NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm nghệ thuật với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 2 16/06/08 0:19

THƠ VIẾT Ở BIỂN - HỮU THỈNH


Đọc blog bạn, tình cờ xem được bài thơ mình yêu thích từ lâu.

Tình yêu của đôi lứa trong bài thơ sao quá đỗi dịu ngọt: "Anh xa em...trăng cũng lẻ...mặt trời cũng lẻ", chỉ có những ai đang cháy bỏng trong sự đợi chờ người thương mới cảm nhận hết ý thơ này...."Biển vẫn cậy mình dài rộng thế...Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn"...Tình yêu có bao giờ là đủ đầy, tình yêu là sự lạ kỳ như thế ấy. "Em không phải là chiều...mà nhuộm anh đến tím..." phải, sự nhớ nhung đã choán hết tâm trí...hình bóng em đã hòa quyện vào anh trong ráng chiều nghiêng nghiêng...Tất cả, tất cả đã làm nên tứ thơ thật đẹp...

THƠ VIẾT Ở BIỂN

Anh xa em

Trăng cũng lẻ

Mặt trời cũng lẻ

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím

Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím

Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em.

Hữu Thỉnh


Cảm nghĩ của các bạn về bài thơ này thế nào? Chia sẻ cùng mình nhé!
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 2 16/06/08 0:45

MỘT CHIỀU NGƯỢC GIÓ (Bùi Sim Sim)

Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh
Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi
Ngược lòng mình tìm về nông nổi
Lãng du đi vô định cánh chim trời

Em ngược thời gian, em ngược không gian
Ngược đời thường bon chen tìm về mê đắm
Ngược trái tim tự bao giờ chai lặng
Em đánh thức nỗi buồn, em gợi khát khao xanh

Mang bao điều em muốn nói cùng anh
Chợt sững lại trước cây mùa trút lá
Trái đất sẽ thế nào khi màu xanh không hiển hiện
Và sẽ thế nào khi trong anh không em?

Em trở về im lặng của đêm
Chẳng còn nữa người đông và bụi đỏ
Phố bỗng buồn tênh, bờ vai hút gió
Riêng chiều này - em biết, một mình em...



Bài thơ thật cảm động.
Tình yêu...dẫu đã xa nhưng vẫn để lại niềm đau khắc khoải trong em..."Ngược lòng mình tìm về nông nổi.Lãng du đi vô định cánh chim trời"
Tình yêu ấy gợi lại nỗi khát khao tưởng đã ngủ yên, gợi lại vết thương lòng tưởng đã liền da..."Em đánh thức nỗi buồn, em gợi khát khao xanh"
Mãnh lực của tình yêu thật tuyệt vời... Ôi, giá như chàng trai biết được rằng:"Trái đất sẽ thế nào khi màu xanh không hiển hiện.Và sẽ thế nào khi trong anh không em?"
Tình yêu của người con gái ấy đã vượt lên trên những nhỏ nhoi, đua chen đời thường để " Em trở về im lặng của đêm".Tình yêu ấy còn mênh mông, sâu thẳm lắm nhưng cũng chứa đựng sự cô đơn đến tê tái cõi lòng! "Phố bỗng buồn tênh, bờ vai hút gió. Riêng chiều này - em biết, một mình em..."
Phải, chỉ một mình em...

Còn các bạn, các bạn "cảm" bài thơ này như thế nào?
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 5 10/07/08 14:39

Hình ảnh

MÀU TÍM HOA SIM (Hữu Loan)
Nàng có ba người anh
đi bộ đội
Những em nàng
có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh


Tôi người Vệ-Quốc-quân
xa gia đình
Yêu nàng
như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi.


Tự chiến khu xa
nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến binh
mấy người đi trở lại !
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ bé bỏng chiều quê


Nhưng không chết người trai khói lửa
mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
má tôi
ngồi bên mộ con
đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi ! Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau
một lần...


Ngày xưa
nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng
màu tím hoa sim
Ngày xưa
đèn khuya bóng nhỏ
nàng vá cho chồng
tấm áo ngày xưa! ...


Một chiều rừng mưa
ba người anh
tự chiến trường Ðông Bắc
biết tin em gái mất
trước tin em lấy chồng!
Gió thu về rờn rợn nước sông
đứa em nhỏ lớn lên
ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió thu về
cỏ vàng chân mộ chí !
Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
dài trong chiều không hết .
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt ...


Có ai ví như từ chiều
ca dao nào xưa xa:
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu"


Ai hát
vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím
có chiều hoang biết
Chiều hoang tím
tím thêm màu da diết ...
nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa :
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm ...!
Màu tím hoa sim tím
Tình tang lệ rớm ...


Ráng vàng ma và sừng rúc
điệu quân hành
Vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh
vào thăm thẳm chiều hoang màu tím...


Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu?
- áo anh nát chỉ dù ... lâu!


Bài thơ cấu trúc như một truyện ngắn: có mở đầu, có diễn biến , có mâu thuẫn, có kết thúc, có kết gợi suy nghĩ thêm....

Hai người với thời gian yêu nhau, cưới nhau đều ngắn ngủi , nào đã nói với nhau được gì đâu. Tang tóc , đổ vỡ ập xuống ...
Anh cứ tiếc giá như giây phút cuối được nghe nhau nói , được nhìn nhau một lần ! Đau đớn , não lòng làm sao.

Người con gái chết đi, kỷ niệm vẫn sống trong tình cảm yêu thương của mọi người. Nét đẹp nhất trong bài thơ là hình ảnh "màu tím hoa sim" , cái hình ảnh vừa hư vừa thực. "Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím - Áo nàng màu tím hoa sim " có thể là thật , nhưng nàng đã đi xa. Cái biểu tượng màu sim tím cứ bám riết lấy ký ức và tình cảm anh Vệ Quốc quân. Màu tím trong lòng anh, màu tím trong mắt anh , màu tím chung quanh anh , màu tím ngày đêm quấn quít , vương vất bên anh ngay cả trên những chặng đường hành quân ! Hư hay thực đây? Người chiến sĩ làm gì, đi đâu cũng phải theo lệnh, làm sao có thể hành quân qua một đồi sim vào buổi chiều để thả lỏng hoài niệm người thương? Nhưng điều đó có hề chi ! Từ ngày người con gái chết đi, con đường nào, quả đồi nào, buổi chiều nào với anh chẳng ngợp màu sim tím? "Màu tím hoa sim" là kỷ vật thiêng liêng duy nhất nàng để lại cho anh. Anh mang nó đi suốt không gian , đi suốt thời gian "những đồi sim dài trong chiều không hết"...Và trong khung cảnh hư ảo đó , người chiến sĩ cất tiếng hát , "hát trong màu hoa"....

Tình cảm chân thực của bài thơ chấn động tâm hồn người đọc. Người đọc thương cảm người con gái đã khuất như người thân của mình. Đặc biệt hơn , bài thơ vẫn nằm trong sổ tay của nhiều thế hệ , được phổ nhạc , được xuất bản ở nước Anh cùng với "Chinh phụ ngâm".

Ý nghĩa nhân văn của bài thơ đã làm nên sức mạnh trường tồn...

Sưu tầm
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 2 04/08/08 1:11

Nếu ngày mai chẳng bao giờ đến nữa

Nếu tôi biết đó là lần cuối
Ngắm nhìn em bên gối ngủ say
Tôi sẽ xiết chặt em trong vòng tay hơn nữa
Và cầu mong thánh thần hãy hiểu biết về tình yêu

Nếu tôi biết đó là lần cuối
Được nhìn em quay gót bước đi
Tôi sẽ giữ và cầm tay em thật chặt
Và trò chuyện để em nán lại bên tôi

Nếu tôi biết đó là lần cuối
Mỗi cử chỉ và lời nói của em
Tôi sẽ mở rộng ký ức tâm hồn
Để ghi nhớ trong lòng tôi mãi mãi

Nếu tôi biết đó là lần cuối
Tôi sẽ dành thời gian đọc ánh mắt em
Và nói rằng "Tôi yêu em nhiều lắm"
Thay vì lặng im chắc em biết lâu rồi

Nếu tôi biết đó là lần cuối
Được chia sẻ xúc động cùng em...
Cứ ngỡ mình sẽ còn nhiều dịp nữa
Nên để thời gian trôi qua, trôi qua...

