Tìm hiểu thơ Thiền Việt Nam hiện đại

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

Tìm hiểu thơ Thiền Việt Nam hiện đại

Gửi bàigửi bởi huynhquanchi » Thứ 5 01/01/09 18:46

[center]Thơ thiền Việt Nam hiện đại[/center]

[justify]Thơ Thiền Việt Nam - một bộ phận không thể tách rời của cơ thể, của mái nhà văn học Việt Nam. Thơ Thiền Việt Nam hiện đại tiếp tục phát triển trên cơ sở hào quang của thơ Thiền trung đại và môi trường văn hóa hiện đại. Nếu Nho giáo Bắc và Nam truyền - hình thành trường phái thơ Nho trong một số nước châu Á, giới hạn thời gian tồn tại là đầu thế kỷ XX; thì thơ Thiền xuất phát từ Ấn Độ định hình ở Trung Hoa, ngày càng hội nhập vào văn hóa nhân loại (không gian), hiện đại hóa (thời gian).



Thiền học trong xu thế hiện đại, toàn cầu hóa

Cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Thiền học từng bước được giới thiệu ở Phương Tây. Trong đó phải kể đến công sức của D.T. Suzuki (1870-1966)… Nhiều nhân vật có tên tuổi của phương Tây đã tiếp xúc văn hóa Thiền với nhiều phương thức, nhiều cấp độ khác nhau: F.W. Niezthts, S. Kiekegaard, R. Martino, Allen Ginsberg, C.G. Jung, Erich Fromm, R.H. Blyth, Thomas Erton, J.D. Salinger, Jack Kerouac, Hubert Benoit, Alan W. Watts, Paul Demieville, Albert Shweitzer, Joseph Goldstein, Herbert Benson,…
Cơ chế của sự tiếp xúc cơ bản này là sự hội nhập văn hóa và có sự gần gũi của một số quan điểm triết học phương Tây và văn hóa Phật giáo nói chung. Chính Hajime Nakamura đã nhận định về hai trung tâm văn hóa triết học: “Ấn Độ và Hy Lạp đã gặp nhau trong những vấn đề cơ bản”. Một số quan niệm có thể thông cảm được với nhau qua từng cặp đối sánh (thường hai quan niệm đối sánh tương ứng có thể có độ sâu rộng khác nhau), ví dụ: “Bản thể luận” tương đối có vẻ gần với “Chân Như”. “Hiện tượng Luận”, “Tâm Phân Học” thông cảm được với “Duy Thức Học”. “Quan niệm Hiện Sinh” có thể dùng khái niệm “Hiện tại của thực tại dưới cái nhìn thiền quán” để diễn tả. Lối “Tự động viết” khá gần với trường hợp “Quán các Tâm hành” (Quán dòng tư tưởng). Khái niệm Cá biệt thể (Individuation) có thể được cảm nhận qua “Con người tự tại Phương Đông”. Theo Carl Jung, quá trình cá nhân hóa - individualization - không phải là chủ nghĩa cá nhân mà là sự mở rộng của ý thức cá nhân, “hòa nhập giữa ý thức và vô thức, hay nói đúng hơn, sự đồng hóa cái tôi vào một nhân cách rộng lớn hơn”. Theo E. Fromm, đó “là sự phá vỡ cá thể và hợp nhất ở tất cả”.

Đặc biệt về phương diện nghệ thuật, Stephen Addiss đã xác định lại sự gần gũi mang tính chuẩn bị của văn hóa Đông - Tây: “Những trào lưu như trường phái Biểu hiện, Trừu tượng, Hội họa Hành động và trường phái nghệ thuật Khái niệm đã có những chuẩn bị cho người phương Tây đến với tính đơn giản gợi cảm của loại hình hội họa và thư pháp này (nghệ thuật Thiền)”- (Nghệ thuật Zen… tr.20). Kết quả của sự giao lưu là nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu về Thiền, các bài thơ Thiền phương Tây: Bài “Nhập thiền” của Allen Ginsberg, bài “Xe lớn xe nhỏ" của Tom Savage, bài “Đoá hoa” của Tenyson… Ngoài ra, nếu theo quan điểm cực đoan của R.B. Blyth - thiên về góc độ “thực nghiệm” (Practical) của Thiền làm tiêu chuẩn, thì ta có thể thấy chất “Thiền” dung dị đó man mác trong các tác phẩm của Henley, Christ, Macbeth… Điều đó cũng không khác mấy so với yếu tố thiền trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Ức, Mạc Thiên Tích, Lê Quí Đôn, Nguyễn Công Trứ…

Thơ Thiền Việt Nam từng bước đi đến hiện đại

Thơ Thiền đã từng sáng chói vào thời Đường Tống ở Trung Hoa, từ thế kỷ XIII liên tục về sau ở Nhật, thời Lý - Trần ở nước ta. Nhưng chịu ảnh hưởng của nhiều lớp sóng văn hóa phương Tây, thơ ThiềnViệt Nam từng bước chuyển mình, hiện đại hóa, khẳng định tính trường sinh của trường phái.
Thơ Thiền Việt Nam trung đại thuộc về các tác giả - các thiền sư của các thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm Yên Tử… mà đỉnh cao có thể kể là Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 - 1290). Từ đầu thế kỷ XI- nửa đầu thế kỷ XIV có thể nói là thời cực thịnh của thơ Thiền Việt Nam. Nhưng đến giữa thế kỷ XV, trước sự phát triển và xâm lấn của Nho học, Thiền học rút lui về thôn dã chung sống với Phật giáo dân gian và khối hỗn hợp thiền - Tịnh - Mật. Từ đây, tác phẩm thơ thiền không nhiều, những bài thơ xuất sắc càng hiếm.
Từ đời Lê đến Nguyễn, hơn năm thế kỷ chỉ tuyển chọn được một số ít thơ Thiền tiêu biểu. Theo Nguyễn Thanh Hùng (Thơ Thiền Việt Nam - những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật - NXB - ĐHQG - H.-1998). Đời Lê: Một số ít tác phẩm của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Hòang Nam Kim… Đời Mạc: Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm… Đời Lê Trung Hưng: Các tác giả Phùng Khắc Khoan, Minh Hành, Minh Lượng, Nguyên Thiều, Hương Hải, Thạch Liêm, Thủy Nguyệt, Tông Diễn, Chân Nguyên, Pháp Bảo, Hưng Long, Như Trừng, Liễu Quán, Ngô Thì Ức, Mạc Thiên Tích, Ninh Tốn, Ngô Thì Nhậm, Tịch Truyền, Đạo Nguyên, Thanh Đàm, Thanh Nguyên, Phan Huy Ích… Đời Nguyễn: Các tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phổ Tịnh, Thông Vinh, Minh Giác, Viên Quang…
Đầu thế kỷ XX, các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim… đã có những thiện cảm đáng kể với Thiền học… Kế đó phong trào Chấn hưng Phật giáo đã lan từ Trung Hoa đến Việt Nam. Nhiều hội Phật giáo được thành lập… Nhìn chung, đến những năm 1930-1945, ta thấy phong cách thơ Thiền chưa có cách tân gì đáng kể.
Các bài thơ của thiền sư thế hệ Phổ Huệ (Bình Định), Tịnh Trai (Vĩnh Long), Tâm Tịnh (Huế), Giác Tiên (Huế), Tâm Minh (Huế), Viên Thành (Huế)… vẫn chưa thấy dấu hiệu của tính hiện đại. Ta không khó tìm ra những bài hay nhưng về ngôn ngữ, thể cách… vẫn thuộc hệ hình cũ. Trong thời gian này, thơ ca Việt Nam đã và đang diễn ra sự tranh chấp giữa Thơ Mới và Thơ Cũ. Thơ Mới đã chiến thắng với nhiều thành tựu của “Phong trào thơ mới”. Ngay trong bản thân các nhà Thơ Mới, một số tứ thơ phảng phất hương vị Thiền. “Tình rộng quá đời không biên giới nữa” (Tình tự - Huy Cận) hay “Cửa thiền một đóng duyên trần dứt” (Bến giác - J. Lei Ba). Sau năm 1945, nhiều hội, trung tâm Phật giáo được thành lập, chấn hưng. Báo chí Phật giáo phát triển nhất là ở Trung, Nam. Nhiều thi ca mang âm hưởng Thiền được đăng trên các tạp chí Viên Âm, Bồ Đề, Từ Quang, Hoằng Pháp, Hải Triều Âm… Thơ Thiền tiếp xúc với văn hóa phương Tây, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm về mặt kỹ thuật của Thơ Mới.
Ngay cả có trường hợp nhà thơ mới giai đoạn sau chịu ảnh hưởng Thiền như trường hơp Vũ Hoàng Chương… Các bài thơ: “Tiếng địch chiều thu” (1949), “Xuân vô ý” (1950), “Mùa xuân cũ” (1950) của Nguyễn Lang ảnh hưởng Thơ Mới khá rõ. Những năm 60 ở miền Nam, thơ Thiền đã dần dần tiếp cận sinh khí phương Tây và hiện đại hóa. Song song với nhạc Trịnh Công Sơn là thơ Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Phạm Công Thiện…

Thơ Thiền hiện đại đi bên cạnh dòng thơ phản chiến. Trong khi nhà thơ sống trong không gian mới: “Nhân gian chợt nhớ chợt quên có mình”, “Hư vô một sắc sáng ngời tâm tư” thì bất chợt “Giật mình tiếng súng xa đưa, Miền quê chẳng có gió mưa mà buồn” ("Phút giây bên núi” - Giản Chi) (1970).
Cuối thế kỷ XX, Thiền Việt Nam tập trung quanh các thiền sư : Thanh Từ, Duy Lực, Nguyễn Lang… Các thiền sư này cùng với các thiền sư, thiền sinh, văn nghệ sĩ khác đã tạo ảnh hưởng cũng như cho ra đời nhiều bài thơ Thiền hiện đại cho đến đầu thế kỷ XXI.

Một số đặc điểm thơ Thiền Việt Nam hiện đại

Thể cách thơ Thiền Việt Nam hiện đại không còn bó buộc hòan toàn bởi các thể thơ cổ Trung Hoa, Việt Nam; không nhất thiết có vần đối nghiêm chỉnh như thơ Thiền trung đại. Phong cách thơ cũng có nhiều thay đổi theo xu thế hiện đại hóa.
Ta vẫn còn gặp một số mô thức truyền thống: thơ bát cú, tứ tuyệt, lục bát (có biến thể), nhưng nói chung vẫn mang phong cách hiện đại: “Cảm ơn một kiếp làm người, Cho ta học một nụ cười khai thông” (Cảm ơn cuộc đời - Tiểu Viên). Thơ Trần Tịnh Yên có những dòng hai chữ vốn được cắt ra từ câu sáu của thơ lục bát, rơi rụng như những phím nhạc êm dịu:

"Thiền khuya
Hương Bối
Theo dòng”.
(Thiền khuya)
Thể thơ bảy chữ truyền thống được vận dụng, làm mới nhưng đôi khi vẫn sử dụng âm Hán Việt trong bài thơ “Trúc Lâm Nhật” (Bạch Phát Hài Nhi - Thiền sinh): “Như hà Phật Pháp hưu tuân vấn, Hỗ phản bích tùng đa cánh đa” (Sao là Phật pháp, thôi thưa hỏi, Thông biếc lưng đồi có thiếu chi). Thơ vận dụng mỹ học của vô ngôn như là một trong các phương thức biểu hiện thiền lý. Một số trường hợp vẫn còn sử dụng tứ thơ cổ như thơ “Trúc Lâm Thiền viện” - (Thanh Trúc - Thiền sinh): “Mạt hậu giáo nhơn vô nhất pháp, Tùy duyên vô sự tự viên thành…” (Sau rốt dạy người không một pháp, Tùy duyên vô sự tự viên thành…). Lời thơ như nhắc nhở sự tồn tại của Thiền học trong huyết mạch của thi ca. Thơ bảy chữ vẫn được sử dụng nhiều, có khi dùng để tán tụng, để ghi nhận một quá trình phấn đấu đạt đến đỉnh cao thiền học. Đó là sự bùng vỡ, đột phá: “Bùng vỡ thân tâm, ồ ảo diệu, Vượt ngoài sanh tử nhẹ mây trôi” (Khuya trên bến Ni Liên - Nguyễn Đức). Thơ bảy chữ có thể chuyển tải cảm giác mới lạ tuy vẫn còn phảng phất truyền thống nhưng rất táo bạo và pha lẫn một chút hài hước. Giọng điệu khí phách và âm hưởng Thiền học thời Lý Trần vẫn được tiếp nối không gián đoạn: “Thân không, tâm trụi vô gia nghiệp; Giẫm nát càn khôn bặt dấu hài” (Bất khả thuyết - Nguyệt Hạ - Thiền sinh). Đôi lúc thơ dùng đến tám chữ, âm điệu êm ái nhẹ nhàng nhưng thông thóang và đầy sức sống: “Kìa khoảnh khắc vi trần sa đại địa, Nhẹ lời ru suối nhạc ánh trăng khuya” (Khoảnh khắc vi trần - Như Giải).

Thể thơ văn xuôi cũng thường thấy trong mạch thơ Thiền hiện đại, nó gần với lối “Tự động viết”: “những con kiến có cánh đã bay đâu mất, bước chân một người ướt mưa dưới kia lệch nhệch trên sân đất . Không vui, không buồn, không yêu, không ghét …” (“Mặt trời không bao giờ có thật” - Phạm Công Thiện). Ngôn ngữ thơ có sự chen vào của những khái niệm chưa từng có ở truyền thống mà tồn tại trong văn hóa phương Tây. Bài thơ của Minh Trang dùng nhiều chất liệu ngôn ngữ truyền thống:
"Về xem trăng ngả màu thiền
Nhịp chài vô thức động miền tịch hư
Nguyệt tà vẽ bóng chân như
Tình em lá nõn về từ mùa xuân"

Nhưng bài thơ này mang tựa đề: “Mái chèo vô thức”. “Vô thức” thuộc về trường phái Tâm phân học, được dùng dể chuyên chở cảm giác của Từ Thức - một Từ Thức mới. Cảm giác đó tương tự cảm nhận thanh thóat của Thiền định.
Có lúc những khái niệm thông dụng trong thơ Thiền truyền thống vẫn còn sử dụng một cách mới mẻ:
"Tâm không - diệu dụng
Bất lập nhị nguyên
Duyên lành tỏa khắp
Rong chơi cõi Thiền".
(“Trà Thiền”- Tuệ Thiền)
Khái niệm Tâm không, Diệu dụng, Duyên… Là những khái niệm truyền thống, tuy nhiên “Nhị nguyên” đã là một khái niệm mới… Thơ Thiền hiện đại lưu giữ những câu thơ trung đại xen lẫn với ngôn ngữ hiện đại, nhịp điệu hiện đại, vì vậy có khi không khí cổ kính vẫn còn trong môi trường hiện đại và cả đương đại:
"Tập thành vô tận vô ngần hướng
Vô ý vô tâm tạc mộng trường”.
(“Một bóng siêu nhân”- Bùi Giáng).
Thơ Thiền truyền thống chủ yếu tả cái tôi trữ tình trực tiếp, Thơ hiện đại có khi xuất hiện nhân vật thứ hai, chủ thể phân ra thành Chủ thể - Đối tượng, Người với Ta. Khi chia tay với Thiền sư Thanh Từ, Thiền sư Nguyễn Lang đề lên vách Thiền Duyệt thất: “Tan biến dòng sanh tử, Duy còn người với ta”.
Nhân vật “Em” Xuất hiện giữa mơ màng giữa “bụi đỏ”, “phù vân” để cho: “Anh theo lối cỏ ngàn xưa ấy, Khuất giữa phù vân, khuất tuổi tên” (Theo dấu mục đồng - Nguyễn Văn Anh). Đọc bài thơ ta có cảm giác như cùng đi một đoạn đường trong Thập mục ngưu đồ. Phải chăng “Em” là “Ta” không ngụy trang. Em có thể là tinh túy, là chân như, cùng Tôi trong sự thẩm thấu tương nhập: “Tôi biết là em còn đó, vì tôi còn đây… Diệu hữu ca lời chân không mầu nhiệm” (“Vòng tay nhận thức” - Nguyễn Lang). Thơ Thiền hệ hình mới không ngại nói đến tình yêu, nói đến người em của tình yêu. “Ta yêu người ngây dại, Yêu người là yêu tôi” (“Rớt rơi” - Nguyễn Hoàng Kiên Nhật). Tình yêu ở đây mãnh liệt, chủ thể và đối tượng là một. Nó có sự cách tân từ tục ngữ Việt Nam: “Thương người như thể thương thân”. Nói đến kỷ niệm đầu: “Dường như môi của non ngàn, Đặt lên vạn đại nụ hôn ban đầu” (Pháp Hoa - Miên Long). Phong cách đó không thể có trong thơ Thiền trung đại. Hình bóng “Em” như gần như xa: “Em từ rửa mặt chân như, Nghiêng soi hạt nước mời hư không về” (Đoạn trường vô thanh - Phạm Thiên Thư). Thơ thiền hiện đại cũng không e ngại Phiền muộn, Khổ đau (phiền não). Khía cạnh này tuy gần với dòng thơ phản chiến đô thị, nhưng nó khác với mô hình này.
"Phải chăng còn tiếng đàn xưa vọng
Réo rắt luân hồi ở cõi sau
Mong ta hóa kiếp làm mây trắng
Bay giữa tầng cao thóat nẻo sầu”.
(Mộng chiều thu - Lê Trọng Minh)

Trong muôn vạn bài thơ Thiền hiện đại do nhiều tác giả “mười phương”, không phân biệt thành phần, nghề nghiệp,… nên khó lấy thước đo về chất lượng nghệ thuật, hoặc thước đo về trình độ nhận thức Thiền để thẩm định. Có thể sự phức tạp đó một phần do thơ Thiền có phương thức sáng tác riêng, tương đối độc lập. Nếu lấy tiêu chuẩn nghệ thuật thông thường để thẩm định thì có thể ta đánh giá cao những bài thơ của các thiền giả tài tử, chưa thật sâu sắc về Thiền. Ngược lại, nếu lấy cuộc đời tác giả và kinh nghiệm thiền để thẩm định thì có khi những thiền sư thật sự không chú trọng mấy tới cái đẹp hoa mỹ.
Hiện trạng phức tạp trong thẩm định có thể bớt đi nếu ta xếp nội dung thơ vào hai loại: Một loại xuất phát từ cái đẹp bản chất, Thể, Tánh,… đi đến cái đẹp hiện tượng (Tướng, Dụng…). Một loại đi ngược lại từ cái đẹp hiện tượng… đến cái đẹp bản chất… Hai loại này thẩm thấu vào nhau, cùng tồn tại cho nhau. Có thể nói thơ thiền hiện đại biểu hiện cho một thực tại, có thực tại bị chia cắt nhưng có thực tại không bị chia cắt. Thơ thiền đem lại cho người đọc những cảm giác không giống nhau ở mỗi nguời, nhưng thông thường khuynh hướng chung là đem lại sự thoải mái nhẹ nhàng…

Sự khác nhau chủ yếu ở hai loại hình thơ Thiền - trung và hiện đại chủ yếu là sự khác nhau của hai hình thái quan niệm và hai phương thức tư duy. Từ cùng một cội nguồn tư tưởng, thơ Thiền trung đại có hệ thống quan niệm và phương thức tư duy cổ mang nặng ảnh hưởng Trung Hoa; thơ Thiền hiện đại có quan niệm và phương thức tư duy thơ mới - hiện đại, gần với phương thức tư duy của dân tộc, nhưng ít nhiều chịu ảnh hưởng vào những quan niệm về giá trị và ngôn ngữ phương Tây… Mỗi hình thức thơ Thiền mang đến người đọc một thú vị riêng. Thơ Thiền hiện đại có sự tổ chức ngôn ngữ thoải mái; ít thành ngữ, điển tích, Phật tích. Cảm giác thanh thản là cảm giác thường gặp trong thơ Thiền, đó là tác dụng của cái vô dụng trong thơ…


Huỳnh Quán Chi (NS Giác Ngộ Số 150/2008)

Tài liệu tham khảo 1. Stephen Addiss - Nghệ thuật Zen - Tư Tam Định, Nguyễn Minh Châu dịch - NXB VHTT - H - 2001. 2. Đoàn Văn An - Triết học Zen - T 1,2 - NXB Đông Phương - S -1963, 1964. 3. Joseph Goldstein - Ba mươi ngày thiền quán - Nguyễn Duy Nhiên dịch - NXB Sinh Thức - 1972. 4. Nhất Hạnh - Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt - NXB Lá Bối -1996. 5. Thái Doãn Hiếu, Hoàng Liên - Tuyển tập một ngàn năm thơ tứ tuyệt Việt Nam - NXB VHDT - H - 1997. 6. Nguyễn Phạm Hùng - Thơ Thiền Việt Nam những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật - NXB ĐHQG - H- 1998. 7. Nguyễn Lang - Việt Nam Phật giáo sử luận - T 1,2,3 - NXB Văn Học - H- 2000. 8. D.T. Suzuki, Erich Fromm, Richard de Martino - Thiền và Tâm phân học - Như Hạnh dịch - NXB Kinh Thi - S - 1973. 9. Phạm Công Thiện - Mặt trời không bao giờ có thật - NXB An Tiêm - S - 1967. 10. Phạm Công Thiện - Tiểu luận về tổ sư Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma - NXB Tôn Giáo - H - 2003. 11. Đoàn Thị Thu Vân - Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của Thơ Thiền Việt Nam thế kỷ XI - thế kỷ XIV - TTNCQH & NXB Văn Học H - 1996. 12. Đạo Uyển - S. 6 - 1998. 13. Kỷ yếu 5 năm Thiền viện Trúc Lâm 1994 - 1999 - NXB TP HCM - 1999. 14. Giác Ngộ - S 259, 263, 265, 267 - 2005... 15. Nguyệt san Giác Ngộ - S. 107 -2005.[/justify]
RANDOM_AVATAR
huynhquanchi
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 4 30/07/08 15:24
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách