Với tôi "Mai Lan Phương" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Với tôi "Mai Lan Phương" không chỉ là một tác phẩm điện ảnh

Gửi bàigửi bởi LuuTuanAnh » Thứ 4 04/03/09 19:33

Mỗi dân tộc đều tồn tại một loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc thù riêng của mình. Ở Trung Hoa Hý khúc đã đi vào đời sống với những ảnh hưởng khó phai mờ. Hý khúc là một huyết mạch trong truyền thống văn hóa dân tộc Trung Hoa, và là hình thức tồn tại của ý thức tư tưởng và tinh thần nhân sinh của người Trung Quốc. Bằng hình thức kịch hát phản ánh cuộc sống thực tế, Hý khúc đã giữ gìn được nhiều đặc trưng văn hóa lịch sử của dân tộc Trung Hoa [Chương Di Hòa (cb) 2002: 8]. Những tác phẩm sân khấu Hý khúc, tên tuổi của những diễn viên Hý khúc vẫn còn lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng của những người yêu mến, và những người nghiên cứu loại hình nghệ thuật này cả trong lẫn ngoài Trung Hoa.

Hình ảnh
Nghệ thuật biểu diễn Kinh kịch

Tác phẩm điện ảnh “Mai Lan Phương” ra đời khoảng cuối năm 2008 như một biểu hiện của tinh thần dân tộc, ý thức văn hóa đẹp đẽ, đáng được trân trọng.

Mai Lan Phương (1894 – 1961) – một cái tên không mấy xa lạ với người Trung Hoa, đặc biệt đối với những người yêu thích loại hình nghệ thuật Hý khúc thì lại càng trở nên quen thuộc. Tuổi thơ của ông là cả một quá trình trải nghiệm đầy mất mát và buồn bã. Cha mất, sau đó mẹ cũng qua đời, ông tự thân bước vào đời khá sớm. Đến khi bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình thì cũng không mấy thuận lợi. Thế nhưng với lòng yêu nghề, sự tận tụy, Mai Lan Phương đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật. Mai Lan Phương không những góp phần vào việc phát triển nghệ thuật Hý khúc trong nước mà còn có công lớn trong việc quảng bá loại hình nghệ thuật này ra nước ngoài.

Ông là một bậc thầy về Kinh kịch mà một thời gian dài đã khiến dân chúng yêu nghệ thuật phải mến mộ đến độ như ngây như dại. Khi ông lên sân khấu, trước mắt khán giả, không còn đơn thuần là một Mai Lan Phương, ông đã hóa thân một cách nhập tâm vào từng nhân vật, từng vai diễn mang lại cho khán giả những giây phút tận hưởng tuyệt vời và đầy ấn tượng.

Hình ảnh
Huyền thoại Mai Lan Phương

Hý khúc từng là loại hình giải trí được nhiều những sự ưa chuộng và hưởng ứng của công chúng ở Trung Hoa. Nghệ thuật Hý khúc Trung Hoa vốn có lịch sử từ lâu đời, khởi nguồn từ xa xưa và vẫn còn lưu truyền đến ngày nay, tạo ra một dấu ấn lớn trong sự phát triển của văn hóa Trung Hoa.

Hý khúc là một loại hình nghệ thuật đặc trưng có tính tổng hợp cao độ, nó không những có thành phần văn học, mà còn bao gồm những yếu tố nghệ thuật khác như âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật, … [Trịnh Truyền Dần 1993/2003: 428]. Hý khúc Trung Quốc thông qua “ca”, “vũ”, “diễn”, “cốt chuyện”, “động tác” để sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật sân khấu nhằm phản ánh những hiện tượng trong đời sống xã hội đương thời. Để trở thành một diễn viên Hý khúc không phải dễ dàng, không đơn thuần chỉ là tái tạo lại nhân vật, mà còn phải biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn những lối hát, diễn, nói, những động tác mang tính cách điệu và tính quy phạm cố định vào trong vai diễn. Những cách cười, tiếng cười, cách tung râu, cách hóa trang mặt nạ, những động tác võ thuật, … đều không phải một sớm một hồi đã có thể thành thục.

Ở sân khấu Tây Phương, ý thức thời gian và không gian được biểu hiện một cách cụ thể. Cách bố trí sân khấu mang tính thực tế cao, khiến cho khán giả dễ dàng tưởng tượng ra được bối cảnh về một cuộc sống thực và hòa mình vào nó. Thời gian của từng cảnh diễn cũng khớp với thời gian thực tế cho từng tình huống trong cuộc sống. Diễn viên chỉ còn việc đơn thuần là thể hiện tốt nhân vật mình đang diễn. Thế nhưng sân khấu Hý khúc thì ngược lại lấy việc tạo hình nhân vật làm chính. Mỹ thuật sân khấu Hý khúc không dựa nhiều vào kỹ thuật sân khấu để tạo ra ảo giác, tất cả bối cảnh của sân khấu phụ thuộc vào hoạt động diễn xuất khéo léo của diễn viên mà thành.

Vì vậy vai trò của người diễn viên trên sân khấu Hý khúc rất quan trọng và không kém phần vất vả. Mai Lan Phương thật sự là một nghệ sĩ tài ba và đáng trân trọng. Mỗi khi bước ra sân khấu ông đã rất nhanh cuốn hút được sự chú ý và những sự tán thưởng cho vai diễn của mình từ phía công chúng. Bằng chất giọng mượt mà, lối diễn xuất điêu luyện đã lôi cuốn khán giả vào trong trạng thái say sưa, ngây ngất.

Tái hiện lại hình tượng người nghệ sĩ tài ba này với tất cả những thăng trầm trong cuộc sống, những cái được và mất trên con đường sự nghiệp chỉ bằng 147 phút phim thì quả thật không phải là chuyện đơn giản. Thế nhưng Trần Khải Ca với “Mai Lan Phương” đã làm được. Với những hồi ức của bản thân, những tìm hiểu thực tế, ông đã rất bản lĩnh đưa một Mai Lan Phương từ trên sân khấu thực đi vào điện ảnh một cách tài tình và khéo léo.

Thế giới ngày một phát triển, nhu cầu thưởng thức của con người ngày càng cao, thì những tác phẩm điện ảnh ra đời không thể là những thước phim thực dụng, xem xong rồi chóng quên, mà phải là những tác phẩm đẹp, hay và có ý nghĩa. Những đề tài của phim thị trường như tình cảm, xã hội, hành động, kiếm hiệp, … ngày càng tràn ngập, mang về cho nhà sản xuất những khoản lợi to lớn, nhưng lại không lưu lại lâu dài trong lòng của công chúng. Cùng với những tác phẩm điện ảnh khác về lịch sử, văn hóa, “Mai Lan Phương” đã góp thêm một tiếng nói to lớn vào việc tôn trọng, bảo tồn, và phát triển những nét đẹp văn hóa, mà ở đây là nghệ thuật biểu diễn truyền thống.

Tác phẩm phim đã chuyển tải được những ý nhĩa sâu sắc về quan niệm sống, lòng yêu nghề, yêu người của một con người cả cuộc đời hết mình vì nghệ thuật. Cùng với những cảnh phản ánh khá đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của Mai Lan Phương, tác phẩm đã cho thấy phần nào bộ mặt xã hội Trung Hoa đương thời, cùng với những nhu cầu tinh thần mà con người hướng tới. Đây có thể nói lại là một tác phẩm “để đời” của Trần Khải Ca, một mắc xích quan trọng trong việc lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa.

Hình ảnh
Poster quảng bá phim “Mai Lan Phương”

Trần Khải Ca tạo ra tác phẩm này không chỉ đơn thuần xuất phát từ lòng ngưỡng mộ Mai Lan Phương, mà còn vì một tinh thần dân tộc trong sáng và đẹp đẽ. Với bàn tay đạo diễn tài ba của ông, lối diễn xuất đầy lôi cuốn của dàn diễn viên nổi tiếng như Lê Minh, Chương Tử Di, Trần Hồng, Tôn Hồng Lôi, … mặc dù vẫn có những ý kiến đánh giá không hay về tác phẩm “Mai Lan Phương”, thế nhưng một điều có thể khẳng định rằng tác phẩm “Mai Lan Phương” đã gây ra được tiếng vang lớn trên phim trường, và lưu lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người hâm mộ.

Thế hệ trẻ hiện nay ở Trung Quốc, và cả ở nhiều nước, ngày càng có xu hướng xa rời với những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Vì vậy phim “Mai Lan Phương” ra đời như một sự cảnh tĩnh, nhắc nhở sự tìm về với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với tôi “Mai Lan Phương” không chỉ là một tác phẩm điện ảnh!



Tài liệu sách:
1. Chương Di Hòa (cb) 2002: Hý khúc Trung Quốc (người dịch: Nguyễn Xuân Bích). – NXB Thế giới, 142 tr.
2. Trịnh Truyền Dần 1993/2003: Khái luận văn hóa Hý khúc Trung Quốc (in lần thứ ba). – NXB Đại học Vũ Hán, 448 tr.

Tài liệu Internet:
1. nld.com.vn: Lặng lẽ Mai Lan Phương, http://nld.com.vn/20090218105842406P0C1 ... phuong.htm
2. tintuconline.com.vn: Vì sao bộ phim Mai Lan Phương thất bại, http://tintuconline.com.vn/vn/vanhoa/247957/
3. vietsciences.free.fr: Lịch sử nghệ thuật biểu diễn Trung Quốc, http://vietsciences.free.fr/lichsu/lich ... dienTQ.htm
4. http://www.thethaovanhoa.vn: Trần Khải Ca làm phim Mai Lan Phương vì lòng ngưỡng mộ, http://www.thethaovanhoa.vn/176N2008120 ... ong-mo.htm
Hạnh phúc khi tôi được ngắm nhìn ...

Lưu Tuấn Anh
刘俊英
りゅうとしひで (劉俊英)
RANDOM_AVATAR
LuuTuanAnh
 
Bài viết: 154
Ngày tham gia: Thứ 6 04/01/08 17:55
Cảm ơn: 26 lần
Được cám ơn: 11 lần

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến8 khách

cron