Ảnh hưởng Nho giáo ở Hàn Quốc

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Ảnh hưởng Nho giáo ở Hàn Quốc

Gửi bàigửi bởi redseaviet » Thứ 2 12/01/09 21:21

1.Nho giáo và truyền thống văn hóa, xã hội
Xã hội truyền thống Hàn Quốc được thể hiện rõ trong mối quan hệ về huyết thống (nguyên tắc về họ tộc), phụ quyền (quyền lực trong gia đình) và tộc quyền (quyền lực rộng rãi hơn về xã hội, chính trị, kinh tế - gắn bó mật thiết nới tư tưởng dòng tộc và gia đình).
Giáo huấn Các giá trị Nhân, lễ, nghĩa, trí và tín đóng một vai trò lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hằng ngày của người Hàn Quốc. Những giá trị này được hấp thụ thông qua giáo dục, yếu tố quan trọng nhất trong xã hội Hàn Quốc. Các gia đình sẵn sàng hy sinh tất cả để con cái được giáo dục đến nơi đến chốn. Người Hàn Quốc quan niệm rằng người hiền tài sẽ lập nên một nhà nước tốt, còn giáo dục tốt (theo kiểu Nho giáo) sẽ giúp tạo nên hiền tài. Chính vì vậy, một nền giáo dục rộng khắp và một chế độ khoa cử đã sớm được hình thành ở Hàn Quốc. Cách duy nhất để đạt được danh vọng lẫn tiền tài trong xã hội ngày trước là phục vụ cho triều đình.
Nghi lễ: một nghi lễ quan trọng nhất của Nho giáo là việc thờ cúng tổ tiên. Tất cả mọi người Hàn đều thực hiện các nghi lễ theo kiểu Nho giáo cho người đã khuất. Bàn thờ được bày dọn long trọng với đủ các thức ăn ngon, trước tiên là cúng vong linh người đã khuất và sau là chiêu đãi đông đảo họ hàng. Các nghi lễ Nho giáo được tổ chức tùy theo từng gia đình, họ tộc, xóm làng. Thường xuyên được tổ chức nhất là ở các đại gia đình có nhiều thành viên, các họ tộc hay các nhánh của họ tộc. Các nghi lễ này được tổ chức mỗi năm một lần tại đền thờ tổ hoặc tại mộ phần của người đã mất.

2.Nho giáo và tư tưởng huyết thống, thể chế, tập tục
Nho giáo ở Hàn Quốc là một hệ tư tưởng hai chiều. Trước tiên, nó là hệ ý chí qui định hành vi xã hội và giá trị con người. Thứ hai, Nho giáo vào cuối thời kỳ Chosun là hệ tư tưởng của tầng lớp thống trị nhằm hợp pháp, hợp lý và trường cửu hóa hình tượng cũng như quyền lực của họ.
Nho giáo qui định các mối quan hệ xã hội, con người thông qua tuổi tác, thế hệ, giới tính và địa vị, tạo ra thứ bậc rõ ràng giữa người lớn – kẻ nhỏ, nam – nữ, người cai trị - kẻ bị trị. Tính bề trên và tuân phục hàm ý trong các cặp quan hệ này là trọng tâm của hệ tư tưởng huyết thống Hàn Quốc cuối thời kỳ Chosun. Tư tưởng phụ hệ thể hiện các nguyên tắc Nho giáo: nam có giá trị hơn nữ, người lớn hơn người nhỏ. Người phụ nữ tòng phục đàn ông, người nhỏ tòng phục người lớn. Các hệ quả cơ bản của hệ thống huyết tộc tuân theo trật tự tuổi tác và giới tính. Một trong những cách định hình huyết tộc của xã hội Hàn Quốc là chokpo (tộc phả). Những nhóm người cùng họ thường sống tập trung trong cùng một thôn, làng. Quan hệ xã hội của thôn, làng phù hợp với nguyên tắc và tôn ti của huyết tộc. Mọi quan hệ phân phối, điều khiển, chỉ huy, và phân chia của cải đều tuân thủ theo thứ bậc trong họ.
Tôn ti trật tự được tôn trong không những ở các từ ngữ mà còn ở ngôn ngữ nói. Ngôn ngữ Hàn Quốc chú trọng thứ bậc, tuổi tác, các hình thức ngỏ lời, các động từ, từ ngữ thay đổi tùy theo người nói là ai, cho nên, nghe qua cách nói chuyện có thể biết được khoảng cách xã hội, tuổi tác giữa các người nói.

3.Nho giáo và tầng lớp xã hội
Xã hội vào thời Chosun do yangban thống trị. Họ là một tầng lớp viên chức, quan lại đã đỗ đạt ở các kỳ thi tuyển và kết thành bộ máy quan lại nhà nước. Những kỳ thi đó nhằm khảo sát trình độ về kinh thư và học thuật Nho giáo. Dưới triều đại Chosun và ngay cả ngày nay, các gia đình hay dòng tộc yangban có thể kể ra các vị tổ tiên đã đỗ các kỳ thi của nhà nước và giữ các chức vụ triều đình. Thông hiểu Nho giáo chính là đã đạt được một trình độ giáo dục cao và chức vị trong bộ máy nhà nước tập quyền.
Yangban trước khi được bổ nhiệm làm quan, công việc chính của họ là theo học ở các viện Nho giáo (hay sowon), vốn phát triển ở khắp nơi trong thời Chosun, để thi cử và rồi nắm lấy chức vụ. Họ không tham dự vào các ngành khác như thủ công, thương mại và nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, khi người Hàn trở nên giàu có hơn, giới trẻ Hàn Quốc có ý thức về dân tộc mình nhiều hơn và bắt đầu hướng về những giá trị cội nguồn trong biển cả tư tưởng phương Tây và các cải cách, tiến bộ kinh tế hiện đại. Nho giáo là triết học, là cơ sở căn bản cho các lễ nghi, là tiếng vọng của cha ông từ ngàn xưa, sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong xã hội Hàn Quốc hiện nay.
REDSEA - HONG HAI - CAO HOC KHOA 2006
RANDOM_AVATAR
redseaviet
 
Bài viết: 11
Ngày tham gia: Thứ 5 18/12/08 19:49
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến24 khách

cron