Bàn về vấn đề bảo tồn văn hóa bản địa

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Bàn về vấn đề bảo tồn văn hóa bản địa

Gửi bàigửi bởi mychung12011990 » Chủ nhật 12/04/09 18:33

Lịch sử của loài người đã phát triển qua biết bao thay đổi. Đã có những thay đổi to lớn trên mọi phương diện, mang lại hạnh phúc và sự phát triển thịnh vượng cho con người. Nhưng đồng thời có những thay đổi lại huỷ hoại cuộc sống và nền văn hóa của các dân tộc khác. Có những thay đổi được ghi lại trong các tài liệu lịch sử, được sử dụng như những tư liệu quý, để làm thành những bài học có giá trị lớn, giúp cho những thế hệ hiện tại và mai sau hiểu được những gì đã xảy ra trước đây, để làm cho cuộc sống ngày một tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, lại cũng có nhiều vấn đề đã xảy ra nhưng lại hoàn toàn bị quên lãng, hoặc do chủ quan hay khách quan mang lại. Sự quên lãng cũng có thể do chủ ý của một nhóm người có quyền lực phục vụ cho một mục đích của riêng mình. Hay sự quên lãng cũng là do vô tình hay vô tâm của loài người. Hơn thế nữa, đó còn là sự áp đặt giữa các dân tộc khác nhau trên thế giới, hay cũng là sự áp đặt do chính những người dân cùng mang quốc tịch và dòng tộc giống nhau.

Thế giới đang chứng kiến những đổi thay rất to lớn, sự đổi thay này đang diễn ra từng ngày một, từng phút một và đôi khi, những thay đổi lại không diễn ra một cách đột ngột, khiến cho chúng ta, những dân tộc bản địa không dễ dàng nhìn nhận được điều đó một cách rõ ràng và thấu đáo. Có những nền văn hóa được bảo tồn và lưu giữ thông qua các hiện vật, nhưng có nền văn hóa lại được bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ sau dưới hình thức các câu chuyện kể.

"Có những nền văn hóa được bảo tồn và lưu giữ thông qua các hiện vật"

Tôi viết bài viết này nhằm góp một phần rất nhỏ sức lực của mình với những ý kiến hoàn toàn cá nhân, với mong muốn những người có cùng mối quan tâm cùng chia sẻ, đóng góp làm cho những gì đang bị lãng quên, những khía cạnh xã hội đang bị lu mờ bởi sự phát triển của kinh tế với những diễn biến phức tạp, sẽ được nhìn nhận một cách chính xác và khách quan hơn.

Lịch sử phát triển của xã hội đã chứng kiến những nền văn hoá của nhiều dân tộc bị mất dần đi hoặc bị chuyển hóa sang một nền văn hoá phụ (sub culture) bởi các cuộc di cư từ hàng nghìn năm trước của những dân tộc tự cho mình là văn minh và thượng đẳng hơn, đến những nơi mà họ cho là kém văn minh, là lạc hậu. Họ đã tự cho mình cái quyền khai hóa văn minh và áp đặt lối sống, phong tục tập quán của mình lên những dân tộc bản địa khác; lấy tiêu chuẩn của mình để áp đặt các dân tộc bản địa phải làm theo và coi đó là văn minh, là phát triển.

Trong lịch sử, các cuộc khai hóa văn minh đã diễn ra thông qua bạo lực, áp đặt, đàn áp… với đủ các hình thức khác nhau trên toàn thế giới như chế độ nô lệ ở châu Phi, chế độ quân chủ ở châu Á, chế độ thực dân ở khắp nơi trên thế giới. Với lòng tham được sự hỗ trợ bởi sức mạnh của các loại vũ khí đa dạng khác nhau, các dân tộc tự cho là thượng đẳng hơn, đã bằng mọi cách làm cho các dân tộc kém hơn về điều kiện kinh tế và tiềm lực quân sự, để có thể tự bảo vệ mình bị đồng hóa, bị thay đổi và nghiêm trọng hơn là bị thay đổi trong suy nghĩ và tư duy về những giá trị văn hoá của dân tộc mình.
"Nhưng lịch sử lại quên đi những dân tộc đã tồn tại ở nhiều châu lục trên thế giới
Với sức mạnh của mình, các dân tộc tự cho mình là hơn người khác, đã viết lên những trang sử theo ý nguyện của mình, để biến những việc làm xấu xa của mình thành những thành công và coi đó là những thành công của loài người nói chung, và quên đi sự tồn tại song song của nhiều bộ phận khác nhau trong xã hội loài người. Lịch sử thế giới được bao phủ bởi những cuộc phát kiến địa lý của người châu Âu, những cuộc chiến tranh của các nước đế quốc, của các chế độ nô lệ hay thực dân, nhưng lịch sử lại quên đi những dân tộc đã tồn tại ở nhiều châu lục trên thế giới và sự phát triển cùng với nền văn hoá của những người bản địa. Các cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc ở chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, đã làm cho chúng ta quên đi nhiều dân tộc khác nhau ở nhiều châu lục khác nhau, đã đang tồn tại song song và lịch sử phát triển của họ còn có nhiều giá trị đáng được loài người biết đến hơn, là các vấn đề thắng hay thua của các nước đế quốc.

Đã bao giờ nước Mỹ nghiên cứu về những giá trị văn hoá của người bản địa (native American) trong giai đoạn hàng nghìn năm trước đây, hay lịch sử của nước mỹ chỉ bắt đầu bằng ngày Colombus đặt bàn chân của mình lên vùng đất này, và mở ra một giai đoạn của lịch sử của vùng đất - với sự câm lặng cu các bộ tộc da đỏ trong hơn 500 trăm năm qua? Đành rằng các chế độ nô lệ, thực dân là rất đáng phải viết và lên án, để các thế hệ hiện tại và sau này hiểu được những ngày đen tối trong lịch sử của những dân tộc bị áp bức với những dân tộc áp bức nhằm góp phần bôi trơn hơn cho cỗ máy của lịch sử vận động một cách hoàn hảo và tốt đẹp hơn. Nhìn về lịch sử, không phải là để níu kéo một điều gì, mà chính là để hiểu rõ hơn những đổi thay ở hiện tại và định hướng cho sự phát triển của tương lai mà thôi.

"Là một người Việt Nam, tôi hiểu rõ vấn đề này hơn bao giờ hết, khi nhìn lại lịch sử của chính đất nước mình"

Là một người Việt Nam, tôi hiểu rõ vấn đề này hơn bao giờ hết, khi nhìn lại lịch sử của chính đất nước mình. Hàng nghìn năm bị Trung Quốc đô hộ, gần một thế kỷ sống dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp, hơn một thập kỷ đất nước bị chia cắt bởi sự xâm lược của nước Mỹ, ngoài ra còn rất nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử đã được đánh dấu bởi sự xâm lược của Nhật Bản, của chiến tranh biên giới với các nước láng giềng. Vấn đề nền văn hoá của Việt Nam không bị ảnh hưởng, đổi thay mới là điều đáng ngạc nhiên. Sinh ra thuộc một thế hệ mới, tôi hiểu được và tự hào về những giá trị mà những gì dân tộc Việt Nam đã trải qua và đã đấu tranh vì một Việt Nam như ngày hôm nay; và tôi cũng hiểu được một phần nào đó những suy nghĩ, đấu tranh của nhiều dân tộc khác kém may mắn hơn.

Mỗi khi nghe những phát ngôn từ Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối những xuyên tạc của báo chí nước ngoài hay các phát ngôn của các tổ chức nhân quyền…, tôi hiểu được rất rõ về giá trị của những phát ngôn này. Tôi không bàn về nội dung của các phát ngôn, mà tôi muốn bàn về tiếng nói của Chính phủ Việt Nam với cương vị là đại diện cho toàn dân tộc. Đó là tiếng nói của một dân tộc độc lập, có chủ quyền và có vị thế trên trường quốc tế. Đó là tiếng nói của một dân tộc đã đấu tranh và hy sinh nhiều thế hệ, để có thể tự mình quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình. Đó là tiếng nói khẳng định quyền tự quyết với những vấn đề đang diễn ra thuộc về thẩm quyền giải quyết của dân tộc Việt.

"Các nền văn hóa khác nhau đã và đang xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau"

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, như tôi đã nói trên đây, những đổi thay và những ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau đã và đang xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Những ảnh hưởng này đang diễn ra dưới một hình thức ngọt ngào hơn, sâu sắc hơn và kém rõ ràng hơn, nhưng lại chứa đựng sức ảnh hưởng khủng khiếp hơn, đa dạng hơn. Trong thời kỳ thực dân thì đó là sự áp đặt rất rõ ràng và có chủ định của một nền văn hoá khác lên một nền văn hoá bản địa. Trong thời đại ngày nay, đó là sự ảnh hưởng vô hình thông qua các phương tiện truyền thông cũng như các hoạt động kinh tế với sức mạnh của đồng tiền, khiến cho các nền văn hoá của các dân tộc khác nhau trong cùng một nước bị lu mờ dần đi, để nhường chỗ cho những dân tộc có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Trước đây những tác động này được nhìn thấy rõ bằng súng đạn, gươm giáo thì ngày nay những tác động này lại được nhìn nhận thông qua súng đạn lẫn phương tiện truyền thông, các hoạt động kinh tế.

Đối với vấn đề lịch sử, mọi việc cũng phần nào đã rõ ràng, nhưng đối với hiện tại tôi chỉ xin lấy một ví dụ của Việt Nam và hy vọng trong tương lai sẽ được chia sẻ nhiều ý kiến khác nhau hơn nữa. Với sự phát triển ển của Internet và những tiện ích của nó đã được các nước phát triển sử dụng một cách tối đa và với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại và những chi nhánh đại diện khác nhau của các nước trên thế giới, với sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản đã khiến cho những giá trị truyền thống và những khía cạnh khác nhau của văn hóa đã dần dần bị thay đổi và văn hoá CoCa CoLa, Pepsi, Hip Hop… đã hiện diện trên đất nước Việt Nam hay những lối sống buông thả trong một số bộ phận thanh niên đã và đang là những vấn đề bức xúc của Việt Nam. Những tinh thần chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau đang nhường chỗ cho lối sống của một số nhóm thanh thiếu niên, những người sẽ làm chủ đất nước đang lao vào cuộc sống hưởng thụ, theo những chiều hướng không lành mạnh. Sự phân hoá giầu nghèo ngày càng rõ rệt, với những mảnh đời lang thang kiếm ăn từng bữa của những em bé và người già trên đường phố và những lối sống gấp của những cậu ấm cô chiêu đang tiêu xài những đồng đô la trong một đêm với giá trị bằng cả một năm làm việc cật lực của một gia đình nông thôn. Ngoài ra còn nhiều vấn đề nữa đang diễn ra trong xã hội ở những cấp độ khác nhau, mà trong bài này tôi chưa thể thống kê hết được.

"Để làm được điều đó, những dân tộc bản địa cần thiết phải có những mối liên hệ qua lại lẫn nhau"

Vậy giải pháp cho các vấn đề này như thế nào? Không phải cứ xảy ra vấn đề nào là sẽ có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đó ngay. Nếu được như thế thì không có điều gì phải suy nghĩ. Vấn đề quan trọng là việc ý thức được vấn đề đấy hay không. Tôi cho rằng việc hiểu được những mối hiểm hoạ một cách chính xác và làm cho những hiểm họa đó trở nên rõ ràng đã là một thay đổi lớn và điều đó cũng sẽ đóng góp một phần rất lớn rồi. Để làm được điều đó, những dân tộc bản địa cần thiết phải có những mối liên hệ qua lại lẫn nhau, chia sẻ những kinh nghiệm và những vấn đề khác nhau đã, đang xảy ra và cùng hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn, đó chính là sợi dây vô hình giúp cho các dân tộc bản địa trên thế giới, bảo tồn được những giá trị văn hóa của mình. Tôi hy vọng bài viết này sẽ là một trong những viên gạch nhỏ bé, được gắn kết với nhau bằng chất liệu đặc biệt, giữa cộng đồng quốc tế để xây dựng nên một thế giới với bức tranh đầy đủ mầu sắc của nó, và mỗi một dân tộc sẽ là một phần tất yếu cho sự bền vững của bức tranh này.
NGUYỄN THANH HẢI
(ĐH Oregon, Eugene, Oregon, Hoa Kỳ)
RANDOM_AVATAR
mychung12011990
 
Bài viết: 77
Ngày tham gia: Chủ nhật 08/03/09 11:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến30 khách