THUYẾT NGHIỆP THEO CÁC TRƯỜNG PHÁI TÔN GIÁO ẤN ĐỘ....

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

THUYẾT NGHIỆP THEO CÁC TRƯỜNG PHÁI TÔN GIÁO ẤN ĐỘ....

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 3 10/02/09 23:31

[center]THUYẾT NGHIỆP TRONG CÁC TRIẾT PHÁI,TÔN GIÁO ẤN ĐỘ
VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRONG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT QUA ĐẠO PHẬT [1]
[/center]
[center]Võ Văn Thành[/center]

[justify]Thuyết nghiệp (Karma hay Kamma) bắt nguồn từ đâu? Không ai rõ cả, nhưng vào thời đức Phật, thuyết nghiệp đã được chấp nhận rộng rãi, hầu như bởi tất cả các tôn giáo (Trường phái Duy vật còn gọi là Carvaka hay Lokayata). Thuyết nghiệp như là đáp án logic duy nhất, có sức thuyết phục nhất đối với mọi bất công, sai biệt trong đời sống của con người. Theo các nhà Ấn Độ học như Zimmer và Basham người Đức đều cho rằng, ngay trước khi người Aryan vào Ấn Độ, những người thổ dân Dravidiens vốn đã có các khái niệm về nghiệp, yoga, luân hồi, giải thoát v.v...

1/ Thuyết nghiệp theo các trường phái tôn giáo, triết học ở Ấn Độ:

a/ Quan niệm về karma trong tôn giáo Veda:

Kinh Veda thuộc tôn giáo cổ xưa nhất của Ấn Độ là Veda giáo mà chúng ta được biết ngày nay. Veda giáo thờ nhiều vị thần có nguồn gốc tự nhiên, là khởi nguyên của vũ trụ như thần Varuna, thần Prithivi, thần Indra, Vayu, Mithra v.v... Trong kinh Veda có một luật tắc đạo đức Rta mà thần Varuna là giám hộ, Ngài bảo đảo cho luật tắc Rta được thi hành một cách trung thực nhất. Rta ban đầu bắt các tinh tú phải vận hành đúng con đường đã vạch sẵn, rồi lần lần đạo đó thành cái quy tắc chí công, cái nhịp điệu tinh thần và thuộc về vũ trụ mà ai cũng phải theo, nếu không thì là bỏ cái đường chính trực mà sẽ bị tiêu diệt. “Thần đó (Varuna) có một con mắt vĩ đại, tức mặt trời, giám thị thế giới, thưởng người thiện, phạt kẻ ác và tha thứ cho những người nào cầu nguyện mình” [2]

Nghiệp của đạo Veda ở trên là thể hiện ở luật tắc Rta được Thần Varuna giám hộ, từ các tinh tú phải đi theo con đường đã vạch sẵn của mình cho đến con người phải theo luật tắc đạo đức của Rta, nếu không thì sẽ bị tiêu diệt. Còn vì không biết mà lỡ phạm phải luật tắc Rta thì phải cầu nguyện và sám hối một cách chân thành nhất mới mong có thể thoát khỏi sự trừng phạt, bị tiêu diệt.

Một đoạn kinh sau đây trong Rig. Veda có giọng điệu cầu khẩn thần Varuna, cầu thần tha thứ cho những lỗi lầm của mình tạo ra vì sự ngu si mà làm trái lại lệnh thần. Trái lại lệnh thần ở đây là làm trái luật tắc Rta.
“Hãy đừng để con vào ngôi đền Đất sét, ôi thần Varuna!
Hãy tha thứ cho con, ôi thần Varuna, hãy tha thứ.
Khi con đi, chập chững như quả bong bóng xẹp, hãy tha thứ, ôi thần Varuna, hãy tha thứ.
Hỡi Thần thánh thiện, vì thiếu trí tuệ nên con đã chống lại Thần!
Hãy tha thứ, ôi thần, hãy tha thứ.
Dù cho chúng con, những con người còn trong sinh tử, có phạm tội lỗi gì, chống lại các vị Thần.
Nếu vì quá ngu si mà chúng con làm trái lệnh của thần, ôi Thần, đừng có tiêu diệt chúng con trong cơn giận dữ của Ngài...”[3]

Đoạn văn trên đây ở Rig. Veda cho thấy con người có thể chuyển nghiệp nếu anh ta biết ăn năng sám hối một cách thành thực. Vì anh ta ngu si không biết mà làm trái lệnh của Thần (tức hành động ngược lại luật tắc Rta), tức là phá vỡ trật tự hiện hành mà Thần đã quy định.

Tóm lại, trong tôn giáo Veda, tôn giáo cổ xưa nhất của Ấn Độ, chúng ta thấy luật Karma đã hiện hữu rồi, nó chính là luật Rta mà những hành động của con người không được làm trái, nếu không sẽ bị Thần tiêu diệt. Và con người cũng có cơ hội để sửa chữa sai lầm của mình tức là chuyển nghiệp, sự kiện này có một ý nghĩa hết sức lớn lao đối với con người vì nó giúp trút bỏ gánh nặng tội lỗi và mặc cảm mà con người lỡ đã phạm phải.

b/ Quan niệm về nghiệp trong bộ luật Manu:

Manu là bộ luật cổ nhất của Ấn Độ gồm 2.685 câu thơ, trong đó liên quan tới hành động (karma), tục lệ, tập quán, chính trị, pháp luật, đạo đức và tôn giáo được sáng tác vào thời Anh hùng ca hay thời kỳ Sử thi. Ở đây, chúng tôi chỉ xét về phần nghiệp.

Bộ luật Manu có rất nhiều câu liên quan tới hành động và tạo nghiệp, đại khái mang nội dung như: Thái độ và hành động của con người quyết định chính vận mệnh của họ.

