THIỀN & CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

THIỀN & CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 6 30/11/07 23:21

Bài này đã được GS. Minh Chi viết và diễn thuyết ở một vài nơi khi ông còn sống. Quan điểm của ông về thiền và cuộc sống rất năng động. Đặc biệt là Thiền là liều thuốc đối trị hiệu quả những căn bệnh của xã hội như hiện nay.
Ngẫm đây là một bài viết rất có giá trị, tôi xin post lên đây để mọi người cùng thưởng thức.
VVT

[center]THIỀN VÀ CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI[/center]
[center]MINH CHI[/center]

[justify]Cuộc sống hiện đại mà chúng ta đang sống có hai đặc điểm tiêu cực khiến chúng ta cần đến Thiền để hóa giải chúng:
Một là cuộc sống hiện đại quá ồn ào, quá dồn dập trong tốc độ.
Tốc độ di chuyển với những phương tiện hiện đại, cũng như tốc độ thông tin bằng âm thanh, hình ảnh và chữ viết.
Hai là, cuộc sống hiện đại đầy bất trắc, không ổn định khiến mọi người đều lo âu, bức xúc. Số ít người giàu thì lo làm giàu thêm, lo mất của cải, lo con cái hư. Người nghèo thì lo cho bữa ăn hằng ngày, lo cho con đi học.
Hai đặc điểm trên của xã hội hiện đại ai cũng cảm nhận được, nhưng đối phó và giải quyết thế nào thì nhiều người bó tay, hay là muốn quên đi trong chén rượu, hút xách, kể cả hút ma túy, cờ bạc, bồ bịch v.v...Nghĩa là những thú vui giải trí tạm thời và tầm thường.
Giải pháp của Thiền:
Trước hết chúng ta cần biết là Thiền không phải là sản phẩm riêng của Phật giáo, mà đã tồn tại từ rất lâu trước khi Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ. Thiền có thể là sáng tạo của những nhà minh triết Ấn Độ từ rất xa xưa, trước cả những thành phố cổ đại Mohenjo-Daro và Harappa được các nhà khảo cổ Anh và Ấn Độ khai quật được ở thung lũng sông Indus, và niên đại được đánh giá vào khoảng 4000-5000 năm trước Công nguyên. Trong các cổ vật đào bới được, có tượng người ngồi ở tư thế hoa sen, vốn là tư thế đặc trưng của Thiền định. Và trong Ấn Độ giáo, Thần Siva vốn được tôn thờ như là Thần của Thiền định, và tượng người ngồi Thiền ở thế hoa sen nở ở hai thành cổ Mohenjo-Daro và Harappa được nhận định như là tượng Thần Siva. Tính xa xưa của Thiền định ít nhất cũng chứng minh tác dụng và hiệu quả của Thiền như là một nếp sống và một biện pháp tu tập thân tâm. nếu Thiền không có tác dụng và hiệu quả lớn đối với cuộc sống và con người thì Thiền hẳn là đã bị quên lãng từ lâu. Cho nên, Alan Watts, học giả người Mỹ, trong cuốn “The way of zen” (Con đường Thiền) đã không nói quá đáng, khi viết: “Thiền là một trong những món quà quý báu nhất mà châu Á đã tặng cho thế giới” (Zen is one of the most precious gift of Asia to the world-P. 3 sách đã dẫn).
Giải pháp chủ yếu của Thiền chính là câu nói thời danh của Thiền sư Bồ Đề Đạt Ma:
“Chỉ thẳng vào tâm người” (Trực chỉ nhân tâm).
Nên hiểu tâm người, tức tâm con người, tâm của tất cả chúng ta, chứ không phải cái tâm nào siêu việt, xa lạ như một vài người lầm tưởng. Trong một cuốn sách của Thượng Tọa Nhất Hạnh nói về Thiền, tôi thấy tác giả cũng dẫn chứng câu này của Tổ Đạt Ma, nhưng lại đổi chữ nhân tâm thành chữ chân tâm. Nếu tôi có cơ hội gặp thầy Nhất Hạnh tôi sẽ nói sửa như vậy là không đúng, bởi lẽ nếu là chân tâm, cũng như Niết Bàn thì sẽ không chỉ ra được. Trái lại, Tổ Đạt Ma muốn chỉ bày cho chúng ta con đường tu tập là hướng nội, hướng vào bên trong mình mà tìm, chứ không phải hướng ra bên ngoài.
Tổ Đạt Ma không nói tâm người là chân lý tối hậu, bởi vì trong câu tiếp theo, Tổ nói:
“Kiến tánh thành Phật” nghĩa là thấy được tánh mới thành Phật. Nhìn vào tâm mình là đúng, nhưng nhìn hời hợt thì làm sao thấy được tánh mà thành Phật? Hướng tìm là đúng rồi, còn tìm cho ra là cả một quá trình, cả một công phu.
Ở đây, tôi xin phép nhắc lại lời Phật nói với ông A Nan, trước khi Phật nhập Niết Bàn. Đoạn văn trong Kinh Đại Bát Niết Bàn khá dài, tôi chỉ trích một đoạn. Có thể đọc trọn đoạn văn trong Trường Bộ kinh tập I, trg. 588-585, bản dịch Thích Minh Châu).
“Vậy này, Ananda hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỷ kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ dựa, không nương tựa một gì khác.
Này Ananda, ở đời, vị Tỷ kheo đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời, đối với các cảm thọ, đối với tâm...đối với các pháp, quán pháp tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi ở đời. Này Ananda, như vậy vị tỷ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa một gì khác.
Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm chỗ dựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi”.
(Trường Bộ Kinh tập I, trg.584-585, bản dịch Thích Minh Châu
Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Việt Nam ấn hành 1991)

Đoạn văn trên đây có thể nói đã tóm tắt thật đầy đủ, và kín kẻ (nghĩa là Phật nói không có chút sơ hở) nội dung chủ yếu của Thiền.

I. Thiền tích cực hay là Thiền tỉnh giác:

Trong đoạn văn trên, Phật nhiều lần nhấn mạnh, mọi người hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình không nương tựa một gì khác...Và tiếp theo, Phật nói “lấy chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác”.
Phải chăng, như vậy là Phật nói có hai ngọn đèn, và hai chỗ nương tựa, vì Phật nói tự bản thân mình và chánh pháp?
Ý tứ của Phật không phải là hai chỗ nương tựa và hai ngọn đèn. Chỉ mỗi chỗ nương tựa và một ngọn đèn mà thôi, và đó là cái tâm của mình. Thế nhưng, để có thể nhìn rõ vào tâm mình, điều phục tâm mình, cải tạo tâm mình, thì chúng ta còn phải dùng chánh pháp làm ngọn đèn, làm chỗ dựa. Ý Phật là vận dụng chánh pháp như một công cụ, như phương tiện, nếu không thì chúng ta sẽ lạc vào như một mê hồn trận, không biết lối ra, đôi khi còn lạc vào tà đạo.
Các bậc tiền bối, những người đi trước chúng ta trong công phu tìm hiểu tâm, điều phục tâm, cải tạo tâm, tất nhiên đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và thực nghiệm tâm linh. Nhưng không được quên rằng, đó là thực nghiệm của họ, chứ không phải là của chúng ta. Nói cách khác, tự bản thân chúng ta, chúng ta phải thực nghiệm lại, trong hoàn cảnh của chúng ta và do đó theo kiểu thức của chúng ta thực nghiệm tâm linh của họ. Vì vậy mà Phật nói, mình là ngọn đèn của chính mình, là chỗ nương tựa của chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Nói cách khác, tự mình phải đi bằng đôi chân của chính mình, suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình. Còn chánh pháp hay Phật pháp chỉ là phương tiện, là công cụ, hay là nếu dùng lại một ảnh dụ Phật hay dùng (Xem kinh ví dụ con rắn trong Trung bộ Kinh, hay kinh Kim Cang của Phật giáo Bắc tông), Chánh Pháp là cái bè mà thôi.
Kinh Phật cũng dùng ảnh dụ ngón tay chỉ mặt trăng để ví với chánh pháp (Kinh Lăng Nghiêm). Do đó, tuy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật cũng nói tới chánh pháp như là ngọn đèn, như là chỗ nương tựa, nhưng chánh pháp không thể thay bản thân mình được. Vì vậy mà Phật nói tự mình là ngọn đèn, là chỗ nương tựa, nhưng lại nói dùng chánh pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương tựa.
Tự mình là ngọn đèn, là chỗ nương tựa, khác với dùng pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương tựa.
Vì vậy mà tôi nói Phật nói kín kẻ hơn Tổ Đạt Ma. Nhưng có thể đối tượng nói chuyện của Tổ Đạt Ma là những trí thức Phật tử Trung Hoa Trung Hoa thời bấy giờ đang vùi đầu vào kinh sách Phật, những Kinh sách mà phải mất bao nhiêu công lao gian khổ mới đưa được vào Trung Hoa rồi phiên dịch ra chữ Hán. Chính cái bệnh đam mê chữ nghĩa, tầm chương trích cú đó của người Phật tử tri thức Trung Hoa thời bấy giờ là trở ngại chính, không dễ cho họ tiếp cận với chân lý tối hậu vốn tồn tại trong tâm họ, cho nên Tổ Đạt Ma đã phải dùng những lời lẽ sắc bén như Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền.
Người học Thiền về sau không hiểu cho nên thường cường điệu đến chỗ coi thường học Phật, đọc kinh sách là rất không đúng vậy.
Bây giờ, chúng ta hãy trở lại đoạn văn của sách đã dẫn, đoạn Kinh nói về nội dung của hành thiền.
Nội dung của hành Thiền
Quán thân trên thân: Thiền là quán, tức là nhìn, quan sát từng cử động của thân mình, đừng có suy nghĩ chuyện khác, nơi khác. Do đó mà Kinh nói quán thân trên thân hay là đối với thân. Trong Kinh đã dẫn, còn nói phải “tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời”.
Trong các hoạt động của thân, thì thở vô thở ra là hoạt động nổi bật thường xuyên nhất.
Tất cả vấn đề là chúng ta biết tìm thấy hạnh phúc đích thực là ở đâu, ở trong chúng ta nhờ thành tựu được sự hòa hài và bình lặng nội tâm, hay là bằng đeo đuổi những vật ngoài thân, như là danh và lợi, quyền lực và sắc đẹp. Trong sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định này, Thiền sẽ giúp chúng ta rất nhiều. Bởi lẽ, Thiền là quán, tức quán sát, không phải quan sát một cách hời hợt, như cưỡi ngựa xem hoa mà bình lặng mà quan sát, tỉnh thức mà quan sát chánh niệm mà quan sát, hay là quan sát với trí tuệ.
Nhiều người hiểu rất lầm Thiền là ngồi Thiền. Thiền chủ yếu không phải là ngồi thiền. Thiền trước hết là một nếp sống. Nếu chỉ ngồi thì đừng nói giác ngộ không thể thành tựu được mà sống cũng không được.
Chính vì vậy mà nhà Phật học đời Trần là Tuệ Trung Thượng Sĩ thầy dạy của vua Trần Nhân Tông đã nói:
“Hành diệc thiên, tọa diệc thiền
Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên”
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Một đóa hoa sen trong lò lửa.
(Phật Tâm Ca–Tuệ Trung Thượng Sĩ)
Hoa sen trong lò lửa ví như cái tâm chân thực vốn sáng suốt nguyên vẹn trong cái thân năm uẩn vô thường, nhơ bẩn này. Mục đích của Thiền là trở về với cái tâm chân thực vốn sáng suốt nguyên vẹn đó. Nội dung của Thiền không phải là đi đứng, hay nằm, ngồi mà là nhìn cho ra, trở về với cái tâm chân thực, vốn có sẵn trong mỗi người chúng ta. Thiền học đời Trần gọi cái tâm là Phật, vì vậy mà Tuệ Trung Thượng Sĩ mở đầu bài “Phật tâm ca”
“Nhược tâm sanh thời thị Phật sanh,
Nhược Phật diệt thời thị tâm diệt”.
Nghĩa là:
Tâm sanh thì Phật sanh,
Phật diệt thì tâm diệt.
Và ở một đoạn sau, Tuệ Trung lại viết:
“Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm
Phật tâm khước dữ ngã tâm hợp...”
Nghĩa là:
Cái tâm của vạn pháp tức là Phật tâm
Tâm Phật lại hòa hợp với tâm ta”
Ý tứ hai câu trên là, không những tâm Phật hợp với tâm người mà cái tâm, tức là thực thể của muôn vàn sự vật cũng là thể hiện cái tâm Phật đó mà thôi.
Vì vậy mà Thiền học khuyến cáo tất cả chúng ta không được quên mục đích cuối cùng của Thiền là giúp mọi người nhận diện cho ra cái tâm chân thực đó, trở về với cái tâm chân thực đó. Chỉ có thế thôi. Không có gì phức tạp hay huyền bí cả. Và Phật giáo chủ yếu của Thiền là quan sát tự tâm mình, tự thân mình cũng như mọi sự vật với thái độ tỉnh giác (tức là tỉnh táo), thật sự cầu thị, với ý nghĩ chân chánh không tà quấy. Thế nào là quan sát mọi sự vật với thái độ tỉnh giác, và với chánh niệm nghĩa là với suy nghĩ không tà quấy?
Tôi xin đưa ra một ví dụ hết sức cụ thể, mà bạn nam nữ thanh niên nào cũng hiểu được. Một thanh niên lần đầu tiên gặp một bạn gái, chưa kịp tìm hiểu cô ta, lai lịch cô ta, gia đình cô ta v.v...Đã vội dán mắt thèm thuồng vào bộ ngực, cặp đùi, lưng eo, trong lòng sanh ra thèm khát dữ dội đối với cô ta. Tôi xin hỏi với một lối suy nghĩ tà quấy như vậy làm sao mà thấy rõ, biết rõ con người thật của cô ta được.
Chính vì có lòng tà quấy như vậy mới có những chàng trai như Trương Chi ôm cột cầu mà chết đuối, trong khi chờ đợi gặp người đẹp.
Bên phái nữ cũng không kém. Môi không đỏ tự nhiên, mà nhờ bôi son. Má không trắng hồng một cách tự nhiên, mà thoa phấn trắng hồng. Đùi không dài nhưng đi guốc bảy phân. Ngực không nở nhưng độn ngực cho căng vào. Quần áo thì mỏng dính hay là nửa hở nửa kín, để kích thích sự tò mò tưởng tượng của người đàn ông dại dột. Nói trắng ra, cả hai bên nam cũng như nữ đều thấy nhau trong tưởng tượng. Không có bên nào muốn nhìn thấy con người thật cả. Có lẽ, chỉ sau khi thành hôn, con người thật mới bắt đầu lộ ra, vì vậy mà số vụ ly hôn rất nhiều, do cả cô và chàng đều vở mộng.
Vì vậy, đạo Phật khuyên tất cả chúng ta đều phải tỉnh táo, tỉnh giác để thấy được cuộc đời như thật, con người như thật.
Đạo Phật tuy đánh giá rất cao tình thương, mà sách Phật gọi là lòng từ, lòng bi, nhưng đó là tình thương hoàn toàn vị tha, không có yêu cầu chiếm đoạt mà chỉ kèm theo có sự hy sinh mà thôi, tình thương được Phật ví như là tình thương rất mực của người mẹ đối với đứa con một của mình vậy.
Có thể vì tình yêu nam nữ dễ làm cả hai người mất trí khôn, dẫn con người phạm tội ác hay là làm những việc điên rồ, cho nên sách Phật dạy thực hành những phép quán, được gọi bằng từ chữ Hán là bất tịnh quán, bạch cốt quán, tức là thấy thân người là không trong sạch (bất tịnh), hay là quán thân người sau khi chết, chỉ còn lại đống xương trắng.
Tôi xin miễn dẫn chứng các đoạn kinh dài nói về phép quán này, trong Trường Bộ Kinh tập II, Kinh Đại Niệm Xứ (trg.185) hay là Kinh Trung Bộ tập III, trong các bài Kinh “Thân hành niệm” trg 206, Kinh Nhập tức xuất tức niệm” trg 191, “Kinh Bốn mươi” trg 184.
Nói tóm lại, tư tưởng cốt lõi của Thiền Phật giáo là tỉnh giác, tỉnh táo để quan sát theo chiều sâu mọi động thái của thân, tâm mình, cũng như mọi động thái của cuộc sống diễn biến xung quanh mình. Người nào biết làm như vậy, sẽ tránh được bao lỗi lầm, và ngày càng hiểu bản thân mình hơn.
Thái độ tỉnh giác thường trực giúp chúng ta sống đầy đủ nhất mọi giờ phút trong cuộc sống hiện tại, là những giờ thật sự đáng sống và quý báu nhất. Còn sống luyến tiếc quá khứ hay mơ mộng tương lai, nếu kéo dài thì sẽ mất thời giờ vô ích. Đời người quá ngắn mà mỗi chúng ta đều có nhiều công việc phải làm. Làm thế nào để cho mỗi giờ phút sống đều là nhưng bước tiến bộ tâm linh đích thực, là mỗi giờ phút chúng ta hiểu biết bản thân chúng ta hơn, hiểu biết và phát hiện, khai thác nhiều khả năng tiềm ẩn ở trong chúng ta. Và đó chính là mục đích của Thiền. Mục đích đó không xa vời mà hiện hữu ngay trong mỗi giờ phút của cuộc sống hiện tại.
Những bước tiến bộ đó, không cần có người nào hay là sách vở nào chỉ bày cho chúng ta thấy, mà chính là do chúng ta cảm nhận từ trong thâm tâm chúng ta, nhờ có thái độ tỉnh giác thường trực, không phút nào lơi lỏng. Chính sự cảm nhận đó đem lại cho chúng ta một niềm tin vững chãi, không gì có thể lay chuyển được, niềm tin rằng chúng ta đi con đường đúng.

II. Thiền tuyệt đối:

Cho tới nay, chúng ta chỉ mới nói tới phép Thiền gọi là Thiền tỉnh giác hay là Thiền tích cực (positive samadhi), một từ ngữ được một số Thiền sư Nhật dùng. Như chúng ta thấy, phương pháp chủ yếu của Thiền tỉnh giác là tỉnh giác, hay tỉnh táo theo dõi, quán sát mọi động thái nhỏ hay lớn của thân, tâm mình cũng như mọi sự vật diễn biến quanh mình. Chỉ vậy thôi, cho nên Thiền tỉnh giác không đòi hỏi phải ngồi thiền, mà chỉ cần tỉnh giác hay tỉnh táo thường xuyên là được. Mà một trong những biện pháp thường dùng để rèn luyện sự tỉnh giác thường trực đó là theo dõi hơi thở ra vào và đếm hơi thở, 1,2,3,4,5, thở vào với bụng phình ra và 6,7,8,9,10, thở ra bụng xẹp xuống. Hiệu quả của phép luyện thở này thật khó lường, nó lớn lắm nhưng phải kiên trì thực hiện mới thấy, còn nói suông không được đâu. Nên nhớ, hơi thở gắn liền với tình trạng của tâm. muốn cho tâm trở nên bình lặng, thì hơi thở đều hòa, sâu.
Bây giờ tôi xin nói qua phép Thiền thứ hai, gọi là Thiền tuyệt đối, các Thiền sư Nhật gọi là absolute samadhi, còn các Tổ sư Việt Nam cũng như Trung Hoa gọi là Thiền tức niệm, tức là Thiền dứt bỏ mọi niệm.
Phép Thiền này lúc mới tập đòi hỏi phải có tư thế ngồi đứng đúng đắn, tức là ngồi ở tư thế hoa sen, hay kiết già (lotus position), bên dưới mông nên đặt một cái gối để cho hai đầu gối chạm đất, tạo thành một thế ngồi ba góc rất vững chãi, lưng và đầu thẳng. Tất nhiên, ai không ngôi theo tư thế hoa sen được thì có thể ngồi kiểu bán già, hay thậm chí như người phương Tây, ngồi trên ghế tựa, chân bỏ thỏng chạm đất.
Đây là phép ngồi Thiền, mà Trần Thái Tông, trong cuốn Khóa Hư Lục, bài Tọa Thiền luận viết là “Thử tập tọa thiền tức niệm, vật sanh kiến giải nhĩ”.
Dịch: Đó là phép ngồi thiền, bỏ hết các niệm, không có kiến giải. Niệm là suy nghĩ, mà kiến giải tức là lý giải, tìm hiểu cũng là suy nghĩ. Mà Thiền tuyệt đối đòi hỏi giữ tâm hoàn toàn bình lặng, tuyệt đối không có suy nghĩ gì hết, tâm như hư không không có bụi, như bầu trời không mây, như biển cả không sóng...toàn tâm trong vắt như pha lê, sáng chói như mặt trời. Đó mới là cái tâm đích thực, là bản chất của tâm.
Kinh Tạng Pali khi mô tả cảnh giới cấp thiền thứ tư, viết: “Xả niệm thanh tịnh”, tức là bỏ hết mọi niệm, tâm trở nên thuần tịnh.
Đó là cái tâm của bậc giác ngộ, không gì không biết, không thấy. Đó chính là mục đích tối hậu của người tu thiền.
Kính thưa quý vị và các bạn!
Trong xã hội hiện đại rộn ràng, bất trắc và đầy lo âu này, đạt tới cái tâm chân thực như vậy là chuyện vô cùng khó khăn. Cho nên, trước hết, chúng ta hãy tập phép thiền theo dõi hơi thở và đếm hơi thở, để dần dần tâm được ổn định và bước đầu bình lặng hơn. Và điều cần nhớ, là phải giữ thái độ luôn luôn tỉnh giác, tỉnh táo, và với cái tâm tỉnh giác đó, quán sát mọi động thái của thân và tâm, cũng như mọi động thái của sự vật diễn biến quanh mình.
Dù chỉ mới tập trong những ngày tháng đầu, chúng ta cũng sẽ thấy tránh được bao nhiêu cử chỉ, lời nói và ý nghĩ sai trái, vô ích như nói quá to, ra vào đóng cửa quá mạnh, hay làm những công việc vô ích, không cần thiết, như cụ Nguyễn Công Trứ nói:
“Ở nhà lại muốn ra đi,
Ra đi lại nghĩ ở nhà khi hơn.”
Đời người ngắn ngủi quá. Chúng ta không nên tiêu hao thời gian quý báu vào những việc vô ích như là nằm mơ ban ngày. Mà mọi việc, mọi lời nói cho đến mọi ý nghĩ của chúng ta đều là chân chính, là những bước tiến đích thực trên con đường tiến bộ tâm linh, giác ngộ và giải thoát, có thể trải qua không phải một đời, mà nhiều đời, nhưng đó là những bước tiến có ý thức, chúng ta cảm nhận được, từ đáy sâu của tâm ta là ta đã chọn con đường đúng, đã và đang đi con đường đúng.
Mỗi người đều làm như thế, cả trăm nghìn vạn người cũng làm như thế đó chính là hàng nghìn vạn cái đèn thắp sáng, xua tan bóng tối dày đặc của tội lỗi, tệ nạn xã hội, tham nhũng, ma túy, rượu chè, cờ bạc đang đe dọa tràn ngập xã hội ta, đất nước ta.
Tôi hết lòng tin tưởng rằng, Thiền Phật giáo có thể đóng góp một phần trong sự nghiệp mà Đảng và Chính phủ đang tiến hành nhằm cứu vãn phục hồi những truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta, mở cho lớp thanh niên một con đường thoát tiến tới chân, thiện, mỹ một con đường không chút vu vơ, siêu hình mà có thể tự mình thực nghiệm được, hằng giờ, hằng phút...
