TÍN NGƯỠNG SƠ KHAI CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

TÍN NGƯỠNG SƠ KHAI CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

Gửi bàigửi bởi Dao Vu Hoang » Thứ 4 11/02/09 22:27

Trước khi Phật giáo du nhập vào, trong xã hội người Khmer đã tồn tại nhiều nét văn hóa đặc trưng, đó là các tôn giáo sơ khai, các tín ngưỡng Neak Ta, Arăk, ...Tất cả đã cùng tồn tại và phát triển trong xã hội người Khmer và nếu chúng ta nói xã hội người Khmer là xã hội của Phật giáo Tiểu Thừa là không hoàn toàn đúng vì Phật giáo chỉ là tôn giáo đến sau. Mặc dù vậy, Phật giáo Tiểu Thừa, với những tư tưởng bát ái, vị tha, bình đẳng đã đồng hóa bao trùm lên trên các tôn giáo có trước và trở thành tôn giáo thống trị trong xã hội người Khmer. Ngày nay, khi vào các chùa Khmer nếu không khéo chúng ta sẽ nhầm lẫn và không biết đâu là nét đặc trưng của Phật giáo và đâu là nét đặc trưng của các tín ngưỡng và tôn giáo sơ khai.

- Neak Ta: Neak Ta là hình thức tín ngưỡng rất đặc thù của người Khmer. Vậy, Neak Ta là gì? Moura (1883) lại cho Neak Ta là “ Những vị thần các cánh đồng hay khu vực mà người ta cầu xin khi có việc. Và ông còn cho Neak Ta có nguồn gốc từ Bà-la-môn giáo, ông đặt các vị thần này trong vũ trụ quan của các tôn giáo đó. Những Neak Ta đó có từ khi các xứ sở được thành lập và chính Preah In (Indra – vị thần Ấn Độ giáo) đã giao cho Neak Ta công việc trông coi các xứ sở này”. Ngoài ra vẫn có nhiều quan điểm liên quan đến vấn đề này và phần lớn đều cho rằng Neak Ta là “ Vị thần bảo hộ”. Có lẽ tín ngưỡng Neak Ta giống kiểu tín ngưởng Thành Hoàng của người Việt.

Các tài liệu thư tịch trước đây đã có nhiều ý kiến về loại hình tín ngưỡng này. Adhémar Leccere (cuối thế kỷ 19) cho rằng Neak Ta là “Hồn của nhũng người chết đã từ rất lâu”.
Monod ( 1931) cho rằng Neak Ta là “các vị thần đồng án hay các vị thần ở trong rừng mà người ta phải cầu xin khi có công việc liên quan đến”.
Dù được tượng trưng bằng tên gì, hoặc không có tên thì Neak Ta cũng đều là “ Thần” được dân chúng suy tôn qua giá trị thực tiễn trong cuộc sống. Hình thức thờ Neak Ta có rất nhiều, phần lớn là miếu làm bằng tranh tre, nhà sàn hoặc nhà đất, làm dưới một gốc cây trong khuôn viên của phum sróc. Loại khác là miếu lớn hơn, thường được xây dựng bằng gạch quay về hướng Đông Bắc trong khuôn viên chùa hay ở một địa điểm nào đó trong phum sróc. Loại miếu này dành cho Neak Ta Wot (NeakTa chùa) và Neak Ta Mechas Sroc (Neak Ta Chủ xóm). Thần tượng trong miếu Neak Ta được tượng trưng bằng vài hòn đá to và vài viên đá nhỏ, hình bầu dục, mặt nhẵn bóng. Cũng có một số Neak Ta không có miếu thờ như Neak Ta ngã ba, ngã tư sông, v.v…

Mỗi năm người dân tổ chức cúng Neak Ta một lần vào tháng 4 Dương lịch, trước mùa mưa. Ngoài ra, khi gặp việc gì bất thường thì họ tìm đến Neak Ta để cầu xin cứu giúp. Người Khmer luôn tin tưởng vào sự ban phép của Neak Ta. Khi có bất đồng ý kiến hay xung đột với nhau hay cộng đồng bị uy hiếp, thiên tai… thì người Khmer tập hợp lại tổ chức cúng bái xin ý kiến Neak Ta.
Điểm đáng chú ý về tín ngưỡng Neak Ta là sự chấp nhận hay nói đúng hơn ngoài tôn thờ Phật giáo Tiểu Thừa trong chùa và trong lòng đồng bào Khmer còn có tín ngưởng này. Rất nhiều ngôi chùa Khmer vẫn dành cho Neak Ta một vị thế đặc biệt trong khuôn viên chùa. Vì Neak Ta gắn bó nhiều mặt với đời sống, sinh hoạt của người Khmer.

- Arak: Người Khmer cho Arak là thần, một loại thần không có hình dáng, biểu hiện rỏ rệt và tính chất thiện, ác khó phân biệt. Người khmer quan niệm Arak là vị thần của dòng họ nghĩa là người trong dòng họ chết từ rất lâu nhưng linh thiêng nên được tôn thờ như là thần và được các gia đình trong dòng họ thờ cúng và nhờ Arak bảo hộ. Mỗi dòng họ có nhiều Arak như: Arak bảo hộ gia đình, Arak bảo vệ khu đất, Arak bảo vệ phum sroc, v.v… Mỗi Arak đều có kiểu cúng riêng, ví dụ nếu có một người trong gia đình bị bệnh thì người thân sẽ lập tức tìm đến thầy bói xem, thầy bói sẽ cho biết vì sao bị bệnh và phải cúng vị Arak nào. Có thể nói việc thờ cúng Arak là một sinh hoạt tín ngưỡng thần bí của người Khmer. Chúng ta chỉ có thể biết đến nó chứ hoàn toàn không thể hiểu được. Làm sao giải thích được như thế nào là Arak phum (thần làng), Arak Prie (thần trông coi rừng)…?

Nhưng cho dù như thế nào thì Neak Ta và Arak đều là thần bảo hộ. Tuy nhiên, trong tín ngưỡng Neak Ta được khái quát cao hơn, nghĩa là vị thần có địa vị lớn và có sự ảnh hưởng trong phạm vi rộng. Nếu Arak chỉ thu hẹp trong phạm vi dòng họ và gia đình thì Neak Ta có sự ảnh hưởng toàn xã hội. Cũng có thể nói: mỗi khi có hạn hán, lũ lụt, thiên tai, dịch họa xảy ra, người ta tổ chức cúng Neak Ta. Khi gia đình, dòng họ có người bệnh, gặp tai họa họ cầu xin Arak.

Vai trò của Phật giáo Tiểu Thừa đối với các tôn giáo sơ khai mà cụ thể là tín ngưỡng Neak Ta và Arak là rất lớn. Điều đó thể hiện trong các nghi lễ tại chùa Khmer, tại các phum sróc. Lễ cúng truyền thống các vị Neak Ta được tổ chức rất long trọng, người ta tổ chức lễ đâm trâu để cúng hai vị Tà Hoc và Dây Chas, theo tục truyền họ là hai người bị giết chết để hóa thành thần giữ của và trở thành thần bảo vệ làng xóm, phum sróc. Tuy nhiên hình thức tế sinh này hoàn toàn trái với giới luật của Phật giáo, đó là một tội lỗi nên nhà chùa thay thế bằng những lễ vật đơn giản, với những bài kinh Phật. Hiện nay, chùa thừa nhận việc thờ cúng Neak ta nhưng không chấp nhận lễ tục mang hình thức hiến sinh.

Tín ngưỡng Arăk hiện nay rất ít thấy, so với Neak Ta thì Arak không có sự ảnh hưởng lớn. Trong việc thờ cúng Arak, chúng ta vẫn thường thấy có các bàn thờ nhỏ, trên đó có đoạn thân cây chuối, trái dừa tươi có cắm hương lên trên xuyên qua lá trầu, tất cả được đặt trên chiếc thuyền nhỏ, đây là tín ngưỡng trong thờ cúng Arak nhưng về mặt ý nghĩa vẫn chưa xác định rỏ các lễ vật đó nhằm mục đích gì, riêng đối với Phật giáo Tiểu thừa thì việc các lễ vật đó được đặt trên chiếc thuyền là nhằm ý nghĩa đưa rước chúng sanh đến bờ giải thoát.
RANDOM_AVATAR
Dao Vu Hoang
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 15/01/09 21:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến20 khách