Phim Việt Nam: Dòng máu anh hùng

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm nghệ thuật với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

Phim Việt Nam: Dòng máu anh hùng

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 15/11/07 8:51

Hình ảnh
Đêm Singapore, ngồi xem “Dòng máu anh hùng”.


Tình cờ thôi. Vì nó không phải là người có thời gian cho phim ảnh. Nhưng sự tình cờ này đưa nó về những suy nghĩ, trở trăn, cùng những hồi tưởng của ngày xưa, của một nó – rất khác bây giờ.


Nó ngồi, yên lặng trong bầu tịch mịch của một đêm yên tĩnh. Căn phòng nhỏ, lọt thỏm trong ký túc xá to lớn của một trường ĐH danh tiếng, tại một đất nước cũng nổi tiếng không kém – văn minh, hiện đại, phát triển.


Nó xem mà nước mắt rơi. “Dòng máu anh hùng” không phải là một phim nhiều lời thọai, nhưng sao từng cảnh quay, từng nhân vật, từng tình tiết, lại làm nó xúc động đến thế. Đất nước nó đây, người dân của nó đây, lịch sử là đây, đau thương là đây, mất mát là đây. Nó khóc vì một quá khứ chồng chất vết chân thù trên từng bờ ruộng, lũy tre. Nó khóc vì những hy sinh và xương máu mà không gì có thể bù đắp được. Nó khóc vì cảm phục cái khí chất anh hùng, vút lên trong từng con người Việt Nam, từ một trí thức Tây học [nhân vật Cường], cho đến những nông dân không biết một chữ bẻ đôi, từ đàn ông cho đến phụ nữ, từ người già đến trẻ con. Khóc vì xúc động trong cái nhìn cuối cùng của người anh nhân vật nữ [diễn viên Ngô Thanh Vân] trước khi ngã xuống. Cái nhìn đó ám ảnh, khắc sâu, mà cũng chan chứa bao điều. Cái nhìn ấy, xuyên qua không gian, vượt qua thời gian, như đưa người xem trở về bối cảnh thực của cuộc chiến tranh tàn khốc, khi mà lớp người này ngã xuống, lớp người khác lại đứng lên, “kỷ vật” gửi trao nhau chỉ là những cái nhìn như thế, day dứt khôn nguôi nhưng cũng mạnh mẽ, phi thường.


Đất nước mình của những ngày xưa là thế. Nhưng hòa bình của hôm nay cũng chưa cho mọi người dân được “no cơm ấm áo”, nói chi đến một cuộc sống đủ đầy,dư vật, như những con người đang sống quanh nó đây. Khỏang cách sao mà chênh lệch quá! Vẫn còn những đứa trẻ không cha, không mẹ, không cửa, không nhà. Vẫn còn những bơ vơ, đói rách, thiếu thốn mọi bề. Vẫn còn những người già quần quật không ngơi nghỉ trong công cuộc mưu sinh. Vẫn còn những con người duy trì cuộc sống bằng những nhặt nhạnh quanh các bãi rác, cống, ao, mương, rãnh. Vẫn còn những trẻ em nhiễm chất độc màu da cam không được chăm sóc đúng mực, những thương binh, bệnh binh trở về sau cuộc chiến tranh lại phải nhọc nhằn mà bươn chải cho chén cơm hằng ngày, còn nhiều, còn nhiều lắm những ngổn ngang cần được giải quyết, thay đổi và khắc phục…

Nó từng là một học sinh khá “nổi tiếng” trong khoa Social Work của trường Đại học này. “Nổi tiếng” vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì lạ. Từ trước đến giờ, chưa một người Việt Nam nào chọn học ngành này. Nó là người đầu tiên, và cũng là người duy nhất (và đến giờ kiêm luôn là “người cuối cùng”!). Người Việt, ai cũng thích mình tốt nghiệp ra trường với một công việc có kèm chữ “sư”, hay “sỹ”. Bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư. Hoặc khác lắm, là làm trong những lĩnh vực thương mại, “mũi nhọn” IT, hay ít ra là “hợp thời”. Ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ truyền thông, lập trình viên, kinh doanh địa ốc. Ai đi học Social Work, một ngành mà khi hỏi tới, chẳng biết tìm ra từ nào tương đương trong tiếng Việt?! Hoặc giả là dịch ra thành “Công tác xã hội”, khối người tròn mắt “Cái đó mà cũng phải học trong trường Đại học nữa hả? Mà cũng là 1…nghề nữa sao?” Thế cho nên, chẳng biết nên chúc mừng, hay…chia buồn, cho cái “ngôi vị độc quyền” mà nó được (hay “bị”?!) giữ. Lý do thứ hai, nó là học sinh quốc tế duy nhất trong cái khoa mà đến ngay cả bọn học sinh bản xứ cũng còn ít học. Và nó đã làm tròn những gì mà một học sinh quốc tế cần làm hay nên làm. Nó đã dõng dạc đưa hình ảnh Việt Nam lên trên post đầu tiên của forum trong lớp. Entry đó là một câu hỏi mà nó đã dằn vặt mãi trong lòng từ cách đấy 8 năm, khi nhìn thấy một đứa trẻ khóc sướt mướt dưới ánh đèn vàng trên một hè phố, xung quanh là những tờ vé số tả tơi. Nó đã chuyền cho bạn bè Singapore xem tất cả những hình ảnh về Việt Nam mà nó có được trong điện thọai. Nó say sưa kể về mọi thứ, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa. Trong những bài tập, bài thuyết trình của nó, luôn ẩn chưá trong đấy các vấn đề chưa có hướng giải quyết, những câu hỏi hóc búa cho vấn đề an sinh xã hội tại Việt Nam…Và cuối cùng, nó “nổi tiếng”, vì ngay trong học kỳ đầu tiên, với một môn mà đầy những viết lẫn lách, đối với một học sinh đến từ một đất nước thường được người Singapore xem là “kém”, nó đã đạt được điểm A cho tòan môn học. Cái điểm A sáng chói mà nó không bao giờ quên được. Đó không phải chỉ là một con điểm tròn trĩnh nằm trên bảng điểm mà nhiều học sinh đạt được qua sách và vở. Với nó, điểm A ấy là “hiện thân” cho tất cả những nỗ lực, tâm huyết, và quyết tâm mà nó đã bỏ ra. Trang sách với nó không chỉ là tờ giấy có in chữ, hay những kiến thức mà chỉ cần hiểu, nhớ, thuộc để vào exam hall mà viết ra. Với nó, những tranh sách ấy, những kiến thức ấy là những gì mà người dân nó, đất nước nó đang cần, cần lắm. Mỗi một bài học trôi qua, nó như thấy được kết quả của những vận dụng mà một ngày kia nó sẽ mang về quê hương xứ sở mình. Đó là những đêm 9h, 10h nó còn “lăn lóc” trong hành lang của khoa để chép về các bài báo về những đề án, ứng dụng mới trên thế giới dành cho các nước đang phát triển: vay vốn Green Bank, công việc và chế độ chăm sóc người già, như thế nào là một quỹ phúc lợi hợp lý cho nước mà ngân sách rất giới hạn v.v. Mỗi một phút nản lòng vì bài khó, vì buồn ngủ, vì nhớ nhà, vì “stress” trong chuyện bài vở, vì bao nhiêu là thứ khó khăn không tên trong cuộc sống một mình thiếu thốn từ vật chất đến tình cảm, nó lại nghĩ đến những người dân mình, nghĩ đến đất nước mình, nghĩ đến những nỗi đau trong quá khứ mà nay cần, cần lắm phải được bù đắp, cũng như những gì mà dân ta, nước ta xứng đáng được có…


Ngày ấy đến nay, vừa tròn một năm. Một năm nghe ngắn mà sao với nó lại cảm giác như lâu lắm. Và những nhiệt huyết kia, con người kia, những hun đúc kia, không còn là nó nữa. Nó nhớ về những ngày ấy, mà chạnh lòng, mà xa xót, mà ray rứt, mà tự dằn xé, tự cắn rứt, tự trách cho bản thân. Vài giọt trong những giọt nước mắt mà nó khóc trong “Dòng máu anh hùng”, là cũng để khóc cho nó. Khóc cho những hòai bão đã không thành, khóc cho những ước mơ mãi chỉ nằm lại trên trang giấy, khóc cho những hẹn ước của ngày hôm qua, sẽ mãi chỉ là những ước hẹn mà thôi. Những gì nó từng tin, từng nghĩ, từng cháy bỏng một khát vọng về ngày trở lại Việt Nam mà thực hiện, đã gửi lại trên bài thi cuối kỳ của một năm trước rồi. Nó đã không có được cái anh hùng trong “Dòng máu anh hùng” ấy. Những con người kia, trong thời “tên bay đạn lạc”, trong thời sự sống và cái chết liền kề tất gang, đã anh hùng mà đấu tranh và ngã xuống cho lý tưởng, cho những điều tốt đẹp. Còn nó, trong buổi hòa bình không tiếng súng, không có những hiểm nguy sống chết cận kề, lại không cái được cái “anh hùng” ấy. Có lẽ nào, “chiến tranh nay chuyển vào sâu lòng người”? Hình như là như thế. Đã có một “cuộc chiến” trong nó. Một bên là tiền bạc, một nghề nghiệp ít ra là hứa hẹn hơn về một cuộc sống sung túc, bù đắp cho những tháng ngày triền miên thiếu thốn và vất vả, từ tuổi thơ cho đến tận bấy giờ. Và đó không chỉ là vấn đề của riêng nó. Còn là vì Ba Má, gia đình. Nó có thể phóng những ước mơ và khát vọng về phía trước, với mũi tên làm bằng niềm tin, bằng sự nhiệt thành, bằng cả sức trẻ của tuổi 20. Nhưng còn phía sau lưng, là ánh mắt của Ba Má đầy những lo âu về tương lai của nó, về con đường dường như khấp khểnh gập ghềnh mà nó sẽ đi qua. Rồi còn những năm tháng sau đó nữa, gia đình chung, gia đình riêng. Và rồi ở đầu bên kia của của sự “đong đếm” ấy, hình như chênh lệch quá. Tốt nghiệp Social Work. Lương ba cọc ba đồng, ở Singapore này còn vậy, huống hồ là Việt Nam. Nghề nghiệp sẽ buộc phải “lăn lóc” nơi này nơi khác, đi sớm về muộn (đôi lúc thậm chí không về), cũng không có cấp bậc để mà thăng tiến v.v


Xét cho cùng, những tính tóan ấy cũng chỉ là nhỏ nhặt quá, có phần tầm thường. Nhưng với nó, người biết giá trị của đồng tiền, người đã đi qua những đói lạnh, cả những khinh khi mà người ta phải chịu khi không tiền hoặc ít tiền, thì những tầm thường kia, âu không thề bỏ qua. Rồi vì này, vì nọ, vì kia, vì a, vì b, vì c, vì n…mà rồi cuối cùng, đưa nó đến một hiện tại của đêm nay, ngồi lặng trong bóng tối, trước “Dòng máu anh hùng” mà xúc cảm về những ngày xa…


Thôi đành, xin giữ lại ước mơ *…

Từ Blog "Just- me"
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Thư giãn văn hoá học: nghệ thuật

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến22 khách