KHÁI QUÁT TRANH TƯỢNG PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

KHÁI QUÁT TRANH TƯỢNG PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

Gửi bàigửi bởi Quách Đức Tài » Thứ 4 19/02/14 9:40

KHÁI QUÁT TRANH TƯỢNG PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

1. NGUỒN GỐC CỦA TƯỢNG PHẬT

Nghệ thuật Phật giáo có vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa nhân loại, nó không chỉ đơn thuần là sự phác họa lại hình ảnh kim thân Đức Phật, mà thông qua đó các khái niệm Phật giáo được phản ánh dưới nhiều hình thức nghệ thuật như: điêu khắc, kiến trúc, hội họa v.v… trải qua gần 25 thế kỷ có thể nói sự phát triển của hệ thống nghệ thuật kiến trúc Phật giáo đa dạng và phức tạp, đặc biệt là trong hệ thống nghệ thuật Phật giáo phát triển. Đến nay vai trò của nghệ thuật Phật giáo vượt ngoài tính nguyên sơ của nó, như phản ánh hình ảnh Đức Bổn Sư, phác họa lại cuộc đời Đức Phật, phản ánh các khái niệm v.v…
Trong các lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo, hình tượng Đức Phật luôn có một vai trò hết sức quan trọng, khi một người Phật tử, du khách đến thăm các ngôi tự viện; việc đầu tiên là phải đến lễ bái kim thân Đức Bổn Sư, nhưng một điều mà hầu hết chúng ta đã bỏ qua đó, chính là hình tượng của Đức Phật đã có tự bao giờ, những trường phái nghệ thuật nào đã dặt nền móng cho sự phát triển hình tượng kim thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sự khác biệt những quan điểm về vấn đề khắc họa hình tượng Đức Bổn Sư như thế nào v.v…
Cách đây hơn 2.500 năm, khi Đức Phật tổ Cồ Đàm (Gotama) còn tại thế, hình tượng Đức Phật hầu như chưa xuất hiện và việc tạc tượng cũng không được ủng hộ bởi chính Ngài. Trong thời kỳ đó, các hàng đệ tử Phật lo ngại mỗi khi Ngài vắng mặt thì làm sao các hàng thiện tín có thể lễ bái, cúng dường Ngài; thế là họ dùng hình tượng cây Bồ Đề, dấu chân của Đức Phật, bánh xe pháp v.v… làm biểu tượng thờ cúng.
Theo huyền sử vào hạ thứ bảy (năm 583), trong thời gian ẩn cư trong vùng núi Samkassa, Đức Phật lên cung trời Đao Lợi (Tavatimsa) thuyết Vi diệu pháp (Abhidhamma) cho thiên chúng và thân mẫu Maha Maya nghe. Vì vắng mặt Phật quá lâu nên các hàng đệ tử đã tạc hình tượng Đức Phật để lễ bái, cúng dường. Nếu dữ kiện này có thật, thì có lẽ hình tượng Đức Phật đầu tiên đã xuất hiện dưới dạng tả thực dưới hình dạng con người, không còn là những biểu tượng của bánh xe pháp, cội cây Bồ Đề v.v… Nếu căn cứ theo lịch sử thì hình tượng Đức Phật xuất hiện khá muộn, sau khi Ngài nhập diệt, các hàng đệ tử chỉ dùng những hình tượng biểu trưng như bánh xe pháp, hình ảnh thái tử rời bỏ hoàng cung, cội cây Bồ Đề v.v… để lễ bái, xem như đã tỏ lòng tôn kính Đức Phật. Những nguyên nhân sâu xa trong việc dùng hình tượng, vật tượng trưng để thay thế kim thân Ngài dưới dạng hình người vì những lý do:
- Đức Phật tuyên bố sau khi Ngài nhập diệt, các hàng đệ tử hãy lấy giáo pháp làm thầy.
- Những người theo Phật giáo nguyên thủy tin rằng sau khi Đức Phật nhập diệt thì thân ngũ uẩn của Ngài không còn tồn tại nữa, chỉ còn lại xá lợi mà thôi.
- Đức Phật không khuyến khích các hàng đệ tử chỉ chú trọng vào việc lễ bái hình tượng của Ngài.
Trong suốt mấy trăm năm đầu sau khi Đức Phật nhập diệt, việc khắc họa Đức Phật dưới dạng hình người xem như là một sự mô tả không tôn kính, vì lẽ Đức Thế Tôn là Đấng toàn tri, diệu giác. Trong thời kỳ này, những nghệ nhân đã lấy những biểu tượng như vườn Lâm Tỳ Ni, cội Bồ Đề, bánh xe pháp, tháp v.v… Những nghệ nhân đã khắc họa toàn cảnh vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu Maya vịn cành cây Sala hạ sinh Thái tử Sĩ Đạt Ta; hoặc cảnh đức Bồ tát vượt sông Anoma để tầm đạo; toàn bộ khung cảnh Đức Phật chuyển pháp luân.
Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc và sự hình thành hình tượng Đức Phật, nhưng cho đến nay các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng thời kỳ Thánh tượng được bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ I trước công nguyên, mở màn cho trào lưu Thánh tượng này là trường phái nghệ thuật Gandhara (Càn đà la) và Madhura (Ma thâu la) (2). Tiếp theo sau đó chính là thời kỳ phát triển của nhiều trường phái nghệ thuật hình tượng Đức Phật, mà nổi trội nhất là trong hệ thống nghệ thuật Phật giáo phát triển. Cho đến ngày nay, hình tượng Đức Phật đã phát triển và biến tấu rất khác xa so với thời kỳ nguyên sơ, chỉ có thể tìm thấy một sự tương đối đồng nhất ttrong hệ thống nghệ thuật Phật giáo nguyên thủy, không khác xa lắm so với thời kỳ Gandhara và Madhura, nhưng sự biến tấu cũng diễn ra ơ những hoa văn, họa tiết, nét mặt v.v… ở những nước khác nhau như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia. Như vậy, sự phát triển của nghệ thuật hình tượng Đức Phật đã phát triển qua hai thời kỳ chính:
- Thời kỳ phi thánh tượng khoảng thế kỷ thứ V - I TCN.
- Thời kỳ thánh tượng thế kỷ thứ I TCN đến nay.
Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật hình tượng Đức Phật là thời kỳ thánh tượng, đặc biệt là hệ thống nghệ thuật Phật giáo phát triển đã làm nên sự bứt phá ngoạn mục trong nghệ thuật Phật giáo , đáng chú ý nhất là những hình tượng Đức Phật được khắc trong chùa hang Ajanta và Ellora, khu vực động Đôn Hoàng (Trung Hoa) và khu vực Đông Nam Á. Nghệ thuật hình tượng Đức Phật đã trở thành một bản sắc văn hóa cho những xứ sở chùa tháp, cho nghệ thuật Phật giáo và là tinh hoa nghệ thuật của văn hóa nhân loại.

2. QUÁ TRÌNH TƯỢNG PHẬT DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN Ở TRUNG QUỐC

Truyền thuyết cho rằng, thời vua A Dục trị vì (thế kỉ thứ III TCN) đã cử nhiều vị tăng đến Trung Quốc truyền đạo. Việc truyền bá Phật giáo đến Trung Quốc được ghi nhận rõ ràng bắt đầu vào thế kỉ thứ I CN. Từ thế kỉ thứ IV trở đi, người ta có thể tìm thấy một nghệ thuật Phật giáo tự lập và đa dạng, đặc biệt trong lĩnh vực tạc tượng, vẽ tranh trên tường và sau đó, dưới dạng tranh cuốn (Thangka). Ngoài vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, tranh tượng còn trình bày Phật A Di Đà, Đại Nhật và các vị Bồ Tát khác như Quan Thế Âm, ...
Vào khoảng giữa thời Lưỡng Hán, Phật giáo bắt đầu du nhập vào Trung Quốc (khoảng trước sau kỷ nguyên công nguyên). Theo tài liệu cón ghi chép được thì tượng phật có khả năng cũng được đồng thời du nhập và Trung Quốc. Nhưng ở vùng Tân Cương miền Tây Trung Quốc (xưa gọi là Tây Vực) thì sự du nhập của Phật Giáo và nghệ thuật Phật giáo chắc chắn còn sớm hơn.
Hình thức tượng Phật, chủ yếu là đối tượng cúng phụng và lễ bái của giáo đồ Phật giáo, vì vậy sự phát triển và lưu hành của nghệ thuật tượng Phật về cơ bản gắn liền với hưng suy của Phật giáo Trung Quốc, quan hệ giữa chúng có thể thấy được một cách dễ dàng.
Giữa thời Hán - Ngụy, Phật giáo tuy đã được du nhập vào Trung Nguyên nhưng theo các sử liệu thì những ghi chép về tượng Phật còn rất ít. Vào những năm cuối thời Đông Hán, Hạ Sính Tướng Chá Dung đã kiến tạo một ngôi chùa có quy mô lớn, có thể chứa được hơn ba nghìn người, trong đó còn đặt một pho tượng Phật đồng mạ vàng, mặc áo gấm, đây là lần dựng chùa tạc tượng của Trung Quốc lần đầu được ghi chép lại trong chính sử.
Sự phát triển mau chóng của nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc là thời kỳ Nam Bắc Triều. Đây là thời kỳ mà tư tưởng Phật giáo của Ấn Độ phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc và giao lưu với văn hóa truyền thống Trung Quốc. Sự giao lưu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử phát triển tư tưởng Trung Quốc, mà còn có vai trò xúc tiến rất lớn đối với sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc và mỹ thuật Trung Quốc.
Nghệ thuật tạo tượng Phật trong thời Lưỡng Tấn Nam Bắc triều, cũng có sự phát triển rất lớn với sự xuất hiện của nhà điêu khắc tượng Phật Đới Mục thời Đông Tấn là đại biểu, đánh dấu sự phát triển tới một trình độ mới của nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc. Tượng Phật hiện có niên đại sớm nhất được xác định là tượng Phật Thích Ca được tạo năm Hậu Triệu Kiến Vũ thứ 4 (năm 338) và tượng Phật được truyền lại còn rất ít.
Thời Bắc Ngụy là giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử phát triển nghệ thuật tạo tượng Phật Trung Quốc. Bởi dưới sự bảo trợ của triều đình, Phật giáo đã phát triển nhanh chóng, sự phát triển của nghệ thuật Phật giáo cũng bừng bừng từng ngày. Thời kỳ này, Hiếu Văn Đế dời đô về Lạc Dương năm Thái Hòa 18 (năm 494), đã có những cải cách, xúc tiến giao lưu văn hóa các dân tộc nên đã đánh dấu trình độ nghệ thuật của thời kỳ này, mang phong vị Trung Quốc đậm đà.
Nghệ thuật Phật giáo Tùy Đường đã có sự chuyển biến rõ ràng, hình thành một giai đoạn mới của sự phát triển nghệ thuật Phật Trung Quốc. Thời kỳ này, xuất hiện hàng loạt các dạng tượng Phật. Tạo hình nhân vật cũng có chuyển biến từ gầy gò sang đầy đặn hơn và thoát khỏi sự thần bí trước đây.
Thời Ngũ Đại và sau đó, thời Tống còn xuất hiện rất nhiều tượng La Hán cũng như các tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Điều này thể hiện sự phong phú trong nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc.

3. CÁC LOẠI VÀ TƯ THẾ CỦA TƯỢNG PHẬT

Tượng Phật nói đến ở đây, không chỉ là chỉ pho tượng Phật Đà, mà ở nghĩa rộng nó chỉ tất cả các tượng của Phật giáo hoặc là tranh ảnh Phật giáo bao gồm pho tượng Phật Đà, tượng Bồ Tát, tượng Minh Vương, tượng La Hán, các Thiên Thần Hộ Pháp và các đệ tử Phật. Xét về loại hình nghệ thuật, có tượng điêu khắc, có tượng đắp, có tranh vẽ, in ấn. Xét vế vật liệu chế tác,có các loại tượng được đúc bằng đồng, sắt, đá, đất, gỗ, lụa, gấm, giấy. Trong đó thì vật liệu thuộc kim và đá là được bảo tồn tốt nhất. Tư thế tượng Phật, về đại thể có thể chia thành mấy loại như tranh tượng đứng, tượng nằm và tượng ngồi.
• Về tượng ngồi: có thể chia thành ngồi kết già, ngồi bán già, ngồi quỳ, ngồi dựa…
- Ngồi kết già: còn gọi là ngồi toàn già, ngồi chính già, là kiểu tọa pháp thường gặp nhất trong các loại tượng Phật. Phật giáo cho rằng pháp tọa kiểu này là yên ổn nhất, không bị mệt mỏi, hơn nữa mình ngay tâm chính,vì vậy người tu hành thường áp dụng kiểu này. Tương truyền Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cây Bồ đề nhập thiền, tu ngộ chính đạo cũng áp dụng tư thế này. Tư thế ngồi kết già là hai bàn chân đan chéo đặt lên hai bắp chân, ngửa lòng bàn chân lên trời. Cách ngồi này lại chia làm hai loại, trước dùng chân phải đè lên vế chân trái, sau đó lấy chân trái đề lên bắp chân phải, trật tự trên dưới của hai tay cũng như vậy gọi là kiểu ngồi hàng ma; và ngược lại gọi là kiểu ngồi kiết tường.
- Ngồi bán già: là dùng một trong hai chân đè lên một trong hai bắp chân kia, có thể chia làm hai loại: dùng chân trái đè lân bắp chân phải thì gọi là kiểu ngồi bán già hàng ma; dùng chân phải đè lên bắp chân trái gọi là ngồi bán già kiết tường. Phật giáo thường lấy kiểu ngồi toàn già là Như Lai tọa, còn kiểu ngồi bán già Bồ Tát tọa, cho nên tượng Bồ Tát phần lớn là tượng ngồi bán già.
- Ngồi tựa: còn gọi là thiện già phù tọa, tức là kiểu ngồi nửa phần trên ngồi thẳng, hai chân thả tự nhiên. Tượng ngồi của Phật Đà áp dụng cách ngồi kết già phù và thiện già phù. Ngoài ra có loại ngồi tựa bắt chéo hai chân, tức hai chân thả xuống đan chéo nhau. Tượng Di Lặc Bồ Tát thời kỳ đầu đếu áp dụng tư thế ngồi đan chéo chân. Còn có một kiểu tượng ngồi bán già ỷ tọa tư duy, chân trái buông xuống, chân phải ngồi kết bán già, dùng bàn tay phải chống cằm suy tư, phần lớn là tượng Bồ Tát.
• Về tượng đứng: là tư thế của của Phật Thích Ca khi du hành thuyết pháp. Tương truyền sau khi Phật Thích Ca thành đạo, du hành thuyết pháp 40 năm ở các vùng Tây Bắc Ấn Độ, cho nên tượng đứng của Phật phần lớn là một bàn chân hơi duỗi nghiêng về phía trước, dáng đang bước đi, thông thường gọi là tượng hành kính (tượng đi đường). Còn có một kiểu hai chân đứng trên đài Sen, hai bàn tay làm kiểu tiếp dẫn, phần lớn là tượng A Di Đà, thể hiện ý tiếp dẫn vãng sinh đến thế giớ cực lạc Tây phương. Ở bên cạnh pho tượng có một tượng Bồ Tát hoặc đệ tử chắp tay đứng, gọi là tượng đứng hầu. Ngoài ra, các tượng Thiên Thần Hộ Pháp phần lớn là tượng đứng, có rất nhiều tư thế đứng.
• Về tượng nằm: chỉ có tượng Thích Ca nằm. Tượng nằm thể hiện khi Phật Thích Ca đã ở thế gian nhiều năm, cuối cùng đi về cõi Niết Bàn. Tư thế của tượng nằm phần lớn là nằm nghiêng về phía bên phải, cũng có khi phía sau tượng nằm còn vẽ, đắp nhiều đệ tử đau thương khóc lóc biểu thị tình cảm đau xót của họ đối với Niết Bàn Phật.

Tài liệu tham khảo:
1. Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ, Nghiệp Lộ Hoa - Đào Văn Lưu dịch, Giải thích về tranh tượng Phật giáo Trung Quốc, NXB Thuận Hóa.
2. Theo Tạp chí Phật giáo Nguyên Thủy, hzzp://www.hoangphaphanoi.com/nghien-cu ... _phat.aspx cập nhật ngày 17/2/2014.
3. http://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=14357 cập nhật ngày 17/2/2014.
RANDOM_AVATAR
Quách Đức Tài
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: Thứ 2 17/02/14 18:18
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron