Vài nét về văn hoá Hàn Quốc

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Vài nét về văn hoá Hàn Quốc

Gửi bàigửi bởi bea » Thứ 7 16/05/09 13:38

Hàn Quốc đứng thứ 11 về kinh tế trên thế giới. Bên cạnh cuộc sống công nghiệp hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống luôn được quan tâm, gìn giữ. Chịu sự ảnh hưởng lâu đời của văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, nhưng từ kiến trúc, trang phục đến lối sống người Hàn Quốc vẫn có nét đặc sắc riêng của dân tộc mình.
Văn hóa Hàn Quốc mang tính triết lý phương Đông sâu sắc. Cuộc sống gia đình được tôn trọng và bảo vệ. Con người sống gần gũi và có quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Chẳng hạn, trong ngôi nhà truyền thống, người Hàn Quốc sử dụng hơn 80% nguyên liệu tự nhiên như đất nung, gỗ, đất sét... Khi chọn một địa điểm để xây cất nhà, ngoài yếu tố kiến trúc thì vị trí địa lý, hướng nhà, nguồn nước, cảnh phong thủy cũng là những vấn đề rất được quan tâm. Thời kỳ tiền hiện đại, ở Hàn Quốc có hai trường phái kiến trúc chính, phụ thuộc vào quy mô xây dựng của từng tầng lớp xã hội khác nhau. Trong đó, phong cách Trung Hoa được thể hiện khá rõ khi xây cất cung điện, đền thờ, quan phủ.
Còn nét đặc sắc lại ở chính những ngôi nhà bình thường của người dân. Phần đông dân thành thị hiện đang sống tại chung cư, nhà gạch kết cấu bê tông cốt thép. Tuy vậy, nhà kiểu truyền thống vẫn thịnh hành ở các vùng nông thôn với vật liệu chủ yếu là đất sét và gỗ. Đất sét bọc ngoài giữ nhiệt, tránh hơi nóng mùa hè và khí lạnh của mùa đông. Mái nhà không cao lắm, mái ngói đen cũng được làm bằng đất sét thay cho rơm bện theo cách cũ. Vào mùa đông, người Hàn Quốc đặt hệ thống sưởi ấm dưới sàn nhà, gọi là Ondol. Đó là những đường ống lưu thông khói, hơi nóng từ bếp. Hệ thống này độc đáo, không giống bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nhà truyền thống thường có hình chữ L hay chữ U, chia thành nhiều buồng, nhà thờ thường xây ở phía sau. Các phòng ngăn cách bằng cửa kéo với chấn song gỗ. Những chiếc cửa này được trạm trổ tinh vi và dán bằng giấy bản ngà trắng để ánh sáng có thể lọt qua. Sàn nhà được trải một lớp giấy dầu dày, bóng. Khi làm nhà, người ta không dùng đinh mà lắp ghép bằng các khớp gỗ. trong ngôi nhà truyền thống, đỗ gỗ rất ít, vật quan trọng nhất thường có là chiếc trương gỗ để đựng đồ dùng và bức bình phong được trạm trổ công phu. ở trong nhà, người Hàn Quốc thường ngồi ngay trên sàn và không đi giày dép.
Trong những ngày lễ Tết, những bộ đồ truyền thống của Hàn Quốc là hanbok, thường xuất hiện khắp nơi, nhất là ở các đền, chùa. Quần áo cho đàn ông thì có áo vest mỏng (chogori), ống tay rất rộng; quần (paji) có thể nói là rộng quá khổ, được buộc lại ở cổ chân. áo khoác ngoài (turumagi) được mặc vào mùa đông để chống lạnh. Với phụ nữ thì chiếc váy là đặc trưng, gồm một sơ mi rất ngắn cũng gọi là chogori với một nơ dài buộc ở phía trước, kết hợp với váy (chima), chiết eo rất cao tạo thành nét duyên dáng riêng cho phụ nữ Hàn Quốc. Cùng với bộ đồ này, nữ giới thường đi tất trắng và giày hình thuyền, được làm bằng rơm, lụa hoặc cao su, có đế phẳng và mỏng. Trang phục người Hàn Quốc thường có màu đỏ tươi, vàng hoặc xanh, thể hiện sự hài hòa của màu sắc, rất dễ tạo ấn tượng sâu sắc.
Cũng giống như Việt Nam, người Hàn Quốc vẫn đề cao cuộc sống gia đình, hiếu nghĩa với tổ tiên, cha mẹ, phục tùng người lãnh đạo. Trong bữa ăn, thứ tự chỗ ngồi là không được lẫn. Người đàn ông cao tuổi nhất sẽ ngồi ở vị trí trung tâm và là người mời khách hoặc bắt đầu bữa ăn. Mỗi người có bát cơm và bát canh riêng, còn những món khác được đặt chung ra giữa bàn để cùng ăn. Phần lớn các món ăn được tẩm rất nhiều gia vị. Đặc biệt, người Hàn Quốc rất thích ăn cay, nên ớt là thứ gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn.
:P
Hình đại diện của thành viên
bea
 
Bài viết: 38
Ngày tham gia: Thứ 2 01/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

văn hoá-phong tục Hàn Quốc

Gửi bàigửi bởi bea » Thứ 2 18/05/09 21:13

văn hoá-phong tục Hàn Quốc

Gia đình
Những thay đổi to lớn diễn ra ở châu Á và thế giới nửa sau thế kỷ 20 được cảm nhận rõ trong lối sống hàng ngày của mỗi người dân Triều Tiên. Các phong tục tập quán có nhiều thay đổi lớn do quá trình hiện đại hoá xã hội diễn ra nhanh chóng.

Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi này, nhiều người cho rằng, dù cho có rất nhiều nhà cao tầng nhưng Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia mạng đạm dấu ấn Nho giáo nhất trên thế giới. Lối sống truyền thống của quá khứ và các phong tục được gìn giữ lâu đời vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đối với lối sống hiện đại mà người Hàn Quốc mới chấp nhận trong thời gian gần đây.

Trong quá khứ, vài thế hệ thường chung sống trong một nhà và các gia đình muốn có nhiều con để mong có được tình trạng ổn định và an ninh cho gia đình trong tương lai. Không có gì là lạ khi có khoảng 12 người hay đông hơn thế cùng chung sống trong một gia đình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng chuyển ra đô thị sống và sự phổ biếncủa các khu chung cư kiểu mới đồng nghĩa với việc các cặp vợ chồng mới cưới có khuynh hướng ra ở riêng thay vì sống chung với các thành viên khác trong gia đình. Khuynh hướng này làm gia tăng số lượng gia đình hạt nhân ở Hàn Quốc.

Theo truyền thống, người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình được coi là người nắm giữ quyền hành tối cao. Tất cả các thành viên khác trong gia đình phải làm theo những gì ông ta ra lệnh hoặc mong muốn. mệnh lệnh phải được tuân thủ ngay lập tức mà không được phép phản đối. Không thể có chuyện con cháu tự đặt mình vào thế phản đối người lớn tuổi hơn. Vâng lời người lớn luôn được coi là điều đương nhiên. Hơn nữa, đạo hiếu được xem là điều thiêng liêng nhất trong số những giá trị đạo đức của Nho giáo. Mặt khác, mọi người hiểu rằng chế độ gia trưởng trong gia đình sẽ đem lại công bằng trong tất cả các vấn đề liên quan đến kỷ luật của các thành viên trong gia đình.

Câu châm ngôn cho rằng đàn ông phải tu thân và tề gia cho tốt trước khi có thể trị quốc, bình thiên hạ phản ánh một giáo điều phía sau lý tưởng một trật tự xã hội Nho giáo.

Dưới chế độ này, người đàn ông luôn được trao trách nhiệm đại diện, ủng hộ và bảo vệ gia đình mình. Nếu anh ta không nắm được quyền lực này và sử dụng vai trò lãnh đạo của mình một cách khôn ngoan, anh ta sẽ mất thể diện của mình với tư cách là người đứng đầu một gia đình. Trật tự trong gia đình được duy trì thông qua nguyên tắc thứ bậc theo đó con cái phải vâng lời cha mẹ, vợ nghe lời chồng và tớ phải nghe lời chủ. Sự tôn kính người lớn tuổi là một truyền thống lâu đời ở Hàn Quốc.

Trên khắp đất nước Hàn Quốc có nhiều tượng đài tưởng niệm những người trung thành, con trai hiếu thảo và phụ nữ thuỷ chung. Những tượng đài này được dựng nên như là một cách để tôn vinh những con người mẫu mực trong xã hội. Phục vụ cộng đồng và tinh thần cộng đồng cũng được nuôi dưỡng và phát huy nhờ sự công nhận của xã hội đối vơớinhững ai tôn trọng các giá trị gia đình, trật tự xã hội, lòng trung hiếu và sự tiết hạnh của họ.

Các tượng đài và những câu chuyện về những người con hiếu thảo cũng có rất nhiều ở Hàn Quốc. Đó là do nhận thức về gia đình truyền thống được thể hiện ở đạo làm con và coi trọng nhất mối quan hệ giữa cha và con trai. Cha mẹ là quyền lực tối cao và cần được con cái tôn trọng và vâng lời. Tuy nhiên, đạo hiếu của một người không chỉ liên quan đến mối quan hệ của người đó với cha mẹ mình mà còn liên quan đén cách cư xử đối với người khác và cách cư xử trong xã hội.

Theo truyền thống, khái niệm đạo hiếu thậm chí còn được phản ánh trong lời nói của người Hàn Quốc. Tiếng Hàn Quốc có hệ thống các từ ngữ xưng hô tôn trọng rất cụ thể và phức tạp. mỗi từ và động từ người nói sử dụng cho từng đối tượng khác nhau, phản ánh chính xác vị trí xã hội của người nghe.

Trước đây, nhà của người Hàn Quốc thường có hình chữ nhật với một tầng hình chữ L hoặc hình chữ U và chủ yếu được xây bằng gỗ và đất sét. Mái nhà không cao lắm và được lợp bằng rơm rạ. Nhà nào giàu hơn thì lợp bằng mái ngói. thiết kế đơn giản nhất của một ngôi nhà điển hình của người Hàn Quốc gồm có một phòng khách, một phòng ngủ và một nhà bếp, nhà vệ sinh được xây cách xa nơi ở. Cấu trúc và kích cữ nhà thay đổi tùy theo quy mô, quan hệ xã hội và tình trạng giàu có của gia đình đó. Một ngôi nhà lớn hơn sẽ bao gồm khu sinh hoạt gia đình ở chính giữa, một nhà vệ sinh, một phòng cho người ở, một nhà kho và một nhà vệ sinh ở bên cạnh. Phía trước sân trong là khu vực của chủ nhà và khách nam giới; nối với cổng là một phòng dành cho người ở.

Ngày nay thật khó có thể chỉ ra một ngôi nhà điển hình của người Hàn Quốc vì hầu hết các cấu trúc hiện đại được xây bằng bê tông cốt thép. Mặc dù sự thay đổi từ cấu trúc gỗ sang cấu trúc bê tông không được thừa nhận rộng rãi, nó vẫn kéo theo sự biến đổi nhỏ nhưng lan rộng trong lối sống của người Hàn Quốc.

Nhà của người Hàn Quốc, kể cả cũ hay mới, được xây để bảo vệ chủ nhân của nó khỏi những yếu tố bên ngoài. Nói chung, noóhơi thấp, các phòng tương đối nhỏ và không có nhiều cửa sổ hay cửa ra vào. Một số phòng có sàn ondol, tức là sàn nhà được sưởi ấm từ bên dưới. hệ thống sưởi này rất quen thuộc trong đời sống của người Hàn Quốc và thậm chí còn trở thành mốt. Một số các ngôi nhà xây theo kiểu phương Tây trong những năm gần đây có một số phòng được trang bị hệ thống sưới kiêểunày. Tương tự như vậy, nhiều người Hàn Quốc vẫn thích ngồi và nằm trên đệm và thảm dầy được trải dưới sàn nhà.

Trong một gia đình Hàn Quốc truyền thống, có rất ít đồ đạc hay ghế ngồi được bày trên sàn nhà. Không có sự phân biệt giữa phòng ngủ và phòng ăn. Phòng của phụ nữ (gọi chung là anbang) được đặt ở phía sau nhà và là nơi tụ họp của cả gia đình. Do vậy không có gì ngạc nhiên nếu ta thấy căn phòng này được trang bị một tủ quần áo, chăn màn và các dồ dùng cá nhân khác. Trong khi đó, người chủ gia đình ở phần phía trước của gian nhà (gọi là sarangbang). Đây cũng là nơi tiếp khách của cả nhà. Nếu người chủ là người có học, phòng của người đó sẽ được trang bị một bàn học, giá sách, sách và một vài cái đệm. Thông thường chru nhà ngủ ở phòng vợ vào ban đêm.

Trang phục truyền thống của người Hàn Quốc (hanbok) thoải mái và phù hợp hơn cho việc sinh hoạt trên sàn nhà ondol truyền thống. Ngày nay, rất nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là nam giới, mặc trang phục truyền thống này khi họ đi làm về. Quần áo kiểu phương Tây thường được mặc khi đi chơi. Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ đặc biệt, những ngày Chusok và ngày Tết, cả gia đình mặc bộ hanbok đẹp nhất của mình.

Bữa ăn là lúc gia điìn sum họp đông đủ nhất. Món ăn chính là cơm, thường ăn kèm với lúa mạch, hạt kê hoặc với các loại đậu đỗ. Người Hàn Quốc cũng hay ăn súp, còn kim chi- một loại dưa cải muốicay - là món ăn phụ không thể thiếu. Xì dầu, hạt tiêu, tương ớt và toenjang (tương đỗ) được dùng làm gia vị.

Người Hàn Quốc thích rượu gạo truyền thống và họ thường uống trước bữa ăn. Đãi khách bằng rượu truyền thống là một phong tục phổ biến. Trong khi người phương Tây có thể coi những lời đề nghị lặp đi lặp lại rót đầy một cốc rượu đã cạn hoặc cạn một nửa là một sự phiền hà, thì người Hàn Quốc có thể nghĩ là chủ nhà không lịch sự nêếungười đó không yêu cầu khách rót đầy cốc. Rót rượu cho nhau trong một bầu không khí vui vẻ có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Hàn Quốc. Trong những buổi tiệc tùng này, thứ bậc về quan hệ xã hội củănhngx tham gia tiệc vẫn được giữ vững. Ngừơi ít tuổi hơn không được phép uống rượu hay hút thuốc lá trước mặt người lớn.

Phong tục trong dòng họ

Người Hàn Quốc có mối quan hệ rất gắn bó giữa họ hàng và các thành viên trong họ tộc. Luôn gắn bó với các nguyên tắc truyền thống là lấy gia đình làm trung tâm, gia đình đa thế hệ ở Hàn Quốc là nơi đầu tiên mà người ta hướng về khi họ gặp khó khăn. Trước kia, anh em trai thường sống trong cùng một nhà sau khi họ đã lập gia đình, và có khi cả những người cháu cũng vậy. Mặc dù những gia đình lớn như vậy bây giờ rất hiếm nhưng các thành viên trong gia đình vẫn sống gần nhau và duy trì mối quan hệ thường xuyên. những người sống xa nhà thường sum họp vào những dịp đặc biệt như hôn lễ của một người họ hàng, sinh nhật lần thứ 60 hay 70, sinh nhật của một đứa trẻ và vào những ngày lễ hội truyền thống. Vào những dịp như vậy mọi người đều tham gia vào việc chuẩn bị cho buổi lễ.

Lòng tôn kính tổ tiên là rất quan trọng đối với hệ thống gia tộc. Những lễ nghi tưởng nhớ đặc biệt dành cho ông bà, cụ kỵ được tiến hành ngay tại nhà vào ngày giỗ của họ trong khoảng khoảng từ 1 đến 2 giờ sáng. từ thế hệ thứ 5 trở đi, những lễ nghi như thế này được tổ chức một lần trong một năm vào ngày lễ Chusok (lễ hội gặt mặt trăng), ngày rằm tháng tám hoặc một ngày đẹp đã được chọn trước. Vào những ngày này, con cháu đến bên mộ tổ để cúng bái. Việc cúng bái này quan trọng đến mức mà các thành viên trong gia đình sống xa nhà phải đi một quãng đường dài để về tham gia.

Các thành viên trong gia tộc thường tranh thủ những buổi tụ họp như thế này để tổ chức cuộc gặp gỡ hàng năm. Một gia tộc gồm nhiều nhánh và thành viên có thêểchia thành những đơn vị nhỏ hơn, mỗi đơn vị có một ngân quỹ và tài sản riêng. cuộc gặp gỡ này được tổ chức để quyết địnhvà triển khai những chính sách vì lợi ích chung như việc tôn tạo mồ mả và quản lý tài sản của họ tộc.

Người Hàn Quốc rất tôn trọng lịch sử gia đình. Họ ghi chép tỉ mỉ và cập nhật những chi tiết về gia phả mà nhiều khi là của hàng tá thế hệ trước. Họ cũng ghi chép chi tiết về các thứ bậc chính thức, thành tựu, khen thưởng của hoàng gia, vị trí mồ mả và các thông tin khác.

Khi gặp nhau lần đầu tiên, những người Hàn Quốc có cùng họ phải quyết định xem liệu họ có họ hàng với nhau không. Nếu đúng như vậy, họ phải tham khảo gia phả để xem quan hệ họ hàng của họ gần đến đâu. Nếu một trong số họ thuộc về thế hệ trước, sự tôn trọng cần phải được thể hiện qua cách dùng những từ ngữ xưng hô trang trọng cũng như một số cách dùng từ nhất định ngụ ý rằng hai người này có cùng gốc gác họ hàng.

[*]Phong tục hàng năm

Trong suốt mấy nghìn năm, người Hàn Quốc tính thời gian theo lịch âm. Trái với suy nghĩ của nhiều người, lịch âm luôn được điều chỉnh sao cho tương thích với lịch dương bằng phương pháp thêm ngày hay thêm cả một tháng vào một năm âm lịch hai lần trong năm năm. Điều này có thể được minh hoạ ở việc lịch dương được chia thành 24 phần bằng nhau (gọi là chol) mà các điểm cố định là xuân phân, thu phân và đông chí, hạ chí. Thậm chí ngay cả trước khi dương lịch được đưa vào sử dụng ở châu Á, âm lịch đã nhận ra được những chol hay các điểm giao mùa này rồi vì đây là những ngày quan trọng đối với các cộng đồng nông nghiệp. Khi cộng hay trừ đi một hoặc hai ngày, các điểm giao mùa này gần như trùng với ngày của dương lịch. Tuy nhiên với âm lịch thì lại khác. Chol quan trọng nhất tất nhiên là xuân phân, thu phân, hạ chí và đông chí, nhưng ipchun (lập xuân) được coi trọng hơn cả vì đó là điểm giao mùa đầu tiên trong năm và đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân. Ngày nay một số ngày nghỉ đặc biệt vẫn được tính theo âm lịch.

Ngày nghỉ của cả nước

Tết dương lịch 1-2 tháng Một dương lịch

Tết âm lịch Từ ngày cuối cùng tháng Chạp đến hết ngày mồng hai tháng Giêng âm lịch

Ngày phong trào độc lập: Ngày 1 tháng 3 (dương lịch)

Ngày trồng cây: Ngày 5 tháng 4 (dương lịch)

Ngày Phật đản: Ngày 8 tháng 4 (âm lịch)

Ngày Tết thiếu nhi: Ngày 5 tháng 5 (dương lịch)

Ngày Tưởng niệm: Ngày 6 tháng 6 (dương lịch)

Ngày Hiến pháp : Ngày 17 tháng 7 (dương lịch)

Ngày Giải phóng : Ngày 17 tháng 7 (dương lịch)

Ngày Chusok: Ngày 14-16 tháng 8 (âm lịch)

Ngày Lập quốc: Ngày 3 tháng 10 (dương lịch)

Ngày Giáng sinh: Ngày 25 tháng 12

Ngày đầu tiên của tháng Giêng, ngày Tết (gọi là Sõl), là một trong những ngày nghỉ quan trọng nhất trong năm. Vào ngày này, người dân được nghỉ làm, khoác lên mình những bộ trang phục đẹp nhất và sum họp với gia đình để làm lễ cúng gia tiên. người ta tổ chức một bữa tiệc lớn và những thành viên ít tuổi hơn trong gia dình cam kết vâng lời người lớn. Sau đó họ đi chúc Tết họ hàng và người thân.

Một ngày quan trọng khác tính theo lịch âm là Chu õl, tức ngày hội gặt mặt trăng, diễn ra vào rằm tháng tấmhngf năm, thương rơi vào tháng chín hay tháng mười dương lịch. Vì ngày này đánh dấu một vụ gặt bắt đầu nên nó cũng được tổ chức rầm rộ như ngày Tết.

Ngoài ra còn có một số ngày quan trọng khác theo lịch âm. Ngày rằm tháng Giêng cũng được coi là một ngày quan trọng vì nó là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm. Vào ngày này, mọi người đập vỡ nhiều loại hạt dẻ và đốt pháp hoa để xua đuổi tà ma, sâu bọ và động vật. Vào buổi tối, rất nhiều trò chơi được chơi dưới ánh trăng. Kéo co, ném đá và đánh trận giả với đuốc thường được tổ chức giữa các làng gần nhau. Những trò chơi này được biểu diễn bởi thanh niên và đàn ông trung niên trước hàng trăm khán giả đến từ khắp mọi nơi. Những trò chơi này đều coógiải nhất và theo truyền thống thì làng nào thắng thì năm đó sẽ bội thu mùa màng.

Vào khoảng giữa tháng 1 và tháng 2 âm lịch coómột ngày gọi là hanshik. Đây là ngày thứ 105 sau đông chí, rơi vào khoảng mồng 5 tháng 4 dương lịch. Vào ngày này, lễ cúng tổ tiên được tổ chức vào sáng sớm khi cả gia dình đi viếng mộ tổ. Lễ naàythường bao gồm cả việc sửa sang mồ mả.

Ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch được gọi là tano, đây cũng là một ngày lễ lớn. Theo những ghi chép từ xa xưa thì vào ngày này mọi người nghỉ làm, diện bộ quần áo đẹp nhất và ăn uống linh đình như ngày Tết. Những sự kiện đặc biệt thường được chuẩn bị cho ngày này bao gồm các trận đấu vật của nam giới mà phần thưởng daàn cho người thắng cuộc là một con bò. Còn phụ nữ thì thi đánh đu, ai thắng sẽ được nhận một chiếc nhẫn vàng.

Tháng mười âm lịch là tháng của kimjang. Trong tháng này, dưa muối kimchi phải được làm sẵn cho 3 tháng mùa đông sắp đến. Do đó nhà naàocũng bận rộn với công việc quan trọng này. Câu chào phổ biến nhất trong thời gian này là “Bạn đã là xong kimchi chưa?”.

Tháng 12 âm lịch, được gọi là sõttal, là lúc mọi người thường thu xếp mọi việc để chuẩn bị đón Tết, kể cả việc trả nợ.
:mrgreen: :mrgreen: ;) [center][/center]
Hình đại diện của thành viên
bea
 
Bài viết: 38
Ngày tham gia: Thứ 2 01/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Hàn quốc

Gửi bàigửi bởi bea » Thứ 2 18/05/09 21:20

Lối sống của người Hàn Quốc

Ăn, mặc và ở là ba yếu tố quan trọng của đời sống con người. Bạn đã biết gì về lối sống của người Hàn Quốc.

Có nhiều giả thuyết cho rằng con người ở Thời kỳ đồ đá cũ bắt đầu định cư trên bán đảo Triều Tiên cách đây khoảng từ 40.000 đến 50.000 năm, tuy nhiên vẫn cần phải xác định xem họ có phải là tổ tiên của người Hàn Quốc ngày nay hay không. Một số người Thời kỳ đồ đá cũ sống trong hang động, số khác xây chỗ ở trên mặt đất bằng. Họ sống bằng hoa quả và các loại rễ cây có thể ăn được và bằng săn bắt, câu cá.

Con người ở Thời kỳ đồ đá mới xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên khoảng năm 4000 trước công nguyên. Người ta tìm thấy dấu vết về hoạt động của họ trên khắp bán đảo vào khoảng năm 3000 trước công nguyên. Người ta tin rằng người ở Thời kỳ đồ đá mới đã hình thành nên chủng tộc người Triều Tiên. Người ở Thời kỳ đồ đá mới sống ở gần bờ biển, bờ sông trước khi tiến sâu vào đất liền. Biển là nguồn cung cấp thức ăn chính. Họ sử dụng lưới, móc câu và cần câu để bắt cá và đánh bắt các động vật biển có vỏ. Săn bắt cũng là một cách để có thức ăn. Nhiều đầu mũi tên và giáo mác nhọn đã được tìm thấy ở các khu vực người ở Thời kỳ đồ đá mới sống. Về sau, họ bắt đầu làm việc trồng trọt với cuốc đá, liềm đá và cối xay.

Thu hoạch lúa gạo bắt đầu từ Thời kỳ đồ đồng. Người ta cho rằng thời kì này kéo dài tới năm 400 trước công nguyên. Con người vẫn sống trong các hang hốc, ngoài ra, các mộ đá và các hầm đựng thánh vật đá cũng được sử dụng chủ yếu cho tập tục chôn cất người chết trong suốt thời kỳ này.

Vì nông nghiệp trở thành hoạt động chính, làng mạc được hình thành và người đứng đầu cai trị xuất hiện cùng với các quyền lực tối cao. Luật pháp trở nên cần thiết để cai trị cộng đồng. Ở thời kỳ Gojoseon (từ năm 2333 trước công nguyên đến 194 trước công nguyên), một bộ luật gồm tám điều đã được thực hiện, nhưng chỉ có ba điều luật còn được biết đến cho tới ngày nay. Đó là các luật sau: Thứ nhất, bất kì ai giết hại người khác sẽ bị giết ngay lập tức; Thứ hai, những ai làm tổn thương cơ thể người khác sẽ phải bồi thường tương tự; Thứ ba, những ai lấy trộm tài sản của người khác sẽ trở thành nô lệ cho chính nạn nhân.

Nhà ở truyền thống của người Hàn Quốc vẫn gần như không thay đổi từ thời kỳ Ba Vương quốc cho đến cuối thời đại Joseon (1392- 1910).

Ondol, hệ thống lò sưởi dưới sàn nhà rất độc đáo của người Hàn Quốc đã được sử dụng đầu tiên ở miền bắc. Khói và hơi nóng được dẫn qua các ống xây dưới sàn nhà. Ở miền nam ấm áp hơn, ondol được dùng kết hợp với sàn nhà bằng gỗ. Vật liệu chính dùng để dựng nên những căn nhà truyền thống này là đất sét và gỗ. Giwa, có nghĩa là nhà có lợp mái ngói màu đen được làm từ đất, thường bằng đất sét đỏ. Ngày nay, toà nhà làm việc của Tổng thống gọi là Cheong Wa Dae hay Nhà Xanh, vì ngói lợp lên mái nhà có màu xanh.

Nhà truyền thống thường được xây mà không cần sử dụng một chiếc đinh vít nào vì được ghép với nhau bằng các chốt gỗ. Nhà dành cho tầng lớp thượng lưu bao gồm một số kiến trúc tách biệt: một phòng dành cho phụ nữ và trẻ nhỏ, một phòng dành cho những người đàn ông trong gia đình và các vị khách của họ và một phòng khác cho những người giúp việc, tất cả các phòng đều có tường bao quanh khép kín. Điện thờ tổ tiên của gia đình được xây ở phía sau ngôi nhà. Thỉnh thoảng chúng ta có thể gặp một ao sen được xây ở trước ngôi nhà phía ngoài bức tường.

Hình dáng ngôi nhà cũng có thể rất khác biệt giữa miền Bắc lạnh lẽo và miền Nam ấm áp. Những ngôi nhà đơn giản ở miền Nam thường có hình chữ nhật, có một bếp, một phòng ở bên cạnh tạo cho toàn bộ khu nhà có hình chữ L; nhưng ở miền Bắc nhà có hình chữ U hoặc hình vuông với sân ở giữa.

Từ cuối những năm 1960, kiểu nhà truyền thống Hàn Quốc bắt đầu thay đổi nhanh chóng với việc xây dựng những toà nhà chung cư theo kiểu phương Tây. Những khu nhà chung cư cao tầng mọc lên như nấm trên khắp đất nước Hàn Quốc từ sau thập kỷ 70.

Người Hàn Quốc bắt đầu dệt vải bằng cây gai và cây dong và nuôi tằm để dệt lụa. Trong thời kỳ ba Vương quốc, đàn ông mặc jeogori (áo khoác ngoài), baji (quần dài), và durumagi (áo choàng) cùng với mũ, dây lưng và giày. Phụ nữ mặc jeogori (áo khoác ngắn), với hai dải vải dài được buộc chặt vào nhau để tạo thành cái nơ otgoreum, dài kín chân, mặc với chima - váy thắt eo cao, durumagi với beoseon - tất trắng - và những đôi giày hình thuyền. Những bộ quần áo này, được biết đến như hanbok, đã được lưu truyền từ nhiều năm nay với kiểu dáng hầu như không thay đổi, ngoại trừ chiều dài của jeogori và chima.

Trang phục châu Âu thâm nhập vào Hàn Quốc từ thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong thời kỳ công nghiệp hoá mạnh mẽ đất nước những năm 1960 và 1970 người ta coi hanbok không phù hợp với cách ăn mặc thoải mái, nên không thông dụng như trước. Tuy nhiên gần đây, những người yêu thích hanbok đã vận động mặc lại trang phục này và đã tạo ra những kiểu cách mới để thuận tiện hơn khi mặc.

Trang phục truyền thống hanbok thường được mặc vào những ngày lễ đặc biệt như Tết âm lịch và Chuseok - ngày Lễ mùa (Hội mùa rằm trung thu), và các ngày lễ của gia đình như Hwangap, lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 60.

Trong ba yếu tố cơ bản của cuộc sống - nhà ở, quần áo và thực phẩm - thì những thay đổi trong thói quen ăn uống đã tác động đến người Hàn Quốc rất nhiều. Gạo vẫn là lương thực chính của hầu hết người dân Hàn Quốc, nhưng trong thế hệ trẻ ngày nay, nhiều người lại thích các món ăn phương Tây.

Người Hàn Quốc thường ăn cơm với nhiều thức ăn khác, chủ yếu là các loại rau xanh đã nêm gia vị, canh, các món hầm trong nồi đất và thịt.

Bữa cơm truyền thống của người Hàn Quốc không thể thiếu được món kimchi, món ăn được làm từ nhiều loại rau muối như cải bắp, củ cải, hành xanh và dưa chuột. Một số loại kimchi thường được nêm gia vị bằng cách thêm bột ớt đỏ, còn một số loại khác không được trộn với ớt bột mà được ngâm trong những dung dịch tạo vị khác. Tuy nhiên tỏi luôn được cho vào kimchi để tăng mùi vị cho món này.

Vào cuối tháng Mười Một hoặc đầu tháng Mười Hai, gia đình người Hàn Quốc thường tập trung vào gimjang, nghĩa là chuẩn bị làm kimchi, phục vụ cho cả mùa đông dài. Cho tới vài thập kỉ trước, kimchi chuẩn bị cho mùa đông được để trong những vại to chôn dưới đất để giữ nguyên mùi vị. Với sự phát triển của nhà chung cư hiện nay, các nhà sản xuất đồ điện đã sản xuất những chiếc tủ lạnh đặc dụng dùng để bảo quản kim chi. Ngoài ra, ngày càng có nhiều nhà máy chế biến kimchi, vì ngày càng có nhiều gia đình mua kimchi làm sẵn thay vì tự làm.

Ngoài kimchi, doenjang (món tương đỗ) với tính chất chống ung thư cũng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà dinh dưỡng hiện đại. Người Hàn Quốc thường làm doenjang ở nhà bằng cách luộc chín hạt đậu vàng rồi phơi chúng trong bóng râm, ngâm trong nước muối và để lên men dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, ngày nay rất ít gia đình thực hiện đầy đủ quy trình này tại nhà, phần lớn các gia đình đều mua doenjang do nhà máy sản xuất chế biến.

Trong số các món thịt, món bulgogi (thường làm bằng thịt bò) và galbi (sườn bò hoặc lợn) tẩm gia vị được người Hàn Quốc và khách nước ngoài ưa thích nhất.
8) :D
Hình đại diện của thành viên
bea
 
Bài viết: 38
Ngày tham gia: Thứ 2 01/12/08 21:57
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Vài nét về văn hoá Hàn Quốc

Gửi bàigửi bởi nguyentrunghiep » Chủ nhật 26/02/12 23:50

bạn lấy thông tin này từ trong một cuốn sách...tốt nhất bạn hãy ghi rõ nguồn nhé
Dark Knight
Hình đại diện của thành viên
nguyentrunghiep
 
Bài viết: 134
Ngày tham gia: Thứ 6 10/02/12 14:59
Đến từ: Faculty of Korean Studies, USSH, VNU-HCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần


Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron