Ảnh hưởng Phật Giáo trong nhạc Trịnh Công Sơn

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

Ảnh hưởng Phật Giáo trong nhạc Trịnh Công Sơn

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 6 02/01/09 10:23

"…Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về"


Bản nhạc như là một dấu ấn định mệnh của cái âm hưởng Thiền Phật giáo gắn vào cuộc đời Trịnh Công Sơn. Ðể từ đó Sơn bước đi với những trăn trở, tra vấn về thân phận con người trong cõi trần gian… Như một hành trang "nằng nặng" của cái nghiệp đang bước đi… Vậy mà ngày về với "cát bụi’ thì trong tay chỉ còn một nắm "lau trắng" tuổi đời theo anh đi về nơi ấy.

Tôi nghe Trịnh Công Sơn từ những bàng hoàng, ngơ ngác, bơ vơ, mộng mị đầu đời của "Ướt mi", "Biển nhớ", "Hạ trắng", "Thương một người" với những …. "Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi"… hay… "Ðàn lên cung phím chờ, sầu lên dâng hoang vu…" để cho …"triều sương ướt đẫm cơn mê"… Với tình yêu mà Trịnh Công Sơn cũng luôn trăn trở, lo buồn vời vợi, khắc khoải, đớn đau: "…Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…".

Tôi gặp Trịnh Công Sơn từ những trăn trở thân phận với nỗi đau của con người bất lực trước cái "ác" đối với nhau trong chiến tranh, vì chiến tranh luôn tàn phá mọi giá trị tinh hoa của con người. Trịnh Công Sơn đã trực diện điều đó trên quê hương mình. Anh đau đớn và bất lực trước những ngã xuống của anh em, bạn bè ở đâu đó trong nhà tù, ngoài chiến trận vào những năm 1966 – 1967 cho đến ngày hoà bình. Bên ngoài thành phố thì "mộ bia đầy như nấm" ở bưng biền, đồng ruộng, núi đồi… Bên trong thành phố thì đầy dẫy đó đây …"người già co ro, em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi…" Với "từng cuộn dây gai xé nát da người… " trong cuộc tấn công Phật giáo năm 1966.

Hồi đó, tôi thường gặp Trịnh Công Sơn ở Nhà xuất bản Lá Bối gặp cả nhóm bạn bè thân thiết với Sơn : Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Bửu Ý… Các nhà tư tưởng, triết gia một thời của Phật giáo ấy đã thường ngồi với nhau, nói với nhau, bàn bạc rất nhiều về những vấn nạn thân phận con người thời đại, về chiến tranh, hòa bình… Nhưng vẫn chưa có được lối thoát cho một Trịnh Công Sơn đang chơi vơi kinh hoàng với "Tình ca người mất trí" : "Tôi có người yêu vừa chết hôm qua, chết thật tình cờ, không hẹn hò, nằm chết như mơ"… Rồi với hai bản nhạc đã đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn vang khắp các phong trào phản chiến thế giới và được cho là tiếng kêu hòa bình thống thiết nhất từ VN và Sơn nhận được giải Ðĩa Vàng, bài hát được dịch ra tiếng Nhật vang đi khắp nơi, đó là "Ru con"… "Ðứa con của mẹ da vàng, ru con, ru đạn làm hồng vết thương"… "Ru con, ru đã hai lần"… "Sao ngủ tuổi 20…" và bài "Hãy nói giùm tôi, hãy sống giùm tôi, hãy thở giùm tôi", Sơn đã nói thay lời Nhất Chi Mai, người sinh viên Phật tử tự thiêu cho hòa bình VN năm 67… "Ai có nghe tiếng nói người Việt Nam, chỉ mong hòa bình sau đêm tăm tối"… "Chờ mong một ngày tay ấm trong tay"… Hai bản này Sơn đã đưa tôi chép giữ lại, không thấy in bán.

Có lần, tôi và chị BS Ðỗ Thi Văn đã tổ chức một buổi nhạc Trịnh Công Sơn ở trụ sở sinh viên Phật tử Sài Gòn để Sơn giới thiệu mấy ca khúc mới và "Ca khúc da vàng". Khán giả trẻ đã đứng lên vỗ tay hát theo anh… Người nhạc sĩ có dáng dấp triết gia đó, với đôi mắt đăm chiêu qua làn kính cận, đã thu phục được hết cả hội trường. Tôi nghĩ thành công đó không chỉ do cái thủ thuật ca từ phù thủy của anh như nhiều người thường nói, hơi ác ! Mà chính đó là do nỗi lòng trăn trở chân thật của chính anh trước những kinh hoàng về "Thiện" "Ác" trong mỗi con người, thật khó hiểu… Phải chăng, qua những thao thức với bạn bè, Trịnh Công Sơn đã đúc kết cho mình một cái nhìn phù du về cuộc sống, một cái lẽ vô thường của đời người, để từ đó, mùi Thiền đã bàng bạc trong một số tác phẩm anh cho đến khi tuổi đời "chập chờn lau trắng" thì …"người bỗng hết buồn, đã hết buồn… người lặng nghe đá lên trong mình!" (Du mục) - Hay là như ngọn cỏ xót xa, Sơn ngồi "nghe tiền thân về chào tiếng lạ, những mai hồng ngồi nhớ thiên thu"… Và nhiều, nhiều lắm, cái chất lạ đó của Thiền cứ bàng bạc mãi hoài trong ca từ của Sơn, và theo anh tận "cõi đi về". Về với "cát bụi", Trịnh Công Sơn đã đi một mình "lặng lẽ nơi này" vào cái buổi trưa hôm ấy.

"Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi.
Ðời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi" !


Sáng nay, đưa Sơn lần cuối, khi nghe tiếng kèn saxo của Trần Mạnh Tuấn trỗi lên bài "Cát bụi", tôi không sao cầm được nước mắt, Sơn ơi !

Một người bạn cũ thời Ca khúc da vàng ở Ðại học Văn khoa xưa.

Trần Tuyết Hoa
(Tuần báo Giác-Ngộ số 63/2001)
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Ảnh hưởng Phật Giáo trong nhạc Trịnh Công Sơn

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 6 02/01/09 10:28

Trao đổi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thích Tâm Thiện thực hiện


Có người phát biểu rằng, những bản nhạc của anh thường mang đậm triết lý nhà Phật? Xin anh vui lòng cho biết ý kiến của mình.

TCS: Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật Giáo. Từ những ngày còn trẻ tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt đuợc còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.

"Một cõi đi về" có thể nói là một bài hát thuyết phục được cả hai "thế giới" trẻ và người lớn tuổi, xin anh cho biết về bối cảnh để bài hát này ra đời?

TCS: Như tôi đã nói ở trên, thuở nhỏ tôi thích đến chùa vì sự tịch lặng thanh khiết. Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa. Lý do đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình. Vì thế khi viết bài hát "Một cõi đi về" và nhiếu bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vố đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Đi - về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật. Một người bạn thân là nhà văn khi nghe bài này đã nói với tôi: nghe bài này mình không còn cảm thấy sợ chết nữa. Đó chỉ là một ý kiến. Điều tôi thành thật rất vui là giới trẻ có vẻ cũng thích bài hát này. Tôi rất muốn nghe những ý kiến của họ.

Anh có thể cho biết những kinh nghiệm của mình về Phật Giáo? Một tôn giáo như thế nào? Đặc biệt là trong lãnh vực văn học nghệ thuật hay âm nhạc v.v...

TCS: Không hiểu sao, những năm gần đây tôi thường nghĩ về Phật Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nắm ngồi. Không làm công việc này mà nghỉ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hằng ngày.

Tôi đang cố gắng quên Phật Giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng đuợc một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi Phật Giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.

Anh có hành Thiền mỗi ngày không? Và thường anh bằng cách nào để vươn đến đỉnh cao trong hứng cảm sáng tác? Đạo Phật có giúp gì việc đó không?

TCS: Tôi có cách hành Thiền riêng. Không có giờ nhất định. Và thậm chí cũng không nghĩ là mình đang làm việc Thiền. Đó chỉ là một cách sống. Và sống Thiền trong mỗi sát-na. Ngồi trước một ly rượu hay trước một nhan sắc cũng vậy. Điều này hơi vi phạm giáo luật Phật Giáo, nhưng tôi là kẻ trần tục nên cứ tự cho phép mình như thế. Vả lại có nhiều con đường dẫn đến với Phật như gõ mõ tụng kinh, thắp hương cầu nguyện, tại sao tôi lại không dùng một phương tiện quen thuộc và gần gũi với mình nhất là ly rượu? Hơn nữa tôi không quan niệm tìm đến với Phật tính trong cõi riêng mình. Đó là quê hương, là chiếc ngai Phật.Tôi ngồi. Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật. Như một lũ con dũng mãnh đầy phù sa, mang theo trong nó những gì có thể nuôi dưỡng được cho một cõi "Ngộ" ra đời. "Thấy" và "Biết" và từ đó làm nảy sinh một nụ cười tủm tỉm, một thoáng cười "hàm tiếu" là La Joconde của Léonard de Vinci mới có thể trong muôn một so sánh được.

Cuối năm 1995 tôi có viết được một bài hát mà tôi rất thích và bạn bè ai cũng thích. Đó là bài "Sóng về đâu". Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ "Gaté Gaté. Paragaté. Parasamgaté. Bodhi Savaha".

Tôi đang đi tìm một cách biểu hiện mới. Muốn vậy, khi sáng tác, tôi phải lãng quên hiện hữu này để đi vào một thực tại, một thực tại phiêu bồng, ở đó không có những xung đột trần tục của chữ nghĩa và những lý luận ngõ cụt không đâu.

Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình.

Câu hỏi cuối cùng: "Làm sao em biết bia đá không đau, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Anh có thể cho biết sự đồng cảm, cảm thức của mình khi hát lên điều đó?

TCS: Mỗi sự vật, mỗi đồ vật, dù nhỏ dù lớn đều có hai giá trị, Valeur en soi và Valeur puor soi. Tôi nhìn viên sỏi từ ngày này qua tháng nọ và bỗng dưng tôi có cảm giác là nó cũng có một thân phận và một nỗi buồn vui riêng của nó. Tôi là hạt bụi và nó là viên sỏi có khác gì nhau đâu. Nếu tôi có thể buồn vì một đóa hoa tàn thì vì sao tôi không thể cảm cảnh vì một viên sỏi lẻ loi này không có một viên sỏi khác nằm cạnh bên.

Xin cám ơn nhạc sĩ

(Theo Ðạo Phật trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, NSGN số 1, tháng 4-1996).
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Ảnh hưởng Phật Giáo trong nhạc Trịnh Công Sơn

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 6 02/01/09 10:46

Ở Trọ

Một đêm rằm tháng tư, trăng thanh gió mát, đèn hoa lấp lánh dưới các tàng cây. Từng dòng người hân hoan trang trọng ra vào chánh điện thiền viện Vạn Hạnh, đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, để dâng hương lễ Phật cùng chờ xem buổi trình diễn văn nghệ do các văn nghệ sĩ và ca sĩ Phật tử nổi tiếng hát mừng Phật đản, trong đó có nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn, người đã lưu lại trong tôi nhiều ấn tượng thú vị qua bài hát "Ở Trọ ". Để tưởng niệm anh, xin được lược trích và chiêm nghiệm một số câu tiêu biểu đã làm chấn động lòng người đến ngỡ ngàng.

Mở đầu, anh giới thiệu bài hát được sáng tác vào một đêm mưa bay lất phất, gió rít từng cơn, và anh bỗng thấy mình lưu gót tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt. Anh cũng giải thích thêm đôi chút về tựa đề "Ở Trọ": "… cũng như giờ đây chúng ta đang trọ tại sân thiền viện Vạn Hạnh, lát nữa ra về mỗi người một phương; rồi sân viện trọ ở mô ? Trọ trên trái đất, và trái đất trọ trong không gian. Một chuỗi trọ. Ha … Ha …!" Thế là anh đã hé mở cánh cửa duyên sinh cho khán thính giả có dịp tự thấy mình, thấy người, và thấy cả sơn hà đại địa. Sau đó anh dạo đàn và hát:

"Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn"


Hình ảnh con chim đong đưa trên cành tre, con cá lững lờ trong dòng nước rất sinh động, gợi cảm, nhưng cũng rất vô thường, mong manh. Con chim nào đậu mãi trên cành cây ? Con cá nào trọ hoài trong dòng nước ? Cành cây chuyển động theo gió, dòng nước luân lưu theo nguồn, và dòng đời cũng vận hành theo duyên nghiệp hợp tan. Thảo nào Khổng tử nhìn dòng sông mà cất lời cảm thán: "Ngày đêm chảy mãi thế này ư !" (Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ !), và Héraclite thì: "Có ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông". Dòng sông, theo duy thức học Phật giáo, còn là biểu tượng của tâm thức (mind) hay ý thức (consciousness), tư tưởng ở đó hiện khởi tương tục theo trần cảnh như một dòng nước chảy xiết (hằng chuyển như bộc lưu); và trần cảnh thì biến thiên, sanh diệt theo nghiệp cảm duyên khởi của vạn loại hữu tình.

"Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người"


"Mây kia", khi đen kịt vần vũ, lúc lãng đãng phiêu bồng, là hình ảnh hiện thực nhưng gợi ý giả danh "bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương". Tùy theo nhận thức về đối tượng của mỗi cá thể mà sanh ra thiên sai vạn biệt (do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển). Còn mưa-nắng là cặp nhị nguyên đối đãi như hữu-vô, thường-đoạn (thử sanh tắc bỉ sanh, thử diệt tắc bỉ diệt). Nhưng tại sao mưa nắng ở trọ bên trong "mắt người" mà không bên trong "tai người" ? Rõ là nhạc sĩ đang khiêu vũ với ngôn ngữ thi ca và cùng nhau bay qua khung trời hư-thực "Mẹ cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ để ghen để hờn". Hỷ-nộ-ai-lạc-ái-ố-dục cứ loanh quanh thấp thoáng hay ào ạt vút qua cửa sổ tâm hồn. Tất cả chỉ vì "mộng trung hữu mộng trùng mê mộng".

"Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều"


Môi xinh ở đậu người xinh là phù hợp với quy luật tự nhiên, nhưng đi đứng tại sao không trọ đôi chân Thúy Vân hay Kim Trọng mà phải ở trọ đôi chân Thúy Kiều ? Cái diệu nghĩa thâm uyên ly kỳ bi tráng là ở điểm đó. Thúy Kiều là hiện thân của trầm luân khổ hải, nhưng cũng lung linh tinh khiết như giọt nắng ban mai. Cho dù phải mười lăm năm truân chuyên phiêu bạt với thanh y hai lượt thanh lâu hai lần, nhưng Thúy Kiều vẫn một lòng thủy chung son sắt, một dạ "dưới nguyệt chén đồng" với Kim Trọng. Dân tộc Việt Nam cũng thế. Cho dù phải lang thang trôi giạt nơi thiên nhai hải dác hay âm thầm đạm bạc tại cùng cốc thanh sơn, con dân Việt Nam luôn trung thành và nhớ về Tổ quốc Việt Nam. Đạo lý "uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây" lúc nào cũng bàng bạc theo lời ru của mẹ. Và qủa thực "Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người" (There is no place like home). Trịnh Công Sơn đã tiếp sóng cho ta để có cùng một xung động kỳ diệu.

"Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành"


Thật là lãng mạn và đượm mầu nhân bản. Tất cả mọi chủng loại đều đang trọ trên khắp mặt địa cầu. Nhưng vì sao phải "xin cho về trọ gần nhau" ? Vì thế gian vô thường, vũ trụ nguy khốn (thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy). Trọ gần nhau để hiểu nhau, thương nhau và san sẻ cho nhau chút tình đồng loại. Tà kiến, định kiến nhân đó mà tan biến dần, thọ mạng con người nhờ thế mà được thêm hương thêm sắc. Còn "Mai kia dù có ra sao cũng đành" không phải là thái độ phó mặc hay ngữ khí liều mạng. Mà "Mai kia" – theo tư tưởng Tây phương – không bao giờ đến (Tomorrow never comes), chỉ có hiện tại là tuyệt vời (No time like present). Và theo ngôn ngữ thiền môn thì: quá khứ đã qua, tương lai chưa tới; chỉ có hiện tại, tức đương niệm hay chánh niệm (mindfulness) là quan trọng hơn cả. Và đúng như vậy. Trong khi khán thính giả đang lắng lòng nghe hát, ca sĩ, nhạc sĩ đang hưng phấn theo nhịp phách cung đàn, tất cả đang ở trong một trạng thái hỷ lạc, hòa điệu, trạng thái "vô công dụng xứ" thì cái "Mai kia" có dính dáng gì với cái hiện tại hay đương niệm này. Nói cách khác, "Mai kia" cũng chính là đương niệm này. (Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế qủa, kim sanh tác giả thị).

Trịnh Công Sơn đã tự thân quán chiếu duyên nghiệp tại thế của mình "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" mà cảm thông, lân mẫn với người, với đời, với cỏ cây sỏi đá và tất cả sinh linh. Anh đã thể hiện trọn vẹn cuộc hành trình "nối vòng tay lớn" và đã ra về trong chánh kiến ban sơ. Anh đã cất cao tiếng hát đập nát xích xiềng, phá tan định kiến thì khái niệm "xưng, cơ, hủy, dự" cũng chỉ là bóng dáng của những giọt sương, hạt móc trên đóa hoa hồng dưới ánh nắng xuân.

Đặng Ngọc Chức
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến22 khách