Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá kinh doanh, văn hoá quản trị trong kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp...

Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi rua » Thứ 3 29/06/10 18:38

(Phản hồi tin “Đề nghị xử phạt việc dùng dây trói cua để nâng trọng lượng”, báo Pháp Luật TP.HCM ngày 18-6)
http://phapluattp.vn/20100629123247718p0c1027/day-troi-cua-va-moi-lo-ve-dao-duc-kinh-doanh.htm
Theo tin trên thì Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu đã ký văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trung ương sớm ban hành quy định xử phạt hành chính đối với người dùng dây to trói cua biển nhằm nâng trọng lượng cua. Đề xuất này dựa trên khảo sát của cơ quan Quản lý thị trường Bạc Liêu ghi nhận người kinh doanh cua biển thường dùng dây rất to để trói cua nhằm nâng trọng lượng cua lên từ 20% đến 25% so với trọng lượng thật. Việc làm này làm xấu đi nét văn hóa trong thương mại của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Về mặt pháp luật, đây là một hành vi gian lận thương mại nhưng hiện chưa có văn bản quy định mức chế tài và các hình thức xử lý.

Thoạt nghe thì có thể nghĩ đây là chuyện nhỏ “có mấy con cua mà tỉnh cũng đòi làm lớn chuyện”. Nhưng ngẫm kỹ sẽ thấy “đau” cho cách làm ăn bậy bạ, lừa đảo xảy ra trong thời gian rất dài mà ai cũng thấy, cũng biết nhưng dễ dàng dung túng, cho qua! Sâu xa hơn, bên trong những sợi dây trói cua đang chứa đựng những khiếm khuyết lớn về đạo đức kinh doanh.

Hơn 30 năm trước, tới mùa gió chướng, sông rạch quê tôi cua biển khá nhiều. Mỗi lần bắt được cua, ba tôi thường trói chúng bằng những cọng dây lạt dừa nước nhỏ. Nhìn lũ cua (có con nặng hơn nửa ký) nằm xếp càng trong chiếc giỏ tre ai cũng vui. Lúc ấy ở chợ quê tôi người ta cột cua thành từng chùm (cũng bằng loại dây ấy) bỏ vào thúng hoặc thau nhôm ngồi bán…

Nay sống ở thành thị, thấy người ta bán cua mà tôi chạnh lòng. Cua bị trói bởi những sợi dây vải hoặc dây nylon ẩm ướt to bằng ngón tay. Không phải vì chúng nặng cỡ… bốn, năm chục ký nên phải trói như thế mà vì những người buôn gian bán lận muốn biến cua nặng chừng 300g thành… nửa ký! Thành ra người mua vô tình phải trả thêm tiền cho những sợi dây trói cua “bự chảng”. Chưa hết, có người còn ma mãnh trét đầy bùn đất lên mình cua để người mua lầm tưởng cua dính đất là cua chắc (nhiều thịt).

Có một thực tế là những hình ảnh xấu xí như thế rất ít có ở các chợ quê. Có lẽ do quan hệ tình làng nghĩa xóm nên người dân nơi đây không dám giở trò dối trá tệ hại với người mua. Nhưng ở các đô thị (nơi dọc đường gió bụi) thì lại khác. Người mua từ tứ phương đến và có thể sẽ không bao giờ quay lại nên người bán chẳng việc gì phải sợ. Thế là chuyện lừa lọc cứ diễn ra công khai, từ năm này đến năm nọ riết rồi đâm quen!

......Nói vậy để thấy cần phải chia sẻ với những bức xúc của Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu và cũng để tin rằng cái gì không đẹp, không thật sẽ phải sớm được đào thải.
ĐÀO THẠNH (TP.HCM)
-------------------------

Từ chuyện “dây trói cua” bàn về tính GIAN VẶT TRONG VĂN HÓA KINH DOANH:

Chuyện “dây trói cua” không hiếm. Như việc chúng ta ra chợ mua một con gà khi mổ ra thì đã có bao nhiêu gram đất đá sỏi cát. Hay những người bán xăng ven đường thường pha loãng xăng đến nỗi máy xe không thể nào nổ được… Ngoài hình thức độn thêm, ăn gian về số lượng, còn có một thứ đáng sợ hơn nữa: ăn gian về chất lượng. Những thứ hoa quả, thực phẩm được bảo quản bằng hóa chất, được sửa “đát”…

Hỏi tại sao những người này không giữ chữ “tín” trong kinh doanh? Vì cũng như chuyện bán cua, khách hàng của những trò gian vặt thường “một đi không trở lại”. Cộng thêm, những người kinh doanh cũng chỉ theo kiểu “buôn đầu chợ bán cuối chợ”. “Hoá ra ngay trong tư duy đã thấy người mình khác nhiều so với các nước. “Buôn”, tại Từ điển của ông Hoàng Phê, chỉ được tóm gọn lại “ mua để bán lấy lãi”. Từ điển của Hội Khai trí Tiến Đức năm 1931 thì ghi là “mua để mà bán lấy lợi”. Trong khi đó Tân hoa tự điển của Trung Quốc bản năm 2007 tôi đang có trong tay định nghĩa chữ thương trong thương nghiệp “là hoạt động kinh tế lấy phương thức mua bán để lưu thông hàng hóa”. Hai cách định nghĩa đó cho thấy rõ người mình hiểu công việc buôn bán đơn sơ thế nào trong khi lẽ ra nó phải được quan niệm một cách đầy đủ ra sao.” (Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn).

Theo GS Trần Ngọc Thêm, “Trong nhận thức chung của nhiều dân tộc, kinh doanh thường đối lập với văn hoá”. Việt Nam nằm trong số đó. Kinh doanh ở ta từ xưa đã là một nghề vốn không được coi trọng. Tính gian vặt đã góp phần khiến nó còn bị khinh rẻ nặng nề. Khinh rẻ đến nỗi, người kinh doanh chỉ được gọi là “con buôn”. Tính gian vặt có lẽ vốn do tư tưởng bị khống chế bởi tư duy tiểu nông. Tầm nhìn hạn hẹp không thấy những cái lợi lâu dài nhưng lại rất khoái chí, sung sướng với những cái lợi nhỏ nhoi trước mắt. (Và phải chăng tư duy manh mún, lẻ tẻ đã khiến ở ta không chỉ những thói gian cũng vặt vãnh mà cả những hoài bão cũng nhỏ nhoi?).

Những “tàn tích” mang vào cả đến hôm nay. Vẫn nhan nhản những kiểu buôn bán chộp giật khiến người ta phải đặt câu hỏi về đạo đức kinh doanh. Nhưng cũng phải đặt câu hỏi tại sao những ‘tàn tích” đó lại có đất sống lâu như vậy?. Phải chăng đạo đức xã hội đang đi xuống cũng góp phần dung dưỡng tính gian vặt cho đạo đức kinh doanh??? “Tát nước theo mưa, tôi muốn nói đùa nếu coi hiện tại cũng là lịch sử thì cái bí ẩn nhât của hôm nay, mà các nhà lịch sử về sau sẽ còn vỡ đầu không lý giải nổi, đó là tại sao sau chiến tranh, con người VN – mà một bộ phận lớn ta hay gọi chung là nhân dân – lại hư hỏng nhanh đến vậy”. (VTN)

Từ chuyện “dây trói cua” đến tính gian vặt đến đạo đức kinh doanh, đạo đức xã hội có lẽ đã đi hơi quá xa. Xin dừng lại để cùng bàn.
Phan Thị Thùy Linh - Học viên Cao học K9
http://www.phapluattp.vn
rua
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/11/08 16:25
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi vietnam83 » Thứ 7 28/08/10 10:13

Đúng là kinh doanh ở mình là kinh doanh manh mún nhỏ lẻ. Chúng ta không có những doanh nghiệp mà tên tuổi của nó có thể khiến người ta nghĩ đến quốc gia của nó như Mac Donald's của Mỹ, Toyota của Nhật, Samsung của Hàn Quốc... Đối với kinh doanh nhỏ lẻ chữ LỢI quan trọng hơn chữ TÍN rất nhiều. Bởi vì sự tồn tại của của hình thức kinh doanh đó không lâu dài, TÍN để mà làm gì. Chi bằng kiếm cái LỢI trước mắt cho chắc cái thân, ấm cái cật.
Tôi nghĩ Sở Bạc Liêu làm vậy là đúng. Dù trong suy nghĩ của nhiều người, người ta bán cua, bé như cái lỗ mũi, tội tình làm chi. Mấy cái lớn hơn sao không làm dữ. Không biết cái lớn hơn có làm dữ không>\? Nhưng mấy cái nhỏ không nhổ tận gốc thì cũng thành cái lớn. Cái GIAN VẶT sẽ thành GIAN LỚN. Sự suy nghĩ của chúng ta về việc nương tay cho cái lỗi nhỏ, âu cũng duy tình và vô tình tiếp tay cho cái GIAN VẶT trong kinh doanh.
RANDOM_AVATAR
vietnam83
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 3 17/08/10 9:46
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi nguyenga » Thứ 7 28/08/10 11:25

Tôi cũng đồng ý với vietnam83, những cái nhỏ mà không làm được sao có thể thực hiện những công việc tầm cỡ. Ông bà ta nói rất hay:"Tích tiểu thành đại". Nếu ai cũng như tỉnh Bạc Liêu thì đất nước mình sẽ ngày càng tốt đẹp. Hy vọng các tỉnh khác sẽ bắt chước theo mô hình này. Từ xưa đến nay chữ TÍN và tính TRUNG THỰC trong kinh doanh luôn được đề cao, những gì hay thì nên gìn giữ và phát huy, nhất là trong thời đại kinh tế thị trường, nước ta đang đón những làn gió mát và cả những cơn gió độc cho nên việc gìn giữ bản sắc dân tộc và bắt chước các điều hay lẽ phải, cũng như áp dụng khoa học tiên tiến đi trước đón đầu là điều cần làm ngay.
RANDOM_AVATAR
nguyenga
 
Bài viết: 218
Ngày tham gia: Thứ 7 29/11/08 9:40
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi rua » Thứ 6 03/09/10 22:59

Cảm ơn vn83 và chị Nga đã góp ý kiến.
Nhân đã nói đến mối lo đạo đức kinh doanh, cũng nên đi tìm một định nghĩa đạo đức kinh doanh.
Trước hết là “đạo đức”, đạo đức trong tiếng Anh là ethics, từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp ethiko và ethos, nghĩa là phong tục hoặc tập quán. Như vậy đạo đức vốn là một truyền thống trong xã hội. Khi có hoạt động thương mại thì cũng có những quy chuẩn đạo đức cho kinh doanh. Trong bộ luật Hammurabi từ khoảng 2000 TCN, đã có quy định về giá cả, thuế quan, cách thức hoạt động thương mại và cả hình phạt hà khắc cho những kẻ không tuân thủ.
Tuy nhiên định nghĩa đạo đức kinh doanh mang tính khoa học mới chỉ xuất hiện mấy mươi năm gần đây. Giáo sư Phillip V. Lewis (Đại học Abilene Christian, Hoa Kỳ) định nghĩa “ Đạo đức kinh doanh là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ để cung cấp chỉ dẫn về hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực trong những trường hợp nhất định”
Như vậy, theo khái niệm này, tính trung thực được đề cao. Bởi đạo đức luôn có sự mâu thuẫn với kinh doanh. Người tiêu dùng luôn mong muốn mua hàng với giá thấp nhất còn các doanh nghiệp lại muốn có lãi cao nhất. Xã hội mong muốn giảm ô nhiễm môi trường, còn các công ty lại muốn giảm tối đa chi phí phát sinh khi tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Nhưng định nghĩa này còn chung chung, chưa thể hiện rõ những người có liên quan đến đạo đức kinh doanh.
Người viết thử đưa ra một định nghĩa: “Đạo đức kinh doanh là những tiêu chuẩn, quy tắc để cung cấp những hành vi ứng xử đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của cộng đồng, người tiêu dung và những người liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp”.
Phan Thị Thùy Linh - Học viên Cao học K9
http://www.phapluattp.vn
rua
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/11/08 16:25
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi nguyenga » Thứ 7 04/09/10 13:37

Ôi giỏi quá, đưa ra được một định nghĩa là chị vô cùng khâm phục nghen. Cứ thế phát triển Thùy Linh nhé!
RANDOM_AVATAR
nguyenga
 
Bài viết: 218
Ngày tham gia: Thứ 7 29/11/08 9:40
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi vietnam83 » Chủ nhật 26/09/10 11:36

Tôi nghĩ bởi đạo đức mâu thuẫn với kinh doanh nên điều quan trọng trong đạo đức kinh doanh chinh la tính[url]trung thực[/url]. Tiếp theo đó là sự chăm sóc khách hàng. Tóm lại là chăm sóc khách hàng bằng sự trung thực, đó là đạo đức kinh doanh.
Nhân tiện nói thêm chuyện bây giờ sao nhiều người làm nghề buôn mà đối xử với thượng đế của mình kì quá, cau có, quát nạt như thể người ta đi xin của mình zậy.
RANDOM_AVATAR
vietnam83
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 3 17/08/10 9:46
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi rua » Chủ nhật 26/09/10 12:05

Trong bài giảng của thầy Thêm, phần mối quan hệ LỢI và NGHĨA có nói: Trong kinh doanh kiếm lời mà đặt Lợi lên hàng đầu thì vẫn chỉ là tầm nhìn của kẻ tiểu nhân. Trong kinh doanh kiếm lời mà đặt Nghĩa lên hàng đầu thì mới là tầm nhìn của người quân tử. Điều này ứng với việc mà chúng ta đã bàn đến trên: buôn bán nhỏ lẻ thì LỢI vẫn là trên hết.
Việt Nam nằm trong vùng Đông Nam, coi trọng DANH hơn LỢI. Mà kinh doanh thì coi trọng LỢI nên nghề buôn thường bị gán cho là tham lam, gian dối. Các vấn đề như đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp… mới chỉ nổi lên kể từ khi Việt Nam tham gia vào quá trình quốc tế hóa và tòan cầu hóa vào năm 1991.
Phan Thị Thùy Linh - Học viên Cao học K9
http://www.phapluattp.vn
rua
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/11/08 16:25
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi rua » Thứ 2 27/09/10 21:19

Về sự gian vặt của người mình trong làm ăn, có thể dẫn chứng trong văn của Thạch Lam ở tác phẩm Hà Nội băm băm sáu phố phường: Trong khi bát mì của mấy chú khách (tức đám Hoa kiều ) đầy đặn thì người mình chỉ giỏi giả lễ bà chúa mường. Bát mằn thắn của các ông chủ người Việt có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt, song mằn thắn bột thì thô, nhân là một tí thịt bạc nhạc, nước rất nhiều nhưng nhạt.

Hay: mấy hiệu kẹo lạc kẹo vừng Cự Hương, Ngọc Anh. Lúc đầu còn chịu khó làm thật ngon để chiều khách, sau giàu rồi thì ra mặt vênh váo và bắt đầu làm ăn chểnh mảng... Nói chung cái sự kinh doanh nhỏ lẻ không thể chú tâm cho 2 chữ thương hiệu. Gian vặt là cốt để giàu mau, lời mau. Giàu lên một tý là đã thỏa mãn, mới sinh ra lơ là...
Phan Thị Thùy Linh - Học viên Cao học K9
http://www.phapluattp.vn
rua
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/11/08 16:25
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi SongBiec » Thứ 3 12/10/10 23:40

Tôi đồng ý với ý kiến của bạn
rua đã viết:đạo đức luôn có sự mâu thuẫn với kinh doanh
Và để hạn chế sự mâu thuẫn này, tôi nghĩ rằng kêu gọi lương tâm, trách nhiệm của người kinh doanh trong hoàn cảnh hiện nay là một việc làm kém hiệu quả. Cách tốt nhất hiện nay là cần phản có những văn bản pháp luật rõ ràng, cụ thể để quy định hành vi ứng xử của doanh nghiệp. Và tất nhiên, những văn bản pháp luật đó phải được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, có tính khả thi và được cơ quan hành pháp thực thi nghiêm minh.
LÁ SÂN TRƯỜNG một thời áo trắng
SÓNG NGÀN KHƠI gửi đến muôn nơi
SongBiec
 
Bài viết: 156
Ngày tham gia: Thứ 3 04/03/08 12:14
Đến từ: Gia đình văn hóa K9
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh

Gửi bàigửi bởi quynhanh » Thứ 4 13/10/10 21:54

Về vấn dề dây trói cua và đạo đức kinh doanh, tôi có đọc một bài viết đăng trên báo Phụ Nữ của tác giả Nguyễn Quang Lập (cây bút chuyên viết cho mục Câu chuyện văn hoá) phản bác lại việc xử phạt người dùng dây trói cua, xin trích đăng để mọi người có một góc nhìn khác:
"Cách đây ít lâu thiên hạ được trận cười bể bụng về một ông giám đốc sở công thương ký văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trung ương sớm ban hành quy định xử phạt hành chính đối với người dùng dây to trói cua biển nhằm nâng trọng lượng cua. Ông cho biết đó là hành vi gian lận thương mại mà không hề biết sở dĩ người ta dùng dây to thấm nước trói cua là để giữ cho cua sống lâu. Và nếu người bán dùng dây rất to để trói nhằm nâng trọng lượng của cua lên từ 20% đến 25% so với trọng lượng thực như ông nói thì tự khắc người mua sẽ trừ bì 20% đến 25%, rât đơn giản. Ông cũng không hề biết chính phủ đã có nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Tóm lại, cả luật lẫn đời sống, lẫn văn hoá thương mại ông không hề biết, thế mà ông cầm chịch ngành công thương của một tỉnh...."
(Nguyễn Quang Lập, “Mù văn hoá”, Phụ nữ, số ra ngày 17/9/2010, tr.8)
Về cá nhân mình, hầu như tuần nào tôi cũng mua cua về nấu cháo cho con, và tất nhiên con cua cũng được quấn bằng một sợi dây to đùng. Thế nhưng khi cân, nếu số ký hiển thị là 500gr thì người bán chỉ tính tôi số tiền của 400gr, mặc dù tôi chưa hề mở miệng thắc mắc. Lúc đó tôi cũng nghĩ người bán đã trừ ra trọng lượng của dây trói. Còn về lý do dùng dây to trói cua thì trước đây tôi chỉ lý giải là do con cua có càng to nên phải dùng dây trói chặt để nó không kẹp người khác cũng như không bò đi mất. Còn lý do để cua sống lâu thì chỉ khi đọc bài báo trên tôi mới biết. Đôi dòng đóng góp về chủ đề “dây trói cua và mối lo về đạo đức kinh doanh”, mọi người vui lòng cho phản hồi thêm.
RANDOM_AVATAR
quynhanh
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 2 22/02/10 22:26
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá kinh doanh / Văn hoá Doanh nghiệp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron