Nghĩ từ con trai

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tận dụng MTTN, văn hoá đối phó với MTTN, vấn đề văn hoá & môi trường...

Nghĩ từ con trai

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Chủ nhật 28/10/07 10:06

Phần 1: Những trăn trở từ con trai
Lẽ tất nhiên, tôi không thích là loài nhuyễn thể sống ẩn mình giữa hai lớp vỏ giáp xác, không thích thả trôi đời vô vị nơi đáy nông của vùng biển cạn, sống nhờ những hạt phù du lơ lửng trong dòng hải dương. Tôi lại càng không thích phải mang trong mình những vết thương cụ thể về mặt thể xác, hay những nỗi đau vô hình về mặt tinh thần. Những vết sẹo qua năm tháng vẫn gợn lên mỗi khi trở mình, nhắc rằng tôi đã có khi từng bị tổn thương, đau buồn, xót xa, sứt mẻ, mất mát.
Nhưng tôi thán phục cái cách mà con trai "tâm ngẩm tầm ngầm" kia đã ung dung biến vết thương hay nỗi đau điếng thân của nó thành châu thành ngọc. "Phép màu" nào khi con tạo vần xoay bỏ công chơi một trò phiêu diêu, kỳ thú đến như vậy?! Một hạt cát nhỏ nhoi, một chút phù du vướng vất, cọ xát trong thân con trai, qua tháng năm bao lớp xà cừ bao phủ đầy lên, đã trở nên đáng giá. Như trong sâu thẳm đại ngàn, những cây gió bệnh lại chính là cây có kỳ nam hay trầm hương thơm ngát, tỉ lệ hiếm hoi trong thiên nhiên là cứ 3 tấn trai thì chỉ có 3, 4 con sẽ có những viên ngọc hoàn hảo. Những viên ngọc trai thật cũng có "phẩm chất cao quý" của vàng: lửa đốt không cháy, mài vào nhau không trầy tróc, hầu như không bị phong hóa bởi những tác nhân bên ngoài.
...
Hẳn rồi trong cuộc đời, có những khi bạn đang yên đang lành bỗng dưng lặng người đi, thổn thức, tê tái, ngậm ngùi, trở trăn, than khóc với vết thương hay nỗi đau của chính mình - giống như tôi đã từng (và lẽ tất nhiên không chỉ một lần). Rồi ngay trong khi đã vui vầy, chợt lỡ tay mân mê những vết sẹo trên thân - hữu hình hay nỗi day dứt trong tâm - vô hình, tôi nghe buồn lại ôn thương nhớ xót. Tôi không thể là con trai ngậm ngọc nhả châu. Tôi đời thường, tôi mệt mỏi, tôi xa xót, tôi dằn vặt cho quá khứ, băn khoăn với hiện tại, lo ngại trước tương lai. Tôi nghĩ nhiều qua những gì đã trải, tôi oán những ai đã làm tôi tổn thương, tôi nhớ tôi đã đau, đã thấm ra sao, tôi tưởng vơi lòng khi để rơi nước mắt. Nhưng không!!!
Nghĩ từ con trai, tôi muốn nhìn vết thương hay nỗi đau, vết sẹo hay niềm day dứt của tôi theo một cách khác. Hẳn nhiên, như bao người phàm, tôi cứ không đủ độ lượng, bao dung, từ bi để tha thứ cho những kẻ đã làm tôi tổn thương, suy nhược, đau đớn, không đủ lạc quan, vô tư, hồn nhiên để biết nói... cám ơn cuộc đời với những cơn ốm đau, hao mòn, bệnh tật. Tôi chỉ cố gắng thử thêm nhiều lần, thêm, thêm nữa, xem mình có thể làm được gì để "hóa ngọc" phần nào những điều-không-nguyên-vẹn mà tôi đã không may mắn phải xuôi tay chuốc lấy.

Những viên trân châu long lanh quý giá có hình giọt lệ và những nỗi buồn, nỗi tủi, nỗi đau đằng sau bao nhiêu sướng vui, hân hoan, tươi nguyên thường nhật, bỗng gợi cho tôi phải bâng khuâng suy nghĩ, từ sau khi kết thúc một chuyến đi...
Nghĩ từ con trai, tôi đi tìm câu trả lời cho em!

Phần 2: Tư liệu tham khảo về quá trình tạo ngọc của trai
...

Ngọc trai nuôi và tự nhiên khác nhau ở cách tạo ngọc tự nhiên hay có sự can thiệp của con người. Với cả hai cách, ngọc trai được hình thành bên trong thân thể của loài nhuyễn thể (lớp Hai vỏ). Là sự phản xạ để tự chữa lành các vết thương bằng cách tiết ra chất bao bọc dị vật nhờ những lớp cacbonat canxi (CaCO3) dưới dạng chất khoáng aragonit hoặc canxit, kết dính với nhau bởi hợp chất hữu cơ giống chất sừng gọi là conchiolin. Gọn hơn gọi là xà cừ. Niềm tin thông thường rằng một hạt cát chui vào trong vỏ sẽ đóng vai trò của tác nhân kích thích tạo ngọc, nhưng trên thực tế thường là các chất hữu cơ, ký sinh trùng hoặc thậm chí những tổn hại làm chuyển chỗ lớp màng áo sang phần khác của thân thể con trai. Các vật lạ hoặc chất hữu cơ chui vào bên trong lớp vỏ động vật thân mềm khi nó hé vỏ ra ăn hoặc hô hấp. Ngọc trai nuôi được tạo ra bằng cách cấy một miếng biểu mô màng áo cùng với các hột làm bằng vỏ trai đã chế tác thành hình dạng mong muốn, được đưa vào bộ phận sinh dục của con trai bằng dụng cụ cấy đặc biệt theo hình dích dắc, để con trai không thể đào thải vật cấy ra được.
Ngọc trai tự nhiên

Thành phần ngọc trai tự nhiên chủ yếu là xà cừ, tạo ra do những điều kiện tình cờ khi có một vật lạ nhỏ bên ngoài hoặc hạt cát chui vào bên trong con sò, trai và nằm luôn trong đó. Bị kích thích bởi vật lạ này, con trai tạo ra một lớp xà cừ bao bọc lấy hạt cát xâm nhập. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều năm và tạo ra viên ngọc.

Ngọc trai nuôi (ngọc trai có nhân, không nhân hay có nhân mô) và ngọc nhân tạo có thể phân biệt được với ngọc tự nhiên bằng X quang. Viên ngọc nuôi có hình dáng của nhân được cấy. Sau khi cấy, con trai, sò sẽ tạo ra các lớp xà cừ trên bề mặt viên hạt trong khoảng 6 tháng. Kiểm tra bằng tia X, nhân của hạt ngọc nuôi có cấu trúc khác với ngọc tự nhiên, lộ ra tâm đặc không có các vòng đồng tâm trong khi nhân của ngọc trai tự nhiên gồm các vòng xuyến chồng lên nhau. Ngọc tự nhiên có tâm xà cừ đặc hoặc 100% trân châu, hình dạng tự nhiên, hiếm khi thấy kiểu viên tròn.
Viên ngọc trai lớn nhất

Viên ngọc trai lớn nhất từ trước đến nay (Philippines, 1934) nặng 14 lb (6,4 kg), được một thợ lặn Hồi giáo người Phi tìm thấy ngoài khơi đảo Palawan. Năm 1936, một tù trưởng người Palawan đã tặng nó cho Wilbur Dowell Cobb để trả ơn cứu sống con trai mình. Tên đầu tiên của nó là "Trân châu của thánh Allah", và tên chính thức hiện nay là "Viên trân châu Lão Tử". Theo định giá năm 2006, viên ngọc trị giá 61.850.000 USD

Lịch sử

Trước thế kỷ 20, mò ngọc trai là cách phổ biến nhất để thu hoạch ngọc trai. Các thợ lặn thường bắt sò/trai từ đáy biển hoặc đáy sông và kiểm tra từng con để tìm ngọc. Không phải tất cả sò/trai tự nhiên đều tạo ra ngọc. Trung bình một mẻ 3 tấn trai/sò chỉ tìm được 3, 4 con có viên ngọc hoàn hảo.

Ngày nay, hầu như tất cả ngọc trai trang sức là ngọc trai nuôi. Thường nhân hạt là mảnh vỏ trai được đánh bóng cùng với mảnh nhỏ mô của con trai khác, được cấy vào cơ quan sinh dục của trai để làm xúc tác tạo ngọc. Những con sò ngọc sống sót qua lần khai thác ngọc đầu tiên sẽ được cấy nhân to hơn và thả lại xuống nước thêm 2-3 năm nữa.
.Đồ trang sức

Giá trị của ngọc trai về mặt trang sức tùy theo mức độ lóng lánh, màu sắc, kích cỡ, vết tỳ bề mặt và hình dạng cân đối. Trong đó, độ lóng lánh của viên ngọc là yếu tố quan trọng nhất. Song song đó, viên nào to, tròn, lớn, hiếm có sẽ được định giá cao.

Ngọc trai có 8 hình dạng cơ bản: tròn, nửa tròn, viên nút áo, giọt nước, quả lê, oval, baroque và nhẫn.

Thường thì đồ trang sức bằng ngọc tự nhiên quý hơn nhiều so với ngọc nuôi.

Tùy chất lượng, màu sắc, hình dạng, giá ngọc trai có thể từ vài chục đến vài nghìn USD một viên.

Ở các điểm du lịch ven biển, có những quầy chào bán ngọc trai giá mềm hơn để du khách dễ mua làm quà. Đương nhiên, chất lượng sản phẩm sẽ kém hơn.

Còn có loại ngọc trai “mượn hồn”. Loại này nhìn rất giống ngọc trai nhưng chúng được làm từ hạt thủy tinh hoặc vỏ ốc mài thành hạt tròn, khoác ngoài một “lớp áo” hợp chất đặc biệt cho màu óng ánh xà cừ y hệt ngọc trai thật.

“Nghề chơi" ngọc trai quả lắm công phu. Chọn được viên ngọc đẹp không dễ. Cách thử để nhận biết ngọc thật hay giả đơn giản nhất là lấy hai viên cọ xát vào nhau, nếu là ngọc tự nhiên thì sẽ không bị trầy xước.

Cũng như vàng, có thể thử ngọc bằng lửa: lia tia lửa qua viên ngọc thấy vẫn sáng bóng là ngọc thật. Ngọc trai cao cấp sẽ không bị tác động bởi mỹ phẩm, mồ hôi.

Người săn tìm mua ngọc trai nên biết ngọc trai có hai loại: nước ngọt và nước mặn. Ngọc trai nước mặn có hình thức vượt trội và nặng hơn về trọng lượng, vì thế thường có giá hơn. Ngọc đẹp không bị trầy xước, kích thước tròn đều, có độ bóng (bóng sáng hoặc bóng mờ) và lớp vỏ ngọc dày.

Sưu tầm từ blog của Nhà văn Nguyễn Thu Phương
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến15 khách