TỔNG QUAN VĂN HOÁ NHẬT BẢN

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

TỔNG QUAN VĂN HOÁ NHẬT BẢN

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 6 23/11/07 13:45

TỔNG QUAN VĂN HOÁ NHẬT BẢN
Văn hoá Nhật Bản ngày nay là kết tinh thành quả lao động hàng ngàn năm của những cư dân trên quần đảo Nhật Bản, là sự kết hợp sáng tạo những giá trị văn hoá bản địa và các giá trị văn hoá nước ngoài, cũng do vậy, là nơi hội tụ của văn hoá phương Đông và phương Tây.
Trước khi có tiếp xúc văn hoá đầu tiên với Trung Quốc trên quần đảo này đã tồn tại những cộng đồng người với những đặc trưng sinh hoạt văn hoá riêng. Những giá trị tinh thần thể hiện nhân sinh quan và thế giới quan độc đáo của những cư dân cổ xưa trên quần đảo này còn lưu lại khá rõ nét trong các vật phẩm chế tác, các truyền thuyết, nhất là trong những tín ngưỡng đa thần mà sau này được gọi chung là Thần đạo.
Sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là chữ Hán, Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo bắt đầu vào thế kỷ thứ IV sau công nguyên đã làm thay đổi to lớn diện mạo văn hoá Nhật Bản từ lối sống trong triều đình Thiên hoàng đến sinh hoạt ngoài dân chúng. Cùng với thời gian các giá trị văn hoá này đã dần dần biến đổi, kết hợp với các giá trị văn hoá bản địa, nhất là với Thần đạo để tồn tại, phát triển và tạo nên những nét đặc trưng riêng của văn hoá Nhật Bản.
Khoảng giữa thế kỷ XVI đã xuất hiện những người phương Tây đầu tiên đến Nhật Bản đem theo sự ảnh hưởng của những tri thức khoa học phương Tây và Kitô giáo. Tuy nhiên phải đến cuộc cải cách Minh Trị (1868) thì tiếp xúc của Nhật Bản với văn hoá phương Tây mới trở nên đậm nét. Với đường lối mở cửa đất nước để học hỏi phương Tây, chỉ trong vài thập kỷ sau đó Nhật Bản đã trở thành một quốc gia hùng mạnh với cơ sở kinh tế, thể chế chính trị và mô hình xã hội, văn hoá hiện đại- điều mà phương Tây đã phải mất hàng thế kỷ mới có được.
Sau kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, mặc dù là một nước bại trận với nền kinh tế kiệt quệ song nhờ tinh thần quyết tâm cao độ Nhật Bản đã tạo nên một kỳ tích trong phục hồi kinh tế. Đến giữa những năm 1960 Nhật Bản đã có đủ sức mạnh để cạnh tranh trên trường quốc tế. Theo đó, nền văn hoá hiện đại cũng nhanh chóng phát triển ngày một đa dạng trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống và tiếp thu những thành quả tiến bộ của văn hoá nước ngoài.
Tuy là là một nền văn hoá phát triển mang tính hỗn dung, song việc tiếp thu các thành quả văn hoá nước ngoài của Nhật Bản không phải là việc vay mượn, sao chép cứng nhắc, mà luôn luôn là quá trình tiếp thu có cải biến. Tư tưởng, tín ngưỡng, lối sống nước ngoài một khi được du nhập vào Nhật Bản đều buộc phải biến đổi để phù hợp với hệ giá trị văn hoá bản địa và tồn tại như là cái có tính độc đáo Nhật Bản. Chính nhờ vậy mà ngày nay Nhật Bản không chỉ là một cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế mà còn là đất nước có nền văn hoá phát triển đa dạng và giàu bản sắc
Tư tưởng và Tôn giáo
Thần đạo (Shintò) là một tôn giáo đa thần, có nguồn gốc từ những tín ngưỡng thời cổ xưa ở Nhật Bản. Người ta thờ cúng các sự vật, hiện tượng được coi là có năng lực linh thiêng trong tự nhiên và xã hội, như đỉnh núi, con sông, biển, mặt trời, mưa, dông bão, các vị anh hùng và tổ tiên để mong được sự phù hộ, chở che trong cuộc sống hiện tại. Những truyền thuyết về nguồn gốc thần linh của Hoàng tộc đã trở thành một phần quan trong của giáo lý Thần đạo. Từ Thần đạo (Shintò) chỉ những nghi lễ tế thần và đền thờ được thấy xuất hiện rất sớm, nhưng phải đến tận cuối thế kỷ thứ XII thuật ngữ này mới mang ý nghĩa chỉ một loại giáo lý tôn giáo nhất định. Thần đạo có một quá trình kết hợp lâu dài với Phật giáo dưới dạng tín ngưỡng Thần Phật tập hợp. Đầu thế kỷ XIX một phong trào Thần đạo phục cổ đã nổi lên và dần chiếm ưu thế, Phật giáo bị tách ra khỏi Thần đạo vì bị coi là một tôn giáo ngoại lai. Sau cải cách Minh Trị và đặc biệt trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Thần đạo được các nhà chức trách đưa lên thành quốc giáo. Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II quân Đồng Minh đã chiếm đóng Nhật Bản, giải thể Thần đạo Nhà nước- một tổ chức Thần đạo được coi là có liên quan đến việc cổ súy tư tưởng dân tộc cực đoan và chủ nghĩa quân phiệt. Theo Hiến pháp Nhật Bản sau chiến tranh, Thần đạo không còn được hưởng bất kỳ một đặc quyền nào và tồn tại bình đẳng như các tôn giáo khác. Ngày nay trong ý thức dân chúng Thần đạo tồn tại song song và đôi khi hoà trộn với Phật giáo. Nhiều người Nhật kết hôn theo nghi thức Thần đạo và được mai táng theo nghi thức Phật giáo.
Phật giáo được truyền vào Nhật Bản khoảng năm 552 sau công nguyên từ vương quốc Bách Tế (nay thuộc Triều Tiên). Lúc bấy giờ quốc vương Bách Tế đã cử một sứ đoàn mang đến biếu Thiên hoàng Nhật Bản một pho tượng Phật quý và một số sách kinh điển nhà Phật. Tuy lúc đầu có gặp một số khó khăn, song nhờ được sự bảo trợ của Nữ hoàng Suiko (593-628), đặc biệt là của Thái tử Shotoku (574- 622), Phật giáo được truyền bá rộng khắp đất nước. Đầu thế kỷ thứ IX Phật giáo Nhật Bản chủ yếu phục vụ cho giới quý tộc cung đình. Đến thời Hei-an (794- 1185) đã xuất hiện và phát triển hai tông phái lớn là Chân Ngôn tông và Thiên Thai tông. Bước vào thời Kamakura (1185-1333) Phật giáo trên quần đảo này phát triển rực rỡ với sự truyền bá của hàng loạt các tông phái mới khác từ Trung Quốc như Thiền tông (Zen), Tào Động tông, Tịnh Thổ tông... đem lại hy vọng được giải thoát cho đông đảo các tầng lớp dân chúng. Dưới thời Tokugawa (1603-1867), do sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Kitô giáo, Phật giáo và sinh hoạt của hệ thống chùa chiền trên khắp Nhật Bản cũng gặp nhiều trở ngại. Trong thời Minh Trị, chính sách quốc giáo hoá Thần đạo đã làm cho Phật giáo phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, không ít chùa chiền, tượng Phật bị huỷ hoại. Sau Thế chiến thứ II, xuất hiện hàng loạt tổ chức tôn giáo mới với tư cách những phong trào Phật giáo mà một số tổ chức lớn trong đó là Soka Gakkai, Risshò Kòseikai, Reiyùkai...Trong suốt lịch sử phát triển lâu dài ở Nhật Bản, Phật giáo không chỉ đơn thuần là một tôn giáo mà còn góp phần đáng kể vào việc làm giàu nền nghệ thuật và vốn tri thức của Nhật Bản.
Kitô giáo đươc truyền vào Nhật Bản từ nửa cuối thế kỷ XVI và được phát triển đến đầu thế kỷ XVII. Những tín đồ đầu tiên là những người đang cần một biểu tượng tinh thần mới trong một xã hội có nhiều biến động rối ren, những người hy vọng làm giàu trong buôn bán hay muốn có kỹ nghệ mới, nhất là kỹ nghệ sản xuất vũ khí của phương Tây. Tuy nhiên, chính quyền Tokugawa (1603-1867) cho rằng Kitô giáo là nguy cơ đe doạ sự ổn định của trật tự vừa được thiết lập nên đã cấm nó hoạt động. Kitô giáo bị cấm cho đến tận giữa thế kỷ XIX- khi Nhật Bản lại mở cửa ra thế giới bên ngoài. Trong số tín đồ Kitô giáo ở Nhật Bản hiện nay tín đồ Tin lành nhiều hơn tín đồ Thiên chúa.
Lễ hội (Matsuri) và những ngày lễ hàng năm (Nenchù gyòji)
Ở Nhật Bản trong một năm có rất nhiều những ngày diễn ra các sự kiện sinh hoạt văn hoá lễ nghi có tính định kỳ. Những ngày này được chia một cách tương đối làm hai loại: Lễ hội (Matsuri) và ngày lễ hàng năm (Nenchù gyòji). Lễ hội (Matsuri) là cái vốn có của Nhật Bản, bắt nguồn từ những tín ngưỡng Thần đạo, còn ngày lễ hàng năm (Nenchù gyòji) là khái niệm rộng hơn chỉ các sự kiện văn hoá diễn ra định kỳ theo mùa trong năm, rất nhiều trong số đó là những ngày lễ có nguồn gốc từ Phật giáo hay từ Trung Quốc. Ngày lễ hàng năm (Nenchù gyòji) được diễn ra gắn với từng mùa tạo thành một thứ lịch về các ngày lễ hàng năm. Có những lễ hội (Matsuri) cũng là những sự kiện trong lịch những ngày lễ hàng năm, nhiều sự kiện ngày lễ trong năm mang cả tính chất của lễ hội. Sau đây là một vài trong số những lễ hội và ngày lễ hàng năm điển hình.
Năm mới (Shògatsu) là lễ hội lớn nhất trong năm của người Nhật. Tuy mỗi vùng ở Nhật Bản có nghi thức đón năm mới với những nét độc đáo riêng, nhưng nhìn chung vào dịp này mọi người đều quét dọn và trang trí lại nhà cửa. Người ta thường dựng kadomatsu (tùng và tre) trước cổng nhà để chào đón các vị thần (kami) và chăng những sợi thừng rơm có trang trí những băng giấy cắt ngụ ý bảo vệ cổng nhà khỏi những gì không tinh khiết. Các thành viên gia đình tụ tập lại để chúc tết nhau, đi lễ cầu may đầu năm ở đền Thần đạo hay ở chùa, người ta cũng đến thăm hoặc gửi bưu thiếp chúc tết gia đình bè bạn và những người thân thích khác. Lễ năm mới diễn ra trong 3 ngày từ mồng một đến mồng ba tháng Một dương lịch. Trong thời gian này tất cả các công sở và hầu hết các công ty đều nghỉ việc.
Lễ hội búp bê( Hina matsuri) được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng Ba. Các gia đình có con gái bày một bộ búp bê Hina (gồm có búp bê hình Thiên hoàng, Hoàng hậu, những người hầu và nhạc công trong bộ trang phục cung đình cổ xưa), tổ chức ăn bánh hishimochi và uống rượu shirosake (sake trắng) để mừng ngày hội.
Ngày trẻ em (Kodomo no Hi) diễn ra vào mồng 5 tháng Năm. Ngày xưa gọi là tết Đoan ngọ và trở thành ngày nghỉ toàn quốc ở Nhật Bản từ năm 1948. Mặc dù gọi là ngày trẻ em nhưng thực ra đó là ngày lễ dành cho các bé trai. Các gia đình có con trai thường treo trên nóc nhà mình những dải cờ hình cá chép tượng trưng cho sức mạnh và trong nhà bày búp bê hình võ sĩ và áo giáp.
Lễ Bon (Urabon, Obon) được tổ chức vào tháng Bảy (có vùng lại tổ chức vào tháng Tám) từ ngày 13 đến 15. Đây là dịp để người Nhật tưởng nhớ linh hồn tổ tiên đã khuất. Theo nghi lễ truyền thống, người ta chuẩn bị đón tổ tiên về nhà bằng cách lau chùi nấm mộ, dọn đường đi từ mộ về nhà và cúng những con ngựa và trâu bằng rơm bện như phương tiện đi lại rồi đốt lửa hay thắp đèn lồng từ mộ đến nhà để chỉ lối cho linh hồn tổ tiên và người thân đã chết biết lối đi về, làm cỗ cúng gia tiên tại nhà và cử hành điệu nhảy Bon đặc biệt có tên là odori quanh khu vực cư dân. Bon là một dịp lễ quan trọng trong năm, các thành viên trong gia tộc dù có sống xa nhau bao nhiêu thì ngày này cũng cố trở về tụ họp bên nhau để làm lễ cúng tổ tiên ông bà.
Trà đạo(Sado) là một nghi thức pha trà tiếp khách có tính hệ thống rất chặt chẽ. Trà đạo bao gồm từ việc chuẩn bị đón khách và mời uống trà cũng như việc nghiên cứu và khai thác vẻ đẹp của kiến trúc, tạo vườn, đồ gốm cùng với những tri thức về lịch sử và tôn giáo. Tại đây có sự tổng hợp của tính sáng tạo nghệ thuật, tính cảm thụ tự nhiên, tư tưởng tôn giáo và sự xã giao.
Phong tục uống trà xuất hiện ở Nhật Bản khoảng đầu thế kỷ thứ VIII cùng với sự ảnh hưởng của Phật giáo. Khoảng từ thế kỷ XII, khi các thiền sư Nhật Bản từ Trung Quốc trở về mang theo lối uống trà mới kiểu Tống với một loại trà xanh được tán mịn gọi là mạt trà (matcha) thì tục uống trà trở thành phổ biến. Suốt thời Trung thế, việc uống trà đã lan rộng từ các thiền viện tới nơi dân chúng với những phong cách mang tính thẩm mỹ khác nhau. Các hội uống trà và thi hương vị trà đã thu hút chú ý của cả Thiên hoàng và các tướng quân, các nhà buôn giàu có. Mặc dù việc uống trà không phải dành riêng cho các thiền viện, nhưng trà lễ (Sarei) với tư cách là các quy tắc và nghi thức tỉ mỉ cho việc pha và uống trà là do các thiền sư tạo ra. Sarei mang nhiều đặc tính của Thiền, trong đó sự thanh tịnh, tính giản dị và mộc mạc đã trở thành những đặc trưng thẩm mỹ và uống trà, do đó, dần dần trở thành một nghi lễ có tính nghệ thuật. Trà đạo với những đặc tính thẩm mỹ mà chúng ta được biết đến ngày nay đã đạt được sự phát triển đầy đủ từ thế kỷ thứ XVI.
Cắm hoa nghệ thuật (Ikebana).
Cắm hoa nghệ thuật (Ikebana) ở Nhật Bản còn được gọi là Hoa đạo (Kadò), có nguồn gốc từ nghi lễ dâng hoa trong các chùa chiền từ thế kỷ thứ VI, rồi dần dần phát triển thành một nghệ thuật vào khoảng thế kỷ thứ XV với nhiều nghi thức và trường phái khác nhau. Hoa đạo khác với cắm hoa thông thường ở chỗ nó đem lại sự nhận thức về mối liên quan giữa không gian xung quanh với hoa và cành lá, cách bố cục cành lá, việc lựa chọn hoa cũng như cây được sử dụng làm vật liệu.
Một phong cách cắm hoa cổ điển và phức tạp có từ xưa, gọi là rikka (hoa đứng). Phong cách này tìm tòi sự thể hiện vẻ tráng lệ của thiên nhiên, quy ước rằng hoa phải được cắm theo hình núi Sumeru, một ngọn núi huyền thoại của thế giới nhà Phật tượng trưng cho toàn vũ trụ. Các vật liệu được sử dụng cho lối cắm hoa này đều có tính tượng trưng. Phong cách này đạt tới độ hoàng kim vào thế kỷ XVII, nay không còn phổ biến nữa.
Từ thế kỷ thứ XV xuất hiện lối cắm hoa tự nhiên. Các ngôi nhà dù nhỏ đều có kotonoma- một không gian nhỏ thụt vào của căn phòng để đặt các đồ mỹ nghệ hay để cắm hoa. Các luật lệ cắm hoa theo đó trở nên giản đơn để mọi người đều có thể thưởng thức được. Cuối thể kỷ XVI có lối cắm hoa tự nhiên gọi là nageire (quăng vào) như là một phần của nghi lễ trà đạo. Hoa được sử dụng trong trà đạo được gọi là chabana (trà hoa), chỉ cần một bông hoa trong một bình hoa tạo nên cảm giác giản dị, thuần khiết, thanh tao. Cắm hoa hiện đại mang ảnh hưởng nhiều của văn hoá phương Tây. Phong cách cắm hoa moribana (một rừng hoa) đã mở đường tự do cho nghệ thuật cắm hoa, tìm cách thu nhỏ một phong cảnh hay một mảnh vườn. Đó là phong cách cắm hoa có thể thưởng thức được ở bất cứ đâu và thích hợp với mọi khung cảnh. Ngày nay ở Nhật Bản có khoảng 3000 trường phái ikebana, trong số đó 3 trường phái có tiếng nhất là Ikenobò, Ohara và Sògetsu.
nguồn : http://diendan.nguoihanoi.net
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: TỔNG QUAN VĂN HOÁ NHẬT BẢN

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Chủ nhật 25/11/07 22:49

[center]NHỮNG ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO NHẬT BẢN[/center]
[center]Minh Chi[/center]

[justify]Một trong những ưu điểm đặc biệt của đạo Phật, khi du nhập vào các nước, các dân tộc có bối cảnh xã hội-chính trị khác biệt là đã tỏ ra không cứng nhắc, giáo điều và sẵn sàng bản địa hóa với điều kiện là bảo tồn được cốt lõi tinh hoa của đạo. Khi đến Nhật Bản, Phật giáo cũng đã ứng xử như vậy, do đó mà chúng ta đối diện với một Phật giáo Nhật Bản, với nhiều đặc sắc khác biệt với Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam v.v... và tất nhiên, cũng rất khác biệt với Phật giáo Ấn Độ nữa.
A. Nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng từ, là tình thương rộng lớn, nhưng cũng không bác bỏ tình thương giữa hai người, không có loại trừ tình yêu nam nữ, và quan hệ tình dục.
Đặc sắc này có thể là do người Nhật Bản vốn chấp nhận, không muốn hành động trái ngược với bản tính tự nhiên của con người. Những quan điểm cơ bản của đạo Phật được giải thích liên hệ với tình thương, kể cả tình thương yêu nam nữ (bao gồm cả quan hệ tình dục), trong khi ở Trung Hoa thì người ta lại câu nệ và né tránh quan hệ tình dục nam nữ, như là một cái gì tội lỗi. Ở Nhật hiện nay, một hình tượng được thờ phụng khá phổ biến là Shoten, Thần khoái lạc và Aizen Myô (Thần của tình yêu). Shoten vốn là Thần Ganesa ở Ấn, cũng có tên Ganapati. Ganesa là con trai của Thần Siva và nữ Thần Núi Parvati. Một vị thần đầu voi, một cái ngà gãy. Nhưng điều lạ là ở Nhật, Mông Cổ và Tây Tạng, có tượng Thần Ganesa ôm và giao hợp với nữ Thần Tình yêu. Ở Trung Hoa, không thấy có hình tượng này, chắc là vì truyền thống Khổng giáo Trung Hoa không thể chấp hận một hình tượng quan hệ tình dục lộ liễu như vậy.
Nhà Phật học Nhật Bản nổi tiếng Nakamura nói là “Dân tộc Nhật Bản có thể là dân tộc châu Á duy nhất đã từ bỏ hầu hết các giới luật nhà Phật” (Xem–Najime Nakamura–Some features of Jananese thought”–Đặc điểm của lối tư duy của người Nhật, trang 32)
Tất nhiên, tình thương hoàn thiện là tình thương vị tha và trong sáng mà Phật giáo gọi là lòng từ, lòng bi (maitri, karuna). Ở Nhật, tông Tịnh Độ, có số đông tín đồ nhất, nhấn mạnh lòng từ vô hạn của Phật A Di Đà, sẵn sàng dang tay cứu với tất cả mọi người kể cả những con người xấu, ác.
Ở Trung Hoa, lòng thương người hình như không được nhấn mạnh tới mức độ như ở Nhật, có thể là do ảnh hưởng của Đạo Lão thường đề cao cuộc sống độc cư và an phận, thay vì xông pha ở đời để cứu đời. Ngay Thiền tông Nhật Bản cũng có điểm khác với Thiền tông Trung Hoa ở chỗ Thiền tông Nhật Bản rất coi trọng mọi hành động biểu thị lòng thương người và loài vật. Thiền sư Vĩnh Tây (Eisai), người đã đưa giòng Thiền Lâm Tế của Trung Hoa vào Nhật Bản, cũng rất đề cao lòng từ. Ông nói “Các người phải đề cao lòng từ rộng lớn...và cứu vớt nhân loại khắp mọi nơi, theo đúng giới luật trong sáng và tối thượng của vị Đại Bồ tát, chứ đừng có tìm cầu giải thoát cho riêng mình.”
Đạo Nguyên (1200-1253), người lập ra phái Thiền Tào Động ở Nhật, khi dạy học trò thường xuyên răn “nên nói với người khác với lời từ ái”, “những lời của tình thương.” Ông nói “Nói những lời từ ái có nghĩa là làm nảy sinh ra lòng từ ái, hãy nói lời nói của tình thương với mọi người, bất cứ khi nào gặp họ. Hãy nói chuyện với tất cả tấm lòng của mình, nhìn mọi người với lòng từ như họ là con đẻ, đó tức là nói chuyện với lòng từ. Người có đức thì tán thán họ, người ác thì thương hại họ. Nói chuyện với lời từ ái, đó là cách thức cơ bản nhất giúp người có trí chiến thắng và kẻ thù phải khuất phục.”
Ở Nhật Bản, lòng từ, tức là lòng thương người rộng lớn không những là đặc sắc nổi bật của Phật giáo Nhật, mà nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới các tôn giáo khác, như Thần đạo, ở đây nó trở thành một trong ba biểu trưng thiêng liêng của Hoàng gia Nhật. Nó cũng trở thành một trong những đức tính cơ bản của giới võ sĩ Samurai.
Ở Nhật, đã từng diễn ra một cuộc hội thảo khoa học nhằm xác định lòng từ vốn là truyền thống vốn có của dân tộc Nhật, hay là một đức hạnh cơ bản của Phật giáo mà người Nhật tiếp thu. Giáo sư Nakamura (sách đã dẫn) tuy thừa nhận dân tộc Nhật vốn có truyền thống thương người, thế nhưng ảnh hưởng của đạo Phật rất lớn về mặt này. Nakamura nhắc lại rằng, trong thời kỳ triều đại Bình An (Heian, 794-1118) vốn là thời kỳ có ảnh hưởng rất mạnh mẽ của Phật giáo, người ta không ghi nhận có một trường hợp tội tử hình nào. Hãy chú ý, có luật pháp nước nào trên thế giới mà không có tội tử hình? Tôi nghĩ cũng có thể có, nhưng rất là hiếm. Sử chép là ở Việt Nam, khi triều đại Phật giáo nhà Lý mới sáng lập, thì vua Lý Thái Tổ có ra lệnh phá hủy tất cả mọi hình cụ. Nhưng tình hình sau đó như thế nào, thì không được rõ. Nhưng sử gia Hoàng Xuân Hãn, trong cuốn “Lý Thường Kiệt” công nhận là “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật.”
(Sách đã dẫn “Lý Thường Kiệt” trg 429)
Nakamura còn khẳng định là ngay hiện nay, ở Nhật, những nơi nào, vùng nào, địa phương nào có đông đảo tín đồ Phật giáo, thì đạo đức xã hội ổn định, tốt đẹp, có rất ít trường hợp giết người.
(Nakamura-sách đã dẫn, trg 34)
Lòng thương yêu người ở Nhật Bản, gắn liền chặt chẽ với lòng yêu thiên nhiên, mà như mọi người biết, thiên nhiên Nhật rất là đẹp, và bàn tay con người bao giờ cũng săn sóc làm cho thiên nhiên vốn đã đẹp lại còn đẹp hơn.
B. Xuất phát ở lòng từ rộng lớn bèn nảy sinh ra, như là hệ quả một đặc sắc thứ hai của tâm lý người Nhật là ưa thích cuộc sống hòa hợp, hòa hài, đoàn kết thay vì mâu thuẫn và xung đột. Hiện nay cũng vậy, mọi mâu thuẫn giữa cá nhân với nhau hay là gia đình, giòng họ với nhau thường được giải quyết không phải qua kiện tụng lôi thôi mà là qua bàn bạc, thương nghị, nhường nhịn nhau. Ngành luật sư có rất ít việc làm trong xã hội Nhật, giáo sư Nakamura khẳng định như vậy (sách đã dẫn, trang 36). Nakamura nói ông quen nhiều trí thức Nhật Bản chỉ tuyên bố mình là luật sư hay luật gia khi đi công tác ở nước ngoài, còn ở trong nước thì họ chỉ tự giới thiệu họ là nhà kinh doanh.
Dân Nhật từ rất lâu đã từ bỏ cuộc sống săn bắn và trở thành một dân tộc làm nông nghiệp lúa nước. Cuộc sống này yêu cầu họ sống định cư thành làng, thành thôn xá, gần gũi nhau và không thể không tôn trọng và đoàn kết với nhau. Làng xã Việt Nam làm lúa nước cũng hình thành những cộng đồng đoàn kết, gắn bó như vậy. Ca dao tục ngữ Việt Nam có những câu mô tả đặc sắc đó của người Việt Nam:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy là khác giống nhưng chung một giàn.”
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước hãy thương nhau cùng.”
C. Một hệ quả khác của tình thương rộng lớn là tính bao dung (tolerance).
Nói chung, người Nhật dù thắng trận cũng không đối đãi tàn ác với kẻ bại trận. Nhận xét này của Nakamura hình như bị phủ định bởi những hành vi của quân đội Nhật hoàng, trong cuộc thế chiến thứ hai, khi quân Nhật tiến đánh và chiếm đóng Mãn Châu, miền Bắc Trung Hoa và nhiều nước khác ở Đông Nam Á.
Nói chung, người Nhật khó chấp nhận thuyết đọa địa ngục vĩnh viễn của Thiên Chúa giáo. Một thuyết như vậy sẽ mâu thuẫn với tinh thần bao dung cố hữu của người Nhật Bản. Phật giáo Nhật Bản đi tiên phong trong việc đề cao tinh thần bao dung, và sẵn sàng vui vẻ chấp nhận sự cùng tồn tại của những hệ tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Phật giáo Nhật cũng chấp nhận sự hình thành của nhiều tông phái trong nội bộ của Phật giáo. Trong lịch sử phát triển tôn giáo của Nhật, cũng có trường hợp chính quyền phong kiến đàn áp và khủng bố tôn giáo thí dụ, như một thời gian, giáo phái Nichiren (Nhật Liên tông) bị khủng bố, nhưng không phải vì lý do tôn giáo mà vì lý do giáo phái này gây mất ổn định xã hội, và đe dọa trật tự phong kiến lúc bấy giờ.
Những đặc sắc nói trên, tạo cho Phật giáo Nhật Bản nói riêng và tôn giáo Nhật Bản nói chung, bao gồm cả Thần đạo và Thiên Chúa giáo cũng như Tinh Lành giáo những nét đặc thù rất đánh chú ý.
Sau cuộc cách tân Minh Trị, Thiên Chúa giáo bắt đầu du nhập vào Nhật Bản và cũng được nhân dân hoan nghênh, vì người Nhật thấy không có mâu thuẫn gì cơ bản giữa truyền thống văn hóa Nhật Bản (không bài ngoại) với các giáo điều của Thiên Chúa giáo. Hoan nghênh nhưng không phải là tin theo, trở thành tín đồ.
D. Tinh thần ham học và sáng tạo:
Một đặc sắc nữa của tinh thần người Nhật Bản là ham học và sáng tạo. Dưới đời Tùy, đời Đường, trong quan hệ tiếp xúc với Trung Quốc, tuy một mặt họ tỏ ra khâm phục và học hỏi nền văn hóa và văn minh tiên tiến của Trung Quốc, nhưng họ luôn luôn giữ thái độ tự trọng. Thế kỷ VII, khi Thái tử Thánh Đức (Shotoku) thay mặt Nhật hoàng gửi thư cho vua Tùy Dạng Đế nhà Tùy, ông đã mở đầu bức thư bằng câu:
“Thư này do Thiên tử của xứ mặt trời mọc (phương Đông) gửi cho Thiên tử của xứ mặt trời lặn (phương Tây)...” Nghe nói, Tùy Dạng Đế đọc bức thư đã nổi giận lôi đình, cho rằng Nhật Hoàng không biết lễ trên dưới. Vì theo Trung Quốc, chỉ có một Thiên tử là vua Trung Quốc, lãnh mệnh trời để cai trị thiên hạ.
Nước Nhật cũng như một số nước Phi Hán ở Tây Bắc Trung Hoa, không chịu triều cống các vua Trung Hoa. Trong suốt lịch sử nước Nhật, chỉ có Asikaga Yoshimitsu (1358-1408), là tướng quân thứ ba của giòng họ Ashikaga là chịu cho hoàng đế Trung Hoa phong tước vương, do đó về sau bị các sử gia Nhật phê phán là đã làm nhục quốc thể.
Người Nhật hay dùng từ yamato-danashi, nghĩa là hồn đại hòa (Hồn Nhật Bản) để khẳng định sự khác biệt giữa tinh thần Nhật Bản và tinh thần của người Trung Hoa.
Ở Nhật, tuy có một thời dưới chính quyền Tokugawa (Đức Xuyên) (1600-1868). Nho giáo hay nói đúng hơn, thuyết Tống Nho của Chu Hy được tiếp thu như một công cụ để củng cố chính quyền Mạc Phủ (Shogun), nhưng lớp người trí thức Nhật Bản không bao giờ công nhận vị trí độc tôn của Nho. Thí dụ, một Nho gia Nhật Bản là Yamazaki Ansai (Sơn Kỳ Ám Tế 1618-1682) thậm chí cho rằng có một Nho giáo Nhật Bản hơn hẳn Nho giáo Trung Quốc về cả ba mặt nhân, trí và dũng. Khi dạy học trò, ông đặt câu hỏi và trả lời:
“Nếu Trung Quốc cử Khổng Tử làm đại tướng và Mạnh Tử làm phó tướng dẫn vài vạn kỵ binh sang đánh nước ta, với tư cách là người học đạo Khổng Mạnh, chúng ta phải ứng xử như thế nào?”
Và Ansai tự trả lời:
“Chúng ta chỉ có cách là mặc giáp mang kiếm, ra trận bắt sống Khổng Mạnh đặng báo ơn nước. Đấy chính là điều Khổng Mạnh dạy chúng ta.”
Người Nhật không những không chấp nhận chế độ triều cống đối với các vua Trung Hoa, mà cũng không chấp nhận thiết chế khoa cử để tuyển chọn nhân tài, đã được định hình dưới đời nhà Tống, bởi lẽ thiết chế này buộc tất cả thí sinh đều phải nhận thức Khổng giáo theo khuôn mẫu giáo điều của Chu Hy, do đó mà muốn thi đỗ thì cứ học thuộc các sách bình giải của Chu Hy. Người Nhật không chấp nhận lối học nhồi nhét, rập khuôn như vậy.
Các học phái Nhật Bản Kokugaku (Quốc học) và Rangaku (Lan học, tức là học Hà Lan) có chủ trương đưa Nhật Bản thoát hẳn quỹ đạo của văn hóa Trung Quốc–Họ gọi là thoát Á (datsua–1885), và hòa nhập vào tư trào văn minh hiện đại của phương Tây. Có thể nói, về mặt này, nước Việt Nam đã chậm hơn Nhật Bản, khiến cho Trần Trọng Kim, trong “Việt Nam sử lược” đã phải viết:
“Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, văn minh và học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều, mà sự cạnh tranh giữa các nước cũng kịch liệt hơn trước, thế mà, những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình, chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến việc nước thì phi Nghiêu Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện đại, rồi cứ nghễu nghện tự xem mình là hơn người, cho thiên hạ là dã man. Ấy là triều đình nước Nam ta lúc bấy giờ phần nhiều là những người như thế cả. Tuy có một vài người đã đi ra ngoài, trông thấy cảnh tượng thiên hạ, về nói lại thì các cụ ở nhà cho là nói bậy, làm hủy hoại kỷ cương.” (Trần Trọng Kim–Theo Dương Quảng Hàm–Việt Nam văn học sử yếu). Phan Chu Trinh cũng không nhẹ lời đối với tệ hai của lối Nho học từ chương, ngâm vịnh, phù phiếm. Ông lên án chế độ khoa cử, chủ trương bỏ chữ Hán thay bằng chữ Quốc ngữ. Ông tuyên bố “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam Quốc” (Không bỏ chữ Hán thì không thể cứu nước Nam) (Xem “Việt Nam Phật giáo sử luận” quyển ba. Nguyễn Lang, trang 16)
Nói chung lại, đối với đạo Phật cũng đối với mọi nhân tố văn hóa khác, từ bên ngoài du nhập vào, người Nhật Bản vẫn tiếp thu có chọn lọc, phên phán và còn gia công sáng tạo để cho nhân tố văn hóa ngoại nhập đó hòa mình vào truyền thống văn hóa của dân tộc Nhật Bản, một cách nhuần nhuyễn, như nước với sữa, hỗ trợ nhau cùng phát triển, thay vì xung khắc, mâu thuẫn, gây trở ngại cho nhau.
Nhật Bản tiếp thu đạo Phật cũng với tinh thần và thái độ như vậy.
Thống kê tôn giáo ở Nhật
1. Thần đạo Shinto: 112.106.175 (51,6%)
2. Phật giáo 88.465.715 (41%)
3. Thiên Chúa giáo 1.656.103 (0,8%)
Số giáo đồ nhỏ tồn tại trong nội bộ của tôn giáo lớn hết sức nhiều. Thí dụ, có tới 151 giáo phái Thần đạo, 171 giáo phái Phật giáo, 66 giáo phái Thiên Chúa.
Tổng số tín đồ các tôn giáo trội hơn tổng số dân là vì sao?
Đấy là vì một người có thể theo hay hay 3 tôn giáo. Thí dụ phổ biến nhất là một tín đồ Thần đạo đồng thời cũng ghi mình là tín đồ Phật giáo. Do vậy, năm 1986, số liệu thống kê có đến hơn 217 triệu tín đồ các tôn giáo trong một tổng số dân là 119 triệu ba trăm.
(Theo Clevenot –Tình hình các tôn giáo trên thế giới 1987)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vài đặc điểm của lối tư duy của người Nhật, trang 32. Nakamura
2. Lý Thường Kiệt, trang 32. Hoàng Xuân Hãn.
3. Việt Nam Sử Lược–Trần Trọng Kim.
4. Việt Nam Văn Học Sử Yếu–Dương Quảng Hàm.
5. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 3 trang 16. Nguyễn Lang.
6. L’état des religions dans le monde (Tình hình các tôn giáo trên thế giới). Clevenot. La decouvertelle Cerf 1987[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến19 khách