Nghệ thuật sân khấu cải lương

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về phương pháp luận và phương pháp học tập và nghiên cứu văn hoá học...

Nghệ thuật sân khấu cải lương

Gửi bàigửi bởi thanh quang » Thứ 7 07/06/14 21:55

Mỗi người dân sinh sống và làm việc ở vùng đất Nam bộ, hẳn ai mà không biết một loại hình sân khấu độc đáo được thai ngén trên quê hương của con sông Chín nhán phù sa. Mỗi khi có gánh hát về làng thì từ già trẻ, bé trai náo nức tìm mọi cách để xem cho được vở này, vở nọ hay ca sĩ này, ca sĩ kia. Dường như có một thời nó là nguồn sống văn hóa tinh thần của cả một vùng đất Phương Nam. Nó vùng lên như bảo táp tinh thần và khai sáng ra một nghệ thuật mới hợp thời thế, hợp với đông đảo công chúng, rồi dần dần nó khẳng định tên tuổi và vị thế của mình trên làng nghệ thuật sân khấu Việt Nam, rồi nó lại bay cao, xa hơn đến với các nước trên thế giới.
Thế vậy, mà được bao người tìm hiểu xem nó được sinh ra trong hoàn cảnh nào, những gian truân trong bước đầu của sự trưởng thành, hay loại hình nghệ thuật này có những đặc điểm gì mà chỉ trong một thời gia ngắn nó lại đứng ngang hàng với những nghệ thuật sân khấu khác từng nổi đình, nổi đám và có lịch sử hàng trăm năm như tuồng, chèo....

SỰ HÌNH THÀNH CỦA SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG
Sân khấu cải lương được hình thành trong những năm 10 của thế kỷ 20. Nó là sản phẩm tất yếu của hoàn cảnh xã hội Việt Nam, chính xác hơn là xã hội Nam bộ lúc bấy giờ. Chính vì vậy nó trưởng thành rất mau. Khoảng vài ba năm đầu thập kỷ 20, nó còn đang chập chững những bước đầu tiên. Năm 1931 nó đã chính thức được giới thiệu ở ngoài nước với danh nghĩa một loại hình ca kịch hiện đại ngang hàng tuồng chèo đã có nhiều thế kỷ lịch sử. Nó ra đời đã thu hút được đông đảo khán giả và hát bội chịu phận thua kém. Từ Nam kỳ nó bắc tiến và tuồng chèo dần dần nhường bước. Tên tuổi các soạn giả, diễn viên của sân khấu cải lương vượt nổi lên và lấn át tên tuổi các nghệ sĩ hát bội, tuồng, chèo. Ở Nam Bộ, các nơi của sân khấu cải lương, kịch nói hầu như không chen chân vào được. Trong gần một thế kỷ qua sân khấu cải lương vượt xa các loại hình sân khấu khác về thế mạnh, có thời kỳ nó giữ địa vị độc tôn. Cho đến những năm 1976 – 1986 nhất là ở Nam Bộ, sân khấu cải lương thu hút khán giả nhiều lần hơn các loại sân khấu khác. Chỉ kém có điện ảnh. Trong những năm 1985 – 1987 nó vẫn đang ở vị thế đi lên, trong khoảng thời gian này có nhiều người nhận định rằng: sân khấu cải lương chưa định hình, như vậy cũng có nghĩa là nó còn nhiều tiềm lực, còn nhiều khả năng phát triển đến chỗ ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Ta hãy cố gắn tìm về nơi cội rễ, nơi xuất phát của sân khấu cải lương, và ta sẽ gặp được những sự kiện xã hội, những dòng lịch sử có ảnh hưởng đến sân khấu cải lương sau : Nam Bộ (xứ Nam Kỳ cũ) vốn có một phong trào ca nhạc tài tử. Nó là sự phát triển của phong trào đàn cây. Trong các cuộc tế lễ, ma chay người ta mời ban nhạc đến diễn tấu, những nhạc công chỉ dùng các nhạc cụ nhẹ (đàn cây) không dùng các loại trống, kèn và các loại nhạc cụ gõ khác và chơi một số bài bản của nhạc lễ có viết thêm lời ca và một số bài bản của nhã nhạc từ Cung đình Miền Trung đi vào.
Phong trào này dần dần phát triển sâu rộng khắp toàn dân. Nhạc cụ được bổ sung, cải tiến. Người ta thêm vào các bài ca nhạc dân gian hoặc sáng tác thêm những bài bản mới.
Các địa phương có những ban ca nhạc tài tử nổi tiếng các danh cầm như: Ba Đại, Hai Trì, Nhạc Khi, Năm Triều, Bảy Triều, Ký Quờn, Sáu Thoàn, Năm Tịnh, Mười Còn, Cao Quỳnh Cư…và các danh ca như : Ba Đắc, Bảy Lung, Ba Niêm, Hai Nhiều, Hai Cúc, Ba Diêu, Tám Sâm, Bảy Dõng, Bảy Kiên, Ba Lễ… tiếng tăm đồn đại khắp nơi. Phong trào ca nhạc tài tử lôi cuốn mọi lứa tuổi, nhất là công chức, nông dân, công nhân, thợ thủ công…
Các ban nhạc tài tử có những sinh hoạt thường xuyên với nhau để trao đổi tài nghệ, học hỏi kinh nghiệm và ngẫu hứng sáng tác những bài bản mới, tìm những hình thức diễn tấu để ban nhạc mình hay hơn những ban nhạc khác, từ đó sinh ra cái gọi là ca-ra-bộ.
Bằng vào trí nhớ những người kể lại về sự xuất hiện của ca-ra-bộ có nghĩa là vừa ca vừa ra bộ (làm điệu bộ). Vì trước đó ca nhạc tài tử chỉ là ca nhạc thính phòng. Thời ấy ở Mỹ Tho có ban nhạc tài tử của Nguyễn Tống triều (Tư Triều gồm có Tư Triều chơi đàn kìm (đàn nguyệt). Chín Quán chơi đàn độc huyền (đàn bầu) , Mười Lý thổi tiêu, Bảy Võ chơi đàn cò (đàn nhị), có Hai Nhiễu chơi dàn tranh (đàn tập lục) , Cô Ba Đắc ca, ban nhạc tài tử này được nhiều người hâm mộ. Chủ nhà hàng Minh Tân khách sạn Mỹ Tho nhờ ban nhạc này đến giúp vui cho khách ăn hàng, vì thích nghe nên khách đến nhà hàng rất đông.
Thấy vậy chủ rạp chiếu bóng ca-di-no muốn lôi cuốn khách đến xem, bèn mời ban nhạc mỗi tối thứ tư và thứ bảy đến trình diễn ca nhạc trước khi chiếu phim. Người đàn và người ca ngồi trên bộ ván bày trên sân khấu.
Thế là ca nhạc tài tử thính phòng đã ra mắt công chúng và lên sân khấu.
Chủ nhà hàng Cửu Long Giang ở Sài Gòn, nge tiếng bèn mời ban nhạc Ngyễn Tống Triều lên trình diễn ở Sài Gòn, cứ thế cách trình diễn ca nhạc theo kiểu ca-ra-bộ được phổ biến trong nhiều tỉnh, thành.
Lê Văn Thuận người ở Sađéc nhân đó có sáng kiến lập một gánh trình diễn xiếc và ca nhạc.
Ca-ra-bộ là quá độ từ ca nhạc tài tử sang sân khấu cải lương.
Bước sang thế kỷ 20, thực dân Pháp cho rằng việc xâm lược và bình định các nước Đông Dương căn bản đã hoàn thành. Nó đẩy sang giai đoạn khai thác. Do công cuộc khai thác thuộc địa này, trong xã hội Việt Nam có thay đổi về cơ cấu. Một số giai cấp tầng lớp mới xuất hiện.
Đầu tiên một số người đứng lên bao thầu các công việc như: làm đường sá, cầu cống, xây dựng trại binh, đồn bót, nhà cửa, cung cấp luong thực, nguyên liệu, làm đại lí phân phối hàng hóa …cũng có một số người từ chổ làm cho Pháp, tách ra kinh doanh riêng, làm chủ một số ngành sản xuất kinh doanh, đến thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất, bọn Tư bản Pháp bị mắc kẹt ở Pháp, việc chuyên chở nguyên liệu, hàng hóa từ các thuộc địa về nước Pháp và ngược lại gặp nhiều khó khăn. Giai cấp tư sản Việt Nam (có cả thợ thủ công, tiểu thương, học sinh các trường Pháp…) được hình thành và lớn mạnh. Những người này ít nhiều ảnh hưởng văn hóa Pháp.. Từ năm 1863 đã có “gánh hát Tây” sang trình diễn ở Sài Gòn, nhà hát thành phố được khánh thành vào ngày 1/1/1990 được khánh thành, từ đó có nhiều đoàn kịch, ca nhạc từ nước Pháp, từ Châu Âu sang trình diễn ở Sài Gòn, họ so sánh sân khấu hát bội với sân khấu phương Tây và thấy một đàng cổ hủ quá, một đàn văn minh, chủ trương ải lương sân khấu nước mình nảy sinh từ đấy.
Cải lương với nghĩa thay đổi cho tốt hơn, thực chất là một phong trào tư sản hóa. Và cải lương sân khấu có mấy khuynh hướng sau: Có người muốn đưa kịch nói giống y kịch nói phương Tây lên sân khấu (ở Hà Nội 4/1920), các trí thức ở Sài Gòn, Cần Thơ cũng có những quan niệm giống thế, còn công chúng đông đảo không hoan nghênh. Và nhiều quan niệm khác như: lối biền ngẫu, không có ca, diễn không có nhạc, diễn viên nói như nói lối, không làm điệu bộ; gánh hát của Đốc phủ Bảy hay kịch nói Đức Hoàng Hội do Lê Văn Thuận sáng lập… rồi cũng giải tán…Khuynh hướng thứ ba là tự ca ra bộ, gánh xiếc ca ra bộ của lưu Văn Thuận đi lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành Nam Bộ, sang cả Phnom-Pênh, nơi nào cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Từ Campuchia về gánh của Lê Văn Thuận ghé qua Vĩnh Long tổ chức lại cho tốt hơn, rồi sang trình diễn ở Mỹ Tho tại rạp Châu Văn Tú. Thấy Văn Thuận làm ăn được, Châu Văn Tú bỏ tiền ra mua chuộc các diễn viên có tiếng của Lê Văn Thuận và đón thêm các danh ca, mời Trương Duy Toản làm soạn giả và lập gánh hát lấy tên là Thầy Năm Tú. Gánh của Thầy Năm Tú không dừng lại ở các tiết mục ca ra bộ ngắn mà diễn cả một vở dài, diễn trọn trong một đêm, diễn có khi liên tiếp mấy đêm, thí dụ vở Kim Vân Kiều diễn 3 đêm, Gánh hát của Châu Văn Tú ra mắt khán giả năm 1919 thì cũng năm ấy 3 gánh: Đồng bào Nam, Nam đồng Ban, Tân phước Nam được thành lập và sau đó từ năm 1920 lần lượt nhiều gánh hát lớn nhỏ ra đời, Sân khấu cải lương chính thức trở thành một loại hình ca kịch dân tộc mới.
ĐẶC ĐIỂM CỦA SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG
Năm 1920 đoàn hát Tân Thinh ra mắt khán giả, Tân Thinh không dùng tên gánh mà dùng tên đoàn hát và ghi rõ đoàn hát cải lương với bản hiệu có treo đôi liễn như sau:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Như trên đã nói cải lương vốn là một động từ mang nghĩa dùng thường trở thành một danh từ riêng. Cải lương có nghĩa là thay đổi cho tốt hơn.
Nói thay đổi tức là so sanh từ hát bội. Thay đổi cả về mặt tuồng tích lẫn hát ca theo hương văn minh tiến bộ lúc bấy giờ, tức là theo hương tư sản hóa, sân khấu cải luong là một loại hình sân khấu khác hẳn với hát bội cả về nội dung vở soạn lẫn nghệ thuật trình diễn.
1/ Bố cục:
Sân khấu ca kịch cổ truyền hát bội (tuồng) chèo vốn là sân khấu kể chuyện. Mở đầu có một bài hát giáo đầu trình bày tóm tắc cốt truyện sẽ trình diễn, bình luận ý nghĩa và rút ra bài học về luân lý đạo đức, sau đó lần lược mỗi nhân vật ra tự giới thiệu tên họ, nghề nghiệp. Trên sân khấu các lớp lang từ đầu đến cuối trọn vẹn theo trình tự thời gian. Nếu là một cốt truyện dài, thí dụ Tam Quốc hay San Hậu thì sẽ diễn liên hồi, nghĩa là mỗi buoi3 diễn một đoạn hoàn chỉnh. Sở dĩ có lối bố cục này vì các vở tuồng soạn theo các truyện mà lối viết truyện xưa của Trung Quốc và của Ta là chuyện kể kiểu chương hồi, mỗi chương hồi là một phần trọn vẹn của truyện.
Các soạn giả đầu tiên của sân khấu cải lương vốn là soạn giả của sân khấu hát bội. Nhưng các soạn giả thuộc lớp kế tục thì nghiêng hẳn về cách bố cục theo kịch nói: Vở kịch được phân thành hồi, màn, lớp, có mở màn, hạ màn, theo sự tiến triển của hành động kịch. Vai trò của soạn giả, đạo diễn không lộ liễu trước khán giả mà ẩn sau nhân vật.
Ban đầu các vở viết về các tích xưa (mà người ta quen gọi là tuồng Tàu) có khi còn giữ ít nhiều cách bố cục phảng phất hát bội, nhưng các vở về đề tài xã hội mới (gọi là tuồng xã hội) thì hoàn toàn theo kiểu bố cục của kịch nói. Càng về sau thì bố cục của những vở cải lương (kể cả các vở về đề tài xưa cũng theo kiểu bố cục của kịch nói).
2/Đề tài và cốt truyện:
Trên sân khấu hát bội, tuyệt đại đa số các vở đều soạn theo các truyện Trung Quốc: tam Quốc, Phong Thần, Thuyết Đường, Đông Châu Liệt Quốc (Có tài liệu là Đông Chu), Ngũ hổ Bình Tây…Cũng có vở rút từ trong lịch sử nước Ta do các nhà trí thức Nho học soạn nhưng không phổ biến lắm (Đông A Sông Phụng của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, về lịch sử đời Trần, tuồng Ông Nguyễn Trãi của Nguyễn Thục Khiêm…)
Các vở cải lương thì ngay từ ban đầu khai thác các truyện Nôm của Ta như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên hoặc những truyện trong khung cảnh xã hội Việt Nam.
Sau đó chiều theo thị hiếu của khán giả sân khấu cải lương cũng có một số vở soạn theo các truyện, tích của Trung Quốc đã được đưa lên sân khấu hát bội và được khán giả rất ưa thích như: Xử án Bàng Quý Phi, Thôi Tử thí Tề quân, Mạnh Lệ Xuân… Nhưng dù cùng một cốt truyện sân khấu cải lương vẫn khai thác khác với hát bội: Hát bội khai thác mặt đạo lý phong kiến và cải lương khai thác mặt trữ tình nhiễm ảnh hưởng ý thức hệ tư sản nhiều hơn.
Sau này nhiều soạn giả, kể cả các soạn giả xuất thân từ tân học như Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) cũng soạn vở dựa vào truyện xưa của Trung Quốc hoặc dựng nên những cốt truyện với nhân vật, địa danh có vẽ của Trung Quốc nhưng những cảnh ngộ, tình tiết thì là của xã hội Việt Nam.
Cũng như một số soạn giả muốn những cốt truyện của kịch, tiểu thuyết, điện ảnh của Phương Tây như: “Tô Ánh Nguyệt” phóng tác theo phim BACK STREET, “Tơ vương đến thác” phóng tác theo kịch LA DAME AU CAMELIAS, “Áo người quân tử” phóng tác theo truyện phim TRISTAN ET JSUELT…Nhưng cốt truyện nhân vật đều là Việt Nam hóa.
Còn những vở gọi là tuồng xã hội thì được đưa vào những câu truyện của xã hội Việt Nam
3/ Ca nhạc:
Các loại hình sân khấu như hát bội (tuồng), chèo, cải lương gọi là ca kịch, cái tên ấy rất đúng, vì ở đây ca hát giữ vai trò chủ yếu. Là ca kịch chứ không phải là nhạc kịch, vì soạn giả không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo các bản nhạc cho phù hợp với các tình huống sắc thái tình cảm.
Sau này ngoài những bài bản có sẳn, các nhạc sĩ cũng soạn thêm những bản mới cũng theo âm ngũ cung. Đến khi một số bài hát Âu-Mỹ-Nhat65mqua điện ảnh, dĩa hát cũng được một số công chúng ưa thích thì một số soạn giã mược điệu đặt đưa vào sân khấu cải lương. Những bản nhạc này chỉ rộ lên trong một thời gia ngắn, không tồn tại được lâu.
Rồi cũng có nhạc sĩ chủ trương sáng tác nhạc mới có dựa theo âm điệu nhạc cải lương. Sáng kiến này được đem thể nghiệm trong một số vở, nhưng có người tán thành, có người phản đối, nhất là các nghệ sĩ lớp trước của sân khấu cải lương thì phản đối quyết liệt. Như vậy nói chung về ca nhạc, sân khấu cải lương sử dụng cái vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú của Nam Bộ. Trên bước đường phát triển nó có bổ sung thêm một số bài bản mới (như bài Dạ cổ hoài lang, sau này mang tên vọng cổ là một dân ca nổi tiếng của sân khấu cải lương). Nó cũng gồm một số điệu ca vốn là nhạc Trung Quốc nhưng đã được phổ biến từ lâu trong nhân dân Việt Nam, đã Việt Nam hóa.
Soạn vở trên những điệu nhạc có sẵn như vậy đòi hỏi sự sắp xếp khéo léo và sáng tạo. Thí dụ trong một lớp kịch có hai nhân vật cha và con gái. Người cha tức giận mắng con thì ca kim tiền bản, con gái năn nỉ van xin thì ca theo điệu Văn thiên trường. Có khi ở một nhân vật có diễn biến tình cảm từ trạng thái này sang trạng thái khác, soạn giả sẽ dùng cách ghép bài ca. Nhưng cũng có lớp hai nhân vật tâm trạng khác nhau mà lại tiếp nối nhau ca chung một điệu. Sở dĩ làm như thế được vì mỗi bản đều có thể đàn hai điệu Xuân và Ai, đàn Xuân thì vui, đàn Ai thì buồn.
Tuy là ca kịch nhưng cũng có nói xen vào hát, diễn viên chỉ nói trong những trường hợp đối đáp ngắn gọn. Những lớp hề thường nói nhiều hơn. Nhưng với những lời nói có nội dung trữ tình nhiều, hoặc sắp bắt vào ca thì diễn viên không nói bình thường mà nói ngân nga trầm bổng có nhạc đệm: nói như vậy gọi là nói lối. Trong các vở viết thì về đề tài xã hội vì gần với kịch nói – phần nói tương đối nhiều hơn, tự nhiên hơn.
Về nhạc cụ thì khi ban nhạc tài tử hòa tấu ở thính phòng thường sử dụng:
1 đàn nguyệt (đàn kìm) – 1 nhị (đàn cò) – 1 tỳ bà – 1 đàn bầu – 1 đàn tranh (thập lục) – 1 sáo – 1 tiêu khi có người ca thì thêm đôi phách. Khi đã thành một loại hình sân khấu thì cải luong tổ chức dàn nhạc hồi đầu gồm có: 1 trống ban, 1 song lang, đôi não bạt, 1 đồng la, nhị hồ gáo, đàn nguyệt, đàn tam, đàn đoản, đàn tranh, sáo, tiêu, kèn củn, năm sau này có bổ sung thêm: đàn bầu, tam thập lục, đàn sến và 2 cây đàn nước ngoài được cải biến: đàn ghi ta ết-pa-nhôn (tây ban cầm), Vi-ô-lông (vĩ cầm).
4/ Diễn xuất:
Ta nhớ là ca nhạc tài tử thông qua ca ra bộ mà thành cải lương cho nên diễn xuất (ra bộ) là một yếu tố quan trọng của sân khấu cải lương.
Diễn xuất của hát bội là theo phương pháp tượng trưng ước lệ. diễn xuất của cải lương theo phương pháp hiện thực. Nếu trong các vở về đề tài xưa, diễn xuất diễn viên ít nhiều còn tượng trưng ước lệ ấy là vì do ảnh hưởng của hát bội. Ảnh hưởng này là do mấy nguyên nhân: một là vì đề tài và nhân vật giống như đề tài và nhân vật hát bội, cho nên diễn viên đi đến chỗ bắt chước cách diễn xuất, hai là một số diễn viên vốn là diễn viên hát bội nên họ lặp lại cách diễn xuất quen thuộc và khi đào tạo lớp diễn viên trẻ, họ dạy theo cách của họ. Dù có những nguyên nhân vừa kể chi phối, tính ước lệ tương trưng trong diễn xuất của diễn viên cải lương vẫn không đậm đặc như hát bội, vẫn nghiên về phương pháp hiện thực.
Cách hóa trang của hát bội làm cho mặt mũi diễn viên như một chiếc mặt nạ nói lên tính cách của nhân vật: mặt tướng trung, mặt tướng nịnh, mặt yêu (hồ ly)… diễn viên không thể biểu lộ tình cảm bằng bộ mặt ấy. Diễn viên cải lương cũng hóa trang nhưng chỉ là thoa son tô đồi phấn, vẽ mày…cho uy nghi, diễm lệ hơn, hoặc là già hơn nếu là diễn viên trẻ đóng vai nhiều tuổi…những diễn biến tình cảm của nhân vật được diễn viên tả bằng nét mặt của mình.
Về động tác thì diễn viên hát bội làm động tác điệu bộ màu mè theo những nguyên tắc nhất định: quan văn trung thì vuốt râu nhịp nhàng, quan võ trung thì cầm ngọn râu phía dưới rồi hất qua một bên, vai nịnh thì hai tay ôm bộ râu vuốt xuôi xuống… giận thì cầm miếng gỗ hay bình rượu đập chan chát xuống bàn, buồn thì đưa tay gạt ngang mặt…
Diễn viên cải lương diễn xuất tự nhiên hơn, nhất là khi diễn các vở về đề tài xã hội thì diễn viên diễn xuất như kịch nói. Khác với chỗ kịch nói đáng lẽ nói, diễn viên ca, cho nên cử chỉ điệu bộ cũng uyển chuyển, mềm mại theo lời ca, không như cử chỉ điệu bộ của diễn viên kịch nói, dù sao cũng gần với hiện thực chứ không cường điệu như hát bội.
Trong ca kịch, ca thường đi với múa. Hát bội có múa bội. Khi nhân vật là tướng võ hoặc trong những lớp đánh nhau thì có múa võ nữa (diễn võ).
Cải lương cũng có múa và diễn võ. Trong các vở viết về đề tài xưa (cũng là các đề tài đã được đưa lên sân khấu hát bội) thì múa và diễn võ cũng bắt chước hát bội nhưng nhằm mục đích làm đẹp nhiều hơn cho nên không bị gò bó trong quy cũ như hát bội. Do đó diễn viên có điều kiện sáng tạo nhiều hơn. Nói chung trên sân khấu cải lương múa là cách diễn những động tác trong sinh hoạt để hài hòa với bài ca chứ không phải là hình thức bắt buộc.
Về diễn võ thì hát bội là võ tượng trưng, những lớp giao đấu trên sân khấu chỉ là những lớp biểu diễn. Với sân khấu cải lương trình bày võ thuật có khuynh hướng hiện thực, gươm đao không phải bằng gỗ như hát bội mà bằng sắt mạ sáng loáng. Diễn viên thì tìm thấy luyện võ thật sự có lúc một số người đã rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Trên sân khấu đã có những lần diễn viên bị thương tóe máu. Trong các vở về đề tài xã hội, cũng theo khuynh hướng ấy, người ta diễn những trận đấu dao găm rùng rợn.
5/ Y phục – Trang trí.
Y phục, phong cảnh trên sân khấu hát bội mang tính ước lệ cho nên đã được quy định thành những công thức bất di bất dịch và đơn giản. Khán giả hình dung ra hoàn cảnh không gian và thời gia của lớp kịch qua lời nói và diễn xuất của diễn viên. Sân khấu cải lương chú trọng nhiều đến trang trí – phong cảnh đồ vật bày trên sân khấu, cố gắng gây cho khán giả cái cảm tưởng chứng kiến cảnh thật.
Về Y phục, trong các vở về đề tài xã hội diễn viên ăn mặc như nhân vật ngoài đời. Trong các vở về đề tài lịch sử, dân tộc, về các truyện cũ của Trung Quốc, phóng tác từ những câu chuyện hay các vở kịch của nước ngoài thì y phục của diễn viên cũng được chọn lựa để gợi ra xuất xứ của cốt truyện và của nhân vật, nhưng cũng chỉ mới có tính là ước lệ thôi chứ chưa đúng với hiện thực.
RANDOM_AVATAR
thanh quang
 
Bài viết: 34
Ngày tham gia: Thứ 4 04/06/14 14:00
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Nghệ thuật sân khấu cải lương

Gửi bàigửi bởi Đỗ Dũng » Chủ nhật 26/02/17 3:01

Hoan nghênh bạn có tinh thần nghệ thuật dân tộc và lòng yêu mến Cải lương nên mới chịu khó viết bài này theo tài liệu. Dù vậy, về đặc điểm bạn theo một số bài viết trên mạng là không đúng, chỉ theo cảm tính, bạn không có lý tính để phân tích đặc điểm của nó.
RANDOM_AVATAR
Đỗ Dũng
 
Bài viết: 82
Ngày tham gia: Thứ 4 22/02/17 18:05
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần


Quay về Phương pháp học tập và nghiên cứu VHH

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến147 khách