VÕ THIẾU LÂM TRONG VĂN HÓA TRUNG HOA

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

VÕ THIẾU LÂM TRONG VĂN HÓA TRUNG HOA

Gửi bàigửi bởi trang Nguyen » Thứ 6 02/04/10 13:59

LỜI GIỚI THIỆU

Trung Hoa là một trong những cái nôi văn minh nhân loại sớm nhất. Đến với đất nước Trung Hoa, ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ cùng những công trình kiến trúc vĩ đại. Bên cạnh đó, Trung Hoa còn được biết đến với một bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, từ hội họa, điêu khắc, văn học… cho đến tư tưởng, tôn giáo, tất cả đều được hình thành từ rất sớm. Và giờ đây nó đã được tái hiện lại một cách sống động trong nền điện ảnh Trung Hoa.
Võ thuật Trung Hoa là một trong những đề tài được nền điện ảnh quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là kung fu Thiếu Lâm, như: Thiếu Lâm thần quyền, Nam quyền Bắc Cước, Nam Thiếu Lâm… và hầu hết trong các tiểu thuyết của Kim Dung đều xuất hiện võ Thiếu Lâm.
Hiện nay, võ thuật Thiếu Lâm được xem là nền di sản phi vật thể của thế giới được Unesco công nhận. Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế hóa ngày nay, võ Thiếu Lâm đã tồn tại những mặt hạn chế rất đáng quan tâm.
Vì những vấn đề trên nên nhóm chúng tôi chọn đề tài này.

1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Vài nét về võ thuật Trung Hoa
1.1.1. Khái niệm Võ thuật Trung Hoa
Võ thuật là một sản phẩm văn hóa đặc trưng chỉ con người mới có. Võ thuật là kỹ thuật hay phương thức dùng sức mạnh (nội lực, ngoại lực) để chiến thắng đối phương.
Võ thuật Trung Hoa (còn được biết đến với cái tên kung fu) khởi nguồn từ nền văn hóa cổ xưa của Trung Quốc và bắt nguồn từ Đạo Gia. Do đó nó có liên quan đến tu luyện. Bên cạnh việc nâng cao đạo đức cũng như kỹ thuật và thủ pháp, nó còn có tác dụng tăng cường sức khỏe và dưỡng sinh, có chức năng phòng vệ và ngăn chặn bạo lực.
1.1.2. Sự hình thành và phát triển
Theo những nhà nghiên cứu, võ thuật Trung Hoa bắt đầu bằng tập hợp những kinh nghiệm trong chiến đấu với thú dữ và với các bộ lạc khác để sinh tồn. Việc tích lũy kiến thức của nhiều đời, trong đó việc bắt chước muông thú đóng một vai trò đáng kể chứ không phải chỉ do một tổ sư nào đó nghĩ ra rồi truyền lại. Từ chân tay đến sử dụng binh khí và nương theo những phương tiện chiến đấu như xe, ngựa ngày càng thêm phát triển.
Võ thuật Trung Hoa sau khi đã đi qua giai đoạn thực dụng của nó là để tự vệ, sinh tồn cũng trở thành một phần bộ của văn hóa với tất cả những di sản và tương quan xa gần của đời sống. Người ta đã đem thuyết âm dương, ngũ hành, tam tài, bát quái của Dịch lý, cộng thêm những phép thở hút của khí công Đạo gia, Phật gia, rồi kinh mạch huyệt đạo. Các loại thuốc men, xoa bóp, tẩm luyện của y khoa vào làm giàu cho võ thuật. Về sau, người ta còn thêm vào những trận pháp, lấy một chống đông hay lấy đông người chống đông người. Mỗi một công phu luyện tập lại được kỳ bí hóa để trở thành một “tuyệt kỹ” mà chúng ta thường thấy trong các tiểu thuyết võ hiệp.

1.2. Vài nét về võ Thiếu Lâm
1.2.1. Thiếu lâm tự
Thiếu Lâm tự, tức chùa Thiếu Lâm, dịch nghĩa là: “chùa trong rừng gần đỉnh Thiếu Thất”. Đây là ngôi chùa ở Tung Sơn, thị xã Đăng Phong, địa cấp thị Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, nổi tiếng từ lâu nhờ mối liên hệ với Phật giáo Thiền tông và võ thuật. Chùa Thiếu Lâm với võ phái Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc các phái võ Trung Quốc hiện nay.
Theo “Tục cao tăng truyện” của Đạo Tuyên, chùa Thiếu Lâm ban đầu được Hiếu Văn Đế của nhà Bắc Ngụy xây dựng ở phía bắc núi Thiếu Thất, đỉnh phía tây của Tung Sơn, một trong những ngọn núi linh thiêng của Trung Quốc. Ngôi chùa bị hủy diệt và trùng tu vài lần, trở thành một trong những ngôi chùa xưa nhất của Trung Quốc.
Nhưng lịch sử chùa Thiếu Lâm chỉ bắt đầu được biết đến nhiều sau khi vị Phật tăng Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa truyền thụ giáo pháp Phật Giáo đồng thời sáng lập nên một giáo phái Phật giáo mới sau này phát triển khắp vùng Đông Nam Á, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản là giáo phái Thiền Tông Trung Hoa.
Sau khi triều kiến Lương Vũ Đế (463-549) (cũng thuộc triều Bắc Ngụy) ở Kim Lăng (Trung Quốc) bất thành, Bồ Đề Đạt Ma đã đến chùa Thiếu Lâm (năm 527) để truyền bá Phật pháp cho người Trung Hoa. Do đó Bồ Đề Đạt Ma cũng được coi như là ông tổ của Phật Giáo Thiền Tông.
Ngôi chùa nguyên thủy vẫn tồn tại sau nhiều lần bị cướp phá và được xây dựng lại.
Trung Quốc có ba ngôi chùa đều mang tên Thiếu Lâm:
 Hà Nam Đăng Phong Tung Sơn Thiếu Lâm tự.
 Hà Bắc Bàn Sơn Thiếu Lâm tự.
 Phúc Kiến Toàn Châu Nam Thiếu Lâm tự.
1.2.2. Quá trình xuất hiện võ Thiếu Lâm
Trong thời gian trụ trì và thuyết pháp, nhận thấy các tăng nhân trong chùa có thể lực rất yếu kém không thể chống chọi nổi với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt của vùng núi rừng hiểm trở, Bồ Đề Đạt Ma đã kết hợp các bài tập luyện thở Yoga và một số môn võ tay không của Ấn Độ sáng tạo nên một số bài tập để rèn luyện tăng cường sức khỏe phục vụ cho quá trình tu hành. Dần dần những động tác này phát triển thành võ thuật. Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng võ thuật để phòng thủ sự tấn công của kẻ địch, như là một phương tiện giữ gìn sức khỏe, và như là một kỉ luật về tinh thần và thể chất.
Sự hệ thống hóa võ thuật bởi các nhà sư có lẽ bắt đầu với những viên quan võ trong quân đội về hưu và đi tu tại đó. Tu viện là một nơi ở ẩn, không giống như là trong chiến trường, do vậy những người đó có thể trao đổi võ thuật và hoàn thiện hơn võ thuật của mình.
Tiếng tăm về quân sự của chùa bắt đầu vào đầu đời nhà Đường (618–907). Tấm bia của Thiếu Lâm tự năm 728 miêu tả chuyện các nhà sư chiến đấu giúp cho vị hoàng đế tương lai là Lý Thế Dân thống nhất đất nước.
Khi lên ngôi, vị vua biết ơn và cho mở rộng khuôn viên chùa và cho phép một số nhà sư tiếp tục việc huấn luyện quân sự. Võ công của Thiếu Lâm tự đạt đến đỉnh cao vào đời nhà Minh (1368–1644), khi vài trăm nhà sư Thiếu Lâm được phong hàm như trong quân đội và đích thân họ chỉ huy các chiến dịch chống lại quân nổi loạn và quân cướp từ Nhật Bản. Vào thời điểm này, các nhà sư Thiếu Lâm đã phát triển môn võ Thiếu Lâm với phong cách riêng biệt.

2. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH
2.1. Đặc điểm
Kung fu Thiếu Lâm lấy động tác cơ thể làm nòng cốt và chia thành các chiêu thức khác nhau. Một chiêu thức bao gồm nhiều động tác và được xây dựng, phát triển trên cơ sở lý luận y học cổ truyền Trung Hoa, phù hợp với quy luật vận động của cơ thể con người.
Trong võ học Thiếu Lâm, động tác và chiêu thức phải đảm bảo kết hợp được giữa động và tĩnh, cân bằng âm dương, cương nhu liền mạch, có thần thái và có hình tượng rõ nét.
Ngoài ra, một đặc điểm quan trọng khác của võ học Thiếu Lâm là nguyên tắc Lục hợp: Tay hợp chân, đùi hợp gối, vai hợp hông, tâm hợp ý, ý hợp khí, khí hợp lực mới có thể tung ra các chiêu thức dũng mãnh và hiệu quả.
1.Trọng thực chiến, đơn giản không hoa mĩ
Đây là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của quyền thuật Thiếu Lâm.
Sự hình thành và chức năng của quyền thuật Thiếu Lâm có mối quan hệ mật thiết với chính trị xã hội, quân sự và đời sống hiện thực. Vì vậy có thể nói, võ thuật chính là văn hóa, hơn nữa đó là văn hóa nhân sinh hết sức lý thú.
2. Quyền đi theo đường thẳng
Đây là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất và cũng là dễ phân biệt nhất giữa phong cách võ thuật Thiếu Lâm với các môn phái võ thuật khác. Nghĩa là mỗi một bài quyền Thiếu Lâm từ khởi thức cho đến thu thức đều luôn duy trì hướng vận động theo một đường thẳng. Kiểu vận động này hết sức có lợi đối với việc gia tốc, qua đó ảnh hưởng tích cực đến thực chiến (Trong thực chiến, tốc độ được coi là trên nhất).
3. Phi khúc phi trực (Không cong, không thẳng)
''Phi khúc phi trực” chủ yếu chỉ đặc điểm thủ pháp. Khi xuất quyền hoặc xuất chưởng tấn công đối phương, yêu cầu cánh tay thẳng mà không thẳng, cong mà không cong. Bởi vì nếu cánh tay thẳng quá thì các mạch, gân, sẽ trở nên căng, không những dễ bị phản công mà còn gây bất lợi khi thu về. Ngược lại nếu cánh tay cong quá thì vừa không có sức mạnh, vừa làm mất đi cự li có thể đánh vào điểm yếu của đối phương. Vì vậy trong quá trình luyện tập trường kỳ, các võ tăng đã đúc kết được kinh nghiệm “phi khúc phi trực”, có lợi cho cả tấn công lẫn phòng thủ, linh hoạt vận dụng.
4. Cổn nhập xuất
“ Cổn nhập xuất” là chỉ khi xuất quyền hoặc xuất chưởng thì cánh tay cần phải xoay vòng. Đặc điểm của nó là, mượn đà xoay chuyển, điều khí ở Đan Điền, trợ lực cho cánh tay đánh vào điểm yếu của đối phương.
5. Quyền đánh “ngọa ngưu chi địa”
“Ngọa ngưu chi địa” nghĩa là nơi trâu nằm. Đây là chỉ đến phạm vi hoạt động của quyền thuật Thiếu Lâm. Thiếu Lâm quyền không cần những nơi đất rộng mới có thể diễn luyện được mà chỉ cần một phạm vi không gian nhỏ hẹp là có thể thực hiện được. Thiếu Lâm quyền không chịu sự ràng buộc về sân bãi, ở mọi nơi, mọi chỗ đều có thể phát huy được uy lực.
6. Thiền Võ hợp nhất
Thiếu Lâm Tự là nơi xuất phát của Phật giáo Thiền Tông. Tư tưởng Thiền Tông không những ảnh hưởng đến đời sống của tăng nhân mà còn ảnh hưởng đến phong cách, đặc điểm của quyền thuật Thiếu Lâm. Mỗi một bài quyền Thiếu Lâm đều chứa đựng những triết lý của Phật giáo, coi “tâm” pháp là chiến thuật phi “hình” pháp. Sự vận động của những động tác trong từng bài quyền đều nằm dưới sự chi phối hay trạng thái Thiền định, ví dụ như chắp tay kính lễ, “đồng tử bái Quan Âm”, “Thiên Địa hợp nhất”…

2.2. Vai trò
Võ thuật Thiếu Lâm có vai trò rất lớn trong nền võ học Trung Hoa, hầu hết các võ phái khác ở Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Thiếu Lâm. Đã từng có câu thành ngữ nói về điều đó: “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm” (mọi công phu võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ Thiếu Lâm).Tuy có một vai trò to lớn như thế nhưng mục đích khởi đầu của môn võ này chỉ đơn giản là để rèn luyện sức khỏe.
Truyền thuyết kể rằng, sau khi vào Thiếu Lâm tự, Bồ đề đạt ma thấy các nhà sư không có hình thể mạnh khỏe cho thiền định, họ thường ngủ gục trong khi thiền. Vì thế, ông đã giới thiệu một hệ thống các bài tập thể dục được cho là thập bát La hán chưởng hay là các bài tập co giãn cơ bắp.
Nhưng sau đó, do chùa được nhà nước cấp đất đai rất lớn và nhiều tài sản trong chùa được các vị hoàng đế Trung Hoa và các phật tử bốn phương quyên góp tặng cho rất nhiều, cho nên chùa thường xuyên bị bọn lục lâm thảo khấu và đạo tặc địa phương hoành hành. Dần dần, các bài tập thể dục này được nâng lên thành một môn võ để phòng thủ sự tấn công của bọn trộm cắp.
Đến đầu đời nhà Đường (618–907) các nhà sư đã dùng môn võ này chiến đấu giúp cho vị hoàng đế tương lai là Lý Thế Dân chống lại đối thủ của ông là Vương Thế Sung. Vào đời nhà Minh, tăng nhân Thiếu Lâm tự lần thứ hai xuất chinh giúp triều đình phong kiến Trung Hoa. Và như thế nó ít được biết đến với ý nghĩa ban đầu mà đã được biết đến như một môn võ thuật cứu quốc và những nhà sư tập võ đó được gọi là “tăng binh” và việc luyện võ gần như bắt buộc song song với tu hành.
Ngoài ra, môn võ này còn đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của nền y học Trung Quốc: Dịch Cân Kinh được biết đến như là phương pháp tập luyện thân thể và gia tăng khí lực. Đây là một cuốn sách võ thuật dạy cách thổ nạp chân khí, nhằm tăng cường sức khỏe. Tẩy Tủy Kinh thì chỉ dẫn cách vận khí để trị nội thương.
Trong võ Thiếu Lâm, huyệt đạo cũng là một phần quan trọng. Theo quan điểm của người học võ, huyệt đạo là những điểm nhạy cảm trên thân thể, qua đó người dụng võ có thể tấn công vào các huyệt đạo để gia tăng tính sát thương của đòn thế.
Bên cạnh đó thì huyệt đạo trong võ thuật cũng gắn trực tiếp với các phương pháp cứu chữa người bị chấn thương, bệnh tật. Các võ sư thường truyền dạy không chỉ phương thức tấn công huyệt đạo mà cả các phương pháp chữa trị bằng huyệt đạo như bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu.

2.3. Ảnh hưởng
Có thể nói võ thuật Thiếu Lâm mang đậm màu sắc thần bí và truyền kỳ. Sự xuất hiện của bộ môn võ thuật này đã đem lại sắc thái văn hóa tiêu biểu cho võ thuật Trung Hoa nói riêng và nền văn hóa Trung Hoa nói chung.
Trong võ thuật Trung Hoa, một bộ môn nghệ thuật được tích hợp và tinh luyện theo những đặc trưng khu biệt tùy theo cá tính nổi trội của từng địa phương nhưng vẫn không đi ra lề lối và khuôn phép chung của “Thiếu Lâm quyền”. Có quan niệm cho rằng, nếu không có Thiếu Lâm thì sẽ không có võ lâm, điều này cho thấy ảnh hưởng của Thiếu Lâm với võ lâm Trung Nguyên không chỉ nhờ vào sự quan minh chính đại mà còn nhờ vào võ công cao và lịch sử lâu đời của Thiếu Lâm. Trong giới võ thuật ai cũng biết đến câu: "Công phu thiên hạ xuất Thiếu Lâm" (võ công của thiên hạ đều từ Thiếu Lâm Tự mà ra). “Thiếu Lâm luôn là ngọn đuốc dẫn đường, là niềm hy vọng của võ lâm bạch đạo”. Thật vậy, từ khi “kung fu Thiếu Lâm” ra đời đã gặt hái nhiều thành công giúp ích cho đất nước. Ví dụ như trong cuộc chiến đấu chống giặc Lùn thời Minh, võ tăng Thiếu Lâm đã từng xông pha duyên hải thể hiện thân thủ, họ còn tham gia trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân của Lưu Huệ, Triệu Toại, Sư Thượng Khiếu…
Không chỉ trên lĩnh vực võ thuật, võ Thiếu Lâm còn đi vào nền văn hóa Trung Hoa thông qua các trường phái nghệ thuật khác như: xiếc, điện ảnh, văn hóa du lịch…
Trong nghệ thuật xiếc có màn biễu diễn trồng chuối, đi dây, luyện khí công… Đặc biệt, trong sân khấu điện ảnh: “Thiếu Lâm Tự cũng được coi là “đất Thánh” của võ thuật toàn châu Á. Thời hiện đại, Thiếu Lâm Tự là chủ đề của rất nhiều bộ phim võ thuật. Các ngôi sao như Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt, Thành Long, Hồng Kim Bảo đều là môn sinh của các môn phái có nguồn gốc từ Thiếu Lâm Tự.” Chùa Thiếu Lâm còn là nơi nỗi tiếng nhất về võ thuật, nói đến võ Tàu hầu như ai cũng nghĩ ngay đến võ Thiếu Lâm. Kim Dung đã dùng hai chương đầu của bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký để nói về chùa Thiếu Lâm khiến cho nhiều người lưu tâm đến ngôi cổ tự này. Chùa Thiếu Lâm đã là chủ đề của nhiều bộ phim võ thuật Hong Kong và Trung Quốc. Ở hải ngoại, ngôi chùa này nổi tiếng nhất sau khi làm bối cảnh cho serie phim truyền hình trong những năm 70 do cố diễn viên Mỹ David Carradine thủ vai chính..
Các nước quanh khu vực Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... đều có những môn phái võ đặc trưng của dân tộc, nhưng do tính giao thoa của văn hoá vùng nên có thể nói là chịu ảnh hưởng khá nhiều từ võ Thiếu Lâm.
Nước Việt Nam cũng có truyền thống thượng võ. Đa số các võ sĩ nước Việt đều luyện Thiếu Lâm, Võ Đang, Vịnh Xuân (chú trọng Thiếu Lâm) và tất nhiên là thành thục võ dân tộc. Việt Nam có các môn phái như Vovinam, Võ Nhất Nam, Võ Tây Sơn, Thiếu Lâm Bằng Long Hải, Thiếu Lâm Nội Gia Quyền... có tính chất tổng hợp, liên hoàn công, thủ với phương châm "chủ động", "bất ngờ", lấy "yếu đánh mạnh, mềm thắng cứng, cương nhu phối triển"... rất phù hợp với tầm vóc, sức khoẻ người Việt và gắn với đặc điểm truyền thống của một số vùng trong lãnh thổ.
Võ Thiếu Lâm được UNESCO tôn vinh trong một sự kiện nhằm nêu bật sự đa dạng của văn hóa do UNESCO tổ chức ở Paris. Sở văn hóa Trịnh Châu tỉnh Hà Nam -Trung Quốc cho rằng sự kiện này sẽ nâng cao danh tiếng của võ Thiếu Lâm trên khắp toàn cầu và thúc đẩy quá trình đưa môn võ này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Năm 2006, Trung Quốc đã đưa Thiếu Lâm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc kế thừa và phát huy võ công Thiếu Lâm là việc hoàn toàn đúng đắn, nhưng cần phải loại bỏ những mặt tiêu cực của nó. Bởi vì, có một số phần tử lợi dụng võ thuật Thiếu Lâm vì mục đích lợi ích kinh tế, mà làm giảm đi giá trị của nó. Họ mở những lớp học võ Thiếu Lâm chỉ trong vòng 1-2 tháng đã hoàn thành xong môt khóa, trong khi quyền thuật Thiếu Lâm phải trải qua thời gian tu luyện rất lâu mới có thể lãnh ngộ được. Đối với tầng lớp thanh thiếu niên đa số tập võ, đặc biệt là võ Thiếu Lâm, nếu chỉ vì mục đích tự vệ thì rất tốt, nhưng có một số vì muốn phô trương sức mạnh, thể hiện bản lĩnh của mình thông qua võ thuật nói chung và võ Thiếu Lâm nói riêng, điều này dễ làm cho võ thuật đi theo chiều hướng xấu.


KẾT LUẬN
Võ thuật Thiếu Lâm là khởi nguồn của các môn võ thuật khác của Trung Hoa. Từ ý nghĩa ban đầu là để tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà võ thuật đã được hình thành, hoàn thiện và phát triển thành một hệ thống, góp phần làm giàu cho nền văn hóa Trung Hoa.
Võ thuật Thiếu Lâm là một bộ môn văn hóa đặc trưng gắn liền với triết học, phát triển trên cơ sở lý luận y học cổ truyền Trung Hoa. Nó là sự kết tinh của sức mạnh con người và triết lý âm dương.
Võ thuật Thiếu Lâm có vai trò rất lớn trong nền văn hóa Trung Hoa. Nó có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong nước mà còn cả thế giới. Và bên cạnh những mặt tích cực vốn có, nó vẫn tồn tại một số tiêu cực do sự phát triển của xã hội hiện nay.
Vì thế, việc bảo vệ và phát triển di sản này là một vấn đề rất đáng quan tâm!

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lược khảo võ thuật Trung Hoa, Trí Chi – Hồ Hiếu Vũ (dịch), 1973
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx ... q3m3237nvn
http://thegioivothuat.net/
http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B5_thu%E1%BA%ADt
http://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BA% ... v%C3%B5%29
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_ ... u_L%C3%A2m
RANDOM_AVATAR
trang Nguyen
 
Bài viết: 37
Ngày tham gia: Thứ 7 29/11/08 9:23
Đến từ: LONG AN
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến22 khách