Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi congtudatinh » Thứ 2 09/02/09 9:11

[justify]Người quân tử là người có những phẩm chất đạo đức-trí tuệ lí tưởng nhất của cộng đồng mà những người khác xem họ là tấm gương sáng để soi cho chính họ đồng thời họ là chuẩn mực để cộng đồng đánh giá những hành vi của người khác.
Chúng tôi cho rằng thước đo phân biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân là lời nói hành động. Lời nói dù có tốt đẹp, hoa mĩ đến đâu thế nhưng hành động của anh ta lại bất nhất thì không thể coi là quân tử được. Nói tóm lại là người quân tử đã nói thì phải làm như vậy, không được sai lời, tức lời nói phải đi đôi với thực hành.
Người quân tử là một sản phẩm đặc biệt của chế độ phong kiến Trung Hoa mà “khắp thế giới không thấy ở đâu cả.[1] .” Sử gia Marcel Granet trong cuốn La Civilisation Chinoise rất khen chế độ cai trị của Trung Quốc thời cổ đại. Nó tạo ra một hình thức chiến tranh “lễ độ”, “quân tử” rất đặc biệt.
Người quân tử là một mẫu người với những đức tính như nhân, lễ, nghĩa, trí, tính cùng với những lời nói và hành động làm khuôn mẫu cho toàn xã hội Trung Hoa như: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm và một sở nguyện lớn trở thành một mục tiêu lớn trong đời của họ là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Người Trung Hoa trông vào lớp người này như một tấm gương lớn soi chung cho chính họ đồng thời dựa vào nó để đánh giá những người khác xem họ có là người quân tử hay không. Người quân tử ban đầu chỉ những “kẻ cai trị” như các ông vua, chư hầu, các đại phu, những người có học và để đức sáng cho đời. Tuy có đối lập với tiểu nhân là những người thường dân, bị trị. Về sau người quân tử có nghĩa là người cao thượng có những lời nói và hành động làm chuẩn mực cho toàn xã hội, đối lập với bọn tiểu nhân với hành vi xấu xa, đáng lên án. Nghĩa cặp phạm trù quân tử và tiểu nhân đối lập một cách cực đoan hơn, phân biệt rạch ròi hơn mà người đời dựa vào lời nói và hành động của họ để phân biệt một con người là quân tử hay tiểu nhân. Những người có tri hành bất nhất thì chắc chắn không thể là quân tử được. Người quân tử là người luôn lo lắng cho dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, họ lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. Họ sẵn sàng vì nghĩa lớn mà hy sinh bản thân mình và trở thành những bậc anh hùng lưu danh sử sách như “Lục quân tử” thời Minh mạt hay “Lục quân tử” thời Thanh mạt. Họ là một hình tượng đẹp đẽ trước toàn thể dân tộc Trung Hoa.
[1] Nguyễn Hiến Lê 1997: Sử Trung Quốc tập 1. – Văn Hóa, tr.68-69[/justify]
RANDOM_AVATAR
congtudatinh
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 6 20/07/07 6:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Hình tượng người quân tử trong văn hóa Trung Quốc

Gửi bàigửi bởi hienhiendichsac » Thứ 3 10/02/09 22:35

[center]Người quân tử theo Kinh thi[/center]

[justify]Có lẽ Kinh Thi là một tác phẩm đề cập đến người “quân tử” nhiều nhất và sớm nhất (?). Mở đầu Kinh Thi thiên Quốc phong có bài ca:
“Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu” (tr. 39)
Dịch nghĩa:
Đôi chim thư cưu hót họa nghe quan quan,
Ở trên cồn bên sông
Người thục nữ u nhàn,
Phải là lứa tốt của bực quân tử [1]
Khảo sát toàn bộ Kinh Thi[2] , chúng tôi thống kê được từ quân tử xuất hiện 157 lần trong nhiều tình huống khác nhau, phổ biến là các câu:
Quân tử hảo cầu; Lạc chỉ quân tử; Ký kiến quân tử; Vị kiến quân tử; Bỉ quân tử hề!; Chân chân quân tử; Bách nhĩ quân tử; Đại phu quân tử; Hữu phỉ quân tử; Quân tử vu dịch; Quân tử dương dương; Quân tử dao dao; Ngôn niệm quân tử; Quân tử chí chỉ; Thục nhân quân tử; Quân tử thị tắc thị hào; Quân tử hữu tửu; Hiển doãn quân tử; Khả đễ quân tử; Doãn hĩ quân tử; Quân tử chi chỉ; Quân tử du hu; Quân tử du tê; Quân tử du ninh; Quân tử như giới; Quân tử như di; Quân tử bỉnh tâm; Quân tử bất huệ; Quân tử tín sàm; Quân tử như nộ; Quân tử lũ minh; Quân tử tín đạo; Quân tử tác chi; Quân tử thụ chi; Phàm bách quân tử; Quân tử như sĩ; Quân tử sở lý; Quân tử tác ca; Ta nhĩ quân tử; Thục nhân quân tử; Quân tử chí chỉ; Quân tử vạn niên; Quân tử nghi chi; Quân tử hữu chi; Quân tử lạc tư; Quân tử tại triều; Quân tử lai triều; Quân tử hữu huy du; Bỉ quân tử nữ; Quân tử hữu tửu; Khải đễ quân tử; Quân tử hữu hiếu tử.; Gia lạc quân tử; Khải đễ quân tử; Duy quân tử sử; Duy quân tử mệnh; Quân tử chi xa; Quân tử chi mã; Thị nhĩ hữu quân tử; Quân tử thực duy; Quân tử thị thức; Quân tử hữu cốc.
Trong đó, có các câu có tần số xuất hiện rất nhiều lần như: Lạc chỉ quân tử; Ký kiến quân tử; Vị kiến quân tử, Quân tử khả đễ; Quân tử chí chỉ v.v…
Thời nhà Chu, hai từ quân tử trỏ rất nhiều đối tượng, phổ biến nhất là trỏ thiên tử nhà Chu với những lời tán thán cái đức tốt đẹp của thiên tử và cầu chúc cho thiên tử được nhiều phước lành.
Nhiều tiếng trỏ quân tử trong Kinh thi ám chỉ người chồng, người yêu của phụ nữ, bọn con gái với nhiều lời lẽ khiến cho Khổng tử khuyến cáo học trò mình khi đọc kinh thi thì phải “tư vô tà” (không suy nghĩ xằng bậy). Nhiều bài thơ diễn tả tâm trạng của người vợ, người con gái nhớ nhung chồng, người yêu với lời lẽ rất mộc mạc, giản dị và người quân tử trong lòng họ chính là người chồng tốt, người nam nhân với những đức tính thật thà, trung hậu yêu thương họ, không ruồng bỏ họ v.v… chẳng hạn như các bài Nhữ phần:
“Tuân bỉ Nhữ phần,
Phạt kỳ điều mai,
Vị kiến quân tử,
Nịch như chu cơ.” [tr.72]

Dịch nghĩa:
Thuận theo bờ đê sông Nhữ kia,
Em chặt nhánh và thân cây.
Khi chưa gặp thấy được chồng,
Thì lòng em xót xa như bị cơn đói nặng nề.
Hoặc bài:
“Bách nhĩ quân tử,
Bất tri đức hạnh,
Bất chí bất cầu,
Hà dụng bất tang?” [tr.163]

Dịch nghĩa:

Phàm là quân tử (chồng),
Há lại không biết đức hạnh hay sao?
Nếu chàng không có lòng nguy hại và không tham lam,
Thì sao lại không lương thiện được?
Hoặc bài Trịnh phong 16:

“Phong vũ thê thê,
Kê minh giai giai
Ký kiến quân tử,
Vân hồ bất di?” [tr.407]

Dịch nghĩa:

Mưa gió tối tăm lạnh lẽo,
Gà gáy ó o,
Khi đã gặp chàng rồi,
Nói rằng làm sao mà chẳng an vui được?

Bài thơ trên chỉ bối cảnh hẹn hò giữa người con trai và người con gái. Chữ quân tử trên chỉ người con trai.
Quân tử không chỉ là từ dùng chỉ người nam mà đối với nữ nhân nếu có đức, có phẩm hạnh cũng được tán thán là bậc quân tử như trong bài thơ tiếp theo trong Kinh thi thiên Quốc phong:
“Nam hữu cu mộc,
Cát lũy lôi chi.
Lạc chỉ quân tử!
Phúc lý tuy chi.” [tr.53]
Dịch nghĩa:
Núi nam có cây sà,
Dây sắn dây bìm kết đeo lên.
Vui mừng thay bà Hậu phi!
Phúc lộc sẽ đưa đến để bà sống yên ổn.
Quân tử ở đây là các người thiếp trong cung xem Hậu phi là bậc quân tử, rộng lượng. Quân tử ở đây là người đàn bà! Phải chăng là bậc quân tử không phân biệt là người đàn ông hay người đàn bàn trong thời thái cổ Trung Hoa. Miễn ai Có hành vi ứng xử tốt đẹp với mọi người, với cộng đồng đều được xem là bậc quân tử như trong trường hợp bà Hậu phi vợ vua Văn Vương này?
Đối tượng tiếp theo của hai chữ quân tử trong Kinh Thi trỏ các vua chư hầu, cũng với những lời ca tụng cái đức tốt lành của họ, và những điều tốt đẹp họ đã làm cho dân, thậm chí khi họ có những hành động nguy hại đến nhân dân thì họ còn nhớ tới những điều tốt đẹp mà tiên vương hay chính ông vua đó đã làm trước kia mà vẫn gọi họ là quân tử nhưng rất nhiều lời ta thán, than thở v.v… chẳng hạn như bài Kỳ úc trong Vệ phong:
“Chim bỉ Kỳ úc,
Lục trúc y y,
Hữu phỉ quân tử
Như thiết như tha.
Như trác như ma,
Sắt hề! Hạn hề!
Hách hề! Hoán hề!
Hữu phỉ quân tử
Chung bất khả huyên hề!”[tr.263]
Dịch nghĩa:
Trông kìa trên khúc quanh của sông Kỳ,
Tre xanh mới mọc mềm mại rườm rà.
Nước Vệ hôm nay có người quân tử văn nhã (chỉ Vũ công)
Như đã cắt và dũa học tập đạo lý
Như đã giồi mài lo việc tu thân.
Người ấy rất trang trọng, rất uy nghiêm.
Người ấy rất vinh diệu, rất rạng rỡ.
(Nước vệ hôm nay) có người quân tử văn nhã.
Thì dân chúng rốt cùng không thể quên người được.
Hoặc bài:
“Hạo thiên bất dung,
Giáng thử cúc hung.
Hạo thiên bất huệ,
Giáng thử đại lệ.
Quân tử như giới,
Tý dân tâm khuyết.
Quân tử như di,
Ố nộ thị vi.” [tr.959]
Dịch nghĩa:
Thượng đế không công bình,
Mới gieo xuống lắm loạn lạc cùng cực ấy.
Thượng đế không xuôi thuận,
Mới gieo xuống lắm việc trái nghịch to tát ấy.
Vua nếu như dốc hết tâm chí vào việc chính trị một cách chí thành,
Thì khiến lòng dân được yên.
Vua nếu như công bình,
Thì nỗi oán hận của dân sẽ xa lánh ngay.
Một hạng người phổ biến nữa mà Kinh thi nhắc đến bằng hai chữ quân tử đó chính là những vị đại phu, quan lại cai trị dân chúng. Họ được xem là phụ mẫu của dân chúng, được dân chúng kính trọng, yêu mến và tán thán công đức. Quân tử = người cai trị dân chúng.
“Ngã hành kỳ dã,
Bồng bồng kỳ mạch.
Khống vu đại bang,
Thùy nhân thùy cực.
Đại phu quân tử,
Vô ngã hữu vưu
Bách nhĩ sở tư,
Bất như ngã sở chi.” [tr.260]
Dịch nghĩa:
Ta đi ngang qua đồng nội,
Lúa mạch mọc dài và nhiều rậm.
Ta muốn báo cáo với nước to,
Nhưng chưa biết sẽ dựa vào ai và sẽ đến với ai.
Quan đại phu và dân chúng nước Hứa,
Chớ cho ta là có lỗi,
Hằng trăm phương kế của các ngươi lo nghĩ xử trí.
Cũng không bằng để ta đi về (mà tận tâm lo cứu nước Vệ).
Có thể nói rằng, Kinh Thi là một tác phẩm điển hình nhất về hình tượng người quân tử xa xưa nhất của người Trung Hoa. Quân tử trong tác phẩm này hàm ý rất nhiều đối tượng từ bậc đế vương nhà Chu, các vua chư hầu, những “kẻ cai trị” là các đại phu, cho đến bậc nữ nhi có đức hạnh, khí tiết như bà Hậu phi của vua Văn Vương và bọn nữ nhi, vợ hoặc người yêu của bọn nam nhân cũng xem các đức lang quân của mình hay người yêu là “quân tử” với những lời mà Nho giáo xem là dâm từ, phóng đãng v.v… Thế nhưng, chính đức Khổng tử cũng rất đề cao Kinh Thi và nhiều thế hệ Nho gia xem nó đã bảo lưu được những phong hóa tốt đẹp của người xưa. Khổng tử đã san định nó. Chúng tôi nghĩ rằng khi ông san định đã lược bỏ rất nhiều những từ ngữ phóng đãng của bọn nam nữ đối đáp với nhau và chắc chắn rằng sẽ có nhiều từ “quân tử” theo cá nhìn của bọn nữ nhân dùng để gọi người yêu của mình một cách trìu mến, yêu thương.

[1] Tạ Quang Phát 1991: Kinh Thi (bản dịch) tập 1, tr.39-40.
[2] Kinh Thi, bản dịch của Tạ Quang Phát. –Văn học Hà Nội 1991, 3 tập: 1841 trang.[/justify]
Hình đại diện của thành viên
hienhiendichsac
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Thứ 6 26/10/07 16:26
Đến từ: HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang trước

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến10 khách