“Nghiệp là cái nảy sinh ra từ tư tưởng, lời nói và thể xác; nó tạo ra những kết quả tốt hay xấu tùy thuộc vào tư tưởng, lời nói và thể xác tốt hay xấu; vì vậy nghiệp đã tạo ra những địa vị khác nhau của con người gồm: cao, trung bình, và thấp kém.”[4]

“Do kết quả của nhiều hành động đầy tội lỗi đã phạm phải bởi thể xác của người ấy, trong kiếp sau người ấy sẽ trở thành một vật vô tri vô giác nào đó; do kết quả của những tội lỗi đã phạm phải bởi lời nói của người ấy, người ấy sẽ trở thành một con chim hay một loài thú vật trong kiếp sống sau; và do kết quả của những tội lỗi trong ý nghĩ của người ấy, người ấy sẽ phải tái sanh trong một loại thấp hèn ở kiếp sau.”[5]

Bộ luật Manu nói nhiều đến hành động tạo nghiệp và kết quả của hành động tạo nghiệp ấy là chủ nhân tạo nghiệp thu được những kết quả tương xứng với những phẩm chất mà người ấy đã tạo ra bằng ý nghĩ, lời nói và hành động (bằng thân xác). Như vậy bộ luật Manu từ lâu đã khẳng định rằng là con người tạo ra đời sống cho chính mình thông qua những hành động do chính mình tạo ra như thế nào rồi chính chúng trở lại quy định đời sống của con người ấy. Con người ấy sẽ được sinh ra là vật vô tri vô giác, hay một loài thú vật nào đó hoặc có làm người đi nữa thì sẽ tái sinh vào loại thấp hèn ở kiếp sau nếu tạo các nghiệp xấu tương xứng.

Cũng tương tự như vậy, nếu người có nhiều hành động tốt đẹp bởi ý nghĩ, lời nói và hành động thì ở kiếp sau anh ta cũng sẽ được tái sinh với những phẩm chất tương xứng mà anh ta đã tạo ra. Nghiệp quyết định, quy định hình thức sống của anh ta.

c/ Thuyết nghiệp theo tập Bhagavadgita:

Từ Karma theo tập Bhagavad Gita có ba nghĩa: một là hành động; hai là kết quả, tức là hệ quả của hành động; ba là quy luật nhân quả. Mọi hành động, sự kiện xảy ra trong thế giới vô cơ hay hữu cơ đều bị chi phối bởi quy luật karma, tức là quy luật nhân quả.

Chúng ta trong từng giây tấc tạo ra tính cách của chúng ta và hình thành nên số phận của chúng ta. “Không có sự mất mát của bất cứ hoạt động nào từ lúc chúng ta khởi đầu cũng như không có bất cứ một chướng ngại vật nào cản trở sự chín mùi của nó. Ngay cả một điều thiện nho nhỏ mà chúng ta làm cũng sẽ có thể bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hại lớn.”[6] Cái mà chúng ta đặt hết tâm trí vào, sẽ không bị mất đi cùng với sự tàn lụi của cơ thể này.

Ở một đoạn khác trong tập Bhagavad Gita, diễn tả tâm lý của Arjuna khi chàng chần chừ không muốn tiến quân tiêu diệt kẻ thù. Vì Arjuna thấy rằng, kẻ thù trước mặt mình không phải là ai khác mà chính là những người anh em, bà con ruột thịt của mình. Arjuna bối rối phân trần với thần Krishna:

“Ôi Krishna! Khi tôi thấy bà con và anh em muốn đánh nhau và sắp xếp thành đội ngũ chỉnh tề thì tay chân tôi mềm nhũng ra và mặt tôi tàn héo, thân tôi run rẩy và tóc tôi dựng ngược, cung nỏ rơi khỏi tay tôi và da tôi trở thành nóng bỏng. Tôi không đứng vững được và tư tưởng tôi chấp chới ngã nghiêng...”[7]

Thần Krishna giải thích rằng, Arjuna thực ra không tiêu diệt họ, mà bản chất là họ đã bị thần Krishna tiêu diệt rồi. Cái nghiệp của họ đã bị thần Krishna tiêu diệt rồi, vì đó là nghiệp ác, nghiệp xấu. Họ đứng trước Arjuna chỉ là ảo ảnh mà thôi. Do đó, Arjuna cứ dung dung mà hành động, đừng do dự, ngần ngại hay suy nghĩ gì cả. “Người nào đã hiến dâng hành động của mình cho tâm linh, không có gắn bó gì với hành động ấy, thì tội lỗi không động chạm bậc ấy cũng như nước không thấm được hoa sen vậy.”[8]

Chúng ta thấy ở đây karma của những người bà con, anh em của Arjuna là karma xấu, ác đã tạo ra và chúng ắt phải bị tiêu diệt và thực chất là thần Krishna đã tiêu diệt chúng rồi. Do đó, Arjuna cứ thoải mái mà xông vào chiến trận một cách tự nhiên, vô tư mà không tạo ra nghiệp ác, nghiệp xấu nào vì những hành động của Arjuna là vô tư, không có dụng tâm, “không có gắn bó gì với hành động ấy”, do đó không tạo ra nghiệp gì cả.

d/ Thuyết nghiệp trong trường phái Yoga:

Yoga, sách Hán thường dịch là Du Già, là một trong sáu trường phái triết học chính thống của Ấn Độ giáo có từ lâu đời. Đến thời Patanjali (thế kỷ II trước CN) là người đã hệ thống lại và hình thành nên cả hệ thống kinh điển cho trường phái Yoga.

Triết phái Yoga rất chú ý tới hành động mà họ xem là có thể giúp họ giải thoát khỏi nghiệp báo-luân hồi. Họ chú trọng tới bộ môn gọi là Karma Yoga, tức là môn hành động tích cực và bằng hành động tích cực, vị tha, tuyệt đối không bao giờ màng tưởng tới lợi lộc cá nhân, người tu hành yoga từng bước gột rửa hết những cáu bẩn của tâm hồn mình do nghiệp tạo ra.

Các yogis thực hành phép luyện yoga rất phức tạp và khổ hạnh trải qua nhiều giai đoạn để cuối cùng linh hồn cá thể hòa nhập hoàn toàn vào cái Ta vũ trụ (Brahman). Họ cũng cho rằng có tái sanh, luân hồi là do có tạo nghiệp. Nghiệp sẽ như là cái ách cột chặt linh hồn vào các thân xác, bắt nó phải tái sinh liên tục. Muốn thoát được sự luân hồi này thì phải hành động tích cực. Các đạo sĩ yogis có khả năng tạo ra nhiều cái thân để tiêu diệt tất cả những karma để được giải thoát hoàn toàn ngay trong đời này. Chính vì vậy mà họ phải theo một phép tu hết sức cực khổ, kỷ luật thân-tâm đạt tới tối cao. Quá trình luyện Yoga có thể chia làm 8 giai đoạn như: giai đoạn yama; giai đoạn Niyama; giai đoạn luyện thế Asana; giai đoạn Pranayana; giai đoạn Pratyahara; giai đoạn Dharana; giai đoạn dhyana và giai đoạn cuối cùng là samadhi.

