NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi Dao Vu Hoang » Thứ 5 12/02/09 17:53

Người Khmer ở Việt Nam là cư dân sinh sống lâu đời ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, tập trung nhiều nhất là tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long v.v...
Người Khmer là một cư dân nông nghiệp, một dân tộc có nền văn hóa phát triển toàn diện trên cơ sở phong tục tập quán, lễ hội, ngôn ngữ và văn tự khá hoàn chỉnh. Đó là sự kết tinh nhiều nguồn văn hóa khác nhau, nhất là văn hóa Ấn Độ và nền văn hóa bản địa. Khi văn hóa Ấn Độ du nhập vào, người Khmer tiếp thu một cách chủ động trên cơ sở kết hợp với các tín ngưỡng bản địa. Trước tiên là Bàlamôn giáo và sau đó là Phật giáo. Đạo Phật Tiểu Thừa đã chi phối toàn bộ phong tục tập quán, lễ hội và lối sống của người Khmer một cách sâu sắc. Điều đó thể hiện rỏ nét trong các ngôi chùa Khmer.

Chùa đối với người Khmer mang một tình cảm sâu sắc. Người Khmer có câu nói: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Chùa không những là trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Khmer.

Hầu hết người Khmer đều theo Phật giáo Tiểu Thừa (Phật giáo Nam Tông). Dù vô chùa tu hay ở nhà thì người Khmer đều là con Phật. Người Khmer quan niệm đi tu không phải để trở thành Phật, mà tu để làm người, làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt. Có thể nói lý tưởng sống truyền thống của người Khmer là Đức Phật, cho nên trong cuộc sống hằng ngày dù sư sãi ở chùa hay dân chúng tại thế đều phải rèn luyện theo đạo pháp: thọ giới, bố thí và niệm. Tùy theo đối với từng giới mà ba tiêu chuẩn trên được qui định một cách cụ thể hơn. Đối với dân chúng phải thọ đủ 5 giới là “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say”.

Đối với sư sãi những điều trên là bắt buộc, đồng thời phải tụng kinh một ngày hai buổi, sau 12 giờ trưa không được thọ thực và không được tham gia các hoạt động dễ vui như ca hát, nhảy múa…, còn người dân phải thường xuyên đến chùa cúng dường và lễ Phật. Người nào theo đạo Phật cũng lấy việc làm lành, tránh ác làm lẽ sống thường ngày. Họ quan niệm “bố thí”, “làm phúc” cứu giúp mọi người tức là làm việc thiện, càng làm nhiều việc thiện thì càng có nhiều phước đức.

Trong sách dạy làm người của đồng bào Khmer có dạy “người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống”, chỉ bằng một câu nói cũng đã có sức mạnh quan trọng định hướng cho cuộc sống làm người của đồng bào Khmer. Người con trai được coi là đủ tư cách, đủ phẩm chất và được xã hội trọng dụng khi phải có một thời gian tu học trong chùa. Dù có địa vị xã hội như thế nào, thậm chí là ông chủ tịch Tỉnh, trưởng Phum sróc mà không qua một thời gian tu học trong chùa thì cũng bị dân chúng xem thường. Đó cũng là lý do giải thích vì sao chùa Khmer luôn đông sư sãi.

Việc dâng cơm, cúng dường cho sư sãi không phải là một qui định bắt buộc, mà là bằng sự tự nguyện và tấm lòng thành kính. Đối với người Khmer, được các vị sư chiếu cố dùng cơm họ dâng hay bất cứ vật dụng gì chính là một điều phước báu lớn. Trong tất cả các ơn thì ơn Phật là cao cả nhất, vì có Đức Phật mới có chư tăng và có chùa. Chùa không những chỉ là biểu tượng tinh thần của cộng đồng mà còn đối với cá nhân, do đó việc xây dựng chùa là công việc tích đức, là con đường chắc chắn đưa đến sự thanh thản trong cuộc sống. Họ có thể đóng góp việc xây dựng chùa kể cả những lúc họ khó khăn và thiếu thốn. Phần lớn tài sản của họ đều đóng góp cho chùa, họ quan niệm “cuộc sống hiện tại chỉ là cái tạm bợ, không có cái gì là của họ, tất cả tiền, bạc, nhà lầu, xe hơi…không thể đi theo họ sau khi họ chết, mà phước đức họ làm hiện tại sẽ đi theo họ mãi mãi khi họ bước vào thế giới bên kia”.

Mỗi người con trai Khmer, bất kể thuộc tầng lớp xã hội nào đều có thể đi tu. Về nguyên tắc phải trên 12 tuổi mới được tu, nhưng trên thực tế cũng có những vị Sadi (chức danh vị sư mới tu) nhỏ tuổi hơn. Tu từ 12 tuổi đến 20 tuổi là để trả ơn mẹ và từ 21 tuổi trở lên là trả hiếu cho cha, nhưng thường thì người con trai có thể vào chùa bất cứ lúc nào “ tùy vào duyên phước của mình”. Tất cả các thanh niên Khmer đều phải một lần đi tu, đó vừa là nghĩa vụ vừa là vinh dự của cuộc đời. Đi tu còn là cơ hội để tích đức, nhưng cơ hội tốt đẹp này lại không dành cho người phụ nữ. Riêng Nam giới có thể từ chối vinh dự này nếu họ cảm thấy không có duyên với Phật pháp, điều này cũng giống như một vị sư có thể cởi chiếc áo cà sa bất cứ lúc nào nếu vị sư ấy cảm thấy không còn phù hợp nữa, việc vào chùa tu là mang tính tự nguyện, không có hình thức ép buộc.

Ngoài ra, chùa chính là trung tâm sinh hoạt, là nơi bảo lưu và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Trong các hoạt động lễ hội của người Khmer hầu hết đều có sự hiện diện của nhà sư, từ lễ cưới, lễ cầu an, lễ cúng trăng, lễ tết cổ truyền, lễ tang…đều có vai trò của nhà sư và thường tổ chức trong chùa, chỉ riêng lễ cưới là không tổ chức tại chùa, nhưng đôi trai gái phải đến chùa thỉnh sư sãi tụng kinh chúc phúc tại chùa lẫn tại nhà.
Trong chùa Khmer luôn có sự dung hợp của 3 yếu tố văn hóa. Đó là văn hóa bản địa, văn hóa Balamôn giáo và văn hóa Phật giáo. Các bức tranh tiền kiếp của Đức Phật, các tượng thần Balamôn (Krud hay chim thần Garuda, nữ thần Kâynor có ý nghĩa che chở và bảo vệ cho chùa, cùng với các hoa văn trang trí… là những thứ thể hiện sự dung hợp của 3 yếu tố văn hóa nêu trên.

Mặt khác, chùa còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian. Lễ và Hội thường gắn liền nhau. Trước hết là phần Lễ, Lễ bao giờ cũng trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng, chư tăng và phật tử tổ chức cúng bái, tụng niệm, cầu phúc. Sau phần Lễ mới đến Hội, Hội luôn nhộn nhịp và náo nhiệt. Lễ và Hội là những yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào. Thông qua các hoạt động này giúp con người sống gần gủi và thân thiện, đoàn kết, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Nói chung, mọi sinh hoạt của đồng bào Khmer luôn gắn liền với chùa chiền. Chùa là nơi đào tạo nhân tài, nơi giáo dục đạo đức con người, chùa là nơi gìn giữ và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Dao Vu Hoang
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 15/01/09 21:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi tagorett99 » Thứ 7 14/02/09 8:40

Cảm ơn bạn Hoàng về tài liệu rất thú vị về đề tài Phật giáo của người Khmer! Có lẽ vì tác giả cũng chính là một thành viên của cộng đồng nên những thông tin bạn đưa ra mình cảm thấy rất đáng tin cậy. Mình cũng muốn chia sẻ với Hoàng một số suy nghĩ, đồng thời mong bạn giúp giải đáp một số câu hỏi như sau:

Thứ nhất, thiết nghĩ Tôn giáo cũng chính là một thành tố rất quan trọng trong Văn hóa. Như vậy ngay cùng là Phật giáo (PG) nhưng do yếu tố văn hóa dân tộc chi phối nên PG Trung Hoa, PG Triều Tiên hay PG Việt Nam cũng sẽ có những nét đặc sắc riêng (bên cạnh những điểm chung cốt lõi). Cụ thể Phật giáo Nam tông Việt Nam, theo mình được biết, hiện nay có hai hệ chính: hệ phái của người Khmer ở các tỉnh phía Nam của đất nước và Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Việt. Vậy giữa hai phái này có những điểm chung và khác nhau cơ bản nào, có thể lí giải từ góc độ văn hóa học như thế nào thiết nghĩ cũng là một vấn đề giúp ta mở rộng, đào sâu hiểu biết không những về PG của người Khmer nói riêng mà còn về việc ứng dụng lí luận của văn hóa học vào trường hợp đời sống tín ngưỡng-tôn giáo --> Hoàng có thể cùng chia sẻ ý kiến về vấn đề này được không?

Thứ hai, trong bài của Hoàng có 1 chi tiết khá thú vị rằng
Trong sách dạy làm người của đồng bào Khmer có dạy “người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống”
. Và ở ngay phía dưới cũng khẳng định luôn là phụ nữ thì không được có cơ hội tốt đẹp đó. Vậy phải chăng lí do là vì phụ nữ là người có nhiều "tội lỗi" trong cuộc sống(?) 8O . Xin Hoàng giải thích rõ hơn dùm về điểm này nhé! Vì theo Tâm biết thì người Khmer cũng không chịu ảnh hưởng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đến mức độ như Nho giáo...

Vài lời chia sẻ, mong nhận được ý kiến phản hồi từ bạn Hoàng cũng như các bạn gần-xa :oops: . Em xin cảm ơn ạ!
RANDOM_AVATAR
tagorett99
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 6 02/01/09 15:52
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi Dao Vu Hoang » Thứ 2 16/02/09 21:34

Câu thứ nhất:
Cảm ơn bạn thật nhiều…! :P Để trả lời câu hỏi cũng như bổ sung thêm một vài ý kiến liên quan. Mình xin đi vào giải quyết các vần đề sau:
Nghiên cứu lịch sử Phật giáo Nam tông Việt Nam (còn gọi là Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Theravada hay Phật giáo Nguyên thủy), trong bài trả lời này mình xin phép gọi tên là Phật giáo Nam tông).
Trong Phật giáo Nam tông chúng ta thấy có hai hệ phái chính: Phật giáo Nam Tông Khmer và Phật giáo Nam tông Việt Nam cùng tồn tại và phát triển trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên lịch sử du nhập và phát triển của hai hệ phái này là hoàn toàn không giống nhau.
1. Điểm khác nhau:
- Về lịch sử:
Miền NamViệt Nam xưa kia là lãnh thổ của Vương Quốc Phù Nam. Theo sử liệu Trung Hoa, vương quốc này thành lập khoảng thế kỷ thứ XII trước Công nguyên, nhưng theo các nhà khảo cổ học Tây phương dựa vào bia ký khắc trên đá, vách thành đã được tìm thấy dưới lòng đất thì quốc gia này lập quốc vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Sau này vương quốc Phù Nam bị Chân Lạp xâm chiếm và tiêu diệt vào cuối thế kỷ thứ VI. Trãi qua nhiều năm tháng chống nội loạn và ngoại chiến nên vua Chân Lạp đã nhượng đất để đền ơn đáp nghĩa cho triều Nguyễn vào năm Đinh Sửu (1759).
Đồng thời trong cuốn Mahavamsa - “lịch sử truyền bá Phật giáo” thì có nhắc đến phái đoàn truyền giáo của vua Asoka sang xứ Suvanabhumi vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, do hai vị Alahán là Sona và Uttara lãnh đạo. Các nhà sử học thật khó khăn trong việc thẩm định địa danh Suvannabhmi là ở đâu?
Nhưng đa số cho rằng cả vùng Đông Nam Á lục địa là thuộc địa danh này. Riêng ông Aymonier cho rằng vị trí trung tâm là Phù Nam ( thuộc miền Nam Việt Nam).
Chính vì thế những quốc gia Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và Việt Nam, lịch sử Phật giáo những quốc gia này đều ghi nhận là vào thế kỷ thứ III trước công nguyên phái đoàn của vua Asoka có truyền đạo đến đất nước mình. Từ đó chúng ta có thể đưa ra kết quả niên đại Phật giáo Nam Tông du nhập vào Việt Nam.
Nếu địa danh Suvannabhumi là tiền thân của đế quốc Phù Nam thì Phật giáo Nam Tông (Phật giáo Tiểu thừa)) đã có mặt tại Miền Nam Việt Nam vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. (Nguồn: Tùy Khưu Thiện Minh,“Tập văn Phật giáo Nguyên thủy - số 2”, NXB Tôn giáo Hà Nội – 2005, tr 42).
Do khu vực này là địa danh cư trú của đại đa số là người Khmer, sau khi Phật giáo Nam tông du nhập vào và được người Khmer tiếp nhận nên gọi là Nam tông Khmer.
Riêng Phật giáo Nam tông Việt Nam. Theo thời điểm cận đại, Phật giáo Nam Tông Việt Nam du nhập vào Việt Nam vào năm 1938 từ Campuchia, do phái đoàn truyền giáo của Hòa Thượng Hộ Tông. Những vị trong phái đoàn: Hòa Thượng Thiện Luật, Hòa Thượng Huệ Nghiêm, Hòa Thượng Hộ Tông. Đây là những vị Hòa Thượng có mặt đầu tiên ở Việt Nam để hoằng dương chánh pháp. Thời gian này Hòa Thượng Bửu Chơn tu thiền ở Nam Vang, nhưng vào mùa an cư kiết hạ, Ngài được nhóm Phật tử Nguyễn Văn Hiểu mời về Việt Nam nhập hạ và hoằng pháp. Và từ đó xuất hiện thêm một tên gọi về Phật giáo Tiểu thừa ở Việt Nam. Đó là “Phật giáo Nam tông Việt Nam”.
Như vậy, về mặt lịch sử ta thấy thời gian du nhập của Phật giáo Nam tông Khmer và Nam tông Việt Nam là không giống nhau.
- Đặc trưng cơ bản:
Một vấn đề cần phải nêu thêm là trước khi Phật giáo Nam tông du nhập và xã hội người Khmer thì nơi đây đã hình thành rất nhiều tín ngưỡng bản địa và tiếp nhận Bàlamôn giáo (ngày nay người Khmer ít nhiều vẫn tôn thờ các vị thần Bàlamôn, nhất là trong các ngôi chùa Phật giáo Khmer). Do sự tiếp nhận một cách có chọn lọc như vậy đã đưa đến một sự khác biệt nữa là: kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông Khmer mang đặc trưng của những tín ngưỡng địa phương và các hình tượng của các vị thần Bàlamôn (điển hình là các vị thần như: nữ thần Kâynor, chim thần Garuda…cùng với nhiều loại hoa văn trang trí). Đây là những yếu tố mà ở chùa Phật giáo Nam tông Việt Nam không có.
2. Giống nhau:
Điểm ưu việt của Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa) là lưu truyền đến quốc gia nào vẫn giữ được nét văn hóa đặt thù. Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa)) có mặt ở các quốc gia: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Anh, Mỹ, Úc, Nêpal, Ấn Độ v.v…Điểm đáng nói là tính thống nhất trong tuyền thống, chư tăng tụng kinh bằng tiếng Pali và tiếng bản ngữ, tu hành y cứ theo thánh điển Pali, tam y và bình bát là tài sản của bậc xuất gia, chỉ ăn ngày một buổi, chư tăng không ăn chay thuần túy như Phật giáo Bắc tông (Đại thừa), chư tăng Nam tông không ăn phi thời (không ăn sau 12 giờ trưa, có thể uống sửa là ăn trái cây). Chỉ tôn thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không tôn thờ các vị Địa Tạng, Quán Thế Âm Bồ Tát..như Phật giáo Bắc tông).
Xét ở gốc độ tổng thể thì Phật giáo Nam tông Khmer và Nam tông Việt Nam không có gì khác biệt nhiều. Sự khác biệt chỉ thể hiện ở mặt kiến trúc, lịch sử du nhập, còn phương thức tu tập, hành đạo, kinh kệ …luôn thống nhất với nhau. Ở Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc là một đặc trưng văn hóa riêng. Cũng trên nền tảng là Phật giáo Nam tông, khi du nhập đến đâu và được một dân tộc bất kỳ tiếp nhận thì bao giờ dân tộc đó cũng biết cách chọn lọc để phù hợp với những đặc trưng văn hóa của riêng mình. Nói đúng hơn là Phật giáo đã biết dung hòa với tín ngưỡng bản địa, biết kết hợp với những giá trị văn hóa của bất kỳ dân tộc nào khi nó du nhập đến.
Người Khmer hay người Việt tiếp nhận Phật giáo Nam tông cũng vậy, không thể loại trừ những đặc trưng văn hóa của dân tộc đặt vào trong đó. Chẳng hạn như: trong chùa Nam tông Khmer và Nam tông Việt Nam đều thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đều có vẽ rất nhiều tranh ảnh về Đức Phật, nhưng cách đúc tượng Phật của người Khmer nó mang hình dạng giống người Khmer hơn. Các bức tranh vẽ trong chùa cũng vậy, cũng là nội dung ấy, cốt truyện đó nhưng nhân vật thì có hình hài và cách thể hiện trang phục khác nhau. Đa số các tranh ảnh trong chùa Khmer đều do họa sỹ người Khmer vẽ nên giống người Khmer hơn và ngược lại.
Hy vọng rằng với vài ý phân tích trên sẽ cung cấp những thông tin có ích cho bạn! Chào bạn nhé..! Cảm ơn bạn rất nhiều.

Câu thứ hai:
Như trình bày ở phần trước, chùa Khmer có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Khmer. Chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tôn giáo, chùa là nơi gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Chùa là nơi giáo dục đạo đức cho con người, là nơi để mọi người con Khmer học hành và hoàn thiện bản thân. Người Khmer đại đa số theo Phật giáo Nam tông (Phật giáo Tiểu thừa). Phật giáo Tiểu thừa đã chi phối mọi mặt đời sống tư tưởng của người Khmer, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi hay trong bất kỳ trong các lễ hội cầu mùa, cầu an, lễ cưới, lễ tang, lễ cầu phúc, lễ cúng trăng…luôn có sự xuất hiện của các nhà sư và sự hiện diện của Đức Phật. Một trong những truyền thống tốt đẹp nhất của người thanh niên Khmer trong cuộc đời là phải vào chùa tu học một thời gian. Đi tu từ 12 tuổi trở lên gọi là tu trả hiếu cho mẹ, từ 21 tuổi trở lên là để báo hiếu cha. Nhưng cái truyền thống và vinh dự đó không dành cho người phụ nữ. Điều đó có phải người phụ nữ sẽ trở thành một người có tội lỗi trong cuộc sống, vì trong sách dạy người Khmer có câu “người không vào tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống”.
Ở đây không phải là tư tưởng trọng nam hay khinh nữ như bạn đã đặt vấn đề! Vào chùa tu được hiểu theo rất nhiều nghĩa:
Nghĩa thứ nhất: vào chùa cạo đầu, khoác casa, học kinh kệ, học giáo lý, giữ giới luật, lễ bái phật.
Nghĩa thứ hai: cúng dường, làm phước và cúng cơm đến ông bà cha mẹ đã qua đời và chăm lo cho cha mẹ lúc còn sống để tỏ lòng hiếu thảo.
Trong cuộc đời người Khmer, nếu không làm được những việc nêu trên thì được xem là những người “có tội lỗi trong cuộc sống”.
Có lẽ câu nói trên có phần sai sót trong lỗi chính tả nên không trách khỏi sự nghi vấn. Mình xin được phép điều chỉnh “người không vào tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống”.
Đúng theo truyền thống chỉ có người con trai vào chùa đi tu chứ không có con gái vào chùa cạo đầu đi tu bao giờ. Người Khmer vào chùa lễ phật, cúng dường chư tăng, làm phước cho ông bà cha mẹ. Sống biết vị tha, khoan dung thì coi như là người tu rồi.

CẢM ƠN BẠN THẬT NHIỀU!! HY VỌNG BẠN SẼ ĐỌC VÀ ĐÓNG GÓP NHIỀU Ý KIẾN HƠN NỮA CHO BÀI VIẾT CỦA MÌNH NHÉ! MINH SẼ CÒN THAM GIA DIỄN ĐÀN NHIỀU HƠN VÀ ĐỀ TÀI CŨNG XOAY QUANH NGƯỜI KHMER RẤT NHIỀU. HẸN GẶP LẠI
RANDOM_AVATAR
Dao Vu Hoang
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 15/01/09 21:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi ThuyOanh » Thứ 6 27/02/09 17:43

Xin chào bạn Đào Vũ Hoàng, mình đã đọc qua bài viết của bạn, mình có một thắc mắc sau, mong bạn giải đáp.
Trong bài viết, bạn nói rằng "đi tu để tích đức, làm lành và tránh làm ác", và một người phải giữ 5 giới, mình đồng ý với Hoàng về quan điểm này, nhưng thật sự trong đời sống thường ngày của một tín đồ Phật giáo nói chung và tín đồ Phật giáo Khmer nói riêng thì không phải lúc nào cũng có thể chai tịnh, tu tâm và làm lành mãi được, nếu như một tín đồ không giữ được mình mà phạm tội, làm ác thì có cách thức nào cho họ giải quyết được điều đó không, mình được biết bên đạo Thiên Chúa, các tín đồ đến nhà thờ để đọc kinh, nghe giảng, hướng thiện, bên cạnh đó nhà thờ còn là nơi để họ "xưng tội", một hình thức tẩy sạch tội lỗi mình đã phạm. Nên trong tâm thức của người Khmer, đạo Phật đưa ra con đường tu tập, rèn luyện, hướng thiện, nhưng không biết có một hình thức nào khác cho một tín đồ nếu như họ "làm ác nhiều hơn làm lành", và ngôi chùa Khmer có nghhi thức nào để thanh tẩy tội lỗi của họ hay không? Mong được bạn giải đáp cho.
RANDOM_AVATAR
ThuyOanh
 
Bài viết: 23
Ngày tham gia: Thứ 3 16/12/08 17:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi Dao Vu Hoang » Thứ 6 27/02/09 23:40

[justify]Cảm ơn Thúy Oanh thật nhiều!

Không chỉ riêng Phật giáo, mà hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều hướng con người đến những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống “làm lành lánh dữ, từ bi hỷ xả, yêu thương nhân loại, tôn trọng sự sống….”. Tùy theo mỗi tôn giáo mà có những qui định hay những ràng buộc riêng cho các tín đồ . Trong Phật giáo Tiểu thừa nói chung, ngoài 5 giới luật chính “không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say”, còn rất nhiều giới luật khác mà người tu hành phải tuân thủ và giữ giới. Trong 5 giới luật đó, tùy từng hoàn cảnh khác nhau mà người tín đồ biết vận dụng trong cuộc sống theo cách hiểu của họ. Một ví dụ điển hình là trong giới luật thứ 3 “không nói dối”.Theo giới luật trên thì trong những trường hợp cụ thể chúng ta nói dối mà có lợi cho mọi người, tất nhiên chúng ta có quyền nói dối. “Không nói dối” theo giáo lý của Phật giáo có nghĩa là mọi tín đồ không được nói ra những lời lẽ sai sự thật có hại đến người khác, người tín đồ không được đem chuyện có - nói không, chuyện không - nói có, không được sử dụng những lời lẽ dèm pha gây chia cắt, hận thù giữa tất cả mọi người.

Những người theo đạo Phật phải luôn luôn biết giữ thân, khẩu, ý sao cho trong sạch, có như thế cuộc sống mới thoát khổ. Đạo Phật đã tìm ra con đường của sự khổ, chính trong Tứ Diệu Đế đã dạy cho các tín đồ biết đâu là khổ và con đường để thoát khỏi cái khổ. Đức Phật dạy như thế, hàng tín đồ có nghe hay không vẫn còn tùy thuộc vào bản thân mỗi người.

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng chẳng định ra những qui tắc hà khắc cho những ai phạm sai giới luật. Cũng như việc hướng thiện và con đường tu tập của các tín đồ, thiện và ác là do tâm của mỗi người. Trong đạo Phật của người Khmer (còn gọi là Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Theravada), một triết lý tư tưởng sống của người Khmer là “chết chưa phải là chấm dứt tất cả”. Những bậc ông bà, cha mẹ vẫn thường dạy cho con cái họ rằng : đừng bao giờ làm những việc ác, bởi vì sau khi chết sẽ không siêu thoát, linh hồn có thể bị hành hạ, bị đói rét, không nơi trú ẩn…Ở trong chùa Khmer ngày nay vẫn còn phổ biến tục cúng cơm cho linh hồn người chết, các nhà sư còn tụng kinh cho họ sớm được siêu thoát. Vì theo các nhà sư “họ chính là linh hồn của những người đã gây nhiều việc ác lúc còn sống, giờ đây không nơi nương tựa, không người thân cúng tế..nên cần phải cúng cơm và cầu siêu cho họ”.

Như đã nói ở trên, Đức Phật không bắt buộc đệ tử của Ngài phải như thế này hay như thế, phải đến chùa bao nhiêu lần và phải tụng niệm bao nhiêu giờ sau khi phạm giới luật. Trong Phật giáo Tiểu thừa Khmer không có hình thức làm lễ rửa tội như Thiên Chúa giáo, nhưng việc sám hối cũng gần nghĩa như vậy. “Sám hối” là một hình thức ngồi xếp bằng, quỳ lại và đọc những bài kinh theo qui định trước kim thân Đức Phật. Những tín đồ Phật giáo khi đã biết mình gây nhiều việc ác thì tự giác vào chùa làm phước, nghe thuyết pháp, sám hối và làm việc thiện. Đồng thời người Khmer còn quan niệm tội lỗi của họ có giảm bớt hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào lòng thành kính khi vào chùa sám hối.

Hy vọng với phần trả lời này sẽ giúp Oanh hiểu thêm về Phật giáo Tiểu thừa Khmer. Chào Thúy Oanh nhé! [/center][/justify]
RANDOM_AVATAR
Dao Vu Hoang
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 15/01/09 21:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi Thoai Linh » Thứ 3 17/03/09 12:56

Hoàng ơi! trong bài viết của bạn có đề cập đến vấn đề:
Đối với dân chúng phải thọ đủ 5 giới là “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say”. đối với Phật giáo Tiểu thừa, xin chi mình hỏi
- Không sát sinh, nhưng được dùng mặn, phải không ạ?
- Không trộm cắp, nhưng nếu dân chúng làm rồi đem vật này cúng dường chư tăng thì thế nào?
- Không uống rượu và các chất say, nhưng cũng như thức ăn mặn, chúng sanh cúng tặng thì đổ đi hay từ chối?
- Không tà dâm, chỉ sống chung thủy một vợ một chồng phải không? có được li dị rồi kết hôn tiếp nhiều lần không? vậy các sư có được hoàn tục khi duyên trần chưa dứt không? nếu có có bị trừng phạt gì không? 8)
Tại mình thấy một số tiểu tăng khi đi học ở ngoài chùa cũng có mùi trần tục không thua gì người phàm trần, nếu không có biện pháp gì thì đến một ngày nào đó họ bỏ chùa hết Hoàng ơi! :cry:
RANDOM_AVATAR
Thoai Linh
 
Bài viết: 20
Ngày tham gia: Thứ 5 05/03/09 12:18
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi Dao Vu Hoang » Thứ 6 20/03/09 22:19

Cảm ơn bạn thoại Linh với những câu hỏi và đóng góp ý kiến thật thú vị! :D
Vấn đề thứ nhất: Không sát sanh nhưng các chư tăng được dùng mặn, được ăn thịt (có kiên kị một số con vật như thịt voi, hổ, gấu, rắn, ngựa, thịt người...) Đây là giới luật và được Giáo hội chấp nhận đối với hệ phái Tiểu thừa. Trong giới luật qui định chư tăng được ăn mặn, nhưng ăn theo luật Tam Tịnh Nhục và không ăn sau 12 giờ trưa, chỉ được ăn từ 6 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, trong thời gian từ 12 giờ trưa hôm nay cho đến 6 giờ sáng hôm sau, chư tăng được uống sửa và ăn trái cây. Về luật Tam Tịnh Nhục có nghĩa là chư tăng "không nghe, không thấy và không nghi" người đó giết con vật nào đó đem dâng cúng chư tăng. Chư tăng cũng không trực tham gia nấu ăn hoặc chế biến thức ăn có thịt máu cho riêng mình. Chư tăng chỉ được dùng thức ăn sau khi người phật tử nấu chín và đem dâng cúng chư tăng.

Vấn đề thứ hai: Không trộm cắp, giới luật này dành cho chư tăng và kể cả phật tử, nhưng nếu người phật tử trộm cắp của ai đó, sau đó đem dâng cúng cho chư tăng thì về nguyên tắc chư tăng vẫn thọ nhận và không được từ chối, vì thật sự chư tăng hoàn toàn không biết đồ vật đó là do ăn cắp mà ra (trên tinh thần luật Tam Tịnh Nhục: không nghe, không thấy và không nghi). Cũng như những thức ăn mặn mà người phật tử cúng dường chư tăng. Nếu có một phật tử biết những thịt con vật mà chư tăng không ăn được nhưng cố tình đem dâng cúng cho chư tăng thì chư tăng vẫn nhận đấy chứ (vẫn trên nguyên tắc Tam Tịnh Nhục).

Vấn đề thứ ba: cũng gần nghĩa với những điều lý giải ở trên. Khi một ai đó dâng bất kỳ vật gì cho chư tăng, chư tăng không được từ chối, mà phải lấy một tay đón nhận. Trong vấn đề "các chất say như rượu hay bia" tất nhiên chư tăng hoàn toàn biết đó là "rượu, bia" thì làm sao dám nhận. Thật ra, hai vấn đề trên nó có vẻ mâu thuẫn nhưng chỉ là hai mặt của một vấn đề. Đơn giản là chư tăng không được từ chối vật gì người khác tặng, nhưng nếu đã biết đồ đó không được phép nhận thì làm sao nhận. Vấn đề thịt ngựa, thịt voi hay thịt người cũng vậy. Khi một phật tử cố tình dâng cho chư tăng, chư tăng vẫn nhận đấy chứ, vì chư tăng không thể nhận biết được đó là thịt ngựa hay thịt người "có ăn bao giờ đâu mà biết" :lol: Riêng "rượu, bia" thì không thể nào là không nhận biết được, trừ khi một số cơ quan cảm giác của chư tăng "có vấn đề" nhất là cơ quan thị giác. Đến đây Thoại Linh đã rõ phần nào rồi chứ! :P

Vấn đề còn lại: Không tà dâm, được hiểu như là người phật tử phải biết sống chung thủy, một vợ một chồng, không được "cướp" vợ hay "cướp" chồng của người khác. Nội dung trọng tâm của giới luật này chủ yếu giáo dục các tín đồ phải biết xây dựng hạnh phúc cho mình và đừng bao giờ phá hoại hạnh phúc của người khác. Còn trường hợp ly dị rồi thì vẫn có quyền kết hôn chứ nếu vợ chồng đồng thuận và pháp luật nhà nước cho phép. Ở đây không mang tính chất phá hoại hạnh phúc của người khác, mà chỉ vì vợ chồng không hợp nhau và chấp nhận chia tay thì tiến tới li dị. Vậy thôi! Giáo lý Phật giáo là khuyên và dạy con người chứ không hề ràng buộc con người. Trong kinh sách Phật giáo Tiểu thừa, có thể nói là vẫn chưa tìm ra đoạn kinh nào bắt buộc con người ta phải là như thế này hay phải như thế kia mới có thể "giác ngộ". Tiểu thừa có nghĩa là "Cổ xe nhỏ", giáo phái này khuyên con người tự rèn luyện và tự "giác ngộ" bản thân mình trước khi "giác ngộ" cho người khác. Từ đó hệ phái cũng đã đưa ra con đường tu tập theo đặc trưng của riêng mình. Con đường đã xây dựng xong, giáo lý Phật giáo khuyên anh nên rẽ trái khi đi tới đoạn đường đó, nhưng anh quyết định rẽ phải thì không cấm anh. Hiểu một cách đơn giản "Nếu anh tin tôi, anh nghe tôi thì anh hãy làm theo những gì tôi đã dạy, đã hướng dẫn. Tuy nhiên, anh không làm cũng chẳng sao, vì tôi không bắt anh làm, làm hay không là lợi ích hoàn toàn thuộc về anh".

Đối với trường hợp của chư tăng thì gần như nghiêm khắc hơn, trong thời gian còn khoác y casa, chư tăng không được lao vào dục vọng, ham muốn tình dục. Vì như thế sẽ làm cho tâm trí không được sáng suốt và rất khó "giác ngộ". Và đây là giới luật của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - Hệ phái Tiểu thừa. Chúng ta cần có sự hiểu biết căn bản giáo lý Phật giáo và giới luật của Giáo Hội. Đức Phật là nguời sáng lập ra Đạo Phật, là người hướng dẫn ta tu tập, còn Giáo Hội là hệ thống tổ chức của Phật giáo định ra những qui định hay những giới luật mà hàng tu sĩ phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu hàng tu sĩ phạm giới luật, vi phạm "tà dâm" chẳng hạn. Khi Giáo Hội biết được thì sẽ có những hình thức kỷ luật riêng của Giáo hội. Về hình thức kỷ luật như thế nào nếu chư tăng phạm tội tà dâm thì Hoàng vẫn chưa tìm hiểu rõ, rất tiếc vì khả năng có hạn. Chứ nếu không thì cũng sẽ giải thích cho Thoại Linh biết thêm. Tuy nhiên, một điều Hoàng biết là sau khi hoàn tục, chư tăng rất "đắc" vợ. Có nghĩa là sau khi tu học trong chùa được một thời gian và ra ngoài đường đời thì người đó rất được tôn trọng và có nhiều người con gái muốn kết hôn với người đó. Vì người đó được xem là một công dân tốt trong xã hội sau khi đã học rất nhiều giáo lý của Đức Phật (vấn đề này vẫn còn phổ biến trong xã hội của người Khmer ở Nam Bộ cũng như người Khmer ở các tỉnh thành khác trong cả nước). :P
RANDOM_AVATAR
Dao Vu Hoang
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 15/01/09 21:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi phamthaihang » Thứ 7 21/03/09 15:37

Cám ơn bạn đã giúp mình có thêm một số kiến thức về đời sống của đồng bào khmer.
RANDOM_AVATAR
phamthaihang
 
Bài viết: 10
Ngày tham gia: Thứ 5 15/01/09 22:08
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi Thoai Linh » Thứ 4 25/03/09 12:27

Ah 8O , "bây giờ thì em đã hiểu", cám ơn những giải thích của Hoàng nhé, khi nào có gì còn vướn mắc mình sẽ hỏi thêm? hẹn gặp lại. :|
RANDOM_AVATAR
Thoai Linh
 
Bài viết: 20
Ngày tham gia: Thứ 5 05/03/09 12:18
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Gửi bàigửi bởi Bui Thi To » Thứ 4 25/03/09 16:23

La mô di đà phật!!!

Hoàng ơi em am hiểu về đạo quá,.. trở thành thầy tu được rùi đó Hic hic :mrgreen:
RANDOM_AVATAR
Bui Thi To
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: Thứ 4 14/01/09 19:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron