NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm nghệ thuật với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi bquoi247 » Chủ nhật 21/09/08 17:16

CÓ MỘT THỜI - Dương Nhất Huy

Hình ảnh

Có một thời ta lầm lỡ yêu nhau
Em vẫn biết là không như thế
Em cũng hiểu là không có thể
Ta yêu nhau là bởi lẽ gì?

Mây cứ trôi trên bầu trời mộng tưởng
Hoa cúc vàng bên bờ giậu nhà ai
Mùa thu qua lòng còn vương ái ngại
Ý nghĩ dài theo nỗi nhớ bao đêm.

Có một thời anh không thể thiếu em
Dù vẫn biết là không như thế
Anh dại khờ như thể hãy còn thơ
Em cố tình để được sống trong mơ...

Có một thời xin em hãy nhớ
Ta bâng quơ như mây trắng ngang trời
Ở bên nhau mà dạ sống trăm nơi
Thời có thể của những điều không thể...
"Như đã dấu yêu từ thuở nào..."
Hình đại diện của thành viên
bquoi247
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 6 19/09/08 19:20
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Chủ nhật 21/09/08 18:05

BIỂN NHỚ - Đỗ Trung Quân

Hình ảnh

Em đã lấy hết của anh những buổi tối yên tĩnh
Những buổi tối bây giờ sóng biển tràn vào nhà
Em đã lấy của anh những trưa êm ả
Trưa đỏ trời sắc lửa cháy trên hoa.

Em lấy hết, chừa cho anh nỗi nhớ
Nỗi nhớ ba mươi bốn năm cộng lại - Nhân mười
Nỗi nhớ biến gã đàn ông chợt thành lẩn thẩn
Giữa đám đông nào cũng thảng thốt - Em ơi!

Em đã lấy hết của anh những tháng ngày hạnh phúc
Chừa lại cho anh gió lạnh bốn mùa
Em vui vẻ trong dòng đời vui vẻ
Chừa một dòng hiu quạnh để anh đi...

Ừ, cứ lấy hết, anh dành cho em hết
Anh chỉ giữ lại riêng ánh mắt không lời
Chỉ giữ lại bông hoa đêm nào em cài trên mái tóc
Cạnh chỗ em ngồi, gần gũi mà xa xôi...

Em lấy hết của anh những tháng ngày lặng gió
Chung quanh anh ngập sóng tự lâu rồi
Biển nơi nào - biển trùng vây anh vậy?
Cứ xô vào bờ tên một người thôi!
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi ntck2407 » Thứ 6 26/09/08 16:03

HAI SẮC HOA TI-GÔN-T.T.KH

Bài thơ đã từng gây xúc động trong khoảng thời gian dài, gây tranh cãi trên thi đàn Việt Nam, và sẽ còn tiếp tục là niềm xúc động cả mai sau nữa. Bài thơ bắt nguồn từ những câu truyện ly kỳ, và sau này còn tiếp tục được thêu dệt.

Xin trân trọng đăng lại ở đây để các bạn cùng thưởng thức.

Hình ảnh

HAI SẮC HOA TI-GÔN
T.T.K.H.


Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu thương

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng : "Hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi".

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp : "Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng nghĩ suy".

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trần gian khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường

Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo với chồng tôi
Từng mùa thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây trắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi ! Người ấy có buồn không ?
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng...


Nguồn: http://www.saga.vn/Vui_Truyen/tho_van/1337.saga

Về tác giả bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn"

Cái tên T.T.Kh đến nay vẫn là một bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu văn học Việt nam cũng như tất cả độc giả yêu thích bài Hai sắc hoa ti gôn. Những ai đã từng một lần (chỉ cần một lần thôi) đọc bài thơ Hai sắc hoa ti gôn hẳn không thể quên được hình ảnh hoa ti gôn như quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu cùng với người con gái đáng thương và mối tình ngang trái của nàng. Chính mối tình nguyên sơ của "cái thủa ban đầu ngơ ngác ấy" cộng với dư vị sâu lắng, thấu suốt của thi phẩm và những bộc bạch đau đớn, giằng xé trong tình duyên đã làm cho bài thơ còn sống mãi trong tâm trí người đọc. Đã hơn nủa thế kỷ (chính xác là 68 năm) kể từ khi bài thơ ra đời, đã có bao nhiêu là giả thuyết, suy đoán (tất nhiên có cả những điều bịa đặt nữa) nhưng chưa bao giờ có câu trả lời dứt khoát. Có lẽ đó cũng là lý do để Hai sắc hoa ti gôn trở nên nổi tiếng hơn.

Vào khoảng 6/1937 (có tài liệu viết là 7/1937) "Tiểu Thuyết Thứ Bảy" đăng truyện ngắn Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu (xem truyện ngắn này ở cuối bài viết). Câu chuyện kể về một mối tình của một chàng nghệ sĩ và một thiếu nữ, song đã sớm phải chia ly do hoàn cảnh ngang trái nhưng một phần, do sự yếu đuối của người đàn bà.

Sau đấy không lâu, trên "Tiểu Thuyết Thứ Bảy" (số 179, 30/10/1937) xuất hiện phải thơ Hai sắc hoa ti gôn của thi sĩ bí ẩn T.T.Kh. Bài thơ được gói kỹ trong một phong bì dán kín do một thiếu nữ khoảng 20 tuổi, dáng người nhỏ bé, thuỳ mị, nét mặt buồn mang đến toà soạn. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng người thiếu nữ này xuất hiện. Một thời gian sau, toà soạn lại nhận được 3 bài thơ nữa cùng ký tên T.T.Kh qua đường Bưu điện. Từ đó trở đi không ai thấy thơ của T.T.Kh nữa. Như vậy, thi sĩ T.T.Kh có tất cả 4 bài thơ, đó là:Hai sắc hoa ti gôn; Bài thơ thứ nhất; Bài thơ đan áo và Bài thơ cuối cùng, trong đó Hai sắc hoa ti gôn là nổi tiếng nhất (cả 4 bài thơ đều có ở cuối bài viết này).

Đọc truyện Hoa ti gôn và bài thơ Hai sắc hoa ti gôn ta dễ dàng nhận ra có nhiều hình ảnh và chi tiết giống nhau. Có thể nói, câu chuyện Hoa ti gôn của Thanh Châu đã được T.T.Kh viết lại (đúng hơn là tái hiện lại) bằng thơ (các bạn hãy đọc và đối chiếu nhé!). Mặc dù cốt truyện không trùng khớp nhưng vẫn không quá khi nói câu chuyện và bài thơ: tuy hai mà một (are the same thing). Chính vì vậy mới có giả thuyết sau đây:

Năm 1994, nhà văn Thế Phong cùng với nhà thơ Trần Nhật Thu, ký tên Thế Nhật cho ra đời cuốn sách "T.T.Kh - Nàng là ai?" đã cho rằng, T.T.Kh tên thật là Trần Thị Vân Chung sinh 25/8/1919 tại Thanh Hoá. Năm 15 tuổi, T.T.Kh nhận lời lấy luật sư Lê Ngọc Chấn nhưng trước đó nàng đã yêu văn sĩ Thanh Châu (yêu hơi sớm? ). Ba năm sau ngày người yêu đi lấy chồng, Thanh Châu đã viết chuyện Hoa ti gôn gửi đăng "Tiểu Thuyết Thứ Bảy". Câu chuyện đã khơi lại mối tình xưa (ngày trước chắc là hai người đã có hẹn ước dưới giàn ti gôn) và thế là T.T.Kh viết bài thơ Hai sắc hoa ti gôn để giải toả nỗi niềm.

Năm 1954, sau hiệp định Genève, Thanh Châu về Hà nội còn T.T.Kh thì theo chồng di cư vào miền Nam. Ở Sài Gòn, T.T.Kh sinh hoạt trong nhóm Quỳnh Dao và lấy bút danh là Vân Nương. Sau 1975, luật sư Chấn phải đi cải tạo và trong khoảng thời gian này, nhà văn Thanh Châu từ Hà nội vào Sài Gòn lặn lội tìm lại "người con gái vườn Thanh" thủa trước (xem trong Bài thơ thứ nhất), hai người đã gặp nhau trong một cuộc gặp gỡ rơi lệ nhưng không thể thay đổi được gì. Sau khi luật sư Chấn mất, thi sĩ Vân Nương đem con cái qua sống bên Pháp. Ở đó, bà vẫn viết báo, làm thơ có điều không dùng bút danh T.T.Kh nữa. Theo Thế Nhật, chữ T.T.Kh là viết tắt của: Trần (Trần Thị Vân Chung) + Thanh (Thanh Châu) + Khóc.

Nghĩa là Vân Chung và Thanh Châu cùng khóc "giấc mộng ngày những ngày hoa" như thơ bà viết thủa còn trẻ.

Giả thuyết này có vẻ có lý bởi, thứ nhất, như trên đã nói, bố cục, hình ảnh, chi tiết của truyện và thơ có nhiều chỗ rất giống nhau. Thứ hai, chính trong Bài thơ cuối cùng (đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy 10/1938) T.T.Kh đã:

Trách ai mang cánh ti gôn ấy.
Mà viết tình em được ích gì
........

Cho khắp người đời thóc mách xem
Là giết đời nhau đấy , biết không?


Những câu này hình như nhằm vào văn sĩ Thanh Châu (việc Thanh Châu viết chuyện làm cho bao nhiêu lời đồn đại về T.T.Kh, nhiều người nhận T.T.Kh là người yêu như Nguyễn Bính, Thâm Tâm, chẳng hạn). Tuy nhiên, việc người ta giả thiết T.T.Kh là Vân Chung + Thanh Châu + Khóc, xem ra không được tự nhiên cho lắm (em thì cho đây là một sự gán ghép tuỳ tiện). Sau này, từ bên Pháp, chính Vân Nương đã phủ định hoàn toàn câu chuyện trên, còn Thanh Châu thì vẫn lặng im chẳng nói gì.

Giả thuyết này chỉ mới xuất hiện gần đây thôi, còn trước đây, người ta cho T.T.Kh là người yêu của Thâm Tâm, Nguyễn Bính cơ. Theo người ta kể lại, chính Thâm Tâm nói rằng T.T.Kh tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Sau khi cô Khánh đi lấy chồng, Thâm Tâm bị thất tình, lại bị bạn bè ( như Trần Huyền Trân, Vũ Trọng Can,...) chế nhạo nên đau khổ mà viết ra 4 bài thơ ký tên là T.T.Kh (có ý ghép tên 2 người: Thâm Tâm + Khánh). Sau đó, Thâm Tâm cho biết cô Khánh rất giận vì nghĩ Thâm Tâm định phá hoại hạnh phúc gia đình của mình. Thế là Thâm Tâm viết thêm bài thơ "Gửi T.T.Kh" và bài "Dang dở" với lời đề tặng T.T.Kh. Người ta cũng cho biết, thiếu phụ mang thơ đến toà soạn là em họ của Thâm Tâm. Nhưng năm 1974, nhà văn Thế Phong lại cho rằng chính cô Khánh đã sáng tác 4 bài thơ chứ không phải Thâm Tâm (chữ T.T.Kh là viết tắt của Trần Thị Khánh). Và sau này, năm 1994, chính Thế Phong lại bác bỏ giả thuyết này trong cuốn sách "T.T.Kh – Nàng là ai?" viết chung với Trần Nhật Thu mà em đã viết ở trên.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Bính cũng nhận T.T.Kh là người yêu của mình (T.T.Kh là viết tắt của Tôn Thị Khuê hay Thái Thị Khương gì đấy – các thi sĩ vốn đa tình mà). Trong bài thơ "Cô gái vườn Thanh" có lời đề tặng T.T.Kh, tác giả bài "Chân quê" mơ màng: "Phải chăng mình có nên ngờ, rằng người năm ấy bây giờ là đây ?".

Rõ ràng là câu trả lời cuối cùng (cho câu hỏi "T.T.Kh – nàng là ai?") đến nay vẫn còn để ngỏ. Có một điều lạ là, tại sao Thâm Tâm và Nguyễn Bính (và không biết còn ai nữa) đều nhận T.T.Kh là người yêu của mình? Phải chăng là những người này muốn "giây máu ăn phần" (kiểu như Thấy người sang bắt quàng làm họ ấy mà:laughing: )? Những người nổi tiếng như Nguyễn Bính thì đâu cần phải như vậy.. Còn văn sĩ Thanh Châu, tại sao ông lại lặng im không nói gì nhưng lại bác bỏ "giai thoại Thâm Tâm, Nguyễn Bính" (chính Thanh Châu đã trách Thâm Tâm và Nguyễn Bính đã đặt ra những chuyện không có thật với mục đích không minh bạch)? Hay T.T.Kh chỉ là một nhân vật tưởng tượng của Thanh Châu nhằm thi vị hoá một mối tình không có thực ? Tất cả vẫn là "nghi án văn học".

Về hoa ti gôn (antigone, hai sắc hoa ti gôn: two colours of Antigone), đó là một loại hoa dây đẹp, không có mùi thơm. Hoa có hai màu, màu trắng và màu hồng. Hoa có hình dáng như quả tim vỡ làm mấy mảnh, ở miền Nam gọi là hoa nho vì lá của nó giống lá nho. Trong bài thơ Hai sắc hoa ti gôn (cũng như trong truyện Hoa ti gôn) tác giả ví dáng hoa ti gôn là trái tim, màu trắng là màu trinh bạch, ngây thơ của người con gái mới lớn và màu hồng là màu máu thắm pha, ý nói đến những đau khổ trong tình duyên khi con tim nàng tan vỡ.

Xin nhắc thêm một chi tiết nhỏ, trong thần thoại Hy Lạp (Greek mythology), Antigone là tên của một người con gái. Cô là con gái của Oedipus, người đã vô tình giết cha và sau đấy lấy mẹ mình (who unwittingly killed his father and married his mother). Như vậy Antigone vừa là con và cũng vừa là em gái của Oedipus.

Hình ảnh

Truyện ngắn: HOA TI GÔN
- Thanh Châu


"... Hoa leo ti-gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người...". Khải Hưng (Gánh hàng hoa).

Sáng nào cũng vậy, hết giờ dạy vẽ ở trường Mỹ thuật về qua phố Tràng Tiền, hoạ sư Lê cũng không quên mua một bó hoa "Ti-gôn". Ðó là thói quen của hoạ sư mà không một người bạn hay người bạn học trò thân nào là không biết rõ. Ðến mùa hoa "Ti-gôn" nở nhiều nhất, trong nhà hoạ sư Lê người ta chẳng còn thấy một thứ hoa nào khác. Mà có người nào tần mần ngắt một nụ hoa nho nhỏ ấy xem kỹ, họ sẽ phải cho lời nhận xét của hoạ sư Lê là đúng : "Hoa Ti-gôn hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu như nhuộm máu đào". Rồi người ta tự hỏi thầm : "Tại sao hoạ sư Lê lại thích chơi cái thứ hoa trông như giấy ấy, để trong phòng quá một này đã rụng rồi ? Chắc lại có điều tâm sự chi đây..."

Một buổi trưa - hồi đó Lê Chất hai mươi bốn tuổi, còn là hoạ sĩ nghèo mới ở trường ra - một buổi trưa đạp xe về các vùng lân cận Hà Nội, Lê Chất rẽ vào làng Mọc với giá vẽ buộc trên xe. Người thiếu niên ấy đi tìm cảnh đẹp. Mà cảnh đẹp đây là một thiếu nữ chàng mới gặp chiều qua. Ðến gần một ngôi nhà cũ kỹ, trông ra dáng biệt thự của một quan hưu dùng làm chỗ nghỉ ngơi. Chất hãm xe, nghển cổ nhìn qua một hàng rào cây tốt um tùm. Chiều qua, lúc Chất sắp đạp xe rất nhanh qua đó, tình cờ liếc mắt vào nhà, bỗng thấy một thiếu nữ đứng trên một chiếc ghế cao, đang với tay lên những dây hoa đỏ trên giàn nữa. Người con gái mặc áo cánh lụa cụt tay, hở cổ, để lộ một màu da khoẻ mạnh, như thứ da thường ra nắng của những cô gái nhỏ. Hai má ửng hồng, vài sợi tóc trên vừng trán, cảnh "con gái hái hoa" ấy như một bức tranh linh động, khiến người hoạ sĩ phải dừng chân ngắm không chán mắt. Khuôn mặt đều đặn, vẻ đẹp thông minh, nhất là đôi môi có một nét vẽ lạ, đó là thứ nhan sắc hiếm hoi, ai trông thấy một lần đều in sâu trong trí nhớ. Thiếu nữ vô tình, bận gỡ hoa trên giàn đã để Lê Chất có thì giờ nhìn ngắm kỹ. Ðến khi cô gái bước xuống đất, sắp vào nhà, đưa mắt nhìn ra đường thấy có người đứng nhìn mình, mới cau mày tỏ vẻ không bằng lòng. Nhưng từ hôm đó, hôm nào hoạ sư cũng đạp xe vào làng Mọc, giá vẽ buộc trên xe, mà chẳng vẽ bao giờ, vì còn bận quanh quẩn gần biệt thự. Thiếu nữ động trông thấy bóng anh chàng là lẩn vào nhà. Lê Chất chỉ được trông thấy nàng vài lần nữa rồi thôi, bởi ngôi nhà hình như sau đó không có người ở nữa, ngày nào cũng chỉ thấy có một ông già cuốc cỏ trong vườn. Rất lâu, Lê Chất mơ màng đến người thiếu nữ. Anh cố nhớ lại khuôn mặt, thân hình, hai cánh tay đẹp để trần, nhất là đôi môi của thiếu nữ. Anh đã vẽ nhiều croquis cất trong an-bom để ghi giữ lại, rồi dần dần cũng quên đi. ..

Lê Chất đã nổi tiếng. Thầy học cũ của anh vì mến tài, đã đưa anh lên một địa vị mà nhiều người ghen tỵ. Tranh của anh được nhiều báo nước ngoài nói đến và bán với giá cao. Anh đã bỏ lối phong cảnh để vẽ người. Tranh vẽ người, nhất là tranh vẽ đàn bà đã khiến các bạn Chất tặng cho cái tên : "Người lấy máu để vẽ các cô gái đẹp". Hoạ sĩ đã trở nên giàu có, ăn mặc sang, khó tính, Lê Chất bây giờ đã đứng tuổi, từ lâu không còn là gã hoạ sĩ nghèo huýt sáo đạp xe quanh vùng lân cận Hà thành đi tìm cảnh đẹp, với giá vẽ buộc trên xe đạp. Mùa lạnh năm ấy, Lê Chất đi vẽ ở một vùng Vân Nam phủ. Trong một bữa tiệc chiêu đãi của toà lãnh sự Pháp, hoạ sĩ trông thấy một thiếu phụ ta, đẹp một vẻ khác thường, nhưng có dáng buồn. Chất bỗng ngờ ngợ như hơn một lần đã gặp người này. ở đâu ? Chất giật mình. Có thể nào ? Nhưng quên làm sao khuôn mặt ấy, đôi môi ấy ? Nhờ một người quen giới thiệu, Chất được rõ : thiếu phụ là vợ một viên chức trong toà lãnh sự. Trong khi nhảy với thiếu phụ trong một bản "tăng gô", Lê Chất đột nhiên hỏi :
- Bà vẫn thích hái hoa "ti-gôn" chứ ?
Thiếu phụ nhìn chàng rất ngạc nhiên :
- Ông nói gì... tôi không hiểu.
- Có lẽ bà đã quên cả Hà thành, làng Mọc, cái biệt thự xinh xinh có một giàn hoa...
Người đàn bà ấy kêu lên, mắt long lanh :
- Có phải ông là cái anh chàng hoạ sĩ vẫn nhìn trộm tôi ngày trước đó không ?
Nàng nói tiếp :
- Thảo nào mới nhìn ông tôi cũng nghĩ không biết đã gặp ở đâu rồi. Tám chín năm rồi đấy, thế mà chúng ta còn nhận được nhau...

Mai Hạnh - tên thiếu phụ - rất buồn ở Vân Nam phủ. Nàng không có bạn. Lấy một người chồng gia thế cân đối với nhà mình, cuộc đời nàng bằng phẳng nơi đất khách. Bây giờ gặp được người cùng xứ, người đó lại đã dự vào dĩ vãng tươi đẹp của mình, một hoạ sĩ nổi danh, nàng không có cảm tình với Lê Chất làm sao được ? Hạnh thường đến chỗ hoạ sĩ trọ, thăm viếng mỗi ngày, và thuận cho chàng vẽ một bức chân dung. Một buổi sáng, hai người đi chơi, trên một ngôi chùa Tàu cheo leo trên đỉnh núi, Lê Chất hỏi :
- Tôi biết thế nào trong đời tôi cũng còn gặp Hạnh, bởi vì không bao giờ tôi quên cái buổi chiều ở làng Mọc. Nhưng số mệnh khiến chúng ta gặp nhau lần này có phải là để chúng ta chỉ có thể thành đôi bạn thôi ư ? Hạnh có đoán được lòng tôi lúc này không ?
Mai Hạnh, giọng run run, tái nhợt, giơ tay bịt miệng Lê Chất. Nhưng khi Chất đã ôm nàng thì Hạnh không cưỡng lại :
- Em cũng yêu anh ngay từ buổi đầu.
Thế là, hai người như sống trong một cơn mê.
Mai Hạnh cố chống chọi lại với tình yêu mỗi ngày một lớn, còn Lê Chất thì lo ngại, tính toán như ngồi trên đống lửa. Chàng định cùng Hạnh trốn đi Nhật, không cần danh dự, chức nghiệp, dư luận của người đời. Nhưng Mai Hạnh tuy yếu đuối hơn, rụt rè, e ngại, sau cùng cũng nhận lời.
Lê Chất trở về Hà Nội, sắp đặt song mọi việc, lo lót giấy tờ tiền bạc, đồ dùng đi xa, tất cả đã sẵn sàng, thì phút cuối cùng nhận được thư của Hạnh :
"Chất, anh hãy đi một mình và quên em đi, vì em không có thể theo anh. Ðừng giận em tội nghiệp, em không phải là loại đàn bà có thể vượt được hết những khó khăn như anh đã tưởng. Ðến phút cuối cùng em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ thân thầy mẹ em, chồng em khinh bỉ, tai tiếng ở đời, những lo ngại ở tương lai... Em thấy rằng : nếu đi với nhau chưa chắc chúng ta đã sung sướng. Anh thấy chưa ? Em là một đứa hèn ! Em không yêu anh được như anh tưởng đâu, vì em đã hy sinh anh cho tất cả những lo ngại trên kia. Vậy mà em yêu anh có thể chết vì anh được. Trong đời anh còn nhiều chuyện, anh có thể quên em được đấy ! Nhưng còn em thì thật chẳng bao giờ, chẳng bao giờ ! Vì em biết sẽ không bao giờ tự an ủi được, bởi em đã làm hỏng đời em, nếu em chẳng theo anh...".
Trong thư, một dây hoa "ti-gôn" nhỏ ép rơi ra : những nụ hoa chum chúm hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu đào. Lê Chất đặt một cái hôn trên những cánh hoa, và khóc. Nhưng đó là một kẻ đàn ông có nghị lực. Chàng đi du lịch Phù Tang có một mình.

Bốn năm sau, một hôm hoạ sư Lê Chất thấy trên bàn giấy mình một phong thư viền đen báo tang. Ông mở ra xem thì đó là người chồng Mai Hạnh báo tin nàng đã chết. Hoạ sư đáp xe lửa đi Vân Nam ngay để một buổi chiều đặt trên mồ Mai Hạnh những dây hoa quen thuộc. Rồi trở về Hà Nội, ông sực nhớ ra rằng đã quên không hỏi xem Mai Hạnh chết vì một bệnh gì, một cơn cảm sốt.. hay vì sầu muộn...

Ngày nay, hoạ sư Lê Chất đã già, nhưng cứ đến mùa hoa "ti-gôn" nở, không buổi sáng nào ông quên mua một ôm về thay thế cho hoa cũ trong phòng vẽ, vì thứ hoa ấy chóng tàn.
__________________
Nguồn: http://svgtvt.net/forum/showthread.php?t=6533
Ngày mai là một ngày mới...
Hình đại diện của thành viên
ntck2407
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Chủ nhật 21/09/08 10:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Chủ nhật 05/10/08 9:20

TRĂNG KHUYẾT
Phi Tuyết Ba

Anh ngỏ lời yêu em
Vào một đêm trăng khuyết
Bởi tình yêu tha thiết
Biết tròn trước đêm rằm.

Em vui lúc trăng tròn
Chạnh lòng khi trăng khuyết
Anh ơi anh có biết
Trăng hay tình lứa đôi.

Sao anh lại ngỏ lời
Vào một đêm trăng khuyết
Để bây giờ thầm tiếc
Một vầng trăng không tròn.


Hình ảnh

Ánh trăng muôn đời là chứng nhân của tình yêu. Ánh trăng đã từng chứng kiến bao mối tình từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Ánh trăng trong trẻo, hiền hòa đưa tình yêu lên đỉnh cao của thi vị để tình yêu thăng hoa, ấy là những đêm trăng tròn đầy, viên mãn. Sẽ đau buồn biết bao nhiêu khi tình yêu đẹp đẽ đã vỡ tan, vầng trăng khuyết hao gầy như nỗi lòng trống trải, cô liêu. Có lẽ vì thế mà những bài thơ hiện đại khi viết về trăng đều gắn với tình yêu?

Tôi yêu bài thơ "Trăng khuyết" của Phi Tuyết Ba, bởi khi vui hay buồn đều có thể tìm thấy trong đó sự sẻ chia. Tâm hồn người phụ nữ rất nhạy cảm, yếu đuối. Có phải vì thế mà đôi khi chỉ một câu thơ thôi cũng có thể trở thành chỗ dựa tinh thần để vui, để thấy cuộc đời đáng yêu, đáng sống...

Anh ngỏ lời yêu em
Vào một đêm trăng khuyết
Bởi tình yêu tha thiết
Biết tròn trước đêm rằm.


Tình yêu đến, tình yêu đi đều không báo trước, nhưng dù thế nào tình yêu qua đi cũng để laị nỗi niềm luyến tiếc không nguôi. Cô gái trong bài thơ cũng vậy. Trong sâu thẳm nỗi buồn tiếc, nhớ thương tình yêu buổi đầu hiện về đẹp đẽ. Ấy là lúc anh ngỏ lời yêu em. Niềm hạnh phúc trong tình yêu đầu tiên đâu có làm cho hai đứa nghĩ nhiều về sự hiện diện của vầng trăng khuyết. Hồn nhiên và vụng dại một cách đáng yêu, chúng mình đều tin đó là tình yêu tha thiết nên tròn trước đêm rằm.

Em vui lúc trăng tròn
Chạnh lòng khi trăng khuyết
Anh ơi anh có biết
Trăng hay tình lứa đôi.


Anh ngỏ lời yêu em vào một đêm trăng khuyết, để rồi sau đó là những ngày trăng tròn, em đã vui và hạnh phúc biết bao nhiêu khi ngắm vầng trăng ấy. Có hay đâu trăng tròn để rồi khuyết, nhìn vầng trăng khuyết chạnh lòng nghĩ đến lúc tình yêu chúng mình biết đâu có một ngày cũng như vầng trăng kia. Và rồi cái điều linh cảm ấy cũng trở thành hiện thực. Anh đã ra đi. Tình yêu chỉ còn là kỉ niệm. Quá khứ không thể đốt thành tro, nên nỗi đau buồn không dễ gì quên. Tại em hay tại anh? Hay tại vầng trăng khuyết? Cô gái không thể hiểu nổi và cũng không thể lý giải được. Đau khổ. Dằn vặt. Trước mắt cô sao cứ hiện ra hình ảnh vầng trăng khuyết. Đúng rồi, lời yêu được ngỏ vào một đêm trăng khuyết. Cô hờn giận trách chàng trai:

Sao anh lại ngỏ lời
Vào một đêm trăng khuyết
Để bây giờ thầm tiếc
Một vầng trăng không tròn.


Tiếc nuối làm hiện lên một tình yêu tha thiết vẫn còn cháy bỏng nơi trái tim cô gái. Trăng muôn đời cứ tròn rồi khuyết, chỉ có tình yêu khuyết rồi không thể tròn đầy trong trái tim em... Anh biết không?

Nguồn: vietnamthuquan.net
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Chủ nhật 05/10/08 9:59

THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU

Xuân Quỳnh

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá.
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em.

Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má

Hơi lạnh qua bàn tay
Tình ta như hàng cây
Đã bao mùa gió bão.
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ.

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em.

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.


Hình ảnh

Có những thứ đi qua cuộc đời, nhẹ nhàng và bình yên, không dấu vết, không mảy may kỷ niệm. Có những điều đi qua cuộc đời để lại những dấu ấn thật đậm nét. Nhớ về những điều đó là nhớ về cả một quãng ngọt ngào nhất của cuộc đời. Bởi thế nên nó được ta gìn giữ như báu vật, ta nâng niu, trân trọng như chính cuộc đời ta. “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh chính là nơi cất giữ những kỷ niệm như thế - Tình yêu mãnh liệt và thủy chung của người phụ nữ đa cảm, đa tình...

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em


Tại sao nhà thơ lại chọn thời điểm cuối mùa thu? Và tại sao cứ phải là “Thơ tình cuối mùa thu”? Phải chăng vì mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm. Và tình yêu trong mùa thu cũng đẹp nên thơ và lãng mạn như chính cái mùa quyến rũ ấy. Cho nên sang mùa đông thì tất cả sẽ qua đi, tất cả sẽ “theo mùa đi mãi”, lá sẽ về rừng, dòng nước sẽ trôi ra biển cả. Cho nên thơ tình làm vào độ cuối thu thì cảm xúc càng có dịp thăng hoa.
Cái sắc thái cuối thu trong bài thơ đã có những dự cảm rất tinh tế của tâm hồn người phụ nữ. Đọc thơ Xuân Quỳnh ta luôn bắt gặp song hành bên cạnh một tình yêu thủy chung và bỏng cháy là những dự cảm và lo âu. Tuy chỉ tả cảnh thôi nhưng âm điệu thơ cứ man mác những lo âu:

Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay.


Trong cái làn gió heo may thổi xao động ấy còn có cả sự xao động trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Mới cuối thu mà tất cả dường như đã có sự thay đổi. Liệu mùa thay đổi rồi “lòng anh có đổi thay”? Đấy phải chăng chính là dự cảm trong tâm hồn của người phụ nữ có niềm yêu mãnh liệt và đa cảm ấy!
Tôi thích nhất trong bài thơ những câu thơ này:

Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ


Bốn câu thơ có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là tình yêu đã trọn vẹn, đã cập bến bờ hạnh phúc – một hạnh phúc phải trải qua những gió bão và thác lũ cuộc đời cho nên nó càng có ý nghĩa.
Nhưng tôi thích cách lập luận thứ hai hơn. Đó là cách hiểu tình yêu đã trôi qua, tất cả bây giờ được nhìn trong tương quan quá khứ - hiện tại. Từ cách hiểu có vẻ vô lý này ta có thêm một cách định nghĩa về tình yêu: Tình yêu muốn đạt được hạnh phúc cần phải trải qua những bão tố của cuộc đời và của cả lòng người nữa. Bởi có trải qua gió bão thì hạnh phúc đạt được mới thật sự trọn vẹn. Tình yêu trôi qua trong yên bình, lặng lẽ sẽ rất khó cấu thành hạnh phúc.
Chính vì thế mà khi nói “Đã yên mùa gió bão… Đã yên ngày thác lũ” nghĩa là tình yêu đã qua đi, tất cả bây giờ trở về bình lặng. Có lẽ vì thế mà khi phổ nhạc bài thơ này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu để bốn câu thơ này với âm hưởng trầm buồn, xót xa như một sự tiếc nuối.
Tình yêu đã lùi vào quá khứ không có nghĩa là tình yêu đã vụt tan. Điều đó trong “Thơ tình cuối mùa thu” càng được khẳng định bởi điệp ngữ: “Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại”.
Dù thời gian trôi đi đồng nghĩa với tất cả trở thành quá khứ, nhưng không vì thế mà tình yêu cũng tan vào dĩ vãng. Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh là một tình yêu mãnh liệt và thủy chung, nồng nàn và da diết. Cho nên dù tình yêu đã trở thành một miền dĩ vãng thì những dư âm của nó cũng sẽ còn mãi trong tâm hồn người con gái thủy chung.
Khổ thơ cuối điệp lại một lần nữa như khẳng định sự bền vững của tình yêu:

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
Kìa bao người yêu mới
Đi qua vùng heo may…”


Hai câu thơ cuối bài thơ vang lên như một tiếng reo. Bài thơ dừng lại ở đấy. Tưởng như là đột ngột, tưởng như là hụt hẫng. Nhưng không! Cái tiếng reo vui ấy kết lại bài thơ chính là khẳng định sự vĩnh cửu của tình yêu.
Tình yêu đã được tiếp nối giữa các thế hệ. Có thể thế hệ của “anh” và “em” đã qua đi, “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” nhưng có bao đôi trẻ yêu nhau sẽ gắn bó thủy chung và sắt son qua những mùa thu mới, những vùng heo may mới, tiếp nối tình yêu của anh và em…
Hai câu kết thúc bài thơ tạo ra hai giá trị vĩnh cửu của tình yêu. Giá trị riêng và giá trị chung. Giá trị riêng chính là tình yêu của anh và em, dù có thể đã lùi vào quá khứ nhưng những gì anh dành cho em và em dành cho anh sẽ còn mãi qua những mùa thu. Giá trị chung là tình yêu của biết bao thế hệ, biết bao đôi lứa yêu nhau sẽ còn mãi. Tình yêu trên trái đất này là bất diệt. Giá trị nhân văn của “thơ tình cuối mùa thu”, theo tôi, cũng là ở chỗ đó.

Nguồn: thuquanvietnam.net

NS. Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc bài thơ này, mời nghe ca khúc tại đây:
http://www.tuanvietnam.net/news/InTin.a ... msgid=4755
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi ntck2407 » Chủ nhật 05/10/08 17:32

HÒ HẸN MÃI CUỐI CÙNG EM CŨNG ĐẾN
Hoàng Nhuận Cầm

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi

Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới
Như cánh chim trong mắt của chân trời
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! Dù đau xót một lần thôi

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra

Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...


Hình ảnh

Có những hẹn hò làm tình yêu thêm thi vị. Có những hẹn hò để rồi xa nhau. Có những hẹn hò để rồi có bài thơ như Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến của Hoàng Nhuận Cầm. Tôi vẫn luôn thích những sự lỡ làng trong thơ anh. Một hạnh phúc tưởng như đến tay rồi chợt vỡ, một tình yêu vẹn tròn rồi chia xa, và những hẹn hò từ từ khép lại ….

Đây là một trong những bài thơ viết hay về sự hẹn hò trong tình yêu. Vốn dĩ, hẹn hò là một phần của tình yêu, thật hiếm có những tình yêu mà không hò hẹn. Nhưng cách cảm nhận của Hoàng Nhuận Cầm lại thật đặc biệt. Đặc biệt trong nỗi đợi chờ không phải là vô vọng, vì cuối cùng thì "em cũng tới", nhưng khi em tới thì không phải anh không còn đợi nữa, mà chính mùa thu đã không còn kiên nhẫn với cuộc tình…Bởi lẽ:

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi


Hoàng Nhuận Cầm vốn giỏi dùng những hình ảnh thật cụ thể để diễn đạt những cảm giác vô cùng mơ hồ, tinh tế. Thấy bông hoa sót lại cuối cùng để biết một mùa thu đã qua, và người đọc cũng cảm nhận được nỗi đợi chờ đã mòn mỏi thế nào! Cuối cùng em cũng đến, nhưng đến chỉ để thấy có những điều quý giá đã trôi qua...

Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! dù đau xót một lần thôi


Tiếng thơ như chưa bao giờ thành thật đến thế, thành thật để kiếm tìm một tiếng nói chân thành từ trái tim không toan tính, để con người đối diện với nhau không qua một tấm mặt nạ nào! Có lẽ cũng bởi sự thành thật một cách hồn hậu đó, mà thơ Hoàng Nhuận Cầm tìm đến được với bao tấm lòng, bao tình cảm tri âm!

Khổ thơ thứ ba của bài thơ, tôi thích nhất, vì nó chất chứa trong đó rất nhiều suy tưởng. Một sự suy tưởng giản dị, nhưng nó không phải không chứa trong đó một quan niệm rõ ràng về tình yêu!

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa


Không hiểu vì đâu nhiều bạn trẻ thường hay chép lệch thành "Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói/ Rằng bồ câu không chết lẻ bao giờ". Nếu như thế, câu thơ vẫn hay nhưng lại hay theo một cách khác. Tôi thích cách suy tưởng của anh, bồ câu không chết trẻ cũng như những mong ước về tình yêu là vĩnh viễn. Tình yêu một mặt nào đó cũng là hiện thân của cái Đẹp mà con người hằng khát khao vươn tới và chiếm lĩnh một cách trọn vẹn. Vì thế mà bồ câu không chết trẻ, cũng như những tình yêu không có quyền chết trẻ, những khát khao không có quyền lụi tàn. Em hay là cơn bão tự ngàn xa. Tứ thơ không mới, nhưng lại lạ trong nỗi sợ hãi của con người, sợ hãi mà vẫn đón nhận, vẫn đợi chờ, vẫn phấp phỏng trong âu lo và hạnh phúc.

Khổ thơ cuối cùng là một sự so sánh có phần chua chát, nhưng chua chát một cách ngộ nghĩnh, một các bâng khuâng và tiếc nuối, cái chua chát của một người còn trẻ:

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán gió - lại ra


Tưởng như tình yêu chỉ là một trò đùa, dễ dàng và chóng vánh với người con gái. Nhưng nếu để ý thì ta lại nhận ra một sự bao dung. Trái tim ấy là một tấm lòng, một tình yêu luôn chờ đợi, dẫu bé nhỏ nhưng vẫn là tổ ấm đủ để chở che cho những cơn gió vô tình một lần lạc bước. Để rồi cuối cùng, có một lần em đến, một lần em nói, một lần em đứng đó…. Chỉ có điều "mùa thu hoa cúc cướp anh rồi"… Đã bao lần đọc câu thơ này, tôi vẫn cảm thấy nỗi chông chênh của một con người, vừa quyết định sẽ lên tàu thì con tàu vụt chạy đi mất. Tàu thiếu đi một hành khách và người đi thành kẻ lỡ đường….

Câu thơ cuối cùng của bài thơ lưu lại trong ấn tượng người đọc bởi từ "cướp" rất đậm "chất" Hoàng Nhuận Cầm. Nó giúp ta không quên những ngày anh còn là người lính làm thơ. Chất lính tráng ấy vẫn đôi lần trở về trong thơ anh như một gợi nhớ, một dấu ấn, một nét riêng đặc biệt.

Thoáng đọc Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, người ta có thể nghĩ, ừ, bài thơ này "kết thúc có hậu" vì cuối cùng em cũng đến kia mà. Nhưng dư âm bài thơ, cách kết thúc của bài thơ lại cho ta một cảm nhận khác. Ấy là dư âm của sự lỡ làng... Ta có thể đợi nhau, nhưng cuộc đời không đợi ta. Vì thế mà đã có rất nhiều tình yêu đẹp trong cuộc đời, nhưng chẳng biết có bao nhiêu trong số đó, đi trọn vẹn được đến cuối đường?

NGUYỄN THU THỦY
Nguồn: Tuoitreonline
Ngày mai là một ngày mới...
Hình đại diện của thành viên
ntck2407
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Chủ nhật 21/09/08 10:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 6 31/10/08 23:39

EM VẪN ĐỢI ĐẾN THÁNG MƯỜI...


Hình ảnh
Em vẫn đợi tháng Mười anh biết không...?

Em đã đợi đến tháng Mười,
Gió se lạnh bờ môi... anh chẳng đến
Hoa sữa rơi ngập lòng em tha thiết
Hương nồng nàn nói hộ cả nhớ thương

Em vẫn đợi anh phía cuối con đường
Nơi em gặp anh một chiều anh có nhớ
Ấm áp trong tay một lần vừa đủ
Một phút chẳng nhiều cũng của cả trăm năm

Em vẫn đợi đến tháng Mười anh có biết không?
Gió đi qua em nghe tim buồn chống chếnh
Gió chẳng đưa em về nơi nào anh đến
Khoảng trống thật buồn, khoảng trống cứ mênh mông!


Em vẫn đợi tháng Mười anh biết không...?

Xuân Trà
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 5 13/11/08 21:15

CÓ MỘT NGÀY ...


Biển xanh rờn và cát trắng dịu êm.
Đã có một ngày anh yêu em như thế.
Ngọt mía lau và nồng hương quế.
Em yêu anh - như những tín đồ thấm giọng thánh kinh.
Với Aria và nhạc dương cầm.
Như kẻ tìm vàng ngất ngây bên suối cát.
Như đứa trẻ say mê chùm pháo tết.
Và nhấp nhô trong làn áo biếc.
Biển làm say mê những trái tim non.
Những ai lần đầu đến với đại dương...


Nhưng em làm sao giữ được.
Cái ngày xưa đã quá xa xôi.
Em như kẻ chài.
Sống mòn với biển.
Biển ấm nồng âu yếm.
Biển dạt dào cơn sóng yêu đương.
Và biển hung tàn ngạo nghễ cuồng điên.
Biển bọt bèo và cát bờ dơ dáy.
Những lưỡi đá ngầm giương dao dưới đáy.
Những con sứa lầy trong đám rong rêu.
Xác cá trôi nát rữa với cát ròng......



Hình ảnh
Biển xanh rờn và cát trắng dịu êm...Đã có một ngày anh yêu em như thế...


Có một ngày và phải có một ngày như thế.
Chẳng ai hối tiếc vì một thời thơ trẻ.
Chẳng nên đau buồn vì khoảnh khắc ngây ngô.
Dẫu sao thì ta cũng đã sống qua.
Dẫu sao thì ta cũng đã từng nếm trải.
Và ngày ấy sẽ còn điên đảo mãi.
Những lứa tuổi dại khờ đang bước sau ta.


Dương Thu Hương
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 5 13/11/08 22:02

BIỂN - XUÂN DIỆU

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê...

Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng...

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt...

Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết,

Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!
4.4.1962


Hình ảnh
Cũng có khi ào ạt...Như nghiến nát bờ em


Biển là một bài thơ tình đặc sắc của Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám, được sáng tác trên bãi biển Sầm Sơn. Nhưng như chính nhà thơ tâm sự, nguồn thi hứng của ông được gợi lên từ biển Quy Nhơn cát vàng nước biếc dạt dào, tiếng thầm thỉ của phi lao như lời tâm sự của những tình nhân. Con người từng được mệnh danh là "ông hoàng của thơ tình" thời Thơ Mới đã nói lên cảm xúc yêu đương nồng nàn từ vọng tưởng về con sóng quê hương thấm đẫm hồn thơ từ thuở hoa niên. Một tình yêu mới mẻ, không còn cảm giác mong manh vì lo sợ "tình yêu đến tình yêu đi ai biết" mà gắn kết vững bền trong quan hệ sóng - bờ. Vượt ra khỏi phạm vi của tâm tình lứa đôi, bài thơ còn nóng hổi những bồi hồi của đứa con miền Nam những ngày phải xa cách quê hương khi đất nước cắt chia làm hai nửa.

Bắt đầu bài thơ là một lời thú nhận nhưng cũng đồng thời là một khát vọng hoá thân, để được hướng về em bằng tất cả niềm ngưỡng vọng, đắm say:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng


Em - bờ cát trắng, như một biểu tượng của cái đẹp muôn đời, được cảm nhận bằng tất cả sự say mê của một trái tim si tình. Cái nhìn của nhà thơ trước sau vẫn thế, luôn lấy vẻ đẹp con người làm chuẩn mực cho những vẻ đẹp tự nhiên. Sắc nắng pha lê làm nên sắc cát vàng óng ả. Một dáng nghiêng mềm mại "thoai thoải hàng thông" tạo thành vẻ đẹp mang đậm nữ tính. Vẻ đẹp ấy là cái cớ để nhà thơ bộc lộ tình yêu tha thiết với em khi tự nhận: "Anh xin làm sóng biếc". Cái tôi hoá thân thành con sóng mới tự do và mãnh liệt làm sao!

Có lẽ cho đến nay trong thi ca Việt Nam, kể cả những nhà thơ cách tân mới nhất, chưa ai dám bạo dạn tả cái hôn đắm đuối đến thế: hôn mãi, hôn thật khẽ thật êm, hôn êm đềm, mãi mãi, hôn rồi hôn lại, tan cả đất trời... Ngỡ như cả vũ trụ nghẹt thở bởi những cái hôn nồng cháy đến thế!. Thấp thoáng trong câu thơ những ám ảnh dục tính rất đời thường mà không hề vẩn đục bởi những dục vọng thấp hèn.

Và con sóng tình không chỉ dừng lại đó mà rất bạo liệt ào ạt, nghiến nát bờ em. Ta lại gặp một Xuân Diệu - kẻ uống tình yêu dập cả môi thuở nào! Con người đã tìm thấy trong tình yêu sự sống vĩnh cửu, vượt ra khỏi giới hạn đời người trăm năm để quyện chặt với đời bằng nụ hôn ngàn năm không thoả. Bằng tình yêu ấy, thi nhân đã hoà con sóng biếc tâm hồn góp thành bể biếc cuộc đời - màu tình yêu muôn thuở. Ân tình nhà thơ cũng hoà chung quan niệm của một thời người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu). Có lẽ cũng không cần phải bàn nhiều về tính chất của tình yêu hiển hiện trong những vần yêu nồng nàn ấy.

Đó cũng là tình yêu vọng về mảnh đất Bình Định thân thương, nơi đã nuôi hồn thơ cho Xuân Diệu. Biển Quy Nhơn lung linh trong bao thi ảnh bể biếc, cát vàng, thoai thoải bãi bờ... Tình yêu lứa đôi quyện hoà cùng tình yêu quê hương. Để những người yêu nhau ra trước biển Quy Nhơn giờ đây lại có thể ngâm ngợi những vần thơ của người nghệ sĩ đa tình thuở ấy:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết

Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!


Trần Hà Nam
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 13/11/08 22:11

NGÀY KHÔNG EM
I.
Không em ra ngõ kéo diều
Nào ngờ được mảnh trăng chiều trên tay
Luồn kim vào nhớ để may
Chỉ yêu cứ đứt trên tay mình cầm

II.
Em đi như chim về ngàn
Để rơi một cánh hoa tan nát chiều
Tôi đi tìm một tình yêu
Trên dòng sông chứa rất nhiều ban mai
Tôi đi trên dòng sông gai
Lốt chân chim đậu trên vai thành hồ
Không em từ bấy đến giờ
Bàn tay vẫn héo như cờ chịu tang.


ĐỒNG ĐỨC BỐN

Đồng Đức Bốn là nhà thơ ý thức trở về với cội nguồn ca dao dân tộc, một cây bút lục bát khoẻ khoắn và độc đáo của nền văn học đương đại, đã góp phần làm nên cái duyên của thể thơ 6-8 hiện đại. Thơ lục bát anh có một sức thu hút kỳ lạ, đặc biệt là ở những câu thơ kết bài, cứ tạo một dư ba trong lòng người đọc:

Tôi nghe nẫu cả những chiều
Câu thơ ngã xuống đổ xiêu mái chùa

(Quốc kêu)

hay:

Vớt buồn trên mặt sông trôi
Bây giờ vẫn chỉ mình tôi giữa dòng

(Đời tôi)

Bài thơ “Ngày không em” cũng có một sức hút như thế. Giọng thơ nhẩn nha, chậm rãi đến thiết tha. Ba khổ thơ được chia làm hai phần, không dùng một dấu chấm câu nào, dường như không có sự kết thúc mà cứ mênh mông, dàn trải… Bốn câu thơ đầu là một bức thông điệp về một nỗi cô đơn, cô đơn vì “không em”. Không em, mọi giá trị thực của cuộc sống như biến thành ảo hết: diều biến thành mảnh trăng chiều, chỉ để may cứ bị đứt.

Qua phần thứ II thì 8 câu thơ như đè nặng xuống, kéo toàn bộ bài thơ chùng xuống bởi sự không tương xứng giữa hai phần. Nếu phần I mới chỉ là lời thông báo “không em”, thì phần II lại là tâm trạng cô đơn của người con trai được nhân đôi lên bởi những câu lục bát:

Em đi như chim về ngàn
Để rơi một cánh hoa tan nát chiều


Hình ảnh

Cấp độ của nỗi buồn đã nhân lên, giọng thơ đã chuyển sang cái xót xa, đau đớn đến “tan nát chiều” chứ không còn dừng lại ở cái nhẩn nha chậm rãi buồn như khổ thơ trên. Đến hai câu thơ kết bài:

Không em từ bấy đến giờ
Bàn tay vẫn héo như cờ chịu tang


Nỗi buồn ở đây được đẩy lên tận cùng. Hình ảnh lá cờ tang như cứa sâu vào cả bài thơ, bao trùm lên toàn bài thơ là một sự lụi tàn, héo úa, chết chóc. Và chỉ đến câu kết này tác giả mới dùng dấu chấm hết duy nhất trong bài, nhưng bài thơ thì không kết thúc mà cứ lan tỏa một nỗi buồn mênh mang.

Thơ Đồng Đức Bốn là thế, cứ ám ảnh lòng người bởi những câu thơ giàu hình ảnh, tứ thơ sâu sắc. Từ xưa đến nay, thơ viết về tình yêu, về nỗi buồn thất tình thì nhiều lắm, bởi những cung bậc tình cảm này không thể thiếu trong tình yêu. Song có thể nói Ngày không em là một sự thể hiện mới, bởi nhân vật trữ tình trong bài thơ không hướng đến một sự chia sẻ, cảm thông của “đối tượng” mà chỉ là tự bộc lộ cảm xúc thật của bản thân. Cảm xúc thật và ảo thẩm thấu vào nhau tạo nên những câu thơ độc đáo và rất Đồng Đức Bốn.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Thư giãn văn hoá học: nghệ thuật

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron