DANH NHÂN VĂN HOÁ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm nghệ thuật với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

Re: DANH NHÂN VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 3 27/11/07 22:32

[center]HỒ CHÍ MINH
TỪ CON NGƯỜI ĐẾN HUYỀN THOẠI
[/center]
[center](Minh Chi dịch từ quyển Hochiminh, A Life của Giáo sư sử học Duiker)[/center]

[justify]Tin về cái chết của cụ Hồ Chí Minh được cả thế giới bình luận sôi nổi. Những lời tán dương đến từ các thủ đô lớn của thế giới, Hà Nội nhận được hơn hai mươi ngàn bức điện phân ưu từ 121 quốc gia, bày tỏ lòng thương tiếc đối với nhân dân Việt Nam vừa mất đi vị lãnh tụ của họ. Một số nước xã hội chủ nghĩa tổ chức tang lễ cụ Hồ, và các bài xã luận của nhật báo các nước xã hội chủ nghĩa không tiếc đời tán dương cụ Hồ Chí Minh. Một bản tuyên bố chính thức của Matscơva đã ca ngợi cụ Hồ Chí Minh như là “người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng, vị lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, và là người bạn vĩ đại của Liên Bang Xô Viết.”
Từ những nước thuộc Thế giới thứ ba, vang lên lời ca ngợi vai trò của Hồ Chí Minh như là người bảo vệ những dân tộc bị áp bức. Một bài báo ở Ấn Độ mô tả Hồ Chí Minh như là tinh hoa “của nhân dân, là sự cụ thể hóa của hoài bảo tự do sôi động, của đức tính kiên trì vì cuộc chiến đấu của nhân dân”. Những bài báo khác ca ngợi đức tính giản dị và đạo đức cao cả của Hồ Chí Minh. Bài xã luận của một nhật báo Uraguay viết:
“Hồ Chí Minh có trái tim rộng lớn như vũ trụ, và thương yêu trẻ con không giới hạn. Ông là gương sáng của giản dị trong mọi lĩnh vực.”
Phản ứng từ các thủ đô Tây phương có phần lặng lẽ hơn. Nhà Trắng im tiếng không bình luận, các quan chức già cả của chính phủ Nixon đều có thái độ tương tự. Nhưng sự quan tâm của báo chí phương Tây đối với cái chết của Hồ Chí Minh thì sôi động hơn. Các báo chí chống chiến tranh có xu hướng mô tả Hồ Chí Minh bằng lời tốt đẹp như một địch thủ sáng giá, như là người bênh vực những kẻ yếu bị áp bức. Ngay những người quyết liệt chống đối chế độ Hà Nội, cũng kính trọng ông, như là người cống hiến hết mình, trước tiên là cho sự độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình, cũng như là người phát ngôn hàng đầu cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Một vấn đề then chốt, hiện hữu trong tâm trí của mọi bình luận gia là sự ra đi của ông Hồ sẽ ảnh hưởng gì đến chiến cuộc ở Đông Dương. Do tiếng tăm của ông Hồ như là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một chiến sĩ Cộng sản lão thành, Hồ Chí Minh được nhiều người đánh giá như một nhân vật thực tiễn, sống giữa đời, và nắm bắt được tính phức tạp của chính trị quốc tế và biết hành động tương ứng. Ngài Lyndon Johnson, có thể là địch thủ ngoan cố nhất của Hồ Chí Minh trong những năm 1960, thỉnh thoảng cũng bộc lộ với giọng chua chát rằng, là chỉ cần có thể ngồi cùng bàn với Bác Hồ thì “hai nhân vật chính trị lão thành này có thể đạt tới một thỏa thuận nhân nhượng nào đó.”
Những người kế nghiệp ông Hồ ở Hà Nội, thì không có được một sự thân mật quen thuộc như vậy. Ở ngoại quốc người ta không biết đến những người đồng sự ông Hồ. Ngoài ông Hồ ra, không có một nhà lãnh đạo cao cấp nào của Đảng từng sống và đi lại nhiều ở Pháp, và càng ít hơn nữa ở các nước phương Tây khác. Trong số các nhà lãnh đạo ở Việt Nam, từng ở nước ngoài, thì phần lớn đã được huấn luyện ở Trung Quốc hay là ở Liên Xô, và thế giới quan của họ bị hạn chế bởi học thuyết chính thống Mác-Lêninít. Tổng bí thư Lê Duẫn, nhanh chóng trở thành người kế nghiệp hợp pháp của Hồ Chí Minh, hình như phương Tây không biết gì đến. Ngay cả Matscơva và Bắc Kinh, Lê Duẫn cũng là một nhân vật ít được biết đến.
Trong di chúc của mình, cũng như trong suốt đời sống của mình, Hồ Chí Minh đã tìm cách bảo đảm sự cân đối giữa một bên là nhiệm vụ độc lập của dân tộc Việt Nam và một bên là sự cống hiến cho phong trào cách mạng thế giới. Trong tờ di chúc, được phác thảo năm 1965 và sau đó được tự tay sửa chữa hai lần năm 1968 và 1969, Hồ Chí Minh đã tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa xã hội, tuy là ông cường điệu công việc ưu tiên số một là hàn gắn vết thương chiến tranh, và nâng cao mức sống của nhân dân Việt Nam. Ông đặc biệt chú ý tầm quan trọng của việc đảm bảo bình đẳng giới tính giữa nam và nữ. Ông ca ngợi Đảng đã đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc cách mạng Việt Nam, nhưng kêu gọi mở cuộc vận động cải tổ và tự phê bình, nhằm dân chủ hóa tổ chức và nâng cao nếp sống đạo đức của cán bộ, sau khi chiến tranh chấm dứt. Cuối cùng, ông thiết tha kêu gọi phục hồi sự thống nhất của phong trào Cộng sản quốc tế trên cơ sở của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Lễ tang của Hồ Chí Minh được tổ chức tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, ngày 8 tháng 9 năm 1969, với hơn 100.000 người tham dự, kể cả đại diện các nước xã hội chủ nghĩa. Trong một bài phát biểu trước Quốc Hội, Lê Duẫn kêu gọi các cán bộ lãnh đạo của Đảng, ra sức thực hiện nguyện vọng tha thiết của Hồ Chí Minh, đánh thắng quân xâm lược Mỹ, giải phóng miền Nam, và thống nhất đất nước. Sau đó, ông hứa hẹn Đảng sẽ cố gắng hết sức mình để xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, và khôi phục tinh thần thống nhất trong phe xã hội chủ nghĩa.
