Xung quanh sự kiện "Thánh vật sông Tô Lịch"

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

Xung quanh sự kiện "Thánh vật sông Tô Lịch"

Gửi bàigửi bởi CaoLy » Thứ 5 24/05/07 12:26

[center]Chuyện khó tin: THÁNH VẬT Ở SÔNG TÔ LỊCH [/center]

Báo Bảo vệ pháp luật cuối tuần, ngày 31-3-07, 18-4-07, 20-4-07

LTS:Tháng 6/2002 Cty liên doanh XD VIC trúng thầu gói thầu 07 dự án cải tạo hệ thống thoát nước HN. Công việc cụ thể là nạo vét và kè đá dọc bờ sông Tô Lịch. Tác giả bài viết này là ông Nguyễn Hùng Cường đội trưởng đội XD số 12 trực tiếp chỉ huy thi công đoạn sông qua làng An Phú, P Nghĩa Đô, Q Cầu Giấy, mọi việc kỳ bí và đáng sợ bắt đầu từ đây. Có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng có thể là chuyện tâm linh chúng ta chưa giải thích được.

Trước khi thi công, với tư cách chỉ huy công trường tôi có mời ông Phạm Ngọc Anh kỹ sư thủy lợi làm chuyên viên kỹ thuật. Ngay ngày đầu tiên khi khảo sát thực địa, ông Anh phát hiện một ngôi Đền rất lớn ở bờ sông phía An Phú. Đó là ngôi Đền Quán Đôi có từ thời Lý. Ông Anh nói luôn: "cậu không nên nhận thi công đoạn sông này. Nguy hiểm lắm". Rất ân hận, tôi đã không nghe theo lời khuyên này.

Ngày 15/8/2001 tôi vừa làm lễ trong đền Quán Đôi, vừa cho máy xúc, máy ủi xuống bờ sông khởi công. Vừa thắp được mấy nén hương thì tự nhiên lửa trong nắm hương cứ bùng bùng cháy rực, đồng thời ngực tôi đau buốt. Mãi mới dập được lửa, cắm lên bát hương thì công trường báo có sự cố. Vái vội mấy vái, tôi chạy ra ngoài. Thì ra ngoài công trường sau khi đắp đê bơm nước ra, anh em phát hiện rất nhiều cọc gỗ lim đóng theo những hàng ngắn, bố chí rất lạ. Cũng là vô sư, vô sách, tôi chỉ huy cho máy nhổ cọc lên. Máy vừa nhổ được 2 chiếc cọc, thì tự nhiên như có một lực gì đẩy, chiếc máy xúc tự trôi xuống sông, không có cách gì giữ được. Đồng thời đê ngăn nước vỡ, nước tràn vào ngập kín chiếc máy xúc. Cũng gần như cùng lúc ấy có tiếng người hét lên. Trong đống bùn mà máy xúc đã xúc lên bờ có lẫn rất nhiều xương người, xương thú vật, rất nhiều đồ gốm, đồ sắt, đồ dùng như bát đĩa, dao, liềm, kim khâu, tiền đồng, tiền cổ. Biết là gặp chuyện lớn, tôi cho dừng thi công, yêu cầu công nhân gom tất cả đồ cổ, xương người lại và báo với Bảo tàng HN. Ông Phạm Kim Ngọc GĐ Bảo tàng HN và nhiều nhà khoa học đã đến hiện trường thu nhặt cổ vật mang về bảo tàng. Tối hôm đó, anh Hùng, người lái máy xúc nhổ cọc, đang khoẻ mạnh vừa về đến nhà chợt lên cơn động kinh, mắt trợn, miệng sủi bọt mép, người cứ quay tròn như gà bị cắt tiết. Cả nhà anh Hùng biết có sự lạ, sắm lễ ra bờ sông vừa khóc vừa lễ. Thật sợ, vừa lễ xong, đốt vàng mã được một nửa thì điện thoại ở nhà báo tin anh Hùng đã tỉnh lại.

Không biết làm cách nào, nghe bạn bè mách, tôi phóng xe đi Hải Phòng mời một thầy pháp nổi tiếng về trừ tà. Vừa nói chuyện với thầy, tự nhiên thầy trừng mắt: "Này, chỗ ấy âm khí nặng nề, sức tôi không trừ được". Năn nỉ mãi thầy mới đi về HN mà cũng chỉ dám làm lễ cầu an ở bờ sông và ngay đêm đó về HP.

Mấy ngày sau, Bảo tàng HN tổ chức một hội thảo khoa học, hội tụ rất nhiều các nhà khoa học cả về sử học, bảo tàng, tâm linh... Kết luận của giáo sư Trần Quốc Vượng được chấp nhận: Đây là trận đồ bát quái yểm trấn giữ cửa thành Đại La từ thế kỷ IX. GS cũng đề cập đến lực lượng âm binh tại đây và dặn tôi phảỉ cẩn thận kẻo ảnh hướng đến sức khoẻ và tính mạng công nhân.

Tôi cùng anh em công nhân thu nhặt hết tất cả xương người liệm vào tiểu và chôn ở bờ sông, hàng ngày cắt cử người hương khói. Nhưng công việc không tiến triển được. Cứ đắp đê lên, lại vỡ. Anh em công nhân ở công trường thì luôn luôn mơ thấy ma quỷ và thường gặp tai nạn lao động. Vét được chút bùn nào lên thì cũng thấy xương người, có khi cả đầu lâu. Chúng tôi liệm hết vào tiểu đêm chôn gần đó.

Một mặt tích cực đổi mới kỹ thuật thi công, mặt khác tôi vẫn tiếp tục mời thầy cúng trừ tà giải hạn. Nhưng tất cả các thầy bắc, nam đều bất lực. Công nhân toàn nằm mơ thấy những người mặc áo the, khăn xếp đánh đuổi không cho nằm. Nhiều người đã bỏ việc không dám ở lại. Anh Thương quê ở Nghệ An là công nhân xây lắp ngủ ở lán công trường, đêm nào cũng mơ thấy một bà cụ hiện lên nắm tóc đuổi đi và nói "Đây không phải chỗ kiếm ăn của mày, về quê mà sống". Anh Thưởng không chịu bỏ đi, còn khuyên nhiều công nhân ở lại làm. Được 3 hôm vợ anh làm cấp dưỡng cho công nhân bị bỏng độ 3 toàn thân. Sợ quá anh đưa vợ đi bệnh viện và bỏ việc luôn.

Đến tháng 11/2001 nhờ tích cực vận động tôi đã mời được thượng toạ Thích Viên Thành ở chùa Hương về làm lễ cúng cho tôi ở hiện trường. Vừa đến hiện trường thầy đã ngồi xuống nhắm mắt niệm phật. Niệm một lúc thầy đứng lên nói. Đây là trận đồ trấn yểm rất nguy hiểm. Vì các đệ tử thầy sẽ lập đàn tràng hoá giải. Sau đó thầy lập đàn tràng ở bờ sông hoá giải trấn yểm. Lễ xong thầy Thích Viên Thành nói với mọi người, "mặc dù thầy đã cố hoá giải nhưng anh em phải cẩn thận, còn anh Cường thì phải chịu nhiều hậu quả, gia đình, anh em con cháu cũng gặp hoạ. Rồi buồn buồn thầy nói: vì cái đàn tràng này tính mạng thầy cũng khó giữ", Ba tháng sau thầy Thích Viên Thành hoá. Các đệ tử nói trước khi mất thầy còn nói thầy mất vì trận đồ yểm ở sông Tô Lịch.

Nhưng công việc cũng không tiến triển được. Đê đắp lên là vỡ, kè thép không vỡ thì nước sói từ dưới lên. Đặt đá xuống thì đá chìm ngỉm. Để kiểm tra địa tầng tìm kiếm biện pháp thi công mới tôi thuê một dàn khoan thăm dò đến khoan mấy mũi. Dàn khoan dựng ở giữa sông, đội khoan hạ mũi khoan. Lạ thay cứ hạ mũi khoan xuống một đoạn là mũi khoan gãy. Ba lần như vậy họ lẳng lặng tháo dàn khoan đi mất, không cần đòi tiền. Công nhân thì vẫn hoang mang vô cùng. Anh Hoàn quê ở Ninh Bình làm đốc công, có hôm vừa dẫm chân lên đầu cột gỗ thì ở quê nhắn lên bố anh ốm thập tử nhất sinh phải cấp cứu. Anh Nguyễn Văn Nông, thủ kho là người tích cực trong việc thu lượm các hài cốt và di vật thì mẹ bị tai biến mạch mãu lão. Sau khi thày Thích Viên Thành làm lề hoá giải yểm trừ, anh Trần Văn Lợi người Bắc Giang xông sáo nhất nhảy xuống lòng sông vét bùn, vừa lên bờ tắm rửa xong thì nghe tin nhà ở quê bị cháy rụi, một đứa cháu rất thân với anh đột nhiên chết.
Các công nhân sợ hãi nghỉ việc cả. Chiều chiều đứng bên bờ sông hoang vắng lòng tôi bỗng chua xót. Tôi có tội gì đâu mà thánh thần hại tôi đến nỗi này....

Thấm thoát đã cuối năm, trời trở rét, chỉ còn anh em thân thiết với tôi là ở lại làm. Tôi cho đóng cọc thép sâu tới bốn mét, rồi làm cừ thép chắn nước. Lạ thay cứ bơm sạch nước thì cừ lại vỡ. Lúc này một số báo chí đã nói tới sự kỳ lạ xung quanh công trình sông Tô Lịch đoạn qua làng An Phú này. Bảo tàng Hà Nội, rồi Viện Tâm lý, các nhà ngoại cảm cận tâm lý đều đã tổ chức các cuộc họp tại công trình, kết luận cuối cùng là... không giải thích được. Phía các nhà sử học, khảo cổ học giải thích đây là di tích nằm trong quần thể chính của tây thành Đại La, nhiều người còn yêu cầu khôi phục di tích này, phía các nhà tâm linh, dịch học thì nói đây là một trận đồ trấn yểm tà ma, không cho xâm phạm kinh thành, vì là trận đồ cho nên giam giữ rất nhiều ma mãnh, những bộ xương người mà tôi đào được rât có thể là xương người bị tế sống chôn lúc làm lễ trấn yểm. Cũng theo họ, tôi đã động đến trận đồ phá huỷ nó, giải thoát cho bao nhiêu tà ma nên nó ám vào làm hại những người có mặt lúc đó, mặt khác thánh thần cũng oán giận việc làm của chúng tôi, nên gia tay trừng phạt. Chuyện thánh thần ma quỉ không ai nhìn thấy, nhưng những sự rủi ro mà chúng tôi phải chịu đựng thì quá đáng sợ.

Có một hôm đóng cừ mới, bơm nước cạn, chuẩn bị đào để kè bờ thì phát hiện có thêm một cọc gỗ. Dùng máy xúc nhổ mãi không được, tôi giao nhiệm vụ cho anh Thuý (người Ninh Bình) xuống chặt cụt đi để lấy chỗ làm. Ngay đêm đó anh bị cảm nặng, sốt cao, phải đưa vào bệnh viện. Nhưng kinh khủng hơn, sáng hôm sau điện thoại từ gia đình anh điện lên, mẹ anh bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Đến chiều tin lên đứa con anh đang học lớp 7 bước từ hè xuống sân ngã gẫy xương đùi, mặc dù hè và sân chênh nhau 30 cm. Sáng hôm sau nữa mẹ anh dứt mạch máu não. Đang sốt hừ hừ anh Thuý cũng phải vùng dậy vào đền làm lễ xong mới bỏ về.

Sau này tôi mới biết nhà anh còn gặp nhiều chuyện không may nữa, phải cúng lễ rất nhiều anh mới sống sót được.

Bỏ không làm nữa cũng không được, đã đổ hết vốn liếng vào đây rồi bỏ đi thì không chỉ chết một mình tôi, mà còn chết cả nhà, cả họ. Xin nhắc là công ty VIC trúng thầu nhưng làm từng đoạn, các đội nhận khoán lại phải tự bỏ tiền ra làm rồi thanh toán sau.... . Vì vốn liếng, vì sĩ diện của một kỹ sư xây dựng, tôi bàn với anh em thân tín quyết tâm làm đến cùng. May thay có ông Nguyễn Trường Tiểu- Chủ tịch hội đồng quản trị VIC ủng hộ tôi rất nhiều trong công việc. Được sự giúp đỡ của ông, tôi mời được thầy Mão, một thầy tứ phủ nổi tiếng nhà ở Vĩnh Tuy - Hà Nội, đến làm lễ tại công trường. Nhiều lần tôi và ông Tiểu đến mời ông Mão và cuối cùng đến tháng6/2002, ông Mão nhận lời lập đàn tràng giải trận đồ bát quái cho tôi. Đàn lớn lắm có đủ cờ phướn, hương án, lễ mặn, hoa quả có đủ. Trong danh sách chủ lễ có toàn bộ Ban giám đốc Công ty VIC. Cúng lễ hai đêm, hàng trăm người đến xem ầm ĩ một khúc sông. Cúng xong ông Mão nói với tôi: "Cậu dào khúc sông này là cậu khổ rồi. Bây giờ cậu có thể làm xong công việc, nhưng nhà cậu sẽ gặp nhiều tai vạ lớn, cậu sẽ mất tất cả những gì quí giá nhất, anh em cậu sẽ tán gia bại sản, gặp nhiều oan khuất. Tôi làm lễ cho cậu tôi cũng sẽ bị trả giá. Mặc dù tôi không chết, nhưng e rắng sẽ khó được như trước"

Sau khi ông Mão lễ xong, chúng tôi cùng về đến nhà, thì ông Mão ngất đi. Từ lúc đó trong vòng nửa tháng người nhà ông Mão đưa ông đi khắp các bệnh viện, không bác sĩ nào biết ông mắc bệnh gì, còn ông Mão lúc mê lúc tỉnh, lúc kêu khó chịu trong người, lúc kêu đau đầu... cứ vậy, mãi sau ông mới khỏi, nhưng từ đó sức khoẻ yếu hẳn đi. Trước đây tôi không tin là thầy Thích Viên Thành chết vì tai hoạ sông Tô Lịch, nhưng từ khi chứng kiến ông Mão ốm, thì tôi tin rằng Thày Thích Viên Thành chết vì ma tà sông Tô Lịch. Nhưng lạ nhất là từ lúc lập đàn tràng lần thứ hai do ông Mão chủ lễ, công việc có vẻ suôn sẻ hơn. Cừ dựng lên không bị phá vỡ nữa, kè đập cũng không bị sụt lở. Chúng tôi đã làm được gần 150 mét dài, quá 1/3 đoạn sông tôi nhận. Đến đây tôi kiệt sức, vốn liếng vay mượn khắp nơi rồi không thể vay thêm được nữa. Tôi quyết định dừng công việc tại đây, nhưng tai hoạ thì không dừng lại.

Vào đúng ngày tôi hết sạch tiền, định cho anh em nghỉ việc đột nhiên một anh công nhân lên cơn động kinh tại công trường, miệng sùi bọt, mắt hoàn toàn vô thức. Lúc tan cơn co giật, anh vẫn mê sảng mồm lảm nhảm: "trả tao đây, trả tao đây". Ngày hôm sau tôi được tiếp một người quen từ Lào về, đó là anh Tuấn cán bộ ở Uỷ ban Dân tộc Trung ương. Năm trước, trong lúc chúng tôi đào trong trận bát quái, anh có đến thăm và chọn trong các đồ cổ xúc dưới sông lên, xin một cái bát hoa cúc đời Lý Anh Tông mang về bày trong nhà. Từ ngày ấy gia đình lục đục, làm ăn thất bại. vừa rồi anh công tác sang Lào, có một ông thầy vừa nhìn thấy anh đã hốt hoảng: "Anh có cầm vật gì của người âm không ?" anh trả lời: "Không có ạ", ông thầy cúng lắc đầu: "Anh phải nhớ lại thật kĩ đi, tôi thấy sau lưng anh có rất nhiều người âm đang đòi anh cái gì đấy, hình như là bát ăn cơm thì phải. Anh lấy của họ ở dưới sông, làm họ không có bát ăn cơm. Anh phải trả họ ngay, không thì gay go đấy".
Anh Tuấn nhớ lại chuyện cái bát sợ quá phải bỏ dở chuyến công tác, quay về Hà Nội sắm lễ vật làm lễ tạ tội và trả cái bát vào lòng sông đúng chỗ tôi đã múc nó lên, hôm đó là ngày 24/7/2002.

Chuyện còn rất dài, tai hoạ còn rất nhiều, ba ngày sau đó bố đẻ tôi đột ngột ra đi và nhiều chuyện đã xảy ra tôi sẽ kể chi tiết sau. Bởi ngay đến ngày hôm nay gia đình tôi vẫn còn phải chịu nhiều oan khuất. Em gái tôi là Nguyễn Thị Bích Hợp bán bảo hiểm cho PJICO, chỉ bán bảo hiểm cho công ty Việt Thái Phong, không tham ô tham nhũng đồng nào, chỉ vì các ông giám đốc, phó giám đốc tham ô tiền tỷ mà phải ra toà. Ai biết chuyện cũng thương mà không giúp gì được. Dự kiến phiên toà sẽ bắt đầu vào ngày 10/4/2007. Tôi lo em tôi sẽ bị tù oan, thế là em tôi đi tù là tại tôi , tại tôi ngu ngốc đã nhận thi công đoạn sông ấy, đã đụng chạm vào trận đồ bát quái ghê gớm ấy. Đã có quá nhiều người chết, đã có quá nhiều người bị nạn, bị thương tật. Tôi cầu mong thần thánh mười phương, cầu mong các vị quan toà anh minh cứu giúp em tôi, cứu giúp gia đình nhà tôi

Như số báo trước đã kể, thầy từ phủ Phạm Văn Mão sau khi lập đàn tràng đã hóa giải được trận đồ bát quái công trình kè sông Tô Lịch, đoạn qua đền Quán Đôi, nhưng đổi lại gia đình tôi và cả anh em tôi sẽ bị trận đại nạn mất tất cả. Đúng như vậy, ngay sau đó công việc trên đoạn sông này bỗng nhiên thuận lợi, chẳng mấy chốc tôi đã làm xong khoảng 150m chiều dài kè sông.

Đến lúc xảy ra sự kiện anh Tuấn bị người âm đuổi theo, trả lại cái bát hoa cúc xuống lòng sông. Bố để tôi ở quê là một người đàn ông trẻ khỏe hơn tuổi 70 của mình, ông vẫn làm việc và lao động như mọi tráng niên. Sau khi anh Tuấn trả cái bát về lòng sông đúng 3 hôm, ngày 27/7/2002, bố tôi đi chơi về đang ngồi uống nước ở nhà đột nhiên đứt mạch máu não và chết ngay sau 6 tiếng đồng hồ cấp cứu. Đây là mất mát lớn nhất của cuộc đời tôi. Biết là mọi sự nguy hiểm đang rình rập, ngay sau khi đám hiếu bố tôi kết thúc, tôi ra ngay công trình, đào toàn bộ 8 hài cốt moi từ dưới sông đang chôn tạm dọc bờ sông lên, rửa ráy sạch sẽ, xếp vào tiểu đẹp và làm lễ trọng, đưa toàn bộ lên nghĩa trang Bát Bạt an táng, cho mát mẻ vong linh người chết. Trong đau khổ và mất mát cha, trước đàn lễ tôi vừa khóc vừa khấn rất to nhiều người nghe thấy: “Tín chủ xin các vong hồn tha thứ cho sự xúc phạm vào nơi yên nghỉ của các vong, nhưng tín chủ cũng chỉ là người làm thuê, thừa lệnh cấp trên mà làm, nay con đã sức cùng, lực kiệt, người thì chết, người thì ốm, tiền thì hết, nếu các vong có bắt tội thì bắt tội ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc công ty VIC và ông Nguyễn Trọng Doanh, Giám đốc dự án. Xin các vong nhẹ đỡ trừng phạt con”. Tôi cũng nói thêm, trong suốt thời gian xảy ra chuyện ở đoạn sông Tô Lịch này, hai ông Hưng và Doanh lúc nào cũng tỏ vẻ không tin và không hề có sự hỗ trợ nào, thậm chí còn nhạo báng và gây thêm khó khăn cho công việc thi công của tôi.
Và cũng thật đáng sợ, chỉ 2 ngày sau khi tôi an táng toàn bộ 8 bộ hài cốt ở nghĩa trang Bát Bạt, trong chuyến công tác ở Quảng Binh xe ô tô chở ông Nguyễn Quang Hưng cùng một số cán bộ công ty đã bị tai nạn. Chiếc xe Toyota bị phá hủy hoàn toàn, Ông Nguyễn Quang Hưng bị chấn thương nặng, gãy 3 chiếc xương sườn nhiều cán bộ cũng bị vạ lây. Vẫn chưa hết, sau đó khoảng 1 tháng, văn phòng ban quản lý do ông Nguyễn Trọng Doanh trực tiếp phụ trách đặt tại Yên Sở, Hà nội bỗng bốc cháy dữ dội. Ngôi nhà 2 tầng đặt văn phòng dự án và văn phòng một số công ty tham gia thi công dự án bị thiêu rụi hoàn toàn.

Sau khi làm xong 150m trên chiều dài 360m tôi nhận thi công, do các sự việc ghê gớm xảy ra và cũng do sức cùng lực kiệt, tiền vốn không còn, tôi xin thanh lý hợp đồng. Lạnh lùng không có chút nhân đạo, không thương xót, Công ty VIC thanh lý hợp đồng mà không hỗ trợ lấy một xu nhỏ. Tôi bị lỗ 500 triệu đồng vì công trình này. Quay trở về Nghệ An tôi đi cầu khấn ở mọi nơi, nơi nào cũng báo cho tôi biết tôi đang bị nạn.

Cũng nói thêm, khi thi công công trình ngoài số cổ vật moi ở trong trận đồ bát quái tôi đã nộp cho Bảo tàng Hà nội, các công nhân có moi được lên nhiều bát đĩa, cốc chén cổ. Tôi có giữ lại mấy cái lành lặn. Trong đó có một chiếc tước màu đen mà nói như GS Trần Quốc Vượng, đó là một đồ cổ rất quý hiếm. Khi về đến Nghệ An, do hết tiền, tôi định bán chiếc tước đó. Khách mua từ Hà nội vào, sau một ngày trả giá đã thỏa thuận mua chiếc tước ấy với giá 10.000USD. Thỏa thuận xong, khách quay lai khách san lấy tiền để trả tôi, trong lúc đó chiếc tước vẫn để trên mặt bàn. Khách mang tiền đến, chưa kịp đếm tiền thì thật là kinh hãi, chiếc tước không ai đụng tay vào tự nhiên vỡ đôi, rồi vỡ vụn. Khách co giò bỏ chạy. Ngay sau đó tôi cũng sợ hãi quá, mang nốt mấy cái đồ cổ còn lại ra Hà nội gặp GS Trần Quốc Vượng và cho hết ông. GS Trần Quốc Vượng lúc đó vừa mới lấy vợ mới, đang rất vui vẻ, ông cứ cười tôi về sự yếu bóng vía. Ông giải thích cho tôi là đồ ngâm lâu dưới nước khi đưa ra ngoài không khí nước bốc hơi làm cho gốm bở ra rất dễ vỡ, nhấc lên nhấc xuống nhiều nó sẽ tự nứt vỡ. Chuyện cái tước không có gì liên quan đến tâm linh. Tôi thì quá sợ nên không giám giữ một món đồ nào nữa. Tôi không ngờ đó là lần gặp gỡ cuối cùng của tôi với GS Trần Quốc Vượng, vì chỉ ít lâu sau ông mất đột ngột. Trong thâm tâm tôi có cảm giác mấy món đồ cổ từ trận đồ trấn yểm đã làm hại ông. Tôi cũng nhớ ông có xin mấy món đồ.

Từ đó đã 4 năm qua. Tôi từ một tỷ phú trước khi làm công trình kè sông đã trở nên một kẻ tay trắng, phải phiêu dạt lên biên cương, sang cả Lào để kiếm ăn. Có lúc tưởng như không còn mái nhà, không còn gia đình để về. Ông anh trai thứ hai của tôi, người tham gia công trình cùng tôi, gặp những sự trớ trêu, cay đắng trong hạnh phúc gia đình đến mức đôi lúc ông đã có những ý định tiêu cực. Đến năm 2006 vừa qua, ông ấy gây tai nạn giao thông làm chết người và vướng vào vòng lao lý. Ông anh thứ ba, người đã cho tôi vay tiền để làm kè sông Tô Lịch cũng là người làm ăn phát tài, sau đó gặp nhiều sự rủi ro, phá sản toàn bộ. Cô em gái út của tôi là Nguyễn Thị Bích Hợp công tác tại Sài Gòn thì đang vướng phải một sự oan khuất. Chỉ vì lòng tận tâm tận lực với công ty PJICO mà đang phải ra tòa và lúc tôi viết những dòng này, tòa đã tuyên tạm hoãn xử lần thứ 2. Lạ nhất cô em gái tôi đi xem lễ nhiều nơi, các thầy đều nói hạn của em tôi bẵt đầu từ đại hạn của gia đình tôi từ năm Tân Tỵ 2001 là năm tôi phạm phải trận đồ trấn yểm Đại La trên sông Tô Lịch.

Còn nhiều chuyện nhỏ nữa cũng đều đáng sợ, nhưng nếu kể nữa e rằng chỉ làm bạn đọc bận tâm. Tôi xin dừng bài viết ở đây. Cũng có thể toàn bộ chuyện này chỉ là ngẫu nhiên mà rơi xuống số phận tôi, hoàn toàn không có yếu tố tâm linh, chỉ biết rằng theo GS Trần Quốc Vượng địa điểm mà tôi thi công là điểm giao hòa của 3 con sông cổ: Sông Tô Lịch, sông Thiên Phú và sông Nhuệ. Do vậy, cấu tạo địa chất rất phức tạp và hình thành những vực sâu và rồi những vực sâu cũng được bồi lấp bởi mọi thứ đã từng trôi nổi trên ba dòng chảy của con sông chính, vì vậy việc thi công rất khó khăn. Nhưng cũng có thầy địa lý đã nói: đây là điểm giao và là một huyệt phong thủy rất quan trọng. Vì vậy, một thế lực nào đó đã lập trận đồ trấn yểm để huyệt này không phát được. Mọi việc tôi không biết rõ, nhưng chuyện của và gia đình thì quá đau khổ. Tôi cầu mong mọi sự chia sẽ cảu bạn đọc.
RANDOM_AVATAR
CaoLy
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 3 05/06/07 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Xung quanh sự kiện "Thánh vật sông Tô Lịch"

Gửi bàigửi bởi CaoLy » Thứ 5 24/05/07 12:28

[center]Thánh vật ở sông Tô Lịch': Đâu là sự thực?[/center]
Báo Tiền phong

TP - Những ngày gần đây tại Hà Nội, ở đâu cũng bắt gặp cảnh người dân hiếu kỳ chuyền nhau đọc báo lẫn tờ phô tô có đăng bài “Thánh vật ở sông Tô Lịch”. Tôi may mắn nắm được khá nhiều thông tin liên quan đến “sự cố” sông Tô Lịch ngay từ đầu. Vậy đâu là sự thực?

Đó là vào quãng thượng tuần tháng 11/2001, ông Nguyễn Hùng Cường, Đội trưởng Đội thi công 12 thuộc dự án VIC, đơn vị thi công xây dựng tuyến kè sông Tô Lịch gọi điện báo: “Chỗ anh đang thi công phát hiện được nhiều cổ vật, chú xuống xem”.
Tôi là phóng viên đầu tiên được ông Cường thông tin vụ việc này.

Khoảng mấy phút sau, tôi có mặt tại khúc sông Tô Lịch, đoạn đối diện giữa đường Bưởi. Đến nơi, tôi thấy một nửa chiếc máy cẩu xúc bùn nằm bên bờ, một nửa dưới sông.

Đoạn sông này nước vẫn đen ngòm, xung quanh đã được đội thi công cho đóng cọc tre bao để không cho nước vào.
Mấy chiếc tiểu sành, sứ và một vài hiện vật như bát bị sứt, mẻ, vỡ, xương răng động vật được công nhân lấy lên xếp vội trên bờ. Còn những bộ di cốt do máy xúc lấy lên đã được đội thi công đưa đi chôn cất gần đấy (Mãi sau này họ mới đưa lên Bất Bạt).

Cách gần 100 m nơi phát hiện là khu lán xập xệ của đội 12.

Đúng ra, theo luật định, trong quá trình thi công, nếu đơn vị phát hiện hiện vật thì phải giữ nguyên hiện trường, hiện vật và báo với cơ quan chức năng nơi gần nhất để xem xét, xử lý nhưng họ đã làm ngược lại.

Có nghĩa là hiện trường đã bị xáo trộn, hiện vật đã bị mang đi gần hết chỉ còn lại mấy cái tiểu sành, liễn sành, bát vỡ và xương răng động vật.

Sau khi quan sát kỹ hiện trường, trao đổi với những người trực tiếp tham gia thi công đoạn kè này trong đó có ông Nguyễn Hùng Cường, tôi đã viết bài phản ánh phát hiện di vật, cổ vật tại sông Tô Lịch và đề nghị chính quyền và cơ quan chuyên môn vào cuộc.

Bài viết đó đã được đăng trên Tiền phong, và báo Tiền phong là cơ quan báo chí đầu tiên khi đó phản ánh việc này tiếp đến là báo Gia đình&Xã hội, Đời sống & Pháp Luật, Văn hóa…

Qua theo dõi vụ việc, người viết nhận thấy, thời gian đó những cơ quan báo chí này phản ánh sự việc khá nghiêm túc, thậm chí có tờ báo đứng ra tổ chức cuộc tọa đàm với sự tham gia của một số nhà chuyên môn.

Chỉ một thời gian ngắn sau, sự việc đi vào yên lặng. Về sau, tức sự việc ở sông Tô Lịch đã có độ lùi khoảng một, hai năm thì tôi được ông Nguyễn Hùng Cường cho biết những chuyện xảy ra đối với một số cá nhân trong đội 12, và một số người liên quan.

Những chuyện đó đã được ông Cường viết trên báo trong những ngày gần đây. Thời điểm đó, vì không có cơ sở để kiểm chứng hơn nữa lời kể có vẻ mang tính hoang đường nên tôi đã không tiếp tục phản ánh.

Ngay sau khi báo Tiền phong đăng bài phát hiện hiện vật ở sông Tô Lịch, một số nhà khoa học đã đến hiện trường. Dựa trên những lời kể của công nhân đội 12 cộng với hiện trường bị xáo trộn và hiện vật bị phân tán nên khi đó các nhà khoa học này chưa thể đưa ra nhận định.

Một thời gian ngắn sau đó, Bảo tàng Hà Nội đã mời một số nhà khoa học lịch sử, khảo cổ đến hiện trường xem xét. Cuộc hội thảo “đầu bờ” diễn ra. Đó là ngày 22/12/2001.

Các nhà khoa học tham dự bao gồm: GS Trần Quốc Vượng, PGS TS Đỗ Văn Ninh, TS Phạm Quốc Quân (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), TS Vũ Quốc Hiền (Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam);

TS Ngô Thế Phong (chuyên gia khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Nhà khảo cổ Phạm Như Hồ (Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam), TS Bùi Văn Liêm (chuyên gia khảo cổ học, Viện Khảo cổ học Việt Nam).
Về phía cơ quan hữu quan của Hà Nội có ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH-TT, TS khảo cổ Nguyễn Thị Dơn, Phó ban quản lý di tích Hỏa Lò, TS Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, đại diện Ban quản lý Di tích danh thắng, Phòng VH-TT quận Cầu Giấy, UBND phường Nghĩa Đô…

Sở dĩ liệt kê danh sách dài như vậy vì để thấy rằng, tuy là cuộc hội thảo khoa học “đầu bờ” nhưng đã có sự hiện diện của những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lịch sử, khảo cổ nhằm đưa ra những nhận định mang tính khoa học chứ không phải giải thích sự huyền bí như có tờ báo đã phản ánh.

Cũng trong cuộc hội thảo này có GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Liên doanh xây dựng VIC, ông Nguyễn Văn Cường, Phó tổng giám đốc Cty VIC, ông Nguyễn Hùng Cường và ông Trần Mạnh Linh, Bộ GT-VT.

Cuộc hội thảo “đầu bờ” đã được ghi thành biên bản với 11 chữ ký và sáu con dấu đỏ, thể hiện sự nghiêm túc trong khoa học.
Sau khi các nhà khoa học, các chuyên gia cùng những người có mặt đi xem xét, khảo sát hiện trường và một số điểm xung quanh, cuộc họp bắt đầu từ 10 giờ 30.

Mở đầu, ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Bảo tàng thông báo nội dung, tiếp đến ông Nguyễn Hùng Cường kể lại quá trình phát hiện ở đoạn sông Tô Lịch.

Sau đây, chúng tôi ghi lại một số ý kiến của một số nhà khoa học và người trong cuộc từ biên bản cuộc họp để bạn đọc nhận biết:

Ông Nguyễn Hùng Cường: Trong quá trình nạo vét và kè sông Tô Lịch đoạn thuộc địa phận phường Nghĩa Đô thì vào ngày 24/9/2001, đội 12 chịu trách nhiệm thi công đã gặp hiện tượng:

Sau khi đào qua lớp bùn khoảng 40-50cm thì gặp một lớp cát xốp, đồng thời làm xuất lộ 3 cọc gỗ, 3 âu, 2 liễn.
Thấy đây là hiện tượng lạ đồng thời thu nhặt những hiện vật tiền đồng, bát gốm, gạch, dao sắt… cùng một loạt xương. Theo phân loại có 4 bộ xương người và xương động vật.

Đến ngày 4/10/2001 âm lịch, trong khi tiếp tục làm gặp thêm một số cọc gỗ, xen giữa các cọc có một liễn sành. Cho đến trước khi có cuộc họp thì đội đã thu được 7 bộ xương người và đã tìm thấy bộ thứ 8, nằm ở vị trí cách đó khoảng 70-90cm về phía dốc Bưởi.

Đội thi công đã đào lên được một số hiện vật như liễn sành, bát gốm… Những người có trách nhiệm đã cho gửi thông báo đến một số cơ quan chức năng.
GS Trần Quốc Vượng: Giả thiết chúng ta đang ở vào vị trí cửa phía Tây của La Thành mà cổng phía Tây của Hoàng thành… Trước đây, cổng Hoàng thành ngoài lính còn có thần trấn giữ 4 cửa (Thăng Long tứ trấn) và có yểm bùa hay còn làm lễ hiến sinh.
Như vậy, đây là cổng thành phía Tây của La Thành. Ngoài ra, nhìn một cách tổng quát về niên đại của khu vực thông qua tính tương đối nhất giữa niên đại của tiền và đại đa số đồ gốm: bát, hòn kê… cho thấy niên đại của địa điểm này trong khoảng thế kỷ XI cho đến đầu XIV. Niên đại thuộc vào thời Lý-Trần hay thời Tống của Trung Quốc…

PGS.TS Đỗ Văn Ninh: Tôi nhất trí với những ý kiến của GS Trần Quốc Vượng và nói thêm, đây là một trong 6 “ủng môn” còn sót lại duy nhất, khá rõ nét, đáng tin cậy để nghiên cứu về những ủng thành khác đã được nhắc và ghi lại trong một số bản đồ cổ.

Coi hiện tượng này là một hiện tượng trấn yểm mà bất kỳ công trình xây dựng nào cũng phải có lễ trấn yểm, động thổ, đặc biệt là đối với một vị trí quan trọng như cổng phía Tây La Thành.

Cũng xin được thông tin thêm rằng, sau cuộc họp này, đơn vị thi công vẫn tiến hành xây kè sông Tô Lịch một cách bình thường và đã hoàn thành như hiện nay.

Trong khoảng thời gian làm tiếp đó, không biết xuất phát từ điều gì mà Đội 12 mời nhiều thầy cúng về lập đàn cúng tế.
Việc làm này cơ quan chức năng không hề biết. Thời gian vẫn cứ trôi đi, sự kiện phát hiện hiện vật ở sông Tô Lịch cũng mờ dần và dường như không ai để ý nữa, báo chí cũng không còn phản ánh.

Thi thoảng, năm tháng hay một năm, ông Cường lại gọi điện cho người viết thông báo chuyện xảy ra này, khác đối với một số người liên quan.

Xong công việc xây kè ở sông Tô Lịch, nghe nói ông Cường sang Lào thi công cho một công trình nào đó.

Và gần đây nhất, khi em gái ông Cường dính vào vòng lao lý trong vụ Cty Bảo hiểm Pjico ở Sài Gòn phải ra hầu tòa nên ông Cường đã nghĩ rằng vì chuyện “ngày xưa” mới gây nên cơ sự mà viết lại nhưng câu chuyện của cái gọi là “thánh vật” chăng?

TS Phạm Quốc Quân: Vấn đề được đặt ra là cần có sự kết hợp giữa Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử xem xét, chỉnh lý khoa học hiện vật. Đồng thời cần kết hợp giữa kinh tế và khoa học, khảo sát theo dõi công trường, đào thám sát nhỏ để đánh giá đúng giá trị của di tích này.

Nhà khảo cổ Phạm Như Hồ: Tôi nhất trí với những ý kiến trên. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là phải tiến hành khai quật tại địa điểm hiện đang nằm dưới lòng sông. Bởi vì, chỉ có như thế mới có những cơ sở kết luận xác đáng được.

GS Trần Quốc Vượng: Hiện tượng có dải cát dài khoảng 200m khác hẳn so với những đoạn sông khác có thể là vào thời Lý do sự hợp lưu của sông Tô và sông Nhuệ đã làm đổi dòng chảy của sông Tô và vị trí chúng ta đang ngồi đây có thể là nơi mà con sông Tô đổi dòng.

Vì vậy, đã tạo cho địa tầng nơi đây bị tụ cát thành một dải như vậy. Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hiện tượng sông Tô bị lở do đổi dòng và mắt nhà vua bị đau đã tạo nên một lễ trấn yểm, trong đó có những bộ xương người cùng những hiện vật khác chăng (?).

Cuối cùng, cuộc họp đi đến kết luận: Đề nghị giữ lại ủng thành (đấu đong) dấu tích của di tích liên quan đến thành Đại La. Đề nghị xem xét xếp hạng di tích và giải quyết xâm phạm;

Không tiến hành những hố thám sát khảo cổ trong khu vực hiện đang thi công (nơi có phát hiện khảo cổ);
Trong thời gian thi công tiếp theo nếu phát hiện ra hiện vật khảo cổ mới, Bảo tàng Hà Nội và các đơn vị có liên quan cử người theo dõi và thu giữ đưa về Bảo tàng.

Được biết, sau cuộc hội thảo “đầu bờ” hôm đó, dường như cơ quan chức năng và các chuyên gia, nhà khoa học không còn quan tâm nhiều lắm. Có lẽ, họ nghĩ rằng đây là vấn đề cần được nghiên cứu dài dài về sau.

Mọi chuyện tưởng đã khép lại từ lâu thì tự nhiên có tờ báo đăng tải lại những câu chuyện huyền bí có liên quan đến khúc sông Tô Lịch gây hoang mang cho người dân như là sự “phát hiện” mới trong khoa học.

Nếu trở lại sự việc đó trên cơ sở lý giải bằng nghiên cứu khoa học thì chẳng nói làm gì, nhưng nó lại được thể hiện bằng những trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc với những suy luận, gán ghép thiếu căn cứ.

Những tài liệu hiện vật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội cần được xem là một cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, chứ không thể đưa ra dư luận những câu chuyện huyền bí để làm rúng động dư luận như vậy.

Nguyễn Nguyên Thành
RANDOM_AVATAR
CaoLy
 
Bài viết: 18
Ngày tham gia: Thứ 3 05/06/07 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Xung quanh sự kiện "Thánh vật sông Tô Lịch"

Gửi bàigửi bởi MyLinh » Thứ 5 24/05/07 20:58

[center]Ông Dương Trung Quốc nói về 'Thánh vật' ở sông Tô Lịch [/center]

Trước những thông tin về chuyện “Thánh vật” ở sông Tô Lịch (Hà Nội) khiến cho dư luận có phần hoang mang, lo lắng, PV đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, người đã chủ trì cuộc tọa đàm về phát hiện khảo cổ học ở sông Tô Lịch cách nay ba, bốn năm.

- Thưa ông, gần đây có tờ báo kể những câu chuyện được gọi là “thánh vật” ở sông Tô Lịch khiến cho dư luận quan tâm một cách thái quá, thậm chí chuyền tay nhau đọc và bàn tán xôn xao. Ông có nghe thông tin này không và ông có suy nghĩ gì?

- Theo tôi, riêng cái việc dừng từ “thánh vật” trong bài báo cũng đã mang tính báo chí, chủ yếu để gây sự tò mò, thu hút nguời đọc.

Vụ việc này đã diễn ra cách đây mấy năm rồi. Tôi còn nhớ hồi đó báo chí đề cập một cách rất nghiêm túc.
Lúc đầu cũng có những ý kiến khác nhau, và sở dĩ có những ý kiến khác nhau đó mà tôi là người đã được báo Gia đình & Xã hội nhờ đứng ra tổ chức cuộc toạ đàm với sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn để hy vọng giải thích sự việc một cách khoa học.

Đương nhiên vào thời điểm này chúng ta không còn ở thời kỳ chủ nghĩa vô thần thô mộc nữa. Chúng ta tin rằng có đời sống tâm linh.

Đời sống tâm linh ấy là một phần giá trị của đời sống thực, nó giúp cho đời sống thực tốt hơn bằng những nguyên lý mang tính đạo đức.

Tôi lấy thí dụ, “Ở hiền thì gặp lành”, “Ác giả ác báo” v.v... Tôi nhớ hồi còn nhỏ, khi đời sống tâm linh phong phú thì người ta sợ quỷ thần hai vai hơn là sợ ông cảnh binh đội sếp.

Thế nên đời sống tâm linh có mặt tích cực của nó. Nhưng cũng không đến mức chúng ta phải vận vào mình một cách không có cơ sở như thế.

Bởi vì, theo chỗ tôi được biết tác giả bài báo ấy là một người trong cuộc, người đã từng tham gia xây dựng tuyến kè ở sông Tô Lịch vào thời điểm ấy, rồi muốn thể hiện, giãi bày mình gặp rủi ro trong đời sống, trong kinh doanh dẫn đến phá sản và giải thích gắn với hiện tượng của khúc sông ấy.

Về cá nhân tác giả bài báo ấy chắc cũng không có lỗi gì cả, họ nghĩ thế nào viết như thế, nhưng khi đưa tin không có lời giải thích khoa học, rõ ràng và đặc biệt trong đó người viết mang nặng cảm tính cho nên đã vượt ra khỏi khuôn khổ là những trải nghiệm cá nhân dẫn đến những suy luận mang tính xã hội, liên quan đến người khác. Bởi vậy điều đó là không bình thường.

- Cách đây khoảng 3-4 năm, sau khi đơn vị thi công tại đoạn sông sông Tô Lịch đó phát hiện được nhiều di vật, hiện vật, cơ quan chức năng đã vào cuộc và tiến hành khai quật “chữa cháy”. Lúc đó ông đã đứng ra chủ trì cuộc toạ đàm với sự góp mặt của các nhà chuyên môn để nhận định về sự phát hiện khảo cổ này. Khi đó các nhà chuyên môn đã nhận định ra sao, thưa ông?

- Tôi nhớ hồi đó giới chuyên môn cũng đã đưa ra nhiều hiện tượng về sự cố của đơn vị thi công.

Ngay sau khi phát hiện, những cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội cũng đã vào cuộc như Bảo tàng, Sở VH-TT.

Tin rằng, bây giờ tìm lại hồ sơ đều có khá đầy đủ. Khi đó ai cũng thấy rất rõ và được giải thích rằng sự bất trắc của đơn vị thi công tại khu vực đó là bởi ở đây có thể xuất phát từ địa tầng không ổn định do nó nằm giữa nơi hội tụ của ba dòng sông.
Và có lẽ, chính điều đó khiến cho việc khảo sát thiết kế, xây dựng dự án xây dựng tuyến kè không sát với thực tế, dẫn đến thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Điều này cũng được đề cập đến trong cuộc toạ đàm. Và nữa, vì là nơi hợp thuỷ của ba dòng sông nên trong quan niệm phong thuỷ cổ điển chắc cũng có yếu tố phong thuỷ.

Nếu quan sát hiện trường mặc dù chưa rõ ràng lắm nhưng cũng có người giả thiết rằng, những dấu vết còn lại cho thấy có một sự yểm nào đó.

Nếu có đi chăng nữa thì cũng rất bình thường trong kiến trúc cổ truyền của người xưa, và nhất là không loại trừ yếu tố của thời kỳ tiền Thăng Long, của thời nhà Đường chiếm đóng, thời Cao Biền.

Thế nhưng, vận nó vào giữa những yếu tố được giải thích dưới góc độ chuyên môn và hiện tượng xã hội gắn liền với vụ việc cụ thể thì tôi nghĩ rằng thiếu căn cứ.

Không ai có thể kết luận được rằng, vì cái vùng đất ấy mà dẫn đến hệ quả mang tính chất thuần tuý là cái sự trả giá về mặt tâm linh.

Còn đương nhiên, nó vẫn là những giả thuyết, chúng tôi tôn trọng những giả thuyết ấy nhưng hồi đó cũng đưa ra những căn cứ khác nhau để cho dư luận xã hội lựa chọn một nhận thức khả dĩ nhất. Sau đấy mọi chuyện cũng lắng dịu.

Việc này không phải không có sự chia sẻ với doanh nghiệp thi công ở đấy nhưng lúc đó không đến mức độ như hiện nay.
Tôi thấy rất nguy hiểm ở chỗ này: Sự trải nghiệm của cá nhân doanh nghiệp ấy chúng ta có thể chia sẻ nhưng sau đó vận vào cái chuyện thí dụ như một lời cầu khấn nào đó có thể mang lại tai họa cho người khác thì khó lòng chấp nhận.

- Trong loạt bài báo vừa rồi, tác giả đã đề cập mang tính ám chỉ chuyện GS Trần Quốc Vượng mất là cũng có liên quan đến việc này. Với tư cách là Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam, ông có ý kiến gì về chi tiết này?

- Việc sở hữu cổ vật hợp pháp, rất nhiều người và những nhà khảo cổ có uy tín như thầy Vượng thì chắc cũng có một số cổ vật do sưu tầm hoặc do người khác tặng để làm cơ sở nghiên cứu.

Rõ ràng đây không phải mục đích bất hợp pháp. Chuyện đó rất bình thường. Cái cổ vật thầy nhận vào thời điểm đó hoặc những cổ vật khác thì cũng như nhau.

Tôi nghĩ rằng vận vào việc thầy bị mất là điều vô căn cứ, phần nào đó đã xúc phạm đến thầy. Chúng ta đều biết, thầy Vượng mất đều có bệnh lý hẳn hoi, có cả một quá trình. Cho nên chuyện đó rất không nên đặt ra trên mặt báo.

Tôi xin nhắc lại là, những gì bản thân người viết bài báo ấy phải trải qua thì ta cũng có thể chia sẻ nhưng cũng không phải là chuyện đưa lên báo vào thời điểm này.

Còn vận vào những chuyện khác mang tính suy luận như thế tôi cho là không nên làm, tạo ra sự hoang mang trong đời sống, vì nó muốn khai thác mặt trái của tâm linh.

Như tôi nói, tâm linh có mặt tích cực để điều chỉnh đời sống xã hội. Còn điều này mang lại sự phân tâm, lo lắng không bình thường cho người dân.

“ Tôi là học trò của cố GS Trần Quốc Vượng. Thầy Vượng là nhà khảo cổ, việc thầy giữ một số hiện vật mà do những hoàn cảnh được luật pháp cho phép thì điều đó là rất bình thường. Trên thực tế không chỉ riêng thầy. Thế nhưng vận cái chuyện đó vào thầy và thầy mất sau đó là không có căn cứ vì có hồ sơ bệnh án khoa học. Như thế, trong chừng mực nào đó là xúc phạm đến người đã mất.”

[right]Nhà sử học Dương Trung Quốc[/right]


- Là một người dân, khi nhận được những thông tin gọi là “thánh vật” như thế thì ông sẽ nghĩ ra sao?

- Tôi nghĩ, việc này các cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến đời sống xã hội rất phức tạp, đa dạng cho nên cần thận trọng khi xử lý.

Điều quan trọng ở đây là vai trò của cơ quan báo chí, đó là mình cần chủ động điều chỉnh nó.

Tôi lấy ví dụ, trước đây cơ quan báo chí cũng đã phản ánh, thậm chí tổ chức toạ đàm mời các nhà khoa học đến, sau đó phản ánh trung thành với phát biểu.

Đó được xem như một biên bản, không đi đến kết luận. Và người dân dựa vào đấy để có những ứng xử hợp lý.

Vụ việc này diễn ra đã lâu rồi và bây giờ bất kỳ ai có thái độ nghiêm túc muốn đề cập đến thì cần tìm đến cơ quan chức năng để nghiên cứu lại hồ sơ.

Xin cám ơn ông!
Hình đại diện của thành viên
MyLinh
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 5 31/05/07 20:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Xung quanh sự kiện "Thánh vật sông Tô Lịch"

Gửi bàigửi bởi binhan » Thứ 5 24/05/07 21:01

[center]Người gặp chuyện 'Thánh vật' nói gì?[/center]

baotienphong.com

Thứ Tư, 25/04/2007, 07:25

TP - Hôm qua, Tiền phong đã tìm gặp ông Nguyễn Hùng Cường - tác giả bài báo “Thánh vật ở sông Tô Lịch” gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Những vấn đề gây nghi ngờ về độ chân thực trong bài viết của ông Cường đã được Tiền phong đặt ra thẳng thắn.

Có ý kiến cho rằng “những chuyện ông Nguyễn Hùng Cường kể là bịa đến 90%”. Ông nghĩ thế nào về chuyện đó?
Nhiều người dân làng An Phú (nơi có khúc sông này) cũng được mắt thấy tai nghe. Lẽ nào tôi lại đem chuyện tôi và gia đình bị ốm đau, bệnh tật, chết chóc, tù tội ra làm trò đùa, đắc tội với người quá cố.

Thêm nữa, theo tôi, trong câu chuyện này, có thể còn những yếu tố địa chất, địa lý, kỹ thuật thi công... mà chúng tôi chưa lường hết được.

Trong gia đình ông có một người (bà Nguyễn Thị Bích Hợp) bị vướng vào vụ án Trần Nghĩa Vinh - Tổng Giám đốc Cty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) có hành vi tham nhũng chiếm đoạt tài sản Nhà nước, đưa và nhận hối lộ. Ông có định nhân dịp này thanh minh cho bà Hợp?

Đến nay, tôi vẫn nghĩ rằng, tôi và gia đình mình gặp những hậu quả rất nghiêm trọng từ việc đụng phải trận đồ bát quái đó. Còn chuyện của em gái tôi (Nguyễn Thị Bích Hợp) là việc của đời sống hôm nay, chịu sự quy định của luật pháp hiện hành.
Tôi nghĩ, em tôi có sai phạm đến đâu thì các cơ quan pháp luật sẽ kết luận, xử lý đến đó, tôi có bênh cũng chẳng được.
Vậy ông viết chuyện “Thánh vật” tường tận như thế để làm gì?

Viết những điều đó ra, tôi muốn được bạn đọc cùng tôi chia sẻ những điều đã xảy ra với tôi, cùng chia sẻ đời sống tâm linh và quan niệm, văn hóa phương Đông.

Theo tôi được biết, qua sách vở và qua tiếp xúc với nhiều nhà khoa học thì nơi chúng tôi thi công là một di tích của thành cổ La Thành mà chúng ta phải tôn trọng. Khi phát hiện được các di vật lịch sử dưới lòng sông, tôi đã giao cho anh em công nhân trong đội (tôi làm Đội trưởng) gom nhặt và báo cho các cơ quan hữu quan, trước hết là Bảo tàng Hà Nội (chỉ tiếc rằng chúng tôi báo cáo hơi chậm).

Việc chúng tôi báo chậm cũng có lý do khách quan. Chúng tôi vừa thi công vừa lo lắng, không hiểu sao, vì chúng tôi chưa gặp chuyện kỳ lạ đáng sợ như thế bao giờ.

Tôi vốn người vô sư vô sách, cũng có tổ chức cúng lễ trước khi khởi công, nhưng cứ tưởng hương khói sơ sơ là ổn rồi. Nào ngờ, khi đào lên gặp toàn những thứ đáng kinh hãi, chúng tôi mới biết mình đã gặp chuyện rất hệ trọng.

Khoảng ngày 23 – 24/9/2001, ngay sau khi đào được di vật (cọc gỗ, đồ gốm, sứ, xương người và động vật...), tôi đã yêu cầu anh em trong đội thu lượm đầy đủ, rồi báo cáo lãnh đạo Cty và xin ý kiến. Nhưng chờ mấy hôm không thấy lãnh đạo Cty cho đường hướng giải quyết thế nào; trong khi đó nhiều người nói đây có thể là một trận đồ bát quái từ xưa và liên quan chuyện tâm linh...

Ngày 4/10/2001, sau khi biết chắc các hiện vật chúng tôi đào được là đồ cổ vô giá, tôi đã tìm số điện thoại và báo cáo với Bảo tàng Hà Nội. Ông Đỗ Kim Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội là người đầu tiên ngoài công ty chủ quản nghe tôi báo cáo.
Ngày 4/10/2001, ông Ngọc dẫn một số cán bộ tới hiện trường và chúng tôi đã đề nghị ông Ngọc đem các di vật đó về Bảo tàng Hà Nội.

Trong bài viết ông có nêu một số chi tiết khiến người đọc thấy nghi ngờ tính chân thực của sự việc. Đó là: Thượng tọa Thích Viên Thành có mặt tại một buổi lập đàn tế lễ đó và sau đó chết vì “Thánh vật”; GS Trần Quốc Vượng bị “Thánh vật” vì giữ đồ cổ nghiên cứu; ông Đỗ Kim Ngọc (Giám đốc Bảo tàng Hà Nội) được tin báo ngay sau khi đội thi công của ông đào được các di vật đó. Vậy ông có thể nói rõ hơn về việc này không?

Về cái chết của Thượng tọa Thích Viên Thành, tôi không có cơ sở để giải thích vì sao. Tôi chỉ biết, sau khi nghe thỉnh thị của chúng tôi, thầy Thích Viên Thành đã đến hiện trường lúc đó. Thầy đặt la bàn xuống đất, cho hai đệ tử căng dây đo, thấy kim la bàn quay tít, không chỉ được rõ đâu hướng Bắc đâu hướng Nam.

Thầy nói: “Tôi đến đây nhìn thấy nhiều âm khí nặng nề, u ám quá. Bác hãy cùng anh em đang làm việc ở đây hết sức cẩn thận trong khi thi công. Đây là trận đồ bát quái ai đó lập nên để chặn long mạch...”.

Tôi nhờ thầy ra tay cứu vớt những kẻ vô tội như chúng tôi. Thầy hẹn ngày tôi lên chùa nơi thầy trụ trì để thầy hướng dẫn lập đàn tràng hóa giải. Hôm lập đàn tràng, thầy cho một số đệ tử về chứ thầy không về.

Trường hợp GS Trần Quốc Vượng, tôi không dám khẳng định ông bị “Thánh vật”. Theo tôi, đây là vấn đề tâm linh, chỉ có thể ghi nhận bằng cảm quan từng người. Trường hợp ông Đỗ Kim Ngọc (Giám đốc Bảo tàng Hà Nội) được chúng tôi báo cáo sớm muộn đến đâu thì như tôi đã nói trên.

Nguyên Bảng - Chiêm Thơ

Xung quanh vấn đề “Thánh vật ở sông Tô Lịch”, Tiền phong dự kiến sẽ có bài viết tiếp theo. Tuy nhiên, vì lý do khách quan, Tiền phong sẽ ngừng đăng toàn bộ các bài viết liên quan đến vấn đề này.
Kính mong bạn đọc thông cảm.

Tiền phong
RANDOM_AVATAR
binhan
 
Bài viết: 45
Ngày tham gia: Thứ 7 26/05/07 19:58
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến10 khách

cron