Loại hình văn hoá Hàn Quốc

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Loại hình văn hoá Hàn Quốc

Gửi bàigửi bởi jkor » Thứ 6 08/02/08 10:42

[justify]:!: :!: :!: [center]ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA HÀN QUỐC[/center]
Tình cờ khi lướt web, tôi đọc được ý kiến về “đặc trưng văn hóa Hàn Quốc” như sau: (trích từ http://forum.vnkrol.com/thread7354.html)
Theo cô Happy Kim hướng dẫn du lịch người Hàn Quốc, văn hóa Hàn Quốc tồn tại 3 đặc điểm chính được công nhận là đặc trưng của người Hàn Quốc. Thứ nhất là “nhanh-nhanh” quick-quick, bất cứ việc gì người Hàn Quốc từ sinh hoạt, ăn uống đến công việc cũng đòi hỏi có tốc độ hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Văn hóa này xuất phát từ thời kỳ sau thế chiến thứ hai, đất nước Hàn Quốc bị tàn phá, lúc đó công cuộc tái thiết đòi hỏi sự nhanh tay và góp sức của cả một dân tộc. Điển hình cho nét văn hóa này là con đường cao tốc từ Seoul đi Busan dài 453km do Tập đoàn Samsung thực hiện được khởi công cuối năm 1968 và hoàn thành và đầu năm 1970.
Nét đặc trưng thứ hai là văn hóa “nhìn tận mắt, sờ tận tay”, người Hàn Quốc khi bắt tay hoặc học hỏi bất cứ việc gì họ phải tận mắt chứng kiến và tự mình trải nghiệm qua. Nét đặc trưng thứ ba là trong ứng xử, đại từ “chúng ta” luôn được sử dụng thay cho đại từ “tôi”, người Hàn Quốc luôn đặt tính cộng đồng trên hết khi làm việc và sức mạnh tập thể luôn có tính quyết định. Năm 1997, như nhiều nước châu Á khác, Hàn Quốc bị khủng hoảng kinh tế nặng nề. Để tháo gỡ khó khăn, chính phủ Hàn Quốc đã phải chấp nhận vay khẩn cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 57 tỷ USD với những điều kiện ngặt nghèo. Để khắc phục khoản nợ này, Chính phủ đã ra kêu gọi áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” yêu cầu mọi người dân ủng hộ toàn bộ số vàng lưu trữ cho Chính phủ vay để trả nợ. Kết quả, chỉ trong 3 năm (1998-2000), Hàn Quốc vừa trả xong nợ của IMF vừa khắc phục xong mọi hậu quả và chỉ tới tháng 7 năm 2003, dự trữ ngoại tệ của họ đã đạt tới mức 133 tỷ USD!
Theo tôi đặc trưng thứ nhất về văn hóa “nhanh nhanh” của người Hàn Quốc không đơn giản chỉ “xuất phát từ thời kỳ sau thế chiến thứ hai, đất nước Hàn Quốc bị tàn phá, lúc đó công cuộc tái thiết đòi hỏi sự nhanh tay và góp sức của cả một dân tộc” như tác giả nói. Tôi muốn đi sâu hơn một chút để làm sáng tỏ những “ứng xử” văn hóa đó của người Hàn Quốc. Tìm về nguồn gốc người Triều Tiên, trong từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có viết như sau: “Người Triều Tiên là một dân tộc Đông Á, phần lớn sống ở bán đảo Triều Tiên và nói tiếng Triều Tiên. Người Triều Tiên ở Hàn Quốc tự gọi mình là Hangukin, Hanin hoặc Hanguk saram, nghĩa là "người Hàn Quốc". Còn người Triều Tiên ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tự gọi minh là Chosŏn-in, nghĩa là "người Triều Tiên". Người Triều Tiên có nguồn gốc từ các tộc người sử dụng hệ ngôn ngữ Altai, gần gũi với người Mông Cổ, người Tungus, người Turk và một số dân tộc Trung Á. Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy người Triều Tiên cổ là người thuộc ngữ hệ Altai từ miền trung nam Siberi di cư tới bán đảo Triều Tiên trong thời gian từ cuối thời kỳ đồ đá mới tới đầu thời kỳ đồ đồng.” Nếu dựa vào những căn cứ trên thì người Triều Tiên cổ mang trong mình dòng máu Siberi du mục. Chính chất du mục, trọng động này mà người Hàn Quốc thường nóng tính, làm việc gì cũng muốn nhanh chóng và dứt khoát.
Mặt khác nếu nhìn vào địa hình của Hàn Quốc, địa hình phân hoá thành hai vùng rõ rệt: vùng núi và cao nguyên chiếm khoảng 70% diện tích nằm ở phía đông; vùng đồng bằng duyên hải ở phía tây và nam. Với sự du nhập của văn hóa Trung Hoa, nghề trồng lúa nước cũng theo đó vào bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên điều kiện tự nhiên, khí hậu ở đây không thích hợp với nghề trồng trọt nói chung và cây lúa nước nói riêng do đó người Triều Tiên luôn phải đối mặt với cảnh nghèo đói. Vì vậy ở Hàn Quốc đã từng có truyền thống văn minh nông nghiệp nhưng không điển hình, trồng trọt và làm nông không đảm bảo đời sống sung túc cho người dân ở vùng đất này. Điều đó giải thích vì sao khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiến hành công nghiệp hóa đất nước thì Hàn Quốc lại có sự phát triển nhanh chóng. Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi cho rằng người Hàn Quốc vốn mang trong mình dòng máu du mục, trọng động cộng với hoàn cảnh địa lý, tự nhiên, lịch sử thích hợp nên phát triển công nghiệp dễ hơn nông nghiệp. Chính sự phát triển công nghiệp và nếp sống gấp gáp của văn minh đô thị mà càng làm cho văn hóa “nhanh nhanh” của người Hàn Quốc càng rõ nét.[/justify] :!:
RANDOM_AVATAR
jkor
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Chủ nhật 18/11/07 20:48
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Lễ tế Rằm tháng Giêng Pilbong

Gửi bàigửi bởi jkor » Chủ nhật 24/02/08 23:46

Ngày 12 tháng 2 dương lịch tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch, ở làng Pilbong, huyện Imshil, tỉnh Bắc Jeolla sẽ có một lễ tế đặc biệt:Lễ tế trong ngày Rằm tháng Giêng.Vào ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm là một lễ hội rất tưng bừng và náo nhiệt báo hiệu một năm mới đã chính thức bắt đầu. Lễ hội cũng là nơi mọi người cầu nguyện cho sự bình yên và sung túc cho ngôi làng của mình. Ngoài phần nghi lễ còn có phần hội hè với nhiều trò chơi dân gian được tái hiện. Đặc biệt, Lễ tế Rằm tháng Giêng do Hội bảo tồn Nongak Pilbong Imshil tổ chức là lễ tế làng có qui mô lớn và lâu đời nhất trên cả nước.

Và bây giờ chúng ta hãy cùng đến ngôi làng Pilbong để tìm hiểu về không khí lễ hội của Lễ tế Rằm tháng Giêng.
Ảnh:
Hình ảnh

Vượt qua khe suối nhỏ chảy qua trước bãi nương, đi dọc theo con đường núi chạy dài ta sẽ gặp ngôi làng Pilbong. Tên của ngôi làng có nghĩa là nhọn và sắc như ngọn bút. Sở dĩ làng được gọi với cái tên như vậy vì làng nằm ở giữa lưng núi Pilbong có hình dáng sắc nhọn như ngọn bút.

Làng Pilbong từ lâu đã nổi tiếng là nơi bảo tồn rất tốt Nongak, hay còn gọi là nhạc dân gian. Thời xưa, tổ tiên của người Hàn Quốc thường biểu diễn những điệu nhạc Nongak rộn ràng đem lại sự hứng khởi trong khi lao động tập thể hay vào những dịp lễ tết.

Với những giá trị và truyền thống của mình vào năm 1987 Nhạc dân gian của Pilbong hay Pilbong Nongak đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Yang Jin-seong chủ tịch Hội bảo tồn Pilbong Nongak nói về nguồn gốc của Pilbong Nongak: “Từ khoảng 300 năm trước đây, nhạc dân gian Pilbong đã được biết đến rộng rãi như bây giờ. Trước đây, mỗi một nhóm nhạc của người nông dân đều có một ‘sangswe’, là người đi đầu tiên đánh thanh la. ‘sangswe’ là người có vai trò dẫn dắt cả nhóm nhạc. Khi chuẩn bị một buổi biểu diễn lớn, người ta cần đến một Sangswe giỏi có khả năng dẫn dắt cả dàn nhạc. Vị trí sangswe chính đó thường do người làng chúng tôi đảm nhiệm. Tôi là đời thứ 4 của dòng sangswe nổi tiếng của nhạc dân gian Pilbong. Các bậc tiền bối của tôi đều là những người rất nổi tiếng trong thể loại nhạc truyền thống. Các vị đó đã sống ở làng chúng tôi và kết hợp với dân làng trở thành cơ sở để lưu truyền nhạc truyền thống và lễ tế Pilbong cho đến ngày nay.”
Vào những năm 1900, với Park Hak-sam là sangswe đầu tiên của nhạc dân gian khu vực Honam Jwado, Pilbong Nongak bắt đầu phát triển trở thành một trong 2 dòng nhạc dân gian được lưu truyền ở vùng phía nam Hàn Quốc. Người kế tục tiếp theo của dòng nhạc này là Song Joo-ho, đời thứ 3 là Yang Soon-yong.

Yang Soon-yong là người đã dành trọn cả cuộc đời cho việc bảo tồn và phổ biến âm nhạc dân gian, ông đã qua đời vào năm 1995. Hiện nay, Yang Jin-seong là sangswe đời thứ tư, ông chính là con trai của Yang Soon-yong.

Một năm sau ngày Pilbong Nongak được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, Trung tâm bảo tồn Pilbong Nongak đã được xây dựng bằng tiền hỗ trợ của nhà nước để truyền cho thế hệ trẻ sự quan tâm và lòng yêu thích đối với việc biểu diễn âm nhạc truyền thống. Từ đó trở đi, trung tâm ngày càng thể hiện một cách rõ nét vai trò là một cơ sở để gìn giữ văn hóa truyền thống của Hàn Quốc với việc đào tạo khoảng 3000 học viên mỗi năm.

Vào khoảng giữa ngày, mọi người bắt đầu tụ tập trước khu đất ở trung tâm của ngôi làng. Dưới sự dẫn dắt của sangswe, người đánh thanh la đi đầu tiên, cả đoàn nhạc với các thành viên độ tuổi từ 20 cho tới 70 cùng nhau bắt đầu biểu diễn một điệu nhạc vui tươi. Tiết mục trình diễn được bắt đầu bằng âm thanh của kèn Taepyeongso. Lễ tế bắt đầu cùng với nhịp gõ thanh la được gióng lên bởi người chỉ huy của dàn nhạc. Tiếp đó là âm thanh của Jang-go- trống hình đồng hồ cát, trống con, trống to và chiêng cùng đồng thời vang lên. Những người biểu diễn quay tròn chiếc mũ đội có gắn những dải ruy băng dài buộc trên đầu. Cả khoảng sân đã biến thành một không gian đầy ắp những âm thanh và sự chuyển động đầy náo nhiệt. Cùng với tiếng nhạc, một nhóm diễn viên quần áo sặc sỡ đóng vai người đi săn cầm súng, nhà quí tộc cầm tẩu thuốc lá, cô dâu có đánh dấu son đỏ giữa trán … với những màn nhảy múa và biểu diễn càng lôi cuốn người xem vào bầu không khí tưng bừng của lễ hội.

Mọi người tập trung dưới lá cờ biểu tượng của làng và lễ tế Rằm tháng Giêng chính thức bắt đầu. Sau màn biểu diễn tưng bừng của dàn nhạc, tất cả thành viên của dàn nhạc và những người đi theo sau đều hướng về ngọn cây ở lối vào của ngôi làng được coi như là thần hộ mệnh cho dân làng. Và ở đó sẽ diễn ra một lễ tế cầu nguyện cho sự bình yên của ngôi làng và mọi người trong làng.

Cây trồng ở lối vào của ngôi làng vừa là thần hộ mệnh, đồng thời cũng là bộ mặt của ngôi làng. Đó là lí do tại sao tế cây đã trở thành một phần trong lễ tế của dân làng. Sau khi phần tế cây kết thúc, đám rước lại đi vòng lên phía đầu nguồn con suối chảy qua làng. Con suối được coi như là nguồn sống của ngôi làng và dân làng làm lễ tế để tạ ơn và cầu mong cho nguồn nước của con suối luôn trong lành suốt năm.

Tiếp theo lễ tế suối, đám rước đi tới từng nhà một trong làng và làm lễ tế xua đuổi tai ương và cầu mong sự may mắn.

Chủ một ngôi nhà ra mở cửa đón đám rước, đoàn người xếp hàng đi vào trong sân của ngôi nhà. Nghi lễ này có tên gọi là “Madang Balpki”, có nghĩa là “dẫm chân lên sân”. “Madang Balpki” bắt nguồn từ tín ngưỡng là phải dẫm đạp lên ma quỷ và làm cho các vị thần trông giữ nhà cho mình vui thì các thần mới đem lại nhiều điều may mắn và sức khỏe cho gia chủ. Vì vậy, tất cả dàn nhạc và những người đi cùng đứng đầy trên sân nhà, dẫm chân và biểu diễn những màn trình diễn vui nhộn.

Sangswe Yang Jin-seong mở đầu màn trình diễn bằng một lời chúc tốt lành và tất cả mọi người cùng hòa chung trong tiếng cười và cùng biểu diễn. Buổi lễ cứ tiếp tục mãi như không có điểm dừng và trăng đêm rằm tháng Giêng dần nhô cao trên bầu trời đen đặc quánh, sau khi mọi người dùng bữa tối thì Lễ tế Rằm tháng Giêng lại được bắt đầu.

Dưới sự chỉ huy của Sangswe, dàn nhạc bắt đầu tấu lên điệu nhạc quen thuộc, và tất cả mọi người không kể người biểu diễn hay người xem đều như hòa mình làm một, đưa không khí của buổi lễ lên tới cao trào. Không khí hết sức rộn ràng, sôi nổi và không thể tìm thấy bất kỳ sự mệt mỏi nào thể hiện trên khuôn mặt của những người tham dự. Trong sự náo nhiệt đó, Lễ tế Rằm tháng Giêng đạt tới cao trào với việc đốt ‘Daljib’ hay còn gọi là ‘Nhà trăng’.

“Lễ tế sắp đến hồi kết thúc. Chúng ta đang đứng trước ‘Daljib’ để chào đón Rằm tháng Giêng. Sau khi đốt ‘Daljib’, lễ tế sẽ kết thúc. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người luôn mạnh khỏe, mọi việc đều thành công. Nếu quí vị có vấn đề khó khăn cần giải quyết thì hãy đốt chúng theo cùng với ‘Daljib’. Đó là sự bắt đầu của một năm mới, một thế giới hoàn toàn mới. Hãy cùng cầu nguyện điều tốt lành cho tất cả mọi người và cho tất cả chúng ta. Hãy cùng đốt lên ngọn lửa và hẹn gặp lại vào lễ tế sang năm. Hãy cùng đốt lên ngọn lửa~”
Ngôi nhà của mặt trăng được làm bằng gỗ và rơm bốc cháy và bắt đầu bay lên bầu trời nơi ánh trăng đang vằng vặc tỏa sáng. Đốt ‘Daljib’ hay nhà trăng là một trò chơi dân gian được tạo ra dựa trên mong muốn nhận được nguồn sinh lực mạnh mẽ như ngọn lửa đang dâng cao nâng quyền năng của mặt trăng lớn dần. Mọi người tin tưởng rằng ‘Daljib’ cháy và bay lên sẽ mang theo điều ước của họ, ma quỷ và những điều tai ách sẽ biến đi và cầu mong một năm mới tràn đầy những điều may mắn.

Dưới ánh trăng của đêm rằm, những con người ở làng Pilbong, Imshil cùng tập hợp lại và thực hiện những nghi lễ cầu nguyện những điều tốt lành cho dân làng và cho tất cả mọi người. (Sưu tầm và giới thiệu với bà con)
Có thể nói các lễ hội truyền thống của Hàn Quốc hay nongak (nông nhạc) phản ánh một xã hội nông nghiệp Hàn Quốc truyền thống đến nay trở thành những truyền thống văn hoá đặc sắc và đáng tự hào của người dân xứ Hàn.
RANDOM_AVATAR
jkor
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Chủ nhật 18/11/07 20:48
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến18 khách