Vai trò của Phật giáo trong đời sống văn hóa Thái Lan

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

Vai trò của Phật giáo trong đời sống văn hóa Thái Lan

Gửi bàigửi bởi vitaminC » Thứ 2 25/01/10 10:42

Phật giáo đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội tinh thần của người dân Thái Lan. Nó trở thành những nguyên tắc đạo đức xã hội, trở thành những giá trị chuẩn mực trong nếp sống, văn hóa của người dân, là chất keo gắn kết dân tộc Thái.
Với mô hình nhà nước Vua-Thần, hầu hết các triều đại phong kiến Thái Lan đều tồn tại trên cơ sở quan trọng là dựa vào sức mạnh và uy tín của giới tăng lữ Phật giáo trong triều đình. Nhìn chung ở Thái Lan, các vị sư sãi là những nhân vật trung tâm trong đời sống của nhân dân, được nhân dân tôn trọng và ngưỡng mộ. Mọi người xem nhà sư là người ở cõi Phật đến và cùng với vua thì các nhà sư là những người được tôn kính nhất. Vua Chakri (Rama I) khi đăng quang đã từng khẳng định: “Ngôi Tam Bảo của Phật giáo là Phật, Pháp, Tăng còn cao quý hơn tất cả mọi đạo luật, mọi nguyên tắc và không một tôn giáo nào có thể cao hơn và so sánh được với Phật giáo”. Điều này thể hiện sự tôn sùng đạo Phật một cách mạnh mẽ và liên tục của các triều vua.
Có thể nói, đạo Phật là một chất keo tư tưởng gắn chặt các cộng đồng dân tộc ở Thái Lan. Ngay ở những thế kỷ đầu công nguyên, khi người Thái chưa đặt chân lên đất Thái Lan thì nơi này đã hình thành các quốc gia Phật giáo của người Môn và người Khmer với nền kinh tế rất thịnh vượng. Và khi người Thài ồ ạt di cư xuống vùng đất này vào thế kỷ XII, họ đã có những cuộc chiến tranh giành đất đai lãnh thổ với người Môn và người Khmer để sinh tồn và phát triển. Người Thái trong khi chiến thắng đã bị văn hóa Phật giáo của Môn, Khmer chinh phục. Trong khoảng thời gian này, giáo lý Phật giáo chinh phục lòng dân, đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng quốc gia sơ khai lớn mạnh. Trong khói lửa chiến tranh, Phật giáo đã thâm nhập mạnh mẽ vào trong nhân dân để an ủi dẫn dắt họ. Chính vì thế, sau chiến thắng và thành lập các nhà nước độc lập của mình, các vị vua Thái đã lấy Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần để cai quản và xây dựng quốc gia của mình.
Từ ban đầu, người Thái ít biết đến Phật giáo vì tôn giáo sơ khai của họ là tục thờ thần linh và gia tiên. Cũng như các tộc người khác, người Thái cũng có tính cộng đồng, tính tập thể rất cao. Với tính cách của mình cộng thêm tinh thần hòa hợp của Phật giáo, cộng đồng người Thái trên đất Thái Lan ngày càng được bền chặt. Người Thái vốn tiếp thu những cái mới rất nhanh nhạy nên tuy là dân tộc đến muộn, tuy là kẻ chiến thắng nhưng họ sẵn sàng tiếp nhận ngay Phật giáo cùng với nền văn hóa sẵn có trên mảnh đất mình chiếm được.
Người Thái biết khéo léo kết hợp tôn giáo truyền thống của mình với tôn giáo mới là Phật giáo với mục đích nâng cao hơn nữa sự thống nhất về tư tưởng nền tàng cho việc đẩy mạnh tiềm năng kinh tế của mình. Họ nhận ra rằng: chỉ với tôn giáo sơ khai của mình và nền văn hóa xã hội dựa trên cơ sở tôn giáo ấy thì không đủ sức đi xa. Trong khi đó, Phật giáo và nền văn hóa Phật giáo ở nơi họ mới làm chủ đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ mang trong mình nhiều yếu tố tích cực làm động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Chính vì thế người Thái đã đón nhận Phật giáo lấy đó làm nền tảng tư tưởng cho sự củng cố cộng đồng dân tộc, cho sự phát triển của xã hội.
Sự tác động của Phật giáo đến đời sống văn hóa của người Thái không chỉ dừng ở công cụ trị nước, với hơn 95% dân số theo đạo Phật cũng đủ chứng tỏ sự ảnh hưởng của Phật giáo mạnh mẽ đến mức nào trong đời sống người Thái. Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong mọi mặt của đời sống Thái Lan, người Thái thích đi chùa, nghe nhà sư giảng giải kinh Phật, cầu nguyện điều tốt lành cho bản thân, gia đình và bè bạn. Và, các ngôi chùa ở Thái xuất hiện ngày càng nhiều, các nhà sư là những người được tôn kính nhất trong xã hội. Ngôi chùa có thể nói là trung tâm tôn giáo của người Thái, bởi vì những nghi lễ, hội hè liên quan đến đời sống tâm linh của người Thái đều được tổ chức ở chùa. Ngoài ra, chùa còn có một vai trò hết sức quan trọng trong xã hội Thái và các giáo lý đạo Phật là nhân tố chi phối triết lý sống của người Thái mạnh mẽ nhất. Ví dụ như tư tưởng “tích Bun bỏ Bạp” ( “tích điều thiện, bỏ điều ác”) là tư tưởng chi phối toàn bộ hoạt động hằng ngày của họ.
Nhà sư là người được tôn kính nhất trong xã hội. đến bất kỳ gia đình nào chúng ta cũng sẽ thấy các nhà sư được mời ngồi ở một vị trí đặc biệt và mọi người phải ngồi ở vị trí thấp hơn. Mọi cử chỉ lời nói tỏ rõ sự kính trọng một cách tuyệt đối.
Hệ thống tăng đoàn Phật giáo ở Thái Lan được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới, chăm lo đời sống tâm linh cho người dân. Toàn đất nước được chia thành 18 khu tăng đoàn lớn và đứng đầu hệ thống này là “Hội đồng các vị lãnh đạo Phật giáo”. Ngoài ra, còn có Vụ tôn giáo trực thuộc Bộ giáo dục của chính phủ. Chính phủ Thái thường xuyên triệt để hợp tác với các tổ chức Phật giáo trong nước. Từ năm 1950, Phật giáo và đạo đức Phật giáo trở thành một môn học bắt buộc trong tất cả các trường học. Học sinh phải học đạo đức học và luân lý đạo Phật, ít nhất một lần trong tháng phải nghe nhà sư trong vùng đến giảng về đạo đức.
Phật giáo tác động mạnh mẽ đến đạo đức đến các cách ứng xử, thái độ của người dân Thái Lan. Mỗi người dân Thái ngay từ nhỏ cho đến khi vào đời đều được răn dạy và giảng giải các giáo lý Phật giáo ở trường học cũng như trong gia đình, xóm làng, địa phương. Từ đó, họ luôn có ý thức về tinh thần, nghĩa vụ đúng mực đối với đạo Phật, nhà vua, chính phủ, gia đình…Các triết lý Phật giáo thấm sâu vào trong tâm trí họ và trở thành những chuẩn mực, thước đo hành xử trong xã hội. Xã hội Thái đề cao việc làm theo gương Đức Phật, đề cao lòng từ bi, bác ái đối nhân xử thế theo tình người, đề cao tinh thần hòa hợp, sự nhã nhặn mực thước trong giao tiếp.
vitaC
[ Để làm được những điều vĩ đại, chúng ta phải sống như không còn ngày mai ]
Hình đại diện của thành viên
vitaminC
 
Bài viết: 72
Ngày tham gia: Thứ 3 03/11/09 20:58
Đến từ: Tp.HCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến15 khách