Lễ hội Kate trong tâm thức của người Chăm Nam Trung Bộ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

Lễ hội Kate trong tâm thức của người Chăm Nam Trung Bộ

Gửi bàigửi bởi nuthanbien » Chủ nhật 25/09/11 2:50

[right]Quảng Trọng Tuân, Bùi Thị Thùy – CHVH K11[/right]
Lễ hội Katê được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 theo lịch Chăm. Lễ hội Katê là biểu hiện của một nửa cấu trúc lưỡng hợp thuộc về dương đối lập với yếu tố âm - lễ Chabur (lễ cúng các ngư thần tháng 9). Cấu trúc lưỡng hợp là một đặc trưng phổ quát ở người Chăm được thể hiện trên nhiều bình diện sâu sắc như: ăn mặc, màu sắc, nghi lễ, hội hè cho đến loại hình biểu diễn nghệ thuật.
Lễ hội Katé là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm. Nơi ấy chính là tấm gương phản chiếu sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ những giá trị, tinh hoa văn hóa. Lễ hội còn xuất trình trước công chúng một nền nghệ thuật ca- múa- nhạc dân gian mang một phong cách riêng biệt, độc đáo của văn hóa Chăm.
1. Định vị Kate trong văn hóa Chăm
Kate có thể được xem là một lễ tục (tiếng Pháp : cérémonie, culte, nghi lễ mang tính cách tôn giáo) của cộng đồng người Chăm Ahier( ), do các tăng lữ (clergesù) Chăm Ahier gồm có Ông Basaih, Ông Bac và Po Adhia đứng ra chủ trì buổi lễ trên 3 đền tháp nằm trong khu vực tỉnh Ninh Thuận, đó là đền Po Klong Garai, Po Inâ Nagar và Po Romé.
Lễ hội Katé còn được gọi là Mbang Katé là một lễ hội của đồng bào dân tộc Chăm. Đây là một lễ hội dân gian thiêng liêng đặc sắc và rất quan trọng. Tưởng nhớ đến những người đã khuất, tưởng nhớ đến các vị anh hùng dân tộc (được người Chăm tôn vinh làm thần). Thường được tổ chức vào 1 tháng 7 theo lịch của đồng bào Chăm. Người dân tập trung tại các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của người Chăm. Mọi người nghỉ ngơi và tràn ngập niềm vui, đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau. Lễ hội được chia làm hai phần:
Phần lễ: Nghi thức hành lễ đón rước phục y, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc phục y cho tượng thần, đại lễ. Khi điệu múa thiêng kết thúc thì ngoài tháp Chăm bắt đầu mở hội. Các điệu múa, làn điệu dân ca cộng hưởng với ginang, trống Basanưng và kèn Saranai làm vui nhộn cả một vùng. Được kết thúc vào chiều tối ngày thứ 2 của lễ.
Phần hội: Lễ hội Katé được tổ chức theo quy mô nhỏ tiến hành ở từng làng, một ngày sau đó là lễ hội từng gia đình một. Các thành viên từng gia đình cùng quần tụ đông đủ, có một người chủ tế. Thường được lựa chọn là người chủ hộ, lớn tuổi, hay trưởng dòng họ trong dòng tộc. Cầu mong cho gia đình được tổ tiên thần linh phù hộ, con cháu làm ăn phát đạt gặp nhiều may mắn. Mọi thành viên trong gia đình đây là cơ hội để mọi người gần gũi, gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau hơn trong cuộc sống, là dịp để vui chơi, giải trí sau một năm lao động miệt mài.
Lễ hội Katé là biểu hiện một nữa cấu trúc lưỡng hợp thuộc về dương đối lập với yếu tố âm - Lễ Cabur (lễ cúng các vị Nữ thần vào tháng 9 lich Chăm). Sự đối lập, liên kết giữa Nam thần (po) - Nữ thần (bia), Trời - Ðất (lingik- tanah), Ðực – Cái (likei – kumei), Mẹ - Cha (ama- amaik), Tối – Sáng hoặc Mặn – Lạt (yuer – klam)... là nét đặc trưng phổ quát trong nền văn hóa Chăm được thể hiện sâu sắc trên nhiều bình diện như nghi lễ hội hè, ăn mặc, màu sắc cho đến loại hình biểu diễn nghệ thuật khác. Tất cả những yếu tố trên toát lên nội dung, hàm chứa một ý nghĩa phồn thực với sự liên kết lưa đôi, cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của con người, vật nuôi, cây trồng ... Bản thân lễ hội Katé chứa đựng cốt lõi nội dung và ý nghĩa ấy.
2. “Kate” cội nguồn của thế giới tâm linh
Thần linh là nhân vật siêu hình có nguồn gốc mang tính chất huyền thoại nắm giữ một quyền lực huyền diệu thường ngự trị trong đời sống tâm linh của con người.
Ngoài việc thờ các thần linh người Chăm còn thờ bậc tiền nhân là những nhân vật thật sự, có nguồn gốc lịch sử rõ ràng, đã hy sinh công lao trong cuộc đấu tranh cho mục tiêu chung của dân tộc, đang sống trong thế giới vô hình sau ngày từ trần.
Theo lời giải thích của tăng lữ Ahier và sách cổ còn lưu truyền, Kate là lễ tế Yang Po Amâ, ám chỉ cho đấng Shiva tức là Nam Thần của Bà La Môn Giáo có một vị trí quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng Champa so với thần Vishnu và Brahma. Ngược lai, Ca-mbur là lễ tế Po Ina Nagar (Thánh Mẫu của vương quốc), ám chỉ cho Bhargavati (phu nhân của Shiva), tức là Nữ Thần được tôn thờ nhất trong vương quốc Champa. Lễ tế Po Yang Amâ tức là vị Nam Thần không có nghĩa là lễ tế tất cả các vị Nam Thần như một số người thường hiểu lầm.
Qua ảnh hưởng của Ấn Độ giáo vào tín ngưỡng người Chăm , thần Shiva (sáng tạo – hủy diệt) vị thần này mang ý nghĩa phồn thực trở thành biểu tượng Linga – Yoni. Với nguồn gốc nông nghiệp từ Đông Nam Á sự sinh sôi nảy nở trong văn hóa Chăm trở thành một biểu tượng thần linh (Shiva – Linga). Vì vậy, thần Shiva mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong đời sống người Chăm nông nghiệp.
Nữ thần Po Nagar- Thần mẹ xứ sở của người Chăm gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết. Chính Nữ thần là thủy tổ của người Chăm, đã dạy người Chăm trồng lúa, trồng bông dệt vải, và dạy cho người làm lễ hội như như hôm nay. Bà là vị nữ thần rất được người Chăm coi trọng và tôn thờ.
Trong văn hóa Chăm tất cả các vị vua đều được thờ phụng, họ quan niệm các vị vua này như là hóa thân của thần, chỉ có thần mới làm vua được đó là điểm khác biệt so với người thường. Lễ hội Katê là dịp để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những vị thần – vua có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc. chúng ta có thể kể đến một số vị vua – thần như: Po Klaong Garai - một vì vua có công với dân, với nước, được người Chăm suy tôn thành thần thủy lợi nên được người Chăm tôn thờ trong tháp và cúng hàng năm vào dịp lễ Kate. Vua Po Romé được người Chăm thờ dưới hình thể Mukhalinga đây là một vị vua có công xây dựng đất nước và thiết lập mối quan hệ với nước khác để phát triển đất nước. Hơn nữa, trong quan niệm của người Chăm vua – thần là một cho nên Po Rome được thờ như một vị thần quan trọng trong hệ thống thờ tự của người Chăm.
Tất cả những nhận vật được tôn vinh trong ngày lễ tục Kate là các bậc thần linh nằm trong hệ thống tín ngưỡng của Panduranga. Bên cạnh 3 vị thần Po Klaong Garai, Po Rome, Po Ina Nagar có hình tượng trong đền tháp, có vào khoảng 54 thần linh khác cũng được tôn vinh, nhưng chỉ qua bài hát phúng điếu của ông Kadhar.
Ngoài ra, khi chết người Chăm sẽ vào kút và đi về thế giới bên kia, đó là một thế giới khác nên vào dịp lễ Katê chính là ngày mà ông bà lên tháp và về thăm con cháu trong ngày đó. Đây là dịp để con cháu nhớ về ông bà tổ tiên, nguồn cội của mình trong dịp lễ này.
Lễ hội Kate chính là nơi tìm về với cội nguồn thế giới tâm linh của người Chăm hàng năm.
3. “Kate” - hạnh phúc được quay về nguồn cội
Lễ hội vào mỗi năm luôn là lễ hội được mong chờ nhất, cứ vào dịp lễ này những người con của đất nước Chămpa cổ lại háo hức quay trở về với thế giới cội nguồn của mình. Mọi người hạnh phúc, vui mừng khi được đặt chân lên tháp. Từ người trẻ đến già, tất thảy đều háo hức mong đợi đến ngày lễ để được gặp ông bà tổ tiên, được cầu cho mùa màng tươi tốt, sung túc lúa tốt đầy bồ, gia đình hạnh phúc…
Lễ Kate cũng chính là dịp để con cháu tưởng nhớ về ông bà tổ tiên cũng như những vị thần linh đã phù trợ, bảo trợ cho dân tộc mình, cho gia đình mình trong suốt một năm qua.
Đối với người Chăm được lên tháp là một niềm vinh dự mà ai cũng muốn có được vì đây là một dịp để họ có thể bước vào vùng đất “thánh”, lãnh địa của thần linh những vị thần ngự trị ở mọi mặt đời sống của họ.
Cũng giống như người Việt đón tết, lễ hội Kate với người Chăm vào mỗi năm là lúc họ có dịp tham gia hội họp cộng đồng, quan trọng hơn là được thỏa sức thể hiện sự tôn kính của mình trước thần linh, ông bà và khẳng định nguồn cội của dân tộc mình.
Mặc dù lễ hội Kate gắn liền với lễ tục tín ngưỡng của Chăm Ahier (là chủ yếu), nhưng số lượng người Chăm Awal tham gia trong ngày lễ hội Kate cũng rất đông đảo và không kém phần sôi động tạo nên một nét rất riêng trong sự bình đẳng giữa hai tôn giáo này. Sự hiện diện của họ đã chứng minh rằng dù Kate là lễ tục của Chăm Ahier nhưng đã trở thành di sản văn hóa chung của người Chăm đó chính là lý do ý nghĩa nhất trong việc bảo tồn và phát triển lễ hội này.
Kết luận:
Nền văn hóa Chăm - cái nôi đã nuôi dưỡng lễ hội Katé là nền văn hóa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Song Katé lại biểu hiện một lối đi riêng, một thái độ tiếp thu văn hóa riêng. Những người chủ cuả lễ hội này, của nền văn hóa này mặc dù có tiếp thu tục thờ thần Siva của Ấn Độ nhưng họ vẫn sùng kính những vị anh hùng dân tộc. Ðấy là cái trường tồn của nền văn hóa Chăm trước thử thách lịch sử, một ứng xử của sư tiếp thu văn hóa bên ngoài để biến thành tài sản độc đáo cuả riêng mình. Lễ hội Katé biểu hiện một sức sống mãnh liệt của nền văn hóa bản địa, cộng vơi sự hội nhập văn hóa Ðông Nam Á đã làm cho nội dung, diện mạo của lễ hội Katé Chăm phong phú, đa dạng. Ngày nay, nền văn hóa ấy mãi mãi trường tồn đang góp phần làm phong phú thêm vườn hoa trăm sắc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam .

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Văn Doanh 1998. “Lễ Hội Rija Nưgar của người Chăm”, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội
2. Ngô Văn Doanh 2006. “Lễ hội chuyển mùa của người Chăm”, Nhà xuất bản Trẻ
3. Phan Quốc Anh 2006. “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận”, Nxb Văn hoá dân tộc, Viện Văn hoá thông tin
4. Phan Xuân Biên (chủ biên), Lê Xuân, Phan An, Phan Văn Dốp 1989. “Người Chăm ở Thuận Hải”, Sở Văn hoá-Thông tin Thuận Hải
5. Trần Ngọc Thêm 1999. “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, Nxb Giáo dục
6. Văn Món 1995. “Hệ thống lễ Rija của người Chăm”, một số vấn đề cần minh định và làm sáng rõ, Tap chi Văn hoá dân gian, số 4
7. Văn Món 2007. “Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội Chăm”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 5

MỘT SỐ HÌNH ẢNH
Hình ảnh
------------Bên trong tháp chính----------------
Hình ảnh
------------giai đoạn chuẩn bị lễ hội Kate----------------
Hình ảnh
------------Quay quần bên tháp Chăm----------------
Hình ảnh
------------Tháp Chàm Posahnu - Bình Thuận----------------
Hình đại diện của thành viên
nuthanbien
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 23/09/10 20:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Lễ hội Kate trong tâm thức của người Chăm Nam Trung Bộ

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 4 28/09/11 16:05

Qua quá trình "thai nghén", cặp đôi này đã cho ra đứa con đầu tiên rồi. Chúc mừng nhé. Ráng lên chút nữa, cho nó bú thêm, nếu "bố mẹ" chưa đủ mẹ thì kiếm sữa ngoài, "nuôi" nó thêm chút nữa đi. Tớ thấy còn hơi "bé" so với tầm với cặp đôi k11 đấy.
Nếu nó là "vài ghi nhận về lễ hội Kate" thì được. Còn trong "tâm thức" thì hình như đứa con này còn... hơi thiếu chất: cả tủy, xương và thịt đấy!
Hiiii
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Lễ hội Kate trong tâm thức của người Chăm Nam Trung Bộ

Gửi bàigửi bởi Nguyen Thi Kim Anh » Thứ 5 29/09/11 22:27

Chuc mung chuyen di thuc dia cua hai ban da ve den dich va sinh ra dua con tinh than dau tien, nhung dung nhu LinhGiang noi bai viet con hoi so sai day, hinh anh cung khong nhieu. Minh chua duoc chung kien cac nghi thuc cung bai cung nhu khong khi cua le hoi ay , cho nen hy vong hai ban se cung cap them thong tin va hinh anh cua chuyen di thuc dia ay nha de bai viet duoc sinh dong hon.
RANDOM_AVATAR
Nguyen Thi Kim Anh
 
Bài viết: 28
Ngày tham gia: Thứ 5 14/10/10 15:00
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Lễ hội Kate trong tâm thức của người Chăm Nam Trung Bộ

Gửi bàigửi bởi nuthanbien » Thứ 6 30/09/11 8:08

hehe, cảm ơn những góp ý của Linh Giang, đây mới chỉ là một phần nhỏ trong một đề tài lớn của chúng tôi thôi. Phần này mới chỉ là giới thiệu sơ lược một chút, có thể chúng tôi sẽ cung cấp những phần còn lại với một chiều sâu hơn trong thời gian sắp tới.
Hình đại diện của thành viên
nuthanbien
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 23/09/10 20:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần


Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron