HOÀI NGHI

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi Zilba Dragon » Thứ 7 12/01/08 22:39

Tôi tin rằng nếu tôi tin vào một tôn giáo là bởi vì nó giúp tôi Người hơn ...

Tiến sĩ Tôn giáo học Dương Ngọc Dũng cho rằng khoa học không thể phủ nhận tôn giáo, rằng Mác đã nhận định chủ quan khi nói rằng "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" vì thực tế giai cấp thống trị cũng rất sùng bái tôn giáo, và rằng các nhà khoa học duy vật đã quá vội vàng khi phủ nhận tôn giáo cũng như các lực lượng siêu nhiên theo kiểu "không thấy nên cho rằng không có !"

Điều ông nói khiến tôi nhớ lại một câu chuyện cười như sau:

Một giáo sư hỏi cả lớp: "Có ai trong các bạn nhìn thấy Thượng đế chưa ?", không ai giơ tay, vị giáo sư kết luận: "Rõ ràng là thượng đế không tồn tại !" Một sinh viên nghe đoạn liền bật dậy và hỏi mọi người: "Vậy có ai trong số chúng ta nhìn thấy óc của giáo sư chưa ?" không ai giơ tay, sinh viên nọ liền kết luận: "Rõ ràng giáo sư không có óc !"

Câu chuyện vui ấy tuy ngắn nhưng sâu sắc ở chỗ, nó cho chúng ta thấy không thể đơn giản phủ nhận sự tồn tại của một đối tượng với lí do "chưa từng thấy".

Nhưng "chưa từng thấy" lại là một lí do rất xác đáng để chúng ta hoài nghi về sự tồn tại của đối tượng.

Đối với tôn giáo và các thế lực siêu nhiên, tôi - một kẻ "phàm tục", không thể nào tay đôi mà đôi co được. Nhưng tôi nhận thấy rằng, không cần đến thằng tôi này thì chính các tôn giáo đã tự mâu thuẫn và phủ nhận lẫn nhau rồi !

Hãy thử tưởng tượng:

Là một người Ai Cập cổ, bạn sẽ tin vào thần Amon-Ra và Osiris, Horus, Anubis, Set, ... với quyền năng sáng tạo và thống lĩnh toàn thế.

Là một người Hi Lạp cổ, bạn sẽ tin rằng thế giới được cai quản bởi những Zeus, Hera, Poseidon, Apollo, Artemis, ... ngự trên đỉnh Olympus vinh quang, nhưng cũng đầy ham muốn và dục vọng như bất kì con người trần thế nào !

Là một cư dân Ấn Độ, chắc bạn sẽ tin vào đấng tối cao Brahma, Vishnu và Shiva, cũng như hàng nghìn thần linh đủ loại khác đang dõi theo từng bước chân, giọng nói của bạn - một Tiểu Ngã nhỏ nhoi trầm luân trên con đường về với Đại Ngã.

Là một người Do Thái, bạn tin rằng dân tộc mình được Thiên Chúa chọn lựa, và Thiên Chúa đã phái Moises cứu dân tộc bạn thoát khỏi cuộc sống nô lệ đọa đày trên đất Ai Cập, và rằng miền Đất Hứa là nơi Thiên Chúa dành cho bạn và đồng bào của bạn.

Là một Phật tử, bạn tin rằng đời là bể khổ, không có thượng đế quyết định số phận của bạn, mà chính bạn là người chịu trách nhiệm về chính bản thân, trong chính kiếp này, cùng những kiếp trước đây, và cả những kiếp tiếp nối.

Là một người theo Lão giáo, bạn nói đến Tam Thanh, Tứ Ngự với sự sùng kính, và nhìn thế giới trong sự bao trùm của một thứ-gọi-là-Đạo-mà-không-thể-nói-rõ-được.

Là một con chiên Kito giáo, bạn tin rằng Jesus là con của Thiên Chúa, là đấng cứu thế, đã thụ hình xả thân vì nhân loại. Và bạn đợi đến một ngày nào đó, ngày Phán Xét, tất cả sẽ phải đứng trước Chúa mà nhận lấy cái-mà-mình-đáng-được-hưởng.

Là một tín đồ Hồi giáo, bạn tin vào kinh Quran, tin rằng Allah là đấng Chân Chúa toàn năng duy nhất và Muhammad là đấng tiên tri cuối cùng vĩ đại nhất.

Đấy, chỉ sơ sơ vài tôn giáo lớn trong hàng nghìn, hàng vạn tôn giáo tín ngưỡng như vậy trên thế giới, ai dám khẳng định Chúa của tất cả các tôn giáo ấy đều là một ? Rằng Brahma, Vishnu và Shiva là Zeus ? Ngọc Thanh, Thái Thanh, Thượng Thanh cũng chính là tam vị nhất thể Chúa cha - Chúa con - Thánh thần ? Amon-Ra vĩ đại là đức Allah toàn năng ?

Thêm vào đó, chính trong nội bộ mỗi tôn giáo lại có sự đả phá, công kích và tranh đấu lẫn nhau.

Phật giáo có Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo đại thừa. Quan điểm của 2 đại phái này về các quan điểm cơ bản như: đức Phật - con người hay thần thánh, Phật tính, các quả vị tu hành, Bồ tát, kinh điển, phương cách tu tập, ... không giống nhau. Ngay như trong Thiền tông cũng chia thành Đốn ngộ và Tiệm ngộ, không ai chịu ai.

Kito giáo thì có Kito giáo La mã, Chính thống giáo, Tin lành, Anh giáo, ... Các giáo phái này phủ nhận lẫn nhau, rút phép thông công lẫn nhau, thậm chí còn xung đột vũ trang lẫn nhau.

Hồi giáo Islam thì tách thành Shia và Sunni, xung đột tranh giành quyền lực dai dẳng và đẫm máu.

Vậy, nếu thần linh, thượng đế là tồn tại, vậy thượng đế toàn năng ấy sẽ là vị nào trong số những Zeus, Vishnu, Allah, ... trong khi tôn giáo nào cũng khăng khăng khẳng định thần linh của mình là số một, là siêu đẳng, sáng tạo và thống trị toàn cõi vũ trụ này !

Vô số các dấu hiệu thần thánh thiêng liêng đã được trưng ra để khẳng định sự tồn tại của các thế lực siêu nhiên, nhưng đáng tiếc đa số người trần mắt thịt lại không thể cảm nhận được, còn thần linh thì có cách làm riêng, kì lạ và huyền bí đến nỗi phàm nhân không tài nào hiểu được. Vậy cuối cùng chúng ta nên tin vào ai, tin vào các pháp sư Yoga bay lơ lửng, tin vào các bà đồng nhìn thấy những linh hồn, tin vào tấm vải liệm thành Turin hay linh ảnh của các vị Đạo sư ???

Và cũng vì vấn đề tin và không tin mà các tôn giáo đã xung đột lẫn nhau để phủ nhận đối phương và khẳng định chính mình. Các cuộc Thập tự chinh, những cuộc Thánh chiến, những chính sách Sát đạo vẫn còn được nhắc đến như những nỗi đau của lịch sử. Như vậy, bạo lực vô tình hay hữu ý đã trở thành công cụ của đức tin, phép màu bị thay thế bằng súng ống và gươm đao, tôn giáo thì bước đi trên tấm thảm hồng nhuốm đầy máu và nước mắt.

Thượng đế, trong sự an bài của mình, không biết có nhầm lẫn và cảm thấy vui lòng không khi để các tạo vật thân thương của mình tàn sát lẫn nhau chỉ nhằm khẳng định sự tồn tại của Người ? Phải chi Người hiển lộ chân thân rực rỡ mà phán truyền rằng: "Ta là Chúa toàn năng !" để rồi toàn thể nhân loại sẽ yên ổn sống trong hòa bình mà tin yêu và kính sợ Đấng ấy ! Ôi, thật tuyệt vời mà giản đơn biết bao !

Nhưng vì Thượng đế hành động thần bí nên Người không chọn cách giản đơn như vậy, và trong lúc ấy, không ít sinh linh trên trái đất này vẫn tiếp tục cãi vã nhau và đấm đá nhau vì Người. Để nên nỗi các tượng Phật ở Bamiyan bị tên lửa bắn thành tro bụi, để người Shia và Sunni vẫn tiếp tục đánh bom tự sát, để người Tin lành và Kito La mã tiếp tục đấu khẩu với nhau về đức Mẹ, để máu của người Palestine và Israel tiếp tục đổ trên miền đất Thánh !

Vì vậy tôi tin rằng nếu tôi tin vào một tôn giáo là bởi vì nó giúp tôi Người hơn ... ;)
[center]... Thuở nao ruổi ngựa truy phong
Ngày nay ôm sáo ngủ trong cung vàng ...[/center]
Hình đại diện của thành viên
Zilba Dragon
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 5 03/01/08 19:45
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi haiphuong69 » Chủ nhật 13/01/08 7:23

Tôi rất thích bài viết của bạn.
Tôi chỉ nghĩ thế này , tôn giáo nào cũng có một điểm chung : giúp con người ta hướng thiện. "hướng thiện như thế nào"? đó mới là con đường khác nhau.
Do vậy , Phật không nói , ngài chỉ đưa bông hoa lên...
Hỏi thì xấu hổ một lúc nhưng không hỏi thì xấu hổ cả đời.
Ngạn ngữ Nhật bản
RANDOM_AVATAR
haiphuong69
 
Bài viết: 99
Ngày tham gia: Thứ 5 01/11/07 22:37
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi Zilba Dragon » Chủ nhật 13/01/08 9:49

Cám ơn chị Phượng, em rất vui vì chị thích bài viết này của em !

Nhưng em không đồng tình lắm với cách nghĩ "Mọi tôn giáo đều có điểm chung là hướng thiện".

Chúng ta, những kẻ yêu chuộng hòa bình và tiếc thương cho tôn giáo, khát khao biện minh và giải oan cho tôn giáo, khẳng định tất tật tôn giáo đều "đồng nguyên" nơi gốc Thiện, hi vọng tất tật tôn giáo sẽ trở thành anh em, tin tưởng vì cái gốc gác tốt lành ấy mà tất tật tôn giáo sẽ hòa thuận với nhau và giúp con người đạt tới miền vĩnh phúc, mong mỏi tất tật tín đồ các tôn giáo sẽ nương vào "bản chất" chung nhất chân chính thực sự ấy mà chấm dứt chém giết lẫn nhau, và lấy làm tiếc rằng mọi tội ác và sai lầm đều do những kẻ trần tục lí giải sai bét giáo lí uyên áo siêu phàm của các tôn giáo mà gây ra nông nỗi !

Cũng như chị Phượng, bản thân em cũng từng tin là như vậy, từng cho là như vậy, bởi nhẽ cách nghĩ ấy quả thật đẹp đẽ, bao dung và tuyệt vời biết bao ! Kẻ nào phủ nhận điều ấy, dường như xấu xa, hẹp hòi và dốt nát, hệt như những tín đồ ngốc nghếch không nhận ra bản chất thật sự duy nhất của mọi tôn giáo trên trái đất này.

Nhưng nếu suy xét kĩ lại thì điều này thực sự không ổn, bởi có thể đa số tôn giáo là hướng thiện, nhưng vẫn có những tôn giáo chẳng hướng thiện gì cả.

Đó là những thứ tôn giáo giáo phái quái thai như Aum - dạy người ta giết người bằng khí độc, những tôn giáo điên loạn - tự sát tập thể để thoát khỏi ngày Tận thế, hay những thứ tôn giáo tín ngưỡng dã man - đem con người làm vật hiến tế, và cả những loại tôn giáo phụng thờ ma quỉ, loạn luân, trục lợi, phân biệt chủng tộc, ...

Chúng, những tôn giáo mang đầy đủ các thuộc tính của một tôn giáo, với giáo chủ - giáo lí - kinh điển - tu viện - tu sĩ - tín đồ ... nhưng hoàn toàn không hướng thiện ! Cái "thiện" mà chúng nhắc đến, ấy là cái "thiện" phục tùng, cái "thiện" méo mó và hoàn toàn xa lạ với những giá trị nhân văn đích thực.

Vậy nên, khi đức Thích Ca cầm đóa sen lên ... không phải ai ai cũng hiểu !
[center]... Thuở nao ruổi ngựa truy phong
Ngày nay ôm sáo ngủ trong cung vàng ...[/center]
Hình đại diện của thành viên
Zilba Dragon
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 5 03/01/08 19:45
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi sinan » Chủ nhật 13/01/08 12:25

ban Zilba Dragon chẳng những viết bài hay mà tranh luận cũng khá thu hút nhỉ?
Đúng như bạn nói, tôn giáo không phải chỉ đơn giản là hướng thiện.
Mỗi tôn giáo khác nhau, sẽ có những quan niệm khác n hau về cái thiện nữa. Nhất là trong Phật giáo, vì Phật giáo không phải chỉ đơn giản là hướng thiên.
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi Zilba Dragon » Chủ nhật 13/01/08 13:08

Cám ơn anh Ân vì lời khen !

Phật giáo đúng là không chỉ hướng Thiện mà còn hướng Tuệ, và một bộ óc minh mẫn luôn cần có một trái tim !

Chúc các Anh Chị cuối tuần vui vẻ ! :mrgreen:
[center]... Thuở nao ruổi ngựa truy phong
Ngày nay ôm sáo ngủ trong cung vàng ...[/center]
Hình đại diện của thành viên
Zilba Dragon
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 5 03/01/08 19:45
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi haiphuong69 » Chủ nhật 13/01/08 13:16

Bạn Zilba dragon nói rất đúng. Có nhiều tôn giáo không nhìn thấy "cái thiện" ở trong đó. Tuy nhiên , có thể là quan niệm "thiện" của mỗi dân tộc , của mỗi loại người không đồng nhất nên mới có những giáo phái mang đến đau khổ cho người khác như thế.
Có khi nào họ nghĩ rằng "giải thoát cho con người khỏi thế giới tội lỗi này là một điều thiện"?
Chúng ta không thể giải thích được khi có rất nhiều nhà trí thức và khoa học đi theo giáo phái Aum và những giáo phái tự sát tập thể... không thể giải thích được chừng nào chúng ta không là họ và không nằm trong môi trường như họ.
Hỏi thì xấu hổ một lúc nhưng không hỏi thì xấu hổ cả đời.
Ngạn ngữ Nhật bản
RANDOM_AVATAR
haiphuong69
 
Bài viết: 99
Ngày tham gia: Thứ 5 01/11/07 22:37
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi Zilba Dragon » Chủ nhật 13/01/08 13:46

Cám ơn chị Phượng, chị thật khoan dung khi đặt mình vào vị trí tín đồ của các tôn giáo "khó hiểu" !

Rõ ràng các tín đồ ấy có cơ sở riêng cho niềm tin của mình, và vì họ tin rằng đúng, họ tin rằng phải, nên họ mới làm. Nhưng cái đúng, cái phải của kẻ này chưa chắc là cái hay của kẻ khác, và "thiện" cũng tương tự. Do đó, theo suy nghĩ của em, không thể lập luận vì quan niệm "thiện" của các tôn giáo rất khác nhau nên tất cả đều có "thiện tính" trong mình.

Vậy chẳng hóa ra, nếu chị tin rằng "thiện" là "hiếu sinh" thì đi cứu vớt sự sống của vạn vật, còn kẻ khác cho rằng "thiện" là "sát sinh" (để giải thoát khỏi khổ đau chẳng hạn !) thì đi giết chóc khắp nơi ? Sau đó thì cả chị và kẻ đó đều nhờ những hành động xuất phát từ "thiện" tâm mà tạo được "thiện" nghiệp để rồi nhận được "thiện" quả chăng ?

Không, "thiện" nào lại như thế ! :?:
[center]... Thuở nao ruổi ngựa truy phong
Ngày nay ôm sáo ngủ trong cung vàng ...[/center]
Hình đại diện của thành viên
Zilba Dragon
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 5 03/01/08 19:45
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi xixon1 » Chủ nhật 13/01/08 14:14

ha ha...nói rất đúng.
Chí lý chí lý!
Chỉ có điều là có người tin ở kiếp sau, còn có người tin là có thiên đàng cho mình vào đó ở mãi mãi, không cần trở lại dương thế.
Ngồi trên đá , phải 3 năm mới nóng..
tục ngữ Nhật bản
RANDOM_AVATAR
xixon1
 
Bài viết: 56
Ngày tham gia: Thứ 3 08/01/08 13:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi xixon1 » Chủ nhật 13/01/08 14:16

thien qua = qua tren thien dang :twisted: :roll: :P
giỡn chút chơi nghe.
Ngồi trên đá , phải 3 năm mới nóng..
tục ngữ Nhật bản
RANDOM_AVATAR
xixon1
 
Bài viết: 56
Ngày tham gia: Thứ 3 08/01/08 13:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: HOÀI NGHI

Gửi bàigửi bởi lhphong » Thứ 3 15/01/08 7:09

Mến chào Zilba Dragon,
Xét về lý luận khoa học, bạn đã đưa ra những luận chứng rất cụ thể, và lập luận của bạn thật vững chắc. Nhưng xét theo phương diện niềm tin (hay cảm thức) tôn giáo, thì vấn đề có thể khác một chút. Mình muốn trao đổi với bạn về 2 vấn đề bạn đã đề cập đến trong bài viết.

- Vấn đề 1 (liên quan đến Thượng đế): Có một Thượng đế (thần linh) nào chung cho vô số các tôn giáo trong lịch sử cho đến nay không? Hay Thượng đế của tôn giáo nào (trong vô số các tôn giáo) là siêu việt tuyệt đối? (Ai dám khẳng định?)

Thưa bạn, mình nghĩ Thượng đế là một đối tượng siêu hình, vượt khỏi giới hạn nhận thức bằng lý trí của con người. Lý trí (quan niệm khoa học) chỉ là một một hoạt động thành phần trong tổng thể hoạt động nhận thức về Thượng đế và những khái niệm (mầu nhiệm) liên quan đến Người. Một cách nôm na, Thượng đế được ví như cả một đại dương mênh mông, còn nhận thức của lý trí chỉ như một chiếc ly nhỏ so với đại dương ấy, nên chiếc ly không thể chứa đựng hết cả đại dương trong “dung tích” hạn hẹp của mình.

Do vậy phái Thiền tông của Phật giáo đại thừa mới có câu châm ngôn: “Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự” (Truyền [đạo] ngoài giáo lý. Không dùng ngôn từ [để diễn đạt giáo lý]). Không dùng giáo lý để truyền đạo, vì giáo lý chỉ một hệ thống ngôn ngữ đầy hạn chế, có tác dụng “gợi ý”, chứ không đủ khả năng để diễn giải và khẳng định tất cả những mầu nhiệm liên quan đến Đấng vô biên. Câu chuyện “5 anh mù sờ voi” của chúng ta cũng là một ví dụ tương tự.

Vì thế, để tiếp cận tôn giáo, ngoài yếu tố lý trí, luôn cần có yếu tố niềm tin (cảm thức tôn giáo). Niềm tin tôn giáo nghĩa là một thái độ đón nhận điều thiện tối cao (là Thượng đế) và thực hành những đòi hỏi của sự đón nhận này (hành thiện) để sống trọn ý nghĩa “người” (từ dùng của bạn) hơn. Hoạt động của niềm tin tôn giáo có thể diễn ra vượt ra khỏi phạm vi nhận thức của lý trí (nên tìm hiểu tôn giáo như một người “đứng ngoài cuộc” thì rất khó đạt mục đích). Như vậy, việc khẳng định “thượng đế tối cao” là một hành vi hướng thiện. Nếu dùng việc này để khoác “tấm áo tôn giáo” cho các cuộc xâm lăng hoặc chiến tranh tôn giáo thì là điều khuất tất.

- Vấn đề 2: Vậy sao lại có chiến tranh tôn giáo, tàn sát con người giữa các tôn giáo và cả trong nội bộ của một tôn giáo?

Bạn ạ, mình nghĩ vấn đề này mang màu sắc chính trị xã hội, hơn là màu sắc tôn giáo. Thượng đế thì vẫn luôn thiện hảo trong ý nghĩa hiển lộ của Người. Các đấng sáng lập tôn giáo cũng luôn hướng đến công cuộc xây dựng sự hoàn thiện của con người trong vận mạng làm người. Nhưng bao lâu còn là “lữ khách trần gian”, còn sống với những thực tại trần thế, con người (những tín đồ) vẫn phải mang thân phận “nhân vô thập toàn”, nên họ vẫn còn sai lầm trong việc thực hành niềm tin tôn giáo, kể cả những chức sắc cao cấp (được xem là “đắc đạo”) trong các tôn giáo.
Do đó, trong đời sống tôn giáo, vẫn luôn có hành vi sám hối, để các tín đồ phải không ngừng nhìn lại những hành vi, dự tính của mình (với tư cách cá nhân và tập thể), để cải thiện con người mình mỗi ngày, hạn chế những mưu toan và hành vi “phản tôn giáo”, phát huy những thiên hướng tốt đẹp phù hợp với phẩm giá đích thực của con người (mang bản chất xã hội và tâm linh). Do vậy, một tín hữu thực sự thành tâm thiện chí sẽ không thể sống đức tin của mình giữa lòng xã hội nhân loại theo cách thức “một mất một còn”.


Như vậy, vấn đề “Thượng đế” và vấn đề “chiến tranh tôn giáo” là 2 điều khác nhau, nhưng đôi khi con người cố gắng nối kết lại để biện minh cho hành động chiến tranh của họ. Mình nghĩ đây là một sai lầm, hoặc là một sự lạm dụng (vô tình hoặc hữu ý) của các tín đồ trong nhận thức và thực hành niềm tin tôn giáo. Bởi lẽ, một tôn giáo chân chính không bao giờ là nguyên nhân khơi dậy các cuộc chiến tranh tàn sát con người và thiên nhiên. Vì mục đích chung của các tôn giáo là bảo vệ và xây dựng sự hoàn thiện của con người nói chung, ở cả 2 phương diện nhân bản và siêu nhiên, xây dựng điều thiện, chống lại điều ác. Tuy nhiên, mục tiêu tôn giáo chống lại điều ác không đồng nghĩa với việc huỷ diệt những con người không thuộc nhóm mình, hay chống đối mình. Nếu quá trình tranh đấu loại trừ điều ác được xem là một cuộc chiến thì đó phải là cuộc chiến đấu bất bạo động, nhằm bảo vệ một cách tối đa sinh mạng của con người.

Mình chỉ muốn chia sẻ với bạn một quan niệm về tôn giáo và chiến tranh tôn giáo ở “một góc nhìn khác”, thế thôi.
Thân mến chào bạn và sẵn sàng hiệp thông với bạn trong khát vọng về hoà bình thế giới.
Lhphong
RANDOM_AVATAR
lhphong
 
Bài viết: 14
Ngày tham gia: Thứ 5 03/01/08 15:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến27 khách