Về những mặt nào đó, Lê Duẫn đã làm đúng như lời ông nói. Dưới sự lãnh đạo kiên quyết của ông, trong những năm tiếp theo ngày Hồ Chí Minh qua đời, nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam đã tiếp tục cuộc chiến tranh thắng lợi ở miền Nam. Mục tiêu trước mắt của Hà Nội là tăng cường lực lượng ở miền Nam, chuẩn bị mở cuộc tấn công quân sự mới, trong thời gian cuộc vận động bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1972. Đại diện Bắc Việt đàm phán với phía Mỹ ở Paris, nhưng với ít kết quả, vì cả hai bên đều chờ đợi một cuộc đột phá quân sự thắng lợi ở miền Nam tạo lợi thế cho cuộc đàm phán. Tuy là mức tổn thất chiến tranh của Hà Nội vẫn ở mức nghiêm trọng, nhưng các lãnh tụ Đảng vẫn lạc quan, vì tình cảm chống chiến tranh của nhân dân Mỹ đang lên cao, buộc Tổng thống Nixon phải công bố chương trình tuần tự rút quân đội Mỹ về nước, vào cuối nhiệm kì thứ nhất của ông.
Vào các ngày nghỉ lễ Phục Sinh năm 1972, với một số lính Mỹ còn lại ở Việt Nam dưới con số 5 vạn quân, Hà Nội mở một cuộc chiến dịch quân sự mới ở miền Nam. Cũng như cuộc lần trước năm 1968, cuộc tấn công ngày lễ Phục Sinh, không đem lại thắng lợi hoàn toàn, nhưng cả hai bên đều tung ra những lực lượng lớn, khiến đẩy nhanh quá trình đàm phán hòa bình. Hà Nội và Mỹ cuối cùng đạt tới một thỏa hiệp. Hiệp ước hòa bình Paris kêu gọi chấm dứt chiến sự tại chỗ, và số quân đội Mỹ còn lại ở Việt Nam rút lui về nước. Hiệp định không nói gì về sự tồn tại của quân đội Bắc Việt ở miền Nam Việt Nam. Sự phân chia đất đai giữa Mặt Trận Giải Phóng miền Nam Việt Nam và chính phủ Sài Gòn sẽ được giải quyết trong cuộc thương lượng giữa hai bên, thông qua một cơ cấu hành chính, gọi là Hội đồng quốc gia hòa giải và đoàn kết, bao gồm đại diện của hai bên và lực lượng trung lập. Sau đó Hội đồng sẽ chuyển sang giải quyết vấn đề tổ chức các cuộc bầu cử cấp toàn quốc.
Cũng như với Hiệp định Giơnevơ hai chục năm trước, Hiệp định Paris không chấm dứt được chiến cuộc Việt Nam. Nó chỉ tạo dễ dàng cho sự rút lui toàn bộ quân đội Mỹ, và miền Nam trở lại tình hình trước kia trong những năm 1960. Vì không có bên nào tôn trọng các điều khoản của Hiệp định Paris, cho nên chiến cuộc lại tái diễn ở nông thôn miền Nam. Vào đầu những năm 1975, Hà Nội mở cuộc tấn công mới với mục tiêu chiếm toàn bộ miền Nam vào năm sau. Nước Mỹ cũng đã bị yếu đi nhiều do sự từ nhiệm của Richard Nixon mùa hè năm trước, còn người kế vị là Gerald Ford thì không muốn đưa quân đội Mỹ trở lại Việt Nam. Phấn khởi trước thắng lợi, quân đội Bắc Việt tiến khỏi vùng Cao nguyên và ào ạt tiến thẳng về phía Sài Gòn, trong khi đó thì những cánh quân khác của họ chiếm Đà Nẵng và Trung phần Việt Nam. Vào tuần cuối tháng 4, quân đội của Cộng Sản hầu như chiến thắng hoàn toàn trong khi lực lượng kháng cự của Sài Gòn tan rã, và số người Mỹ còn lại được trực thăng cứu thoát từ ở mái cao của Tòa Đại sứ Mỹ, và chở đến các tàu Hải quân Mỹ đỗ ngoài khơi. Sau một chiến cuộc gay gắt, kéo dài 15 năm, với hơn một triệu người Việt Nam tử trận, “một cuộc chiến tranh chấm dứt” theo lời Tổng Thống Ford nói. Cũng trong thời gian này, Khơme đỏ chiếm chính quyền tại Phnom Penh hai tuần trước, và một chính phủ cách mạng được thiết lập ở Lào vào cuối năm.
Vào đầu tháng 7 năm 1976, hai miền Bắc và Nam Việt Nam được thống nhất lại thành một nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (SRV), lời thề danh dự của Lê Duẫn thực hiện. Một trong những ý muốn của Hồ Chí Minh đã được thành tựu. Tuy nhiên, thành công của Lê Duẫn trong việc thực thi di chúc của Hồ Chí Minh không được ngoạn mục trong các lĩnh vực khác… Năm 1968, một chuyên gia Xô Viết đã bí mật đến Hà Nội để hướng dẫn người Việt Nam về kỹ thuật ướp xác. Tháng ba sau đó, một nhóm quan chức Việt Nam đã đến Matscơva học hỏi thêm và báo cáo về nước về những tiến bộ của họ trong kỹ thuật ướp xác. Theo một nguồn tin khác, thì vấn đề này vẫn còn rất nhạy cảm trong nội bộ lãnh đạo Đảng vì bản thân Hồ Chí Minh vốn kiên quyết phản đối mọi kế hoạch mâu thuẫn với ý muốn được hỏa táng của ông. Ngày ông Hồ qua đời, Bộ Chính trị cũng chưa đạt được sự nhất trí cuối cùng về vấn đề này. Sau nhiều lần tham khảo cấp bách với Matscơva, một chuyên gia Xô Viết khác đã đến Hà Nội vào giữa tháng 9 để giúp các bác sĩ Việt Nam bảo quản thi hài ông Hồ.
Ngày 29 tháng mười một năm 1969, Bộ chính trị thông qua kế hoạch xây dựng lăng, để bảo quản thi hài của Hồ Chí Minh, nhằm giáo dục các thế hệ tương lai. Một ủy ban gồm các đại diện hai Bộ Xây dựng và Quốc phòng được cử ra để xét duyệt dự án với sự hỗ trợ của các cố vấn Xô Viết. Trong báo cáo cuối cùng gởi lên các nhà lãnh đạo Đảng, lăng tẩm phải được xây theo kiểu kiến trúc hiện đại, nhưng phải có bản sắc dân tộc. Theo đúng phong cách của Hồ Chủ Tịch, lăng phải vừa nghiêm trang vừa giản dị, và đặt tại một nơi thuận tiện cho sự thăm viếng. Để soạn thảo kiến nghị về mô hình lăng, ủy ban đã tham khảo một số các cấu trúc tưởng niệm, kể cả kim tự tháp Ai Cập, đài kỷ niệm vua Victor Emmanuel ở La Mã, đài tưởng niệm Lincoln ở Hoa Thịnh Đốn và lăng Lênin ở Matscơva. Sau các gợi ý thêm của Bộ Chính Trị, dự án lăng Hồ Chủ Tịch được công khai trình bài để lấy ý kiến của quần chúng rộng rãi. Trên ba vạn gợi ý đã được gởi tới Ủy ban.
Tháng 12 năm 1972, Bộ Chính trị đã thông qua bản dự án cuối cùng, và công trình xây dựng lăng đã bắt đầu ít lâu sau hiệp định Paris. Địa điểm được chọn là một trong những nơi thiêng nhất của cách mạng Việt Nam, tức là quảng trường Ba Đình, sát cạnh Phủ Chủ Tịch và nhà sàn nơi ở của bác Hồ. Khi cuối cùng, lăng được mở cửa cho quần chúng thăm viếng vào ngày 29 tháng 8 năm 1975, người ta thấy lăng của Hồ Chí Minh rất giống lăng Lênin ở quảng trường Đỏ. Mặt ngoài lăng lát bằng đá cẩm thạch màu xám của Đà Nẵng, ở đây, binh lính Việt Cộng núp dưới hầm trong núi có thể quan sát lính Mỹ tắm dọc bãi biển nổi tiếng, có tên gọi là bãi biển Trung Hoa, một trong những nơi tắm biển được quần chúng mến mộ nhất trong vùng. Ý đồ của dự án là lăng sẽ có hình dáng một đóa hoa sen, nở rộ trên bùn, tương tự như hình dáng của chùa Một Cột ở gần đó. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên nhận xét rằng, lăng có một kiểu dáng nặng và trái ngược hoàn toàn với nhân cách giản dị, vui tính của nhân vật nằm ở trong lăng với tư thế hai tay chắp lại, và y phục kiểu Tôn Trung Sơn đơn giản. Đúng như sử gia Huệ Tâm Hô Tai nhận xét, Hồ Chí Minh trong lăng được miêu tả như môt lãnh tụ Cộng Sản quốc tế, hơn là Bác Hồ gần gũi được hàng triệu người Việt Nam yêu mến.
Khi thực hiện kế hoạch bảo quản thi hài Hồ Chí Minh trong lăng, những người lãnh đạo Đảng rõ ràng đã không chú ý đến nguyện vọng của Hồ Chí Minh về hỏa táng và một tang lễ đơn giản. Hồ Chí Minh luôn tránh mọi hình thức hào nhoáng của quyền cao chức trọng, và năm 1959, sau khi có sự tiết lộ ông là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng, ông đã phản đối một kiến nghị xây dựng một bảo tàng viện nhỏ tại làng Kim Liên để kỷ niệm cuộc đời hoạt động của ông, với lý do số tiền xây dựng viện bảo tàng sẽ được dùng tốt hơn để xây dựng một trường học. Để tránh khỏi bị quần chúng phê phán là họ đã làm trái ý nguyện của Hồ Chí Minh, những người lãnh đạo Đảng xóa bỏ đoạn trong di chúc về cách xử lý thi hài của ông Hồ. Bản di chúc sửa đổi và công bố năm 1969, cũng bỏ qua nguyện vọng của Hồ Chí Minh miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân và cảnh báo đồng bào rằng cuộc chiến tranh ở miền Nam có thể kéo dài nhiều năm nữa. Đảng cũng công bố Hồ Chí Minh qua đời ngày mồng 3 tháng 9, tức một ngày chậm hơn ngày qua đời thực tế của ông Hồ, để tránh phạm vào ngày lễ mừng độc lập mồng 2 tháng 9 năm 1945, ngày Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.
Sau cuộc Đại hội lần thứ 4 của Đảng, họp tháng 12 năm 1976, các nhà lãnh đạo Đảng tuyên bố là chủ nghĩa xã hội có thể – trên những nét lớn – được xây dựng khắp toàn quốc trước cuối thập kỷ hiện tại. Để biểu trưng cho giai đoạn mới này của cuộc cách mạng, tên Đảng Lao động Việt Nam được đổi thành Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những người kế nghiệp ông Hồ muốn sử dụng hình ảnh ông Hồ để động viên quần chúng ủng hộ chương trình có nhiều tham vọng của họ. Hình ảnh của Hồ Chủ Tịch xuất hiện trên tem bưu điện, giấy bạc Ngân hàng, trên tường các công thự trong khắp toàn quốc, trong khi sách báo được xuất bản hàng loạt về cuộc đời, tư tưởng và đạo đức cách mạng của ông Hồ. Các lãnh tụ Đảng Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đều kể lại kỷ niệm của họ về bác Hồ, và nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh như là công cụ then chốt để xây dựng nước Việt Nam tương lai. Lớp thanh niên được khuyến cáo noi theo con đường của Hồ Chí Minh trong cuộc sống thường ngày, và các đoàn thanh niên Hồ Chí Minh được thành lập trong khắp nước. Nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác cũng ra sức vận dụng uy tín của Hồ Chí Minh vào mục đích của nước mình, và đặt tên Hồ Chí Minh cho trường học, xí nghiệp, đường phố, quảng trường, và tổ chức hội thảo để nghiên cứu di chúc và những thành tựu trong sự nghiệp của ông Hồ.
Những cống hiến của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện cụ thể trong viện bảo tàng Hồ Chí Minh, được hoàn thành vào mùa thu năm 1990, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Được bố trí trực tiếp ở ngay sau lăng, gần quảng trường Ba Đình, Viện bảo tàng có quy mô lớn, nhưng không có dáng nặng nề như lăng. Mặt ngoài của nó lát bằng đá cẩm thạch trắng, viện bảo tàng cũng được thiết kế như một đóa hoa sen, tuy nhiên một vài quan sát viên cho rằng cấu trúc bốn góc, với đường vào ở một góc khiến nó giống như một đuôi tàu.
Mặt dù những cố gắng lớn của Đảng biến tư tưởng Hồ Chí Minh thành biểu trưng cho nước Việt Nam mới, nhưng nhiều quan sát viên nhận thấy có nhiều khác biệt lớn giữa phong cách của Lê Duẫn và phong cách của Người tiền nhiệm vĩ đại. Trong khi Hồ Chí Minh kiên trì một đường lối tiếp cận tuần tự để thực hiện cuộc cách mạng Việt Nam nhằm tranh thủ sự ủng hộ tối đa của nhân dân trong một khung cảnh xã hội với nhiều khác biệt, thì Lê Duẫn thường áp dụng những chiến thuật tham vọng hơn, khiến cho nội bộ lãnh đạo Đảng thêm nhiều chia rẽ và nhiều bộ phận lớn của quần chúng bất bình. Trong khi đó Hồ Chí Minh luôn luôn tìm cách thích ứng chiến lược của mình với thực tế của tình hình quốc tế, thì những người kế nghiệp ông đi theo một đường lối “gây hấn” trên trường ngoại giao, không những khiến cho những nước bạn láng giềng Đông Nam Á mâu thuẫn với mình, mà còn khiến cho Trung Quốc tức giận, một nước từng là bạn đồng minh thân cận nhất và ủng hộ mạnh nhất đối với Việt Nam.
Những người chỉ trích đường lối lãnh đạo của Lê Duẫn đều bị đưa ra khỏi cương vị lãnh đạo Đảng (một trường hợp tiêu biểu là Võ Nguyên Giáp, hay là trường hợp của Hoàng Văn Hoan chọn con đường lưu vong ra nước ngoài). Kết quả thật là bi thảm cho một nước vừa ra khỏi một thế hệ chiến tranh. Ngay sau khi có lời tuyên bố quốc hữu hóa công nghiệp và thương mại, tháng ba năm 1978, thì đã có hàng nghìn người vượt biên trốn ra nước ngoài. Chương trình bước đầu tập thể hóa nông nghiệp lại càng mâu thuẫn với quần chúng nông dân Nam bộ. Vào cuối những năm 1970, nền kinh tế Việt Nam, bị chấn động bởi những cố gắng sai trái của Đảng xây dựng nền tảng một xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn toàn vào cuối thập kỷ này, đã hầu như bị tan rã.
Những vấn đề nội bộ của đất nước còn trở nên gay gắt thêm bởi các khủng hoảng đối ngoại. Sau khi chế độ Pôn Pốt cuồng tín và diệt chủng đã chiếm quyền ở Campuchia bác bỏ kiến nghị của Việt Nam thành lập liên minh quân sự giữa ba nước Đông Dương thì Việt Nam mở cuộc tấn công vào Campuchia và thiết lập một chính quyền bù nhìn ở Phnom Penh. Để trả thù, các lực lượng quân sự Trung Quốc tràn qua biên giới Trung Việt, trong một chiến dịch tuy ngắn ngủi, nhưng cũng buộc nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải bỏ ra nhiều tài nguyên quí báu để tổ chức phòng ngự. Vào giữa những năm 1980, tình hình bất mãn của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng, một nhóm lãnh đạo đã không nghe theo lời khuyên của Hồ Chí Minh đảm bảo cho nhân dân được hưởng lợi của cuộc chiến thắng quân sự. Tình hình bất mãn đó đạt tới mức độ báo động.
Sau khi Lê Duẫn qua đời vào mùa hè năm 1986, những người lãnh đạo Đảng thừa nhận họ đã sai lầm (có người gọi đó là sai lầm của sự say sưa chiến thắng), và tiến theo một con đường mới. Dưới sự hướng dẫn của một vị Tổng bí thư mới, một lãnh tụ miền Nam trước đây, có tên Nguyễn Văn Linh, Bộ chính trị thông qua các kế hoạch kích thích sự phát triển của nền kinh tế trì trệ, thông qua đường lối chủ nghĩa xã hội thị trường, và mở cửa đón vốn đầu tư từ nước ngoài, đồng thời có một thái độ cởi mở khoan dung hơn đối với sự bài tỏ ý kiến của nhân dân quần chúng. Chương trình này mang tên “đổi mới” khá tương tự chương trình “perestroika” của Mikhai Gorbachev ở Liên Xô, tuy rằng các nguồn thông tin từ Hà Nội nhấn mạnh nguồn gốc Việt Nam của chương trình.
Vào cuối thập kỷ, tuy các lực lượng bảo thủ trong Đảng có những hướng suy nghĩ khác, tuy việc tiếp thu những tư tưởng mới từ nước ngoài có kích thích nền kinh tế Việt Nam phát triển, nhưng nó cũng dẫn tới (ít nhất là theo cách nhìn của nhóm có tư tưởng bảo thủ) sự hiện hữu ngày càng tăng của ma túy, mại dâm, bệnh Aids, thái độ hưởng lạc của lớp thanh niên, cũng như sự phê phán ngày càng tăng đối với sự thống trị của Đảng trong mọi mặt của công việc quốc gia. Lo âu trước sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản Đông Âu và ảnh hưởng phá hoại của nền văn hóa phương Tây đối với các thiết chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đảng bắt đầu nghiêm trị mọi sự phản đối chính trị cũng như theo kiểu nói của các phần tử bảo thủ “những nọc độc của chủ nghĩa tư bản bourgeois”. Dưới sự lãnh đạo của người kế vị Nguyễn Văn Linh, và Đảng viên kỳ cựu Đỗ Mười, Hà Nội tiến theo con đường của Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn, và nghiêm trị mọi phản đối chính trị, và theo chính sách “cải tổ kinh tế, ổn định chính trị”. Trong khi chính sách tự do hóa kinh tế tiến triển với mức độ vừa phải, thì Đảng tái khẳng định vai trò truyền thống của mình như là lực lượng chính trị duy nhất của đất nước.
Những người Việt Nam chủ trương cải cách nhanh chóng vận dụng di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh sự nghiệp cải cách. Dẫn chứng Hồ Chí Minh như là một nhân vật có đầu óc thực tiễn, họ lập luận rằng ông Hồ đã thừa nhận sự cần thiết phải nâng cao mức sống của nhân dân, trước khi đặt vấn đề xây dựng một xã hội hoàn toàn xã hội chủ nghĩa. Họ đề cao hình ảnh Hồ Chí Minh như một nhà nhân bản với quan điểm khoan dung rộng rãi đối với những ý kiến chống đối, họ khẳng định là Hồ Chí Minh ắt đã ngăn chặng được mối chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo của Đảng, và vận dụng một đường lối tiếp cận bao quát hơn, để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân quần chúng. Vào cuối những năm 1980, phái cải cách được tăng thêm khi người thư ký riêng của Hồ Chí Minh là Vũ Kỳ, tuyên bố là Lê Duẫn và một số người đồng sự đã sửa đổi bản di chúc của ông Hồ bằng cách xóa bỏ đoạn trong di chúc nói về yêu cầu miễn thuế và tổ chức một tang lễ đơn giản. Bộ chính trị buộc phải thừa nhận là mình có lỗi, nhưng lại minh chứng tánh hợp lý của hành động của mình là vì lợi ích cao nhất của nhân dân Việt Nam, và phù hợp với những mục tiêu của Hồ Chí Minh lúc sanh thời.
Sự nhầm lẫn về bản chất đích thực của Hồ Chí Minh và di sản của ông không những tồn tại ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài. Ông Hồ được đánh giá khác nhau hoặc là như bậc Thánh cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng của quần chúng bị áp bức khỏi ách thống trị của các đế quốc phương Tây, hoặc là như một kẻ phạm tội đã truyền bá chủ nghĩa độc tài Cộng sản, trên khắp thế giới, hoặc tệ hơn nữa, như một phần tử cơ hội vô nguyên tắc, lợi dụng tiếng tăm liêm chính và giản dị của mình, nhằm mục đích tự đề cao bản thân. Khi tổ chức UNESCO chủ tọa một cuộc hội nghị ở Hà Nội năm 1990 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh, thì những lời ca ngợi ông Hồ tại hội nghị bị chống đối bởi những lời phê phán nổi lên khắp nơi trên thế giới, phản đối sự thần thánh hóa một nhân vật mà họ cho là chịu trách nhiệm về cái chết của quá nhiều đồng bào của ông.
Đối với nhiều quan sát viên, mấu chốt của cuộc tranh cãi xung quanh nhân vật Hồ Chí Minh là vấn đề ông được thừa nhận như một người Cộng sản hay là một người quốc gia. Nhiều bạn bè nước ngoài của ông Hồ nhấn mạnh ông Hồ là một nhà yêu nước hơn là một nhà cách mạng Mácxit. Hình như ông Hồ đã khẳng định quan điểm này, năm 1961, khi ông tuyên bố công khai là chính ước muốn cứu vớt đồng bào ông đã dẫn ông đến với chủ nghĩa Lênin. Ông đã nói lên tình cảm đó của ông trong nhiều trường hợp khác nữa, nhưng có thể là lần trình bài rõ ràng nhất là trong trường hợp ông nói chuyện với sỹ quan tình báo Mỹ Charles Fenn, năm 1945, ông nói rõ là chủ nghĩa Cộng sản chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích dân tộc chủ nghĩa. Khi được yêu cầu giải thích rõ, ông giải thích:
“Trước hết, ông phải hiểu là để dành được độc lập từ một đế quốc lớn như Pháp là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, không thể đạt tới nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, không nhất thiết là bằng vũ khí, mà còn bằng những chuyện giao tiếp và khuyên bảo. Trên thực tế, người ta không thể giành độc lập bằng những việc như ném bom v.v… Đó là sai lầm mà những nhà cách mạng trước đây thường phạm phải. Người ta đạt được độc lập nhờ tổ chức, tuyên truyền, huấn luyện và kỷ luật. Người ta cũng cần…một loạt những niềm tin, một thánh kinh, một sự phân tích thực tiễn, anh dũng có thể nói, một thánh kinh. Chủ nghĩa Mác Lê cho chúng ta những thứ đó.
Fenn hỏi ông Hồ rằng sao ông không lựa chọn nền dân chủ hay một hình thái nào khác của chế độ chính trị, hơn là một hệ tư tưởng có thể làm mất thiện chí của nước Mỹ, một nước mà ông Hồ tuyên bố rất thán phục. Hồ Chí Minh trả lời là chỉ khi ông tới Mạc Tư Khoa, ông mới nhận thấy được một sự giúp đỡ thực tiễn nào đó. Trong số các nước lớn, Liên Xô là “nước duy nhất là người bạn tuy thiếu thốn, nhưng với hành động (giúp đỡ) thực tế”. Sự trung thực của Liên Xô tương xứng với lòng trung thành của ông Hồ.
Hình như không còn nghi ngờ gì, đối với Hồ Chí Minh, sự sống còn của đất nước là luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của ông. Thực vậy, quan điểm của ông gây mối nghi ngờ trong số những lãnh tụ Đảng hàng đầu ở Hà Nội, Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Họ đặt vấn đề Hồ Chí Minh có phải là người Mácxít chân chính hay không. Tuy nhiên, có nhiều chứng minh rõ ràng là dưới một bề ngoài là người yêu nước, ông có trái tim sôi nổi của một nhà cách mạng cống hiến hết sức mình. Trong lập trường của Hồ Chí Minh, nhiệt tình cách mạng chắc là được nhen nhúm bởi kinh nghiệm sống trên các tàu biển, trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi ông phát hiện thấy những nỗi khổ của đồng bào ông, được chia sẻ bởi những dân tộc khác ở châu Á và châu Phi, sống dưới ách của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Nhiệt tình cách mạng này càng được nhen nhúm mãnh liệt thêm bởi thời gian ông Hồ ở Paris, khi ông phát hiện sự giả đạo đức của người Pháp, đã không thực hành lý tưởng của họ đối với các dân tộc thuộc địa. Hai năm sống ở Mạc Tư Khoa trong những ngày tháng sôi động đầu tiên của kinh nghiệm Xô Viết, hình như đã khởi động ở nơi ông nhiệt tình ngây thơ đối với một xã hội Cộâng sản tương lai. Trong thế giới hùng dũng mới của ông Hồ, chủ nghĩa yêu nước sẽ được thay thế bởi khái niệm của Lênin về một Liên bang toàn cầu tương lai của các xã hội Cộâng sản.
Những sự kiện xảy ra về sau này chắc chắn là đã có hiệu quả khiến cho thái độ của ông Hồ mực thước hơn. Các phiên tòa thanh lọc ở Matscơva – hình như đã khiến cho vị thế của ông cũng không được an toàn – đã làm xói mòn lòng tin của ông đối với kinh nghiệm Xô Viết. Sự thất bại của Matscơva không giữ được lời hứa tích cực hỗ trợ cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa đã gieo mối nghi ngờ ở nơi ông về tầm quan trọng của chủ nghĩa quốc tế vô sản, trong một thế giới chính trị quyền lực. Nhưng không có gì lay chuyển được niềm tin của ông đối với ưu thế tối hậu của chế độ xã hội chủ nghĩa. Cho đến giờ phút chót của đời mình, ông vẫn bám riết vào quan điểm rằng mô thức tư bản chủ nghĩa đã đem lại những thống khổ không kể xiết cho hàng triệu dân tộc bị áp bức, ở khắp các châu Á, Phi và Mỹ La Tinh.
Như vậy, vấn đề không phải ở chỗ ông là người quốc gia hay là người Cộng sản. Ông là cả hai loại người đó, theo kiểu cách của ông. Tất cả là do ở chiến thuật mà ông áp dụng. Hồ Chí Minh là con người tin ở nghệ thuật làm những việc có khả năng thực hiện nghệ thuật điều chỉnh lý tưởng của mình cho phù hợp với điều kiện của tình huống hiện tại. Đối với nhiều người, và ngay trong Đảng của ông, lối hành xử của ông nhiều khi hình như là vô nguyên tắc. Về sau này, những sự kiện xảy ra chắc chắn khiến ông Hồ có thái độ mềm mỏng hơn.
Đối với Hồ Chí Minh, “cái tốt nhất đôi khi chống lại cái tốt”, nếu nói theo lời ý nhị của Walter Bagehot, nhà khoa học xã hội người Anh. Ông Hồ áp dụng thái độ thực tiễn đó trong chính sách ngoại giao, thí dụ khi ông chấp nhận những giải pháp thỏa hiệp năm 1946 và năm 1954, hơn là chiến đấu trong những điều kiện bất lợi. Ông cũng tỏ ra có thái độ thực tiễn trong công việc nội trị, vì ông luôn tin tưởng rằng bước quá độ lên một xã hội chủ nghĩa phải được thực hiện tuần tự, nhằm tranh thủ một sự hưởng ứng rộng rãi của quần chúng.
Giống như Tổng Thống Mỹ Lyndon B. Johnson, Hồ Chí Minh tự xem mình là nhân vật có khả năng thuyết phục lớn, tức là người lãnh đạo, trong tình huống có lợi, có khả năng đạt tới mục tiêu của mình, không phải bằng bạo lực mà bằng lý trí. Trong một vài trường hợp, ông thành công. Trong nhiều trường hợp, thiện chí thỏa hiệp của ông làm kẻ thù sửng sốt và cho phép ông chuyển thế yếu quân sự thành lợi thế chính trị. Đồng thời hình ảnh giản dị, từ tâm và vô tư của ông có một sự hấp dẫn lớn lao, góp phần quyết định cho sự đồng tình rộng rãi trong nước cũng như ở nước ngoài, đối với cuộc cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh vì độc lập. Khó mà tưởng tưởng được một sự ủng hộ toàn cầu và rầm rộ đến như vậy, đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong những năm 1960, nếu người lãnh đạo không phải là Hồ Chí Minh mà là Lê Duẫn hay Trường Chinh.
Hình ảnh đó của Hồ Chí Minh có chân thực không? Chắc là không thể có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này. Không chút nghi ngờ rằng, ông thật sự ngại ngùng trong một bầu không khí xa hoa, và thích sống trong một khung cảnh giản dị, bình thường. Nhưng có nhiều bạn bè thân quen am hiểu hơn về ông Hồ, nhận xét nhiều khi có yếu tố giả tạo khi ông Hồ đóng vai trò một nhà khổ hạnh bình dị, một học giả Nho giáo chuyển thành nhà cách mạng Mác-xít. Đến Pháp vào cuối cuộc thế chiến thứ hai, ông nói với Vũ Đình Huỳnh là thư ký riêng rằng, đôi khi những giọt lệ cá sấu còn có ích hơn là tranh thủ được sự đồng tình khi nói chuyện. Nhiều năm sau đó, người đại diện của Ba Lan trong Ủy ban kiểm soát hiệp định đình chiến ICC ở Hà Nội nhận xét rằng, mặc dù ông Hồ công khai phản đối, nhưng hình như ông cũng hứng thú khi được đồng bào ông hoan nghênh trìu mến. Trong những năm 1940 và 1950, khi ông viết hai bản tiểu sử của mình dưới hai tên tác giả bịa đặt, thì chắc chắn là có yếu cái Ta xen lẫn trong đó, và hình ảnh thánh thiện của Hồ Chí Minh không phải do những người khác gán cho ông mà chính do tự bản thân cẩn thận tạo dựng nên.
Tất nhiên, có những lý do chính trị vững chắc để ông khuyến khích một sự sùng bái cá nhân như vậy. Năm 1947, khi một nhà báo Mỹ hỏi ông vì sao ông được yêu mến đến như vậy, thì ông trả lời một phần đó là do nhân dân xem ông như là một biểu trưng để thực hiện hoài bảo của bản thân họ. Ông nói thêm, hay là có thể vì ông yêu thương tất cả trẻ con Việt Nam như là cháu ruột cho nên, đổi lại, chúng cũng yêu thương “Bác Hồ” đặc biệt như vậy.
Từ ngày ông Hồ còn trẻ thơ, khi quốc gia ông và nền văn hóa của đất nước hầu như bị hủy diệt, ông quan sát thấy thanh thiếu niên Việt Nam lúc bấy giờ rất kính trọng những cụ đồ Nho ở làng, qua cuộc sống và sự dạy học của mình, thực hành những nguyên lý có giá trị siêu thời gian của chủ nghĩa nhân bản Khổng giáo. Vào cuối đời mình, ông Hồ lại đóng vai trò nhân vật đồ Nho đó để cứu nhân dân và khôi phục đất nước cho họ.
Không kể những lợi ích chính trị có được như thế nào từ một quyết định như vậy, Hồ Chí Minh đôi khi phải trả giá cho hình ảnh vô tư và thực tiễn của ông. Về bản chất, một nhân vật thỏa hiệp, đặt niềm tin vào sức mạnh của thuyết phục hơn là dọa nạt, khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã dựa trên chiến thuật lãnh đạo tập thể hơn là bảo đảm sự thống trị cá nhân theo kiểu một Lênin, một Stalin hay một Mao Trạch Đông. Trong những năm 1930 và 1940, khả năng thuyết phục của ông, dựa vào uy tín lớn lao và kinh nghiệm lâu đời của một ủy viên quốc tế Cộng sản, khả năng thuyết phục đó nói chung là thành công. Nhưng khả năng thuyết phục đó không còn thành công nữa, vào năm 1950, khi những đồng chí lâu năm của ông vấn nạn về tính thích hợp của những lời khuyên của ông, và đòi hỏi có vai trò chủ đạo hơn trong việc đề xuất chiến lược. Cuối cùng, Hồ Chí Minh chỉ còn đóng vai trò một nhân vật bất lực. Tuy những ý kiến của ông vẫn được các đồng sự coi trọng, nhưng càng ngày bị gạt bỏ như là không thích hợp.
Hồ Chí Minh có ngây thơ hay không khi tin vào lời của Tôn Tử cho rằng những chiến thắng quân sự lớn nhất là những chiến thắng dành được không phải bằng bạo lực? Nhìn lại, có thể nói ông Hồ là người dễ tin, khi ông mong đợi người Pháp sẽ rút lui trong hòa bình sau cuộc Thế chiến thứ hai. Nhiều năm sau đó, ông Hồ lại tính toán sai khi lập luận rằng Hoa Kỳ có thể chấp nhận một chính phủ Cộng sản ở Việt Nam, miễn là điều này không làm cho Hoa Kỳ mất mặt. Tuy vậy, thực tế chứng minh ông Hồ có một nhận định sáng suốt về tình hình quốc tế, và ông nhận thức rõ là phải có những chính sách mềm dẻo, có tính đến những khả năng thay đổi của tình thế.
Tuy là ông tìm cách đạt tới những mục tiêu của mình không cần tới bạo lực, thế nhưng nếu tình hình đòi hỏi, ông vẫn chuẩn bị dùng sức mạnh quân sự. Thế nhưng một vài đồng chí của ông lại không suy nghĩ như vậy, vì họ thiếu sự tế nhị và đức tính kiên nhẫn theo đuổi những giải pháp ngoại giao.
Người ta thường nói là, nước Mỹ đã đánh mất một cơ hội hiếm có tránh được cuộc chiến tranh tương lai ở Đông Dương, vì họ đã không đáp ứng những đề nghị của ông Hồ Chí Minh vào cuối cuộc Thế chiến thứ hai. Nói chung, với tư cách là một người thực tiễn, ông Hồ phải biết là đất nước ông trong bối cảnh hậu chiến sẽ được lợi hơn, nếu có được sự viện trợ thực tế của Hoa Kỳ hơn là của Matscơva. Ông Hồ cũng thường công khai ca ngợi nền văn hóa Mỹ, và ghi những lý tưởng của Hoa Kỳ vào bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Nhiều nhà phê phán cho rằng, do nhận thức Đông Dương trong bối cảnh cuộc đấu tranh ý thức hệ ngày càng tăng với Matscơva, chính quyền Truman đã nhen lên cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tuy là có một vài đạo lý trong một lập luận như thế, nhưng có thể đó là lập luận của những người Mỹ vướng mắc vào quan điểm huyền thoại của họ đối với Hồ Chí Minh. Trước hết, việc Hồ Chí Minh hay ca ngợi nước Mỹ là một vấn đề có tính toán chứ không phải một niềm tin về tư tưởng hệ. Ông ca ngợi nhiều về nền văn minh Hoa Kỳ, cũng như ông ca ngợi nhiều nước bạn đồng minh hay là những quốc gia có khả năng trở thành thù địch của nước ông… ca ngợi như vậy chủ yếu là để có lợi thế về mặc chiến thuật. Tuy là ông Hồ luôn luôn thừa nhận khả năng các nhà lãnh đạo Mỹ rồi cũng thừa nhận việc can thiệp vào Đông Dương là vô bổ, nhưng ông cũng tin rằng, chính những người lãnh đạo ấy là đại diện cho chế độ tư bản bóc lột, một ngày nào đó sẽ lao vào một cuộc xung đột sống còn với các nước thành viên của cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đối đầu tương lai đó, ông Hồ thuộc về một phe nào đó rất rõ, ông không để cho ai nghi ngờ hết.
Người ta đặt vấn đề ông Hồ có toàn quyền định đoạt chiến lược ở Hà Nội hay không, theo kiểu như Stalin đã thống trị sân khấu chính trị ở Matscơva. Trên thực tế, nhiều đồng chí của ông Hồ không chia xẻ quan điểm của ông có thể giành độc lập dân tộc mà không cần tới bạo lực, và có thể họ đã chống lại những thỏa hiệp vô nguyên tắc của ông Hồ với kẻ thù giai cấp. Cũng như các tổng thống Mỹ phải xem xét vấn đề nội trị khi họ đề xuất những mục tiêu về chính sách của họ, Hồ Chí Minh cũng phải chú ý tới những người đã đề cử ông, chủ yếu là với các thành viên không mệt mỏi của Bộ chính trị, trong số này có Trường Chinh và Lê Duẫn, không mấy chia xẻ niềm tin dễ dãi của ông đối với lý trí.
Có lý do vững để hoài nghi rằng, một cử chỉ thỏa hiệp từ nhà Trắng năm 1945 hay 1946, là đủ để đưa Hồ Chí Minh và đồng sự của ông vào con đường tư bản chủ nghĩa. Tuy là ở Hà Nội chắc chắn sẽ hoan nghênh việc Hoa Kỳ thừa nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng điều này không đủ để cho Đảng Cộng sản Đông Dương tách khỏi sự trung thành đối với Matscơva, hay là sự trung thành đối với chủ nghĩa Mac Lê. Cũng như Hà Nội, trong những năm sau này đã chơi con bài Mátcơva chống lại Bắc Kinh, thì ông Hồ và những đồng sự của ông cũng sẽ tìm cách lợi dụng Hoa Thịnh Đốn, vì lợi ích thành tựu những mục tiêu của mình. Một số mục tiêu đó bao gồm cả những nước khác nữa, như chúng ta đã thấy. Vào cuối cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, vùng Đông Nam Á trải qua một thời kì bất ổn lớn về chính trị và xã hội. Những nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ có chịu ngồi yên hay không, trong khi Hà Nội hỗ trợ cho các phong trào cách mạng ở hai nước láng giềng Lào và Campuchia, đó là vấn đề rất đáng nghi ngờ.
Hơn nữa, sự thất bại của những nhà hoạch định chính sách ở Paris và Hoa Thịnh Đốn không nắm lấy bàn tay do ông Hồ chìa ra, sau cuộc Thế chiến thứ hai đem lại những hậu quả bi thảm cho nhân dân Việt Nam, cũng như cho cả thế giới nói chung. Tuy là có rủi ro trong việc thừa nhận chính thức chính phủ mới ở Hà Nội, thế nhưng nếu nhìn lại thì những rủi ro đó còn tốt hơn một phương án nào khác. Trong khi ưu thế chính trị và đạo đức của các nguyên tắc tư tưởng hệ của Hồ Chí Minh đối với những địch thủ của ông còn là vấn đề chính đáng để tranh cãi, thì khó mà phủ định rằng trong những điều kiện lúc bấy giờ, những người lãnh đạo Việt Minh có ưu thế hơn ai hết để giải quyết hàng loạt vấn đề đang là nỗi thống khổ của đồng bào họ. Sự ủng hộ sâu sắc của nhân dân đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (RDV) ít nhất là ở miền Bắc, hình như được chứng minh đầy đủ bởi khả năng duy trì sự trung thành đó trong cả một thế hệ chiến đấu chống lại cố gắng phối hợp của Pháp và sau đó là của Hoa Kỳ.
Ngày nay, ba thập kỷ qua từ khi Hồ Chí Minh từ giã cõi đời, sự sùng bái quốc gia đối với ông Hồ vẫn tồn tại ở Hà Nội, khi ở đây nó được dùng như một cái mộc, che chở cho một chế độ đang cố gắng một cách khó khăn duy trì vị thế của mình trong một thời thế đổi thay. Đối với nhiều người Việt Nam, đặt biệt là ở miền Bắc, nơi lòng sùng kính Bác Hồ còn mạnh mẽ thì hình ảnh Bác Hồ còn có tác dụng. Thế nhưng hình ảnh đó tỏ ra ít thành công hơn ở miền Nam, nơi mà cả Chính phủ TƯ nhiều khi còn bị nghi ngờ, và những đại diện của nó ở đây không được coi trọng mấy. Nói chung, hình ảnh một Đảng cách mạng trong sáng, toàn tâm phục vụ nhân dân đang mờ nhạt. Trong những năm gần đây, người ta đã không làm gì nhiều để ngăn chặn nạn hối lộ các quan chức, đang đe dọa khiến cho cuộc cách mạng bị tràn ngập trong làn sóng dâng lên của quần chúng giận dữ và hận thù.
Triển vọng duy trì sự sùng bái ông Hồ cũng không mấy lạc quan. Tuy là vẫn có những dấu hiệu rõ là phần lớn những thanh niên trẻ tuổi vẫn kính trọng Hồ Chí Minh vì cống hiến của ông vào sự độc lập và thống nhất đất nước, nhưng nhiều thanh niên không còn xem ông như là nhân vật có tầm quan trọng chủ yếu trong cuộc sống của họ nữa. Gần nay, một thanh niên Việt Nam nói với tôi “chúng tôi tôn trọng cụ Hồ, nhưng chúng tôi không quan tâm đến chính trị”. Đối với thế hệ mới, lớn lên dưới bóng của thiên niên kỷ mới, thì Hồ Chí Minh cũng không quan trọng hơn là Abraham Lincoln đối với người Mỹ bình thường.
Ngay trong một số những người đã chứng kiến vai trò của sự sùng bái Hồ Chí Minh, nhiều người chỉ xem nó như một phương tiện để động viên quần chúng. Như một trí thức Việt Nam đã nhận xét “mọi dân tộc trong chiến tranh đều cần có huyền thoại”. Và nhiều người cảm thấy quan niệm quan phương về Bác Hồ như là tấm gương sáng chói của đạo đức cách mạng, phải được thay thế bằng một hình ảnh thực tế hơn, mô tả ông như là một người có thể phạm sai lầm. Trong những năm gần đây, có dư luận về các chuyện yêu đương quá khứ của ông Hồ và ngay cả về những người con không chính thức của ông Hồ – đã được rao truyền khá rộng rãi, mặt dù dư luận này bị các quan chức chính phủ phủ nhận quyết liệt. Có một bộ phim Việt Nam gầy nay đã lấy đề tài một mối tình của ông Hồ trước ngày ông lên đường đi châu Âu.
Ngay trên thế giới cũng vậy, hình ảnh của một Hồ Chí Minh nổi bật lên trong thế kỷ XX không còn tạo ra cảm xúc mãnh liệt như là trước đây một thế hệ, tuy là sự xuất hiện của một bức ảnh ông Hồ trong một tiệm người Việt ở California đã đủ để gây ra sự công phẫn trong số những người Mỹ gốc Việt ở đây. Một thế hệ trước đây, các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bùng nổ khắp mọi nơi trong thế giới thứ Ba, và Hoa Kỳ có bóng dáng một nền văn minh suy tàn. Trong những điều kiện như vậy, Hồ Chí Minh là tiếng nói của tương lai. Nhưng với chủ nghĩa cộng sản bị mất uy tín khắp nơi và chủ nghĩa tư bản hưng thịnh lên trong bước ngoặc sang thiên niên kỷ mới, sự kết hợp rõ nét ở nơi ông Hồ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội tỏ ra xa lạ, cũng như cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông hay là như những khái niệm tâm linh của Gandhi vậy.
Hiện nay, Hồ Chí Minh được xem như là một nhà chiến thuật khéo léo của cách mạng, và chỉ thế thôi. Người ta không còn thích đọc các bài viết của ông, vì văn phong tầm thường, lại thiếu nội dung tư tưởng. Viễn cảnh của ông về cuộc cách mạng thế giới cũng xa vời như viễn cảnh của giai cấp vô sản giận dữ, đập vào cửa nhà của các ông chủ tư bản bóc lột họ.

Tuy nhiên, những thái độ phê phán đó không được công bằng đối với tầm quan trọng xứng đáng của ông Hồ trong thời đại của chúng ta. Trong khi viễn cảnh của ông Hồ về thế giới đại đồng tương lai của xã hội Cộng sản là sai lầm (ít nhất là theo cách nhìn hiện nay), thì chúng ta không thể phủ nhận rằng, sự nghiệp mà ông Hồ ủng hộ và lãnh đạo đã tạo ra một bước ngoặt có ý nghĩa trong thế kỷ XX, đánh dấu cực điểm của kỷ nguyên giải phóng dân tộc trong thế giới thứ Ba, và sự thất bại của chính sách Mỹ kìm hãm bước tiến của chủ nghĩa Cộng sản. Sau Việt Nam, thế giới mãi mãi không còn như trước nữa.
Khó mà tưởng tượng được cuộc cách mạng Việt Nam mà không có sự tham gia tích cực của Hồ Chí Minh. Tuy là phong cách nghiên cứu lịch sử hiện nay là cường điệu tầm quan trọng của những lực lượng xã hội lớn lao tiềm ẩn, khởi động mọi sự kiện trọng đại của thời đại của chúng ta, thế nhưng trong nhiều trường hợp, như trong cuộc cách mạng Bônsêvích và trong cuộc nội chiến Trung Hoa vai trò của cá nhân đôi khi trở thành nổi bật. Đó là trường hợp của Việt Nam. Không những ông Hồ là người sáng lập ra Đảng và sau này là Chủ tịch nước, mà ông còn là chiến lược gia chủ yếu và biểu trưng tạo cảm hứng mạnh mẽ nhất. Ông là một nhà tổ chức có tài, đồng thời là một nhà chiến lược khôn ngoan và một người lãnh đạo hấp dẫn. Con người Hồ Chí Minh một nửa là Lênin, một nửa là Gandhi, và sự kết hợp năng động của cả hai nhân vật đó. Trong khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam là một sự kiện không thể tránh, nó siêu việt lên trên số phận của những con người cá nhân, thì nếu không có ông Hồ, sự kiện đó sẽ có một cục diện khác, với những hậu quả rất khác
Đối với nhiều người quan sát, thì tấn bi kịch của Hồ Chí Minh là một tài năng lãnh đạo tuyệt vời như thể đem phục vụ cho một hệ tư tưởng sai lầm – hệ tư tưởng ngày nay đã bị gạt bỏ bởi nhiều người là những tín đồ chân thành nhất, tuy rằng điều này chưa xảy ra trong đất nước của ông Hồ. Trong những điều kiện khác, người thanh niên Nguyễn Tất Thành có quyết định hay không tiếp nhận những lý tưởng và thực tiễn của nền văn minh phương Tây hiện đại…đó là một câu hỏi không trả lời. Cũng như các lãnh tụ khác ở châu Á, kinh nghiệm của ông Hồ với chủ nghĩa tư bản là bất hạnh, và những điều ông quan sát được trong thời trai trẻ về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đã làm tổn thương sâu sắc tình cảm của ông. Tuy nhiên, nhiều tín điều triết học của ông tỏ ra thích hợp với lý tưởng của phương Tây hơn là với lý tưởng của Mác và Lênin. Tuy là ông tìm cách hình dung mình như là một người Mácxit chính thống trước mặt đồng sự của ông, nhưng hình như ông không quan tâm gì nhiều đối với những vấn đề lý thuyết, và ông thường tìm cách làm dịu những góc cạnh sắc của chủ nghĩa Cộng sản, khi áp dụng vào Việt Nam. Tuy nhiên, với tư cách là người sáng lập Đảng và là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả của những hành động của ông, tốt cũng như xấu. Dưới ánh sáng của những điều kiện hiện tại của Việt Nam, ngay những người bảo vệ ông nhiệt tình nhất cũng phải thừa nhận, di sản của ông để lại là pha tạp tốt có, xấu có.
Như vậy, theo cách nói đáng ghi nhớ của triết gia Mỹ Sydney Hook một Hồ Chí Minh là “con người tạo nên sự kiện”, “một người con đẻ của khủng hoảng”, kết hợp được trong bản thân ông, hai trong những lực lượng trung tâm của lịch sử Việt Nam hiện đại, hoài bảo có được độc lập dân tộc, và tìm tòi sự công bằng xã hội và kinh tế. Vì rằng những lực lượng đó siêu việt lên trên bờ cõi của quốc gia ông, cho nên ông Hồ có khả năng truyền đạt thông điệp của ông đến khắp các dân tộc thuộc địa trên thế giới, và đáp ứng yêu cầu của họ về danh dự và tự do thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc. Bất kể lời phán xét cuối cùng như thế nào đối với di sản của ông để lại cho dân tộc của ông, Hồ Chí Minh vẫn có vị trí của mình trên tượng đài của các vị anh hùng cách mạng đã chiến đấu mạnh mẽ để cho những người cùng khổ trên thế giới nói lên được tiếng nói đích thực của mình.[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trước

Quay về Thư giãn văn hoá học: nghệ thuật

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến26 khách