Xem Kangaroo đến VN: Một thử nghiệm thú vị

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm nghệ thuật với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

Xem Kangaroo đến VN: Một thử nghiệm thú vị

Gửi bàigửi bởi ptngocdiep » Thứ 7 12/04/08 22:25

Vở kịch thử nghiệm Kangaroo đến VN của sân khấu Lê Quý Dương vừa có buổi công diễn đầu tiên vào tối thứ hai 25-2 tại sân khấu 5B trong sự hào hứng của rất đông khán giả. Hào hứng bởi lâu lâu họ mới được xem một vở kịch là lạ trong suất diễn đầu tiên của chương trình "Sân khấu thứ hai đầu tuần".
Hình ảnh

Các diễn viên trẻ trong vở Kangaroo đến VN - Ảnh: T.T.D.
Câu chuyện kể về một chú kangaroo - biểu tượng của nước Úc - đến thăm VN trong bối cảnh của một đất nước đang phát triển và hội nhập với khá nhiều vấn đề đặt ra. Kangaroo phải vượt qua những con đường kẹt xe, thấy cảnh một gia đình đông con nheo nhóc, đến thăm một lớp học với nhiều bất cập trong mùa thi, bị đội quân bán hàng rong đeo bám hay chứng kiến dịch cúm gia cầm, những cô cậu mới lớn quay cuồng trong vũ trường... Cùng với những người bạn của mình là 12 con giáp ở VN, kangaroo đã giúp giải quyết những vấn đề đó và xây một chiếc cầu của tình hữu nghị. Phông sân khấu là những bức mành tre được buông dài, một dàn trống vừa là nhạc cụ vừa là công cụ để chuyển cảnh.
Suốt cả vở diễn không có thoại giữa các nhân vật mà chỉ là những động tác hình thể của các diễn viên trong bộ rối lốt, mặt nạ phối hợp với nghệ thuật sắp đặt, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình chiếu và đặc biệt là những hồi trống mang âm hưởng dân tộc do nghệ sĩ Đức Dũng trình diễn. Đây cũng là suất diễn đầu tiên trước khán giả của các diễn viên, tác giả, đạo diễn trẻ - những học viên khóa đầu của Trung tâm đào tạo sân khấu Lê Quý Dương sau hơn nửa năm học tập. Tuy nhiên, dường như người xem vẫn còn chờ đợi ở vở kịch thử nghiệm này một sự phá cách sâu hơn, hiện đại hơn.
Với Kangaroo đến VN, một lần nữa đạo diễn Lê Quý Dương lại trở thành "một người khác" trong giới làm sân khấu TP.HCM. Vở diễn này cũng là một sự khởi đầu cho ý tưởng của anh về các suất diễn đầu tuần (khi các sân khấu khác tắt đèn) nhằm phục vụ khách du lịch và giới trí thức. Tham vọng đó đã bước đầu được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo và các công ty lữ hành, vấn đề còn lại là chất lượng của các chương trình có đáp ứng được nhu cầu của những đối tượng khán giả này không
:www.sankhauvietnam.com.vn
RANDOM_AVATAR
ptngocdiep
 
Bài viết: 14
Ngày tham gia: Thứ 4 30/05/07 8:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Đạo diễn người Australia gốc Việt Lê Quý Dương

Gửi bàigửi bởi ptngocdiep » Thứ 7 12/04/08 22:36

"Chúng ta sẽ đi tới tương lai như thế nào?"
Lao Động Cuối tuần số 12 Ngày 23/03/2008 Cập nhật: 2:21 AM, 23/03/2008

Hình ảnh
Tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương.
(LĐCT) - Được xem là một trong số ít đạo diễn thường gây sốc trên sân khấu vì những thử nghiệm mới lạ, đạo diễn Lê Quý Dương luôn ý thức về một trào lưu hậu hiện đại cần phải có trong nghệ thuật.
Từ khi bước chân ra khỏi cái "ao làng" nghệ thuật, mong muốn được mở mang kiến thức, học hỏi từ thế giới bên ngoài đã thôi thúc anh tìm đến những con đường mới trong sáng tạo.
sao từng có ít nhất 3 phim trình làng ở Hollywood trong thời gian theo học ở trường Điện ảnh Los Angeles, doanh thu cũng kha khá là "Tiệc thịt", "Lời thì thầm từ thế giới bí mật" và "Cô ấy", anh lại không tiếp tục theo nghề viết kịch bản và đạo diễn phim. Dương cười, còn quá nhiều việc, và còn trông đợi một sự chuyên nghiệp hơn nữa trong lĩnh vực điện ảnh.

"Tiệc thịt" đoạt giải thưởng Văn học kịch của bang New South Wales, giải ba cuộc thi kịch bản điện ảnh quốc tế tại LHP Cannes năm 2003, rồi giải thưởng Winston Churchill của khối Liên hiệp Anh dành cho những nghệ sĩ có đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn.

"Lời thì thầm từ thế giới bí mật" đoạt giải Đạo diễn xuất sắc của tổ chức Asialink. Trong thời gian học và làm việc tại Hollywood, anh còn đoạt giải Paul Verhoeven trị giá hàng chục ngàn USD - giải thưởng đặc biệt dành cho Đạo diễn nghệ thuật xuất sắc.

Không chỉ thế, Lê Quý Dương còn gặt hái đậm nhiều giải trong lĩnh vực sân khấu: Giải thưởng cho vở kịch hay nhất bang Queensland (Australia) với vở "Motherland" (Đất mẹ). Lê Quý Dương cũng là đạo diễn trẻ đầu tiên của Australia nhận học bổng William Fulbright của Mỹ trong lĩnh vực điện ảnh.

- Trở lại với sân khấu 2008, với vở "Kangaroo đến VN", chỉ ra những thói tật của người Việt, anh muốn nhắn nhủ khán giả trẻ hôm nay điều gì?

- Thế giới ngày hôm nay và ngày mai có thể được chia thành ba bộ phận. Thứ nhất là những người thuộc về thế giới kỹ thuật số, công nghệ cao; thậm chí có thể nói, thuộc thế hệ những người máy được cài đặt tất cả các dữ liệu.

Thứ hai là những người thuộc về thế hệ chuyển tiếp giữa văn minh con người truyền thống và văn minh kỹ thuật số. Thứ ba là những người vẫn sống trong tâm lý số đông thuần tuý, chưa chạm được tới bề mặt phẳng của thế giới kỹ thuật số.

Tôi muốn khán giả đến xem vở "Kangaroo đến VN" nhận thức được một điều rằng chúng ta sẽ chuẩn bị cho tương lai như thế nào? Bằng cách gột rửa, lau chùi, sắp xếp lại và nâng niu quá khứ hay dám nhìn thẳng vào những sự thật của quá khứ, những vấn đề của hiện tại?

Trong "Kangaroo đến VN", tôi để cho những con vật nhìn vào đời sống của con người, còn con người thì đang ẩn tuổi của con giáp, đang sống trong lốt của những con giáp. Sân khấu của tôi sẽ mãi hướng đến tiêu chí gợi mở và kích thích trí tưởng tượng của khán giả thông qua các cảm xúc và ấn tượng từ từng phút từng giây trên sàn diễn.

- Trong một số bộ phim, hay tác phẩm nghệ thuật, cái nhìn của những đạo diễn người Việt sống ở nước ngoài thường duy lý, mổ xẻ tình huống một cách lạnh lùng...

- Cái nhìn lạnh lùng là cần thiết bởi đó là cái nhìn khách quan dễ tiếp cận bản chất cốt lõi của sự vật và hiện tượng, nhằm đưa ra, gợi mở cho xã hội và con người có cách giải quyết vấn đề đó một cách chính xác và thiết thực nhất. Đôi khi sự lạnh lùng ấy không chỉ tạo cho khán giả khả năng nhìn thấy cốt lõi sự thật mà còn kích thích họ tập trung và thậm chí, khiến họ nổi giận và phải suy nghĩ, tự tìm ra cách giải quyết vấn đề.

Trong "Tiệc thịt", trọng tâm của câu chuyện không nằm ở cuộc chiến tranh tàn khốc đã qua trên đất nước chúng ta, hay ở cái chết của người lính Mỹ thích thổi sáo, mà là ở việc cô con gái ông ta sau nhiều năm đến chiến trường xưa để tìm hài cốt của bố.

Một người lính thuộc chiến tuyến khác đã chôn cất bố cô, và trồng một cái cây trên mộ để làm dấu. Khi đến nơi, cô gái nhận ra cái cây ấy giờ đã thành bóng mát cổ thụ cho trẻ con ngồi chơi và học. Cô gái bỗng hiểu ra rằng dưới mộ chỉ là bộ xương cốt của quá khứ, không cần đào lên làm gì nữa. Tương lai và những đứa trẻ quan trọng, có ý nghĩa hơn nhiều.

Hay trong vở opera "Đất mẹ", người lính Pháp được cứu sống ở Điện Biên năm xưa tìm về chốn cũ để gặp lại ân nhân và đầu tư xây dựng vào mảnh đất chiến trường này như một cách chuộc lỗi. Nhưng khi san ủi đất, giải phóng mặt bằng, ông ta gặp lại người cứu mình trong tình cảnh đối ngược: Người đó đã đi tu, và cái am thuộc diện giải toả của bà chính là nơi người già và trẻ nhỏ thường đến sinh hoạt. Đôi khi điều mà người ta tưởng là đầu tư, đền đáp, tri ân bằng vật chất cho kẻ khác lại chính là gieo rắc thêm nỗi đau tinh thần. Cuộc chiến tranh vật chất ấy hình như tàn khốc hơn nhiều.

- Có thể nói gì về sân khấu hậu hiện đại đang khởi đầu manh nha tại VN với những thử nghiệm mà anh mang lại?

- Nghệ thuật hậu hiện đại mang đến cho người ta cảm xúc, những nỗi ám ảnh và khao khát với thế giới xung quanh mình. Nghệ thuật hậu hiện đại chứa nhiều thông tin và cảm xúc ở nhiều tầng lớp và vùng miền khác nhau trong con người.

Sân khấu hậu hiện đại không phải ai xem cũng hiểu, cũng thích và chấp nhận. Khán giả của sân khấu hậu hiện đại thường là những người không thích bị giáo huấn và mọi hình thức áp đặt quá trình thưởng thức của họ. Vở diễn chỉ là cái cớ để chắp cánh cho những suy tư và trí tưởng tượng của họ được chính họ trải nghiệm.

Khán giả sân khấu hậu hiện đại thích những lát cắt của đời sống, để từ đó họ có thể nhìn tổng thể đời sống một cách tỉnh táo, lạnh lùng, thông minh hơn và bằng cái cách riêng của họ. Trong nghệ thuật sân khấu, VN còn đi rất chậm, vì nền nếp sáng tạo đã thành những thói quen cũ kỹ. Hình như chúng ta có một nỗi sợ hãi và ám ảnh đã quen như vậy rồi giờ nếu làm khác đi e chừng sẽ thế này thế khác. Có gì ở trên đời này tự do hơn trí tưởng tượng của mỗi con người?

- Lâu nay, để hội nhập, người ta thường dựng những vở miễn sao phô ra màu sắc truyền thống để dành cho người nước ngoài xem, làm biến dạng truyền thống hay bản sắc một cách tuỳ tiện. Phần anh, chỉ trong một vở như "Kangaroo đến VN", dù chỉ "kế thừa một chút tinh hoa truyền thống" của nghệ thuật trống dân tộc mà đã chinh phục được khán giả, anh có thể nói gì về những điều anh học hỏi từ các bậc tiền bối?

- Khán giả quốc tế đang có dấu hiệu bão hoà và dị ứng với những chương trình nghệ thuật truyền thống chúng ta dựng như để dành riêng cho họ. Câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ nghệ thuật truyền thống VN chỉ quanh đi quẩn lại có như vậy? Truyền thống nghệ thuật ấy đang được tiếp nối và phát triển thế nào?

Càng ngày du khách quốc tế càng mong muốn được thưởng thức những tác phẩm phản ánh được tâm hồn của người Việt đương đại. Tính truyền thống phải được toát lên từ trong tính đương đại đó chứ không phải thô thiển bê nguyên xi tất cả những gì ông cha để lại ra khoe với người nước ngoài. Và người nước ngoài cũng chỉ là một phần.

Thế hệ trẻ VN mới là quan trọng hơn rất nhiều. Khai thác truyền thống và hiện đại hoá truyền thống để thế hệ trước không thấy mình cổ hủ lỗi thời, thế hệ sau không thấy mình bị lai căng và mất gốc là một điều mà đời sống sáng tạo và quản lý nghệ thuật luôn phải đối mặt.

- Vì sao một người có tâm huyết với nền nghệ thuật nước nhà như anh lại nhập quốc tịch Australia?

- Tôi từng làm nhiều chương trình ở Australia, nên có vinh hạnh được nhập quốc tịch danh dự dành cho những người có khả năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật theo chính sách đặc biệt của Chính phủ Australia. Khi ấy, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều, và nghĩ rằng dẫu mình có đi đâu chăng nữa, mình vẫn là người VN. Nhưng tôi phải cảm ơn mảnh đất Australia rất nhiều, vì nhờ đó mà tôi học và phát huy khả năng trong một môi trường lý tưởng, để có thể tung hoành những ý tưởng của mình.

Trong mọi lĩnh vực và đặc biệt riêng với văn hoá nghệ thuật, con người phải có nguồn cội. Cội nguồn giống như một nguồn năng lượng vô hình tiếp nối sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật. Người nghệ sĩ có thể sáng tạo ở nhiều nơi khác nhau nhưng cuối cùng cũng trở về cái gốc gác văn hoá của mình.

- Điểm khác biệt khi làm nghệ thuật ở trong và ngoài nước là gì?

- Ở bên ấy, mình muốn làm gì cũng được, mặc sức thoả mãn trí tưởng tượng; còn ở đây, mỗi lần chờ duyệt tác phẩm thì thật là mệt mỏi, lo âu... Ở nước nào cũng có một chế độ kiểm duyệt tác phẩm sáng tạo nghệ thuật, chỉ có điều là hình thức và mức độ kiểm duyệt khác nhau mà thôi.

Để có một hội đồng nghệ thuật với tất cả các thành viên gồm những người cởi mở và hướng tới những tiêu chí nghệ thuật đích thực hơn là phục vụ các tiêu chí khác thì không phải nước nào cũng có. Trong "Kangaroo đến VN", có một cảnh diễn về tham nhũng rất đặc sắc, nhưng có lẽ cũng chỉ vì ngại và lo cho số phận chung của cả vở diễn nên các vị lại cắt mất. Cắt xong mình ngồi cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ! Tiếc thật đấy!

- Quay về mở công ty đào tạo học viên, mời các chuyên gia thế giới đến VN giảng dạy, phải chăng anh đang hướng đến một sự chuẩn bị cho sự kết nối với thế giới bên ngoài?

- Sân khấu VN cần mở những kênh hội nhập với thế giới bên ngoài, không phải sao chép lai căng, mà là một lộ trình phát triển quốc tế. Quan niệm về nghệ thuật quốc tế hậu hiện đại đã đi xa lắm rồi, trong khi mình chỉ quanh quẩn với những nguyên tắc lý luận không sai hay nói chính xác hơn là đã từng đúng nhưng giờ đây trở nên quá cũ kỹ.

Tôi luôn tự răn mình đừng lấy quá khứ vẻ vang ra để làm một bảo đảm, một lá chắn cho hiện tại. Tất cả nằm ở tương lai phía trước và mình sẽ phải tự mình đi tới đó bằng chính mình chứ không phải là bất cứ ai khác đưa mình tới.

- Xin cảm ơn anh.
Nhật Lệ thực hiện
RANDOM_AVATAR
ptngocdiep
 
Bài viết: 14
Ngày tham gia: Thứ 4 30/05/07 8:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Xem Kangaroo đến VN: Một thử nghiệm thú vị

Gửi bàigửi bởi skoalls » Thứ 6 25/04/08 23:02

Công nhận buổi diễn hôm đó gây " shock " thật .
Bản thân tớ đã được xem loại hình " kịch hình thể " vở " Hàn Mặc Tử " rồi mà vẫn phải nhìn " KDVN " với con mắt khâm phục !
Khi mới bắt đầu xem .. cứ tưởng .. dành cho con nít vì toàn thấy " thú vật " nhưng khi xem xong - biết nội dung - biết dụng ý nghệ thuật của đạo diễn - thì thực sự bị kích động - tuyệt vời thực sự !
Vì là phiên bản thử nghiệm không tránh khỏi những " lỗi nho nhỏ " nhưng vở kịch đã đem đến cho người xem ( điển hình như sinh viên chúng tôi ) niềm say mê nghệ thuật hơn nữa ...
Ngay lúc xem xong , về ngồi trước bàn máy tính đã muốn viết thật nhiều .. về cảm nghĩ của mình .. nhưng rồi chịu thua .. không biết viết làm sao ? như thế nào đây để thể hiện hết tình cảm của mình ...
Vở diễn ngắn thôi .. nhưng truyền tải được khá nhiều góc độ của cuộc sống - tôi thích cách thể hiện như vậy. Tôi muốn cho cả thể giới biết điểm xấu của Việt Nam - chấp nhận đưa ra quốc tế là bản thân Việt Nam đã " chấp nhận mình " - phải nhìn thấy và chấp nhận mới " sửa " mình được ! Nếu như Trung Quốc , Nhật ... cho ra những quyển sách " tật xấu " của họ thì Việt Nam mình dường như " không dám công bố " - tại sao ?
Ủng hộ vở kịch ! ......
* Cảm ơn cô Hiền và toàn thể thầy cô bộ môn đã tạo điều kiện cho chúng em được mở mang tầm mắt - được hiểu và yêu thêm các loại hình nghệ thuật - được có những khoảng thời gian được hòa mình vào một nhịp sống khác !
Thay mặt lớp ! chúng em xin được chân thành cảm ơn !
Yêu lắm Hà Nội ơi !
RANDOM_AVATAR
skoalls
 
Bài viết: 174
Ngày tham gia: Thứ 3 02/10/07 18:21
Đến từ: Hà Ná»™i
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần


Quay về Thư giãn văn hoá học: nghệ thuật

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến21 khách