Vai trò của thiên nhiên trong đời sống

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tận dụng MTTN, văn hoá đối phó với MTTN, vấn đề văn hoá & môi trường...

Vai trò của thiên nhiên trong đời sống

Gửi bàigửi bởi tialia » Thứ 5 09/10/08 10:20

[center]Vai trò của thiên nhiên trong đời sống
của người Nhật
[/center]

Nhật Bản là đất nước có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp thay đổi độc đáo theo sự tuần hòan của bốn mùa trong năm. ‘Đó là một “cửa hàng của thời tiết” trưng bày mọi sản phẩm qua những biến đổi tinh vi của bốn mùa’ [ Nhật Chiêu, 1997, 5]. Phương thức sản xuất truyền thống của người Nhật là nông nghiệp. Nền nông nghiệp thiên về âm tính đã rèn đúc lòng tôn trọng tự nhiên, tình yêu thiên nhiên và ước vọng sống hài hòa với tự nhiên .
1. Tôn trọng tự nhiên
Thần đạo (Shinto), tôn giáo bản địa đầu tiên của người Nhật Bản khởi đầu với khái niệm “kami” là những gì siêu việt và tồn tại trong thiên nhiên như những năng lực sáng tạo. Đó là quyền lực thiên nhiên có trong con người và có trong cây cỏ, sông núi … “Thần đạo trong yếu tính của nó, là tôn thờ kami như thiên nhiên và tôn thờ thiên nhiên như kami” [Lương Duy Thứ, 239]. Tình yêu thiên nhiên là nền tảng hình thành những triết lý trong tín ngưỡng Thần đạo và những triết lý này càng khắc sâu tình yêu thiên nhiên vào tâm thức con người Nhật Bản.
Người Nhật Bản thần hóa các yếu tố thiên nhiên như mặt trời, ngọn núi, cái cây và trực tiếp thờ phụng những cái đó. Người Nhật tự nhận mình là con cháu của nữ thần mặt trời. Từ xa xưa, người Nhật bản đã xem đỉnh núi Fuji - ngọn núi cao nhất và đẹp nhất Nhật Bản - là núi thiêng, thậm còn có người sùng bái nó như một vị thần. Tu sĩ Watanabe Shin tại đền thờ Fuji-san Hongu Sengen đã đưa ra lời khuyên “Nếu bạn đến đây, hãy nhớ uống nước từ những con suối tự nhiên, bạn sẽ thực sự cảm nhận được ân huệ của tạo hóa”
2. Tình yêu thiên nhiên
Tình yêu thiên nhiên của người Nhật không chỉ thể hiện qua nhu cầu tìm đến với thiên nhiên mà còn trong mong muốn mang thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày.
2.1 Nhu cầu thưởng thức thiên nhiên
Ở Nhật Bản, thưởng thức thiên nhiên là một nhu cầu mang tính cộng đồng chứ không còn giới hạn trong sở thích của từng cá nhân. “Luôn khám phá cái đẹp cùng với sự gần gũi với thiên nhiên là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn của thơ ca và hội họa … trong văn hóa Nhật Bản” [Đỗ Lộc Diệp, 2003, 347]. Người Nhật có những lễ hội nhằm thoả mãn nhu cầu thưởng thức cảnh quan tươi đẹp của thiên nhiên trong đó nổi bật nhất là hai lễ hội: hana-mi (ngắm hoa đào mùa xuân) và Momiji-kari (ngắm cây thích). Mùa xuân là mùa hoa anh đào nở vào mùa xuân. Khi gần đến thời điểm hoa anh đào nở rộ thì các gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cũng đã sẵn sàng cho các cuộc dã ngoại dưới hoa. Mỗi người đều mang theo một món ngon gì đó đến cuộc vui này để cùng liên hoan với nhau. Ta có thể thấy tầm quan trọng của hana-mi qua vốn từ vựng phong phú liên quan đến sự kiện này: hatsu-hana (lúc khai hoa), hoặc hatsu-zakura (những hoa anh đào đầu tiên), hana-mi bento (hộp cơm trưa phục vụ cho các cuộc vui ngắm hoa anh đào), hana-mi sake (rượu uống khi ngắm hoa anh đào), hana-goromo (trang phục dành cho dịp này). Khi mùa thu đến, lá cây thích chuyển sang sắc vàng, sắc đỏ. Người Nhật lại nô nức đến những thắng cảnh nổi tiếng để được ngắm nhìn màu sắc mùa thu trên các cành cây. Người Nhật gọi dịp này là Momiji-gari
Hình ảnh
2.2 Sự mô phỏng thiên nhiên
Tình yêu thiên nhiên được thể hiện trong sự mô phỏng thiên nhiên. Trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, kiến trúc vườn và nhiều loại hình nghệ thuật khác thể hiện cách nhìn thiên nhiên của người Nhật. Bản chất của nghệ thuật này là sự mô phỏng thu nhỏ thiên nhiên như nó vốn có . [Nakayama Kaneyoshi, 2005, 110]. Thiên nhiên xuất hiện trên sân kịch Noh qua hình ảnh cây thông xanh, qua những âm thanh phụ họa mô phỏng tiếng sấm, tiếng mưa, tiếng sóng vỗ hay hình ảnh cây anh đào, cây tre trên sân khấu kịch Kabuki.
3. Ước vọng sống hài hòa với tự nhiên
Nhìn từ góc độ gốc văn hóa, ta có thể thấy thiên nhiên có vai trò hết sức quan trọng với những cư dân nông nghiệp lúa nước. Cuộc sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào những biến đổi của môi trường tự nhiên. Vì vậy người Nhật Bản cũng như những cư dân của các nền văn hóa gốc nông nghiệp khác trong tâm thức đều mong muốn sống hòa hợp với tự nhiên. “Hòa mình và đồng nhất với thiên nhiên là xúc cảm tiềm ẩn trong cội nguồn đời sống tinh thần của người Nhật Bản”. [Nakayama Kaneyoshi, 2005, 12]. Người Nhật Bản “sống trong thiên nhiên và thiên nhiên sống trong họ trong một mối giao tình và hòa điệu thâm sâu” [Nhật Chiêu, 1997, 13]
Không có một sự đối nghịch hay phân ranh nào giữa con người với thế giới tự nhiên. “Tinh thần hợp tác, chứ không phải là mối quan hệ đối kháng được phát triển giữa người Nhật và môi trường tự nhiên xung quanh” [Eiichi Aoki, 2006, 380] .Người Nhật tin tưởng rằng có những năng lực kỳ diệu đang lưu chuyển trong thiên nhiên và lưu chuyển trong bản thân họ. Trong nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản (Ikebana) thiên nhiên và người cắm hoa hoà thành một. Sự hài hoà của yếu tố thiên - địa – nhân về bản chất là tính nghệ thuật thật sự của Ikebana.
Hình ảnh
Ước vọng sống hài hòa với thiên nhiên thể hiện rõ nét nhất trong sự chú trọng đến những chuyển đổi mùa trong năm. Do yêu cầu của họat động nông nghiệp cùng với thực tế khí hậu chia thành bốn mùa rõ rệt, người Nhật Bản rất chú trọng đến sự thay đổi mùa trong năm. “Câu hỏi đầu tiên mà người Nhật thường tự hỏi một cách vô thức khi đánh giá bất kỳ thứ gì là ‘nó thuộc về mùa nào?’” [Frosco Maraini, 1971, 68]. Sự quan tâm này thể hiện rõ nét trong ẩm thực, trang phục, thi ca, sân khấu … Món ăn được chuẩn bị và bài trí theo mùa. Kimono phản ánh sắc màu thiên nhiên của từng mùa. Một trong những luật thơ của thể lọai thơ Haiku nổi tiếng là phải có yếu tố chỉ một mùa trong năm, có thể không nhất thiết phải nói tên mùa, nhưng phải có từ ngữ liên quan hoặc trực tiếp gợi tả mùa.
III. Thiên nhiên trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Nhật
Tình yêu thiên nhiên được thể hiện hết sức rõ nét và độc đáo trong cách người Nhật ứng xử với môi trường. Những biểu hiện của tình yêu thiên nhiên như: chú trọng đến sự chuyển đổi mùa trong năm, mô phỏng thiên nhiên, khát vọng sống hòa hợp với thiên nhiên đều được phản ánh trong ẩm thực, trang phục và kiến trúc Nhật Bản
1. Ẩm Thực
Hai đặc điểm cơ bản của nghệ thuật nấu ăn truyền thống Nhật Bản là sự mô phỏng tự nhiên và sự chú trọng yếu tố mùa trong năm. Sự mô phỏng tự nhiên thể hiện ở hai khía cạnh trong nghệ thuật nấu ăn: nguyên tắc nấu ăn và cách trình bày món ăn thật thẩm mỹ. Nguyên tắc nấu ăn của người Nhật là món ăn phải có năm hương vị (cay, chua, mặn, đắng, ngọt) và năm màu (trắng, xanh đen đỏ, vàng) phù hợp ngũ hành (năm yếu tố cơ bản tạo nên vạn vật trong trời đất). Quan hệ giữa ngũ hành và nguyên tắc chế biến món ăn Nhật Bản:
Ngũ hành: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ
Hương vị: Cay Chua Mặn Đắng Ngọt
Màu sắc: Trắng Xanh Đen Đỏ Vàng

Còn sự bày trí món ăn sao cho đẹp mắt thì không còn là để tăng yếu tố ngon miệng cho thực khách mà thực sự trở thành một nghệ thuật độc đáo. Người Nhật thưởng thức món ăn không chỉ bằng vị giác mà còn bằng thị giác. “Thức ăn Nhật không phải để ăn mà để ngắm” [Dẫn theo Phạm Công Luận, 1998, 74]. Yếu tố thẩm mỹ trong cách trình bày món ăn Nhật chính là tái tạo lại thiên nhiên. “Món măng hấp trình bày trên dĩa như một mụt măng xúm xít dưới gốc tre … Món cá thu chiên y hệt như một dãy núi có cỏ mọc phía trên … ” [Phạm Công Luận, 1998, 75].
Không chỉ tái tạo thiên nhiên trên bàn ăn, người Nhật còn mang cả sự tuần hòan của bốn mùa trong năm vào bữa ăn. Cách trình bày món ăn có vai trò rất quan trọng: màu sắc, hình dạng, và nguyên liệu phải hài hoà với món ăn và mùa. Yếu tố mùa ảnh hưởng đến ẩm thực Nhật Bản không chỉ ở mức đơn thuần là “mùa nào thức ấy” mà chủ yếu là ở chỗ thức ăn phải phản ánh được cảm quan thiên nhiên của mùa đó. “người ta sắp xếp thức ăn theo cách làm cho màu sắc và bố cục hài hòa, trên đĩa hoặc trong bát phù hợp với từng mùa trong năm, chẳng hạn thủy tinh và trúc được xem là thích hợp trong mùa hè” [Eiichi Aoki, 2006, 489].
http://www.vanhoahoc.edu.vn/imagehost/image/2855.jpeg[/img]
Hình ảnh Hình ảnh
Trà đạo là đỉnh cao nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản. Với người Nhật, trà đạo là một hình thức uống trà để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng, nhằm mục đích hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên. Một trong bảy nguyên tắc của nghi thức trà đạo là phải có sự hiện diện của hoa. Hoa thể hiện tình cảm của chủ nhà trong một buổi tiệc trà. Khi cắm hoa cho một bữa tiệc trà, đầu tiên chủ nhà phải chọn hoa và lọ tương ứng. Hoa được cắm trong một chiếc bình hoặc một cái lọ mộc mạc với phong cách thay đổi theo mùa. Hoa trong phòng trà gợi được cho người ngắm cảm giác như đang đứng giữa khu vườn tự nhiên Wagashi là món bánh truyền thống của Nhật Bản từ lâu đời , thường được làm từ bột nếp, nhân đậu đỏ và hoa quả , được trình bày đẹp mắt, dùng trong các tiệc trà đạo là ví dụ điển hình cho sự tái tạo thiên nhiên theo từng mùa.
Hình ảnh Hình ảnh
2. Trang phục
Mô phỏng tự nhiên và sự chú trọng những chuyển đổi mùa trong năm là hai đặc điểm quan trọng trong trang phục Nhật bản. Ta thấy rõ hai đặc điểm này trên trang phục kimono truyển thống của người Nhật. Các hoa văn trên kimono chính là một bức tranh nghệ thuật phản ánh cảnh đẹp thiên nhiên với đủ mọi sắc thái độc đáo của nó. Ta có thể thấy cả một vườn hoa rực rỡ hay một đàn hạc đang bay trên tà áo kimono.
Người Nhật rất chú trọng đến việc thay đổi kimono cho phù hợp với các mùa trong năm. Yếu tố mùa cũng được phản ánh qua họa tiết và màu sắc của kimono. Sự tinh tế của người mặc nằm ở chỗ phải lựa chọn hoa văn và màu sắc áo phù hợp với mùa. Màu sắc trang phục thường bắt nguồn từ tên của các loài cây cối, hoa lá trong tự nhiên .
Hình ảnh
3.Kiến trúc
Đặc điểm tiêu biểu nhất của kiến trúc Nhật Bản là sự hài hòa với môi trường tự nhiên. “Thay vì phản kháng hay bảo vệ, sự thích nghi và hòa hợp trở thành lập trường cơ bản” [Eiichi Aoki, 2006, 380]. Người Nhật Bản xưa thường xây nhà giữa cây cối chứ không tìm cách phát quang, thích sử dụng những vật liệu tự nhiên, đặc biệt là gỗ, mái lợp bằng vỏ cây hơn là ngói. Vách nhà trong kiến trúc Nhật bản không mang tính bảo vệ trong khi phương Tây lại quan niệm vách là một lọai rào chắn giữa hai môi trường trái ngược như cái nóng mùa mưa và cái lạnh mùa đông. “Người Nhật Bản yêu tự nhiên và tôn trọng vẻ đẹp của và luôn tạo ra sự hài hòa với chúng kể cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất” [Đỗ Lộc Diệp, 2003, 347]
Hướng về tự nhiên là xu hướng chủ đạo trong kiến trúc Nhật Bản suốt chiều dài lịch sử. Ví dụ điển hình là kiến trúc chùa Nhật bản. ‘Sau khi Phật giáo được truyền bá từ lục địa, sự cân đối của các khu chùa chiền Trung Hoa sớm nhường chỗ cho các chùa chiền trên núi có các bố trí bất cân xứng” [David - Michiko Young, 2007, 10]. Mối quan hệ giữa ngôi nhà và môi trường cụ thể nhất là vườn là khía cạnh quan trọng trong thiết kế truyền thống. Người Nhật không xem tách rời không gian nội thất với ngọai thất, vườn và nhà mang tính liên tục. Vì luôn hướng đến tự nhiên nên vườn có vi trí rất quan trọng trong kiến trúc Nhật Bản. “Trong điều kiện nào dù khó khăn về thiên nhiên hoặc chật hẹp về không gian và diện tích … người Nhật luôn cố gắng tạo ra một khoảng nhỏ có hoa, có lá …” [Đỗ Lộc Diệp, 2003, 347]. Khu vườn lý tưởng với người Nhật là phải nằm ở vị trí khi đứng ở khu vực quan trọng có thể thấy được như phòng khách.
Vườn Nhật Bản thường được chia thành hai loại: vườn tự nhiên (natural garden) và vườn tôn giáo (religious garden). Tuy có khác nhau trong cách tạo hình, nhưng hai loại vườn này đều có một đặc điểm chung thống nhất là đều là sự tạo dựng lại cảnh quan thiên nhiên dưới dạng trực tiếp hay liên tưởng. Đối với vườn tự nhiên, “sân vườn cũng tạo nên cảnh núi non giao hòa với thiên nhiên, và nếu có thể nó được thể hiện nét khác nhau theo mùa, như cây cỏ đặc trưng của mùa hè, những chiếc lá sắc màu khi vào thu, tuyết phủ trên những cái đèn lồng lúc đông về và hoa lá khi xuân” [David - Michiko Young, 2007, 203]. Người Nhật đã phát triển được một phong cách thiết kế vườn riêng biệt: bố trí ao hồ, những hòn đảo tí hon và các mô đất để tượng trưng cho biển, đảo và núi. Các hòn đảo trong một cái ao phải được đặt lệch nhau với những đường nét uốn éo trông giống như những mảng sương mù.
Vườn tôn giáo thường được cấu thành từ đá, sỏi, cát trắng. Trong vườn đá có thể có cây, hoa và cỏ. Tuy nhiên, sự hiện diện của các loài thảo mộc như thế rất ít, chỉ điểm xuyết đây đó, thường là ngoài rìa. Lớp sỏi hoặc cát trắng được trải rộng ra toàn bộ khu vườn để diễn tả biển. Những hòn đá có hình dáng sù sì, gồ ghề được sắp xếp một cách hài hoà với các độ cao thấp khác nhau nên vẻ đẹp tự nhiên của những hòn đá mọc lên một cách độc lập giữa biển . Tất cả những yếu tố đó được sắp xếp hài hòa theo quan niệm thẩm mỹ Thiền.
Hình ảnh Hình ảnh
Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người Nhật Bản là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc này. Tôn sùng thiên nhiên, yêu thiên hợp nhiên và khát vọng sống hòa hợp với tự nhiên đã trở thành trở thành những thành tố văn hóa có giá trị bền vững trong đời sống của người dân xứ mặt trời mọc. Người Nhật luôn có nhu cầu tìm đến với thiên nhiên, đồng thời luôn muốn đưa thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày. Điều này được phản ánh trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, nhất là trong ba lĩnh vực: ẩm thực, trang phục và kiến trúc. Món ăn của người Nhật phải đẹp theo nghĩa nó mang hình ảnh của thiên nhiên và phản ánh cách cảm nhận những chuyển đối của bốn mùa trong năm. Vẻ đẹp thiên nhiên được tái tạo trên chiếc kimono truyền thống sống động với màu sắc phù hợp với môi trường tự nhiên theo từng mùa. Ngôi nhà của người Nhật, nhất là khu vườn, bên cạnh chức năng chính là không gian sống cũng được thiết kế để thoả mãn nhu cầu thưởng thức và hoà hợp với thiên nhiên của người Nhật Bản. Hiểu được cách cảm nhận thiên nhiên của người Nhật là một trong những bước quan trọng đầu tiên khi tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản.

[center]TÀI LIỆU THAM KHẢO[/center]
I. Tài liệu tiếng Việt
1. David – Michiko Young (người dịch Lưu Văn Hy), Kiến trúc Nhật Bản 2007, NXB Mỹ Thuật, 221tr.
2. Đỗ Lộc Diệp (chủ biên), Mỹ - Âu - Nhật, Văn hóa và phát triển, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội,2003, 459 tr.
3. Eiichi Aoki (chủ biên), Nhật Bản đất nước và con người 2006, NXB Văn học, 500tr.
4. Lương Duy Thứ (chủ biên), Đại cương văn hóa phương Đông 1996, NXB Giáo Dục, 316 tr.
5. Nhật Chiêu, Nhật Bản trong chiếc gương soi 1997, NXB Giáo Dục, 204tr.
6. Phạm Công Luận – Asako Kato, Những sắc màu Nhật Bản 1998, NXB Trẻ, 135 tr.
7. Trần Ngọc Thêm, Tập bài giảng môn Văn hóa quản trị kinh doanh, lưu hành nội bộ.
8. Tạp chí Nipponia – Tìm hiểu Nhật Bản , số 35
II. Tài liệu tiếng Anh
9. Frosco Maraini, Japan - Pattern of Continuity 1971, Kodansha, 240tr.
10. Nakayama Kaneyoshi, Pictoral Encyclopedia of Japaneses Culture – The Soul and Heritage of Japan 2005, Gakken CO., LTD, 130tr.
11. Japan As It Is

III. Website
1. vietsciences.free.fr: Ikebana nghệ thuật cắm hoa http://vietsciences.free.fr/timhieu/ngh ... kebana.htm
2. tienve.org: Những cực đoan đầy thi tính http://www.tienve.org/home/literature/v ... orkId=5967
RANDOM_AVATAR
tialia
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 5 11/09/08 8:23
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Vai trò của thiên nhiên trong đời sống

Gửi bàigửi bởi bea » Thứ 3 31/03/09 20:03

abc, :mrgreen:
Hình đại diện của thành viên
bea
 
Bài viết: 38
Ngày tham gia: Thứ 2 01/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Vai trò của thiên nhiên trong đời sống

Gửi bàigửi bởi candy » Thứ 7 11/04/09 20:21

Cảm ơn bạn đã cung cấp cho mình một thông tin khá thú vị nha! :P :P
candy
 
Bài viết: 66
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/11/08 11:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Vai trò của thiên nhiên trong đời sống

Gửi bàigửi bởi baoquyen_lt » Thứ 6 08/05/09 23:39

Bài viết của bạn quả là có một sự đầu tư rất lớn.Mình Rất phục.Tuy nhiên mình cũng có ý kiến thế này:
Trong bài viết này bạn đã vẻ ra cho người đọc những cảnh trí rất tươi đẹp,bạn đã cho mọi ngưòi thấy dược những giá trị to lớn mà thiên nhiên đã mang lại cho con người.Nhưng bạn đã quên rằng bên cạnh những cái đẹp,cái tốt mà bạn đã cho chúng mình thấy thì đó còn là những mặt tiêu cực mà thiên nhiên nó mang lại cho con ngưòi nữa chứ.Bạn chưa nói về điều này
RANDOM_AVATAR
baoquyen_lt
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 3 14/04/09 20:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron