Băn khoăn dự thảo cấm khiêu vũ khi hát karaoke
Gây sự chú ý nhiều nhất trong Dự thảo về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng chính là điều 36 của Dự thảo: "Nghiêm cấm các hành vi khiêu vũ, khiêu dâm, mua bán, sử dụng ma túy tại phòng karaoke".
Đã tròn 1 tháng kể từ ngày Bộ VH, TT&DL ban hành "Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng" (lần 2) để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.
Dự thảo gồm 10 chương, 40 điều, nhằm chỉnh sửa, bổ sung những điều phù hợp với thực tế cuộc sống của Nghị định 11/2006/NĐ-CP trước đây, vì thế, thời gian qua, Dự thảo đã thu hút được sự quan tâm của công chúng.
Tuy đã khắc phục được một số vấn đề gây bức xúc, Dự thảo cũng còn những điều khiến mọi người không khỏi băn khoăn. Có lẽ, gây sự chú ý nhiều nhất chính là điều 36 của Dự thảo "Nghiêm cấm các hành vi khiêu vũ, khiêu dâm, mua bán, sử dụng ma túy tại phòng karaoke".
Hẳn do trước đây đã có tình trạng một số cơ sở kinh doanh karaoke "kiêm" luôn cả "lắc" được cơ quan chức năng phát hiện, vì thế, Dự thảo nhằm đóng chặt hơn hoạt động này để… dễ bề quản lý. Các hành vi khác khỏi phải bàn nhưng cấm khiêu vũ chỉ nghe qua đã thấy không hợp lý. Bởi không phải mọi hoạt động xảy ra trong nhà hàng karaoke đều là xấu.
Chị Trần Thị Nhã Lam, chủ cửa hàng kinh doanh karaoke trên phố Vạn Phúc (Hà Nội) cho rằng, cấm như vậy là cực đoan, không sát tình hình thực tế, vì trong khi hát, các bạn trẻ thường cùng nhau khiêu vũ lành mạnh. Lẽ nào nhu cầu chính đáng đó lại bị cấm? Hơn nữa, cũng trong dự thảo này, khiêu vũ vẫn được coi là sinh hoạt văn hóa lành mạnh và chính đáng. Ý kiến đó không phải không thuyết phục.
Điểm mới của Dự thảo Nghị định cũng gây không ít băn khoăn: "Vũ trường thuộc khách sạn 5 sao trở lên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khách sạn 4 sao trở lên tại các địa phương khác được hoạt động sau 12h đêm nhưng không được quá 2h sáng và phải có văn bản thông báo cho Sở VH, TT&DL biết trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày".
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - cán bộ hưu ở phường Hàng Bột, Hà Nội băn khoăn: "Quy định này liệu có tạo ưu thế cho các điểm kinh doanh thuộc khách sạn, khi để được kéo dài thời gian vui chơi, khách sẽ không đến các điểm khiêu vũ thuộc cơ sở nhỏ. Để cạnh tranh, các điểm kinh doanh nhỏ sẽ buộc phải đưa thêm một số loại hình dịch vụ, hoặc vẫn cố tình hoạt động quá thời gian quy định và như thế, sẽ khó khăn cho công tác quản lý".
Không ít người chưa đồng tình về điều kiện trong Dự thảo: "Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề". Trong lĩnh vực nhà đất, nhiều yêu cầu phải có sự đồng ý của các gia đình liền kề trước đây buộc phải có, nay đã bãi bỏ, vì sự bất hợp lý, thì lẽ nào, điều kiện này vẫn tiếp tục duy trì, khi mà lực lượng làm công tác quản lý môi trường mới là nơi quyết định về mức độ tiếng ồn có được phép hoạt động tại khu vực đó hay không chứ không phải các gia đình xung quanh.
Quy định ở Điều 34 "Các điểm karaoke hoạt động ở nông thôn, vùng dân cư không tập trung không phải thực hiện quy định về âm thanh" cũng gây tranh cãi. Bởi hiện nay nhiều khu vực nông thôn, dân cư ở cũng đông đúc không kém đô thị, lẽ nào lại không phải chấp hành về tiêu chuẩn mức ồn cho phép?
Dự thảo là bước chuẩn bị tích cực của Bộ VH, TT&DL cho việc quản lý các hoạt động văn hóa thuộc lĩnh vực nhạy cảm được tốt hơn. Vì thế, hy vọng những ý kiến đóng góp trên sẽ giúp ích phần nào để ngay khi ra đời, Nghị định sẽ thực sự đi vào cuộc sống