Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi TOTO » Thứ 6 05/12/08 14:01

Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc
Quân tử là hình mẫu con người lý tưởng theo nhân sinh quan của học thuyết chính trị Nho giáo. Ban đầu, Quân tử có nghĩa là ‘kẻ cai trị”, sau này quân tử còn gắn liền với phẩm chất đạo đức và dùng để phân biệt với "tiểu nhân". Có hai thuyết chính đề cập đến khái niệm quân tử:
+ Có thuyết cho rằng, khái niệm quân tử có từ thời nhà Chu, dùng để chỉ tầng lớp quý tộc trong xã hội. Đến thời Xuân Thu thì quân tử đụơc dùng để chỉ các bậc đại phu và do đó mà những người làm quan thì được gọi là quân tử, dân thường và những quan lại với phẩm hàm nhỏ thì được gọi là tiểu nhân.
+ Có thuyết cho rằng, Khổng Tử chính là người sáng tạo ra từ quân tử.
Quân tử là một trong những khái niệm quan trọng của hệ tư tưởng Nho giáo. Để trở thành quân tử thì con người trước hết phải tự tu dưỡng bản thân và sau đó phải có bổn phận hành đạo. Trong quá trình tự tu đưỡng, rèn luyện, người quân tử phải đạt được ba điều: đạt đạo, đạt đức, có vốn văn hóa toàn diện: biết thi, thư, lễ, nhạc. Khi đạt được ba điều trên thì ra làm quan, làm chính trị và kim chỉ nam cho hành động cai trị của người quân tử là :nhân trị và chính danh.
Ngày nay, khái niệm người quân tữ đã có nhiều thay đổi và cụm từ này cũng ít được sử dụng. Quân tử ngày nay không bao hàm để chỉ cấp bậc, vị trí , không gắn với quyền lực của một con người trong xã hội mà đơn giản là để chỉ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người.
NGUYỄN THỊ LÊ[justify][/justify]
RANDOM_AVATAR
TOTO
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Thứ 2 03/12/07 20:44
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi myduyen » Thứ 7 06/12/08 14:20

chi oi, hinh nhu hinh tượng quân tử thường thấy nhiều ở trong thơ văn, phim ảnh hơn là ngoài đời hay sao ấy. Để hình tượng hoá một người tốt, người ta (các nhà văn, thơ, biên kịch) thường sáng tạo ra người quân tử.
theo em hiểu cũng có phần đồng ý kiến với chị đó là quân tử: chính là cấp dưới của thiên tử (vua), nghĩa là một thành phần quan lại dưới trướng của vua.
Còn theo Khổng Tử thì khái niệm quân tử nhấn mạnh đến mặt đạo đức nhiều hơn. Quân tử có nghĩa là hành đạo để giúp đời, thấy bất bình phải ra tay nghĩa hiệp, sống vì người khác...
Và khái niệm này phổ biến rộng rãi hơn và có sức sống mạnh hơn. Từ Hải (Truyện Kiều- Nguyễn Du), Lục Vân Tiên...cũng là những bậc chính nhân quân tử đúng không chị?
RANDOM_AVATAR
myduyen
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: Thứ 4 05/12/07 9:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi TOTO » Chủ nhật 07/12/08 9:01

Cám ơn ý kiến của Mỹ Duyên.
Đúng là khi xem các bộ phim cổ trang, các tác phẩm văn, thơ của Trung Quốc chúng ta thường bắt gặp rất nhiều hình tượng những người quân tử. Hình tượng người quân tử mà các nhà biên kịch, các nhà làm phim sáng tạo ra thực chất là chưa mang hết những phẩm chất của người quân tử theo như trong học thuyết Nho Gia. Theo quan niệm của Nho gia thì người quân tử trước hết phải là người có đức (nghĩa là phải thực hiện tốt Tam cương và ngũ thường), phải có vốn hiểu biết rộng trong nhiều lĩnh vực (Thi, Thư, Lễ, Nhạc). Muốn là người quân tử thì điều cơ bản là phải tự rèn luyện, tu đưỡng bản thân để đạt tốt mọi điều trên. Sau khi tu thân rồi thì phải ra hành đạo nghĩa là làm quan, làm chính trị. Hành động của người quân tử trong quá trình hành đạo phải theo hai phương châm: Nhân trị (cai trị bằng tình người, yêu và coi người như chính bản thân mình)và chính danh (Chính danh là mỗi sự vật phải được gọi đúng tên của nó, mỗi người phải làm đúng chức phận của mình. Trong sách Luận ngữ có viết "Danh không chính thì lời không thuận, lời không thuận tất việc không thành", "Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử - Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con"). Qua đó, ta có thể thấy quân tử phải gắn liền với đạo đức và quyền lực chính trị trong xã hội.
Hình tượng quân tử sau này chỉ gắn liền với phương diện đạo đức mà không cần có quyền lực.
Từ Hải trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du trong trường hợp này có thể được xem có thể được xem là người quân tử. Nhưng nếu theo quan niệm của Nho giáo thì chưa hẳn.
Trong quan niệm về người quân tử của Khổng Tử, ta thấy có sự kết hợp giữa nét văn hóa của phương Bắc và của phương Nam Trung Quốc.
NGUYỄN THỊ LÊ[justify][/justify]
RANDOM_AVATAR
TOTO
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Thứ 2 03/12/07 20:44
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi Le Phuong Thao » Thứ 3 09/12/08 14:06

1 trong những tư tưởng nổi tiếng của người Trung Quốc là quan điểm tôn ty trật tự, phân biệt trên dưới rõ ràng.

Khổng Tử từng nói:

Đức người quân tử như gió
Đức kẻ tiểu nhân như cỏ
Gió thổi thì cỏ phải rạp

Bởi vậy cho nên có thể nói hình tượng người quân tử là một "sáng chế độc quyền" của Nho giáo Trung Quốc - làm nên một biểu tượng văn hóa Trung hoa đặc sắc
Mèo Ú
Hình đại diện của thành viên
Le Phuong Thao
 
Bài viết: 150
Ngày tham gia: Thứ 7 17/11/07 23:29
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi TOTO » Thứ 3 09/12/08 15:08

Ý kiến của Thảo chính xác đó vì quân tử là mẫu người lý tưởng của học thuyết Nho gia gắn liền với thuyết cai trị nhấn mạnh chữ Nhân. Ngoài câu của Thảo, thì trong sách của Nho gia cũng còn rất nhiều câu nói nhấn mạnh về đức tính đối lập của ngu7òi quân tử và kẻ tiểu nhân.
Để làm nổi rõ hình ảnh của người quân tử thì người ta thường đặt nó trong cặp phạm trù đối lập với kẻ tiểu nhân. Trong sách Luận ngữ cũng có nhiều câu nói về cặp phạm trù đối lập này:
"Quân tử lo nghĩ giữ đức hạnh, tiểu nhân chỉ nghĩ đến địa vị mình. Quân tử nghĩ sợ pháp luật, tiểu nhân chỉ nghĩ đến sự lợi lộc. Quân tử có tính cách trung hoà mà không a dua bè phái, tiểu nhân thích a dua bè phái mà không có tính dung hoà"
"Người quân tử trông ở mình, kẻ tiểu nhân trông ở người" (Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân).
"Quân tử rành về điều nghĩa, kẻ tiểu nhân rành về điều lợi" (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi).
Mạnh tử cũng đã nói: “Người quân tử lấy đức nhân làm nhà ở, lấy đức nghĩa làm đường đi, lấy lễ làm cửa. Chỉ có mỗi người quân tử mới có thể đi đường ấy, ra vào cửa ấy mà thôi".
Trong hội họa Trung Hoa, các họa sĩ thường dùng bốn loại cây sau Mai - Lan - Cúc - Trúc được gọi chung là Tứ quân tử để mô tả về những đức tính cao quý của người quân tử.
NGUYỄN THỊ LÊ[justify][/justify]
RANDOM_AVATAR
TOTO
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Thứ 2 03/12/07 20:44
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi lehang » Thứ 4 10/12/08 19:26

Chào bé Toto

Ngoài việc sử dụng hình ảnh của mai - lan - cúc - trúc còn có tên gọi là tứ quý, để chỉ hình ảnh của tầng lớp vương giả, thượng lưu trong xã hội cổ truyền Trung Quốc, người ta còn thường ví von người quân tử như cây tùng, cây bách đứng thẳng vươn cao giữa giông bão, để chỉ hình ảnh của đấng trượng phu sống ngay thẳng không xu nịnh, lòn cúi và cũng là những người thường gặp phải trái ngang, chịu nhiều thiệt thòi.

Theo quan niệm của người Trung Hoa xưa, thì người nghèo khổ, thất học không được coi là người quân tử. Chữ quân tử như là một danh xưng, lời khen tặng chỉ dành cho tẩng lớp quý tộc, con nhà gia thế. Qua đó cũng cho chúng ta thấy có sự khác biệt lớn giữa các thành phần trong xã hội Trung Hoa (đối với nam giới)

Hành động của một nhà báo đã mạnh dạn công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về sự lạm dụng chất melamine của công ty thực phẩm nổi tiếng ở Trung Quốc theo chị là hành động của người quân tử. Em nghĩ sao? Vì chị nghĩ đơn giản: quân tử là người có trách nhiệm với bản thân và với cả cộng đồng.
RANDOM_AVATAR
lehang
 
Bài viết: 111
Ngày tham gia: Chủ nhật 23/12/07 17:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi TOTO » Thứ 5 11/12/08 11:57

Cám ơn những ý kiến đóng góp của chị Hằng trong phần topic của em.
Chị có viết
lehang đã viết:Hành động của một nhà báo đã mạnh dạn công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về sự lạm dụng chất melamine của công ty thực phẩm nổi tiếng ở Trung Quốc theo chị là hành động của người quân tử. Em nghĩ sao? Vì chị nghĩ đơn giản: quân tử là người có trách nhiệm với bản thân và với cả cộng đồng.

Em đồng ý với chị hành động của nhà báo trên là hành động của người quân tử. Em thấy mẫu người quân tử như chị nghĩ không đơn giản như chị nghĩ xíu nào. Kiếm được người có trách nhiệm với bản thân mình thì không khó nhưng có trách nhiệm với cả cộng đồng thì hơi bị khó đó nha.
Người nam mà có được những phẩm chất tốt đẹp và cao thượng thì được ví von là quân tử, còn nữ mình thì sao nhỉ? Mời các bạn cùng tham gia đóng góp ý kiến giúp mình.
NGUYỄN THỊ LÊ[justify][/justify]
RANDOM_AVATAR
TOTO
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Thứ 2 03/12/07 20:44
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi hienhiendichsac » Chủ nhật 08/02/09 20:09

[center]Nguồn gốc từ quân tử và người quân tử:[/center]

[justify]Quân tử là hình mẫu con người lý tưởng theo nhân sinh quan của Nho giáo phù hợp với phương thức cai trị xã hội đức trị (nhân trị) của học thuyết này. Ban đầu hai cặp phạm trù đối lập: quân tử và tiểu nhân không có nghĩa phái sinh như hiện nay. Quân tử ban đầu có nghĩa là “kẻ cai trị” như trong Kinh Thi, tức những bậc vua chúa, rồi thứ đến quân tử chỉ những người có học, biết các thi thư, lễ nghĩa, biết cách hành xử đúng mực, rộng lượng. Còn tiểu nhân nghĩa là người dân thường, không có học thức, không có hiểu biết và thường hành xử theo cách nghĩ của họ mà không theo một chuẩn mực nào. Bọn tiểu nhân này (thường dân, bách tính… ) xem các bậc quân tử là tấm gương sáng để họ noi theo và phấn đấu trở thành người quân tử.
Về sau, nói đến người quân tử nghĩa là nói đến con người cao thượng, rộng lượng, không chấp nhất việc nhỏ nhặt, làm việc tốt, tránh việc xấu, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Còn tiểu nhân nghĩa là bọn người có lòng dạ hẹp hòi, hay đố kỵ, ganh ghét, hay mưu hại người khác để cầu danh cầu lợi cho riêng mình mà bất chấp mọi thủ đoạn dù biết điều mình làm rất có hại cho người khác, thậm chí mang lại tai vạ cho toàn dân tộc nhưng họ vẫn làm vì lợi ích cá nhân của họ.
Người quân tử thường được coi là người hành có động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không khuất tuất, vụ lợi cá nhân. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Người quân tử cũng là người nắm được mệnh trời và sống theo mệnh trời.
Quân tử là biết chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Biết lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. Người quân tử không sợ thiên hạ không biết đến mình mà chỉ lo là đức của mình có đủ sáng để ảnh hưởng tới người khác hay không.
Thời nhà Chu, quân tử là cụm từ dùng để chỉ tầng lớp quý tộc. Đến thời kỳ Xuân Thu thì nó được dùng để chỉ các đại phu. Vì thế những người làm quan được gọi là quân tử, còn những người dân thường hay quan lại với phẩm hàm nhỏ hơn tự xưng là tiểu nhân. Tuy nhiên, một số người cho rằng Khổng Tử là người đã sáng tạo ra từ này. Đối với Khổng Tử, các chức năng của nhà nước và sự phân cấp xã hội là các cơ sở của xã hội và được đảm bảo bằng các giá trị đạo đức. Vì thế con người lý tưởng đối với ông là quân tử. Quân tử còn có nghĩa là người tốt hơn, nghĩa là người hơn hẳn về mặt đạo đức, luân lí. Quân tử sau này đã trở thành một trong các khái niệm quan trọng của hệ tư tưởng Nho giáo.
Nguyễn Hiến Lê chép một câu chuyện về đức tính quân tử của người Trung Hoa trong Sử Trung Quốc: “Chỉ có tướng hai bên chiến đấu với nhau thôi, quân lính đứng ở sau ngó, y như trong truyện Tam Quốc Chí. Trước khi ra trận họ bói, rồi định ngày, giờ xáp chiến. Họ dùng chiến xa, khi gặp nhau, họ tặng nhau một bình rượu, chào hỏi nhau, nếu chức tước ngang nhau thì mới giao chiến; nếu một bên chức tước lớn hơn thì bên kia không dám đánh, sợ mang tiếng là vô lễ.” [Nguyễn Hiến Lê 1997: 68].
Ngay từ đầu thời Chiến Quốc, trong sách Trung Dung, ta đã thấy phân biệt giữa tính tình người phương bắc và phương nam:
“Khoan nhu mà dạy tha thứ kẻ vô đạo, đó là cái cường của người nam, quân tử theo đó. Nằm trên áo giáp, binh khí, chết mà không sợ, đó là cái cường của người bắc, kẻ anh hùng theo đó.”[1][/justify]

[1] Dẫn lại theo Nguyễn Hiến Lê 1997: Sử Trung Quốc, tập 1, tr.24.
Hình đại diện của thành viên
hienhiendichsac
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 16:26
Đến từ: HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi hienhiendichsac » Chủ nhật 08/02/09 20:49

[center]Người quân tử theo quan niệm của Khổng Tử:[/center]

[justify]Khổng tử là người đã khái quát hai từ quân tử thành một phạm trù triết học cao nhất. Trong bộ Luận Ngữ, rất nhiều trường hợp cụ thể khi được học trò hỏi hay ngẫu hứng mà ngài đã đưa ra nhiều câu về người quân tử khác nhau như:
“Chỉ cầu ở mình, không cầu ở người” (XV.20)
“Giữ vững chính nghĩa, không cố chấp điều tin nhỏ nhặt” (XV.36)
“Giữ vững tư cách khi gặp hoạn nạn” (XV.1)
“Không lo đạt đạo được chứ không lo nghèo” (XV.31)
“Ăn gạo xấu, uống nước lã, mà thấy vui; chứ không chịu làm điều bất nghĩa để được giàu sang” (VII.5) [208]
Quân tử ăn không cần no, ở không cầu lấy yên, chỉ mong làm được việc lớn. (quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an).
Mở đầu Luận ngữ là thiên Học nhi có đoạn viết: “Tử viết: Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri, nhi bất uấn bất diệc quân tử hồ?” [bài 1, thiên Học nhi, Luận ngữ]
Nghĩa là: Khổng tử nói: Khi học xong rồi lại thường ôn tập, có thể ôn cũ mà biết mới, không phải là khiến cho người ta rất hứng thú hay sao? Có bạn từ phương xa đến thăm, không phải là khiến cho người ta rất vui hay sao? Người khác không biết tài học của mình, mình cũng không giận đấy chẳng phải là người có tu dưỡng đức quân tử hay sao? Quân tử trong bài trên chỉ người có hiểu biết, độ lượng. Không vì mọi người không biết tới mình mà mình đâm ra tức giận.[/justify]
Hình đại diện của thành viên
hienhiendichsac
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 16:26
Đến từ: HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi tambattaiyen » Chủ nhật 08/02/09 21:00

[center]Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Hoa [/center]

[justify]1. Phẩm chất đạo đức-trí tuệ
Người quân tử thường có năm đức tính quan trọng ứng với nhân, lễ nghĩa, trí, tính:
- Nhân: người với người đối xử với nhau trên cơ sở tình thương yêu. Tình thương yêu được cụ thể hóa bằng những nguyên tắc sau:
Cái gì bản thân mình không muốn hoặc người không muốn thì không làm cho người. [Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: Khổng tử].
Mình muốn đứng vững thì làm cho người khác đứng vững; mình muốn thành đạt thì giúp đỡ cho người khác thành đạt.
- Lễ: theo quan điểm của Nho giáo, Lễ bao gồm việc thờ cúng, lễ bái và cả những quy định có tính chất pháp luật, những phong tục, tập quán và kỷ luật tinh thần của cá nhân.
- Nghĩa: chỉ làm và nên làm những việc nhằm duy trì đạo lý, lẽ phải.
- Trí: tri thức để suy xét, hành động. Một trong những điểm quan trọng của Trí là phải nắm được mệnh trời.
- Tín: việc làm nhất quán với lời nói, giữ lời. Đối với người Trung Hoa, chữ tín rất quan trọng. Họ có thể mất đi mạng sống của mình để bảo vệ danh dự, chữ tín. Ở thương trường, người Trung Hoa cũng nối tiếng với việc giữ chữ tín, chính vì vậy mà họ buôn bán thành công chăng? Chữ tín là một nét đặc biệt của đạo Khổng, và một số học giả phương Tây ngày nay cũng nhận rằng không dân tộc nào trọng đức tín bằng dân tộc Trung Hoa. Cần nhất là phải giữ chữ tín, thì các chư hầu mới đoàn kết và xã hội mới khỏi loạn. Có thể vì vậy mà sau này Khổng Tử đề cao đức tín, đặt nó gần ngang hàng với nhân, lễ, nghĩa, coi nó là đức cần thiết của người quân tử (“kẻ cai trị” dân).
Người quy tụ các đức tính trên mà trong đó trung tâm là nhân được coi là người có đức nhân: tình cảm chân thật, ngay thẳng; hết lòng vì nghĩa; nghiêm trang, tề chỉnh; rộng lượng, khoan dung và siêng năng cần mẫn. Người có đức nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi.
Hình ảnh người quân tử trong Tam quốc diễn nghĩa rất đa dạng. Tùy vào hoàng cảnh của mỗi nhân vật mà họ thể hiện mình là người quân tử theo mỗi cách riêng khiến cho toàn tác phẩm có thể cho thấy bao quát tất cả các cạnh khía của người quân tử dưới ngòi bút của La Quán Trung đồng thời đó cũng là ước vọng, khao khát của người Trung Hoa.
Tính chất quân tử của nhân vật đôi khi được thể hiện hết sức bất ngờ và nhờ đó mà cục diện chính trị thay đổi và đó có thể xem là một điểm tạo cho tác phẩm thêm phần thú vị. TrongTam quốc diễn nghĩa, ta bắt gặp rất nhiều tình huống bất ngờ do hành vi ứng xử thể hiện bản lĩnh của người quân tử cho dù sau đó là họ có bị mất mạng, thậm chí vạ đến cả gia tộc họ nhưng họ vẫn làm vì đó là nghĩa khí, là chánh khí khiến họ phải hành động như vậy.
Quan Công, hình tượng đẹp nhất của người quân tử trong Tam quốc diễn nghĩa. Điều đó giải thích lý do tại sao người Trung Hoa thờ Quan Công rất phổ biến. Quan Vân Trường từ khi còn trẻ, kết thân với Lưu Bị và Trương Phi tại vườn đào và ba người anh hùng đó gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, thề sống chết có nhau. Họ tôn thờ Lưu Bị như người anh cả mà mọi hành động đều hướng về người anh cả đó. Tào Tháo nhiều lần đã dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo Quan Vân Trường nhưng đều thất bại. Từ việc mua chuộc bằng vàng bạc, bổng lộc, khéo bài mưu để Quan Công mang ơn ông ta mà ở lại nhưng cũng vẫn thất bại. Quan Vân Trường một lòng hướng về Lưu Bị và không quản gian khổ đã hộ tống Lưu phu nhân về với Lưu Bị an toàn, qua các ải đều chém tướng giặc. Khí chất người anh hùng đó được giữ trọn vẹn cho tới lúc bị giết (khiến cho Thượng Đế cảm động mà hiển thánh?). Có thể nói hình ảnh Quan Công nhà nhân vật tiêu biểu nhất của người quân tử mà người Trung Hoa khao khát đạt tới được tác giả La Quán Trung xây dựng.
Tóm lại, những đức tính trên là những phẩm chất đạo đức cần có ở một con người quân tử, đáng được người khác noi theo, đáng được cộng đồng trân trọng.
2. Diện mạo-thể chất
- Tướng mạo luôn được giữ cho khiêm cung (cẩn trọng, cung kính với người trên; thân ái, hòa đồng với người dưới). Nho gia có câu: “Người quân tử rất sợ phải sống một mình”. Vì sao lại như vậy? Con người sống một mình rất dễ làm bậy, vì nghĩ rằng không ai biết đến hành động xấu xa của mình (quân tử độc cư kỳ thiện lại càng khó giữ những đức tốt hơn). Người quân tử sống một mình với cái nhãn quân tử đã được dán cho phải luôn luôn giữ gìn nghiêm cẩn. Cho nên người quân tử càng sống một mình (độc cư) thì phải càng chăm chăm giữ gìn đức hạnh, nếu không, anh ta không còn là người quân tử nữa.
Đã là người quân tử thì người ấy ắt phải có hai đức tín: quý và tàm. Quý là biết xấu hổ với chính bản thân mình. Khi anh ta có những suy nghĩ, lời nói và hành vi xấu, mặc dù chỉ có bản thân anh ta biết mà anh ta biết ngượng với chính mình thì đó là quý. Con người đó có ý thức, trách nhiệm rất cao, không phải đợi cho đến khi những người khác phát hiện ra những đức tính xấu của anh ta. Tàm là biết xấu hổ, biết thẹn với người khác nếu mình có những lời nói, hành vi xấu. Đức tính này giúp người quân tử có những điều chỉnh kịp thời khi có ý nghĩ, lời nói và hành động xấu ảnh hưởng tới người khác. Một người mà không biết xấu hổ với người khác (vô tàm) thì không chuyện gì mà không dám làm và do đó sẽ mất đi phẩm chất của người quân tử.
Ngoài ra người quân tử còn có những diện mạo-thể chất khác như: [1]
- Con mắt tinh anh để nhìn rõ vạn vật.
- Thính giác tinh tường để nghe rõ vạn vật.
- Sắc mặt luôn ôn hòa.
- Lời nói luôn giữ bề trung thực.
- Có điều nghi hoặc phải luôn hỏi han để làm cho rõ.
- Kiềm chế: khi nóng giận phải nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra, không giận quá mất khôn.
- Thấy lợi phải luôn nghĩ đến nghĩa, không vì lợi mà quên nghĩa, có quyền lợi chính đáng phải biết nghĩ đến người khác (lộc bất tận hưởng). Chính Khổng tử đã nói sự khác biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân là ở lợi. Người quân tử lấy nghĩa làm đầu, kẻ tiểu nhân thấy lợi làm đầu (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi [Lý Nhân 16]) [2]
3. Hành động
Theo quan niệm của Nho giáo, đã là người quân tử phải tỏ đức sáng ngày càng rộng, càng cao. Muốn làm được điều đó, người quân tử phải luôn phấn đấu theo các bậc thang dưới đây:
Cách vật: luôn tiếp xúc, nghiên cứu kỹ sự vật, sự việc để nhận rõ thực chất, phải trái vì nếu không nhận thức được bản chất của sự vật thì không xứng đáng là bậc quân tử.
Trí tri: luôn ngẫm nghĩ để thấu hiểu điều mình đã nhận thức được.
Thành ý: luôn chân thật, không dối người và cũng không dối mình.
Chính tâm: luôn suy nghĩ, hành động ngay thẳng, chính trực và làm chủ bản thân mình. Chính tâm còn có nghĩa là không suy nghĩ xằng bậy (tư vô tà).
Cũng theo Nho giáo thì tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là một mục tiêu lớn của bậc quân tử.
- Tu thân: luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân. Có như vậy, anh ta mới có thể tề gia được.
- Tề gia: làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong.
- Trị quốc: lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước.
- Bình thiên hạ: khiến cho thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận.
Là người quân tử thì không sợ người khác không biết đến mình mà chỉ sợ đức của mình có tỏa sáng tới người khác không.
Hình ảnh hai đoàn quân đối địch nhau, các tướng xông ra đánh nhau còn quân sĩ thì hò reo cổ vũ là hình ảnh rất phổ biến trong Tam quốc diễn nghĩa.
Có một câu chuyện nữa rất buồn cười về cái tính quân tử của người Trung Hoa được chép trong Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi xin chép lại như sau:
“Có lần Tống Tương Công giao chiến với quân Sở Thành vương ở sông Hoằng. Công tử Mục Di bảo Tống Tương công:
- Quân họ nhiều, quân ta ít, nên đánh ngay khi họ chưa qua sông.
Tương công không nghe. Quân Sở qua sông rồi nhưng chưa bày trận, Mục Di lại bảo:
- Nên đánh đi.
Tương công bảo:
- Đợi cho họ bày trận xong đã.
Quân Sở bày trận xong, quân Tống tấn công, và bị đại bại. Tương công bị thương ở đùi. Người trong nước oán ông, ông nói:
- Đấng quân tử ai lại làm khó người khác trong lúc người ta quẫn bách!” [Nguyễn Hiến Lê 1997: 68].
Câu trả lời của Tống Tương rất buồn cười, chất phác đến ngây thơ. Tuy rằng ông đại bại nhưng ông không hổ thẹn với chính mình vì ông cho rằng hành động đó của ông là “quân tử”. Người quân tử làm gì việc bất chấp kết quả ra sao, miễn là không thẹn với lòng mình là được.
Quân tử đôi khi đồng nghĩa với anh hùng. Đã là anh hùng thì người đó nhất định là người quân tử, nhưng người quân tử không nhất thiết phải là bậc anh hùng. Người anh hùng có những hành động siêu việt vượt lên trên đồng loại, chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp nhất.
Thời Minh Mạt, có 6 vị Nho sĩ của đảng Đông Lâm mà người đời xem là “lục quân tử”, họ đã vì nghĩa mà hy sinh bản thân mình. Họ bị Ngụy Trung Hiền, tên thái giám khét tiếng triều Minh làm hại. Đó là một vụ thất bại thảm hại của những người quân tử thế nhưng họ đã để lại tiếng thơm muôn đời về những lời nói và hành động của họ.[3]
Thời Mãn Thanh cũng có vụ “Lục quân tử” lấy máu mình nuôi ý chí cách mạng, quyết tâm lật đổ triều Thanh thối nát, cải cách đất nước. Lục quân tử đó là Đàm Tự Đồng, Khang Quảng Nhân (em Khang Hữu Vi), Lưu Quang Đệ, Lâm Húc, Dương Nhuệ, Dương Thâm Tú.
Họ chẳng những là bậc quân tử mà còn là những anh hùng của dân tộc Trung Hoa những hành động của họ được nhắc tới hoài.[/justify]

[1] Theo http://vi.wikipedia.org/wiki/
[2] Nguyễn Hiến Lê dịch là “Người quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi”.
[3] Xem thêm Nguyễn Hiến Lê 1997: Sử Trung Quốc, cuốn 2.
RANDOM_AVATAR
tambattaiyen
 
Bài viết: 19
Ngày tham gia: Thứ 2 29/10/07 11:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến12 khách