Tất cả các hành động là nhằm thoát khỏi cái nghiệp để được giải thoát. Chúng ta thấy trường phái Yoga hành động quyết liệt để thoát khỏi nghiệp báo-luân hồi.

e/ Sự khác nhau giữa thuyết nghiệp của đạo Jain và Phật giáo:

Đạo Jain có một quan điểm cơ giới về nghiệp. “Tuy không cố ý sát, những cũng phải chịu quả báo sát sinh”. Chính điều này giúp ta hiểu vì sao đạo Jain lại chủ trương tu ép xác, khổ hạnh. Họ nói, nhân biểu hiện ra như thế nào thì quả biểu hiện ra như thế ấy, bất kể động cơ tâm lý hay dụng tâm của đương sự ra sao. Tu khổ hạnh ép xác thì có thể bù cho nghiệp ác tạo ra từ đời trước, triệt tiêu nghiệp ác, đồng thời kiên trì không làm gì hết để không còn tạo ra nghiệp mới nữa. Đó là phương pháp giải thoát của đạo Jain.

Cái gì tạo ra nghiệp (karma)?

Theo đạo Jain thì đó là những phân tử vật chất hết sức nhỏ nhiệm tới mức không thể phân chia ra được. Chúng tồn tại đầy rẫy trong không gian, chúng bám vào linh hồn và tạo ra sự biến đổi sâu sắc ở đấy mỗi khi có một linh hồn xuất hiện. Chúng xuyên sâu vào linh hồn rồi trở thành những karma tức cái sức mạnh bắt linh hồn phải tái sinh trong một thân xác sinh diệt vô thường, có tham muốn và dục vọng. “Hành động tốt sẽ hút loại karma tốt và hành động xấu sẽ hút loại karma xấu trong không gian. Trong suốt thời gian tồn tại và hoạt động của linh hồn, nó đều tạo ra karma, tức là cơ sở cho cuộc sống tương lai. Karma cũ tạo ra kết quả rồi biến mất, nhưng lập tức một karma mới nảy sinh. Do đó sẽ tạo thành một chuỗi dài kiếp sống liên tục, không có bắt đầu, cũng không có tận cùng.”
[9]
So với đạo Jain, đạo Phật có quan điểm về nghiệp năng động hơn nhiều. Nghiệp của đạo Phật không có tính chất cơ giới và định mạng. Nó đề cao ý chí tự do của con người, đề cao nỗ lực bản thân. Đó chính là sự phân biệt cơ bản của nghiệp đạo Phật vào đạo Jain. Đạo Phật cho rằng, nghiệp thiện hay ác chỉ có thể hình thành trên cơ sở động cơ tâm lý của đương sự, tức là có dụng tâm của đương sự mà Phật giáo Nguyên thủy gọi là tác ý (cetana). Nói cách khác, tác ý chính là nghiệp, không có tác ý thì không có nghiệp. Theo đạo Jain thì mọi hành động đều tạo ra nghiệp, bất chấp đương sự có dụng tâm hay không, có đưa ý chí của mình vào hành động đó hay không. Quan điểm về nghiệp của đạo Phật rất tích cực, nó động viên con người nhiều hơn, tránh sự bi quan, lo lắng không cần thiết. Luận sư Phật Âm có so sánh hai quan điểm về nghiệp khác nhau của đạo Phật và đạo Jain như sau:

“Phật giáo đồ như con sư tử vậy, khi kẻ đi săn nhắm bắn vào con sư tử, thì con sư tử dũng mãnh xông vào kẻ đi săn... Còn ngoại đạo Kỳ Na giáo thì giống như con chó vậy. Khi con chó bị người ta đánh thì nó không xông lại cắn người đánh mà lại cắn cây gậy.”[10]

2/ Các loại nghiệp theo đạo Phật:

Đạo Phật xem nghiệp là bất định, tức là có thể thay đổi được theo chiều hướng tốt hay xấu tùy theo đương sự tạo nghiệp. Nếu đương sự, con người chẳng hạn, tạo ra nhiều nghiệp lành, nghiệp thiện thì nghiệp này có thể giúp cải tạo đời sống của đương sự theo chiều hướng tốt. Ngược lại, đương sự tạo ra nhiều nghiệp ác, nghiệp dữ thì nghiệp sẽ hủy diệt đời sống của đương sự.

Đạo Phật đề cập tới hai loại nghiệp quan trọng quyết định hướng tái sinh và của sống của chúng sinh đó là:
Dẫn nghiệp: còn gọi là tái sanh nghiệp (Peproductive Karma) là nghiệp dẫn dắt, quyết định hướng tái sinh của chúng sinh vào một trong sáu cõi: Cõi Trời, cõi A Tu La và cõi người (ba cõi thiện), cõi súc sinh, cõi quỷ đói và cõi địa ngục (ba cõi ác). Đây là loại nghiệp có cường độ rất mạnh.

Mãn nghiệp hay còn gọi là năng trì nghiệp (Supportive Karma), là nghiệp sai biệt làm cho mọi chúng sinh có sai biệt không ít thì nhiều, không có hai loại chúng sinh thọ nghiệp giống nhau hoàn toàn (do nghiệp của chúng tạo ra không hoàn toàn giống nhau). Mãn nghiệp giải thích được tại sao ở đời này có người hạnh phúc, người bất hạnh, người giàu sang, kẻ nghèo hèn, người có uy tín nói ra ai cũng tin, người nói rất giỏi nhưng không ai tin, người có dung nhan đẹp đẽ, kẻ có thân thể xấu xí, có người mới sinh ra mắc phải những dị tật, hay những chứng nan y khó chữa v.v… Tất cả những sai biệt đó, tuy cùng là một thân phận người, nhưng do họ tạo nghiệp quá khứ, ngay cả hiện tại khác nhau cho nên chịu thọ nghiệp khác nhau.

Năng tiêu nghiệp (countereractive Karma, impeding Karma) là loại nghiệp tùy vào tình hình mà có thể tốt hay xấu! Chẳng hạn, một người được hưởng phước báo, sống trong một gia đình giàu sang, nhưng người này không lo học hành, không giữ lối sống đạo đức mà ngược lại chỉ biết ăn chơi trát tán, phá sản, rốt cuộc trở thành kẻ nghèo, đi ăn xin. Nghiệp mà anh ta đã tạo ra như vậy là loại năng tiêu nghiệp xấu, tiêu cực. Ngược lại, có người sinh ra trong một gia đình nghèo nàn, phải lao động cực khổ, nhưng anh ta cố gắng làm việc, học hành, sống lối sống đạo đức, giúp người khác. Kết quả, anh ta vươn ra khỏi cảnh nghèo, có uy tín có học vấn, được mọi người tôn trọng. Nghiệp mà người ấy tạo ra như vậy là năng tiêu nghiệp thiện, tích cực.

Năng hủy nghiệp (Destructive Karma) là loại nghiệp được con người tạo ra trong đời sống quá khứ hay hiện tại, có cường độ rất mạnh có thể hủy đi dẫn nghiệp một cách bất ngờ. Nó giải thích được là vì sao con người chết đột tử hay chết bất đắc kỳ tử như chết vì thiên tai, chết vì tai nạn. Năng hủy nghiệp tiêu hủy thân phận người ngay khi người đó đang sống bình thường. Sách Phật thường ví con người sống như chiếc đèn dầu đang cháy. Khi nào chiếc đèn cạn dầu, cháy hết bấc là lúc thọ mạng của người ấy đã hết. Năng hủy nghiệp tác động như một cơn gió thổi tắt vụt ngọn đèn, tuy đèn còn nhiều dầu và chưa cháy hết bấc như những trường hợp con người chết đột tử, cuộc sống đột ngột chấm dứt.

Sách Phật thường nói có năm trường hợp con người tạo ra nghiệp cực ác phải lãnh hậu quả là bị đọa vào cõi địa ngục sau khi mạng chung như giết cha, giết mẹ, giết một vị A la hán, cố ý làm chảy máu Phật, phá hòa hợp Tăng chúng.

Cộng nghiệp (collective karma): là loại nghiệp chung được tạo ra của cùng một loại chúng sinh hay nhiều loại chúng sinh cùng phải chịu chung hoàn cảnh. Chẳng hạn, một dân tộc bị chiến tranh liên miên, bao nhiêu người phải cầm vũ khí ra chiến trường mà giết hại lẫn nhau. Hoàn cảnh mà cả dân tộc ấy đang phải chịu cảnh chiến tranh đó là cộng nghiệp, tức nghiệp chung cho mọi người trong cộng đồng dân tộc đó.

Biệt nghiệp (individual karma) là loại nghiệp riêng biệt của từng loại chúng sinh, nghiệp này không ai giống ai. Chẳng hạn, người thân của chúng ta chịu bệnh tật giày vò rất đau khổ, chúng ta rất muốn chia sẻ nỗi đau khổ đó với họ nhưng không làm được.

Cận tử nghiệp (Approximate death karma): người gần chết không đủ sức hành động bằng thân, thậm chí bằng lời nói, do đó nghiệp của đương sự khi sắp mạng chung là ý nghiệp, được tạo ra bằng ý nghĩ của họ. Nghiệp này có cường độ rất mạnh, có thể quyết định hướng tái sinh của đương sự trong tương lai.

Có thể minh họa tầm quan trọng của cận tử nghiệp bằng rất nhiều ví dụ, tôi xin lấy ví dụ điển hình trong kinh Phật, truyện vua A Dục.

Vua Asoka được đánh giá là một vị vua hiền minh nhất trong lịch sử của nhân loại, ông ủng hộ tất cả các tôn giáo hết lòng, hết sức, đặc biệt là đạo Phật. Ông là một Phật tử thuần thành, yêu thương hết thảy mọi loài một cách sâu sắc. Một đấng quân vương như ông, đã tạo ra cho chính bản thân ông nhiều thiện nghiệp. Một chuyện kỳ lạ xảy ra là, trước khi lâm chung, có chuyện không đâu làm cho nhà vua giận dữ, nghiệp ác dẫn ông tái sanh thành một con mãn xà lớn. Em ông là Đại đức Tissa biết vậy bèn đến bên nhà vua lúc đó đã biến thành con rắn nói những lời từ ái, khuất phục nó, khiến cho con mãn xà phút chốc lột xác, tái sanh vào cõi thiện lành.

Câu chuyện cho chúng ta thấy cận tử nghiệp là rất mạnh, đặc biệt nó chỉ được tạo ra bằng ý nghĩ.

Kinh Pháp Cú (Dammapada) có nhiều ẩn dụ về nghiệp rất hay, xin trích dẫn ra đây một vài bài.

“Không trên trời dưới biển,
Không lánh vào động núi,
Không nơi nào trên đời,
Tránh được quả ác nghiệp”.

“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Tránh khỏi tay thần chết.

(Bản dịch Kinh Pháp Cú của HT Thích Minh Châu Kệ 127 & 128, tr.76-77).

Ý tứ hai bài kệ là: kẻ ác, một khi đã tạo ra nghiệp ác rồi thì không có cách nào trốn khỏi quả báo của nghiệp ác, dù có trốn trên trời, lặng xuống biển sâu hay là nấp vào động núi. Cũng vậy, chúng sanh không thể nào thoát được cái chết chờ đợi mình sau khi thọ mạng đã hết.

3/ Ảnh hưởng của thuyết nghiệp trong văn hóa Việt Nam.

Đạo Phật được truyền bá vào nước ta khoảng đầu công nguyên, đến nay đã hơn 2000 năm. Từ vua chúa, quan lại đến người bình dân, từ các tác phẩm văn thơ bác học đến các tác phẩm văn học dân gian đều nhuốm màu Phật giáo âu cũng là điều tất nhiên. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng chính đạo Phật đã góp công lớn trong việc chiến thắng quân Mông-Nguyên ba lần sang xâm lược nước ta.[11] Ở đây, chúng tôi chỉ xét riêng thuyết nghiệp mà chúng tôi tin rằng nó có ảnh hưởng sâu rộng trong tâm thức của người Việt Nam.

Thế kỷ XIII là thế kỷ oai hùng của dân tộc Việt Nam. Ông cha chúng ta đã ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông-Nguyên một cách oanh liệt. Vua Trần Nhân Tông, sau khi lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Hồ (Mông-Nguyên), ngài truyền ngôi cho con và lên làm Thái thượng hoàng. Nhà vua sắp xếp việc triều chính ổn thỏa cả rồi ngài đi tu và trở thành vị Tổ sáng lập ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài vân du khắp nơi trong dân gian, khuyến khích dân chúng phá bỏ dâm từ, thực hành mười thiện.[12]

Mười thiện, chung quy lại là làm thiện, tạo nghiệp thiện qua thân, miệng và ý. Mong muốn của nhà vua là nếu ai cũng làm thiện, nói thiện, nghĩ thiện thì xã hội sẽ được cải thiện trở nên tốt hơn rất nhiều.

Nghiệp, người Tàu dịch từ chữ Karma hay Kamma có nghĩa là hành động có dụng tâm. Ra đường chúng ta thường thấy những cảnh thương tâm như tai nạn giao thông, người ăn xin, người gặp cảnh ngộ éo le, chúng ta thường buông câu nói tội nghiệp để tỏ ý thương hại cho những người đó. Ít người quan tâm đến nguyên nghĩa của từ tội nghiệp ban đầu có nghĩa là gì. Theo chúng tôi biết, tội nghiệp có nghĩa là nghiệp có tội. Nghiệp của những người lúc trước làm ra nhiều tội lỗi cho nên bây giờ họ mới chịu hậu quả xấu, gặp báo ứng ngày nay. Một số câu thơ trong Truyện Kiều nói về nghiệp như các câu:

“Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dầu muốn quyết trời nào đã cho.
(Câu 997-998).
Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm.
(Câu 2681-2682)
Sư rằng: “Song chẳng phận gì,
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.
(Câu 2679-2680)
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”
(Câu 3249-3250)

Thúy Kiều còn nặng nghiệp má đào, cho nên dù Kiều có muốn quyên sinh, chết đi cho xong cũng không được vì trời chưa cho. Trời chưa cho là theo cách nghĩ của cụ Nguyễn Du, còn chúng tôi hiểu rằng đây là nghiệp báo, nghiệp lực của Thúy Kiều chưa hết nên chưa thể chết được. Kiều phải tiếp tục sống để trả hết “nghiệp má đào” cái đã.
Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều là câu nói của nhà sư Giác Duyên cho nên câu này mang nghĩa từ nguyên (tội nghiệp là nghiệp có tội hay nghiệp mang tội lỗi mà kiếp trước Kiều đã gâu ra).
Đã mang lấy nghiệp vào thân thì cũng đừng có trách lẫn trời gần trời xa, vì nghiệp là do bản thân mình tạo ra, có trách ai được. Trách trời cũng vô ích vì trời không giúp được gì.

Câu nói dân dã của người Việt “gieo gió gặt bão” chính là thuyết nghiệp của nhà Phật đã thấm sâu vào văn hóa dân gian Việt Nam.[13]
Người Trung Hoa có câu cách ngôn: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương.” [Kinh Dịch – Quẻ Thuần Khôn][14]. Tạm hiểu là: Một nhà tích chứa điều tốt sẽ có thừa điều lành; một nhà tích chứa điều ác tất có nhiều điều dữ. Câu đó không thuộc về đạo Phật nhưng nghĩa lý rất tương đồng với nghiệp, nghiệp báo.

Người đời thường nói “lời nói gió bay”. Đạo Phật không cho rằng như vậy vì lời nói cũng là một dạng tạo nghiệp (khẩu nghiệp), cho nên không thể xem thường được. Ta thấy trong đời sống thường ngày, nhiều trường hợp lời nói tuy trên hình thức gió thổi đi mất nhưng người nói nhiều khi phải trả giá ngay tức khắc, có khi là bằng mạng sống của mình vì hành vi khẩu nghiệp của mình. Hay một lời nói tốt đẹp có thể cứu một mạn, hay mang lại hạnh phúc, an lành cho người khác thì chúng ta không thể không cẩn thận khi phát ngôn.

Nghiệp được ghép với một từ nữa chỉ cho kết quả của hành động trong từ ngữ nhà Phật rất nhiều như: nghiệp duyên, nghiệp chướng, nghiệp báo, nghiệp đạo, nghiệp lực, nghiệp quả, nghiệp nợ, nghiệp miệng (khẩu nghiệp) v.v…

“Tiền sanh nghiệp chướng có dầy,
Cho nên trời mới đem đày nhân gian.”
(Quan Âm Thị Kính)

“Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay.”
(Trần Nhân Tông – Cư Trần Lạc Đạo Phú).

“Nghiệp nợ kết dày, chướng tội thêm thẳm.”
(Lời tựa Thiền Uyển Tập Anh)

“Dù xây chín đợt phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một đời.”

Câu nói trên không có từ nào chỉ nghiệp cả nhưng cả câu hàm ý về nghiệp, nghiệp quả của người làm ra như thế nào.

Những dẫn chứng trên đây về nghiệp, nghiệp báo cho thấy thuyết nghiệp của đạo Phật ảnh hưởng rất sâu rộng trong tâm thức của người dân Việt Nam. Người Việt dù ít hay nhiều cũng ý thức được nghiệp báo luân hồi, ý thức được cái mình đang làm, đang nói hay đang suy nghĩ có ảnh hưởng như thế nào đến bản thân mình, bà con, người thân hay mọi người xung quanh mình nên nghiệp có tác dụng giáo dục nhất định.

4/ Thuyết nghiệp và khoa học hiện đại:

Gần đây ở phương Tây có một cuộc đàm thoại sôi nổi giữa hai nhà bác học lớn của thế giới có liên quan tới đạo Phật. Một người là Gs. Trịnh Xuân Thuận, một người Mỹ gốc Việt, nhà Vật lý thiên văn nổi tiếng, công tác tại Viện công nghệ học California, đồng thời là giáo sư tại trường đại học Verginia. Nhà bác học kia là nhà Sinh vật học Matthieu Ricard, từng công tác lâu năm tại Viện Pasteur Pa-ri, ông có học vị tiến sĩ và có 25 năm tu hành tại tu viện Shechen gần Katmandu thuộc Nê-pan.

Cuộc đàm thoại của hai nhà bác học được ghi lại trong quyển Vô Biên Trong Lòng Bàn Tay (L’infini Dans La Paume De La Main), có chương VIII bàn về nghiệp của đạo Phật (biệt nghiệp và cộng nghiệp). Cuộc đàm thoại là rất thú vị, bàn về một vấn đề nghiệp cũng rất hứng thú. Chúng tôi thấy vấn đề thực sự thú vị là Gs. Trịnh Xuân Thuận, một nhà khoa học hiện đại lớn đại diện cho khoa học hiện đại lại bàn về nghiệp, và cả hai nhà bác học đều có những điểm tương đồng nhất định. Chẳng hạn, cả hai nhất trí về nghiệp và những kết quả do nghiệp tạo ra mới có thể giải thích được những trường hợp mà khoa học hiện đại không thể lý giải được như những đứa bé thiên tài như Mozart, mới 5 tuổi đã là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và soạn được nhiều bản nhạc... Có những đứa trẻ, mới sinh ra mắc những chứng bệnh hiểm nghèo mà bản thân chúng chưa ý thức được gì. Nghiệp không những có tầm quan trọng về mặt đạo đức mà chúng còn tạo ra thế giới chúng ta. Quả thật đúng như vậy, chúng ta thử nghĩ, nếu trong một gia đình, ai cũng tạo ra nghiệp tốt nhằm vun đắp cho gia đình đó thì các thành viên trong gia đình ấy đều được hưởng quả báo tốt đẹp, hạnh phúc. Xã hội có đại đa số người tạo ra nghiệp tốt về ý nghĩ, lời nói và hành động thì xã hội ấy chắc chắn được cải tạo theo chiều hướng tốt đẹp, tạo ra nhiều niềm vui, an lạc cho cộng đồng người trong xã hội đó. Nếu thế giới, ở đâu người ta cũng cố gắng tạo ra nghiệp tốt thì ắt hẳn là không có chuyện thù hằn tôn giáo, sắc tộc, dân tộc dẫn tới đánh nhau, chiến tranh, dẫn tới giết hại nhau, hủy hoại môi trường sống, thậm chí là nguy cơ hủy diệt cả sự sống trên hành tinh này. Chúng tôi cho rằng đây là điều mà mọi người cần quan tâm, suy nghĩ đúng đắn và hành động sáng suốt.
Chúng ta hãy xem một đoạn đầu trong cuộc đàm thoại giữa hai nhà bác học.
Matthieu phát biểu: Về từ nguyên mà nói, karma có nghĩa là “hành động”. Những điều chúng ta làm, nói và suy nghĩ không những có một tầm quan trọng về đạo đức, mà chúng còn tạo ra thế giới của chúng ta. Nhận thức của chúng ta đối với thế giới là kết quả của toàn bộ thực nghiệm của tâm thức chúng ta từ nhiều đời, nhiều kiếp... Do có những thực nghiệm tương tự nhau trong nhiều kiếp quá khứ mà có những cộng đồng loài hữu tình có một nhận thức tương tự nhau về thế giới. Đó là kết quả của cái mà đạo Phật gọi là cộng nghiệp nói lên nhận thức của chúng ta đối với thế giới, ngoài ra còn có biệt nghiệp là kết quả của kinh nghiệm cá nhân của mỗi người.

Ở một đoạn tiếp theo, Gs. Thuận nói: Nếu hai loại biệt nghiệp và cộng nghiệp theo Phật giáo đều do quá khứ quyết định, thì phải chăng đấy là một hình thức của quyết định luận?

Matthieu trả lời: Không, thuyết nghiệp phản ánh luật nhân quả, thuyết nghiệp không phải là quyết định luận. Nghiệp là hoạt động, nghiệp do hành động tạo ra thì nghiệp cũng do hành động của con người mà thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi quá trình chuyển nghiệp bằng cách tác động vào nó trước khi hình thành quả vui hay buồn. Cũng như một quả bóng đang rơi, chúng ta có thể bắt nó và ném lên ở một độ cao hơn.

Cuộc sống chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh là kết quả của toàn bộ ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, được thực hiện trong vũ trụ này, trong đời này hay trong đời sống trước. Đó là một tổng thể hết sức phức tạp của những yếu tố tương tác lẫn nhau mà chúng ta có thể thay đổi quá trình trong từng giây phút. Đó là thuyết bất định nghiệp của đạo Phật rất khác với các thuyết quyết định luận hay số mệnh luận.

Giáo sư Thuận ở một đoạn sau nói tiếp: “... Đối với tôi, niềm tin về thuyết tái sanh làm giảm những nỗi lo âu trước sự chết và cung cấp một giải thích hợp lý cho sự xuất hiện những đứa bé thiên tài...”[15]

Hai nhà bác học trên bình diện chung đã nhất quán với nhau về thuyết nghiệp của đạo Phật, xem đó như là cứu cánh để giải thích cho những hiện tượng bất thường xảy ra trên thế giới này. Nghiệp báo và tái sanh giúp giảm sự lo âu trước sự chết.

Tuy nói như vậy nhưng nghiệp lực là một cái gì khó hiểu, Phật giáo cũng không thể giải thích rành mạch cơ chết của nghiệp được. Trong kinh Na Tiên Tỷ Kheo có dẫn câu chuyện vua Milinda (Di Lan Đà) hỏi Tỷ kheo Na Tiên về cơ chế của nghiệp. Câu trả lời của Tỷ kheo Na Tiên về nghiệp có tính chất thần bí, không thể nêu rõ ra được. Nó thần bí vì là chúng ta chưa thể hiểu được nó, thế thôi.

Vua Milinda: “Phật giáo đồ thường nói: Lửa địa ngục nóng hơn nhiều so với lửa bình thường. Nếu ném một hòn đá nhỏ vào ngọn lửa bình thường thì cả ngày cũng không cháy hết. Nhưng nếu đem một tảng đá lớn ném vào lửa địa ngục, thì trong khoảnh khắc tảng đá bị cháy rụi. Tôi không thể tin điều đó. Các người lại nói, chúng sinh đọa địa ngục, tuy thân bị đốt cháy liên tục trong nhiều năm, nhưng chúng sanh đó cũng không bị cháy hết. Tôi cũng không thể tin điều đó.”

Tỷ kheo Na Tiên trả lời: “Tâu Đại vương, Ngài có thấy con cá mập, con rùa, con vịt, con khổng tước ăn sỏi, ăn đá hay không?”
Vua trả lời: Thường có thấy!
Tỷ kheo Na Tiên: Khi sỏi đá vào ruột những con vật lớn, phải chăng không bao lâu chúng cũng được tiêu hóa?”
Vua nói: Đúng như vậy.”
Tỷ kheo Na Tiên: Vì sao bào thai ở trong bụng người mẹ lại không bị tiêu hóa?”
Nhà vua: Tôi cho rằng đó là do nghiệp lực của thai nhi.”
Tỷ kheo Na Tiên: Cũng như vậy, thưa Đại vương, do nghiệp lực của chúng sanh đọa địa ngục, cho nên dù chúng có bị đốt cháy trong nhiều năm tháng, chúng cũng không bị thiêu cháy hết. Cho nên đức Phật nói: Chỉ khi nào toàn bộ nghiệp lực của chúng sanh đó đã tiêu diệt hết rồi, thì chúng sanh mới chết được ở chỗ ấy.”[16]

Rõ ràng, nghiệp lực là một cái gì đó huyền bí mà con người chúng ta không thể hiểu tường tận được. Chỉ có các bậc A-la-hán, Bồ tát hay Phật mới thấu hiểu trọn vẹn cơ chế của nghiệp.

5/ Vài kết luận về thuyết nghiệp

Trên đây là những bước đầu tìm hiểu thuyết nghiệp của chúng tôi trong các trường phái triết học và tôn giáo ở Ấn Độ. Thuyết nghiệp đã hình thành lâu đời ở Ấn Độ thời cổ đại, có thể là trước khi người Aryan vào vùng đất Ấn Độ như hai nhà Ấn Độ học Zimmer và Basham người Đức đã nói. Thuyết nghiệp đã được thể hiện trong các án văn chương Ấn Độ như kinh Veda, Bhagavad Gita, Mahabharata, cũng như trong các trường phái Chính thống (Astika) như Nyaya, Vaivesika, Sankhya, Yoga, Mimansa và Vedanta; trong các trường phái Phi chính thống (Nastika) mà đại diện là đạo Jain và đạo Phật.

Nhìn chung, thuyết nghiệp được hầu hết các tôn giáo ở Ấn Độ chấp nhận, và giải thích có khác nhau ở nhiều cấp độ khác nhau, trừ phái duy vật Carvaka thì phủ định nghiệp một cách hoàn toàn, tức cho rằng không có nghiệp tồn tại.

Điều gì giải thích được muôn vàn sai biệt của thế giới này? Chỉ có thuyết nghiệp là mới giải thích được. Chúng ta tạm coi khoa học cũng đồng ý về thuyết nghiệp thông qua cuộc đàm thoại giữa hai nhà bác học lớn của thế giới về khoa học và đạo Phật như đã nêu trên.

Thật sự, trên thế gian này không có hai người giống hệt như nhau, thậm chí những cặp sinh đôi có hình tướng giống hệt nhau nhưng tính cách, sự suy nghĩ cũng có cái khác biệt không ít thì nhiều. Đó là do nghiệp của họ tạo ra không giống nhau. Mỗi suy nghĩ, hành động nho nhỏ hơi khác nhau thì đã tạo ra những nghiệp khác nhau rồi. Cũng nhờ vào thuyết nghiệp mà chúng ta có thể giải thích được những trường hợp mà khoa học không làm được.

Trong các thuyết nghiệp nói trên, thuyết nghiệp của đạo Phật là đáng chú ý hơn cả. Nó không mang tính quyết định luận như các tôn giáo và triết thuyết Ấn giáo chính thống; cũng không có tính cơ giới, máy móc như đạo Jain, mà trái lại, thuyết nghiệp của đạo Phật rất năng động, tích cực. Nó còn có chỗ cho ý chí tự do của con người. Đề cao con người. Con người chỉ có thể tạo nghiệp khi có dụng tâm. Theo sự tổng kết của Gs. Minh Chi thì thuyết nghiệp của đạo Phật cho ta những bài học quý giá và sâu sắc như sau:

Một là, thuyết nghiệp của đạo Phật dạy cho chúng ta bài học nhẫn nại và bình thản. Một việc gì không may xảy ra cho chúng ta ở đời sống này đều chỉ là một sự trả giá công bằng cho một nghiệp bất thiện của quá khứ mà chúng ta đã làm từ trước. Ngược lại, nếu gặp may, chúng ta cũng không quá vui mừng mà mất hết tỉnh táo.

Hai là, nghiệp là niềm tin và nổ lực tối đa. Niềm tin vào thuyết nghiệp của đạo Phật thúc đẩy chúng ta làm việc hết mình, sống hết mình vì lý tưởng cao cả đó.

Ba là, nó giúp ta sống tỉnh giác và tinh thần trách nhiệm. Người tin vào thuyết nghiệp biết rằng mỗi phút giây mình sống đều tạo ra nghiệp qua suy nghĩ, lời nói và việc làm. Chúng đều có tác động đến bản thân, gia đình và xã hội trong hiện tại và tương lai. Hiểu biết như vậy, chúng ta sống đầy tinh thần trách nhiệm với những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình dù là cái nhỏ nhất, chúng cũng giúp chúng ta cải tạo bản thân, cải tạo gia đình và xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người.

Nói tóm lại, thuyết nghiệp của đạo Phật nếu được phổ biến rộng rãi sẽ có tác dụng giáo dục quần chúng rộng rãi. Người tin theo thuyết nghiệp của đạo Phật sẽ hạn chế được những hành vi, lời nói, ý nghĩ sai trái hại người, hại thân; hay là nghiệp khuyến khích con người làm việc thiện, nói lời tốt đẹp, tích cực, nghĩ thiện…. sẽ có tác dụng cải tạo xã hội rất lớn. Lời tổng kết của giáo sư Minh Chi trên đây cũng là những lời tâm đắc nhất của chúng tôi khi tìm hiểu về thuyết nghiệp trong các tôn giáo và triết học Ấn Độ nói chung, đạo Phật nói riêng, cùng với sự ảnh hưởng của nó trong tâm thức của người Việt Nam. Ngoài ra, thuyết nghiệp của đạo Phật còn rất gần gũi, thậm chí giải thích được những ưu tư mà khoa học hiện đại không thể cung cấp một sự giải thích thỏa đáng được.

CHÚ THÍCH
[1] Đầu đề chúng tơi không đặt từ khoa học, nhưng trong bài có một mục liên hệ giữa đạo Phật và khoa học về nghiệp.
[2] Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ, Will Durant; Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Lá Bối 1971; tr. 60.

[3] The Wonder of India, G.S. Basham, dẫn lại từ quyển Đại Cương Triết Học Ấn Độ của Gs. Minh Chi, bản thảo; tr. 34.
[4] Dẫn lại từ quyển: Kinh Văn Của Các Trường Phái Triết Học Ấn Độ, Doãn Chính chủ biên; phần luật Manu, tr. 129-130.
[5] Đồng quyển sách trên, tr. 130-131.
[6] Bhagavad Gita, quyển III, trg 40, dẫn lại từ quyển The Hindu View of Life (Quan Điển Ấn Độ Giáo về cuộc sống) của Radhakrisnan, tr 73. Bản Anh ngữ.
[7] Dẫn lại từ quyển Giáo Trình Triết Học Ấn Độ, Gs. Minh Chi soạn; bản thảo.
[8] Đại Cương Triết Học Ấn Độ, Minh Chi; phần Thánh ca Bhagavad Gita; tr. 41 bản thảo.
[9] Đại Cương Triết Học Ấn Độ, Minh Chi; phần Mahavira và đạo Jain; tr. 52 bản thảo.
[10] Dẫn lại từ quyển: Thuyết Bốn Đế, Gs. Minh Chi, bản thảo.
[11] Xem thêm bài Phật Giáo Đời Trần Hay Là Nguyên Nhân Sâu Xa Của Cuộc Kháng Chiến Thắng Lợi Đối Với Quân Nguyên Mông, Gs. Minh Chi.
[12] Mười thiện (thập thiện): không sát sinh mà còn phóng sanh; không trộm cắp mà còn bố thí; không tà dâm mà sống trong sạch; không nói dối mà nói lời chân thực; không nói ác mà nói lời dịu hiền; không nói chia rẽ mà nói lời đoàn kết; không nói lời vô nghĩa mà nói lời có ích; không tham mà biết từ bỏ hay bố thí; không sân mà còn có lòng từ; không si mê mà sáng suốt, tỉnh giác [xem Từ Điển Phật Học Việt Nam, Thích Minh Châu-Minh Chi; NXB KHXH Hà Nội 1991, tr. 662-663].
[13] Xem Từ Điển Phật Học Việt Nam, Thích Minh Châu-Minh Chi, tr.460.
[14] Xem bản Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, tr. 121, NXB TP. Hồ Chí Minh tái bản lần 2 1995. [Bản này không được tốt vì chữ Hán khi phiên âm ra Hán-Việt có nhiều sai sót, hoặc phiên âm thiếu, hoặc sai; chữ Hán trong nhiều câu sắp rất lộn xộn, đọc rất mệt. Chúng tôi nghĩ rằng sự sai sót này chắc là do nhà in sắp chữ không cẩn thận trước khi in.]

[15] Biệt nghiệp và cộng nghiệp, chương 8 quyển Vô Biên Trong Lòng Bàn Tay; Gs. Minh Chi dịch.
[16] Dẫn lại từ quyển Thuyết Bốn Đế, Gs. Minh Chi, phần Nghiệp, bản in vi tính.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1/ The Hindu View of Life, S. Radhakrisnan; George Allen & Unwin LTD, XB ở Anh, lần thứ 9.
2/ Quan Niệm Của Phật Giáo Đối Với Sống-Chết, Minh Chi. NXB TP. HCM 2002.
3/ Thuyết Bốn Đế; Minh Chi, bản thảo (quyển này xuất bản dưới dạng nội bộ).
4/ Kinh Pháp Cú, bản dịch HT. Thích Minh Châu, Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam ấn hành 1989.
5/ Đại Cương Triết Học Ấn Độ, Gs. Minh Chi, bản thảo (quyển này được xuất bản đã lâu).
6/ Giáo Trình Triết Học Ấn Độ, Gs. Minh Chi soạn, bản thảo (quyển này in dưới dạng nội bộ).
7/ Biệt Nghiệp Và Cộng Nghiệp, chương 8 của cuốn L’infini dans la paume de la main (Vô Biên Trong Lòng Bàn Tay), Gs. Minh Chi dịch.
8/ Từ Điển Phật Học Việt Nam, Thích Minh Châu-Minh Chi; NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1991.
9/ Kinh Văn Của Các Trường Phái Triết Học Ấn Độ, Doãn Chính chủ biên; NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội 2003.
10/ Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ, Will Durant; Nguyễn Hiến Lê dịch; NXB Lá Bối Sài Gòn 1971.[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THUYẾT NGHIỆP THEO CÁC TRƯỜNG PHÁI TÔN GIÁO ẤN ĐỘ....

Gửi bàigửi bởi leavemealone » Thứ 3 03/03/09 8:12

Em đang học Văn hóa Ấn Độ, nhưng em không biết những -hành -động -vô- ý, tự vệ có bị coi là gieo "nghiệp" không? (Ví dụ như trong Mahabharata, 5 anh em Pandava đốt lâu đài sáp để thoát thân, vô tình làm chết một người mẹ và 5 người con trai chẳng hạn)
Hình đại diện của thành viên
leavemealone
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Chủ nhật 23/11/08 15:49
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THUYẾT NGHIỆP THEO CÁC TRƯỜNG PHÁI TÔN GIÁO ẤN ĐỘ....

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 5 26/03/09 23:40

Đối với đạo Phật, những hành động vô ý thì không có tạo nghiệp. Chẳng hạn, một người tài xế lái xe bất cẩn cán chết một người. Theo đạo Phật, anh ta không tạo nghiệp vì anh ta không cố tình giết người ấy, hoặc muốn người ấy chết tuy rằng về mặt pháp luật anh tài xế kia phải ngồi tù vì cán chết người.
Theo đạo Phật thì chỉ có những hành động nào có chủ ý hay tác ý(volitional actions; Sanskrit gọi là cetana) thì mới tạo nghiệp mà thôi.
Hành động tự vệ mà gây hại đến người khác thì người ấy đã tạo nghiệp rồi vì có dụng tâm, có chủ trương cơ mà.
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến20 khách