VĂN HÓA KINH DOANH DỊCH VỤ MAI TÁNG Ở TP. HCM HIỆN NAY

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá kinh doanh, văn hoá quản trị trong kinh doanh, văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp...

VĂN HÓA KINH DOANH DỊCH VỤ MAI TÁNG Ở TP. HCM HIỆN NAY

Gửi bàigửi bởi NGUYEN THI THEM » Thứ 4 22/12/10 10:18

Đây là đề tài mình “phát minh” trong một lần đi đám tang, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người. 8O 8)

Nghe cụm từ “kinh doanh mai táng” có vẻ hơi lạ nhưng đây là thực tế đã có từ xưa, đã từng được phản ánh trong tiểu thuyết số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Ngày nay, ở Tp. HCM nói riêng và các nước đang tiến đến hiện đại hóa, trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau thì kinh doanh đám tang được coi là một nghề hái ra tiền. Ở Nhật Bản, Đài Loan đã thống kê, việc trở thành nhân viên các dịch vụ mai táng, chuyên lo hậu sự cho người chết được coi là một nghề hot nhất. “Người ta vẫn tưởng kỹ thuật viên, chuyên gia công nghệ thông tin hoặc thiết kế chip máy tính là những công việc được ưa thích ở Đài Loan, nhưng tất cả đã nhầm, bởi nghề được ưa thích tại hòn đảo này lại là dịch vụ tang lễ.” [http://www.tinmoi.vn/Dich-vu-tang-le-Nghe-hai-ra-tien-01112857.html]
Tại Tp. HCM hiện nay, việc kinh doanh mai táng cũng phát triển khá rầm rộ, hệ thống tổ chức khá chuyên nghiệp với sự liên kết rất nhiều lĩnh vực mà một đám tang cần có, trong đó cơ sở mai táng là cơ quan chủ chốt, chịu trách nhiệm chính và điều hành các dịch vụ khác, hình thành một đường dây kinh doanh khá chuyên nghiệp.
Bản thân hình thức kinh doanh này cũng là một hoạt động văn hóa, phản ánh phong tục tập quán của dân tộc nên có thể nghiên cứu theo cấu trúc 3 thành tố của GS. Trần Ngọc Thêm: văn hóa nhận thức, tổ chức, và ứng xử.
1. Văn hóa nhận thức
Với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” của nền văn hóa trọng tình Việt Nam, người kinh doanh dịch vụ mai táng đưa ra rất nhiều cách tổ chức, phục vụ khác nhau giúp tang chủ có thể thể hiện được tấm lòng của mình với người vừa nằm xuống.
Từ hiện tượng này đưa đến hai trường hợp: nếu người kinh doanh có đạo đức và biết trân trọng các giá trị văn hóa thì gia đình người mất sẽ có một đám tang ý nghĩa với giá cả phù hợp. Còn nếu người kinh doanh vô đạo đức sẽ lợi dụng cơ hội tang gia bối rối và tâm lý “không nên tính toán với người chết” của tang chủ mà “vẻ vời” nhằm mục đích kiếm càng nhiều tiền lời càng tốt. Từ đó mà phát sanh ra các đám tang lãng phí, lố bịch, gây phiền phức cho người khác mà rất nhiều người ở Tp. HCM phản ánh gần đây.
2. Văn hóa tổ chức

Cái chết của một người thoạt nhìn thì mang tính cá nhân nhưng với nền văn hóa nông nghiệp của Việt Nam, con người luôn gắn với gia đình gia tộc nên sự sống chết của một người là vấn đề của cả gia đình, gia tộc. Vì vậy tang lễ của một người cũng gắn với phong tục và tín ngưỡng mà gia đình, gia tộc của người mất đó.
Nắm được điều này, các cơ sở mai táng tổ chức thêm các dịch vụ phục vụ cho phong tục, tín ngưỡng của người mất.
Tp. HCM là nơi có nhiều dân cư đến từ các vùng đất khác nhau, các dân tộc khác nhau như Chăm, Hoa… nên các dịch vụ phục vụ cũng hết sức phong phú. Các dịch vụ như khóc mướn (phục vụ cho những tang chủ là người miền Bắc) tắm rửa cho người chết (gọi là lễ mộc dục) dịch vụ may đồ tang (để tang chủ thể hiện sự tiếc thương đối với người quá cố) dịch vụ kèn trống (kèn trống dân tộc dùng để những người đi tế và kèn Tây để phúng viếng người mất) dịch vụ hàng mã, dịch vụ ca múa nhạc, xe đưa rước (để người thân đưa người quá cố đền nơi an nghĩ cuối cùng) dịch vụ ghi hình để kỷ niệm…
Các buổi lễ liên quan đến tôn giáo cũng được dịch vụ mai táng cung cấp. Nếu gia chủ là người Hoa, sẽ có đội cúng tế người Hoa. Nếu gia chủ là người theo đạo Phật mà không quen biết các chùa chiền, cơ sở mai táng sẽ mời thầy giúp (có thể là thầy ở chùa nhưng thường là các thầy cúng chuyên nghiệp) Nếu gia chủ là người theo đạo Thiên Chúa, dịch vụ mai táng sẽ nhờ những ông Trùm đến hướng dẫn…
Nhìn chung, kinh doanh mai táng không phải là một ngành độc lập mà là sự liên kết rất nhiều ngành khác nhau.
3. Văn hóa ứng xử
Trong ứng xử với môi trường tự nhiên, vì Tp. HCM là nơi đất chật người đông, tấc đất tấc vàng nên đất để chôn người chết cũng phải mua, từ đây mà có dịch vụ mua bán đất ở các khu nghĩa trang. Đời sống hiện đại, có người muốn thiêu cho tiện lợi thì các lò thiêu mọc lên, rồi những nhà tang lễ ra đời để phục vụ cho những gia chủ người không có nơi tổ chức tang lễ (như người ở nhà chung cư hay những căn nhà quá nhỏ, nhà trong hẻm sâu hay không có nhà)
Tp. HCM là vùng đất mở, là nơi phát triển nhất nước nên nhu cầu của con người cũng theo đó mà tăng lên, đòi hỏi các dịch vụ phải chuyên nghiệp hơn. Dịch vụ mai táng cũng vậy, vì có nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này nên những cơ sở nào biết tiếp thu cái mới, phục vụ chu đáo sẽ được nhiều người tìm đến. Từ đó các dịch vụ không ngừng phát triển, trong những thay đổi đó cũng phản ánh được sự giao lưu văn hóa.
Đầu tiên là sự ứng dụng khoa học hiện đại trong kinh doanh một dịch vụ tưởng chứng như rất cũ. Chỉ cần vào google gõ từ “dịch vu mai táng” ta sẽ thấy hiện lên rất nhiều cơ sở mai táng, với những hình thức phục vụ khác nhau để gia chủ lựa chọn.
Trong tổ chức, vì đã tổ chức nhiều tang lễ với những dân tộc, tôn giáo khác nhau, nhà mai táng đã kết hợp chúng lại để làm phong phú hơn, “hấp dẫn” hơn, từ đó hình thành sự giao lưu văn hóa, trong đó giao lưu văn hóa Việt- Hoa là sâu sắc nhất. Có những tang lễ của người Việt, nhưng cơ sở mai táng cũng cho những bé gái ăn mặc sặc sở, gọi là những “cô đào” theo đứng hầu 4 góc quan tài, hay tục “nằm đường” của con gái người mất... là những nét văn hóa người Hoa. Còn việc thiêu người chết có lẽ được tiếp thu từ nền văn hóa Ấn Độ.
Giao lưu với văn hóa phương Tây thể hiện qua các ban nhạc tây trong tang lễ. Tang lễ ở Tp. HCM có một nét đặc thù là hầu hết đều có sự biểu diễn của ban nhạc Tây này. Ngoài ra còn có nhạc sóng phục vụ trong các đêm diễn ra tang lễ. Những yếu tố này đã làm cho tang lễ của những người thành phố trở nên hoành tráng hơn và hình như “vui” hơn so với tang lễ các địa phương khác.
Nhìn chung kinh doanh dịch vụ mai táng là hình thức kinh doanh khá đặc biệt. Nếu như văn hóa rất cần thiết cho các hoạt động kinh doanh thì càng cần thiết hơn trong kinh doanh mai táng. Bản thân hoạt động mai táng đã là một hiện tượng văn hóa. Nên muốn kinh doanh chúng một cách đúng đắn đòi hỏi người kinh doanh không chỉ có đạo đức mà còn phải am hiểu về văn hóa của từng dân tộc, từng tôn giáo thì hoạt động kinh doanh mới phát triển ổn định và có giá trị trong xã hội.
RANDOM_AVATAR
NGUYEN THI THEM
 
Bài viết: 20
Ngày tham gia: Thứ 4 07/10/09 20:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HÓA KINH DOANH DỊCH VỤ MAI TÁNG Ở TP. HCM HIỆN NAY

Gửi bàigửi bởi hoaiphong » Thứ 4 22/12/10 10:33

Thêm chọn đề tài hay đấy. Nhưng phần nhận thức thì chưa rõ ràng lắm. nói chung làm đề cương đi, dễ góp ý hơn
RANDOM_AVATAR
hoaiphong
 
Bài viết: 32
Ngày tham gia: Thứ 2 05/10/09 21:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hoá kinh doanh / Văn hoá Doanh nghiệp

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron