QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN CON NGƯỜI Ở ĐÔNG NAM Á

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN CON NGƯỜI Ở ĐÔNG NAM Á

Gửi bàigửi bởi violin » Chủ nhật 22/03/09 19:41

iI. QUAN NIỆM CHUNG VỀ LINH HỒN

Người Đông Nam Á quan niệm rằng mọi thứ đều có linh hồn (vạn vật hữu linh), mà người Melanesia và Polynesia gọi là mana. Nó có thể nằm trong con người, con vật, cây cối và những vật vô cơ như đất, đá, nước, lửa… cả những vật do con người tạo ra như xe, chum vại…
Ở một số dân tộc Đông Nam Á, linh hồn con người được gọi là :

 Thailand, Laos, Shan: Khuẩn
 Miến: Leip Bya
 Cambodia: Pralung
 Việt: hồn, vía
 Malaysia: Semangat

Từ thuyết vạn vật hữu linh, có thể nói một cách đơn giản quan niệm về linh hồn của người Đông Nam Á như sau :

 Người sống có đủ hai phần: linh hồn và thể xác.
 Người chết: linh hồn đã lìa khỏi thể xác

Linh hồn quyết định sự sống của con người, nếu người chết, các hồn đều biến thành ma (Việt) hay Phỉ (Thailand, Laos)...

Số lượng linh hồn ở con người tùy thuộc vào quan niệm của các dân tộc:

 Người Thailand cho rằng có 120 hồn.
 Người Mường cho rằng có 90 hồn
 Người Khmer thì cho con người có 9 hồn chính
 Các dân tộc miền núi Mindanao (Philippines) cho rằng con người có hai hồn chính: hồn trái và hồn phải. Con người qua đời: hồn trái thành ma ác, hồn phải thành ma lành.

Sau khi con người chết, các linh hồn đến thế giới người chết là một bản - làng bị chia cắt với thế giới người sống bởi sông sâu, biển rộng hoặc lên các tầng trời, nói cách khác là thế giới bên kia – có thể giống hoặc khác thế giới người sống, nhưng cơ bản là một thế giới được tưởng tượng cao hơn dựa trên thế giới thực.
Linh hồn tổ tiên đã mất có quyền năng trừng phạt và phù hộ con cháu, vì thế mà xuất hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Có hai ý niệm trong việc thờ cúng :

 Chết không phải là hết. Người đã chết vẫn có mối quan hệ gần gũi mật thiết với người thân còn sống. Phải thờ cúng để tổ tiên phù hộ và không quấy phá con cháu.
 Uống nước nhớ nguồn, thờ cúng những người đã khuất để tỏ lòng tưởng nhớ công ơn sinh thành

II. CÁCH ỨNG XỬ VỚI LINH HỒN

Từ hai quan niệm trên dẫn đến những cách ứng xử khác nhau với linh hồn người đã khuất, mang hai tính chất chủ yếu là : kính trọng và sợ hãi.

1. Kính trọng:

Gắn liền với những nghi lễ thờ cúng mang đậm tính nhân văn tạo nhiều nét văn hóa tốt đẹp ở Đông Nam Á. Chủ yếu đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, những vị anh hùng dân tộc, những người khai sáng đất nước…Các hình thức này cho đến nay vẫn rất phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, không chỉ riêng Đông Nam Á. Một điều dễ thấy là, về khía cạnh nể trọng này, thái độ của mọi nền văn hóa hầu như không khác nhau là mấy, tuy hình thức biểu hiện có thể khác nhau, nhất là giữa phương Đông và phương Tây. Tuy phương Tây không phổ biến tục thờ cúng tổ tiên nhưng thái độ kính trọng của họ đối với tổ tiên dòng họ khá giống người phương Đông, biểu hiện qua việc bảo vệ danh dự cho dòng họ mà ta có thể dễ dàng lấy dẫn chứng trong các gia đình hiệp sĩ quý tộc thời trung cổ.

Ví dụ:

Để minh chứng cho sự kính trọng với linh hồn tổ tiên – người chết xin lấy ngày lễ báo hiếu / lễ xá tội vong nhân / Lễ Vu Lan làm ví dụ. Mặc dù lễ Vu Lan xuất phát từ Phật Giáo - Ấn Độ dành riêng cho tăng ni - phật tử, nhưng ở Đông Nam Á ngày lễ này đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa – tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – nên đã mang tính đại chúng, tạo nên một nét đặc sắc cho văn hóa Đông Nam Á, nhất là các quốc gia người dân phần lớn theo đạo Phật như Thái Lan, Lào, Campuchia hay Việt Nam. Lễ Vu Lan diễn ra cuối mùa An cư kiết hạ, chính thức là rằm tháng 7.

Ở Việt Nam, lễ Vu Lan người ta tục cúng dường để độ rỗi vong linh gia tiên đang đói khát ở chốn âm ty, đồng thời người ta cũng cúng tế thực phẩm và đốt y phục giấy cho vong linh của thân nhân. Trong ngày này, người ta cũng cúng cháo lá đa, đốt giấy tiền vàng mã cho những linh hồn cô độc không con cháu…
Người Khmer ở Nam Bộ đặc biệt có lễ báo hiếu riêng theo tín ngưỡng bản địa là Lễ Đôl-Ta được tiến hành trong vòng 16 ngày kể từ ngày 16 đến ngày 30 tháng Bhaddapada (Phăt tăk bot, tương đương tháng 8 âm lịch). Người dân đem hoa quả, gạo nếp… đến cúng ở chùa cúng Phật và cho các vị sư. Sau đó đem vật cúng nhiễu ba vòng và bỏ cơm nếp ấy vào trên sàn những túp lều nhỏ được dựng lên 8 hướng chung quanh điện Phật. Họ nhiễu Phật, rải cơm nếp chỉ vào lúc trời chưa sáng lắm vì cho rằng nếu để trời sáng thì hình dáng ma quỷ, miệng ma quỷ thuộc người thân của họ sẽ biến nhỏ đi bởi ánh sáng dương gian. Buổi tối dân chúng đến chùa thỉnh tăng tụng kinh chúc lành, cầu an, nghe thuyết pháp giảng đạo... Để rồi công đức do tụng kinh nghe pháp ấy hồi hướng cho người đã quá cố, giúp họ chuộc tội lỗi và siêu thoát.

2. Sợ hãi:

Gắn liền với sự thờ cúng nhưng hình thức quan trọng hơn là sử dụng các loại bùa ngải, ma thuật trấn - yểm nhằm lợi dụng sức mạnh của linh hồn hay ngăn không cho linh hồn tác quái… nhiều khi rất tàn bạo và man rợ. Đi kèm với chúng thường là các hình thức hiến tế, nhiều khi vượt ngoài sức tưởng tượng, cao nhất là việc hiến tế người, và việc hiến tế ra sao còn tùy tôn giáo và tín ngưỡng của mỗi nền văn hóa. Về phương diện này, ma thuật và bùa chú là sự thể hiện tín ngưỡng đến mức cực đoan và nghiêng về phía tâm linh nhiều hơn.

Ví dụ:


Người xưa rất rất tin vào bùa chú. Họ cho rằng chúng có pháp thuật trừ ma, đuổi qủy, làm mê hoặc người khác. Có một số loại bùa của người Khmer ở An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh thuộc vùng Tây Nam Bộ như:

 Xâm bùa trên thân thể: Họ dùng mũi kim cắm ở cán gỗ, xâm lên người từ độ tuổi vị thành niên những chữ Phạn và hình thần Bà la môn. Vị trí xâm thường ở cùi chỏ, đầu gối, bả vai để bảo vệ khỏi gãy xương, bị đòn không biết đau.
 Cho bùa trên khăn, trên vải: Vẻ trên khăn tay để bỏ túi, trên vải bằng chiếc khăn quấn cổ và trên áo lót. Dùng vải trắng nhuộm màu xanh lá, người mặc áo hay giữ khăn bùa khi đi làm ăn thì gặp vận may, lúc về nhà xếp lại để trên bàn thờ, hằng tháng phải cúng lạy vào ngày 8 và 15.
 Viết trên giấy: Đây là loại bùa phổ biến nhất. Bùa còn được viết trên giấy vàng xếp nhỏ lại trong bọc vải, kết với hai đầu dây ngũ sắc se lại, đeo trên cổ như dây chuyền (thường cùng cho trẻ con) có tác dụng cầu bình an, chống lại ma quỷ. Loại bùa này có khi được đốt lên lấy tro pha với “nước thánh” để uống chữa bệnh.
 Bùa bằng kim loại vàng, bạc, đồng…: là những vật nhỏ để đeo, có hình dáng những con vật, đồ vật linh thiêng. Tác bảo vệ linh hồn chống những thế lực siêu nhiên như ma quỷ, linh hồn tà ác.

Ngoài bùa chú, còn có các loại ngải. Ngải so với bùa thì mạnh bạo, nhạy bén hơn nhưng về độ bền thì không như bùa. Những chuyện gì cần giải quyết cấp tốc, hiển hiện trước mắt thì dùng ngải! Nhưng phải học bùa thì mới có thể luyện ngải. Người ta cần bùa chú để triệu ngải về, mời ngải ăn (cúng ngải), không cho ngải đi bậy, sai khiến ngải đều phải qua phù chú của pháp sư. Ngải không phân biệt thiện - ác nên tốt - xấu là tùy thuộc vào cách sử dụng của người luyện. Có 2 cách luyện ngải như sau:

 Ngải chậu là cây ngải tươi hay bụi ngải tươi được bứng từ rừng về hoặc được gây giống ra mà trồng ở trong chậu để luyện.
 Ngải khô là củ ngải đã đào lên từ bụi ngải trong rừng, trên núi hay trong chậu rồi đem phơi sương, nắng cho thọ khí âm dương sau 3 ngày thì đem vô nhà cúng và luyện.

Nhưng trong nhiều trường hợp, những nghi lễ vừa mang tính kính trọng vừa mang tính sợ hãi, nhất là trong các nghi thức ma thuật bùa chú. Về cơ bản, con người luôn luôn vừa kính trọng vừa sợ hãi những thứ mà trong thế giới thực không tài nào giải thích được, người ta có sợ hãi cái không xác định được mới nảy sinh các hình thức cúng kiếng, từ đó sinh ra các ý niệm khác như lợi dụng nó, thờ cúng nó,… Sự biểu hiện các ý niệm này đồng thời cũng thể hiện bản chất của các nền văn hóa.

III. BẢN CHẤT VĂN HÓA THỂ HIỆN QUA QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN

Bất cứ một sự biểu hiện quan niệm về một phong tục tập quán hay một tín ngưỡng nào đều thể hiện bản chất của nền văn hóa chứa nó. Nói cách khác, đó chính là cái tạo nên bản sắc văn hóa, khu biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác, thể hiện sự đa dạng văn hóa.

Quan niệm về linh hồn, vì vậy cũng thể hiện bản chất văn hóa, hay nói đúng hơn, quan niệm về linh hồn của một dân tộc thể hiện văn hóa tiếp nhận qua thái độ của họ đối với những thứ được gọi là linh hồn đó.
Từ đây, ta phải hiểu, khái niệm linh hồn đối với người Đông Nam Á là gì? Như trên đã nói, ngoài việc xem nó là sự tồn tại đằng sau mọi vỏ bọc của vạn vật, từ những thứ gần gũi đến những thứ xa với, cái hữu tri và vô tri, linh hồn, về cơ bản là sự nhận thức thế giới sơ khai, khoa học không chấp nhận nó nhưng tâm linh thừa nhận nó, với niềm tin vào sức mạnh của một quyền lực không được biết tới nhưng vẫn tồn tại trong thế giới chúng ta. Nói rõ ràng hơn nữa, quan niệm về linh hồn thể hiện thái độ tiếp nhận cái chưa biết của một nền văn hóa. Cái đối lập trong thái độ thể hiện của người Đông Nam Á đồng thời thể hiện tư duy lưỡng phân lưỡng hợp của họ.

Vừa kính trọng vừa sợ hãi đối với “linh hồn” là một thái độ logic của con người đối với những điều mình vẫn chưa biết, và phải chấp nhận nó bằng các hình thức thờ cúng, ma thuật như một cách củng cố niềm tin và giảm thiểu nỗi sợ hãi của mình, điều này ta có thể thấy rõ trong tôn giáo – với sự đối lập giữa thiên đàng và địa ngục. Trong nền văn hóa thực nghiệm phương Tây, thái độ của họ đối với những điều chưa khám phá có phần tự nhiên và mạo hiểm hơn nền văn hóa tâm linh phương Đông, và cũng rõ ràng hơn so với phương Đông – thể hiện qua quan niệm rất rõ ràng trong cái thiện và cái ác của “linh hồn” – tức ma quỷ và thần thánh.

Ngay cả trong các nền văn hóa phương Đông, thái độ này cũng có phần khác nhau. Ta có thể lấy ví dụ trong các câu chuyện của các nước.

Ở Nhật, trong các câu chuyện dân gian thần thoại cổ, hình tượng của quỷ ( Quỷ Đỏ tốt bụng, Cái quần đùi của quỷ… ) lúc ban đầu luôn luôn là bị xa lánh và khinh ghét bởi sự sợ hãi cái khác biệt của người Nhật. Thực chất, các hình tượng quỷ thường lấy từ hình mẫu của những người ngoại quốc cao lớn tóc vàng mắt xanh tóc quăn, điều này thể hiện sự sợ hãi xen lẫn một chút giễu cợt của người nước này đối với những điều chưa biết, cái mới lạ và đồng thời cả sự đoàn kết của họ, nhưng cũng thể hiện sự dè dặt cẩn trọng của họ đối với những điều đó. Ban đầu họ e sợ quỷ Đỏ nhưng sau đó đã chấp nhận người bạn này vào cộng đồng nhờ sự xuất hiện của quỷ Xanh. Hình tượng của con quỷ trong Cái quần đùi của quỷ lại là một sự giễu cợt hoàn toàn. Cho đến bây giờ, con lai hay nói đúng hơn, những người có ngoại hình khác biệt ( nhất là trong thế giới trẻ con ) cũng bị xa lánh, tẩy chay hay chịu sự khinh rẻ của người bản địa, tuy thái độ này giờ đã nhạt đi rất nhiều.

Trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, hình tượng hồ li yêu quái hay ma quỷ tuy mang sức mạnh siêu hình nhưng vẫn có nhưng tâm tính không khác gì con người, chỉ khác là những tính cách đó phần nào được cực đoan hóa hơn so với nhân tính. Đồng thời trong thế giới siêu hình đó, các yếu tố cũng kiểm soát lẫn nhau như một xã hội khác có những luật lệ riêng của mình, mà thường là phiên bản khác của thế giới con người, chẳng hạn như con người sợ ma thì ma sợ mị. Đây cũng là tư duy lưỡng phân lưỡng hợp, trong tư tưởng sẵn sàng chấp nhận những điều chưa biết thì cùng lúc người Trung Quốc cũng sợ hãi nó. Tuy nhiên, ta có thể nhận thấy ước muốn muốn khám phá của họ mạnh hơn so với sự sợ hãi.

Như vậy, từ các câu chuyện, ít nhiều ta cũng nhận thấy được nền văn hóa Nhật Bản là một nền văn hóa tỉ mỉ và cẩn trọng nhưng đồng thời cũng không khép kín hoàn toàn đối với những yếu tố cần học hỏi, tiếp nhận. Trung Quốc thì phức tạp hơn bởi tư duy của họ đi theo nhiều hướng, tuy nhiên ta có thể thấy văn hóa Trung Hoa tuy chấp nhận cái mới nhưng cũng không dễ bị mất đi cái cũ. Về phương diện này thì Trung Hoa không khác gì nhiều so với Đông Nam Á, một nền văn hóa mở nhưng không phải bạ đâu là vơ đấy. Hòa nhập nhưng không hòa tan. Về cơ bản, nền văn hóa Đông Nam Á là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.

[right]thực hiện: Đỗ Uyên - Dược Thảo[/right]
con người dù có thánh thiện đến mấy thì vẫn là con người
Hình đại diện của thành viên
violin
 
Bài viết: 62
Ngày tham gia: Thứ 4 12/03/08 19:40
Đến từ: nơi tận cùng thế giới
Cảm ơn: 4 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN CON NGƯỜI Ở ĐÔNG NAM Á

Gửi bàigửi bởi Dao Vu Hoang » Chủ nhật 22/03/09 21:31

[justify]Cảm ơn Violin với những đánh giá và những nhận định rất tốt về "quan niệm linh hồn ở Đông Nam Á". Với chủ đề là "QUAN NIỆM LINH HỒN Ở ĐÔNG NAM Á", violin đã khái quát rất nhiều khía cạnh về quan niệm linh hồn. Đi đôi với những vấn đề chung đó, violin đã có những ví dụ cụ thể mà đối tượng là người Khmer ở Nam Bộ.

Trong mục "Kính trọng" bạn có đề cập đến một vấn đề cụ thể, đó là lễ hội Đôl-ta (lễ cúng ông bà) của người Khmer Nam Bộ. Có thể bạn đã từng nghiên cứu nhiều về người Khmer nên mới có sự am hiểu như thế. Ở đây, vai trò cũng là một thành viên trong Diễn Đàn, Hoàng xin đóng góp một vài ý kiến: Lễ hội Đôl-ta, gọi là lễ cúng ông bà, lễ này chính là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của đồng bào Khmer Nam Bộ. Có nghĩa là trước khi Phật giáo du nhập vào xã hội người Khmer thì tín ngưỡng này đã tồn tại rất lâu. Cùng với những tín ngưỡng này cũng như các tôn giáo sơ khai có trước, Phật giáo đã biết dung hòa và tạo nên những bản sắc riêng mang dấu ấn Phật giáo. Điều đó được thể hiện rất nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội của người Khmer. Bất cứ nơi đâu có người Khmer sinh sống là nơi đó có chùa chiền, có sư sãi. Hầu hết các lễ hội truyền thống của người Khmer đều có vai trò của nhà sư và thường được tổ chức trong chùa (từ lễ giỗ, lễ cúng trăng, lễ cầu an, lễ tang, lễ tết cổ truyền...cho đến lễ cúng ông bà). Tùy thuộc vào những lễ hội khác nhau mà người ta có cách làm lễ khác nhau, nhưng có một thứ không thể thiếu đó là các nhà sư. Trở về lễ hội Đôl-ta, những gì mà Violin trình bày có thể nói là đã bao quát toàn bộ ý nghĩa của ngày lễ. Tuy nhiên, theo Hoàng biết thì còn rất nhiều yếu tố nhỏ khác mà Violin chưa khai thác hết. Nhưng vẫn rất cảm ơn Violin đã cung cấp những kiến thức rất bổ ích.

Ngoài ra, một vấn đề mang đậm tính chất "linh hồn" cũng được violin đề cập đến. Đó là việc làm bùa phép và chơi ngải. Hoàng không dám phủ nhận về điều này mặc dù khoa học chưa chứng minh. Tuy nhiên, từ khi sinh ra và lớn lên Hoàng đã sinh sống trong cộng đồng người Khmer. Do đó, những gì violin trình bày là những vấn đề rất thực tế và nó vẫn đang tồn tại trong xã hội của người Khmer. Vấn đề chơi ngải, Hoàng cũng được nghe người lớn kể nhiều và Hoàng cũng đã từng chứng minh, là người đã được chứng kiến nhưng không dám "tin", bởi vì "sợ". Hậu quả của việc bị chơi ngải rất khó lường trước. Mặt khác, người chơi ngải cũng khó phân biệt tính chất thiện ác hay tốt xấu. Một phần nó phụ thuộc vào giá trị của "đồng tiền". Anh có nhiều tiền, anh muốn tôi "hại" người đó thì anh sẽ được thỏa mãn, nhưng nếu người đó có nhiều tiền hơn anh thì tất nhiên anh cũng sẽ là nạn nhân. Và, người chơi ngải đôi khi cũng phải gánh những hậu quả tượng tự.

Nói tóm lại, chơi ngải là con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, không phải lúc nào những yếu tố đó nó mang tính tiêu cực. Bởi vì, nó vẫn tồn tại trong xã hội người Khmer đấy chứ, nó vẫn được người Khmer chấp nhận. Vì họ nghĩ "bùa chú, phép thuật.." có thể giúp họ xua đuổi tà ma và mang đến cho họ sự bình an cũng như gặp nhiều vận may. Đây là những vấn đề tế nhị, chúng ta đừng nhanh chóng phủ nhận nó, bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy và nhận biết được nó. Vả lại, chúng ta cũng đừng tin một cách mù quáng. Hai nhận định có vẻ mâu thuẫn, nhưng cốt lõi của cuộc sống tốt đẹp là ở chính bản thân mình.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Dao Vu Hoang
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 15/01/09 21:12
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN CON NGƯỜI Ở ĐÔNG NAM Á

Gửi bàigửi bởi thanhxuyen » Thứ 2 23/03/09 21:27

Bài viết của bạn rất thú vị, bạn có nói :

"Số lượng linh hồn ở con người tùy thuộc vào quan niệm của các dân tộc:

 Người Thailand cho rằng có 120 hồn.
 Người Mường cho rằng có 90 hồn
 Người Khmer thì cho con người có 9 hồn chính
 Các dân tộc miền núi Mindanao (Philippines) cho rằng con người có hai hồn chính: hồn trái và hồn phải. Con người qua đời: hồn trái thành ma ác, hồn phải thành ma lành"


Vậy cho mình hỏi, người Việt Nam mình quan niệm có bao nhiêu hồn?
Từ nhỏ mình hay nghe người lớn nói "ba hồn bảy vía" bạn có thể giúp mình giải thích không ?

Cám on bạn.
RANDOM_AVATAR
thanhxuyen
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: Thứ 5 12/02/09 10:40
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN CON NGƯỜI Ở ĐÔNG NAM Á

Gửi bàigửi bởi violin » Thứ 3 24/03/09 1:23

Chú ý
violin đã viết:thực hiện: Đỗ Uyên - Dược Thảo

@ Hoàng: bài viết lấy lễ Dolta của đồng bào Khmer làm ví dụ, thực sự thì tác giả chưa từng tham dự và chỉ tìm hiểu qua sách vở nên còn nhiều thiếu sót. Cảm ơn bạn đã góp ý.

Còn phần bùa ngải, trong bài cũng đã nói việc này "Ngải không phân biệt thiện - ác nên tốt - xấu là tùy thuộc vào cách sử dụng của người luyện". Nhiều người luyện ngải kể lại chuyện vườn ngải có thể ăn cả một con gà !!!

Bùa ngải không chỉ có ở đồng bào Khmer mà rất phổ biến ở Đông Nam Á. Ở vùng Trường Sơn - Tây NGuyên Việt Nam có rất nhiều loại bùa ngải được các thầy pháp sử dụng trong nhiều nghi lễ (vòng đời, chữa bệnh...) gắn với tín ngưỡng Shanman giáo có từ rất lâu đời. Nhiều loại ngải thật thật sự cũng có tác dụng chữa bệnh

@Thanhxuyen: thật sự thì mình cũng không rành lắm về quan niệm "ba hồn bảy vía" nên chỉ xin nêu một số hiểu biết lượm lặt được trong sách vở. Còn sách nào thì quên rồi :mrgreen:

"ba hồn bảy vía" xuất phát từ quan niệm đạo giáo bên Trung Quốc "tam hồn thất phách". Sang Việt Nam:

+ Nam: ba hồn bảy vía
+ Nữ: ba hồn chín vía

--> hồn, phách là từ TRung Quốc, còn vía thì thật sự là gốc VIệt Nam
--> chỉ có Việt Nam phân biệt vía nam nữ khác nhau, còn TRung Quốc thì nam nữa đều có bảy phách

giải thích điều này có nhiều giả thuyết: bảy hay chín vía, xuất phát từ bảy hay chín "lỗ" (khiếu) trên cơ thể ưức là tai, mắt, mũi... nữ có thêm khiếu ở ngực, tức bầu vú để nuôi con (có lẽ xuất phát từ quan niệm trọng nữ giới trong nền văn hóa gốc nông nghiệp - tín ngưỡng thờ Mẫu) hay là từ hậu môn và cơ quan sinh dục !!!

+hồn là phần linh, phần khí của con người, hồn là phần khinh thanh (trong và nhẹ)
+phách (vía) là cái linh thuộc vào phần hình của con người, phách là phần trọng trọc (nặng và đục) .

Vì vậy, khi người ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan.

có quan niệm khi người mới chết thì phách (vía) còn trong người và đó là nguyên nhân biến họ thành cương thi gây điều tad ác !!!

Đàn ông đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu : ( tam tiêu : miền thượng tiêu trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày, hạ tiêu là miền trên bàng quang )

nếu bạn nào hiểu biết thêm về vấn đề này thì xin giải đáp dùm :mrgreen:
con người dù có thánh thiện đến mấy thì vẫn là con người
Hình đại diện của thành viên
violin
 
Bài viết: 62
Ngày tham gia: Thứ 4 12/03/08 19:40
Đến từ: nơi tận cùng thế giới
Cảm ơn: 4 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN CON NGƯỜI Ở ĐÔNG NAM Á

Gửi bàigửi bởi mychung12011990 » Chủ nhật 12/04/09 18:58

ba hồn bảy vía theo quan niệm người việt:
Người Việt xưa cho rằng con người gồm phần thể xác và phần linh hồn. Một số dân tộc Đông Nam Á coi linh hồn gồm "hồn" và "vía". Vía được hình dung như phần trung gian giữa thể xác và hồn[cần dẫn nguồn]. Người Việt cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía nữa. Hai vía này có nhiều cách giải thích. Chúng có thể là núm vú có vai trò quan trọng trong nuôi con. Tuy nhiên có cách giải thích khác (xem thêm chín vía). Người Việt thường có câu nói nam có "ba hồn bảy vía" còn nữ có "ba hồn chín vía", cũng là từ các quan niệm trên mà ra.
Hồn và vía dùng thể xác làm nơi trú ngụ, trường hợp hôn mê ở các mức độ khác nhau được giả thích là vía và hồn rời bỏ thể xác ở các mức độ khác nhau. Nếu phần thần của hồn mà rời khỏi thể xác thì người đó chết. Khi người chết, hồn nhẹ hơn sẽ bay sang kiếp khác còn vía nặng hơn sẽ bay là là mặt đất rồi tiêu tan. Thế nên mới có những câu ngạn ngữ như: "hồn xiêu phách lạc" (phách tức là vía; ở đây muốn nói trạng thái run sợ, mất chủ động), "sợ đến mức hồn vía lên mây" ...

Khi chết là hồn đi từ cõi dương gian đến cõi âm ty, cõi đó cũng được tưởng tượng có nhiều sông nước như ở cõi dương gian nên cần phải đi bằng thuyền nên nhiều nơi chôn người chết trong những chiếc thuyền.
RANDOM_AVATAR
mychung12011990
 
Bài viết: 77
Ngày tham gia: Chủ nhật 08/03/09 11:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến26 khách

cron