Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Đây là nơi bàn thảo các vấn đề về văn hoá quản trị (văn hoá quản lý) và quản lý văn hoá

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi Thuy Nguyen » Chủ nhật 15/05/11 7:05

Nhân chị meohen có nói 3/5 người K11 đã lên tiếng về việc vì sao chuyển đổi phương thức, tôi cũng xin trao đổi vì tôi và một bạn nữa thuộc những người chuyển đổi phương thức của lớp vẫn chưa có ý kiến gì. Trong buổi họp vừa qua, thấy nhiều người đã lên nói rõ về việc vì sao mình chuyển phương thức nhưng tôi không lên tiếng vì nghĩ rằng chuyện chuyển đổi phương thức mỗi người một hoàn cảnh riêng.
Về vấn đề sợ phong bì, quà cáp mà nhiều người chuyển đổi phương thức học thì tôi nghĩ với những người đi làm, đây cũng không phải vấn đề đặt nặng và lấy đó làm lý do chuyển đổi phương thức. Còn với những bạn còn đi học thì chuyện chuyển đổi phương thức là do muốn học theo tín chỉ nhanh hơn, học nhiều môn hơn… Mỗi người một hoàn cảnh nên họ chọn cho mình cách nào phù hợp mà thôi. Bản thân tôi, trước đây 3 năm, tốt nghiệp tôi từng làm luận văn và hiểu rất rõ rằng: để có một công trình luận văn nghiêm túc, người viết phải thực sự đầu tư thời gian, công sức rất nhiều – nếu không muốn chọn cách cắt dán, sao chép. Luận văn tốt nghiệp Đại học đã cần đầu tư nhiều như thế thì luận văn Thạc sĩ càng đòi hỏi nhiều hơn. Khi đi làm, thời gian bị phân tán bởi công việc, muốn đầu tư cho luận văn Thạc sĩ thực sự là điều không dễ, nhất là khi tôi đang có những quyết định quan trọng mang tính bước ngoặt vào cuối năm nay.
Về bài báo, tôi cũng là một phóng viên dù rằng mảng tôi làm không thuộc những vấn đề lớn, mang tính nghiêm túc như vấn đề giáo dục và tôi từ ngành khác sang làm báo nên cũng không có ý kiến gì nhiều về chuyên môn nghiệp vụ. Hơn nữa, khá nhiều anh chị đã có ý kiến về vấn đề này nên tôi cũng không nói thêm, chỉ muốn góp ý với tác giả cần cẩn thận trong thông tin, sử dụng tên và ý kiến của một ai nên phỏng vấn trực tiếp họ – nhất là những người có chức danh quan trọng như cô Hiền. Hôm ấy cô khóc, tôi và nhiều người đã rất buồn …
Hình đại diện của thành viên
Thuy Nguyen
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Thứ 4 15/09/10 11:29
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi Khoa VHH » Chủ nhật 15/05/11 7:54

TS. Trần Ngọc Khánh, giảng viên khoa VHH, sau khi đọc bài trên SGGP Online, đã viết một bức thư "Gởi Tổng Biên tập báo SGGP". Được sự đồng ý của tác giả, sau đây chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn nội dung thư này:

Thư gửi Tổng biên tập báo SGGP

Thưa Ông,
Tôi vừa đọc loạt bài của quý báo về “Bất cập trong đào tạo Thạc sĩ”. Vấn đề quý báo nêu không sai, vì giáo dục hiện nay ở nước ta đang trong quá trình “đổi mới”, mà có khi tôi nên xin lỗi để được nói rõ hơn là trong thời kỳ “ốm nghén”...

Quý báo đã nói đúng khi nhìn nhận: quy mô đào tạo bậc thạc sĩ của rất nhiều cơ sở đào tạo đang bùng nổ mạnh mẽ về mặt số lượng nhưng những điều kiện trọng yếu để đảm bảo chất lượng lại luôn thiếu và yếu. Thực ra, chuyện bùng nổ mạnh mẽ đào tạo bậc thạc sĩ là điều đáng mừng. Còn cái thiếu và yếu những điều kiện để đảm bảo chất lượng tất nhiên là cái đáng lo, trong đó nên ghi nhận những nỗ lực rất lớn của các cơ sở đào tạo, nhất là các trường nhà nước, vì ít ra họ không “nhắm mắt, nhắm mũi” đào tạo bằng mọi giá. Họ không lôi kéo, cũng không lừa phỉnh học viên. Quý báo cũng đã nêu rất trúng những thực trạng: chẳng phải em ham học gì, mà là do không tìm được việc làm nên cứ tiếp tục học; ngại khổ, sợ khó khi va chạm thực tế; kể cả kiến thức hàn lâm nhưng thiếu kỹ năng thực hành. Tôi đang dạy học, nhân đây xin mạn phép được thưa mấy chuyện.

Chuyện “nhân” nào “quả” nấy. Tôi thấy quý báo đã nói oan đối tượng “con người”: nguyên nhân chủ yếu nhất của những bất cập trong đào tạo thạc sĩ hiện nay nằm ở yếu tố con người (đội ngũ giảng dạy) và phương tiện (kinh phí, chương trình, cơ sở vật chất và quy chế đào tạo). Đội ngũ giảng dạy, trong đó có thầy cô giáo, là bộ phận trực tiếp “chăm sóc” học viên. Đừng chỉ trích họ, vì hầu hết nếu không muốn nói là tất cả họ đều nhiệt tâm, yêu nghề và tất nhiên thương trò. Vậy thì lỗi tại ai? Tại sao không phải tại trò? Vì nếu các trò “quỷ ma” như quý báo đã nêu: “văn hóa phong bì”, “o bế thầy cô”, “phong bì bồi dưỡng”, “công nghệ “xào nấu”, “mong muốn đổi... vận”... thì nguyên nhân bất cập hẳn là đã rõ.

Chuyện đời bất trắc. Quý báo đã chỉ ra nhiều chuyện hư thực: về phía người học - Chất lượng các luận văn phần lớn đều do công nghệ “xào nấu”; có những luận văn được sao chép gần như hoàn toàn chỉ qua một năm mà không hề bị phát hiện – xin hỏi các chuyện này ở đâu? có bị làm ngơ không? về phía người dạy – 1 tiến sĩ hướng dẫn 10 luận văn thạc sĩ/năm, nếu có, thì bao nhiêu chưa hẳn là chuyện, mà là thế nào? Giả dụ các luận văn ấy đều thông đạt, người học không kêu ca bị bỏ bê, thì trong cái “thiếu” chung có lẽ nên tuyên dương vị ấy; còn nếu khẳng định “không thể có chất lượng cho các đề tài luận văn tốt nghiệp” thì phải chăng hội đồng chấm luận văn đều bị “mua”?

Chuyện ở khoa Văn hóa học. Quý báo đã nêu nhiều thứ, song ai đọc cũng thấy nhức nhối bởi mấy mẩu chuyện ở khoa tôi, do lối nói “nửa chừng”: chỉ mới là báo cáo đề cương luận văn, có người đã gửi phong bì 2 triệu đồng. Chuyện đó có không? Số tiền này đủ lớn để người đưa và người nhận ra tòa theo luật phòng chống tham nhũng, không lẽ quý báo nói suông? quy trình đào tạo thạc sĩ của nhiều trường đại học vẫn theo kiểu hàm thụ vì phần lớn học viên cao học là người vừa đi học vừa đi làm. Khoa tôi chưa dạy hàm thụ, mà học hàm thụ có gì xấu? Tôi nghĩ cách học này cần khuyến khích để đẩy mạnh xã hội học tập.

Chuyện con người. Quý báo chỉ nhắm vào thầy, cô giáo, song tôi thấy nên công bằng, vì để “dạy thật”, họ cũng “vượt khó”, không chỉ mỗi ngày, mà có khi hàng chục năm, để soạn giáo trình cho dăm bảy buổi lên lớp. Không thầy, cô giáo nào không thích trò giỏi, tức là muốn trò “học thật”. Tôi dám cam đoan các thầy, cô ở khoa tôi, khi hướng dẫn hoặc ngồi hội đồng, họ lo nhất là chất lượng bảo vệ luận văn, họ sợ nhất là “đánh rớt” học viên. Họ đã từng “bịt tai”, “vượt rào” để được thảo luận với nhau trước khi “cho điểm” con người. Chuyện “phong bì” ư? Hơn một lần khoa tôi đã mỗ xẻ gắt gao, dù là nhỏ nhặt. Họ không vô cảm, đó là sự thật.

Sau cùng, tôi thấy quý báo kể nhiều chuyện khoa tôi. Nhưng “trăm nghe không bằng một thấy”. Tôi nghĩ quý báo nên xuống “thực địa”, để rõ hơn những chuyện trắng đen. Tôi tin chắc quý báo sẽ được đón tiếp trọng thị, tử tế. Xin cảm ơn Ông.

TNK, 5/2011
Hình đại diện của thành viên
Khoa VHH
Quản trị viên
 
Bài viết: 161
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 0:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

BÁO SGGP: Hãy thử nhìn lại mình

Gửi bàigửi bởi binhan » Chủ nhật 15/05/11 8:59

Kính gửi các nhà báo,

Trong giới báo chí của các bạn có "con sâu làm rầu nồi canh" không? Chỉ vì hành vi của các "con sâu" ấy mà người ta viết bài quy chụp cả giới báo chí, hoặc chỉ vì một nhà báo, một bài báo mà quy tội cho cả một báo hay cả nền báo chí thì sao nhỉ???

Thực hiện theo phương pháp "lấy cá biệt quy chụp tập thể" của bài báo "Bài 1: Lượng nhiều – Chất ít" của tác giả Anh Khoa đăng trên báo SGGP ra ngày 11-5-2011, lấy tư liệu là một bài báo này của tác giả Anh Khoa, chúng tôi cho rằng:

+Chuyên môn của Báo SGGP kém
Báo SGGP không áp dụng đúng quy trình phỏng vấn
Báo SGGP ngụy tạo thông tin
Báo SGGP không biết cách chọn mẫu
Báo SGGP không biết cách khái quát
+ Báo SGGP đang bôi nhọ nền GD nước ta
+ Báo SGGP vi phạm Luật báo chí

Thưa báo SGGP, quý báo có chấp nhận những kết luận trên của tôi không? Như vậy tôi có bôi nhọ quý báo không? Tôi biết là có. Tôi xin lỗi báo. Nhưng tôi phải làm thế để báo hiểu được cái sai của mình khi đưa tên người, tên tập thể lên mặt báo mà không có thao tác kiểm tra tối thiểu.

Và nếu tôi tiếp tục khái quát từ sai phạm, yếu kém của một bài báo của tác giả Anh Khoa đăng trên báo SGGP (cũng giống như nhà báo đã khái quát một câu nói "trà dư tửu hậu" của một học viên) để quy chụp thành tính chất, thực trạng của cả giới báo chí VN (đăng thành thực trạng đào tạo cao học trong nước), không biết các nhà báo chân chính sẽ nghĩ sao? (Một tiếng thở dài!!!)

Thực sự bức xúc với báo SGGP. Báo SGGP là cơ quan của Đảng bộ Đảng CSVN TP.HCM, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM mà làm việc không chặt chẽ, để lọt những bài báo không đàng hoàng, vô trách nhiệm, xúc phạm cá nhân, tập thể có địa chỉ tên gọi cụ thể. Đề nghị Ban biên tập báo SGGP có công văn gửi tới các cá nhân, tập thể có tên trong bài báo và đăng bài cải chính (thực hiện đúng luật Báo chí).
RANDOM_AVATAR
binhan
 
Bài viết: 45
Ngày tham gia: Thứ 7 26/05/07 19:58
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Tâm sự bình tĩnh

Gửi bàigửi bởi pthuhien » Chủ nhật 15/05/11 16:23

[center]TÂM SỰ BÌNH TĨNH[/center]

Chiều thứ Sáu ngày 13/5, trong buổi trao đổi của khoa Văn hóa học về những nội dung liên quan được đề cập trong bài báo Sự bất cập trong đào tạo sau đại học: Lượng nhiều chất ít, đăng trên Sài Gòn giải phóng số ra ngày 11/5/2011, có sự tham dự của đại diện Báo Sài Gòn giải phóng và đại diện của Đại học Quốc gia Tp. HCM, Trường ĐH KHXH&NV, tôi có vài lời phát biểu và đã khóc. Tôi xin lỗi vì đã quá nghiêng về xúc cảm, phát biểu chỉ ở quan hệ thầy-trò, cứ như thể tôi đinh ninh tác giả bài báo là học viên trong khoa. Trên Diễn đàn này, tôi muốn tâm sự bình tĩnh hơn, với tư cách một giảng viên và với cả trách nhiệm công dân, sẻ chia với học trò và cũng góp ý kiến với báo chí.

Trước hết về việc bài báo đã trích dẫn một ý kiến trong ngoặc kép như một câu trả lời phỏng vấn của tôi

PV Anh Khoa đã vi phạm luật phỏng vấn vì tôi chưa từng bao giờ trả lời phỏng vấn với PV này. Tôi đề nghị báo SGGP yêu cầu PV xuất trình biên bản phỏng vấn với thời gian, địa điểm, nội dung phỏng vấn được gỡ băng, xuất trình minh chứng về việc người được phỏng vấn đồng ý cho sử dụng ý kiến của mình trong bài báo.

Đây là lần thứ hai tôi gặp sự cố liên quan đến phỏng vấn, chỉ với riêng báo SGGP. Lần thứ nhất là tháng 8 năm 1998, khi một em sinh viên năm thứ tư có học tôi, có trò chuyện với tôi, đã viết một bài dài, thể loại phỏng vấn, đăng báo SGGP ngay sau khi tôi nhận bằng Tiến sĩ Văn học châu Á. Không thực hiện đúng luật phỏng vấn, mặc dù hoàn toàn xuất phát từ lòng kính yêu cô giáo, muốn ca ngợi cô, bài báo của em đó đã làm tôi khổ sở một thời gian dài. Vì những lời em đặt vào chủ thể phát ngôn là tôi, cứ như thể tôi đã trả lời phỏng vấn em như vậy, khiến độc giả hiểu sai về tôi, ít nhất nghĩ rằng tôi không khiêm tốn. Sinh viên này viết trong phần tôi trả lời phỏng vấn rằng Mahabharata thể hiện tư tưởng Phật giáo. Trong khi tác phẩm này lại là sử thi-kinh truyện của Hindu giáo. Những độc giả hiểu kỹ văn học, văn hóa Ấn Độ sẽ phải cảm thấy khủng khiếp vì tại sao một người sai kiến thức chuyên ngành một cách cơ bản như vậy lại có thể đạt học vị Tiến sĩ?

Khi vào lớp Cao học đúng là có đôi khi tôi nhận thấy một số học trò từng học mình ở hệ Cử nhân và hỏi han: “Em đã đi làm chưa?”, có thể nói thêm câu đùa: “Chưa tìm được việc làm nên đi học Cao học tiếp chăng?”. Tôi xót cho một số học trò học khá, học giỏi mà cũng không dễ kiếm được việc làm. Và không chỉ xót miệng xót môi, tôi đã giúp xin việc cho không ít những học viên như vậy sau khi họ tốt nghiệp Cao học. Bởi vì các em đã giỏi ở hệ Cử nhân thì học Sau đại học càng rất say mê, và trưởng thành rất nhiều sau khóa học. Phát biểu như vậy của tôi với học viên trong quan hệ cá nhân đã được chuyển thành một nhận định khái quát rất tiêu cực về thực trạng đầu vào của học viên Cao học, rằng người thất nghiệp mới đi học Cao học chứ họ không hề thích học, ham học, không phải vì cần học. Một nhận định khái quát như vậy được cho vào ngoặc kép, đặt vào chủ thể phát ngôn là tôi, ghi rõ họ tên, học hàm học vị, địa chỉ cơ quan.

Ở những mức độ nhất định, tôi là một “nhân vật của truyền thông” vì xuất hiện ở khá nhiều bài báo, khá nhiều chương trình phát thanh, truyền hình toàn quốc, Tp. HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Hơn nữa, tôi là giảng viên tham gia giảng dạy Sau đại học cho 3 khoa của Trường ĐH KHXH&NV, lại cũng là một cán bộ quản lý đào tạo cấp khoa của Trường. Do đó, độc giả sẽ dễ dàng tin rằng chính là tôi đã trả lời phỏng vấn, dễ dàng tin những điều trong ngoặc kép là chính xác, khách quan.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của Trường ĐH KHXH&NV, khoa Văn hóa học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân tôi và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ của tôi với trường, với khoa nơi tôi công tác, phục vụ, đóng góp bằng tất cả nhiệt tình, trách nhiệm và năng lực.

Thứ hai, về những ý kiến liên quan đến hoạt động và kết quả đào tạo Sau đại học ở khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV

PV Anh Khoa trong phần mở đầu bài báo đặt vấn đề khái quát thực trang đào tạo Sau Đại học của cả Việt Nam nhưng hầu như chỉ dựa vào các chi tiết chủ yếu liên quan đến trường hợp khoa Văn hóa học. Tôi cũng xin chỉ bàn về khoa Văn hóa học mà tôi là GV tham gia giảng dạy Cao học suốt từ khóa đầu tiên, đến nay là khóa thứ 11.

PV phản ánh về việc dạy-học ở bậc Cao học không có tính chất nghiên cứu như ở nước ngoài, mà như ở Phổ thông cấp 3, học viên vẫn phải chép bài mỏi tay, vẫn có bảng tên và vẫn phải điểm danh. Độc giả có thể hình dung những giờ học chán ngắt nên học viên không muốn đi học, cơ sở đào tạo phải quản lý bằng cách điểm danh và bảng tên.

Trong quy chế đào tạo SĐH có ghi rõ điều kiện để hoàn thành môn học là phải tham dự ít nhất 80% giờ giảng, điểm danh là bắt buộc nếu giảng viên muốn đánh giá kết quả học tập của học viên một cách khách quan, công bằng. Bảng tên đặt trước mặt học viên trên lớp là một sáng kiến giúp giảng viên thuận tiện, hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian trong việc nắm sâu sát việc học tập của từng học viên, mời họ tham gia các thảo luận thường xuyên trong mọi giờ giảng.

Phần lớn các học phần của Văn hóa học, với 30 tiết (6 buổi), thường đều có 1-2 bài thảo luận (1-2 buổi) trong đó, cá nhân hoặc nhóm chuẩn bị một đề tài nghiên cứu ở nhà và trình bày trên lớp, lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhóm khác cũng như ý kiến hướng dẫn của giảng viên Bộ môn, về nhà tiếp tục hoàn thiện và nộp lại, lấy điểm giữa học phần. Và 1 bài tiểu luận yêu cầu cá nhân chọn 1 đề tài, vận dụng các lý thuyết, phương pháp, kiến thức đã học để nghiên cứu, nộp và lấy điểm kết thúc học phần.

Chưa kể rất nhiều buổi giảng lý thuyết, giảng viên vẫn thường xuyên yêu cầu học viên đọc công trình nghiên cứu liên quan và làm bài thu hoạch trước khi đến lớp nghe giảng, giải đáp thắc mắc. Diễn đàn Văn hóa học trên website http://www.vanhoahoc.edu.vn là nơi cho các giảng viên, học viên thường xuyên trao đổi, thảo luận các đề tài nghiên cứu cả lý luận lẫn ứng dụng.

Nhiều luận văn Thạc sĩ, công trình nghiên cứu của học viên Văn hóa học đã được xuất bản (sách, bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, các bài báo phổ biến kiến thức trên báo, tạp chí phổ thông).

Trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM đã rất nghiêm túc trong việc khảo sát ý kiến của người học. Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng của trường khi kết thúc học kỳ I đã gửi cho mỗi giảng viên một đĩa CD trong đó có kết quả khảo sát ý kiến cả người học đối với môn học mà giảng viên đã phụ trách. Người học đánh giá giảng viên về rất nhiều tiêu chí, qua 5 mức đánh giá từ mức (1) tốt nhất, người học hoàn toàn hài lòng (sẽ được những chuyên gia kiểm định quy ra thành điểm 1) đến mức (5) kém nhất, người học hoàn toàn không hài lòng (sẽ được những chuyên gia kiểm định quy ra thành điểm 5). Môn học tôi phụ trách ở Cao học K 10 trong học kỳ I được đánh giá chung là điểm trung bình khoảng 1.06, nghĩa là phần lớn học viên hoàn toàn hài lòng. Kết quả khảo sát được cấp riêng cho cá nhân GV nên tôi không có số liệu chính xác về các giảng viên khác nhưng tôi biết rằng còn những giảng viên được đánh giá cao hơn. Tôi biết và tự hào rằng các giảng viên khoa Văn hóa học đều nỗ lực hết sức mình với tất cả tâm huyết cho mỗi giờ giảng.

Thứ ba, về chuyện tiêu cực tiền nong trong đào tạo Sau đại học


PV Anh Khoa phản ánh về đào tạo Cao học mà khoa Báo chí và Truyền thông trường chúng tôi liên kết với Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội tổ chức. Có học viên phàn nàn rằng tốn kém tiền khách sạn, tiền ăn mỗi khi giảng viên từ HN vào dạy. Trong buổi họp ngày 13/5, PGS.TS. Trần Thị Mai, Trưởng phòng Đào tạo Sau Đại học đã nói rất rõ: khóa cao học báo chí 2007-2010 tổng kết thấy, ngoài học phí 4 triệu, các học viên nộp 11 triệu về việc chi phí ăn ở cho thầy cô khi vào dạy. Cá nhân tôi, vì chuyển vào Tp.HCM sau khi đã thi Nghiên cứu sinh ở Hà Nội nên có khoảng 3 năm sống ở Tp.HCM nhưng phải ra HN để làm tiếp NCS. Thế là thường xuyên phải rời gia đình, gián đoạn công tác, ra HN, thuê nhà ở hoặc ở nhờ để làm NCS. Lúc đầu đi máy bay về sau chịu không thấu phải đi tàu. Có lần tôi ngồi trên tàu mà cứ khóc suốt vì phải xa con còn nhỏ quá (tôi có bầu 3 tháng lúc thi vào NCS). Một thầy giáo của tôi, đi cùng chuyến tàu đó, về sau viết bài thật cảm động khi tôi đã thành TS, thầy thương cô học trò phải vượt bao khó khăn. Tôi nghĩ đến các bạn học viên Cao học Báo chí được học ở Tp.HCM không phải ra HN, chắc phần đông các bạn đều thật sự sung sướng và biết ơn vì 2 nhà trường đã tạo điều kiện cho các bạn không gặp những khó khăn như tôi. Thời giá hiện nay, với 11 triệu, mỗi bạn chỉ có thể bay được 3 chuyến khứ hồi của VN Airline thôi.

Sau này, thành giảng viên, trong kế hoạch của trường, của khoa, tôi cũng không ít lần đi dạy Cao học ở nơi xa giúp cho địa phương đó có nguồn nhân lực có trình độ. Đi máy bay hoặc đi tàu, ở nhà khách, ăn cơm cantin hoặc ra quán ngoài đường, mỗi đợt chừng 3-4 ngày. Chừng 3-4 ngày nhưng cũng phải thu xếp việc công, việc tư trước khi đi. Mỗi lần đi máy bay hay đi tàu, tôi đều hồi hộp, chỉ thở nhẹ khi máy bay đã hạ cánh an toàn, tàu đã về đến ga cuối. Một chuyến tàu mà tôi đi dạy ở Nha Trang bị sự cố giữa đêm khuya, tôi không dám gọi cho chồng sợ gia đình lo lắng, sáng hôm sau chồng tôi đọc báo khi ngồi uống cà phê mới “tá hỏa”. Các giảng viên đã đi dạy tỉnh xa vì trách nhiệm và tình cảm nghề nghiệp, họ cũng phải cố gắng vượt rất nhiều khó khăn. Bản thân tôi thì không bao giờ thích ở khách sạn bằng ở nhà mình, ăn những bữa cơm gia đình với chồng con.

PV Anh Khoa cũng đề cập rằng khá nhiều học viên Cao học phải chi phong bì, lo lót tiền nong khi thực hiện luận văn, nhất là các đợt bảo vệ. PV đưa ra luận điểm khái quát rồi nêu dẫn chứng “có trường hợp…”. Có thật sự có chuyện phong bì 2 triệu trong đợt bảo vệ đề tài luận văn vừa rồi của Cao học Văn hóa học K 10 không? Giả sử có trường hợp cá biệt thì cũng không được xúc phạm cả khối giảng viên. Thêm nữa, còn cần xác định rất rõ các trường hợp cụ thể, nếu không sẽ lẫn lộn giữa hối lộ tiêu cực và tặng quà thể hiện tình cảm biết ơn.

Nếu trước khi bảo vệ, học viên chi phong bì để các thành viên trong Hội đồng vẫn chấm cho qua hoặc cho điểm cao mặc dù chất lượng luận văn thấp, không đạt yêu cầu thì đó là tiêu cực. Thứ hai, nếu học viên chi tiền cho giáo viên hướng dẫn để giáo viên làm giúp việc viết luận văn hoặc đề cương mà học viên kém nên không làm được thì đó là tiêu cực.

Nhưng nếu sau khi học viên đã bảo vệ thành công, tặng thầy cô hướng dẫn và thầy cô trong Hội đồng món quà thể hiện lòng biết ơn thì không thể xem đó là tiêu cực. Trong học phần Các lý thuyết văn hóa học của tôi, K10 có đọc trích đoạn công trình nghiên cứu Khảo về quà tặng của nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp, Marcel Mauss (NXB Thế giới và TC Văn hóa Nghệ thuật xuất bản bản dịch cuốn này tháng 3 năm 2011). K11 không đọc trích đoạn này. Marcel Mauss nghiên cứu nghiêm túc về quà tặng và chỉ ra rằng quà tặng khác hàng hóa. Quà tặng là vật chất nhưng giá trị mà nó mang, thông điệp mà nó truyền tải là giá trị tinh thần, thông điệp tình cảm. Một người giàu có tiền để mua mọi hàng hóa mà anh ta muốn, nhưng sẽ là một người khốn khổ nếu không bao giờ được ai tặng quà, nghĩa là chẳng hề được ai yêu mến, anh ta không thể dùng tiền mà mua được tình cảm yêu mến. Quà tặng là tự nguyện, ta tự nguyện tặng quà cho người ta yêu mến. Marcel Mauss cũng chỉ ra rằng có cả nguyên tắc nghĩa vụ trong quà tặng, hiểu như nghĩa vụ tinh thần, nghĩa vụ trao - nhận những giá trị tinh thần, những giá trị tình cảm.

Theo đó, nếu có người đã trở thành học viên Cao học mà suốt hơn 20 năm từ lúc mới sinh ra đến nay chưa hề mua tặng cha mẹ mình một món quà nào thì thật khốn khổ cho cha mẹ người đó và thật khốn khổ cho chính bản thân người đó. Ranh giới để phân biệt giữa quà tặng và hối lộ tiêu cực không dễ xác định, nhất là khi có những người muốn lẫn lộn để mưu lợi cá nhân. Điều đó đòi hỏi sự trung thực và bản lĩnh của mỗi người, đòi hỏi bản lĩnh của xã hội.

Chúng ta đấu tranh chống tiêu cực, chống hối lộ, chống mua điểm bán bằng để có một nền giáo dục trong sạch và công bằng, nhưng không nhất thiết vì đánh chuột mà đập vỡ bình quý, đập phá những giá trị trong truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống ơn nghĩa của dân tộc. Một xã hội với tệ nạn hối lộ, tham nhũng rất nguy hại, nhưng cũng nguy hại không kém là một xã hội không còn chút tình nghĩa, chính vào lúc đó, mọi quan hệ giữa người và người trở thành giao dịch lạnh lùng.

Xin có vài ý kiến như vậy về bài báo trên SGGP.

[center]***[/center]

Lần này, tôi đã tâm sự bình tĩnh. Bởi vì nếu giữa chừng dòng viết, tôi không kìm nổi, vẫn rơi nước mắt thì tôi lại cố trấn tĩnh để viết tiếp, và sự nghẹn ngào đã không cản trở cuộc trò chuyện của chúng ta.

Cuối cùng mất cả một buổi sáng chủ nhật đáng lẽ phải hoàn thành nốt bao bài vở đang chờ.

Nhưng tôi cần thiết được tâm sự bình tĩnh như thế này. Sáng thứ Sáu ngày 13 đó, khi mới bước vào lớp, tôi đã tưởng mình không còn sức lực, may thay, cầm micro lên thì lại quên hết những điều khác, chỉ còn nhớ phải hết mình trong từng giờ giảng. Tôi cần tâm sự bình tĩnh để lại yêu mến nghề nghiệp của mình, yêu mến và hết lòng với học viên của mình.

Tôi cũng cần thiết được tâm sự bình tĩnh để lại tin cậy ở báo chí như một sức mạnh xã hội, góp phần xây dựng một xã hội cao đẹp, nhân văn.

Xin cảm ơn.

P.T.H.
RANDOM_AVATAR
pthuhien
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 22:38
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi meohen » Chủ nhật 15/05/11 16:34

Thuy Nguyen đã viết:Còn với những bạn còn đi học thì chuyện chuyển đổi phương thức là do muốn học theo tín chỉ nhanh hơn, học nhiều môn hơn…
Vậy là đã có 4/5 bạn khẳng định lý do không giống như báo SGGP đã đăng tin.

Báo ơi là báo. Điều tra đơn giản có 5 người ở cùng một nơi còn chả chịu làm, mà dám chém gió tới 163 luận văn khoa VHH với hàng nghìn hàng vạn luận văn cao học của cả nước.
Hình đại diện của thành viên
meohen
 
Bài viết: 229
Ngày tham gia: Thứ 3 23/10/07 20:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi skythienpham » Chủ nhật 15/05/11 22:35

Hôm thứ 6 vừa rồi, tôi có tham dự buổi gặp mặt của lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia Tp.HCM, thầy cô trong Khoa Văn hóa học và đông đảo anh chị học viên cao học và những người quan tâm đến bài báo (Bất cập trong đào tạo thạc sĩ) trên SGGP. Tôi cũng muốn phát biểu rất nhiều, tuy nhiên, vì thời lượng không cho phép và một số ý kiến của các anh chị học viên cũng đồng quan điểm và suy nghĩ với tôi. Hôm nay, nhân có topic này, tôi xin chia sẻ vài dòng về cảm nhận của mình.
Thứ nhất, tôi là một học viên cao học K11 của Khoa Văn hóa học, và cũng là một trong những người xin chuyển đổi phương phức học từ phương thức II sang phương thức I. Tôi cảm thấy hết sức bức xúc và cảm thấy bị xúc phạm khi tác giả nhận định: “Chuyện “văn hóa phong bì” gần như trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học viên cao học. Đây cũng là lý do vì sao nhiều học viên cao học khóa 11 (2010 – 2012), ban đầu nhiều người đăng ký học theo phương thức II (yêu cầu làm luận văn) nay xin chuyển sang phương thức I (không yêu cầu làm luận văn)”. Đây là một thông tin hoàn toàn sai lệch, không hề đại diện cho một tập thể hay nhóm người nào mà tác giả gọi là “nhiều người”. Khóa học của tôi (K11) là lần đầu tiên đưa vào phương thức học chỉ cần học đủ tín chỉ (phương thức I), cộng với hoàn thành các điều kiện về Ngoại ngữ, Tin học và Triết học thì vẫn có thể nhận bằng tốt nghiệp mà không phải làm luận văn (phương thức II). Tôi đã rất băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định là chuyển phương thức học, và điều đón đơn giản chỉ là vấn đề học thuật, khi tôi cảm thấy việc viết luận văn là hết sức khó khăn, yêu cầu rất cao, và tôi cũng chưa suy nghĩ ra được đề tài ưng ý để thực hiện. Tôi cũng chưa bao giờ phải nghĩ đến chuyện “phong bì” cho thầy cô nếu làm luận văn. Thậm chí khi đã gửi đơn xin chuyển đổi phương thức, tôi vẫn còn đắn đo, suy nghĩ rất nhiều không biết mình lựa chọn như vậy là có đúng không, có hợp lý không? Hay là nên đổi lại phương thức học? Không biết, khi đăng bài báo này, tác giả đã “phỏng vấn” tôi về vấn đề này chưa? Như vậy rõ ràng là tác giả đã rất chủ quan trong việc đưa ra kết luận.
Thứ hai, tác giả bài báo có nói rằng: “Không tìm được việc làm, thôi thì đi học cao học, vừa oai, vừa có lý do chính đáng để tiếp tục được bố mẹ chu cấp mỗi tháng. Thậm chí không quan tâm xem ngành học đó có phù hợp với sở thích hay năng lực của mình không, chỉ biết rằng đi học thạc sĩ sẽ có cơ may… đổi vận.” Tôi thực sự buồn với nhận định này của tác giả. Có lẽ tác giả đã tự đưa hình ảnh của mình để làm đại diện cho cả một tập thể. Thứ nhất, về vấn đề việc làm, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có ngay việc làm, tuy chưa thể ổn định nhưng với công việc đó, ít ra vẫn có thể nuôi sống bản thân tôi. Khi thi đậu vào Ngành Văn hóa học của Đại học KHXH&NV, được tiếp cận với cách học mới, yêu cầu về việc tự nghiên cứu, tìm tòi và cần phải bỏ thời gian một cách phù hợp thì mới có thể tiếp thu và hoàn thành các bài tập, tôi đã phải nghỉ công việc hiện tại của mình để có thể tập trung, đầu tư vào việc học, tất cả cũng vì ước mơ, hoài bão của tôi. Hiện nay tôi đang phải vừa học vừa đi làm bán thời gian để trang trải sinh hoạt hằng ngày. Về động cơ học tập, tôi nghĩ động cơ mà tác giả nói thật là buồn cười. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi đã thích văn hóa, thích văn hóa học. Tôi đã tìm hiểu, và được nhiều người, ngay cả thầy cô đại học của tôi ( đã từng là học viên cao học của khoa Văn hóa học) động viên, khích lệ tôi nếu có niềm đam mê thì cố gắng thi vào. Và giờ đây, khi đã và đang là học viên cao học của Khoa văn hóa học, tôi cảm thấy vô cùng tự hào, tự hào đi đôi với cố gắng học hỏi để có thể lĩnh hội những kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt cho mình. Đương nhiên, khi tiếp tục con đường học tập, mỗi một người phải có một hoạch định riêng, về con đường tương lai của mình. Bản thân tôi cũng vậy. Với những người đi học vì “không tìm được việc làm”, “oai”, “có lý do chính đánh để được bố mẹ chu cấp mỗi tháng”, “không quan tâm xem ngành học đó có phù hợp với sở thích hay năng lực của mình không” thì hãy nên coi lại động lực học tập của mình, để khỏi tốn thời gian, công sức. Tôi nghĩ những người thực sự thương bố mẹ của mình sẽ không nghĩ và làm như thế.
Đôi dòng bức xúc, tâm sự của bản thân.
RANDOM_AVATAR
skythienpham
 
Bài viết: 51
Ngày tham gia: Thứ 2 27/09/10 12:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi nuthanbien » Chủ nhật 15/05/11 23:19

Dù đã trải qua mấy ngày sau loạt bài của Báo Sài Gòn Giải Phóng về chất lượng đào tạo thạc sĩ ở Việt Nam, tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng dường như trong tôi vẫn còn cái cảm giác vô cùng khó chịu và buồn rất nhiều khi bạn bè, đồng nghiệp gặp tôi và hỏi về bài báo này. Thật ngại hết sức! tất cả những gì muốn chia sẻ cùng tác giả, tôi đã nói hết ở trong buổi trao đổi thảo luận rồi, hôm nay tôi không nhắc lại nữa. Tôi cũng định không nói gì thêm nhưng khi vào diễn đàn thấy bài tâm sự của cô Hiền, tôi lại chợt nghĩ đến mình. Cũng là một người giáo viên, tôi thấy mình cũng có tâm trạng giống như cô vậy, ai cũng biết nghề giáo chúng tôi với đồng lương nhà nước ít ỏi nhưng đòi hỏi một lượng công việc lại vô cùng lớn, nhiều khi nghĩ lại, nếu không thật sự yêu nghề chắc là tôi đã bỏ nghề luôn rồi. Một người giáo viên phải bỏ ra rất nhiều tâm lực và trí lực, nếu không muốn nói là nghề nghiệp nó đi vào cả bữa ăn giấc ngủ của họ nữa. Họ không phải lao động chân tay nhiều như các ngành nghề khác nhưng lại rất mệt về đầu óc. Nếu như các bạn được dành trọn ngày thứ 7 và chủ nhật để nghỉ ngơi, thanh thản đầu óc không phải bận tâm đến công việc thì với giáo viên chúng tôi cuối tuần là những ngày mệt mỏi nhất, nghỉ mà không biết mình được nghỉ vì chỉ trong những ngày này chúng tôi mới có thời gian chấm bài, sửa bài, chỉnh sửa bổ sung giáo án, nghĩ ra phương thức dạy mới cho tuần học tiếp theo…
Sở dĩ tôi nói như vậy bởi tất cả những nội dung cô Hiền chia sẻ, tôi đã thấy mình trong đó, đã có một số người nghĩ rằng có thể dùng tiền để mua điểm số, tôi đã từng bị một phụ huynh đặt trước mặt mình 500.000đ và nói thẳng là xin cho con họ từ 4.9 lên 5.0 để không bị thi lại vì học sinh này cả hai môn bắt buộc quan trọng nhất đều dưới 5.0. Thật sự tôi đã rất bực bội và cảm thấy bị tổn thương kinh khủng, tôi đã đuổi thẳng phụ huynh đó ra khỏi phòng làm việc một cách quyết liệt thế nhưng sau đó thì lại đóng cửa khóc một mình khi nghĩ đến cảnh người ta coi thường nghề giáo mình đến như thế. Nhưng đó chỉ là một con số rất rất ít tuy nhiên con số ấy đã làm chúng tôi bị tổn thương đến lòng tự trọng của nghề giáo.
Thiết nghĩ rằng chúng ta cần có một cái nhìn tích cực hơn về nghề giáo, đừng đứng ngoài để mà đánh giá chúng tôi, nếu bạn không phải là chúng tôi xin hãy đừng bao giờ nói gì về chúng tôi hết.
Tôi đang chờ một lời xin lỗi từ phía tác giả và báo SGGP tới khoa VHH và các thầy cô của tôi cũng như lớp chúng tôi.
Hình đại diện của thành viên
nuthanbien
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 23/09/10 20:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi reddragon » Thứ 2 16/05/11 0:58

Kính gửi bà con VHH,

Xin tự giới thiệu, tôi là một người “ngoại đạo”, chưa bao giờ được học ở khoa VHH – trường ĐHKHXH và NV TPHCM. Nhưng tôi là một người yêu thích văn hóa và quan tâm đến Văn hóa học. Vài hôm trước, tôi được người bạn kể chuyện về sự kiện báo SGGP đăng bài có liên quan đến khoa VHH. Sau khi đọc các ý kiến trên diễn đàn, tôi có một số góp ý như sau:

1. Những người yêu VHH, là “dân VHH” nên bình tĩnh, coi việc báo SGGP viết bài trên là hết sức bình thường. Việc báo chí đưa tin, bài… sai sự thật đối với “nhà ta” là chuyện khá thường xuyên, thậm chí đáng thương cho những ai tin tưởng 100% vào thông tin của báo chí. Nhưng vấn đề là họ viết sai, đưa thông tin sai thì họ phải sửa. “Dân VHH” cần suy nghĩ và đoàn kết lại để tìm giải pháp buộc báo SGGP phải gỡ bài trên báo điện tử và có bài xin lỗi trên báo giấy, chứ không dừng lại ở việc phân tích “nội bộ” với nhau về cái sai, cái không đúng sự thật của Báo.

2. Đây là một sự xúc phạm đến toàn bộ “Dân VHH”, mà cụ thể là toàn bộ Khoa VHH và những người đang theo học VHH, kể cả những người yêu thích VHH. Trong trường hợp này, không thể quan niệm “im lặng là vàng” được. Không viết thì phải nói, không nói nữa thì phải có hành động ứng xử cụ thể. Nếu ai chọn cách “im lặng” có nghĩa là họ không thật lòng yêu VHH, không coi mình là “dân VHH”, chỉ lo lợi ích cá nhân, thấy nhà cháy mà không chung tay dập lửa.

3. VHH sẽ còn gặp nhiều những sự kiện kiểu này, nhưng tôi chắc chắn rằng với ứng xử nghiêm túc, minh bạch, công khai của “Dân VHH” thì giới Báo chí phải kính sợ. Việc bài viết trên sai sự thật, không đúng luật… xét cho đến cùng báo SGGP sau bài viết này, đã tự xếp họ vào hạng báo “không chuyên”. Cần gì phải kiện!

Trên đây là một vài thiển ý của tôi, nếu có gì sai xót xin “Dân VHH” đại xá.
RANDOM_AVATAR
reddragon
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 2 16/05/11 0:53
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 2 16/05/11 7:17

Kính gửi bạn Xích Long (Rồng Đỏ),

Với tư cách là người đã gây dựng và một người đã góp phần xây dựng nên ngành và khoa VHH ở ĐHKHXH-NV ĐHQG-HCM trong hơn 10 năm qua, tôi xin thay mặt cộng đồng VHH Trường ĐHKHXH-NV ĐHQG-HCM bày tỏ lòng cảm ơn những ý kiến của bạn và lòng cảm kích với những tình cảm mà bạn đã dành cho chúng tôi.

Lời nhận xét của bạn về sự kiện này rất xác đáng:
reddragon đã viết:Đây là một sự xúc phạm đến toàn bộ “Dân VHH”, mà cụ thể là toàn bộ Khoa VHH và những người đang theo học VHH, kể cả những người yêu thích VHH


Lời đánh giá của bạn về ứng xử của chúng tôi:
reddragon đã viết:nghiêm túc, minh bạch, công khai
đã giúp chúng tôi tự tin hơn.

Lời khuyên của bạn dành cho chúng tôi:
reddragon đã viết:bình tĩnh ... và đoàn kết lại
là rất chí lý.

Chỉ mấy lời tham gia thôi mà chúng tôi đã thấy ấm lòng biết bao. Bạn thực là một người hàng xóm "tối lửa tắt đèn có nhau".

Bạn "là một người “ngoại đạo”, chưa bao giờ được học ở khoa VHH – trường ĐHKHXH và NV TPHCM" mà còn "chung tay dập lửa" với chúng tôi như thế, chúng tôi tự thấy sẽ phải phấn đấu nhiều hơn để đền đáp lại tấm lòng tin cậy của những người yêu VHH như bạn.

Và sự đền đáp đó không thể chỉ thể hiện bằng tiếng nói và hành động trong các sự kiện kiểu này mà chủ yếu phải thể hiện bằng những thành quả giảng dạy - học tập, bằng những bài viết có chất lượng trên website http://vanhoahoc.edu.vn/.

TNT
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi TranHieu » Thứ 2 16/05/11 10:41

Kính gửi bà con VHH và những người quan tâm đến sự kiện trên

Tui tên là Hiếu, học VHH k6 - bậc Ths (tui không dám dùng từ Cao học :) ) - là người được GS Thêm cho là lôm côm. Tui cũng thấy vậy nhưng nhờ học ở khoa VHH mà tôi cũng làm được một số việc, chẳng hạn tui đi hướng dẫn môn Marketing ứng dụng trong lĩnh vực Văn hoá và nghệ thuật cho nhiều cán bộ có tuổi cao nhất là 54, công tác tại Ban tuyên giáo và sở văn hoá của nhiều tỉnh thành - những người đã dày dạn kinh nghiệm đời sống và chính trị nên không dễ nghe, dễ chấp nhận, nhưng họ đánh giá tui không tệ. Vậy lôm côm như tui còn làm được điều đó huống chi còn nhiều Học viên xuất sắc khác. Vì thế việc đánh giá trình độ khoa VHH như "đồng chí" Anh Khoa trên báo SGGP là tui không chịu.

Dưới góc nhìn của tui, tui thấy có mấy vấn đề cần quan tâm như sau:

1. "đồng chí" Anh Khoa viết bài này với mục đích gì? Phản ánh chất lượng đào tạo để mọi người chỉnh sửa cho tốt hơn? hay viết bài theo đơn đặt hàng để "đánh" khoa VHH? (tui thì nghiêng về giả thuyết thứ 2, bởi vì thời điểm đăng bài trước thời gian tuyển sinh; thời điểm khoa có lãnh đạo mới ...)
2. Khi phân tích được mục đích này, Khoa VHH nên dùng nó như là một sự kiện để PR
RANDOM_AVATAR
TranHieu
 
Bài viết: 74
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 22:06
Đến từ: Cty Viet Thai Son
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá quản trị (quản lý) và quản lý văn hoá

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron