Tình trạng tích hợp văn hoá ở việt nam

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Tình trạng tích hợp văn hoá ở việt nam

Gửi bàigửi bởi TRANTHIKHANHTAM » Thứ 5 05/03/09 16:45

Tình trạng tích hợp văn hoá ở việt nam

Sự hỗn hợp Nho – Pháp - Quyền mưu phản ánh khá rõ suốt lịch sử phong kiến Việt Nam. Thời thượng cổ: Mưu lược Thần (Thiên) hoá nguồn gốc Rồng Tiên (cao quí hơn Trung Quốc), thần hóa dân tộc, tổ tiên (Vua Hùng), sông núi (Tản Viên …), con người (Phù Đổng, Lý Ông Trọng)…

Mưu lược đó vẫn còn dùng ở đời Lý: dời đô về Thăng Long, Bài Thơ Thần … Đời Lê: lời sấm truyền "Lê lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần”, Thanh gươm thần của Lê Lợi…

Đời Lý: Nho giáo chưa ảnh hưởng lớn nhưng “thế” nước mạnh, Nho học được nhìn nhận qua cái nhìn độc lập -tự chủ và bằng tư duy Thiền học. Văn hoá thời Lý có những phẩm chất “Vương đạo”. Lý Thường Kiệt đã biết vận dụng “Chính danh” như một mưu lược quân sự, ngoài ra Ông còn sử dụng thành công nhiều mưu lược quân sự trong cuộc chiến phía Bắc… Chiến lược con người Thời Lý (và cả Thời Trần) đề cao sức mạnh của con người vô ngã, dáng dấp như tinh thần Samurai Nhật trên chiến trường.

Đời Trần, Nho học đi dần đến độc tôn, ảnh hưởng Thiền học vẫn còn (làm chậm quá trình Nho hoá), hình luật tương đối cởi mở, quyền mưu mang tính tổng hợp (Binh thư yếu lược – tinh tuyển mưu lược gia Trung Quốc). Binh thư yếu lược còn đặc biệt quan tâm đến phạm trù “Thiên” (thiên thời, thiên văn …). Văn hoá Nho – Thiền phát huy tác dụng, thế nước mạnh, quyền mưu phát triển cao. Mưu lược “Giác ngộ” được vận dụng ở Hịch tướng sĩ, làm tiền lệ cho các loại “Hịch” sau này (Hịch Cần Vương, Hịch Đánh Tây…).

Đời Hồ, Hồ Quí Ly tiếp tục “Thiên hoá” nguồn gốc nhà vua (cháu Nghiêu Thuấn), dùng mưu Phế lập (ép vua xuất gia theo Đạo giáo), dùng Thế “Tân pháp”, tác động vào vô thức dân tộc về độc lập văn hoá (Phê bình Tống Nho, bắt nho sĩ quay về thực học…). Nhưng lúc này thế nước yếu, không đủ “chính danh” và bị các nhà nho xem là Bá đạo. Đời Hậu Lê, nho học độc tôn (Lê Thánh Tông). Nguyễn Trãi kết hợp Nho với Quyền mưu: “Quyền mưu bản thị dụng trừ gian, Nhân nghĩ duy trì quốc kế an” …

Ông lấy Nhân nghĩa làm thể – Quyền mưu làm dụng, phản ánh đậm trong Mưu lược ngoại giao (Quân trung từ mệnh tập). Sách lược ngoại giao –Tâm công tiếp thu đáng kể tư tưởng Quy Cốc Tử. Nguyễn Trãi cũng muốn xây dựng đất nước theo tinh hoa văn hoá Lý Trần (dung hợp Tam Giáo) nhưng không thành công. Luật Hồng Đức phản ánh sự thâm nhập của Nho trị vào Pháp trị. Đời Lê về sau, màu sắc Bá đạo phản ánh qua các vua lê Huy Mục, Lê Tương Dực. Đến Loạn Kiêu Binh tình hình còn nặng nề hơn (Biểu hiện của Vong quốc chi đạo)…

Họ Mạc dùng Mưu và Thế cướp ngối (giả chiếu nhường ngôi), xây dựng đội ngũ trí thức Nho học, xây dựng Mạc triều văn hoá, nhưng Mưu và Hình không đủ cứu nổi khiếm khuyết về tính phi chính thống đối với văn hoá Nho gia. Dù thời đại đã xuất hiện con người huyền thoại – ẩn sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nhà dự đoán học.

Họ Trịnh vận dụng hình thức Pháp trị “lưỡng đầu chế” (Vua - Chúa – tương tự ở Nhật Bản…); và sách lược Khoan giản hình pháp, “Giữ chùa thờ Bụt”. Nhưng họ Trịnh Không tranh thủ được danh xưng chính thống dưới mắt Nho gia nên cũng không bền vững.

Nhà Tây Sơn lúc dựng nghiệp đã tiếp thu tri thức mưu lược của các trí thức, tướng lĩnh nhà Trịnh bất mãn thời thế. Nhà Tây Sơn làm nên những kỳ công về mưu lược quân sự, tiêp tục tác động vào tâm thức độc lập văn hoá của dân tộc (Bỏ chữ Hán dùng chữ Nôm…), nhưng không được sự ủng hộ của trí thức và quần chúng chịu ảnh hưởng Nho gia.

Triều Nguyễn vận dụng sách lược “Nhân hoà”, dùng mưu lược “Viễn giao cận công”, mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây (Chân Lạp, Xiêm …) và giao hiếu với Tây Âu bằng đường biển phía Đông. Nhiều mưu lược quân sự được vận dụng phong phú trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn và đối với nhà Tây Sơn. Hình luật Thời Gia Long là sự dung hợp Nho Pháp (Về tính chất, Nguyễn Nho nhạt yếu tố Việt hơn cả Lê Nho). Quyền mưu học phát triển (“Hổ trướng khu cơ” – Đào Duy Từ …); nhiều nhân vật giỏi mưu lược: Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật , Nguyễn Hữu Tiến… Rất tiếc là sự rập khuôn mô hình thể chế Trung Hoa từ thời Minh Mạng, chính sách phòng thủ tự cô lập, sự độc tôn và tự cao của văn hoá Nho gia trước văn hoá Phương Tây... đưa đến kết thúc tối tăm.

5. Một số nhận xét về Nho học – chính trị - Pháp Luật ở các nhà nước Phong Kiến Trung Hoa - Việt Nam

Sự kết hợp Nho –Pháp –Mưu lược gia liên tục diễn ra suốt các triếu đại phong kiến, tình hình diễn ra ở Việt Nam tương tự Trung Hoa, nhưng vẫn tìm thấy ở hai quốc gia một số khác biệt.

Việt Nam có tiếp hu văn hoá Trung hoa nhưng tin thần dân tộc khoan hoà đã không xây những công trình xương máu như Vạn lý Trường Thành, không có nhiều những tác phẩm thuộc về mưu lược... Nếu tìm hiểu ta sẽ thấy một số tương đồng, dị biệt, một số nhận xét rút ra được qua hai nền văn hoá quá khứ. Cả Trung Hoa – Việt Nam đều có điểm chung: Dương Nho âm Pháp rõ rệt. Ở Trung Hoa, đầu Đời Đường, Lý Tĩnh và Thái Tông khi bàn việc binh đã chỉ rõ : “Từ Hoàng Đế đến nay trước thì đúng đắn sau thì quái lạ, trước thì nhân nhĩa sau thì xảo trá” (5).

Ở nước Nam, Khoa thi Kỷ Tỵ, năm Cảnh Hưng 40 (1779), Kỳ Thi Đệ nhất – Bài Kinh nghĩa hỏi về một câu của Mạnh Tử và một câu trong Luận Ngữ bàn về Quản Trọng và Bá đạo. Khoa đó thí sinh Vương Trọng Tốn bênh vực Bá đạo: “Theo cái nghĩa người đời đã định từ trước đến giờ thì Vương đạo cũng như chính đạo mà Bá đạo tựa như tà đạo. Định nghĩa như thế là hàm hồ và oan cho người thiên cổ…” (6). “Vương đạo của Đạo học các ông Tống Nho hay đến nỗi còn một nửa thiên hạ Nha Tống hàng trăm năm bị bọn Khiết Đan, Tây Hạ giầy xéo” (7). Thí sinh Trương Trọng Tốn tuy bị đánh hỏng nhưng Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm mật cho người triệu vào Vương phủ giúp việc vì đúng thâm ý mình, đúng với bản chất “âm Pháp”.

Hiện tượng thâm nhập nhiều trường phái tư tưởng vào pháp luật là một đặc điểm quan trọng của của lịch sử các học thuyết chính trị pháp luật. Triết lý Nho Giáo thuần tuý dù chịu những tác động nào đi nữa thì nó vẫn luôn soi sáng nhân cách luận, ức chế gian tà, một thời xây dựng đất nước thái bình thịnh trị – đó là tính chất chung nhất của văn hoá Nho Gia Trung hoa, Việt Nam…

Văn hoá Nho gia của hai quốc gia có một số khác biệt. Trước hết sự khác biệt đó do bản sắc địa văn hoáa qui định, kế đến thuộc vấn đề lịch sử, kinh tế, nhân chủng, dân số … Văn hoá Nho gia ở Trung hoa vốn là văn hoá bản địa , có lịch sử lâu dài, có độ hoàn chỉnh cao, có sức mạnh nội tại, có khả năng truyền bá - làm “Nho hoá” một số nền văn hoá khác, có trường ảnh hưởng rộng. Về Hình luật- Quyền mưu học, các mưu lược gia trãi qua nhiều kinh nghiệm từ nội chiến liên tục và tàn khốc đến sự va chạm sống còn của các “sách lược tranh hùng” nên thu thập nhiều kinh nghiệm sâu sắc. Tần Thuỷ Hoàng dùng hình luật cực đoan, đốt sách chôn Nho, cưởng bách sức dân xây Trường thành…. Bạch Khởi với mưu lược cực đoan “Tận địch vi thượng” – chôn 45.000 quân Triệu ở Trưởng Bình… Những cực đoan đó không có ở nước Nam. Một bước tiến đáng kể của Trung hoa Quyền mưu học là có thành tựu trong khi nghiên cứu “ngoại quốc mưu lược gia”, lý giải quyền mưu học các nước khác trên thế giới bằng cái nhìn Trung Hoa…

Văn hoá Nho gia ở nước Nam vốn là khách thể được tiếp thu, dù có khi được các nhà cựu học xem là “cái học nước nhà”. Nho giáo đã tồn tại sâu đậm, sâu rộng trong tâm thức dân tộc, đó là tiềm năng nhưng đồng thời vấn đề đặt ra là tính độc lập của văn hoá dân tộc. Đó là hai mặt của một vấn đề. Mô hình nhà nước và Pháp luật phong kiến Việt Nam và Trung Hoa có chung một hệ hình. Tuy có trường hợp vay mượn, sao chép thụ động nhưng cũng có trường hợp các vua Lý, Trần có ý thức về độc lập văn hoá (dựa vào văn hoá bản địa, văn hoá Ấn để tạo thành truyền thống văn hoá riêng). So với Trung hoa, nước Nam đất hẹp, dân không đông, tầm ảnh hưởng ra bên ngoài không rộng, không nhiều tác phẩm cũng như ít nhắc đến Quyền mưu học. Nhưng yếu tố khoan hoà và khả năng tư duy độc đáo đã giúp đã giúp dân tộc Việt vượt qua hàng ngàn năm thử thách, đồng thời Việt hoá Nho giáo. Luật pháp thời Lý,Trần còn khá dung dị, các nhà vua thường tự hào về “Pháp độ riêng” đối với Phương Bắc, thậm chí vua Trần còn không bắt tội dân xiêu tán trốn thuế để tự hào về "đất nước thái bình”.

So sánh hai mô hình quyền mưu học ở Trung Hoa,Việt Nam ta có thể thấy Trung Hoa trọng thương, về mưu lược kinh tế có nhiều ưu thế hơn nhất là ở lĩnh vực ngoại thương. Dân Việt trọng Nông, gắn chặt với sản xuắt nông nghệp - văn hoá làng xã xem nhẹ thương nhân, khéo léo, tinh vặt (Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh…). Trong những thử thách của dân tộc, dân tộc Việt đã phải vận dụng những thành tựu của Quyền mưu học Trung Hoa. Điều đó tạo nên một số mẫu Việt Nho: Nguyễn Trãi là nhà Nho hành đạo, có lúc ẩn dật. Ông xem mưu lược là phương tiện diệt cái ác, xem luật pháp là phương tiện thực hiện lý tưởng Nho gia khắp thôn cùng ngõ hẻm. Phùng Khắc Khoan: Nhà nho hành đạo, đi sứ , giỏi thao lược, giỏi văn chương. Ông xem mưu lược là phương tiện của kẻ sĩ hào hùng: “Tương triển tác lâm kỳ thủ đoạn ”- “Thanh vân đắc lộ”-(Sẽ thi thố thủ đoạn giỏi làm mưa khi trời đại hạn). Ông mong muốn ổn định kỷ cương, thời thế bằng Lễ – Pháp. Nguyễn Công Trứ là mẫu nhà nho mạnh mẽ, hào hùng, Nho - Pháp thể hiện khá rõ, mưu lược kinh ban tế thế không tách rời sự nghiệp Nho sĩ hào hùng.

Tuy các mưu lược độc lập văn hoá từ xa xưa, Trần, Hồ, Nguyễn Tây Sơn… luôn được tiến hành song nhìn chung nước Việt vẫn không thoát ra ngoài hào quang văn hoá Nho gia. Không kể những quan niệm kỳ thị Nho giáo gay gắt với văn hoá Nho gia đầu thế kỷ XX (8), những khuynh hương tích hợp văn hoá hiện đại cũng khó loại bỏ những tinh hoa Nho giáo. Nói đến tinh hoa văn hoá Nho học cần loại bỏ những tiêu cực từ Pháp gia, Mưu lược gia, nguỵ Nho… vốn đã tồn tại như một cái bóng của Nho gia. (Ngày nay tiểu thuyết, nghệ thuật điện ảnh về các triều đại phong kiến lại quá nhấn mạnh đến yếu tố “thâm” của mưu lược, thay vì “thâm Nho”, “Thâm trứ"...) Đặc biệt nói đến tinh hoa văn hoá Việt Nam cần khu biệt văn hoá dân tộc như là sự tích hợp văn hoá kiểu Việt Nam, một sắc thái riêng trong tính đa dạng của văn hoá nhân loại.

Văn hoá Nho gia vẫn là một đối tượng vừa xa xôi vừa gần gũi nhưng vô cùng phức tạp. Đó là dòng sinh hoạt văn hoá linh động. Chúng ta không thể kết luận gay gắt, vội lấy vài hiện tượng để đánh giá. Mặt khác ta cũng đừng vội “tích hợp” cho chiến lược giáo dục mà không xét đến tính hiện đại, tính phổ biến, tính thực tiển, tính dân tộc.
RANDOM_AVATAR
TRANTHIKHANHTAM
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 5 18/12/08 19:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến28 khách