Đó chính là mối hy vọng thật lòng của tôi trong buổi nói chuyện hôm nay. Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị và các bạn. Xin các bạn hãy mở ngay trang đầu của bài học về Thiền tích cực và Thiền tuyệt đối. Chúc quý vị và các bạn thành công![/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THIỀN & CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 2 05/10/09 21:43

[center]Ba phương pháp hành thiền chủ yếu
Giáo sư Minh Chi
Học viện Phật giáo VIệt Nam[/center]

________________________________________
1. Phương pháp thứ nhất là dùng hơi thở theo dõi hơi thở, không nghĩ gì khác. Phương pháp theo dõi hơi thở ra vào được đức Phật Thích Ca khen ngợi và trực tiếp truyền đạt cho học trò. Trong tập V kinh Tương Ưng, có cả một chương dài, ghi lời Phật nói về pháp môn đặc sắc này (kinh Tương Ưng Bộ, chương 10, từ trang 463-98, bản dịch: Thích Minh Châu). Hơi thở là biểu hiện cụ thể nhất của sự sống, khi thở mà theo dõi hơi thở ra vào với tâm an tịnh, thì tác dụng đối với thân và tâm thật không thể lường. Một điều căn dặn của các thiền sư từng tu tập lâu năm về pháp môn này, là khi tập hãy giữ cho cả thân và tâm thật sự thoải mái, không căng thẳng. Các tạp niệm có thể móng lên, hãy cứ để cho chúng qua đi, vì chúng có khác gì mây bay, bay đến rồi lại bay đi, bầu trời tức là cái chân thật của chúng ta. Không phải vì vài bóng mây thoảng mà mất đi cái lớn lao, cái trong sáng vốn có của nó. Thậm chí, các thiền sư Tây Tạng còn khuyên, khi theo dõi hơi thở ra vào cũng không cần tập trung tư tưởng quá mức, hãy tập trung khoảng 25%, còn thì 75% tâm hãy để cho thư giãn, thoải mái, tâm mình như treo giữa hư không, không vướng vào đâu hết. Đúng theo câu kinh Kim Cang: "Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm", nghĩa là cái tâm không trụ vào đâu hết, không vướng vào đâu hết.
2. Phương pháp thứ hai là cột niệm vào một vật nhất định, tuỳ mình lựa chọn, có người thì chọn ảnh Phật hay là ảnh Bồ-tát, thí dụ ảnh Bồ-tát Quan Âm. Có người chọn đầu lỗ mũi hay là một điểm thường gọi là đan điền dưới lỗ rốn.
3. Phương pháp thứ ba là niệm chú Mantra, một phương pháp mà các thiền sư Tây Tạng hay dùng, họ tin rằng có những câu chú được các đức Phật hay các vị Bồ-tát truyền lại, có một sức mạnh tâm linh đặc biệt truyền lại, có một sức mạnh tâm linh đặc biệt có thể giúp cho người niệm chú dễ định tâm. Một câu chú, theo truyền thuyết là do chính Bồ-tát Quán Thế Âm tặng cho dân Tây Tạng: "AUM MA NI BÁT NÊ HỒNG" nghĩa đen của câu chú là:"AUM: Ngọc Ma-ni trong hoa sen". Theo tôi, giá trị và tác dụng của câu chú, không chỉ là do ở Bồ-tát Quán Thế Âm mà còn là do đức tin của người niệm chú, tâm trạng của chúng ta khi niệm chú.
Nhớ lại, ngày xưa, chúa Nguyễn Khắc Chu, một chúa Nguyễn rất mộ đạo Phật, thấy thiền sư Thạch Liêm trì chú mà trời đang mưa tầm tã bỗng nhiên tạnh ráo, bèn nằn nì Sư truyền cho câu chú đó, nhưng Sư trả lời: điều quan trọng không phải ở bài chú đó, mà là người trì chú có thanh tịnh, có đức độ thì trì chú mới linh nghiệm.
Trên đây là câu chuyện của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và Sư Thạch Liêm. Còn hiện nay, thì chúng ta nên tự bảo vệ chúng ta không phải bằng những câu chú mà bằng một nếp sống thiện lành, bằng cách giữ cho cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, trong sạch. Muốn sống được an toàn trong một xã hội nhiễu nhương, thì cách bảo vệ tốt nhất là sống nếp sông thiện lành, đó là lời khuyên củsoo đức Phật trong kinh Pháp Cú, trong một xã hội đầy tội ác, thì người sống thiện cũng như bàn tay không thương tích nhúng vào bát thuốc độc không có can hệ gì.
Một cách tự bảo vệ nữa là hành thiền. Bởi lẽ nhờ hành thiền, nhất là tập phép hành thiền niệm hơi thở ra vào, thì thần kinh hệ an ổn, đỡ bệnh tật, thân có sức khoẻ, lại dẻo dai bền bỉ. Hơn nữa, nhờ tập thiền mà con người luôn thoải mái, tỉnh giác, đỡ phạm sai lầm, đỡ bị dục vọng chi phối, sai sử.
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến14 khách

cron