Tin chắc rằng mình còn có ngày mai
Để bù đắp những tháng ngày trước đó
Và cứ nghĩ cơ hội sẽ luôn hào phóng
Còn nhiều dịp sửa chữa lỗi lầm hôm qua

Sẽ luôn có một ngày tôi muốn
Để cho tôi nói được lời "yêu em"
Và luôn còn nhiều cơ hội khác nữa
Để thực hiện điều tôi có thể làm cho em

Nhưng nếu điều tôi nghĩ là sai
Và hôm nay là tất cả những gì tôi có
Tôi muốn nói yêu em biết bao
Và mong mọi người đừng quên điều đó

Nếu bạn chờ đến ngày mai
Sao hôm nay không làm ngay điều đó?
Vì nếu ngày mai kia chẳng có
Bạn sẽ phải hối tiếc cho ngày qua
Vì đã không dành thêm ít phút
Cho nụ cười, cái ôm chặt và những nụ hôn

Vậy hôm nay hãy chia sẻ với những người bạn yêu mến
Và bày tỏ rằng bạn yêu họ biết bao nhiêu
Hãy dành thời gian cho lời cảm ơn, xin lỗi
Và rộng mở lòng tha thứ, thương yêu

Để nếu Ngày mai không bao giờ đến nữa
Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc Ngày hôm nay

Nào ai dám chắc mình còn có ngày mai
Dù bạn còn xuân hay mái đầu đã bạc
Và hôm nay có thể là cơ hội lần cuối
Để bạn mở lòng với những người yêu thương

Nguồn: Hoathuytinh.com



Mình nhớ một ai đó đã nói câu này : Hãy luôn luôn nên tạm biệt người thân bằng những lời yêu thương, vì biết đâu lần gặp này là cuối cùng...
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 3 05/08/08 1:08

Bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư

Xuất hiện giữa mùa hạ nóng bức và mùa đông lạnh lẽo, mùa thu mát dịu và mơ màng là nguồn cảm hứng bất tận của văn nhân, thi sĩ xưa nay. Viết Thu vịnh và Đây mùa thu tới, Nguyễn Khuyến và Xuân Diệu đã đóng góp cho văn học sử nước nhà hai bài thơ hay về cảnh thu và tình thu. Với Tiếng thu, Lưu Trọng Lư viết thu thanh và đã dọn cho mình một chỗ ngồi khá độc đáo trên văn đàn của những thi sĩ mùa thu:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?


Chủ đề tiếng thu đã được nhà thơ thể hiện trước hết bằng từ ngữ. Xuyên suốt bài thơ là một từ “nghe” xuất hiện ba lần ở đầu mỗi khổ thơ. Người đọc nghe gì? Chúng ta nghe lời “thổn thức” dưới ánh trăng mờ của mùa thu được nhân cách hóa, nghe tiếng lòng “rạo rực” của người cô phụ có chồng đi đánh giặc xa, nghe tiếng lá thu rơi “xào xạc” trong rừng vắng.

Chủ đề tiếng thu còn được tác giả diễn tả bằng thanh âm. Đó là hai câu thơ có toàn thanh bằng xuất hiện ở đầu khổ thơ thứ nhất và thứ ba: “Em không nghe rừng thu”

Trước cách mạng tháng Tám, trong khi câu thơ Đường và thơ lục bát với luật gián cách bằng trắc còn ngự trị trên văn đàn, Lưu Trọng Lư đã sáng tạo và độc đáo khi tự do viết những câu thơ ngũ ngôn có toàn thanh bằng để miêu tả tiếng thu. Đọc những câu thơ này, cùng với sự hỗ trợ của nguyên âm “u” tròn môi xuất hiện nhiều lần ở cuối câu thơ, ta như nghe được tiếng thu êm đềm, nhẹ nhàng và vang vang của tác giả.

Cú pháp của bài thơ cũng góp phần biểu hiện tiếng thu. Không phải ngẫu nhiên mà cả ba khổ thơ của bài Tiếng thu đều được viết bằng ba dấu hỏi ở cuối ba khổ thơ này. Tại sao tác giả phải hỏi liên tục như vậy? Tại vì nhà thơ không tin người em nào đó có thể nghe được cái tiếng thu quá xa vắng và mơ hồ. Không nghe ư? Em hãy lắng lòng sâu đậm để tiếp nhận tiếng thu dịu nhẹ và mơ màng ấy.

Cấu trúc của bài thơ cũng được tác giả sử dụng để thể hiện chủ đề tiếng thu. Hầu hết các bài thơ cũ và thơ mới đều được viết thành những khổ bốn câu đều đặn. Ở bài thơ này, số dòng trong mỗi khổ thơ tăng dần đều. Nếu xem mỗi dòng là mỗi khổ thơ thì khổ thứ nhất có hai câu, khổ thứ hai có ba câu, khổ thứ ba có bốn câu. Nhà thi sĩ có ý thức khi viết những khổ thơ như vậy để diễn tả một cách có nghệ thuật cái tính chất ngân nga, lan tỏa của thu thanh. Thêm vào đó, cách gieo vần liền bằng các từ láy đặt ở cuối câu thơ đã liên kết các câu thơ trong khổ (“xào xạc” với “ngơ ngác”) và các khổ trong bài (“thổn thức” và “rạo rực”), vừa làm giàu yếu tố nhạc của thơ, vừa làm cho các câu thơ và khổ thơ như kéo dài ta và nối lại với nhau, tạo cho bài thơ cái âm hưởng miên man của khúc thu ca.

Để thưởng thức trọn vẹn giai điệu mùa thu của Lưu Trọng Lư, hãy đọc lại Tiếng Thu, đọc liền mạch và chỉ dừng lại một giây khi gặp dấu chấm hỏi. Hãy tưởng tượng có ai đó ném xuống mặt nước phẳng lặng của hồ thu một viên đá nhỏ. Nhiều vòng tròn sóng đồng tâm xuất hiện và lan tỏa mãi. Đó là hình ảnh làn sóng âm thanh của tiếng thu mà nhà thi sĩ Lưu Trọng Lư đã làm vang lên trong tâm hồn mỗi người.

Hai dòng thơ cuối của Tiếng thu đã vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh:

"Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô"


Ta nghe gì khi nhìn thấy hình ảnh ấy? Có phải ta nghe tiếng lá vàng khô vỡ vụn dưới những bước chân nai ngơ ngác? Tiếng thu đích thực của Lưu Trọng Lư là như vậy đó. Ta không nghe tiếng thu ấy bằng tai mà nghe bằng trí tưởng tượng, nghe vang lên trong tâm hồn, mỗi khi thấy lá ngoài đường rụng nhiều và những đám mây bàng bạc trên không...

Tắt một lời, thu thanh của Lưu Trọng Lư là vô thanh. Đó là cái "vô thanh thắng hữu thanh" mà tác giả Tỳ Bà Hành là Bạch Cư Dị đã một lần khẳng định trong cảnh trăng nước tương giao trên bến Tầm Dương. Với nhận thức tinh tế của nhà thi sĩ, trong Đây mùa thu tới, Xuân Diệu đã cảm được cái tiếng thu ấy khi nhìn những "thiếu nữ buồn không nói”. Bằng trí tuệ của một nhà phê bình có biệt tài, trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã "ngộ" được cái thu thanh ấy khi bình Tiếng thu của Lưu Trọng Lư:

"Tiếng thu" ấy, riêng gì mùa thu mới có? Tuy nó phát khởi từ mùa thu nhưng nó đã vang bên tai loài người từ muôn đời thì bao giờ chả còn chút dư âm sau những ngày thu tàn tạ. Đã sống nhiều trong cuộc đời tư tưởng thì dầu trong mùa đông hay mùa xuân, mùa thu hay mùa hạ, ai là người không có những buổi “chiều thu”, những buổi mà cái buồn vẩn vơ nó đến van lơn cám dỗ, những buổi mà tiếng thu vàng, gieo vừa nhẹ, vừa chìm.

Một bài khác :
Hãy lắng nghe “Tiếng thu”
Nguyễn Thụy Kha, Báo Văn nghệ Công an

Như một phút chợt dừng trong trường tình phiêu lưu của Lưu Trọng Lư, "Tiếng thu” dội lên âm thanh day dứt của một thời bơ vơ xa xưa. Và còn vọng mãi đến bao giờ?

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh người chinh phụ
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.

Bằng hình thức kết cấu cú pháp. Điệp ngữ phủ định và câu hỏi tu từ, bài thơ "Tiếng thu” đã được Lưu Trọng Lư thể hiện tới toàn bích trong hơi thở thấm đẫm của văn học lãng mạn thời Thơ Mới.

Nhà thơ Nguyễn Vỹ từng viết: "Lưu Trọng Lư bước vào làng thơ Việt Nam, gót chân lơ đễnh, cặp mắt ngơ ngác, nụ cười xa vắng, tay cầm một quyển truyện mỏng của anh vừa in xong, nhan đề "Người Sơn Nhân”. Một quyển truyện? Thật ra, không hẳn là một quyển truyện. Nhan đề Người Sơn Nhân cũng không hẳn là sơn nhân. Có thể gọi đó là một bài thơ cũng được. Và có thể đổi nhan đề là "Người thi nhân" cũng được Lưu Trọng Lư đâu có biết Lưu Trọng Lư là thi sĩ. Lưu Trọng Lư cũng không biết Lưu Trọng Lư là Lưu Trọng Lư... Dễ thương làm sao?"

Còn nhà phê bình Hoài Thanh trong "Thi nhân Việt Nam" thì viết: "ở đời này, ít có người lơ đãng hơn. Thi sĩ đời nay họ khôn lắm, có khi ranh nữa. Và yêu thơ, thường ta chẳng nên biết người. Thiệt thòi cho họ và thiệt thời ngay cho mình. Những yêu thơ Lư mà quen Lư thì vô hại, vì đời Lư cũng là một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là mời ké ngơ ngơ ngác ngác chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết.

Có lẽ thế nên khi viết riêng về "Tiếng thu”, mặc dù có ý rằng Lưu Trọng Lư ảnh hưởng một bài thơ Nhật Bản, Nguyễn Vỹ vẫn cứ cho rằng thơ Lưu Trọng Lư đâm đặc chất thi sĩ hơn và vì thế có ý ở trên sự tả hơn bài thơ tả cảnh của nhà thơ Sumaru từ thế kỷ VIII của Nhật Bản. Ông viết: “Lưu Trọng Lư là một ảnh tượng lơ lửng trong thời gian. Mảnh tim của anh bay vời vợi trên khung xanh như con thều giấy, đính vào trần gian bằng một sợi tơ mỏng manh, chập chờn trong gió, vi vu trong mây. Cho nên thơ của Lưu Trọng Lư cũng phảng phất một hơi thu, một nắng hè thu mát, một khói lam chiều, một thuyền mơ phiêu dạt, một hơi tiêu man mác, một tiếng hước của con nai vàng xào xạc trên lá vàng khô...".

Ta thấy điều khác nhau ấy thật rõ ràng khi điệp ngữ phủ định "Em không nghe" được sử dụng làm môtíp chính để phát triển toàn bộ cảm xúc của tác giả. Hai lần "Em không nghe" ở khổ đầu và khố tiếp theo với các hình ảnh "trăng mờ", "chinh phụ”, "cô phụ” đã gợi ra không khí quạnh vắng cổ điển của "Chinh phụ ngâm". Tự nhiên làm ta nhớ đến câu thơ "Mặt chinh phụ trăng dọi dọi soi”. Tiếng thu ở đây được phát hiện như tiếng thở khẽ của nỗi cô đơn. Câu hỏi tu từ được tác giả sử dụng để gợi ý định hướng độc giả lắng nghe về phía cô đơn ấy mà tác giả không trực tiếp trả lời.

Từ một ánh trăng mờ đầy ấn tượng thổn thức đến nỗi mong nhớ chồng rạo rực của người đàn bà cô độc trong căn phòng mang một màu ẩm tối, lần "Em không nghe" cuối cùng mới hướng độc giả tới nỗi bơ vơ cùng cực. Ở khổ kết này, sau phương thức chuyển nghĩa nhân cách hóa ở câu thứ hai: "Lá thu kêu xào xạc", nỗi bơ vơ được chiếc lá mùa thu kêu lên như người, thì sự nhân cách hóa nói trên. Chính tư tưởng của nhà thơ thời Thơ Mới đã khiến cho Lưu Trọng Lư tìm ra chữ “kêu” xuất thần đẩy bài thơ đến tầm cao, vươn tới toàn mỹ. Hai câu thơ cuối được hình thành chuyển nghĩa bằng định ngữ "vàng". Hai màu vàng đạp lên nhau:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô?

Đã tạo ra một không gian cô đơn vô bờ bến. Đấy là bước làm mới bất ngờ từ sự tả cảnh ở bài thơ cổ kia:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô

Hai chất màu: "Vàng ngơ ngác" rồi đến “vàng khô" xiết lên nhau, khiến ta nhớ đến Nguyễn Gia Thiều với: "Trải vách quế gió vàng hiu hắt" và Nguyễn Du với: "Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô". Điều đó đã đẩy tâm trạng độc giả tới sự đồng cảm sâu sắc với tâm hồn của tác giả. Một lối chuyển nghĩa độc đáo khiến tiếng thu thấm sâu vào ta. Tiếng thu, tiếng của nỗi cô đơn, bơ vơ của con người thời không phương hưởng trong cảnh nước mất nhà tan còn ẩn dấu một dự báo về sự "cùng tắc biến" của xã hội ta thời ấy. Một dự báo về một thời chiến chinh như những thuở xưa. Hãy lắng nghe tiếng thu mà thấy.

Nhờ chất nhạc mạnh mẽ trong bài thơ, "Tiếng thu” được khá nhiều nhạc sĩ của các thế hệ khác nhau phổ nhạc. Thời tiền chiến thì có Võ Đức Thu Lê Thương. Thời bây giờ thì có Phan Huỳnh Điểu, Hữu Xuân và Hoàng Phức Thắng. Nghe "Tiếng thu” được hát lên cũng thấy nao nao xúc động. Nhưng thú thực, khi tự mình đọc "Tiếng thu” lên để nghe hai màu vàng đạp lên nhau trong tâm tưởng, mới thấy cái tuyệt đỉnh của thơ mà không một sự thêm vào nào làm nó mới được hơn nữa, hay hơn được nữa. quyến rũ như mùa thu.

Nguồn: chungta.com
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 3 12/08/08 0:09

ĐÔI DÉP (Nguyễn Trung Kiên)


Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng có thể thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Từ lúc ấy sẽ chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống phố bụi cùng nhau

Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức nặng đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng chiếc khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc bị xa lìa
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải, trái
Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia…



Những cuộc tình đẹp vẫn tồn tại và có thật ở trên đời...
Đôi dép là một bài thơ hiện đại, dù về mặt thể loại nó vẫn tuân thủ nghiêm ngặt theo cách gieo vần truyền thống. Tại sao hiện đại? Bởi nó không sử dụng cách so sánh giống người trước.
Trước kia, nói về sự bền chặt của tình yêu đôi lứa người ta thường ví von, rằng: “Đôi ta làm bạn thong dong / Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”; hoặc “Đôi ta như thể con tằm / Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong”; hoặc “Đôi ta như bấc với dầu / Khêu ra cho rạng kẻo sầu tương tư”... Ở đây, tác giả Nguyễn Trung Kiên mượn hình ảnh... đôi dép! Tưởng gì! Cái đôi dép ấy bình dị quá, phổ biến quá và thậm chí còn... “tầm thường” nữa.
Chính vì thế, ngay từ tựa bài thơ cũng đã tạo sự tò mò ở người đọc.
Và rồi người đọc đã không dứt khỏi mạch thơ được bởi ở bài thơ này, tác giả trình bày vấn đề bằng phong cách trầm tĩnh và nghe ra có lý lắm. Thứ nhất, tác giả khẳng định: “Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết / Những vật tầm thường cũng có thể thành thơ”. Về nguyên lý văn học điều này không sai; về tình cảm con người thì đó là sự thật, không thể chối cãi.
Sau những câu thơ đề cập đến sự cần thiết không thể tách rời của hai chiếc dép, tác giả buông câu thơ thật hay: “Nếu ngày nào một chiếc bị xa lìa / Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng”. Cái hay của câu thơ giống như cú sút quyết định của cầu thủ sung sức trên sân bóng. Cú sút căng đến nỗi thủ môn của đối phương suýt “bật tim ra ngoài”. Nhưng vẫn chưa lọt lưới. Tại sao như vậy? Tại thiếu yếu tố bất ngờ. Sự đoán định như thế trong bài thơ này vẫn chưa là những câu thơ hay nhất.
Từ khổ thơ kế tiếp, tác giả mới bắt đầu so sánh hình ảnh đôi dép với chuyện tình của “anh và em”. Ta thấy gì? Ta thấy những lúc lứa đôi vắng nhau: “Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía / Dẫu bên cạnh đã có người thay thế / Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh”. Nghe ra bùi ngùi lắm, bởi ở đây Nguyễn Trung Kiên đã nhắc đến tình yêu như một định mệnh, một tất yếu. Đã “dép” thì phải có đôi; đã “anh” phải là “em”. Không thể nào khác được. Lẽ tất yếu ấy được thể hiện bằng hai thơ chắc nịch: “Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối / Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội”.
Chao ôi! Tình cảm của người làm thơ nồng nàn và say đắm đến vậy sao? Câu thơ đi thẳng vào óc. Để rồi từ trong sâu thẳm bật ra câu thơ thật hay: “Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại / Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung”. Câu thơ hay nhưng vẫn chưa tạo sự bất ngờ ở người đọc. Giống một cầu thủ chuyên nghiệp, Nguyễn Trung Kiên đã chọn phút 89 để bất ngờ tung một cú sút quyết định. Đó là những câu thơ không phải viết bằng lý trí mà bằng cảm xúc tột cùng: “Hai mảnh đời thầm lặng bước song song / Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc / Chỉ còn một là không còn gì hết / Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia…”. Dư vang của câu thơ ám ảnh đến lạ thường... “Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia...” Câu thơ như quấn quýt mãi trong cảm xúc của người đọc.
Đến với một bài thơ hay, có nhiều đường đến và nhiều hướng để cảm nhận. Với tôi, tôi nghĩ trong đời nếu có một người để mình da diết thương, mình cuồng nhiệt yêu, mình điên cuồng nhớ... thì đó đã là một hạnh phúc. Hạnh phúc vì tin rằng dù được hoan lạc yêu hay não nùng tình phụ thì những cuộc tình đẹp vẫn tồn tại và có thật ở trên đời. Trong suy nghĩ đó, tác giả Nguyễn Trung Kiên là một người hạnh phúc. Anh đã gieo cho bạn đọc một niềm tin như thế.

Nguồn : aotrang.com
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 6 29/08/08 18:11

AI CŨNG CÓ PHÚT YẾU LÒNG NHƯ THẾ

Hình ảnh

Những bọt xà phòng lung linh sắc màu bay lên bay lên rồi vỡ tan...Những phút giây nông nổi rồi cũng sẽ trôi qua...Tất cả đã hóa thành kỷ niệm...như những câu thơ học trò giấu trong ngăn cặp:
"Kỷ niệm không là gì / Khi lòng người vội xóa / Nhưng sẽ là tất cả / Khi lòng người khắc ghi"...

Em biết rằng anh sẽ chẳng yêu em
Tình yêu ấy chỉ là phút giây nông nổi
Em trẻ con em dại khờ em bối rối
Anh bỗng hoá thành người lớn bao dung

Em biết rằng anh sẽ chẳng yêu em
Bởi trái tim anh đã có thừa người khác
Những bản tình ca bên em anh hát
Sẽ có người nào diễm phúc sau em

Em biết rằng rồi anh sẽ quên
Những gì thoáng qua mấy ai còn giữ lại
Nhưng với em nó sẽ là mãi mãi
Anh bận lòng chi với một kẻ qua đường

Đừng giận mình vì đã nói yêu thương
Ai cũng có phút yếu lòng như thế
Em không trách anh đâu vì tình yêu có thể
Đến bên nhau bằng những phút dối lừa!

Nguyễn Thanh Hà


Nguồn: http://www.saga.vn/Vui_Truyen/tho_van/1596.saga
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi hanoi » Thứ 7 30/08/08 21:41

Một người bạn tôi ở SG nói rằng giá như bài thơ của Thanh Hà sửa đi chút xíu thì tình yêu dang dở trong bài thơ sẽ đẹp hơn nhiều. Sửa thơ của một người thì quá liều, tuy nhiên chiều lòng anh bạn SG đã đọc bài này, tôi Post bài mà anh bạn sửa lại cho anh và cho tôi, mong tác giả, anh bạn SG và các bạn tha thứ

Em biết rằng anh sẽ chẳng yêu em.
Dù tình ấy phải đâu là nông nổi!
Em trẻ con em dại khờ em bối rối
Anh hoá thành người lớn bao dung

Em biết rằng anh sẽ chẳng yêu em
Bởi trái tim anh đã bao năm chai lặng.
Những lời yêu thương và cả lời anh mắng
Sẽ có người nào diễm phúc sau em?

Em biết rằng rồi anh sẽ quên
Những gì đã qua mấy ai còn giữ lại
Nhưng với em nó sẽ là mãi mãi
Anh bận lòng hay mãi khép con tim?

Đừng giận mình vì đã nói yêu thương
Ai cũng có phút trải lòng như thế
Em không trách anh đâu vì tình yêu có thể
Đến bên nhau để rồi lại xa nhau!
RANDOM_AVATAR
hanoi
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 7 30/08/08 13:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi chuonchuonkim » Thứ 7 30/08/08 22:28

Bạn hanoi ơi,

Mình thấy nguyên tác hay hơn là bạn sửa lại, nhất là cái câu của bạn (hay là anh bạn SG) đưa ra:
"Những lời yêu thương và cả lời anh mắng" nghe chả "thơ" tí nào vậy bạn?

Hay là bạn theo phong cách thơ Hồ Xuân Hương, sử dụng những từ cực kỳ "bình dân" vào trong thơ:

"Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi"
(Mời trầu)

Nhiều nhà phê bình đã tốn giấy mực phân tích cái từ "quệt" này của bà, họ kết luận: từ "quệt" vốn dĩ không "thơ" nhưng nữ sĩ họ Hồ đưa vào bài này lại thấy đậm chất "thơ"!

Phải chăng trường hợp này của bạn cũng thế? Nhưng mình chả biết phân tích sao cho ra "thơ" cả, nhờ bạn phân tích dùm mình với!
Chuồn chuồn kim bé nhỏ, lặng lẽ bay trong chiều vàng...
Hình đại diện của thành viên
chuonchuonkim
 
Bài viết: 110
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 14:05
Đến từ: Bờ ao nhà mình
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NHỮNG BÀI THƠ ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Gửi bàigửi bởi hanoi » Thứ 7 30/08/08 22:40

Có lẽ anh bạn SG không định thi thơ! Bài của Thanh Hà mà! Theo tôi hiểu thì anh ấy chỉ không muốn tình yêu dang dở nói đến trong bài thơ là "dối lừa" thôi. Đọc thế chán thật! Còn vì sao anh ấy đổi cái tứ về những ... bài ca mà anh "chàng dối lừa" đã ca bên tai người yêu (lúc chưa tan vỡ!) thành "lời yêu thương và mắng mỏ" (chắc là mắng yêu thôi!) thì xin cho tôi hỏi lại và nếu được sẽ trình lại chuồnchuồnkim
RANDOM_AVATAR
hanoi
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 7 30/08/08 13:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Thư giãn văn hoá học: nghệ thuật

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron