Nghệ thuật sân khấu nhật bản

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Nghệ thuật sân khấu nhật bản

Gửi bàigửi bởi honomushi » Thứ 3 09/12/08 22:09

Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu tinh tế của Nhật Bản như kịch Noh, Kabuki, Kyogen, Bunraku, Rakugo... thì có lẽ kỳ lạ và đặc sắc nhất bởi sự ít người và giản dị là Rakugo. Ở Rakugo, chỉ có duy nhất một diễn viên đồng nghĩa với người kể chuyện còn gọi là Rakugoka hay hanashika. Hơn thế khi diễn, nghệ sĩ chỉ ngồi nguyên một chỗ trên một chiếc đệm đóng đủ các vai diễn và biến câu chuyện thành một vở hài kịch tình thế. Tuy chỉ kéo dài 30 đến 40 phút song rakugo luôn đem lại tiếng cười hàng tiếng cho khán giả. Vào mùa hoa anh đào nở, từ tháng hai trở đi khắp nơi ở Xứ sở Phù Tang đều rạo rực Rakugo.
Về nguồn gốc, đây vốn là một dạng bài thuyết giáo của nhà Phật. Sau này, một số người đã lấy đó làm kế sinh nhai, và vào thời Edo (1603-1868) nhờ tầng lớp thương nhân Chonin mà lan rộng cả nước. Sau khi nở rộ tại ba thành phố Edo, Kyoto và Osaka, Rakugo đạt đỉnh cao ở thời Minh Trị (1868-1912), và tiếp tục phát triển tới nay. Tại thủ đô Tôkyo hiện có 5 sân khấu Rakugo, lớn nhất là Engei Đường của Nhà hát quốc gia.
Nghệ sĩ kể chuyện Rakugo được sách sử ghi chép đầu tiên là nhà sư, nhà thơ, nghệ nhân trà đạo Anrakuan Sakuten (1554-1642) thời Tokugawa, và là tác giả của cuốn truyện Seisuisho - Hãy cười để đuổi cái ngủ đi gồm hơn 1000 câu chuyện vui. Kế đó là nghệ sĩ Shikano Buzaemon (1649 - 99), với tác phẩm Shikano Buzeamon kudenbanashi - Truyện của Shikano Buzeamon và Shikano makifude - Cái đuôi của con hươu năm 1686 gồm 39 câu chuyện, trong đó 11 câu chuyện về thời đại ca vũ kỹ; Tatekawa Enba (1743-1822) - Kakugo rokugi - Sáu ý nghĩa ở rakugo; Tsuyu no Gorobei (1643-1703) - Karakuchi tsuyu ga hanashi - Những chuyện về giọt sương ma và Yonezama Hikohachi cuối thế kỷ XVII - Karakuchi gozen otoko.
Rakugoka hay hanashika thường là nam giới song đã có không ít nữ tham gia. Một gương mặt nổi tiếng là nữ nghệ sĩ Kokontei Kikuchiyo. Chị đã diễn suốt 20 năm trong ngoài nước, lúc ở Seoul Hàn Quốc khi ở Bình Nhưỡng Triều Tiên, Brazil, Anh, Pháp, Mỹ... Chị thích Rakugo từ hồi còn học trung học, khi lên đại học bắt đầu biểu diễn nghiệp dư và sau khi tốt nghiệp đại học xin vào làm trong một công ty, song do vẫn yêu sâu nặng nghiệp diễn khi 27 tuổi chị đã bỏ việc và xin học nghề nghệ sĩ Kokontei Engiku và lấy biệt danh của ông. Chị cũng giỏi múa sư tử shishipmai. Kokontei Kikuchiyo thường diễn dọc đường Tokaido, một quốc lộ rất đông đúc ngay từ thời Edo và là nơi hình thành Rakugo ngày nay. Chị là một trong hai người phụ nữ đầu tiên của Nhật Bản được phong danh hiệu nghệ sĩ giỏi nhất - shinuchi.
Hoặc như nữ nghệ sĩ Katsura Kofumi, được đánh giá là người có tài phá vỡ cách diễn truyền thống. Sự thành công của chị đã mang tới sự nhận định quan trọng ở Rakugo, đó là khả năng diễn xuất của nữ không kém nam vì cho đến nay nữ giới vẫn bị coi thường, và các nữ nghệ sĩ luôn phải gắn chữ onna (nữ) vào danh hiệu. Điều đặc biệt nữa là chị học Rakugo hơi muộn. Phần lớn các nghệ sĩ đều bắt đầu học Rakugo ít nhất sau trung học, song chị tốt nghiệp khoa luật đại học Waseda mới học, sau một lần xem một buổi diễn của nghệ sĩ Katsura Bunji. Khi ấy, chị 21 tuổi và đã quyết định cạo trọc đầu để thành "nam" diễn viên, và trong 13 năm đến nay đã nghiên cứu dàn dựng được hơn 130 câu chuyện.
Rakugo được diễn bằng ngôn ngữ dấu hiệu từ năm 1979 khi một nghệ sĩ tên là Katura Fukudanji bị đau họng và mất đi khả năng nói bình thường, ông thấy mọi người vẫn trò chuyện được với nhau bằng dấu hiệu và đã nghĩ ra Rakugo dấu hiệu. Người có công mở mang Rakugo dấu hiệu là nghệ sĩ điếc Ippuku, học trò của Katura Fukudanji. Đây là nghệ sĩ đầu tiên bị thiểu năng nghe và biểu diễn rakugo bằng cử chỉ tay chân cho người bị điếc xem. Trong khi biểu diễn, Ippuku thấy một câu chuyện được chuyển thể bình thường sang dấu hiệu không lôi cuốn khán giả điếc nên ông đã đi lượm lặt các chủ đề mà người điếc quan tâm và xây dựng thành chuyện, phục vụ với tên Ippuku điếc. Mỗi năm, ông diễn hơn 80 buổi, và đặc biệt năm 1991 tại hội nghị thế giới của người điếc đã thu hút hàng triệu khán giả khắp thế giới. Hiện, ông đã diễn ở Italia, Mỹ, Anh... Đang có khoảng 50 nghệ sĩ Rakugo điếc ở Nhật Bản.
Để mở đầu một vở diễn Rakugo, người ta sẽ dạo nhạc mời nghệ sĩ bước ra sân khấu. Trên sàn diễn độc nhất một cái đệm (một số trường hợp có thêm một chiếc bàn nhỏ). Nghệ sĩ mặc áo kimôn mang theo mình một chiếc quạt giấy và đôi khi cả một cái khăn thắm. Nghệ sĩ cúi chào khán giả rồi ngồi xuống đệm. Kể từ lúc này, nghệ sĩ chỉ dùng cái quạt hay chiếc khăn tắm và những lời nói sắc bén, điệu bộ linh hoạt để truyền tải hành động thuật lại câu chuyện và khơi gợi trí tưởng tượng ở khán giả. Ví dụ: lắc mình, nhún gối, nắm bàn tay và vung cánh tay miêu tả một người đang chạy; khum vai, duỗi tay lên đầu gối để ngủ hay trợn mắt xoa trán thể hiện rất xúc động. Nghệ sĩ chủ yếu dùng chiếc quạt gấp rakugo nhỏ và có ít nan hơn quạt thường nhằm tạo tiếng động, giả làm một cây sáo trúc, một đôi đũa hay một chai rượu và chiếc khăn tắm làm một chiếc ví, một hộp thuốc lá, hay một củ khoai lang nướng... Nói nhiều, dễ khát nên có lúc người ta cũng cho lên sân khấu một cốc nước, và nghệ sĩ có thể dùng nó để đóng một số vật như bát cơm, bát mỳ hay cốc nước.
Vì đóng mọi nhân vật nên nghệ sĩ sẽ tách biệt từng nhân vật bằng cách quay sang trái hoặc phải. Hướng của một nhân vật được quyết định như trong ca vũ kỹ, đó là người bước vào từ bên phải sân khấu, những nhân vật có địa vị cao luôn ở bên phải nhân vật vị trí thấp, nhân vật trong nhà luôn bên phải nhân vật bên ngoài. Nhiều khi nghệ sĩ cũng dùng tiếng nói âm vực cao để chỉ một đứa trẻ, hay âm vực thấp chỉ người già. Cách gọi tên nhân vật khá thống nhất, chẳng hạn Yotaro là một chàng ngốc, Seihachi là người ngay thẳng, khờ khạo, Jinbei là người đôn hậu, sợ vợ hoặc người già khôn ngoan, Hachigoro là người thợ tốt bụng...
Mỗi vở diễn Rakugo gồm ba phần: makura mở đầu, honmon cốt (giữa) và ochi kết thúc, phần kết bao giờ cũng vui, hài, dễ hiểu nhất. Có tới 12 kiểu ochi rất độc đáo. Thời Edo, nghệ sĩ ngoài diễn với chuyện cười còn thực hiện nhiều thể loại như ninjobanashi, kaidanbanashi, shibaibanashi... Ninjo là thể loại truyện thương cảm tập trung vào sự tranh đấu và chiến thắng của người dân nghèo, thu phục nhân tâm. Màn diễn thường kéo dài vài ngày mà chưa thấy hồi kết. Một vở thú vị là Yodogoro kể về một diễn viên ca vũ kỹ mới vào nghề nên đã bị một diễn viên lão luyện mà anh đóng chung khinh thường cho rằng anh đóng vai tự tử không đạt. Cuối cùng, quẫn bách quá, diễn viên trẻ đã tử tự thật ở trên sân khấu, đem tới một vở diễn hoàn hảo. Kaidan là thể loại truyện ma quỷ kết hợp dùng nhạc cụ, nến, trang phục kỳ lạ, tận dụng bóng tối để diễn xuất ma. Khi muốn gợi ý mọi người là ma đang đến thì nghệ sĩ sẽ thở như thế nào đó để ngọn nến mong manh, rồi dùng tay che khuất một góc sàn tạo khoảng tối u tịch. Một vở kịch hay là Shinkei kasanegafuchi của San yutei Encho. Shibai là thể loại kịch gồm các màn kể chuyện chi tiết giống như ca vũ kỹ và nói kịch. Hơn các thể loại trên ở chỗ, nghệ sĩ ăn vận đẹp hơn và mang các vật dụng lên sân khấu cũng đẹp, bắt mắt hơn.
Học Rakugo khá vất vả. Các nghệ sĩ đều phải khổ luyện, và dành 10 năm diễn xuất trước khi được nhận danh hiệu. Có ba loại danh hiệu: đầu tiên là zenna, thứ hai futatsuma và cao nhất là shinuchi.
Người dân Nhật Bản rất thích sân khấu độc diễn. Dường như tuần nào, các gia đình cũng đi xem rakugo. Mọi người bị hấp dẫn bởi khả năng ngôn ngữ, tài diễn xuất của nghệ sĩ và cũng bởi mỗi vở kịch giúp họ thoát khỏi những trăn trở, căng thẳng, đem lại tiếng cười vui, ý nghĩa. Chẳng hạn như vở Chàng hai vợ: Một anh chàng có tới hai vợ một cô vợ già và một cô vợ trẻ. Cả ba người đang sống rất vui vẻ, thì một ngày hai cô vợ thấy tóc của anh đã xuất hiện đốm bạc. Cô vợ trẻ không thích chồng già nên hàng đêm đều chải tóc cho chồng và nhổ bớt một số sợi bạc. Cô vợ già thấy chồng bạc tóc thì lại rất thích vì như thế người ta sẽ không còn nhầm anh là con trai của bà nên mỗi sáng cũng chải tóc cho chồng và nhổ các sợi đen. Kết qủa là chồng của họ đã bị trọc lốc. Mỗi sáng, khi thức dậy trẻ em trên khắp Nhật Bản thường đồng thanh nói một tràng dài Jugemu Jugemu Goko no Surikire Kaijari Suigyo no Suigyomatsu. Đó không phải là một câu niệm chú mà chỉ để cảm thụ sức tươi trẻ bằng cách ngân nga sâu bên thân thể. Câu nói này xuất phát từ tên của một nhân vật trong một câu chuyện vui độc thoại. Chuyện là thế này: Một lần, có một người đàn ông đến xin một nhà hiền triết đặt tên của đứa con trai mới sinh, nhà hiền triết đắn đo mãi rồi đưa ra hai tên: Jugemu nghĩa là trường thọ và Go-Ko no Surikie nghĩa là sống lâu gấp năm lần thời gian một tảng đá có thể bị bào mòn, mà lại bị bào mòn bởi một vị thiên thần cứ ba nghìn năm mới xuống trần một lần do áo choàng của vị thần này quá dài nên đã cọ vào viên đá làm nó bị mòn đi một chút. Để con sống lâu, người cha đã chọn cả hai cái tên đặt cho con. Khi đứa trẻ đến tuổi tới trường, một ngày một đứa bạn bỗng nhiên chặn nó lại định đánh cho một trận song khi vừa nói đến cái tên Jugemu... thì nó bỗng bỏ ý định và vội vã chạy mất vì lo muộn học. Một lần khác, Jugemu cũng đánh một đứa trẻ làm nó bị thâm tím, đứa trẻ liền về mách mẹ Jugemu, song khi vừa nhắc đến nửa câu Jugemu đã đánh... thì vết thâm tím đó đã biến mất...
RANDOM_AVATAR
honomushi
 
Bài viết: 75
Ngày tham gia: Thứ 7 08/12/07 22:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Nghệ thuật sân khấu nhật bản

Gửi bàigửi bởi btlhuong » Thứ 4 10/12/08 8:59

Nghe Honomushi kể chuyện sao mà hấp dẫn quá. Quả thực khi học về văn hóa Nhật Bản thì có rất nhiều điều mới lạ và thú vị. Người Nhật luôn biết tìm ra cái mới, cái riêng đặc trưng cho mình. Tớ đã từng được xem Noh, Kabuki nhưng cái Rakugo này thì chưa nghe bao giờ. Rakugo tiếng Hán nghĩa là gì? đẻ mình thử search trên Youtube xem có vở nào hay hay sẽ post lên cho pà con cùng thưởng thức heng.
:D
RANDOM_AVATAR
btlhuong
 
Bài viết: 19
Ngày tham gia: Thứ 5 10/01/08 15:59
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến24 khách