VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 4 28/11/07 0:49

[center]VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG
SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN
[/center]
[center]Minh Chi
(Học Viện Phật Giáo Việt Nam)[/center]

[justify]Khi luận công và tội của các tôn giáo trong lịch sử phát triển của nhân loại, chúng ta thường có thiên kiến, đổ lên đầu các tôn giáo cái tội không thể tha thứ là đã kìm hãm bước tiến triển của nhân loại, đóng vai trò ngu dân, gieo rắc mê tín, làm hậu thuẫn cho các chính quyền phản động v.v…

Từ đâu mà có thiên kiến như vậy?

Trước hết là do chúng ta thường nói đến tôn giáo một cách chung chung, quên rằng hiện nay, có ít nhất năm tôn giáo lớn, như Phật giáo, Ấn giáo,Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, Lão giáo. Không kể rằng trong nội bộ của mỗi tôn giáo lớn như vậy, lại có nhiều giáo phái mang tính độc lập rõ nét, thí dụ, nói đến Thiên Chúa giáo, thì không thể không nói đến đạo Tin Lành, đạo Chính Thống. Và một đạo Tin Lành lại chia làm hằng trăm giáo phái khác nhau (denomination). Phật giáo thì có Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo Nam truyền (cũng gọi là Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Tiểu thừa. Ở miền Nam Việt Nam, lại có những hình thức Phật giáo mới như Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Cao Đài, Phật giáo Khất Sĩ v.v…

Trường hợp Do Thái giáo:

Một tôn giáo hiện nay có số tín đồ không đông như Do Thái giáo, ấy thế mà vai trò lịch sử của nó thật là lớn lao, không những đối với bản thân dân tộc Do Thái mà cả đối với nền văn hóa thế giới. Nếu không có tôn giáo, không có niềm tin ở Yahve, ở kinh Torah, ở sách Talmud, ở mười tín điều của Moise, thì ắt là một dân tộc hằng nghìn năm không có đất nước, không có quốc gia, phải bị đồng hóa từ lâu với các dân tộc láng giềng đã từng chinh phục và đày ải họ, như Babylone, Assyrie, Hi Lạp rồi La mã. Ấy thế mà dân tộc đó đã cung cấp Kinh Thánh (Cựu Ước) cho hai tôn giáo lớn thế giới là Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, đã giữ vững bản sắc dân tộc của mình trong suốt thời kỳ dài sống lưu vong ở khắp nơi trên thế giới. Với tổng số dân là 25 triệu, chỉ bằng 0,3% dân số thế giới là 5 tỷ, nhưng người Do Thái đã đoạt 12,5% tổng số giải thưởng Nobel về Vật lý, Hóa học và Y học (Xem “Jews, God and history”, Max Dimont, trg 17).
Ở đây không bàn giáo lý của đạo Do Thái là đúng hay không đúng, chỉ biết niềm tin tôn giáo của dân tộc Do Thái đã cung cấp cho dân tộc đó một sức sống kỳ lạ, một sức mạnh vô song, một khả năng cống hiến tuyệt vời cho nền văn minh nhân loại, mà không riêng gì người Do Thái, mà cả loài người cũng lấy làm tự hào. Đúng vậy, những tên tuổi như nhà bác học Einstein, triết gia Batuch Spinoza, nhà kinh tế học Mác, nhà phân tâm học Freud, tuy là người Do Thái, nhưng cả thế giới đều tự hào về những cống hiến vĩ đại của họ.
Đúng là những sự kiện như pháp đình tôn giáo, chiến tranh thập tự quân, hai thế kỷ chiến tranh giữa Thiên Chúa giáo và Tin Lành giáo ở châu Âu đã lưu lại tiếng xấu muôn đời cho cho Thiên Chúa giáo, thế nhưng, những thế kỷ gọi là đen tối của Trung Cổ, đồng thời cũng là thời kỳ xuất hiện những tu viện là các trung tâm học vấn nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Nhiều nhà thờ đã được dựng lên ở thời kỳ trung thế kỷ vẫn là dấu tích chói sáng của một nghệ thuật kiến trúc tuyệt vời, mà những kiến trúc tôn giáo xây dựng về sau này khó bì kịp về tính chất độc đáo của chúng. Các nhà thờ cũng đồng thời là nơi trốn tránh an toàn cho những người bị oan khuất, nạn nhân của bạo quyền phong kiến. Chúng ta đều nhớ anh chàng gù Qua-si-modo cứu nàng Esmeralda trong truyện “Notre Dame de Paris” (Nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri), của Victor Hugo. Đúng là nhà thờ Thiên Chúa giáo đã khêu ngọn lửa của chiến tranh tôn giáo, kéo dài đến hai thế kỷ ở châu Âu thời phong kiến, thế nhưng nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng quy định có ngày Vendredi Thánh (Ngày thứ Sáu Thánh), trong ngày đó mọi hoạt động chiến tranh và tàn sát đều bị cấm tuyệt.

Trường hợp Hồi giáo:

Vai trò của Hồi giáo và sự xuất hiện của đế quốc Hồi vào thế kỷ thứ bảy sau CN hiện nay vẫn là một dấu hỏi đối với các sử gia. Làm sao mà sa mạc Ả Rập xung quanh La Mecque có thể là cái nôi sinh ra đế quốc Hồi giáo, một thời đã từng trải dài từ Tây Ban Nha phía tây sang đến tận Nam Dương quần đảo ở phía đông, còn ở giữa thì trùm lên cả vùng Trung Đông và Trung Á, không kể những ốc đảo Hồi giáo ở Balkăng, hiện nay vẫn còn là một điểm chiến tranh nóng giữa lòng của châu Âu. Lý do kinh tế chăng, nếu chúng ta phân tích vấn đề theo người Mác xít. Nhưng trước và sau Mohamet trong một thời gian dài phương thức sản xuất du mục của người dân Bedouin ở sa mạc Ả Rập không có thay đổi.
Lý do địa lý chăng, nếu chúng ta phân tích vấn đề theo trường phái địa lý học, nghĩa là tìm nguyên nhân của sự bùng nổ của hiện tượng đế quốc Hồi giáo trong đất đai, khí hậu và địa hình, địa mạo của sa mạc Ả Rập? Nhưng trước và sau Mohamet, trong một thời gian dài, môi trường địa lý của bán đảo Ả Rập không có thay đổi gì đáng kể.
Lý do phân tâm học chăng? Vì các sử gia theo trường phái phân tâm học khẳng định là cả một nền văn minh mới có khả năng xuất hiện, khi cả một dân tộc biết ức chế những bản năng tình dục, tàn sát, bạo dâm, loạn luân của mình, và hướng được năng lượng khổng lồ bị ức chế đó vào những công trình sáng tạo có giá trị văn minh? Thế nhưng lịch sử cho thấy, chính trong cuộc Thánh chiến Hồi giáo, những bản năng tình dục và tàn sát hung hản nhất đã không bị ức chế mà còn bị buông thả phóng túng đến độ phi nhân bản nhất.
Hay là dùng các mô thức triết học của Hegel, triết gia đức, của Onwald Spengler, nhà sử học Đức hay là của Arnold Toynbee, nhà sử học Anh để lý giải hiện tượng xuất hiện của đế quốc Hồi? Ba sử gia kiêm triết gia nói trên tuy đều dùng phương pháp triết học để nghiên cứu lịch sử, nhưng kết luận đạt tới của ba họ lại không giống nhau. Nếu Spengler nhận thức lịch sử diễn biến theo chu kỳ (cyclique), có sinh, có thịnh, có suy rồi chết, thì Toynbee trong cuốn “A study of history” lại có quan niệm lịch sử diễn biến theo đường thẳng (linear),các nền văn minh diễn biến từ những hình thái thấp lên tới hình thái cao, chứ không cần theo chu kỳ thịnh, suy, rồi tử vong, với điều kiện là nền văn minh đó kịp thời giải đáp được những thử thách mà lịch sử đặt ra cho nó.
Cái hay không thể chối cãi của các triết gia kiêm sử gia là họ nhìn nhận lịch sử theo chiều sâu, diễn biến lịch sử không phải là một sự chồng chất ngẫu nhiên của những dữ kiện lịch sử, như triều đại hưng và vong, chiến cuộc thắng và bại, những vương quốc và đế quốc hình thành, phát triển rồi điêu tàn, mà đó là một diễn biến có quy luật của những dự kiện tương quan, tương liên với nhau, mà những bước đi bị chi phối bởi những tư tưởng, những khái niệm được số dân chúng đông đảo nhất chấp nhận, tin tưởng như là lẽ sống của họ, niềm tin muôn đời vững chải của họ.
Những tư tưởng và khái niệm chỉ đạo bước tiến của lịch sử bất tất là khoa học, thậm chí có thể là phản khoa học nữa, nhưng nếu chúng là vô hại đối với xã hội, và thậm chí còn có lợi nữa và chúng lại được quần chúng đông đảo chấp nhận, thì chính những tư tưởng đó, những khái niệm đó–dù cho có phi khoa học, phi lý trí, chúng vẫn thúc đẩy lịch sử tiến tới. Điều này rất đúng với Hồi giáo nói riêng và tôn giáo nói chung.

Tôn giáo như là một giá trị thúc đẩy lịch sử tiến tới.

Ở đây, tôi muốn chứng minh với trường hợp của sự hình thành đế quốc Hồi giáo, và vai trò của đức tin tôn giáo trong sự chi phối những bước tiến của lịch sử, trong sự tạo dựng lịch sử. Tôi thấy trường hợp của Hồi giáo, bởi vì rõ ràng là Mohamet đã khéo sử dụng đức tin của những người dân du mục Ả Rập vào thánh Allah, vào một cuộc Thánh chiến, vào một phần thưởng trên một Thiên đàng mà Mohamet mô tả như là đầy nước, cây cối, lúa gạo và gái đẹp (có gì hấp dẫn bằng một thiên đàng như vậy đối với dân du mục ở sa mạc!). những người hồi giáo gọi mình là Muslim, nghĩa là những người phục tùng (ý muốn của Allah). Làm gì họ cũng tin đó là ý muốn của Allah. Một niềm tin như vậy cởi bỏ cho họ biết bao hoài nghi và mặc cảm, và khích lệ họ hành động.
Freud đã nói rất đúng, khi ông khẳng định tôn giáo là một sức mạnh đáng sợ, nó tác động như một bênh ám ảnh tinh thần toàn cầu (Obsession universelle), [Xem Freud–A philosophy of life]. Còn triết học, đặc biệt là ở phương Tây, chỉ đụng đến một từng lớp nhỏ ở bên trên của xã hội mà thôi. Triết học Ấn Độ sở dĩ tác động đến xã hội Ấn Độ là vì nó mang hình thức tôn giáo, nó đồng nhất với tôn giáo, do đó nó có thêm sức mạnh của tôn giáo. Ấn Độ là một vùng hiếm có trên thế giới, trong đó tư duy triết học hòa hợp với đức tin tôn giáo, do vậy mà những chân lý tôn giáo cơ bản có thể siêu việt lý trí, chứ không có đối nghịch với lý trí. Ở đây, tôi nói tới một xu thế chung của triết học và tôn giáo Ấn Độ, còn thì cái xu thế chung đó cùng tồn tại với ngoại lệ.
Tôi muốn trở lại Moise của đạo Do Thái. Khi Moise lãnh đạo 12 bộ tộc Do Thái làm cuộc viễn du về nơi đất hứa ở Palestine (lúc bấy giờ gọi là xứ Canaan), thoát khỏi Ai Cập là nơi người Do Thái bị bắt làm nô lệ, thì giữa đường Moise dừng lại chân núi Sinai, và tiếp thu từ Thượng Đế Jehovah (thực ra là Thần núi Sinni mà thôi), Luật Torah và thay mặt dân Do Thái ký với Jehovah giao ước, thoe đó Jehovah lựa chọn dân Do Thái như là thay mặt Thượng Đế truyền bá luật Torah cho toàn cầu, với điều kiện là dân Do Thái đặt niềm tin vào Jehovah như là Thượng đế duy nhất. Moise trực tiếp gặp Jehovah để tiếp thu luật Torah, và Jehovah công nhận dân Do Thái là dân tộc được Thượng Đế lựa chọn để truyền bá đạo thánh, v.v…bao nhiêu chuyện nghịch lý và phi khoa học, ấy thế mà niềm tin vào những chuyện nghịch lý và phi khoa học đó đã đoàn kết 12 bộ tộc Do Thái lại thành một dân tộc, một quốc gia trở về chinh phục thắng lợi vùng đất Palestine là quê hương ngày xưa của họ, rồi sau khi đất Palestine của họ bị các đạo quân người Assyrie, người Babylone, rồi quân La Mã chiếm đóng, họ phải đi lưu vong khắp nơi trên thế giới. Hơn 12 thế kỷ lưu vong, không có tổ quốc, nhưng niềm tin nghịch lý “Giao ước với Thượng Đế”, dân Do Thái là một dân tộc được Chúa lựa chọn (chosen people) đã giúp dân Do Thái chiến thắng mọi nghịch cảnh, mọi thử thách, duy trì và phát triển được bản sắc dân tộc, không bị đồng hóa, và cuối cùng, sau trận thế giới đại chiến lần hai, đã trở về lại đất Palestine, quê hương đất tổ của họ, ở đây, họ đã chiến thắng vẻ vang, khẳng định trước toàn thế giới sự tồn tại của nhà nước và quốc gia Do Thái!!
Một dân tộc đã đoạt 12,5% số giải Nobel về Vật lý, Hóa học, Y học, không thể nói là một dân tộc kém về trình độ văn hóa được. Một quốc gia nhỏ bé, bị bao vây bốn phía bởi các nước Ả Rập (trừ phía Tây là biển), một dân số khoảng trên hai triệu người, nếu chỉ tính số người Do Thái tại Israel, đối chọi lại hơn 100 người người Ả Rập, một dân tộc như vậy không thể nói là tiêu cực và yếu hèn được. Tôi tin rằng bộ phận lãnh đạo người Do Thái đã biết sử dụng tín ngưỡng đạo Do Thái như là một chất men, một chất xúc tác thần kỳ đoàn kết dân tộc Do Thái, động viên được những bản năng tích cực nhất, tốt đẹp nhất của người Do Thái, giúp họ vượt qua, thắng lợi tất cả mọi thử thách lịch sử đe dọa sự sống còn của họ, giúp họ tự khẳng định như một thực thể, dân tộc có bản sắc văn hóa của mình, có nền văn minh của mình, không bị đồng hóa bởi các dân tộc khác, dù cho trong lịch sử, những dân tộc này đã từng chinh phục họ, bóc lột và áp bức họ, đày họ đi biệt xứ, tàn sát họ với quy mô diệt chủng…
Trong bày này không thể điểm mặt hết thảy các tôn giáo, dù cho là các tôn giáo lớn mà thôi. Nhưng nêu lên hai trường hợp đạo Do Thái và đạo Hồi là có ý nghĩa. Đạo Do Thái thường được xem như là một tôn giáo chỉ có gía trị cho một dân tộc và đã mất hết sức sống. Đạo Hồi thì bị xem như là một đạo hiếu sát, cuồng tín, thiếu giá trị nhân bản. Ấy thế mà chúng ta không thể nào phủ nhận ý nghĩa và tác dụng của hai đạo ấy đối với sự hình thành lịch sử của thế giới và nhân loại. Đạo Do Thái, tuy là đạo của một dân tộc nhưng nó cung cấp sách thánh cho hai tôn giáo có tính thể giới là đạo Thiên Chúa và đạo Hồi, dân người DoThái tuy ít ỏi, và sống tản mạn, phân tán ở nhiều nước, thế nhưng bất chấp mọi thăng trầm lịch sử mà nó đã kinh qua, dân tộc đó vẫn không bị đồng hóa, vẫn duy trì được bản sắc dân tộc trong nền văn hóa của mình, hơn nữa, trọng lượng cống hiến của nó vào nền văn minh văn hóa nhân loại là rất đáng kể.
Vì vậy, mà ngay từ đầu bài này, tôi có thể là một mặt luận tội, nhưng đồng thời cũng phải luận công đối với tôn giáo.

Cần phân biệt tôn giáo bản thân và thiết chế tôn giáo.

Muốn có một nhận định công bằng đối với tôn giáo, không những chúng ta phải tránh nói tôn giáo chung chung mà phải nghiên cứu những tôn giáo cụ thể, tối thiểu là những tôn giáo lớn, để luận xem công và tội của nó đối với lịch sử thế giới và của từng dân tộc như thế nào, mà theo chúng tôi, chúng ta cần phân biệt tôn giáo bản thân và thiết chế tôn giáo.
Ngay trong tôn giáo bản thân, cũng cần phân biệt cái gọi là thực nghiệm tâm linh hay thực nghiệm tôn giáo, theo kiểu như thực nghiệm của Phật dưới gốc cây Bồ Đề, thực nghiệm của Jesus trong mấy tuần ông suy tư trong sa mạc, trước khi ông bắt đầu truyền đạo hay là thực nghiệm của Mohamet, khiến cho ông nghĩ rằng, Thần Gabriel đã đưa ông lên gặp Thánh Allah…
Sau khi các vị giáo chủ nói trên đã kinh qua thực nghiệm tâm linh hay thực nghiệm tôn giáo rồi thì họ bắt đầu truyền đạo và những lời truyền dạy của họ được học trò ghi chép, lưu lại thành sách Thánh hay Kinh Thánh. Như ba tạng Kinh Phật, Cựu Ước và Tân Ước của đạo Thiên Chúa, Kinh Koran của đạo Hồi.
Cuối cùng, để kế tục sự nghiệp của giáo chủ, các học trò lập ra các thiết chế và tổ chức để bảo vệ và truyền đạo. Kiểu như thiết chế Tăng Già Phật giáo, thiết chế Nhà thờ của Thiên Chúa giáo, thiết chế các Kaliphe, Imans vàAyatollah của đạo Hồi. Những thiết chế đó thường có giáo chức, giáo đoàn, giáo sản và trở thành một bộ phận của xã hội, nó tác động đến xã hội và cũng bị xã hội tác động ngược lại.
Tôi nghĩ rằng, phần lớn những phên phán của chúng ta đối với tôn giáo đều nhằm vào thiết chế tôn giáo, thay vì vào tôn giáo bản thân. Tôi đưa một ví dụ cụ thể. Đối với Phật giáo Việt Nam, chẳng hạn một số người đọc và nghiên cứu kinh Phật, sách Phật không nhiều, có thể nói chỉ là thiểu số. Đọc kinh sách Phật mà hiểu đến nơi đến chốn, số người đó lại càng hiếm hoi. Các chân lý của đạo Phật thường cao siêu, huyền diệu, đề cập những chân lý đó thường là phải qua biểu trưng, ảnh dụ, huyền thoại v.v…Và nhiều sách vở Phật giáo viết về sau này, nhiều khi càng làm cho những biểu trưng, ảnh dụ và thí dụ đó càng khó hiểu thêm.
Do đó, tuyệt đại bộ phận Phật tử cũng như quần chúng đều nhận thức và đánh giá đạo Phật qua tổ chức của chùa chuyền và sinh hoạt, tư cách của Tăng và Ni. Mà Tăng và Ni thì có người già, người trẻ, người tu lâu năm người mới vào đạo, người thế này, người thế khác. Trong cuộc sống xã hội phức tạp và nhiễu nhương này có một số Tăng và Ni cũng hám danh, cầu lợi, có khác gì người thế tục. Trò đời là thế, cái tốt, cái đẹp thường bị che dấu một cách khiêm tốn, còn cái xấu, cái dở lại thường phơi bày như là giữa ban ngày, ai cũng thấy và đàm tiếu được. Đối với đạo Phật như vậy, thì đối với các đạo khác cũng như thế.

Xu thế huyền bí của tôn giáo phải chăng là mê tín không?

Nhiều người chúng ta hay nhầm lẫn huyền bí với mê tín. Theo tôi, huyền bí là mặt siêu lý trí của tôn giáo, và là đích vươn lên của các tôn giáo lớn. Còn mê tín là mặt dưới lý trí, có thể nói là mặt dân gian và dân dã của tôn giáo, là mặt mà tôn giáo phải hạ thấp mình để đáp ứng nhu cầu của số đông, đòi được che chở an ủi. Kiểu như ở chùa Hương ta, có non cô để cầu con gái, có non cậu để cầu con trai, có hòn đá hình con lợn để người nuôi lợn sờ vào, cúng tiền thì về nhà sẽ nuôi lợn chóng béo, có suối Giải Oan để ai tắm vào thì đều rửa sạch mọi tôi lỗi, oan nghiệt v.v…
Mặt huyền bí của tôn giáo, trái lại là mặt siêu lý trí của tôn giáo, là hướng vươn lên của tôn giáo để nắm bắt được cái gọi là Chân lý tối hậu hay chân lý tuyệt đối, cứu kính. Xu hướng huyền bí hình như là xu hướng chung của các tôn giáo, vì tôn giáo nào cũng có phái huyền bí của nó.
Vì xu thế huyền bí là xu thế đến cái vô biên, cái vĩnh hằng, cái bất tử, cái Tuyệt đối vốn là những mơ ước muôn đời không những của các tôn giáo lớn nào mà của cả loài người.
Vì ở đây, chúng ta đang bàn vấn đề giá trị, tôi cho rằng, những người tôn giáo chân chính, không kể là thuộc tôn giáo nào, đều mơ ước đạt tới những giá trị mà họ tin là vĩnh cữu, chứ đâu phải là những giá trị thế tục tầm thường, như tài sắc, danh lợi. Hơn nữa, những người tôn giáo chân chính nhận thức đúng đắn là những giá trị thế tục, vì là đối tượng thèm muốn của số đông, cho nên dễ trở thành đầu mối của tranh chấp, mâu thuẩn, xung đột và tội ác. Vì vậy mà những ông vua đầu đời trần, như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, những người không thể gọi là tiêu cực, vì đã lãnh đạo ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông hung hãn, những ông vua đó đã có những câu nói, lưu danh muôn thuở như:
“Ta xem ngai vua như chiếc giày rách, bỏ đi lúc nào cũng được” (Trần Thái Tông–Ghi lại trong sách Việt Sử Tiêu Án).
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền”
(Trần Nhân Tông)
Trần Nhân Tông, ông vua sống giữa đời thế tục, làm vua, nhưng không vui cái vui thế tục mà là vui với đạo…
Nói chung lại, con người tôn giáo chân chính khao khát đạt tới những giá trị vĩnh cửu, nhờ tìm hiểu và giải quyết những vấn đề vĩnh cửu, như nguồn gốc của vũ trụ và ý nghĩa đích thực của sự có mặt của con người trên thế gian này. Người tôn giáo chân chính không nói “sống để mà biết” mà nói “biết để mà sống”. Biết gì? Biết ý nghĩa của nhân sinh, biết ngồn gốc của vũ trụ. Nói tóm lại, đó là vấn đề nhân sinh quan đúng đắn và vũ trụ quan đúng đắn. Cách đây đã lâu, tôi có đọc một bài báo, của nhà bác học vật lý Nga tên là Ja kốp Zendovit. Bài báo đó có đầu đề hấp dẫn “Những vấn đề vĩnh cửu” đăng trong tạp chí nga “Sputnik” số tháng tám năm 1987. bản Pháp văn, Zendovit viết: “Con người muốn tìm hiểu đạo lý về bố cục của thiên nhiên, của vũ trụ, cần câu trả lời về những câu hỏi vĩnh cửu, đơn giản nhất mà cũng là nóng bỏng nhất. Và người nào không có những thắc mắc về những vấn đề như thế sẽ không có nguyên lý đạo đức gì nữa. Nó giống như người bị ma túy đầu độc, dù chất ma túy đó là rượu, thuốc phiện, hay là nói theo nghĩa bóng, ma túy của sự hưởng thụ”.
Zendovit nói những lời tương đối nặng đối với những người chạy theo cuộc sống hưởng thụ, sống gấp để hưởng thụ, sống hưởng thụ bất chấp mọi yêu cầu đạo đức. Con người hư hỏng từ đó, mà cũng từ đó mà xã hội bị giải thể, tan rã. Đó là bài học của lịch sử, khi con người đánh mất sự tiếp xúc với những vấn đề cơ bản của cuộc sống, những vấn đề vĩnh cửu, tuy muôn thuở chưa giải quyết được, nhưng ít nhất chúng cũng kìm giữ được con người trên con đường đạo lý, nếu không thì con người sẽ sống không khác gì súc vật, và xã hội văn minh sẽ biến thành một bầy thú, xung đột lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau. Đó là hình ảnh mà chúng ta có thể thấy hằng ngày trên màn ảnh truyền hình, hình ảnh của những điểm chiến tranh nóng, đang liên tục xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay.
Tôn giáo mang sứ mệnh đánh thức nơi con người niềm ao ước muôn thuở của con người, của loài người muốn tìm hiểu những bí mật của con người và vũ trụ. Tiện đây, tôi xin nhắc lại lời của một nhà bác học, tức Albert Einstein, và sau đó một bài thơ ngắn của một nhà thơ đức nổi tiếng Henri Heine.
Einstein viết trong bài “The world as I see it” (Thế giới như tôi thấy):
“Cái tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể thực nghiệm được là cái bí mật. Đó chính là niềm cảm xúc cơ bản, là cốt lõi của khoa học chân chính và nghệ thuật chân chính. Con người mà biết cái đó, thì sẽ không bao giờ còn ngạc nhiên nữa, không bao giờ còn cảm thấy kinh hoàng nữa, không khác gì một người đã chết rồi, một ngọn nến đã tắt”.
Cả câu bằng Anh văn như sau:
“The fairest thing we can experience is the mysterious. It is the fundamental emotion which stands at the cradle of true art and true science. He who know it can not no longer wonder, no longer feel amazement, is as good as dead, a snuffed candle”. (Trích dẫn từ cuốn “Eastern religions and Western thought” trg 62-Note. Radhakrishnan).
Và sau đây là trích dẫn bài thơ ngắn của Heine, mang đầu đề Fragen (Những câu hỏi);
“Trên biển, trên một biển hoang vu đen tối,
Một chàng thanh niên đứng sững,
Lòng ngập sầu tư, đầu óc đầy nghi hoặc,
Hướng tới sóng gầm anh hỏi, môi mím chặt nghiêm trang,
Sóng hỡi! Hãy giải thích cho ta rõ bí mật của cuộc đời,
Bí mật xa xưa quằn đau khổ,
Mà bao nhiêu cái đầu đã nghĩ tới,
Hãy nói cho ta rõ, người là gì?
Người từ đâu tới, người rồi đi đâu?
Ai sống trên kia, trên các vì sao vàng lấp lánh?…”
(Cuốn “Deutches Gedichtbuch-trg 338)
Mặc dù Heine là nhà thơ, Einstein và Zendovit là hai nhà bác học lớn, nhưng sự thật họ đã định lượng đúng giá trị của tôn giáo, bắt mạch đúng tình cảm tôn giáo, như là xu hướng của con người tìm tới chân lý tối hậu, thực tại tối hậu sẽ bảo đảm cho con người sự bất tử, sự giác ngộ triệt để, sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi hạn chế và khổ đau, đạt được hạnh phúc vĩnh hằng.
Có thể nói, giá trị của tôn giáo là nó cung cấp giá trị cho mọi giá trị.
Giáo sư North Whitehead, giáo sư triết ở Harvard, đã cung cấp một định nghĩa tôn giáo, có thể làm nổi bật giá trị nói trên của tôn giáo:
“Tôn giáo là thấy ngang qua được ở đằng sau, ở bên trong, và ở bên trên của sự vật đều có một chân lý nào đó tồn tại, chân lý đó tuy là chân thực, nhưng đòi hỏi chúng ta cố gắng mới hiểu biết được nó, chân lý đó tuy xem ra xa vời, nhưng nó lại là cái quan trọng nhất trong mọi sự vật bày ra trước mắt chúng ta. Chân lý đó tuy đem lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự vật vô thường, nhưng lại rất khó nắm bắt, không thể nghĩ bàn, nếu có được chân lý đó thì sẽ là nơi quy về của mọi điều thiện, thế nhưng lại khó thực hiện, khó bắt kịp, chân lý đó tuy là lý tưởng tối hậu của nhân sinh, thế nhưng thực hiện được nó còn khó hơn là bay lên trời”
(Science and the modern world: Khoa học và thế giới hiện đại)
Cân lý tối hậu, giá trị của mọi giá trị, nơi quy về của mọi điều thiện v.v…đó chinh là giá trị đích thực của tôn giáo, là nơi gặp gỡ giữa tôn giáo và khoa học. Đó là mặt siêu việt lý trí của tôn giáo, nơi mà từ nay về sau các nhà tôn giáo phải gia công nhiều thì mới tạo lực đối trọng cho các tiêu cực khó tránh của tôn giáo là mê tín dị đoan, tín ngưỡng thuần túy hay là cuồng tín là những mặt thấp hơn lý trí của tôn giáo. Những mặt tiêu cực này của tôn giáo không thể dẹp bỏ được dầu bằng biện pháp hành chính, mà chỉ có thể triệt tiêu nó bằng cách đẩy mạnh hơn nữa mặt đối lập tích cực là mặt siêu việt lý trí của tôn giáo.
Chỉ trong điều kiện như vậy, tôn giáo ở nước ta mới hy vọng đóng góp những giá trị đích thực cho sách lược phát triển của xã hội Việt Nam, đất nước Việt Nam.

Những giá trị khác mà tôn giáo có thể cung cấp cho xã hội.

