Kiến trúc chùa Khmer.

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

Kiến trúc chùa Khmer.

Gửi bàigửi bởi dungntm » Thứ 2 16/02/09 12:04

Mình cũng có thắc mắc giống như bạn tagorett99 khi đọc bài viết của Hoàng về "Ngôi chùa trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer". Hi vọng Hoàng có thể giải thích thêm để mọi người có thể hiểu rõ hơn. :)
Để bổ sung cho ý của bài viết: Ngôi chùa trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer, mà trong đó bạn Hoàng có đề cập: “Chùa đối với người Khmer mang một tình cảm sâu sắc. Người Khmer có câu nói: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Chùa không những là trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Khmer.” Theo mình nghĩ, khi đã nhắc đến vai trò của Ngôi chùa trong đời sống sinh hoạt tôn giáo lẫn văn hóa cũng đồng bào Khmer, thì nên có bài giới thiệu về kiến trúc của chùa để các bạn đọc có thể hình dung rõ hơn, vì chùa Khmer có những nét đặc trưng riêng so với các kiến trúc chùa khác. Mình xin giới thiệu sơ nét về kiến trúc chùa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi ngôi chùa người Khmer trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có một giá trị cao về giá trị mỹ thuật Phật Giáo. Một ngôi chùa Khmer là sự tổng hợp hài hòa về những yếu tố tạo hình, tạo dáng, điêu khắc, kiến trúc, hội họa. Môt ngôi chùa Khmer thường được kiến lập trên một khu đất khá rộng rãi trong mỗi địa phương. Có nhiều khu vực chục rộng đến hàng chục mẫu tây. Với cảnh quan đó, chung quanh một ngôi chùa thường trồng nhiều loại cây to như thốt nốt, dầu, sao, những cây đặc sản miền Nam. Mỗi ngôi chùa Khmer thường bao gồm nhiều khu vực kiến trúc như: khu chánh điện, sala, nhà tăng, nhà tu thiền định, nhà thiêu hương và những tháp thờ. Trước chùa thường là cổng (tam quan) trang trí hoa văn theo kiểu kiến trúc đền tháp Kampuchia. Vì là nơi cúng bái, hành lễ và cầu đảo, cho nên chánh điện giữa vị trí trung tâm của ngôi chùa. Những nền chùa Khmer thường được xây cất hơn mặt đất thường là một mét; phần để gia tăng vẻ tôn nghiêm; phần để tránh mùa lũ lụt.

Chánh điện chùa Khléang tại thị xã Sóc Trăng (1533) có ba bậc: mỗi bậc được bao quanh bằng một vòng rào xây bằng gạch. Những hàng rào đều theo đúng các hướng đông, tây, nam, bắc; mỗi hướng đều có cửa ra vào, trang trí mỹ thuật. Bên cạnh cổng vào là những ngôi tháp nhỏ, mỗi loại điêu khắc và kiến trúc theo mỗi thể điệu khác nhau. Cũng như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Khléang có sân rất rộng, thường dùng để tổ chức những ngày lễ lớn thường diễn ra trong mỗi tháng. Khu chánh điện nằm vào trung tâm của toàn bộ quần thể nầy. Nền nhà được cất cao hẳn lên, và phân chia thành ba cấp bậc có những bố cục hoàn toàn khác nhau. Khu vực nầy được phân ra thành bốn phần, được quay hẳn về bốn hướng ra vào khác nhau. Mỗi hướng giành riêng cho mỗi hạng người khác nhau vào chùa, từ vị trụ trì đến chư tăng, thiện nam tín nữ và những người phục vụ trong chùa.

Cũng nhờ kỹ thuật bố trí khá hoàn chỉnh cho nên từ ngoài nhìn vào sẽ thấy ngôi chánh điện cao hẳn lên; điều nầy có thể phân biệt được với chùa chiền cổ truyền Việt Nam. Khung mái chùa uốn cao hẳn lên và được làm bằng loại gỗ quý, được đưa từ nhiều vùng khác đến. Mái chùa được phân ra làm ba phần bọc quanh nhau và những góc cạnh đều được trang trí và điêu khắc rất công phu. Những nhánh cao vút lên ở những góc mái, mang hình tượng Vichnou cổ truyền. Chung quanh chùa có nhiều cột cao san sát nhau tạo ra một hình tượng vững chải và kỳ bí hẳn. Ba lớp la thành bọc quanh chiến phần lớn sân chùa, khiến cho du khách tưởng tượng đến những hạn chế từng vùng riêng biệt, mà nghi thức người Khmer thường đưa ra cho mọi tín đồ đến hành lễ.

Đặc biệt nhất là những hình tượng Krud, tức là hình người đầu chim, một biểu trưng về "vật nhân nhất thể". Ảnh hưởng Corinthien và Dorothien của Hy Lạp thể hiện rõ nét nhất trong những mô hình nầy. Trong điện thờ và nhà Tổ có nhiêu bao lam; những bao lam nầy vươn lên cao vút lên tận mái nhà. Tất cả những chi tiết nầy đều được chạm trổ, điêu khắc lẫn hội họa; màu sắc rực rỡ và được chiếu sáng rực hẳn lên (Nguyễn Quảng Tuân - 1990)

Mái chùa Khmer là phần kiến trúc và trang trí nổi tiếng trong toàn bộ, cấu trúc khá phức ạp và độc đáo. Khung mái thường dùng toàn loại gỗ quý, lợp ngói. Có một số chùa lớn toàn thể bộ mái được đúc liền bằn xi măng và cẩn gạch nhiều màu (như ngôi chùa Srâ Lâung, ở xã Đại Tâm, Sóc Trăng).

Thông thường trong kiến trúc bộ mái chùa Khmer gồm có ba cấp; mỗi cấp mái lại chia làm ba nếp. Nếp cẩn ở giữa thường lớn nhất và trang trí tinh vi nhất; còn hai nếp phụ ở hai bên cân đối, hài hoà. Hai mái trên cùng lợp lại hợp thành góc 60 độ (Theo Lê Đắt Thắng- 1988). Hai đầu trống ở hai đầu mái được đóng bít bằng một mảnh gỗ hình tam giác, được gọi là "Hô Cheang". Phần nầy thường được khắc họa và trang trí rất đẹp. Trên đầu hai góc mái trên cùng thường có một khúc đuôi rắn dài và con vút; nhờ vậy, trông đầu mái có cảm giác nhẹ nhàng hẳn lên.

Trên hai mái trên cùng nầy, ở phần giữa, thường xuất hiện một ngọn tháp cao vút (có chùa đến ba ngọn tháp như chùa "Tắc Gồng" (Brasat Kông tại xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên). Nắp tháp to lớn, có hình một quả chuông úp xuống, gồm có nhiều tầng chồng lên nhau. Phía trên, có đặt một đầu tượng bốn mặt là vị thần "Maha Prum", như tại chùa Bãi Xài (Mỹ Xuyên); trên cùng lại có đặt thêm một cột thu lôi cao vút. Trên đầu góc của hai tầng mái dưới, thường thấy xuất hiện rất nhiều đầu con rồng (theo họa tiết Khmer); thân rồng là một bờ dãy, giương lên nhiều vi lưng. Những tài liệu của Malleret cho biết: trong những thế kỷ trước, chùa tháp Khmer không có tháp nóc; kiểu tháp nóc nầy do ảnh hưởng của nền kiến trúc Phật Giáo Thái Lan hay Miến Điện sang. Trong điện thờ và nhà Tổ có nhiều bao lam; những bao lam nầy vươn lên cao vút lêntận mái nhà.

Tất cả những chi tiết nầy đều được chạm trổ, điêu khắc lẫn hội họa; màu sắc rực rỡ và được chiếu sáng rực hẳn lên. Trên bàn thờ chính có nhiều tượng Phật trong những tư thế và giai đoạn khác nhau trong đời của Ngài, từ khi đản sinh cho đến hồi nhập diệt: ít nhất là 20 thể hình như thế. Sau mỗi pho tượng có đều ghi chú xuất xứ của pho tượng và người mang tượng đến cúng chùa.

Trong chùa không có những tượng Kim cương, tuy nhiên, ở những cửa ra vào thì được chạm nổi những hình Theanin và Reahu trông rất dữ dằn. Thậm chí những hình Tiên Nữ trên cửa hay trên cột trông cũng rất hung tàn, trong tư thế chiến đấu. Chánh điện của chùa Khmer chiếm hầu toàn phần lớn và vị trí quan trọng từ ngoài vào. Đây là gian phòng dùng trong việc hành lễ, thờ phụng, cầu đảo, truyền đạo, hành đạo. Thông thường, cách bài trí chánh điện đơn giản, nhưng không kém phần trang nghiêm. Trên bệ chính cao nhất, có nhiều tầng, đặt pho tượng Phật. Những tượng Phật của chùa Khmer thường quay về hướng đông. Giải thích về chọn phương hướng nầy, kinh điển Khmer cho rằng: Phật Tổ ở phương tây thì bao giờ cũng quay về hướng đông, để phổ độ chúng sanh. Phần bệ tượng chính thường khắc họa, trang trí một toà sen rộng lớn, chia nhiều bậc và mỗi bậc đều có nhiều hoa văn trang trí mỹ thuật. Bệ tượng thường là một toà sen và có nhiều bậc, được trang trí tỉ mỉ. Trên bệ gồm một tượng Phật chính, thiết trí ở chính giữa; nhiều tượng nhỏ chung quanh.

Khác với những ngôi chùa Việt Nam và chùa Trung Hoa, những loại chùa Khmer chỉ thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, không thờ các vị Phật, Bồ tát khác như đức Quán Thế Âm Bồ tát, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, hay các vị Kim Cương, La Hán và các Bồ tát khác. Toàn thể tượng và bệ tượng thường đặt phía sau một cái khuôn lớn, có chạm khắc những mẫu hoa văn, hình kỷ hà rất tinh vi. Nổi bật nhất hiện nay là ngôi chùa Srâ Lâung, còn bảo lưu nhiều khung bằng gỗ, có những hình chạm trỗ rất đẹp.

Những kỹ thuật chạm khắc gỗ tại chùa nầy được thể hiện qua những khung hình rất sắc sảo. Trong bố cục, phần chánh điện thường được xây một nơi riêng biệt, cách xa hẳn các dãy sala và nhà tăng, nhà hậu. Những kiến trúc chùa chiền Khmer, thì sala là ngôi nhà xây đầu tiên khi dựng chùa; sala cũng được là kiểu "nhà hội" của Phật tử, giảng đường của những sư sải. Sala cũng là nơi tiếp khác trong những ngày đại lễ Phật Giáo; có nhiều trường hợp sala được ngăn chia thêm những gian phòng nhỏ cho chư tăng hay nơi ngụ tạm cho khách thập phương (Lịch sử chùa Khmer - Trang 112)

Trong sala, phần trung tâm vẫn có bàn thờ Phật nhưng đơn giản hơn, và trong bố cục nầy thì sala phải hướng về phía đông như bao nhiêu chánh điện khác. Theo tổ chức, sala kiến tạo đơn giả hơn phần chánh điện. Nhìn tổng thể, thì những sala hiện có ở những ngôi chùa Khmer miền Nam Việt Nam hiện nay, tất cả đều được xây dựng theo quy cách hiệnđại; ngày trước sala chỉ là ngôi nhà sàn nhỏ bé.

Thiết trí: Cách thiết trí của sala không giống như chánh điện.Sala gồm có: phòng chính để cử hành lễ dâng cơm, nơi tổ chức sinh hoạt, phòng tiếp khác, nơi tổ chức phòng nhạc ngũ âm tế lễ. Tại chùa Bãi Xâu (Mỹ Xuyên) sala còn có thêm một dãy nhà khách. Nơi đây thường tổ chức chúng thập loại chúng sinh, trai đàn chẩn tế. Theo tập tục của người Khmer, nhất là trong tổ chức của tín đồ Phật Giáo, người chết được hoả táng tại nhà thiêu. Việc xây cất nhà thiêu không theo một quy định nào.

Trên nguyên tắc, nhà thiêu chỉ là gian phòng nhỏ, thông gió, để áo quan, cách xa chùa, trên có ống thông khói khi hỏa táng. Cũng có những kiểu nhà thiêu khác; chẳng hạn như tại chùa Phướn (Trà Vinh) nhà thiêu có hình dáng cấu trúc lớn, với diện tích rộng, nền cao, ống thông lớn. Mái nhà thiêu lại có nhiều tầng, xếp chồng lên nhau. Trên mỗi đầu góc mái đều có trang trí hình rồng. Nhà thiêu Khmer trông giống như kiểu đền thờ linh vật của Chăm - Pa. Kiểu nầy chia hai phần: phần dưới là nhà thiêu; phần trên là ống khói. Trong khu vực chung quanh chùa Khmer, thường có những loại tháp lớn nhỏ đủ kiểu và loại khác nhau. Đây là những tháp để cốt. Những loại tháp nầy thường được cấu trúc ba phần: chân tháp khá rộng, hình vuông, có một lỗ nhỏ để cốt của người quá cố vào; thân tháp có nhiều tầng, nhỏ từ dưới lên trên; đầu tháp là những mũi nhọn, trên đỉnh thường để đầu thần có bốn mặt gọi là "Maha Prum". Phía trên đầu tượng nầy là cột sắt nhỏ, nhọn, có nhiều lông nhỏ. Còn những ngôi tháp lớn thì lưu lại cốt của các vị Sãi cả trong chùa, những người đã từng có công lao xây dựng và trùng tu, kiến thiết chùa. Những ngôi tháp lớn hơn dùng để cốt của những người dân trong Phum, Srok.

Hầu hết những cổng chùa Khmer thường được trang trí, điêu khắc tỉmỉ và được xem là những công trình nghệ thuật nổi tiếng. Tuy nhiên, những kiểu dáng của các chùa không theo một khuôn mẫu nào nhất định. Chẳng hạn như cổng chùa Phướn được xây dựng rất đồ sộ; phần trên là ba ngọn tháp theo kiểu cổng đền Angkor, trang trí bằng những hoa văn rất đẹp; phần dưới cổng có hình con rắn 7 đầu, nằm trên bờ lan can. Những cổng chùa theo mô thức Chăm - Pa thì thường chạm khắc hình những người đua ghe Ngo.

Qua thống kê, những ngôi chùa cổ Khmer đến nay chẳng còn lại bao nhiêu; phần lớn đã được trùng tu hay xây dựng lại toàn thể. Qua nghiên cứu, thật khó khăn trong việc xác định niên đại của từng ngôi chùa. Những ngôi chùa Khmer có niên đại lâu đời nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long như chùa Ông Mẹt (Trà Vinh) chùa Bãi Xàu, chùa Khléang thì không lưu lại một phả tự. hầu hết đều được nhắc trong truyện kể dân gian. Những ngôi chùa cổ được trùng tu một phần hay toàn bộ, trong những thời kỳ khác nhau, tùy nhu cầu, phương tiện và giai đoạn thịnh suy.

Nhìn chung lại, những chùa chiền Khmer trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đều không giống nhau về hình dáng, kích thước, nhưng lại giống về kiểu thức, nguyên tắc kết cấu...
Mình cũng có một số hình ảnh về các ngôi chùa Khmer nhưng rất tiếc không tải lên bài này được. :cry:
RANDOM_AVATAR
dungntm
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 3 18/11/08 16:26
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến24 khách

cron