Dòng văn học Linglei trong văn hoá Trung Hoa đương đại

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Trung Quốc và Đông Bắc Á (Triều Tiên, Nhật Bản...)

Văn học "linglei" - một sự phản ánh văn hóa 8X Trung Quốc?

Gửi bàigửi bởi nguyen binh » Thứ 6 19/12/08 21:12

Những năm gần đây, độc giả Việt Nam không còn xa lạ với những cái tên Vệ Tuệ, Miên Miên, An Ni Bảo Bối, Xuân Thụ, Trương Thụ Linh, Hồng Ảnh... Họ là những nhà văn nữ tuổi đời còn rất trẻ và thể hiện cái tôi rất rõ nét trong tác phẩm của mình. Sáng tác của họ được gọi là văn học "linglei" (tiếng Hán Việt có nghĩa là "lánh loại", tức một dạng khác, hay chơi trội). Một thế hệ trẻ (các nhân vật thường đang ở độ tuổi 8X) không được hưởng thụ hạnh phúc gia đình, lạc loài, mất phương hướng, bất cần đời, sống buông thả, trọng bản năng... được thể hiện rất rõ trong dòng văn học "linglei". Những cô gái hút thuốc, uống rượu, văng tục, sống gấp hơn cả nam giới là điều thường thấy trong những tác phẩm "linglei". Một diện mạo u uất như thế xuất hiện đều đặn trên trang viết của các tác giả "linglei" khiến người tiếp nhận tác phẩm không khỏi băn khoăn tự hỏi: phải chăng đây chính là sự xuống dốc văn hóa của thế hệ 8X Trung Quốc thời gian gần đây?
Còn nhớ cách đây khoảng mươi năm, khi HTV chiếu bộ phim "Người Bắc Kinh ở New York", người viết bài này giật mình khi xem đến đoạn cô con gái tuổi mới lớn của hai nhân vật chính (người Trung Quốc) đã có hành vi nổi loạn như nghiện rượu, hút thuốc, buông thả với bạn trai người Mỹ... Bởi lẽ, chúng tôi nhận ra rằng điện ảnh TQ đã có những nhân vật vượt khỏi thành trì của nền văn hóa lâu đời Trung Quốc. Và giờ đây, văn học "linglei" lại một lần nữa khẳng định sự vượt thoát khỏi các giá trị văn hóa cổ truyền Trung Quốc của thế hệ trẻ. Vậy thì, phải chăng văn hóa truyền thống Trung Quốc đã cổ lỗ xỉ, và giới trẻ TQ mong muốn tìm một đường hướng mới để rồi chệch choạc trong hành trình của mình?
RANDOM_AVATAR
nguyen binh
 
Bài viết: 19
Ngày tham gia: Thứ 5 13/12/07 22:23
Đến từ: Ho Chi Minh city
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Văn học "linglei" - một sự phản ánh văn hóa 8X Trung Quốc?

Gửi bàigửi bởi tranvanhieu » Thứ 3 13/01/09 23:55

Bạn Bình ơi, theo mình thì những yếu tố thích chơi trội của nữ thế hệ 8x Trung Quốc như bạn nói thuộc về nét văn hoá Trung Hoa từ xưa.Từ xưa, Trung Hoa đã có Lầu Xanh, có tửu quán, có những "dịch vụ" nhằm phục vụ nhu cầu giải trí cho quan quân. Những người phụ nữ ấy sống bất cần đời, bất cần tương lai, miển sao đạt được dục vọng của họ là được.
Mình nghĩ vậy không biết đúng không?
RANDOM_AVATAR
tranvanhieu
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Thứ 7 08/12/07 21:00
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dòng văn học Linglei trong văn hoá Trung Hoa đương đại

Gửi bàigửi bởi camnhung » Thứ 7 28/03/09 21:36

Mình thấy suy nghĩ của bạn tranvanhieu khá là lạ lẫm. Bạn cho rằng sự chơi trội của thế hệ nữ 8X trong dòng văn học Linglei là kế thừa từ nét Văn hoá Trung Hoa xưa, cụ thể là như những cô gái trong lầu xanh, tửu quán bất chấp tất cả để đạt được dục vọng của mình. Không biết cái này có thể gọi là một nét văn hoá xưa không nhỉ?
Theo mình tìm hiểu thì dòng văn học Linglei với những tác phẩm và tác giả của nó lại đang đi ngược lại với những gì được gọi là văn hoá truyền thống Trung Quốc như mình đã có dịp trình bày ở trên. Chẳng hạn như
một trong những đặc điểm của văn hoá truyền thống TQ là hướng về đạo đức, đạo đức này là đạo đức gia đình, thì dòng văn học Linglei lại có những nhân vật "vô gia cư", sống tách rời với gia đình, không nghe lời bố mẹ, sống buông thả. Hoặc văn hoá truyền thống Trung Quốc thường được biết tới như một nền văn hoá "bảo thủ" đối với vấn đề tình dục, đặc biệt đối với phụ nữ thì văn học Linglei lại không ngại viết về vấn đề này với một lối viết trần trụi và miêu tả bằng một kiểu "tả thực" đúng nghĩa những cảnh làm tình? Những tác giả nữ trong dòng văn học này được xem là quá táo bạo, nhưng nếu đem so sánh họ với những cô gái lầu xanh ngày xưa thì liệu có khập khiễng không?
Điều quan trọng là cần phải xem xét tại sao họ lại viết như vậy? Viết như vậy là chỉ để thoả mãn cái tôi trần tục của họ hay còn một lí gì khác. Lần sau mình sẽ viết tiếp. Còn ai có ý kiến gì thì mời "nhào" vô :D !
Em tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài.
Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây.
RANDOM_AVATAR
camnhung
 
Bài viết: 41
Ngày tham gia: Thứ 4 02/01/08 7:46
Đến từ: Long Xuyên
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Dòng văn học Linglei trong văn hoá Trung Hoa đương đại

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 6 24/04/09 22:39

[justify]Góp phần tìm hiểu thêm về dòng văn học Linglei và những tác phẩm thuộc dòng văn học này, mình xin giới thiệu thêm nguồn tư liệu để các bạn tham khảo:

1. Bài bình luận về tác phẩm Điên cuồng như Vệ Tuệ của Nhà nghiên cứu LL Văn học Vương Trí Nhàn được GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm giới thiệu trên trang Web VHH ngày 22/10/2008 (trong chủ đề: Thư giãn VHH – Văn chương nước ngoài). Các bạn vào địa chỉ sau để tìm đọc nhé: http://www.vanhoahoc.edu.vn/

2. Bài viết: Văn học Linglei- một hiện tượng mới trên văn đàn Trung Quốc của Trần Thị Thu Hương, mình tìm được từ nguồn: nguvan.hnue.edu.vn/NoisanNguvanhoc/So1/tabid/82/.../Default.aspx - 75k.
Post lên đây để mọi người cùng đọc. Chúc chủ đề ngày càng sôi nổi hơn!


VĂN HỌC LINGLEI - MỘT HIỆN TƯỢNG MỚI TRÊN VĂN ĐÀN TRUNG QUỐC
(Trần Thị Thu Hương)

1. Khái niệm và diện mạo
1.1. Linglei là gì?

Thuật ngữ linglei trong cụm từ văn học linglei (lingleiwenxue) (另?类文学?) không phải do các nhà văn tự đặt mà do các nhà phê bình gọi.

Linglei là thuật ngữ mới đang được định hình trong từ điển Trung Quốc. Từ điển cũ không có các từ internet, điện thoại di động, email,… nay đang được bổ sung, linglei cũng có số phận tương tự.

"Từ này từng có nghĩa là lưu manh, du côn. Giờ thì không. Năm 2004, từ điển mới Tân Hoa, từ điển chính thức của Trung Quốc, đã định nghĩa linglei là một lối sống năng động và không chua thêm một chút gì ý nghĩa tiêu cực… Sự nổi loạn chống lại lề thói của các linglei Trung Quốc chỉ là một hình thức của sự thể hiện bản thân, một cách mới để chứng tỏ sự sành điệu."(Time) [dẫn theo (1)].

Trần Sơn cho biết: "thế hệ linglei (âm Hán Việt là lánh loại, nghĩa là “khác người, chơi trội”), một lớp người tự xưng là "tân hiện đại", theo đuổi lối sống bất cần, nổi trội và tự do làm những gì họ thích…"(1).

Tuy nhiên thuật ngữ này đang biến động từng ngày do cách tiếp nhận của người Trung Quốc đối với nó cũng liên tục biến đổi. Nó ngày càng mang những ý nghĩa tích cực hơn. Chúng tôi đã đọc khá nhiều thông tin trên internet và biết được rằng cái gọi là linglei có rất nhiều biểu hiện như: âm nhạc linglei, điện ảnh linglei, hội hoạ linglei, mĩ ấu (meiyou) linglei, ẩm thực linglei, kiến trúc linglei… Chính sự biến đổi không ngừng của thuật ngữ này khiến nó mang tính chất hiện sinh của những sự vật thế kỉ XXI.

1.2. Văn học linglei và diện mạo của nó

Cũng như trào lưu linglei, văn học linglei biến động không ngừng, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng vẫn không thể có định nghĩa chính xác về nó. Tuy nhiên họ khẳng định đây nhất thiết không phải là loại văn học rác rưởi.

Văn học linglei có cả truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ. Thuật ngữ tiểu thuyết linglei rất phổ biến và được phân chia thành rất nhiều loại: linglei đoản thiên tiểu thuyết (thông thường chữ đoản thiên tiểu thuyết của Trung Quốc tương đương với thuật ngữ truyện ngắn của chúng ta), linglei ái tình tiểu thuyết, linglei võ hiệp tiểu thuyết…

Một vấn đề cần khẳng định ngay là: văn học linglei gắn liền với văn hoá internet.
Internet thay đổi phương thức sinh hoạt của chúng ta. Nó khiến cho nhận thức của con người mới hơn. Internet phá vỡ rất nhiều truyền thống. Các nhà phê bình Trung Quốc nhận định văn học linglei nảy mầm từ khi internet ra đời. Sự phồn vinh của nó có liên quan chặt chẽ với internet.

Tôi nghĩ vấn đề này cần xem xét như sau: sự gắn bó chặt chẽ giữa văn học linglei và internet không chỉ đơn giản ở chỗ internet cho văn học linglei một diễn đàn. Ví dụ như An Ni Bảo Bối là nhà văn chỉ chuyên đưa tác phẩm lên mạng.

Văn hoá do internet mang lại là thứ văn hoá nhiều luồng, tinh hoa cũng có mà rác rưởi cũng nhiều. Văn học linglei ra đời và phát triển trong môi trường internet tất yếu mang hai thuộc tính đó. Trong nó có tinh hoa và rác rưởi, có lẽ cũng chính vì thế nó đã phản ánh chân thực diện mạo tinh thần của con người thế kỉ XXI. Vì thế nó là một sự vật hiện sinh.

Internet không chỉ tạo ra một thế hệ nhà văn linglei mà còn hình thành một thế hệ có thể hiểu và thưởng thức văn học linglei. Có thể những lớp người trước (tạm đặt mốc là những người sinh năm 70 trở về trước) đọc văn học linglei sẽ có cảm giác bị công phá bởi đây là loại văn học phá vỡ truyền thống, khai phóng ràng buộc. Tuy nhiên những người trẻ đọc văn học linglei sẽ thấy rất nhiều mối đồng cảm. Phải chăng chính sự vô lề lối của nó khiến cho văn học linglei dễ dàng xâm nhập vào tư tưởng của lớp trẻ.

Lực lượng sáng tác của văn học linglei là thế hệ nhà văn được gọi là "vãng sinh đại" (sinh sau những năm 70), trong đó không hiểu vì lí do gì mà chủ yếu là nữ tác gia. Có lẽ nguyên nhân nằm ở vấn đề giới trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Vấn đề này chúng ta đã đề cập rất nhiều. Có lẽ chưa ở đâu vị trí của người phụ nữ lại thấp như trong xã hội cũ của Trung Quốc. Phải chăng đây là lúc họ đang xác nhận lại vai trò của mình. Có nhà nghiên cứu đã nói vui rằng chế độ mẫu hệ đang trở lại Trung Quốc.

Lớp nhà văn nữ này khiến cho văn đàn Trung Quốc lại hình thành thêm thuật ngữ "mĩ nữ tác gia". Trung Quốc có hẳn những cuốn sách phê bình với nhan đề "Mĩ nữ tác gia". Mĩ nữ tác gia nổi tiếng có: Trì Lợi, Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan, Xuân Thụ, An Ni Bảo Bối, Trương Thụ Linh, Hồng Ảnh… Sơn Táp (Hoa kiều tại Pháp, nổi tiếng với cuốn Thiếu nữ đánh cờ vây, đã dịch sang tiếng Việt) cũng được xếp vào trào lưu này (tuy nhiên theo tôi Sơn Táp là một phong cách khác).

Tác phẩm tiêu biểu có: Bảo bối Thượng Hải (Vương Trí Nhàn dịch là Cục cưng Thượng Hải), Điên cuồng như Vệ Tuệ (Vệ Tuệ), Đường (Miên Miên), Quạ đen, Giường con gái, Tình yêu chết trẻ, Người con gái phiêu bạt (Cửu Đan), Búp bê Bắc Kinh (Xuân Thụ)…

2. Dư luận

Tại Trung Quốc, dư luận về linglei nói chung và về văn học linglei nói riêng có hai chiều. Phải nói rằng hai luồng khen chê đều hết sức mạnh mẽ. Phan Huyền Thư nói rằng Trung Quốc thờ ơ với linglei [theo (5)]. Thực tế trào lưu này làm mưa làm gió ở Trung Quốc, tuy nhiên sự ồn ào của nó chủ yếu trên internet. Có nhà nghiên cứu đã phải thừa nhận rằng: "Con người thế kỉ mới bị bao vây bởi một sự vật có tên là linglei"(9). Người ta bàn luận bằng các bài viết và bằng cả biếm hoạ. Có trang web của Trung Quốc đã minh hoạ văn học linglei như là thứ văn chương phơi bày đồ lót của phụ nữ. Qua đó chúng ta có thể hình dung một cách nhìn của người Trung Quốc về linglei.

Lúc đầu người Trung Quốc nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội. Theo tôi, quả thực, linglei trước hết là một hiện tượng xã hội. Bằng chứng là nó có cả trong ẩm thực, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, kiến trúc, trang phục… Trong đó, văn học ling lei là một hiện tượng nằm trong trào lưu này. Như vậy rõ ràng không phải băn khoăn linglei là một hiện tượng xã hội hay văn học như chúng ta vẫn thắc mắc trong thời gian qua.
Ở Việt Nam, thời gian vừa qua, từ Trung Quốc, cơn lốc mang tên linglei đã ào vào Việt Nam. Những cuốn sách thuộc hiện tượng này sau khi dịch và xuất bản, nhờ sự "tiếp thị" của các phương tiện thông tin đại chúng, đã ngay lập tức trở thành những best-seller. Nổi bật nhất phải kể đến hai cuốn: Điên cuồng như Vệ Tuệ và Búp bê Bắc Kinh.

Tuy nhiên tác phẩm dịch của chúng ta về trào lưu này rất ít, dễ gây những cái nhìn phiến diện về hai chữ linglei. Ví dụ: chúng ta chỉ được đọc một số tác phẩm văn xuôi, trong khi văn học linglei có cả thơ. Chúng ta chỉ biết các tác phẩm văn học trong khi trên thực tế linglei là một trào lưu có "độ phủ sóng" vô cùng rộng lớn. Đặc biệt hơn, nó có một sức mạnh vừa khai phóng vừa huỷ diệt đối với lớp người trẻ của Trung Quốc.
Nhắc đến văn học linglei, người ta thường liên tưởng tới Đỗ Hoàng Diệu như một sự so sánh. Với cuốn Bóng đè, tác giả này được gọi là "Vệ Tuệ của Việt Nam". Thời gian qua, cuốn Bóng đè thực sự là một best-seller. Nếu so với một tác phẩm của linglei Trung Quốc như Búp bê Bắc Kinh thì cuốn này viết chững chạc hơn nhiều. Tôi thích cách diễn đạt đầy hình tượng cùng với những ngôn ngữ lạ thường của Đỗ Hoàng Diệu. Nhưng trong tập truyện đó tôi cũng chỉ thích Bóng đè và Vu quy. Những truyện còn lại viết nhạt và non tay. Không chỉ có giới chuyên môn quan tâm mà người ngoại đạo cũng bàn luận rất sôi nổi. Tôi vào phòng mạch cũng thấy bác sĩ và bệnh nhân đang bàn luận về Bóng đè. Đó cũng là hiện tượng cho chúng ta thấy sự ảnh hưởng của văn học linglei vào Việt Nam. Tuy nhiên, tôi chỉ nhấn mạnh sự ảnh hưởng ở phía người tiếp nhận chứ không khẳng định sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu chịu ảnh hưởng văn học linglei.

3. Những đánh giá bước đầu

Theo tôi, văn học linglei đổi mới về nội dung tư tưởng nhiều hơn là về mặt thi pháp. Vấn đề khiến cho giới phê bình tốn nhiều giấy mực nhất cho văn học linglei là về nội dung tư tưởng.

3.1. Nội dung tư tưởng

Có rất nhiều ý kiến nhận xét rằng văn học linglei phá vỡ truyền thống, đạp đổ tượng đài... Tôi nghĩ rằng, xét cho cùng, vấn đề "nóng" nhất, gây nhiều tranh cãi nhất trong văn học linglei vẫn là sex, đúng hơn là cách họ đề cập về sex. Vấn đề tình dục trong văn học linglei biểu hiện sự xung đột giữa những giá trị tư tưởng.
Trước hết phải thừa nhận thế hệ "vãng sinh đại" là một thế hệ dấn thân: dấn thân trong cả tư tưởng lẫn nghệ thuật. Xuân Thụ còn mạnh mẽ hơn các đàn chị: cô ám ảnh bởi câu nói của Lỗ Tấn: "đời người khổ nhất là tỉnh cơn mơ để rồi thấy tương lai không còn đường quay bước" và quả quyết: "không có đường tôi sẽ tạo ra đường" (tr.257)(1).

Tôi cho rằng thế hệ này còn có biểu hiện mất phương hướng. Đọc Xuân Thụ sẽ thấy sự hoang mang cực độ trong khi khám phá cái Tôi. Hành động phá phách chỉ là cách che giấu sự hoảng hốt, bộc lộ sự tuyệt vọng. Khám phá cái Tôi bằng tình dục nhưng sau sex là cái gì thì chính họ cũng không biết. Sau sex họ rơi vào một nỗi trống trải vô biên.

Sự hoang mang đó là gì? Những tiêu chí lớp người trước đưa ra vốn vẫn được coi là chuẩn mực, nay bị sụp đổ, cái chính là sự sụp đổ về đức tin, các giá trị xung đột lẫn nhau. Thế hệ trước có chuẩn để phấn đấu, họ hay xây cho mình những tượng đài. Thế hệ này có những nỗi hoang mang. Họ là những người cô độc.
Tôi nghĩ, hai yếu tố lớn nhất mà xã hội cũ để lại trong đời sống tinh thần của người Trung Quốc là học vấn và tình dục. Hai yếu tố này đều là sản phẩm, đặc sản thì đúng hơn, của Nho giáo. Học vấn là con đường tất yếu để khẳng định bản thân, khẳng định sự tồn tại. Tình dục là vấn đề cấm kị, người Trung Quốc nói riêng và người phương Đông nói chung khi bắt đầu hiểu biết đều được dạy rằng đó là điều cấm kị, thậm chí xấu xa. Từ Nho giáo của Khổng Tử cho đến Tống Nho, đến Lí học của Trình Hạo và Chu Hi, gọng kìm lễ giáo ngày càng xiết chặt. Thậm chí, Lí học còn chủ trương "diệt nhân dục, tồn nhân tính".

Linglei phủ nhận cả hai điều này một cách không thương tiếc. Trong lời tựa của cuốn Điên cuồng như Vệ Tuệ, tác giả đã thừa nhận: "tốt nghiệp trường đại học Phục Đán (một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc tại Thượng Hải - T.T.T.H chú thích), những nhược điểm vốn có ở người được giáo dục hoàn thiện và chính thống đôi khi cũng làm trở ngại tôi" (2). Nhân vật của Búp bê Bắc Kinh bỏ học cấp 3, chính tác giả cũng thế bởi vì không chịu đựng nổi tính chất "đồng phục" của trường học. Nghĩ đến trường học: "tôi ghê tởm đến mức tôi tưởng chừng như sắp nôn oẹ" (tr. 86)(1). Điều này có tiền lệ: Chính nhân vật Giả Bảo Ngọc đã từng khinh bỉ con đường lập thân bằng khoa cử, tình yêu dành cho Lâm Đại Ngọc chính là hành động lựa chọn lối sống. Nhưng sự từ chối học vấn của Giả Bảo Ngọc đơn thuần chỉ là phản ứng lựa chọn lí tưởng sống, còn hành động của Búp Bê Bắc Kinh biểu hiện sự khủng hoảng về lí tưởng sống của lớp người trẻ ở Trung Quốc đầu thế kỉ XXI.

Ở Trung Quốc, Vệ Tuệ được coi là tác giả nổi bật nhất của văn học linglei. Đây là một cây bút giàu chất văn. Trong tác phẩm của Vệ Tuệ, sex là một biểu tượng đa nghĩa. Với chủ trương gạt bỏ những kiến thức hoàn thiện và chính thống, Vệ Tuệ muốn trở về với những tình cảm trong sáng, "thể nghiệm sự xung động nhất của bản năng" (2). Thời của những "tài tử giai nhân" trong văn học đã qua từ rất lâu, nhân vật của Vệ Tuệ trần trụi và suồng sã. "Anh ta" có thể "nhổ đờm" (tr.252) (2) và "cô ta" thì "bụng đầy thức ăn", "tay ôm chó" (tr.320) (2). Tình yêu của nhân vật gắn liền với những khám phá tình dục. Tình dục được Vệ Tuệ khắc hoạ bằng cả những xung động xác thịt và những xung động tinh thần, cả những thăng hoa và những xúc cảm nhầy nhụa. Mô tả tỉ mỉ về tình dục, Vệ Tuệ là người tiên phong của văn học linglei công khai bắn phá những "tượng đài" tư tưởng của xã hội Trung Quốc. Hơn hết, lớp người như Vệ Tuệ muốn khẳng định bản thân với mọi xao động và điên cuồng của khát khao.

Búp Bê Bắc Kinh (Xuân Thụ) là một dạng tự truyện, tiếp nối hiện tượng tự truyện của Vệ Tuệ. Tôi giật mình với vấn đề sex ở cuốn này ở cả ý nghĩa văn chương lẫn ý nghĩa xã hội của nó. Sex được đề cập với thái độ thản nhiên. Nhân vật trải nghiệm cuộc sống bằng sex. Về mặt xã hội học, tôi gọi đây là hiện tượng sex học đường. Nhân vật của Búp bê Bắc Kinh bỏ học phổ thông và trong thời gian đó cô bé luôn có những cuộc khám phá thân xác với những bạn trai khác nhau. Thời gian qua một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc bàng hoàng trước hiện tượng những nữ sinh trung học có quan hệ giới tính vì nhiều lí do khác nhau (lấy tiền tiêu vặt,…) [theo (8)]. Thái độ của họ đối với sex thản nhiên một cách khó hiểu. Rõ ràng đây là sự tha hoá vô cùng đáng sợ. Lí do thể hiện cái Tôi không thể biện hộ cho sự xấu xa của nó. Tuy nhiên, cả hai tiêu chí tử tế hay hư hỏng đều không quan trọng với lớp người trẻ như Xuân Thụ. Đó mới là điều đáng bàn.

Về ý nghĩa văn chương, Xuân Thụ đề cập sex với vai trò một phương tiện thể hiện cái Tôi. Tình dục là vấn đề rất Con Người, khao khát nhục cảm là những trạng thái hết sức nhân văn. Tuy nhiên, Xuân Thụ cũng như một số tác giả linglei nhiều khi có cách thể hiện vấn đề sex quá lộ liễu nếu không nói là trơ tráo. Tôi không thích cách Xuân Thụ nói về sex bởi vì tính nghệ thuật của nó không cao. Tôi đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Hoà (Báo Nhân Dân) trên chương trình Văn nghệ chủ nhật (13h30 ngày 4/12/2005) đại ý rằng: những điều cấm kị như tình dục có thể cởi bỏ nhưng người phương Đông vẫn có những vùng thiêng liêng không nên chạm tới. Quả thật, trần trụi quá đôi khi làm mất đi sự hấp dẫn.

Trước linglei, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn cũng nói rất nhiều về tình dục nhưng cách nói của họ khác. Tình dục, với họ, là một yếu tố biểu tượng để biểu đạt những ý đồ nghệ thuật. Nó không quá trần trụi mà mang tính biểu tượng cao. Đọc những tác phẩm Phế đô (Giả Bình Ao), Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình (Mạc Ngôn) cũng thấy tình dục là một vấn đề có tần số xuất hiện rất lớn. Tuy vậy, sex trong văn học là vấn đề quá nhạy cảm, họ cũng không tránh khỏi sự thái quá.

3.2. Ngôn ngữ

Chắc chắn khi dịch những tác phẩm như Búp bê Bắc Kinh, người dịch rất vất vả bởi những ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của những người trẻ, đặc biệt là thế hệ 8X (thế hệ sinh sau năm 80) như Xuân Thụ. Khi đọc những bài viết về văn học linglei trên mạng, có rất nhiều từ tôi không dịch được bởi vì tra trong những cuốn từ điển cũ không có. Ngôn ngữ của Búp bê Bắc Kinh bao gồm cả ngôn ngữ chat, tiếng lóng, "ngôn ngữ 8X"…
Ví dụ: Tiếng lóng: "tui…"(tr.218)(1), văng tục: "Đếch gì."(tr. 228)(2).

Cái tôi gọi là "ngôn ngữ 8X" là thứ ngôn ngữ xen lẫn tiếng Trung và tiếng Anh. Búp bê Bắc Kinh có rất nhiều tên riêng bằng tiếng Anh, những câu hát, câu thơ, tên bài hát tiếng Anh bởi nhân vật, như rất nhiều người trẻ của thế hệ 8X, mê rock-and-roll như điếu đổ (ví dụ: tr.43: shit, tr.188: demo).

Ngôn ngữ xen lẫn giữa sách vở và đường phố: có khi Xuân Thụ rất trịnh trọng đặt tên cho một chương sách của mình bằng câu thơ của Liễu Tông Nguyên: Thiên sơn điểu phi tuyệt (Nghìn núi chim bay hết) (Giang tuyết) nhưng có khi lại bực bõ đặt tên chương là: Quả chanh thối ủng.

Một đặc trưng nữa của ngôn ngữ văn học linglei là câu ngắn nhưng lượng thông tin rất đầy đủ. Có lẽ đây là biểu hiện rõ nét nhất của ngôn ngữ chat. Ví dụ: "Nhưng tôi đã trượt. Tôi và Tiểu Thuỷ cùng thi. Cô ta đỗ, tôi trượt. Tôi chết môn toán." (tr.21)(1).

Văn của linglei là thứ văn chương ồn ào, thích thể hiện. Chính Vệ Tuệ cũng thừa nhận: "tôi theo đuổi phong cách viết văn hò hét"(2). Thơ cổ chủ trương "mạch kị lộ" nhưng linglei dường như có ý định "xé rào" mọi cấm kị cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện. Vấn đề này chúng tôi xin bàn vào một dịp khác.

3.3. Kết cấu

Tự truyện là lối kết cấu phổ biến của văn học linglei. Với thi pháp tiểu thuyết thế kỉ XX, kết cấu này không mới. Tuy nhiên nó mang ý đồ rõ rệt của tác giả. Điều này rất dễ giải thích. Các tác giả không ngần ngại xưng tên chính mình để kể những câu chuyện như của chính mình. Đó là một cách thông thường nhất để họ bày tỏ cái Tôi. Chính vì thế họ có những nhan đề như những tuyên ngôn: Vệ Tuệ thì có Điên cuồng như Vệ Tuệ, thậm chí Trì Lợi cũng "trơ trẽn" nói: Hễ sướng thì hét lên. Trần Minh Sơn nhận xét đó là cách "họ dán cả thân mình lên trang bìa"(1).

Tuy nhiên vì lựa chọn kết cấu tự truyện nên Xuân Thụ nhiều khi rơi vào trạng thái "thích gì viết nấy" và Vệ Tuệ cũng thừa nhận mình "là một đứa bé không thích dọn dẹp nhà cửa"(2).

4. Kết luận

Văn học linglei là một thuật ngữ chưa định hình cả về khái niệm cũng như thi pháp. Chưa định hình không phải bởi vì nó thiếu thi pháp mà bởi vì nó đang vận động và biến đổi không ngừng. Vì vậy bài viết này chỉ là những cảm nhận bước đầu ghi nhận về một hiện tượng mới trên văn đàn. Còn vận mệnh của nó, sẽ do nó quyết định.
-------------
Chú thích

1. Búp Bê Bắc Kinh, Xuân Thụ, Nxb Văn học, H.2005.
2. Điên cuồng như Vệ Tuệ, Vệ Tuệ, Nxb Hội nhà văn, H.2003.
3. Quạ đen, Cửu Đan, Nxb Hội nhà văn, H.2003.
4. Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu, Nxb Đà Nẵng, 2005.
5. Các trang web :
http://www.vnexpress.net
http://www.heibanbao.net
bbs.shenjing.cn
http://www.vietnamnet.vn
http://www.lotad.net (Ngô Hậu: "Lánh loại văn học cập kì túc mệnh"- Văn học linglei và số phận của nó)
http://www.yinghai.net
http://www.gepak.net[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang trước

Quay về Văn hóa Trung Quốc và Đông Bắc Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron