HOẠN QUAN CUỐI CÙNG TIẾT LỘ BÍ MẬT HOÀNG CUNG

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

HOẠN QUAN CUỐI CÙNG TIẾT LỘ BÍ MẬT HOÀNG CUNG

Gửi bàigửi bởi TRANTHIKHANHTAM » Thứ 3 17/03/09 9:41

Hoạn quan cuối cùng tiết lộ bí mật hoàng cung

Chỉ hai mảnh ký ức có thể khiến nước chảy trong đôi mắt già nua của Tôn Diệu Đình, thái giám cuối cùng của Trung Quốc: ngày người cha ông cắt bộ phận sinh dục của ông, và ngày gia đình ông vứt bỏ thứ sẽ giúp Tôn trở lại làm đàn ông khi xuống mồ.
Vị hoạn quan cuối cùng của Trung Quốc từng bị hành hạ trong nghèo đói khi còn trẻ, bị trừng trị trong cách mạng Văn hóa bởi là "nô lệ của hoàng đế", nhưng cuối cùng cũng được tôn trọng và thừa nhận, trở thành một tàn tích đặc biệt, một phần sống của lịch sử Trung Hoa.
Ông mang trong mình những câu chuyện về các nghi thức tàn khốc trong Tử Cấm Thành, về những giây phút cuối cùng của hoàng đế Phổ Nghi trong cung, về phiên tòa do người Nhật tổ chức những năm 1930. Từ khi rời cung, cuộc đời Tôn lọt thỏm trong cuộc chiến tranh, rồi trở thành một quan chức, sau đó lại bị đấu tố bởi những người cực tả, cuối đời mới được yên thân.
Đường đời gian truân của Tôn được ghi lại trong "Thái giám cuối cùng của Trung Quốc", do sử gia không chuyên Jia Yinghua thực hiện. Jia đã nhiều năm làm bạn với Tôn và nhớ đó biết được những bí mật đau đớn và thầm kín của Tôn - những điều quá khó để kể cho các nhà báo hay sử gia chính thức.
Mãi cho đến cuối đời Tôn mới được thừa nhận rằng ông chính là một phần còn sống động của lịch sử Trung Hoa. Cuốn tiểu sử, viết dựa trên hàng trăm giờ kể chuyện của Tôn trước khi ông qua đời năm 1996, mới đây đã được dịch sang tiếng Anh. Cuốn sách ra mắt trong dịp một nhà bảo tàng dành cho thái giám - xây dựng quanh mộ của một hoạn quan thế kỷ 16 - đang được trùng tu mở rộng. Tòa nhà dự kiến mở cửa trở lại vào tháng 5 này.
Cuốn tiểu sử đã mở tấm màn che giấu nhiều bí mật và những chuyện cấm kỵ như cuộc sống tình dục của các thái giám và vị hoàng đế mà họ phụng sự; chuyện tịnh thân thường diễn ra ở nhà và thường gây chết người; sự hoang dâm và nỗi ô nhục đi kèm với lời hứa hẹn về quyền lực.
"Ông ấy rất băn khoăn về việc có nên kể những bí mật của hoàng đế hay không", Jia cho biết và giải thích thêm rằng Tôn rất trung thành với chủ cũ bởi ông ta đã dành quá nhiều phần của cuộc đời mình cho họ.
"Tôi là người duy nhất được ông ấy tin cậy. Ông ấy thậm chí không tin gia đình mình nữa, bởi họ đã vứt của quý của ông ấy đi", Jia nói thêm khi đề cập đến từ lóng mà các thái giám dùng để chỉ cơ quan sinh sản của họ, vốn được cất giữ cẩn thận sau khi cắt rời.
Nó đã bị vứt đi trong thời Cách mạng văn hóa 1966-76, bởi khi đó việc lưu giữ bất kỳ thứ gì của chế độ cũ đều có thể dẫn đến hậu quả chết nhiều người.
"Ông ấy chỉ khóc vì hai điều khi kể với tôi, chuyện bị tịnh thân và chuyện mất của quý", Jia nói. Sử gia không chuyên này làm viên chức ngành năng lượng, đã dành tất cả thời gian rỗi của mình để nghiên cứu những ngày cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc.
Trò đùa của số phận
Sau nhiều năm nghiên cứu, Jia thu thập nhiều chi tiết về mọi mặt của cuộc sống cung đình cùng những bí mật về cuộc sống tình dục của hoàng đế.
Suốt nhiều thế kỷ, ở Trung Quốc, chỉ những người đàn ông không thuộc hoàng thất và đã tịnh thân mới được làm việc ở các khu vực riêng tư trong Tử Cấm Thành. Họ đã đổi cơ quan sinh sản của mình lấy hy vọng được tiếp cận hoàng đế và nhờ đó có thể một ngày nào đó sẽ giàu có về của cải và quyền lực.
Gia đình nghèo khó của Tôn đã đưa ông đi trên con đường đau đớn và đầy nguy hiểm này, với hy vọng ông một ngày nào đó sẽ đủ mạnh để trở về bắt nạt một địa chủ trong làng - kẻ đã tước đoạt ruộng và đốt nhà Tôn.
Người cha tuyệt vọng của Tôn thực hiện việc hoạn con trai 8 tuổi của mình trên một chiếc giường, trong căn nhà vách đất, không hề có thuốc giảm đau và chỉ dùng tờ giấy thấm dầu để làm băng gạc. Một chiếc lông ngỗng được đưa vào niệu đạo của Tôn, đề phòng nó bị tắc khi vết thương lành dần.
Tôn bất tỉnh mất ba ngày, và trong vòng hai tháng sau đó không thể đi lại được. Cuối cùng, khi ông có thể tự đứng lên và rời giường, trò đùa quái ác đầu tiên của số phận bắt đầu: Tôn biết tin vị hoàng đế mà ông muốn hầu hạ đã thoái vị vài tuần trước đó.
"Con tôi đau đớn mà chẳng được việc gì", cha của Tôn vừa khóc vừa đấm ngực khi hay tin trên. "Họ không cần thái giám nữa".
"Cuộc đời Tôn là một bi kịch. Ông ấy tưởng mình hy sinh cuộc đời cho cha, nhưng hóa ra sự hy sinh ấy là vô nghĩa", Jia ngậm ngùi nói. "Ông ấy rất thông minh và tinh quái. Nếu hoàng đế không mất ngôi, ông ấy sẽ có cơ hội lớn để trở thành một nhân vật quan trọng".
Vị cựu hoàng trẻ tuổi về sau vẫn được phép ở trong cung, và khi hoàng gia rời Tử Cấm Thành một thời gian sau đó, Tôn đã tiến thân trở thành một người hầu của hoàng hậu. Nhưng cùng với sự ra đi của hoàng triều, giấc mơ của Tôn vụt tắt.
"Ông ấy tịnh thân, nhưng hoàng đế thoái vị. Ông ấy cố vào Tử Cấm Thành, nhưng Phổ Nghi bị mất ngôi. Ông ấy theo triều đình lên phương bắc và rồi sau đó triều đình bù nhìn sụp đổ. Ông ấy cảm thấy số phận đã đùa cợt với cả cuộc đời ông", Jia kể.
Nhiều thái giám đã bỏ trốn và đem theo các báu vật của hoàng cung, nhưng Tôn chỉ đem theo những ký ức và một sự thính nhạy về chính trị - điều mà sau này đã giúp ông sống sót qua nhiều năm chiến tranh và cuộc chiến về hệ tư tưởng.
"Ông ấy không bao giờ giàu, không bao giờ có quyền lực, nhưng ông ấy giàu trải nghiệm và có nhiều bí mật", Jia nhận xét.
RANDOM_AVATAR
TRANTHIKHANHTAM
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 5 18/12/08 19:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Hoạn quan - những số phận nghiệt ngã

Gửi bàigửi bởi StarLady » Thứ 5 19/03/09 19:58

Hoạn quan là sản phẩm của chế độ phong kiến Trung Hoa. Trong gần 3.000 năm, những hoạn quan dù tồn tại trong biết bao dâu bể của lịch sử nhưng luôn bị người đời coi như một thứ sản phẩm dị hình dị tướng.

Hoạn quan thường có nguồn gốc khác nhau. Ngoài những người cam chịu tự cung (thiến) vào làm hoạn quan trong triều đình để nhận những khoản bổng lộc cho gia đình, còn có những hoạn quan là tội phạm cam chịu gia hình nhằm giảm tội.

Nguồn gốc của thái giám vốn từ quan điểm của những người cầm quyền tin rằng hoạn quan khi không có những người kế tục sẽ không ham hố danh vọng, hết lòng phục vụ mình. Tuy nhiên, quan điểm đó có vẻ không chính xác vì nhiều vị hoạn quan vẫn muốn có quyền lực, thậm chí còn ham hố quyền lực hơn người thường.

Những người chuyên biến người thường thành hoạn quan là người phải có tay nghề đặc biệt gọi là "đao tử tượng". Những "đao tử tượng" có phương pháp "phẫu thuật" bí truyền nên chỉ nhận con cái, họ hàng thân thích làm đệ tử.

Thời xưa, cung hình (bị hoạn) là một trong những hình phạt thảm khốc dành cho tội nhân. Sử gia vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc Tư Mã Thiên (khoảng 145-90 TCN), do bênh vực tướng quân thua trận Lý Lăng, bị vua Hán nổi giận phạt "cung hình". Nhờ kiến văn quảng bác ông được giữ lại làm quan tại Sử quán. Sau đó với nỗi uất ức, ông đã trước tác nên bộ sử đồ sộ Sử ký Tư Mã Thiên danh tiếng.

Một trong những hoạn quan nổi tiếng nhất trong lịch sử là Triệu Cao. Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, một tay Triệu Cao đã viết nên cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Trung Hoa. Triệu Cao đã thuyết phục tể tướng Lý Tư sửa chiếu thư của Thuỷ Hoàng, phế bỏ thái tử Phù Tô, đôn Tần Nhị Thế lên làm vua. Sau đó, cũng một tay Triệu Cao ép Phù Tô, Nhị Thế và Lý Tư uống thuốc độc tự tử và chút nữa thì Triệu Cao đã bước lên ngai vàng. Tuy nhiên, sau đó viên hoạn quan đầy tham vọng này đã bị ngũ mã phanh thây.

Không hiếm trường hợp sau khi bị hoạn, những hoạn quan vẫn có đầy đủ khả năng đàn ông. Trường hợp như Lao Ái là hoạn quan nhà Tần thông dâm với mẹ của Tần Thuỷ Hoàng và có hai con riêng với bà mẫu hậu này. Đến triều Thanh có trường hợp hoạn quan An Thế Hải, sau khi bị hoạn vẫn thông dâm với cung tần mỹ nữ.

Hoạn quan đôi khi tạo thành những thế lực lớn trong triều đình. Họ là những người hàng ngày sống gần gũi hoàng gia nên rất dễ được sự tin cậy của hoàng đế. Khi đã có được sự tin cậy, quyền lực rơi vào tay họ cũng là điều dễ hiểu. Điều đó khiến nhiều quan chức lo ngại và ganh ghét. Triều Càn Long (1736-1796) có chuyện quan lại tâu với Hoàng đế chuyện những hoạn quan tuy đã bị hoạn nhưng lâu ngày có thể trở lại như bình thường và xin Càn Long cho kiểm tra nhằm "thanh sạch hoá" cung cấm. Nhà vua chuẩn y và viên quan kia nhân đó giết hại nhiều hoạn quan.

Trong sử sách Trung Hoa xuất hiện một hoạn quan, một kiến trúc sư tài danh có nguồn gốc Việt Nam, đó là Nguyễn An (1381-1453). Triều Hồ đưa ông sang Trung Hoa như một cống vật và trở thành hoạn quan của nhà Minh. Nhận thấy phẩm chất của một công trình sư bậc nhất, triều Minh đã cho ông đảm nhận một công việc cực kỳ quan trọng, đó là xây thành Bắc Kinh. Nguyễn An đã chỉ huy một lượng nhân công hàng triệu người và tốn 17 năm để tạo thành một kiệt tác ghi tên vào danh sách Di sản Văn hóa thế giới ngày nay.

Bởi cuộc sống cô độc không người nối dõi nên nhiều vị thái giám tìm đến với đạo Phật. Ngôi Pháp Hải Thiền Tự ở núi Thuý Vy, phía tây thành Bắc Kinh là ngôi chùa do thái giám Lý Đồng xây dựng và là nơi những thái giám đến sống những ngày cuối đời. Hoạn quan được xếp vào hàng quan chức nhưng ở dạng tôi đòi phục vụ cho vua chúa và cung tần mỹ nữ. Họ là quan nhưng dường như chẳng mấy người muốn làm và cũng chẳng được mấy người coi trọng.

Những hoạn quan sau khi bị gia hình sẽ giữ gìn cẩn thận "phần đã mất". Họ ngâm với hương liệu quý giữ trong chiếc hộp nhỏ treo cẩn thận trên xà nhà. Mỗi năm họ treo chiếc hộp đó cao hơn một chút nhằm hàm ý thăng tiến trong triều đình. Khi được xét thưởng hay trong mỗi dịp triều đình điều tra, họ phải chứng minh mình vẫn là hoạn quan bằng cách trưng ra chiếc hộp đó. Cho đến khi qua đời, chiếc hộp sẽ được chôn theo với mong mỏi kiếp sau sẽ như người bình thường.

Một phần hoạn quan có những hành động bất thường có lẽ là vì yếu tố tâm sinh lý. Cuộc sống tình dục thiếu hụt nghiêm trọng, bị hoàng gia coi như vật trang trí, giữ mãi phận tôi đòi và ấn tượng khi bị "cung hình" luôn ám ảnh khiến họ trở thành những người đáng thương. Sử gia Tư Mã Thiên khi nghĩ lại giây phút bị cung hình đã cay đắng viết: "Mỗi khi nghĩ đến nỗi nhục đó thì mồ hôi ướt đầm áo, nghĩ mình chỉ đáng canh cửa cho đàn bà hay tốt hơn là nên ẩn thân vào nơi sơn cùng thuỷ tận".

Năm 1996, cụ Sun YaoTing, hoạn quan cuối cùng của chế độ phong kiến đã qua đời, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của hoạn quan.

(Nguồn: http://www.vnepress.net)
RANDOM_AVATAR
StarLady
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 3 16/12/08 13:55
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến12 khách