chìm xuồng”, vì dù sao người chết cũng chết rồi mà họ cũng đã nhận được những khoản trợ cấp đền bù …
Những thành quả Việt Nam đạt được trong sự đổi mới ngày nay là không thể phủ nhận, nhưng tốc độ tăng trưởng như thế liệu đã chấp nhận được? Có điều, một thực tế rất hiển nhiên rằng : “danh” của Việt Nam trên trường quốc tế đã phần nào được chú ý, nhưng cái “lợi” của người dân trong nước thì hình như chưa được bao nhiêu. Những lo toan về lạm phát, mối quan hệ bất tương xứng giữa phí sinh hoạt và tiền lương, sự phân hoá giàu nghèo trong “nội bộ” các nhà quản trị cũng khá lớn được tích luỹ từ “tham nhũng” đã trở thành gánh nặng cho phần lớn người dân Việt Nam hiện nay. Nếu như không chú ý đến chất lượng của nhà quản trị cả về tài và đức, nếu như không có những chính sách điều chỉnh hợp lý thì sự tăng trưởng chớp nhoáng của Việt Nam hiện nay mới là “bọt xà phòng” chứ không phải là các nước “Đông Á”.
Pham Thi Bich Hằng K.7
RANDOM_AVATAR
pham thi bich hang
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 6 06/07/07 7:18
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi vuthihuyenly » Thứ 7 10/11/07 16:59

Chị tklt đã viết văn hoá Việt có một số ưu điểm góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế VN như:

-Truyền thống đoàn kết
-Tính thân thiện, hiếu khách: thuận lợi cho việc phát triển ngoại giao, giao lưu buôn bán
-Tính dễ thích nghi: tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập, thích ứng với những thay đổi trong xã hội. (Chúng ta có thể xem tính cách có trong truyền thống lâu đời này là thiên về hướng “động” không?)
-Tính sáng tạo: tính cách này rất có lợi trong việc ứng phó các tình huống, góp phần cải thiện những tình thế, điều kiện xấu. Vậy phải chăng cũng có thể xếp tính cách này vào hướng động?
-Tính tiết kiệm: tốt cho việc tích lũy vốn kinh doanh


Theo tôi đúng là những nét tính cách trên đã giúp cho VN tiếp nhận sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường một cách nhẹ nhàng, và đang dần thay da đổi thịt. Nhưng chính những điều đó lại góp phần làm cho kinh tế VN chậm phát triển hơn so với các nước khác.

Truyền thống đoàn kết chính là tính cộng đồng nhưng ở Việt Nam là truyền thống đoàn kết để cùng giúp nhau làm nông nghiệp, đoàn kết trong phạm vi làng xã chứ không phải phạm vi quốc gia, văn hoá VN là văn hoá làng, văn hoá nông thôn. Hôm nay mình giúp người ta thì ngày mai người ta lại phải giúp mình chẳng thiệt đi đâu mà lo và đoàn kết là phải sống làm sao cho mọi người trong cộng đồng đều giống nhau, phải biết nhường nhịn nhau, anh không được hơn tôi. điếu này làm nên sự cào bằng, không muốn ai hơn mình và mình cũng chẳng cần hơn ai, cá nhân sẽ không được coi trọng thì làm sao mà phát triển được.

Tính thân thiện, hiếu khách cũng chính là một hệ quả của tính cộng đồng. Vì vậy, VN thân thiện, hiếu khách theo kiểu “gia đình chủ nghĩa” nên thân thiện một cách xuề xoà không hề có trật tự trên dưới, cái gì của kinh tế thị trường VN cũng có thể tiếp nhận cả.

Tính dễ thích nghi, tính sáng tạo chính là do tính linh họat mà ra. Vì vậy, VN có thể thích nghi một cách tuỳ tiện, dễ thay đổi ý kiến, không cần làm theo nguyên tắc, thiếu quyết đoán trong làm ăn kinh tế.

Tính tiết kiệm: đúng là VN tiết kiệm nhưng tiết kiệm không phải là để lấy vốn làm ăn mà VN tiết kiệm để khỏi phải bon chen làm ăn (buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện).Trước đây, chúng ta luôn tự hào rằng VN có rừng vàng biển bạc thì cần gì phải làm cứ thế mà khai thác thôi. Hay nói như chị Ngân là VN đã “ngủ quên” quá lâu với văn hoá nông nghiệp rồi.

Đúng là người VN rất thông minh, rất chịu khó học hỏi, nhưng thông minh sáng tạo cũng lại tuỳ tiện như việc chế tạo máy bay của hai bác nông dân nổi đình nổi đám một thời mà tới tận bây giờ có bay được đâu.

Xã hội ngày càng phát triển thì văn hoá cũng phải thay đổi theo, văn hoá VN đang dần chuyển từ tĩnh sang động. Theo tôi thì văn hoá VN sẽ không hoàn toàn âm trong âm mà theo quy luật thì văn hoá sẽ phải chuyển động theo kinh tế thị trường. VN đã và đang từ từ đổi mới mình, luật pháp được coi trọng trong làm ăn kinh tế, sự cạnh tranh giữa các công ty ngày càng lớn, coi trọng người có tài… Điều này đang làm cho VN phát triển nhưng VN không thể thay đổi đột biến như các nước Đông Á được vì VN vẫn âm tính hơn nhiều.
RANDOM_AVATAR
vuthihuyenly
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 5 07/06/07 15:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

MOT VAI SUY NGHI VE NGUYEN NHAN CHAM PHAT TRIEN CUA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 2 12/11/07 14:57

[center]Nguyên nhân chậm phát triển của Việt Nam và những bài học đối với Việt Nam từ kinh nghiệm Đông Á.[/center]

Việt Nam là một đất nước nằm trong khu vực Đông Nam Á với khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, là khu vực rất thuận lợi cho sự phát triển của thực vật và có thể nói nó là thiên đường của thực vật.
Cư dân Đông Nam Á từ lâu đã biết làm nông nghiệp, nền nông nghiệp ở khu vực này có thể nói là một trong những cái nôi xưa nhất của nền nông nghiệp. Theo các nhà khảo cổ phát hiện ở khu vực này thì nền nông nghiệp xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á cách đây hơn 10.000 năm. Và đây là nền nông nghiệp lúa nước điển hình (typical wet rice). Có thể nói điều kiện địa lý tự nhiên đã ảnh hưởng đến văn hóa và tâm thức con người khu vực này, đặc biệt là người Việt Nam.
Do làm nông nghiệp cho nên cơ cấu làng xã của người Việt Nam là rất vững chắc, và cũng vì vậy mà nó thiên về tính bảo tồn hơn là phát triển. Và khi chuyển sang nền kinh tế thị trường như hiện nay thì không tránh khỏi sự chệch choạc trên con đường phát triển. Nó chỉ muốn sự bềnh vực, không muốn phá bỏ lề thói sinh hoạt cũ của người làm nông nghiệp, do đó là sức ì rất lớn trong các nước có truyền thống nông nghiệp, mà đặc biệt là nông nghiệp lúc nước điển hình như người Việt Nam.

Theo sự phân tích của GS. TSKH Trần Ngọc Thêm thì: Truyền thống quản trị Việt Nam thiên về:
Nông thôn hơn đô thị; làng nước hơn cá nhân và quốc tế.
Tức là => Trọng âm, trọng tình, trọng cộng đồng.
Chính vì tính chất âm tính cao như thế cho nên, so với các quốc gia xung quanh, Việt Nam là một nước chậm phát triển.
Trong khi Việt Nam nông nghiệp thiên về bảo tồn (âm tính) thì ở nền văn hóa Trung Hoa gốc du mục, nhu cầu thường trực lại là phát triển (dương tính). Tầng lớp thương nhân phát triển mạnh từ đời Thương, sau này, họ giỏi buôn bán tới mức cả thế giới đều biết tiếng.
=> Nói tóm lại, cơ cấu làng nông nghiệp có một sức ì lơn là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển của Việt Nam.
Việt Nam hứng chịu nhiều chiến tranh, đó cũng là một nguyên nhân làm cho Việt Nam chậm phát triển vì phải khắc phục hậu quả của nó. Nhưng chúng ta cũng không được đổ thừa mãi cho chiến tranh, vì chiến tranh mà Việt Nam lạc hậu, chậm phát triển.
Vấn đề đô thị ở Việt Nam:

Ở Việt Nam, đô thị kém phát triển. Nó lệ thuộc vào nhà nước, do nhà nước sinh ra, thực hiện chức năng quản lý do nhà nước giao phó, hầu như không có vai trò gì đáng kể về kinh tế. Mãi đến tận ngày nay, nhiều đô thị mới của Việt Nam được thành lập nhưng không nhằm chức năng kinh tế mà chỉ chủ yếu là thực hiện chức năng hành chính, tức là nhà nước bơm tiền vào thành lập đô thị, phố thị để thực hiện chức năng quản lý hành chính mà không kể là khu vực đó có khả năng phát triển kinh tế hay không (ở đây chúng tôi không chỉ ra cụ thể tên đô thị, thị xã do nhà nước bơm tiền vào để thành lập vì ở Việt Nam rất nhiều).
Ở Việt Nam, đô thị còn có trường hợp là nông thôn hóa đô thị. Điều này diễn ra trong những năm 1970,1980 của thế kỷ 20. Nó do truyền thống nông nghiệp tự cấp tự túc mà ra.
=> Hệ thống đô thị yếu kém cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển của Việt Nam.
Tâm thức của người Việt Nam làm cho người Việt Nam nghèo.
Theo Gs. Phan Ngọc trong Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam 2002: “Nguyên nhân của sự nghèo khổ không ở đâu cả mà chính trong tâm thức chúng ta, tức là ngay trong tôi, trong anh, dù cho anh phê phán người này, người nọ hay Đảng rất quyết liệt, những khuyết điểm sai lầm anh lên án đều có mầm mống trong anh, và đó mới chính là nguyên nhân của tình trạng lạc hậu, nghèo khổ của đất nước” (chúng tôi gạch dưới) [535].
Học là để làm quan chứ không nhằm mục đích làm kinh tế. Đó là nếp suy nghĩ của người Việt khi ông tổng kết số sách vở viết ra của các nhà trí thức Việt Nam trước kia. Và ông phê phán thái độ học tập đó của trí thức Việt Nam, có thể nói là vẫn còn ảnh hưởng đến bây giờ.
“Trong số sáu ngàn quyển sách thì quá nửa là sách học để đi thi, các bài mẫu, các sách giảng về các kinh truyện, các bài thơ phú viết theo lối văn chương trường ốc. Không cách nào chối cãi đây là một học vấn để làm quan.
Chừng nào cái bệnh văn chương còn ám ảnh tri thức Việt Nam, chừng nào con đường làm quan còn là mục tiêu phấn đấu duy nhất của người trí thức thì chừng ấy chúng ta còn khổ.” [Phan Ngọc 2002: 525,526,527].
=> Chúng tôi nghĩ ông có lý và cũng đồng tình với ông cho rằng lối học để ra làm quan chứ không nhằm làm kinh tế là một nguyên nhân nữa dẫn đến chậm phát triển của Việt Nam.
Chính nền kinh tế nông nghiệp đã làm cho mọi người đoàn kết lại để cùng chung tay làm việc, chống lũ, chống hạn. Chính chiến tranh đã làm cho người Việt Nam đoàn kết lại, triệu người như một để đánh thắng kẻ thù, cho là kẻ thù có hung mạnh đến đâu. Điều đó đã diễn ra ở Việt Nam và được công chứng. Thế nhưng, không phải vì vậy mà ý thức lao động tập thể của người Việt Nam luôn cao. Giáo sư Phan Ngọc trong quyển Bản sắc văn hóa Việt Nam nêu lên mặt trái của ý thức lao động tập thể của người Việt Nam. Ông cho rằng ý thức lao động tập thể của người Việt Nam kém: “Một thiếu sót nữa của tâm thức người Việt Nam là người Việt Nam lao động tập thể rất kém. Chỉ trong chiến tranh anh ta chịu làm thế và làm rất tốt, còn trong hòa bình anh ta lại quay lại với tâm thức xã hội nông nghiệp.” [531].
Đây là điều suy nghĩ của ông, chúng tôi xin nêu ra đây để bàn thêm. Theo thiển ý của tôi thì ông có phần đúng. Người Việt Nam có câu: “Lắm thầy thối ma”. “Cha chung không ai khóc” v.v…. cho thấy trách nhiệm tập thể, trách nhiệm đối với của công, lao động tập thể có phần kém. Hơn nữa, tính cục bộ, địa phương làm cho những người đến từ những vùng khác nhau không chấp nhận nhau trong công việc, không thể ngồi chung với nhau để bàn công việc. Mà có ngồi chung với nhau để bàn bạc thì công việc chung cũng không đi đến đâu. Tính huề cả làng là tính thiếu trách nhiệm điển hình trong công việc của người Việt Nam. Theo ý chúng tôi là như vậy. Không biết mọi người có ý kiến gì không.
Việt Nam hiện nay thiếu nhà hoạch định kinh tế chiến lược (có tầm nhìn bao quát, có thể dự đoán được tương lai kinh tế trong khoảng 10-20 năm). Đây là điều đau đầu của các nhà quản lý. Mãi cho đến tận ngày nay, Việt Nam mới có ngày của các doanh nhân.
Thái độ miệt thị ngành nghề kinh doanh trong tâm thức của người Việt Nam cũng là một nguyên nhân người Việt không chú trọng đến nghề kinh doanh như các nước Âu-Mỹ hoặc Trung Hoa, Nhật Bản.
Trong tâm thức người Việt, người làm nghề kinh doanh bị coi khi. Chúng ta cứ xem bậc thang ngành nghề phổ biến trong xã hội của chúng ta thì biết: SĨ, NÔNG, CÔNG, THƯƠNG.
Người Việt Nam làm nông nghiệp, không có nhu cầu trao đổi hàng hóa như phương Tây do đó nghề buôn không thể đường hoàng mà sinh sống được. Do đó, muốn sống được, những người làm nghề buôn bán phải gian lận. Do đó, gian lận là một đặc trưng của nghề buôn. Người làm nghề buôn bị coi khi như: “Đồ con buôn”; Mua quịt bán lường; Đấu hàng xáo, gáo hàng dầu; Đi buôn nói ngay không bằng đi cày nói dối; Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; Lái trâu, lái lợn, lái bò, trong ba lái ấy chớ nghe anh nào v.v…

Kết quả của chính sách ức thương Việt Nam (67-68): văn hóa Việt Nam xưa không phải là văn hóa thành thị, không có hiện tượng thành thị chỉ huy nông thôn, chuyển bộ mặt kinh tế tự túc nông thôn sang kinh tế hàng hóa của thành thị để đổi mới kinh tế đất nước. Ngược lại, chính thành thị bị nông thôn hóa. Đô thị lớn nhất như Thăng Long chỉ là cửa hàng bán các sản phẩm nông thôn. Từng phường chỉ là cái đôi từng làng nghề với Thành hoàng làng, và gắn chặt chẽ với làng.
Không có tầng lớp thương nhân như một tầng lớp độc lập, mà chỉ có những thương nhân gắn chặt với làng quê hương. Một tầng lớp thương nhân như vậy không thể có văn hóa riêng.
Thành kiến với thương nghiệp là rất nặng. Có thể nói nặng hơn cả Trung Quốc và các nước ĐNA. Không có một hoạt động thương nghiệp mạnh mẽ phục vụ quyền lợi chính đáng của thương nghiệp, tất nhiên là kinh tế phải ngưng trệ cùng với nó; chính trị, văn hóa, xã hội cũng ngưng trệ.
Ưu thế của việt Nam đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay.
Việt Nam từ lâu có kinh nghiệp giao tiếp với Trung Hoa, một đất nước rộng lớn, với nền văn hóa vô cùng đa dạng, một nền văn minh lớn của nhân loại, do đó có thể nói Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa nhiều hơn các nước Đông Nam Á khác. Điều này thể hiện trong cách suy nghĩ, cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội.
Hơn nữa, Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa chủ nghĩa tư bản thông qua Pháp. Pháp đã đô hộ Việt Nam gần 100 có nhiều giao lưu, tiếp biến và ít nhiều khúc xạ (từ của Gs. Phan Ngọc) qua văn hóa của người Việt Nam.
Giai đoạn sau khi Pháp rời Việt Nam, ở miền Nam Việt Nam, chịu ảnh hưởng của văn hóa tư bản kiểu mới (Mỹ), còn ở miền Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác-xít cho đến tận ngày nay.
Vài ý kiến về sự chậm phát triển của Việt Nam. Xin quý vị góp ý kiến.

Tài liệu tham khảo:
1/ Tập bài giảng của GS. TSKH Trần Ngọc Thêm về văn hoá quản trị kinh doanh
2/ Phan Ngọc 2002, 550tr.
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi xuanhieu » Thứ 2 12/11/07 17:03

Mỗi người có những cách nhìn nhận và giải thích khác nhau về nguyên nhân chậm phát triển của Việt NAm cũng như nhận thấy được những bài học bổ ích từ hiện tượng " thần kì Đông Á". Theo tôi nghĩ, chúng ta đừng nên ngắm nghía mãi những sai lầm, những thất bại đã qua vì nguyên nhân cũng nhiều và mỗi người có cái nhìn khác nhau vì chúng ta đứng ở nhiều góc độ nhìn nhận , cần tìm ra biện pháp khắc phục yếu kém để đưa Việt NAm phát triển đó mới điều quan trọng. Bên cạnh những nguyên nhân, các bạn hãy cố gắng đưa ra cách khắc phục.
Sản xuất kinh doanh nói riêng, xây dựng và phát triển knh tế , xã hội nước ta nói chung đang ở trong giai đoạn hết sức đặc biệt. Bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, phức tạp không chỉ về khía cạnh kinh tế. XÂy dựng nền văn hoá kinh doanh Việt NAm không dừng lại chỉ vì chúng ta cần một triết lí hay một đạo lí trong kinh doanh mà là xây dựng một trường phái kinh doanh Việt Nam, một thương trường luôn phát triển có trật tự, kỉ cương, ý thức tự giác cao với những con người vừa có đức vừa có tài trong khi tham gia làm kinh tế phát triển xã hội
RANDOM_AVATAR
xuanhieu
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 11:52
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi NGUYENANH » Thứ 3 13/11/07 8:33

Nhìn người lại nghĩ đến ta, sự đi lên mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây cho thấy tiềm năng, sức mạnh cũng như nghị lực đi lên của đất nước giàu con người nhất thế giới này. Cho đến những năm của thập niên 90 thế kỉ trước, Trung Quốc vẫn còn bình thường lắm, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, đúng hơn là trong một thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã vươn lên như một con rồng thực thụ chừng như không gì ngăn cản và cũng chừng như đó là quy luật mà người Trung Quốc đã khéo vận hành và ứng dụng. Trung Quốc là thế, nhiều bài viết với nhiều nguyên nhân giải thích cho vấn đề này đã được đưa ra. Song dù với bất cứ nguyên nhân, động cơ phát triển nào thì sự đi lên của Trung Quốc là điều có thật, là không thể phủ nhận và có thể khẳng định đó chính là tấm gương lớn sinh động cho Việt Nam soi mình mà lớn theo.
Nhìn lại ta, Việt Nam trong những năm gần đây cũng phát triển với một chỉ số ấn tượng và độ ổn định rất đáng tin cây. Nhưng nhìn chung, nước ta vẫn thuộc nhóm nước nghèo. Từ phương diện văn hóa, con người Việt Nam tuy không thật ưu việt song hoàn toàn có đủ khả năng đưa đất nước mình đi lên nhanh hơn nữa và mạnh hơn nữa. Câu hỏi được đặt ra là đến bao giờ Việt Nam theo kịp được các nước tiên tiến. Với mục tiêu 2020 nước ta cơ bản là một nước công nghiệp, song những vấn đề nảy sinh cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế nước là điều đáng lo ngại. Sự phát triển không đồng bộ, giải quyết các vấn đề không triệt để nhất định sẽ tạo mầm móng cho sự yếu kém sau này. Do đó, để phát triển kinh tế, Việt Nam không chỉ quan tâm riêng đến kinh tế mà cần có một sự đầu tư phát triển toàn diện mọi mặt.
Lại nói đến chuyện “Tâm, Tài, Tiền, Tầm”, dường như Việt Nam ta cái gì cũng có mà cái gì cũng thiếu. Tâm người Việt dùng để sống tình cảm hơn là để làm ăn; Tài người Việt vốn gốc trọng “tài văn” hơn là “tài tính toán”; Tiền người Việt vốn đã thiếu về số lượng, yếu về chất lượng lại không đủ độ “lạnh”, độ “năng động” để có thể gây được sóng lớn trên thương trường; Tầm người Việt được biết đến trong lịch sử với tư cách những chiến binh lỗi lạc hơn là những nhà kinh doanh. Và cũng đã đến lúc chúng ta đề cập đến chữ “Tín” trong kinh doanh, điều mà tính xuề xòa nông nghiệp Việt đã hoàn toàn lấn át nó. Nói chung, rất nhiều, rất nhiều việc phải làm, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được. Và câu trả lời muôn thuở vẫn là thời gian, thời gian và thời gian…
RANDOM_AVATAR
NGUYENANH
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 3 19/06/07 21:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Gửi bàigửi bởi nguyenlam » Thứ 3 13/11/07 10:59

Nhìn đi nhìn lại, càng phát triển thì đất nước Việt Nam lại càng nảy sinh nhiều vấn đề đáng buồn. Chúng ta luôn chê trách chúng ta nhưng lại không có ai thật sự bắt tay vào để làm một điều gì đó thật có ích. Dân tộc Việt Nam không thua kém về mặt trí tuệ so với các dân tộc khác, giới trẻ ngày nay cũng rất giỏi không kém gì các thế hệ đi trước nhưng dường như Việt Nam vẫn vấp phải những trở ngại có lẽ là do chính mình tạo ra. Có một điều mà tôi nhận thấy từ trong thực tế đó là người Việt Nam có thừa khả năng nhưng họ chưa thật sự làm những điều họ muốn. tầm ý thức, trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng chưa cao, ít chịu nhìn xa trong rộng cho nên sự nỗ lực để có một nền kinh tế tri thức như các nước Đông Á đã làm sẽ mãi là một hạn chế.
Tương lai của đất nước sẽ không đáng buồn như thế nếu chúng ta bắt đầu kiên trì, không ngừng cố gắng từ ngay hôm nay.
RANDOM_AVATAR
nguyenlam
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 4 13/06/07 16:35
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

VH QTKD: Nguyên nhân chậm phát triển của VN

Gửi bàigửi bởi THANHTAM » Thứ 3 13/11/07 14:49

pham thi bich hang viết: "Phải nhận rằng, số lượng “người quản trị” ở Việt Nam khá lớn, quản trị khắp mọi lãnh vực, lớn có nhỏ có rải đều từ Trung ương cho đến địa phương. Một đất nước nhỏ như Việt Nam mà có đến hơn 1,3 triệu công chức nhà nước (tính cho đến năm 2005) thì là một con số “khổng lồ”."
Số lượng công chức nhà nước khổng lồ (1,3 triệu ) nhà nước làm việc không hiệu quả làm ảnh hưởng đến kinh tế nước nhà là đúng song khái niệm “người quản trị” nhất là người quản trị doanh nghiệp không thể đồng nhất với khái niệm “công chức nhà nước”.
Đồng ý là một trong những nguyên nhân kinh tế Việt Nam chậm phát triển do người quản trị không thực hiện tốt vai trò của mình. Nói chính xác hơn là cách đánh giá người quản trị, đặc biệt là người quản trị doanh nghiệp của người Việt ta còn nhiều hạn chế.
Bản chất quản trị là quan hệ trên dưới nhưng truyền thống quản trị Việt Nam là một truyền thống quản trị dung hòa. Và người quản trị doanh nghiệp Việt Nam ( nhất là ở các doanh nghiệp mang yếu tố nhà nước) thường lấy dung hòa làm trọng.
Tiêu chuẩn chính của người quản trị Việt Nam là người quản trị phải là người có UY TÍN, ĐỨC ĐỘ . Uy tín này được xây dựng trên nhiều yếu tố chứ không hẳn là do năng lực kinh doanh hay quản lý doanh nghiệp. Những người có công trong với cách mạng, có lối sống mẫu mực, được nhiều người yêu quý…dễ được bổ nhiệm làm công tác quản lý. Tất nhiên đây là những điều kiện cần nhưng không hẳn là đủ đối với người quản trị doanh nghiệp. Tiêu chuẩn thứ ba là người quản trị phải có KINH NGHIỆM và từ trọng kinh nghiệm dẫn đến trọng tuổi tác: “ Kính lão đắc thọ”. Cho nên đội ngũ người quản trị Việt Nam nói chung và người quản trị doanh nghiệp nói riêng “GIÀ” hơn so với phương Tây và thế giới. Tiêu chuẩn của người quản trị Việt Nam khác hẳn với người phương Tây. Người quản trị, đặc biệt là người quản trị doanh nghiệp đầu tiên và quan trọng nhất phải có năng lực quản lý. Nếu người Việt Nam chú trọng đến chữ ĐỨC, TUỔI TÁC thì người phương Tây chú trọng đến chữ TÀI, và chú ý đến đội ngũ những người trẻ tuổi. Chính vì thế đội ngũ quản trị của người phương Tây “trẻ”, đầy năng lực, tài giỏi thực sự và có sức bật lớn.
So sánh về tiêu chuẩn của người quản trị giữa Việt Nam và phương Tây trên một vài phương diện như thế ta dễ nhận thấy rằng được một phần nguyên nhân sự chậm phát triển của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện tại là ở đội ngũ người quản trị. Chữ tín, chữ đức, trọng kinh nghiệm và những người đi trước là điều đáng quý song trong bối cảnh hiện nay nếu chú trọng thái quá những vấn đề như đã nói trên thì người quản trị nói chung và quản trị doanh nghiệp Việt Nam nói riêng khó có thể tạo nên sức bật của nền kinh tế nước nhà. Việc trẻ hóa đội ngũ người quản trị, chú trọng đến năng lực, tài năng thực sự của người quản lý là điều cần thiết lắm thay.
TT
10/2007.
8O 8O 8O
RANDOM_AVATAR
THANHTAM
 
Bài viết: 35
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 14:04
Đến từ: Tp.HCM- Viet Nam
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

NGUYEN NHAN VN CHAM PHAT TRIEN

Gửi bàigửi bởi ttmmsuongkho » Thứ 3 13/11/07 17:30

Chậm phát triển của VN đang là mối bận tâm của những nhà hoạch định chiến lược, của mỗi người Việt đang sống trong nước cũng như người Vn ở nước ngoài. Bạn là người Việt hãy suy đóng góp ý kiến để chúng ta cùng tiến lên xứng với tầm vóc con rồng cháu tiên
Tập tin đính kèm
NGUYÊN NHÂN CHẬM PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM.doc
(102 KiB) Đã tải về 1303 lần
RANDOM_AVATAR
ttmmsuongkho
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 14:45
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá kinh doanh / Văn hoá Doanh nghiệp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến17 khách

cron