Các nhà xã hội học tôn giáo đã tổng kết có 10 công dụng xã hội của tôn giáo như sau:
1. Những người cùng một tôn giáo có dễ đoàn kết và sống hài hòa với nhau.
2. Tôn giáo có thể đem lại cho con người dũng khí, trước những thử thách bất kỳ của cá nhân hay dân tộc, do người tôn giáo cảm nhận cuộc đời là vô thường, cuộc sống là tạm bợ.
3. Gặp cảnh ngộ éo le, gian khổ, con người thường được tôn giáo an ủi, đảm bảo hy vọng. Đó là tác dụng thuốc phiện của tôn giáo, như Mác nói. Trong nhiều trường hợp cần kíp, dùng thuốc gây mê hay gây tê là cần thiết.
4. Tôn giáo cũng có những nguyên lý đạo đức hướng dẫn cuộc sống hằng ngày, hướng thiện và tránh ác của tín đồ. Nói chung, trong các cộng đồng tôn giáo, những truyền thống đạo đức được giữ vững và tốt đẹp hơn là so với những cộng đồng vô thần. Các cộng đồng tôn giáo biết bảo vệ đạo đức xã hội và cá nhân từ nội tâm bên trong của mỗi người, từ thuở thơ ấu của mỗi người. Cách bảo vệ đạo đức của các tôn giáo có hiệu lực hơn tòa án, công an, nhà tù v.v…
5. Ngay đối với những người phạm tội, tôn giáo thường bày các phương pháp xám hối, giúp người phạm tội yên tâm, dũng cảm chịu sự trừng phạt, và dũng cảm làm lại cuộc đời. Có rất ít người tôn giáo phải tự tử.
6. Đức tin tôn giáo, nếu sâu sắc, sẽ tạo cho con người một cảm giác an toàn rất đặc biệt, giúp cho con người cống hiến hết mình cho đạo cũng như cho đời. Hiện nay, nhiều học giả cho rằng, niềm tin Khổng giáo và Phật giáo đã giúp cho nhiều con rồng của châu Á bay bổng giữa thoái trào kinh tế chung của thế giới.
7. Tôn giáo là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều công trình sáng tạo nghệ thuật, văn học, kiến trúc, hội họa, điêu khắc có giá trị toàn thế giới. Có thể đơn cử các hang động tượng Phật và Bồ Tát ở Vân Cương và Đôn Hoàng (Trung Quốc), tượng Phật cao nhất thế giới ở Nara-Kyoto (Nhật Bản), các bảo tháp Phật ở Ấn Độ và Sri Laka, khu đền chùa Phật ở Borodubur (Indonesia) và Angkor Vat (Campuchia). Các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở châu Âu, đặc biệt là ở Ý, được trang hoàng với các tranh, tượng tôn giáo của Leonard de Vinci và Michel Ange, v.v…không thể kể hết được. Các Kim Tự Tháp Ai cập cũng là một loại công trình kiến trúc tôn giáo.
8. Niềm tin ở cuộc sống vĩnh hằng bất tử, giúp con người tôn giáo đón nhận các chết với thái độ bình thản.
9. Niềm tin ở khả năng đạt tới cảnh giới hạnh phúc an lạc tuyệt đối, giúp con người tôn giáo không đắm say vào những lạc thú thế tục tầm thường, nhờ đó mà đỡ bị cám dỗ, đỡ phạm tội ác, sống thiện và đạo đức.
10. Niềm tin ở khả năng đạt tới cảnh giới giác ngộ hoàn toàn, không gì không biết giúp con người tôn giáo học tập không biết mỏi, không biết chán, điều này thể hiện rõ trong đạo Phật là đạo của trí tuệ, quy mọi đau khổ do vô minh, nghĩa là ngu si.[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 4 28/11/07 21:08

[center]CÔNG DỤNG CỦA TÔN GIÁO[/center]

[center]Minh Chi
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
[/center]

[justify]Tôn giáo có công dụng gì, lợi ích gì đối với con người và xã hội? Đại khái có thể có những công dụng như sau:
1. Người cùng một tôn giáo dễ đoàn kết hài hòa với nhau.
2. Tôn giáo có thể đem lại cho con người dũng khí, trong lúc nguy nan, khi quốc gia và dân tộc đòi hỏi phải hy sinh vì xương máu. Ở Nhật, tín đồ của Thần đạo sẵn sàng hy sinh vì Nhật Hoàng, trong trận chiến tranh thế giới lần thứ hai.
3. Trong cảnh ngộ nguy biến, và gian khổ, con người được tôn giáo an ủi và đảm bảo hy vọng.
4. Tôn giáo có những nguyên tắc, những quy phạm chỉ đạo cuộc sống hằng ngày, việc làm hằng ngày của tín đồ.
5. Khi con người đã phạm tội nặng, Phật giáo chẳng hạn, bày cho người phạm tội phương pháp sám hối, để tâm được yên.
6. Với niềm tin được Thần linh phù hộ, che chở, con người có cảm giác an toàn.
7. Con người tôn giáo tin ở cảnh giới vĩnh hằng, bất tử, mà nếu tu hành, con người có thể đạt tới.
8. Con người tôn giáo tin ở khả năng đạt tới hạnh phúc hoàn thiện, tuyệt đối, nếu tu hành đúng đắn.
9. Con người tôn giáo tin ở khả năng đạt tới cảnh giới giác ngộ hoàn toàn, không gì không biết, không thấy nên chịu tu tập và sống đạo đức.
*
* *
Khi các nhà xã hội học tôn giáo nói tới các chức năng xã hội của tôn giáo, họ cũng không thêm được điểm gì mới, trong các điểm nói trên đây. Họ chỉ nói ba điểm (tức ba chức năng).
1/ Chức năng đoàn kết (như ở điểm 1) của bản chín điểm nói trên.
2/ Chức năng kiểm tra xã hội (social control) ý tứ giống như điểm bốn của bản chín điểm nói trên đây. Nói kiểm tra xã hội, tức là nói tôn giáo, với những quy tắc đạo đức có sự hỗ trợ của sức mạnh tôn giáo, có thể kiểm tra, giữ gìn mọi hành vi ứng xử xã hội của con người theo đúng với quy tắc đạo đức đó.
3/ Chức năng cơ cấu xã hội, tôn giáo định vị mỗi người trong xã hội, và giúp làm con người an phận với vị trí đó. Tác dụng đó tốt hay không tốt là điều cần phải bàn. Mặt tốt của nó là giảm bớt những đầu mối xung đột và mâu thuẫn xã hội. Mặt dở của nó là làm con người ta an phận thủ thường, không chịu nỗ lực tối đa, để tiến bộ. Bà-la-môn giáo đã tạo ra xã hội đẳng cấp ở Ấn Độ, và giúp cho xã hội Ấn Độ ổn định trong thời gian dài. Thế nhưng phải chăng đó cũng là lý do sâu xa của khả năng yếu kém trước các cuộc xâm lăng của ngoại quốc trong lịch sử: Ba Tư, Hy Lạp, Hồi giáo, Bồ Đào Nha, Anh...
Ở Nhật Bản, vị trí của Hoàng gia Nhật rất bền vững nhờ có Thần đạo, ở Thái Lan Phật giáo, vị trí của Hoàng gia Thái Lan cũng rất ổn định, vì Phật giáo thuyết nghiệp, thuyết phước báo khiến mọi người tin rằng, vị trí xã hội của con người đời này là do nghiệp tạo ra từ đời trước quyết định. Làm vua Thái Lan là do phước báo lớn đời trước của ông ta. Giàu có, sang trọng, có quyền lực hay là người nghèo hèn, sống khỏe, thọ mạng lâu hay là ốm yếu bệnh tật, chết sớm...tất cả đều do nghiệp báo. Tất nhiên thuyết nghiệp của đạo Phật không phải chỉ có nghĩa đơn giản như vậy. Ở đây, muốn nói cho tôn giáo giúp cho sự ổn định xã hội, cho nên lý giải thuyết nghiệp một cách đơn giản như vậy thôi.
Thực ra quyết định cuộc sống hiện tại của chúng ta đâu phải chỉ có nghiệp quá khứ, mà còn do nghiệp chúng ta tạo lập ra trong cuộc sống hiện tại, mà tạo ra hàng ngày, hàng giờ, hằng phút, đồng thời lại còn do nỗ lực chủ quan của chúng ta nữa.[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 4 28/11/07 21:12

[center]CÁC VẤN ĐỀ MÀ TÔN GIÁO GIẢI QUYẾT[/center]
[center]Minh Chi[/center]

[justify]Tôn giáo sở dĩ tồn tại và phát triển, ngay cả trong thời đại hiện nay, thậm chí ở những nước XHCN vốn đề cao tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa vô thần chính là vì tôn giáo đặt ra một số vấn đề mà khoa học hiện đại không giải đáp được thỏa đáng.
Có thể có bốn loại vấn đề, có liên hệ hổ tương với nhau là:
1. Vấn đề con người từ đâu đến, và chết rồi là mất hẳn hay là đi đâu? Chức năng của con người trong cõi thế này là gì?
2.Vấn đề nguồn gốc, tương lai của thế giới bao quanh mỗi người, kể cả những người khác mình. Thế giới đó vốn tồn tại từ vô thỉ, hay là có một điểm bắt đầu, và điểm bắt đầu là gì? Thế giới đó là hữu biên hay vô biên, vĩnh cửu hay tạm thời, hư giả hay thực có.
3. Ngoài cái tôi tầm thường và bình nhật này, ngoài cái thế giới biến đổi liên tục, đang bao quanh tôi, ngoài những đồng loại của tôi mà tôi thường gặp, còn có cái gì nữa hay không, một cái vĩnh hằng, một Thực tại tối hậu, khác với cái thực tại hằng ngày tôi thực nghiệm và tiếp xúc?
4. Cuối cùng là vấn đề giá trị, bậc thang giá trị: Có những loại giá trị nào siêu việt hơn, cao cấp hơn những giá trị mà hằng ngày chúng ta tiếp xúc. Phải chăng thiếu những giá trị đó, mà trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cảm thấy một cách sâu sắc, có sự bất ổn không hài hòa, một nỗi lo sợ thầm kín, nhưng rất thực. Người phương Tây nói kỷ nguyên của họ đang sống là kỷ nguyên của lo âu (Age of anxiety)
Đó là những vấn đề lớn, rất lớn mà khoa học không thể bỏ qua được, mặc dù tự thấy mình bất lực, không được câu trả lời thỏa đáng. Không thể trả lời cụt ngủn như Mác xít rằng “Người từ người đến, chứ còn từ đâu nữa!” Hay là câu trả lời vô tư của một con người vô tâm “Không cần biết từ đâu đến, và di đâu. Chỉ biết chúng ta đang đi, đang sống.”
*Vấn đề thứ nhất: Vấn đề con người là gì?
Vấn đề này được quan niệm như thế nào, qua các thời đại? Quan niệm phổ thông nhất là: Con người là một tập hợp của vật chất (thân vật chất) và linh hồn. Nhưng có bộ tộc cổ xưa tin rằng, con người không phải có một mà có nhiều linh hồn. Người Anh Điêng Iroquois có tới sáu tên gọi khác nhau để chỉ cái phần không phải thân xác trong con người. Người Anh Điêng Hai-đa ở xứ Columbia thuộc Anh, phân biệt có tinh thần, mà và phách (hồn khi đã lìa xác). Ở Trung Hoa, Tân Guinê Indonesia có niềm tin phổ biến là con người có hai linh hồn (tức là hồn và phách).
Một vài người Mêlanêsi tin rằng có tới 7 linh hồn. Người Ai Cập xưa tin rằng người có tới 5 linh hồn (hay đúng hơn là có bảy phần của một linh hồn?) Người La Mã cũng có một niềm tin tương tự. Thánh Paul nói tới thân, linh hồn và tinh thần (spirit). Thế nhưng, ở một cực đoan khác, có người cho rằng không có linh hồn. Hoặc cho rằng, có những người mà linh hồn không tách khỏi xác được khi chết. Ở Trung Hoa và Ai Cập cổ đại chỉ có hàng quý tộc, và vương tướng, thì khi chết, hồn mới có thể tách khỏi xác để hưởng thụ cuộc sống bất tử. Đấy là thuyết sau này được một số nhà Thần học gọi là “sự bất tử có điều kiện”
Dựa vào đâu mà người cổ đại tin rằng có linh hồn sống độc lập tách lìa khỏi thân xác? Có thể là việc nằm mộng. Trong một thời gian nhất định, hồn có thể tách khỏi xác đi chơi một mình. Những tập tục như chôn cùng với người chết thức ăn, đồ dùng cũng xuất phát từ niềm tin là linh hồn người chết vẫn tiếp tục sống dưới mồ và tiếp tục cần đến những thức ăn và đồ dùng như thế.
Một kết luận sơ bộ chung cho những dữ kiện trên là từ thời rất xa xưa, người ta đã tin rằng, con người không phải chỉ có thân xác, mà còn có một cái gì nữa cao quý, linh thiêng hơn, không chết với cái thân, mà tiếp tục sống một cuộc sống khác. Cái không phải thân xác đó được gọi bằng nhiều tên khác như hồn, phách, tinh thần...và cái đó có thể là khá phức tạp, gồm nhiều bộ phận. Ngay khi người còn sống, cái đó có thể tách khỏi thân xác, đi chơi một mình...
*Vấn đề thứ hai là vấn đề thế giới bao quanh con người.
Trước hết nói mối quan hệ giữa người và động vật. Các truyện dân gian ở Châu Phi gợi ý cho thấy, loài người và loài vật đều cùng chung một gia đình. Gia súc ở phần Tây châu Âu cũng được coi trọng như vậy. Cho nên, ở Hà Lan, có tập tục, khi một trại chủ chết, thì phải tuyên bố sự kiện này cho đàn gia súc trong trại được biết, kể cả đàn ong nữa. Vấn đề không phải tư cách con người bị hạ xuống, mà tư cách của loài vật được nâng lên, ít nhất cũng là cao hơn quan niệm của người Hebreu, cho rằng con người là chúa tể của muôn loài và ngự trị muôn loài. Giòng tu Fraciscain (Thiên Chúa giáo) xem loài vật, chim chóc, muông thú là bạn bè của người, chắc chắn không thuộc truyền thống của tôn giáo Hebreu, mà lại chịu ảnh hưởng của truyền thống Ấn Độ (đặc biệt là Phật giáo và Jain giáo). Quan điểm người và loài vật cùng chung một gia đình có quan hệ tới thuyết tái sinh và luân hồi, mà Pythagera, triết gia Hy Lạp cổ đại từng nói đến.
Thứ hai, nói tới quan hệ giữa người sống và người chết. Đó là thái độ của người sống tôn trọng, thậm chí sợ sệt người chết, và cầu xin người chết gia hộ. Điều này thấy rõ trong tập tục thời xưa cúng tổ tiên của người Trung Hoa, người Việt Nam và của nhiều bộ tộc Polynedi ở Châu Đại Dương nữa. Người Polynedi có những căn nhà rộng dành riêng cho những đồ vật kỷ niệm những người đã chết, góc bàn thờ bài vị của người Trung Hoa và người Việt Nam cũng có ý nghĩa như thế.
*Vấn đề thứ ba, quan trọng hơn là quan hệ giữa con người và cái tồn tại tự nó, cái siêu việt, cái siêu nhiên, cái tuyệt đối...
Mối quan hệ đó, mang nhiều hình thức như: Tế đàn, tế lễ, cúng bái. Cúng bái, tế lễ làm gì? Có thể có năm lý do hay động cơ: Tán thán, tạ ơn, cầu may, lấy lòng thần, tạ tội sám hối (tạ tội và sám hối xem như một). Có tác giả cho rằng phải cúng Thần xôi thịt, để cho Thần khỏi đói, để Thần gia hộ cho mình. Chúng ta không nên ngạc nhiên một động cơ như vậy. Ở Ấn Độ, tại một vài vùng, có tập tục người ta tổ chức cúng tế dụng cụ nghề nghiệp, như lưới bắt cá, cái cày, cái bừa... Sao lại phải cúng tế những vật vô tri như cái lưới, cái bừa, cái cày? Phải chăng có niềm tin là ở sau cái lưới, cái cày, cái bừa đó có một sức mạnh thiêng liêng chăng? Có khác gì, ở động chùa Hương, có con lợn đá, được nhiều người thắp hương cúng tế, thậm chí còn đặt tiền nữa, vì làm như vậy, họ hy vọng con lợn họ nuôi ở nhà sẽ chóng lên cân và không mắc bịnh.
Một hình thức khác của mối quan hệ đó là các điều kiêng kỵ (tabous), vốn là một từ Polynedi, với nghĩa là cấm đoán, hay “cái được đánh dấu rõ nét!” Nhiều cấm kỵ vừa có ý nghĩa tôn giáo, vừa có ý nghĩa xã hội kinh tế. Trong thời kỳ phong kiến ở Trung Hoa cũng như Việt Nam, người dân không được nói hay viết các tên vua, hoàng hậu hay là những nhân vật quan trọng khác của hoàng gia. Mục đích khá rõ. Vua và giòng họ của vua được đồng nhất với Thần, với giòng họ Thần; một điều kiêng kỵ như vậy có giá trị và tác dụng gây lòng trung thành với vua chúa, ngăn ngừa bạo loạn... Ở nhiều vùng dân tộc thiểu số nước ta, có những khu rừng gọi là rừng ma, ở đây cấm làm rẫy chặt cây, lấy củi. Một điều kiên kỵ như vậy có tác dụng bảo vệ rừng. Ở Ấn Độ, theo truyền thống của Ấn Độ giáo, người ta không ăn thịt bò, không giết bò, lại còn tổ chức các nhà thương an dưỡng cho bò, bởi vì bò được xem như là loài vật thiêng. Kết quả là bò quá nhiều, bò đi lung tung làm trở ngại giao thông. Ở Pakishtan, trái lại, người ta xem lợn là vật thiêng, không ai được đụng chạm tới. Người theo Hồi giáo cũng không uống rượu. Bất cứ ai dù là người ngoại quốc bị bắt quả tang uống rượu, phải chịu một trong hai hình phạt: một là bị tù, hai là bị đánh roi công khai. Hồi giáo đã thực hiện thành công một việc mà các nước khác không làm được, tức là tuyệt đối cấm rượu trong tất cả các nước Hồi giáo có dân số tổng cộng trên ba trăm triệu!
Có thể thấy rằng, những điều kiêng kỵ tôn giáo sẽ giúp ích rất nhiều trong việc củng cố nền đạo đức xã hội nếu đó là những tôn giáo lớn, vốn bảo vệ những chân giá trị đạo đức cao cả của con người. Trong những tôn giáo này, niềm tin tôn giáo và niềm tin đạo đức đồng nhất với nhau, hòa với nhau làm một. Một Phật tử chẳng hạn, có niềm tin tuyệt đối vào đức Phật, sẽ tránh không làm những điều mà Phật cho là ác, không nên làm, và sẽ cố gắng làm những điều mà Phật cho là Thiện, nên làm. Các tín đồ đạo Thiên Chúa và đạo Hồi cũng thế. Niềm tin ở Mohamet đã biến hàng trăm triệu người Hồi giáo thành những người không uống rượu, không ăn thịt lợn. Ở các vùng rừng núi miền Bắc nước ta, phá rừng được hạn chế phần nào nhờ niềm tin có những khu rừng ma.[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi learn144 » Thứ 7 21/06/08 7:03

Xin chào,

Mình là thành mới của diễn đàn, mong được mọi người giúp đỡ nhiều. :P

Bạn VO VAN THANH thân mến,

Trước hết ,mình xin được nói là bài viết của bạn rất hay. Nó giúp nhận ra giá trị và vai trò tích cực của tôn giáo. Mình xin được cảm ơn bạn vì bài viết này.

Và trong bài viết của bạn có một đoạn nhỏ mà mình thấy chưa hài lòng lắm, bạn ạ :


VOVANTHANH đã viết:Tôi muốn trở lại Moise của đạo Do Thái. Khi Moise lãnh đạo 12 bộ tộc Do Thái làm cuộc viễn du về nơi đất hứa ở Palestine (lúc bấy giờ gọi là xứ Canaan), thoát khỏi Ai Cập là nơi người Do Thái bị bắt làm nô lệ, thì giữa đường Moise dừng lại chân núi Sinai, và tiếp thu từ Thượng Đế Jehovah (thực ra là Thần núi Sinni mà thôi), Luật Torah và thay mặt dân Do Thái ký với Jehovah giao ước, thoe đó Jehovah lựa chọn dân Do Thái như là thay mặt Thượng Đế truyền bá luật Torah cho toàn cầu, với điều kiện là dân Do Thái đặt niềm tin vào Jehovah như là Thượng đế duy nhất. Moise trực tiếp gặp Jehovah để tiếp thu luật Torah, và Jehovah công nhận dân Do Thái là dân tộc được Thượng Đế lựa chọn để truyền bá đạo thánh, v.v…bao nhiêu chuyện nghịch lý và phi khoa học, ấy thế mà niềm tin vào những chuyện nghịch lý và phi khoa học đó đã đoàn kết 12 bộ tộc Do Thái lại thành một dân tộc, một quốc gia trở về chinh phục thắng lợi vùng đất Palestine là quê hương ngày xưa của họ, rồi sau khi đất Palestine của họ bị các đạo quân người Assyrie, người Babylone, rồi quân La Mã chiếm đóng, họ phải đi lưu vong khắp nơi trên thế giới. Hơn 12 thế kỷ lưu vong, không có tổ quốc, nhưng niềm tin nghịch lý “Giao ước với Thượng Đế”, dân Do Thái là một dân tộc được Chúa lựa chọn (chosen people) đã giúp dân Do Thái chiến thắng mọi nghịch cảnh, mọi thử thách, duy trì và phát triển được bản sắc dân tộc, không bị đồng hóa, và cuối cùng, sau trận thế giới đại chiến lần hai, đã trở về lại đất Palestine, quê hương đất tổ của họ, ở đây, họ đã chiến thắng vẻ vang, khẳng định trước toàn thế giới sự tồn tại của nhà nước và quốc gia Do Thái!!



Thượng đế Jehovah? Mình là người công giáo, mình gọi là Chúa , đơn giản vậy thôi. Cảm ơn bạn vì đã giúp mình biết thêm cách gọi Chúa của đạo Do thái, cảm ơn nhiều.

Nhưng bạn ơi, khi bạn nói về một vấn đề niềm tin của một tôn giáo, đặc biệt là với một niềm tin lớn như vậy đối với không chỉ đạo Do thái và mà còn của cả Thiên Chúa Giáo nữa, vì nó đã giúp chúng tớ có được 10 điều răn, thì bạn à, bạn làm ơn đừng dùng chữ " nghịch lý và phi khoa học" được không bạn? nghe chói tai và khó chấp nhận lắm , bạn ạ.

Và còn nữa, tại sao Chúa của chúng tớ lại biến thành....thần núi Sinni vậy? Người là thượng đế , là Thiên Chúa , đâu phải thần núi , cũng như không phải thần riêng của bất kì cái gì cả.

Vài lời chia sẻ cùng bạn.....mình rất quý bạn. Chúc bạn luôn khoẻ.
Thân ái.
RANDOM_AVATAR
learn144
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 6 20/06/08 18:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 2 23/06/08 13:59

Bạn learn144 mến,
Những bài viết trên là của Gs. Minh Chi, học giả nghiên cứu về tôn giáo học.
Tôi chỉ là người post bài lên mạng. Tuy nhiên vì ông mất rồi nên không thể trực tiếp trả lời bạn được. Những chỗ ông viết mà bạn trích dẫn lại và có thắc mắc, cá nhân tôi nghĩ, ông viết như vậy là có cái lý của ông. Tôi nghĩ rằng, chắc chắn có nguồn tài liệu nào đó có liên quan đến sự kiện trên cho nên ông mạnh dạn cho rằng "Thượng Đế Jehovah (thực ra là Thần núi Sinni mà thôi)". Còn chuyện ông cho rằng nghịch lý và phi khoa học ấy thế mà đã đoàn kết một được dân tộc Do Thái thì đó là lời khen đối với dân tộc Do Thái. Bạn hãy đọc kỹ lại xem.

PS. Bài viết trên của GS. Minh Chi được đăng trên tạp chí và một số nguyệt san trong và ngoài nước mà không ai có thắc mắc như bạn. Độc giả của những tờ như Giao Điểm, Nguyệt san Giác ngộ đa phần là trí thức. Tôi tin chắc rằng họ không thắc mắc nghĩa là GS. viết có cơ sở nhưng rất tiếc người post bài như tôi không đủ tư liệu để chứng minh cho bạn thấy được lời ông nói là hữu lý.
Mong rằng có những độc giả đọc được những điều thắc mắc của bạn và giải đáp hộ chúng tôi.
Rất mong.
Thân ái trao đổi cùng bạn.
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi meohen » Thứ 2 23/06/08 23:06

learn144 đã viết:bạn làm ơn đừng dùng chữ "nghịch lý và phi khoa học" được không bạn? nghe chói tai và khó chấp nhận lắm
Tôi nghĩ đây là cách dùng từ thôi. Có gì đâu. GS Minh Chi nghĩ vậy, hiểu như vậy. Có nhiều vấn đề tôn giáo và khoa học không thống nhất với nhau về cách giải thích, dưới nhãn quan khoa học thì người ta sẽ cho những cách giải thích ấy trong tôn giáo là phi khoa học. Không biết dưới con mắt của các tín đồ thì cách giải thích của các nhà khoa học khác với tôn giáo của họ như thế nào nhỉ?

VOVANTHANH đã viết:Bài viết trên của GS. Minh Chi được đăng trên tạp chí và một số nguyệt san trong và ngoài nước mà không ai có thắc mắc như bạn. Độc giả của những tờ như Giao Điểm, Nguyệt san Giác ngộ đa phần là trí thức. Tôi tin chắc rằng họ không thắc mắc nghĩa là GS. viết có cơ sở nhưng rất tiếc người post bài như tôi không đủ tư liệu để chứng minh cho bạn thấy được lời ông nói là hữu lý.
Tôi nghĩ bất kỳ ai khi phát ngôn điều gì đều có lý do riêng. Vấn đề là lý do ấy có được số đông chấp nhận không mà thôi. GS Minh Chi tất nhiên là có lý riêng của ông. Thật tiếc là GS đã không thể giải thích cho chúng ta được nữa. Chúng ta phải tự tìm hiểu và giúp nhau cùng giải đáp các thắc mắc, nếu có.

@ VOVANTHANH: Tôi không nghĩ rằng "Bài viết trên của GS. Minh Chi được đăng trên tạp chí và một số nguyệt san trong và ngoài nước mà không ai có thắc mắc" có nghĩa là mọi thứ đều rõ ràng, có cơ sở.
Có thật là không có ai thắc mắc không? Ai là người dám quả quyết là hoàn toàn không có thắc mắc?

Các bài của GS trong chủ đề này đưa ra rất nhiều kiến thức mới, tôi lạc vào mê cung của tôn giáo học. Thực sự là biển kiến thức, mà tôi là người mới tập bơi. Những kiến thức triết học, kiến thức môn tôn giáo và văn hoá cũng chưa giúp tôi hiểu được bao nhiêu. Tra cứu từ điển, sách báo, internet bao lần, tôi mới chỉ mon men biết một phần nhỏ trong số những tên gọi, những truyền thuyết, những quan niệm, những tín ngưỡng... GS nêu ra.
Các bài của GS về tôn giáo học nói chung liên quan một lúc tới rất nhiều tôn giáo khác nhau và bao quát rất nhiều vấn đề mang tính lý thuyết khác nhau. Vấn đề lớn, thông tin nhiều, phạm vi rộng, khó khái quát. Do vậy, tôi nghĩ là phải có rất nhiều thắc mắc.

VOVANTHANH đã viết:Tôn giáo có công dụng gì, lợi ích gì đối với con người và xã hội? Đại khái có thể có những công dụng như sau:
1. Người cùng một tôn giáo dễ đoàn kết hài hòa với nhau.
2. Tôn giáo có thể đem lại cho con người dũng khí, trong lúc nguy nan, khi quốc gia và dân tộc đòi hỏi phải hy sinh vì xương máu. Ở Nhật, tín đồ của Thần đạo sẵn sàng hy sinh vì Nhật Hoàng, trong trận chiến tranh thế giới lần thứ hai.
3. Trong cảnh ngộ nguy biến, và gian khổ, con người được tôn giáo an ủi và đảm bảo hy vọng.
4. Tôn giáo có những nguyên tắc, những quy phạm chỉ đạo cuộc sống hằng ngày, việc làm hằng ngày của tín đồ.
5. Khi con người đã phạm tội nặng, Phật giáo chẳng hạn, bày cho người phạm tội phương pháp sám hối, để tâm được yên.
6. Với niềm tin được Thần linh phù hộ, che chở, con người có cảm giác an toàn.
7. Con người tôn giáo tin ở cảnh giới vĩnh hằng, bất tử, mà nếu tu hành, con người có thể đạt tới.
8. Con người tôn giáo tin ở khả năng đạt tới hạnh phúc hoàn thiện, tuyệt đối, nếu tu hành đúng đắn.
9. Con người tôn giáo tin ở khả năng đạt tới cảnh giới giác ngộ hoàn toàn, không gì không biết, không thấy nên chịu tu tập và sống đạo đức.
Lý do gì mà tôn giáo có 9 công dụng này? Có thể còn có các công dụng nào khác không? Tại sao các công dụng xếp theo thứ tự này?

Còn rất rất nhiều điều chưa hiểu, chưa biết. Vẫn tiếp tục mon men tìm hiểu tiếp. Mong các bạn giải thích thêm các vấn đề GS đưa ra để chúng ta cùng học tập.
Hình đại diện của thành viên
meohen
 
Bài viết: 229
Ngày tham gia: Thứ 3 23/10/07 20:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 3 24/06/08 20:58

Xin cảm ơn chị Meohen đã góp ý.

Mình chỉ muốn nói là trong trường hợp này thì không ai có thắc mắc như bạn learn144 còn tất nhiên là một bài viết về nhiều vấn đề, tầm khái quát cao thì lại càng có nhiều thắc mắc rồi.

Chị Meohen nêu ra "Lý do gì mà tôn giáo có 9 công dụng này? Có thể có các công dụng nào khác không? Tại sao các công dụng xếp theo thứ tự này?" Nếu đọc kỹ lại bài viết thì chúng ta thấy GS. Minh Chi nói rằng "Đại khái có thể có những công dụng như sau:" nghĩa là theo sự phát hiện của ông thì tôn giáo có những công dụng như vậy. Tất nhiên là chúng ta có thể có những phát hiện ra công dụng của tôn giáo khác ông. Điều đó càng tốt vì nó giúp cho độc giả ngày càng có cái nhìn đúng đắn về những công dụng của tôn giáo.

Mong các bạn bàn thêm.

VOVANTHANH
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi meohen » Thứ 3 24/06/08 23:27

Vấn đề ở từ "đại khái" ấy bạn ạ. Từ ấy và cách làm như thế có vẻ không phù hợp với vấn đề mà GS đặt ra.
Hình đại diện của thành viên
meohen
 
Bài viết: 229
Ngày tham gia: Thứ 3 23/10/07 20:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN

Gửi bàigửi bởi thu nguyen » Thứ 2 30/05/11 12:13

chen chân vào chủ đề này một xíu được không ạ tại em không biết nên để vấn đề thắcmắc của em ở đâu nữa.
e được một bạn nhờ làm một đề cương về vấn đề : Ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian VIệt Nam tói việc giải quyết các vấn nạn xã hội, làm mãi mà vẫn chưa xong, ai có thể gợi ý giùm em xíu không ạ, hix
RANDOM_AVATAR
thu nguyen
 
Bài viết: 12
Ngày tham gia: Thứ 2 16/05/11 20:21
Đến từ: Nam Định
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron