Bàn về tính dân tộc Trung - Nhật - Hàn

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Bàn về tính dân tộc Trung - Nhật - Hàn

Gửi bàigửi bởi tagorett99 » Thứ 2 30/03/09 15:34


Trên thế giới có khoảng 200 quốc gia, hầu như tất cả các nước đều có những đặc điểm tương đồng với các quốc gia láng giềng nhưng khó mà tìm được những nước nào mang nhiều điểm khác nhau như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong nhóm nước phát triển, dễ thấy Anh, Pháp, Đức có khác biệt nhiều nhất nhưng vẫn thờ chung các vị thánh và chúa Jesus, cùng sử dụng bảng chữ cái Latin, cùng có tập quán ăn bằng dao, nĩa. Thế nhưng 3 quốc gia Đông Á lại khác biệt ngay từ những điều cơ bản như thế.
Nhìn từ góc độ tôn giáo, tại Trung Quốc, về cơ bản Nho giáo vẫn là tôn giáo chính nhưng dẫu sao cũng chỉ là một trong số hàng trăm tôn giáo làm nền móng tư tưởng cho quốc gia này mà thôi. Mặt khác, Đạo giáo – tín ngưỡng cầu lợi hiện thế, mong cho sự hạnh phúc và bình an của cá nhân trên thực tế lại phổ biến trong quần chúng hơn. Trong đại cách mạng văn hóa, truyền thống Nho giáo trở thành đối tượng phê phán (“Khổng Tử là kẻ thù của giai cấp” ©Mao…). Đối với trường hợp Nhật Bản, khi Phật giáo được truyền bá vào quốc đảo này, nó đã gặp phải xung đột với tín ngưỡng Thần đạo (Shinto) truyền thống ở đây. Nhân vật có quyền lực nhất lúc bấy giờ là Thái tử Thánh Đức (Shotoku 574 - 622) đã tuyên bố sự tự do trên thực tế của các tôn giáo (“Giao tranh vì lý do tôn giáo sẽ làm mọi người chết hết. Tin theo tôn giáo nào cũng được, nhưng không được phép gây ra chiến tranh tôn giáo”). Từ đó, Nhật Bản trở thành quốc gia có sự chung sống hòa bình của cả Thần đạo, Phật giáo, Nho giáo. Tuy vậy cho đến cuộc cách mạng Minh Trị 1868 thì Phật giáo vẫn giữ vị trí trung tâm. (Thời Edo, Thần đạo là tín ngưỡng độc đáo của quốc gia, Phật giáo là tôn giáo cơ bản, Nho giáo là cơ sở tư tưởng của giới thống trị quốc gia).

Còn ở Hàn Quốc thì từ khi Nho giáo du nhập vào vương triều Triều Tiên, triều đình nước này đã thực thi triệt để chính sách Tôn Nho Ức Phật, trở thành quốc gia có tư tưởng Nho giáo mạnh mẽ nhất thế giới. Đến sau năm 1945, khi được giải phóng khỏi ách phát xít Nhật, đạo Thiên chúa phát triển nhanh chóng, đến nay có khoảng 35% dân số theo đạo Thiên chúa. Cả nước có khoảng 50 000 nhà thờ, nhiều nhất nhì châu Á.

Nhật, Trung, Hàn dù đều được coi là thuộc vùng văn hóa Hán tự nhưng Trung Quốc sử dụng thứ chữ Hán đã được giản lược, Nhật Bản dùng thứ chữ riêng Hiragana (ひらがな) và Katakana (カタカナ), còn Hàn Quốc từ năm 1446 sử dụng bảng chữ Hangul (한글) làm chữ viết riêng. Nghĩa là cả 3 nước đều sử dụng các ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau.

Dù người dân 3 nước Anh, Pháp, Đức có sự khác biệt thế nào chăng nữa thì cũng đều nằm ngủ trên giường. Trái lại, ở Đông Á, người Trung Quốc nằm ngủ trên tràng kỷ, sinh hoạt trên ghế, người Nhật thì trải chiếu trên sàn nằm, người Hàn Quốc trải giấy dầu trên nền nhà, sinh hoạt trên ondol 온돌(lò sưởi dưới nền nhà). Còn trang phục truyền thống thì khác nhau quá rõ (xường sám, kimono, hanbok). Ngay cả độ dài của đũa ăn cũng không giống nhau. Món ăn của Trung Quốc chủ yếu rán, xào bằng dầu, nên sử dụng đũa dài để gắp (cho khỏi bắn dầu vào người). Ngày xưa người Hàn Quốc cố gắng phân chia số thịt ít ỏi có được cho mọi người một cách công bằng nên các món nấu bằng nồi rất phát triển. Họ sử dụng cả đũa và thìa, và (có lẽ) là dân tộc duy nhất ăn cơm bằng thìa. Đối với họ, đũa là một dụng cụ bổ trợ, không cần thiết phải dài như đũa của người Trung Quốc. Ở Nhật Bản thì gạo là lương thực quý nên họ thường trộn cơm cùng với các loại tạp cốc khác (kê, dẻ,…). Họ không quan tâm mấy đến sự dẻo của cơm, không dùng đũa để gắp, thường ăn theo kiểu và, nên làm đũa ngắn để dễ cầm. Vì thế đến giờ người Nhật ăn cơm vẫn cầm cả bát.

Người phương Tây nhìn vào thì thấy 3 dân tộc này chẳng có gì khác nhau cả, nhưng thực chất về phương thức sinh hoạt, cách suy nghĩ, giá trị quan… giữa họ không hề có một điểm chung nào. Lý do là vì sao? Nói một cách đơn giản, dù giữa Anh, Pháp, Đức liên tục có chiến tranh, nhưng lại thường xuyên có sự tiếp xúc giao lưu, nên thật tự nhiên dần dần giữa các nước đấy có nhiều điểm chung về lịch sử, văn hóa, xã hội,… Còn 3 nước Đông Á dù được cho là thường xuyên có sự giao lưu với nhau nhưng trên thực tế biên giới lại đóng rất chặt. Người Trung Quốc mang trong mình tư tưởng trung tâm thế giới rất mạnh, và hầu như không thể hiện mối quan tâm đến ngay cả đối với các nước gần gũi như Hàn Quốc và Nhật Bản.Thời triều Thanh hay triều Nguyên, nước này đã từng bị các dân tộc thiểu số lân bang xâm chiếm, nhưng kể từ thời Đường trở đi họ luôn nắm giữ tư tưởng bảo hộ các dân tộc khác. Bằng sự dung hợp các nền văn hóa khác vào nền văn hóa Hán - là văn hóa trung tâm của lục địa Trung Quốc, họ đã xây dựng được một nền văn hóa duy nhất - văn hóa Trung Hoa vĩ đại.

Hơn nữa, văn hóa Trung Quốc cho đến thế kỷ 18 vẫn còn tự hào là ưu việt hơn văn hóa phương Tây, tự coi là nền văn hóa chủ lưu của thế giới. Sử gia Anh Arnold Joseph Toynbee (1889-1975) có nói thế này về văn hóa Trung Quốc: “Từ sau thời Hán, Trung Quốc đã vứt bỏ tính ham chiến tranh, lựa chọn con đường hòa bình. Thống nhất và hòa bình là hạt nhân chủ yếu trong tinh thần Trung Quốc, và tinh thần của người Trung Quốc là chủ nghĩa thế giới. Thế nhưng “Thống nhất và hòa bình” có nghĩa là hòa bình trong sự thống nhất. Cũng có nghĩa là các quốc gia lân bang khác phải phục tùng nước Trung Quốc vĩ đại.” Các nước lựa chọn con đường độc lập tự chủ thường xuyên chịu đau khổ vì sự xâm lược của Trung Quốc, chẳng hạn Hàn Quốc.

Bán đảo Triều Tiên là vùng đất nhỏ nằm ở rìa phía Đông Trung Quốc đại lục. Đến thời kỳ đầu vương triều Cao Ly nước này đã chế ngự thành công sự xâm chiếm từ đại đế quốc Trung Quốc, nhưng kể từ sau khi bị Mông Cổ xâm lược thì sức mạnh của dân tộc Triều Tiên không thể đương cự lại với một nước Trung Quốc khổng lồ. Và đến thời đại Triều Tiên thì hoàn toàn bị khuất phục trước chính sách thống nhất – hòa bình của Trung Quốc. Để đổi lấy việc triều cống, thần phục thì Trung Quốc bảo đảm cho sự độc lập và tự chủ về hình thức tại bán đảo Triều Tiên. Với quan hệ như thế, lo ngại một viễn cảnh tiếp xúc chặt chẽ với người Trung Quốc, dẫn tới việc bị đồng hóa, dân tộc Triều Tiên chỉ quan hệ ngoại giao và buôn bán ở mức độ cần thiết, và hạn chế đến mức thấp nhất các quan hệ của người dân. Dù không phải là đảo quốc, nhưng Triều Tiên đã trải qua 500 năm với cuộc sống như một đảo quốc, để hình thành nên một nền văn hóa và tính dân tộc riêng không giống với Trung Quốc.

Nhìn từ phương Tây thì Nhật Bản là một hòn đảo nhỏ nằm ở cực Đông. Ngoài 2 lần xâm lược bất thành của quân Nguyên (năm 1274 và năm 1281), chịu sự chiếm đóng của quân Mỹ sau WWII thì Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở châu Á không bị ngoại bang xâm lược. Dù tiếp nhận văn hóa và Phật giáo từ Trung Quốc và Nhật Bản nhưng người Nhật đã biến đổi nhằm phù hợp với bản tính của dân tộc mình, tạo nên nền văn hóa độc đáo, khác hoàn toàn với Trung Quốc, Hàn Quốc. Tại đây chiến tranh cũng liên miên xảy ra nhưng không phải là chiến tranh xâm lược cướp bóc, chém giết dân thường mà chỉ là những cuộc tranh giành quyền lực của tầng lớp cầm quyền. Và Nhật Bản cũng khác với Trung Quốc và Hàn Quốc, không hề có sự lo sợ bị xâm lược từ ngoại bang nên nền văn hóa nhu hòa, tỉ mỉ mang nữ tính cũng phát triển hơn văn hóa mạnh mẽ mang chất nam tính.

3 quốc gia này khác biệt nhau đến thế nhưng vẫn có thể thấy được một điểm chung kỳ lạ. Đó là người dân của cả 3 nước đều có tư tưởng “một dân tộc” rõ ràng. Người Trung Quốc vẫn tự hào rằng Trung Quốc là trung tâm của thế giới, văn hóa Trung Quốc là văn hóa chủ đạo của thế giới, trải qua hàng ngàn năm vẫn giữ được một nước Trung Quốc, và tất cả 1,3 tỉ người dân đều mang suy nghĩ rằng mình là “người Trung Quốc”. Người Triều Tiên từ khi lập quốc đã chịu sự xâm lược của các thế lực ngoại bang, nhưng toàn dân vẫn mang có ý thức hợp lực, khắc phục khó khăn lịch sử, để rồi sau khi vương triều Silla thống nhất, tinh thần dân tộc đã càng được thắt chặt. Dân Nhật Bản cũng là một dân tộc trải qua đủ các hỉ nộ ái ố của một quốc đảo trong mấy nghìn năm với ý thức đồng bào thể hiện triệt để trong 130 triệu dân. Chính vì có ý thức dân tộc mạnh mẽ trong cả 3 quốc gia như vậy nên việc định nghĩa văn hóa và tính dân tộc có thuận lợi hơn so với các nước phương Tây.
(suu tam)
RANDOM_AVATAR
tagorett99
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 6 02/01/09 15:52
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến29 khách

cron