các điệu múa Đông Nam Á

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

các điệu múa Đông Nam Á

Gửi bàigửi bởi mintcandy » Thứ 6 01/05/09 21:51

Múa là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu và đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn Đông Nam Á. Múa gắn liền với các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc Đông Nam Á. Trong các lễ hội thì các điệu múa luôn là tâm điểm và là những tiết mục được trông chờ nhiều nhất. Các điệu múa Đông Nam Á rất đa dạng và phong phú nhưng cũng dựa trên hai phong cách biểu diễn điển hình là múa cung đình và múa dân gian.

I. Đặc điểm chung:
• Nếu như so sánh với phương tây và các nền văn hóa gốc du mục, họ rất xem trọng đôi chân do đó họ có truyền thống nhảy, những điệu nhảy sử dụng chân là chính. Thì ngược lại Đông Nam Á là khu vực điển hình của nền nông nghiệp lúa nước, sản xuất nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi và thủ công nghiệp, nên thiên về múa, các điệu múa chủ yếu sử dụng đôi bàn tay.
• Hầu hết những động tác múa đều dựa trên sự uyển chuyển, mềm mại, và khéo léo của đôi bàn tay. Ở múa không có những động tác mạnh mẽ, dồn dập, gấp gáp như những điệu nhảy của phương Tây.
• Đặc điểm chung ở các điệu múa là sự ý nhị, kín đáo, các động tác trình diễn e lệ, nhẹ nhàng, nhất là ở các điệu múa nữ , các động tác múa chỉ mang tính biểu trưng ước lệ , nhấn mạnh vào việc tả thần hơn tả thực, chú trọng vào nội dung biểu đạt hơn là hình thức biểu diễn. Vì vậy để người xem hiểu được, các điệu múa cần phải trình diễn cách rất khéo léo và tỉ mỉ.
• Bên cạnh đó các điệu múa ở Đông Nam Á nhìn chung không chỉ mang tính chất nghệ thuật giải trí mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa tính chất nền nông nghiệp lúa nước và tư duy về tôn giáo, tín ngưỡng phong tục…

II. Hai loại hình chính :
Múa cung đình:
• Là những điệu múa có hệ thống bài bản, chuẩn mực riêng.
• Nghệ thuật múa cung đình đòi hỏi ở người diễn viên sự khổ luyện rất cao. Do múa cung đình có tuyến đơn giản, tiết tấu chậm rãi, khoan thai, sâu lắng nên chủ yếu trong các động tác múa dùng hình tượng cơ thể để khắc họa tâm trạng. : chim thần (Krud), tiên (Kennâr), Apsara, dâng hoa...Từ những diễn tả tâm trạng bằng hình tượng cơ thể, dần dần những động tác múa được qui nạp chuẩn mực rất chặt chẽ về hình thể, tay chân đến ánh mắt nụ cười. Người xem như bị cuốn hút theo từng động tác của người nghệ sĩ.
• Trong nghệ thuật múa cung đình, từ ngón tay đến gót chân cũng có tiếng nói riêng.
• Múa cung đình phần lớn là nữ, những nhân vật nam cũng chính là do nữ đóng giả.
• Loại hình múa cung đình do được sự bảo trợ và nuôi dưỡng của cung đình, nhà nước, với những vở biểu diễn có qui mô lớn, nên về mặt trang phục và đạo cụ biểu diễn được chuẩn rất phong phú và kĩ lưỡng. Hầu hết trang phục của các nghệ sĩ múa được làm từ chất liệu tốt và rất đẹp
• Do là nghệ thuật của sân khấu cung đình nên các tuyến nhân vật là vua chúa, quan lại, quí tộc…Thú vật trong các điệu múa cũng là các vật linh được nhân hóa như khỉ Hanuman, chim thần, rắn thần….
• Có bốn môtip tính cách nhân vật trong nghệ thuật múa cung đình là:
Neang là người đàn bà
Neayrong là người đàn ông
Yeak là người khổng lồ
Sva là con khỉ
Hình tượng nhân vật khổng lồ và con khỉ trong các điệu múa ở Đông Nam Á là do ảnh hưởng từ Ấn Độ, con khỉ ở đây là tướng khỉ Hanuman trong sử thi Ramayana còn nhân vật người khổng lồ thì xuất hiện trong các thần thoại Ấn Độ.
• Hầu như các điệu múa trong nghệ thuật múa cung đình ở Đông Nam Á đều là những điệu múa về tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo, do ảnh hưởng sâu đậm từ Ấn Độ. Bên cạnh đó còn là niềm tin mãnh liệt vào thuyết vạn vật hữu linh của cư dân Đông Nam Á, tạo nên yếu tố tâm linh được thể hiện qua các điệu múa, đặc biệt là ở loại hình rối. Ví dụ : rối mặt nạ Lokhon của Campuchia
• Các điệu múa cung đình do tính chất trang trọng, trọng đại nên thường được biểu diễn trong các lễ hội lớn của dân tộc hoặc một quốc gia.
Đây là điệu múa khởi nguồn từ người Khmer, sau đó được truyền bá sang Thái Lan và đến Miến Điện. Sau chiến tranh và những cuộc cải cách vào thế kỉ XX, điệu múa này gần như bị mất đi, cho đến ngày nay, một số quốc gia Đông Nam Á đã đang tìm cách khôi phục lại.


Múa dân gian:
• Nếu như múa cung đình mang tính mực thước, trang trọng, cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian ngược lại hoàn toàn. Múa dân gian là những điệu múa được hình thành từ đời sống lao động của người dân nên nhìn chung , các điệu múa đều mô phỏng rất gần với cuộc sống đời thường khi sinh hoạt, lao động.
Ví dụ: - Múa quạt: một hình thức múa dân gian lâu đời. Dụng cụ chính là chiếc quạt: xòe ra hay xếp lại cả cặp hoặc một xòe một xếp. Có thể múa cá nhân trong các ngày lễ hay múa tập thể trong những ngày lễ hội.
Người Chăm ở Việt Nam có điệu múa đoa-pụ (múa đội bình nước bằng đất nung có màu gạch, hình dáng tương tự tĩn, hũ) đây là một điệu múa do đội hình khoảng 7 hoặc 9 thiếu nữ, mỗi người đội 1 cái bình trên đầu để múa, trong đó có 1 thiếu nữ múa ở giữa đội hình; có thể nói rằng các thiếu nữ múa rất điêu luyện, trong khi trên đầu đội bình, nhưng vẫn múa rất nhiều động tác phức tạp mà vẫn không làm rơi bình. Đây là điệu múa mô phỏng từ thực tiễn người phụ nữ Chăm trong lao động để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá là chính. Từ xa xưa, có lẽ người Chăm dùng những cái bình đất lấy nước sinh hoạt từ các sông, suối, giếng, đội về dùng. Trong nhiều lễ hội, người Chăm còn tổ chức thi múa đội nước.
Một điệu múa đặc sắc khác cũng của người Chăm ở Việt Nam là điệu múa hát vãi chài, mô tả lại quá trình đánh bắt cá trên sông biển của người Chăm xưa. Đây là điệu múa tái hiện lại câu chuyện lao động và đấu tranh của con người đối với tự nhiên. Mở đầu bằng tiết tấu trống dồn dập, các chàng trai xuất hiện, múa những động tác chèo thuyền, mang lưới, quăng lưới, bắt cá, kế đến là đoạn múa ngả nghiêng, bơi, cản nước… diễn tả sự chống chọi với phong ba bão táp nổi lên, sóng to ập đến, nước cuốn trôi. Tiết tấu trở nên gay gắt, âm nhạc xáo động, tạo ấn tượng hỗn loạn; cuối cùng bằng ý chí và sự can đảm những chàng trai đã vượt qua nguy nan để chiến thắng. Trời quang mây tạnh, chiếc thuyền bình yên trở về. Có thể nói với điệu múa hát vãi chài, thông qua ngôn ngữ múa, người Chăm muốn khẳng định ý chí, tinh thần con người có thể thắng được những trở lực của thiên nhiên nhằm xây dựng cuộc sống no đủ.
Múa roi và múa đạp lửa: nhịp điệu khỏe khoắn, tượng trưng cho sự bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khổ trong đời sống.
Múa khăn, múa chèo thuyền, múa đạp lửa, múa âm dương….
• Do tính chất bình dân, xuất phát từ hiện thực cuộc sống lao động, gắn liền với rất nhiều lễ hội dân gian, mang tính quần chúng, tập thể nên những động tác múa dân gian rất thoải mái, lạc quan, yêu đời, và có tính chất hóm hỉnh, hầu như mọi người dân đều rất thông thạo và có thể tự thực hiện những động tác múa này.
Ví dụ: múa trống Xadam, múa trống Paranưng, múa hài hước…
• Hầu hết các điệu múa dân gian dựa trên tính chất nông nghiệp lúa nước, ở Đông Nam Á có rất nhiều điệu múa liên quan đến quá trình sản xuất lúa như nhổ mạ, vãi mạ, cấy lúa, làm cỏ, gặt đập lúa, xay thóc, giã gạo, sàng sẩy …Tất cả những động tác đều được biểu diễn một cách ước lệ, không có những đạo cụ cụ thể như cuốc, cày nhưng người xem vẫn hiểu là điệu múa đó đang diễn tả về cảnh làm đồng, hoặc trong điệu múa sàng sẩy, tuy người biểu diễn không hề sử dụng thúng hay sàng, mẹt nhưng người xem vẫn hiểu được ý nghĩa của điệu múa qua những động tác khéo léo của đôi tay, giả như đang sàng, xoay, lắc…
• Ngoài ra còn có những điệu múa diễn tả cảnh dong buồm, chèo thuyền, tung lưới bắt cá mà không có thuyền, lưới…cảnh uống rượu, trà, phi ngựa, cảnh mua bán…
• Bên cạnh đó, một số điệu múa dân gian Đông Nam Á còn biểu hiện được các yếu tố tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng…Tuy nhiên do là những điệu múa xuất phát từ cuộc sống bình dân của con người lao động nên cách thể hiện các yếu tố này cũng rất đơn giản, không cầu kì, điêu luyện như các điệu múa cung đình
• Yếu tố tâm linh còn được bộc lộ rất rõ nét loại hình rối. Múa rối hầu như có mặt ở khắp các quốc gia Đông Nam Á.
Ở Campuchia, có rối mặt nạ (gọi là Lokhon) diễn lại tích truyện Riêmke. Người Khmer biểu diễn rối mặt nạ trong các nghi lễ cầu mưa, cầu mùa màng bội thu, hay cầu chúc một năm mới tốt lành may mắn.
Rối mặt nạ ở Myanmar được gọi là Nat. được tổ chức ở nhiều nơi, gắn liền với các mục đích tôn giáo, cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đầy đủ.
Ở Indonesia và Malaysia, tính chất tôn giáo được thể hiện qua rối mặt nạ ( Wayang Topeng) rất đậm nét, người ta thường sử dụng loại hình rối này trong các buổi cúng tế vong hồn, trong các dịp tế lễ thần linh bản địa.
Ở Lào có múa rối Pu nhơ nha nhơ diễn tả hành động xua đuổi tà ma, múa Pu nhơ nha nhơ còn tỏ lòng biết ơn công đức tổ tiên đã giúp con người khai phá đất đai, trồng cấy và có cuộc sống yên bình.
Ngoài ra ở Thái Lan, có rối Khon, tổ chức trong các dịp lễ tết, hội hè, đám cưới và ngay trong đám tang. Ở Việt Nam có nghệ thuật rối nước vô cùng đặc sắc.
Cư dân Đông Nam Á còn có nhiều điệu múa thể hiện đời sống sinh hoạt cộng đồng ở các làng xã, thôn ấp…như điệu Răm vông, Lăm leo, Saravan…Đây là những điệu múa có động tác khá đơn giản nên mọi người dễ dàng bắt chước. Vào những dịp lễ Tết, đám tiệc, hay mừng nhà mới, họ thường tổ chức múa hát tập thể, tạo nên không khí giao lưu phấn khởi, đoàn kết, thân ái trong cộng đồng. Khi tiếng trống hoặc bản nhạc vang lên, tất cả mọi người, những người già, trẻ em, đôi trai gái cùng uyển chuyển bước ra sân, hòa mình vào điệu múa tâp thể. Tuy vậy, khi tham gia múa, mọi người cũng phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định như: người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. Đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng, động tác múa càng nhanh hơn theo nhịp trống. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chắp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ.
mưa làm áo em dường như trong suốt...
RANDOM_AVATAR
mintcandy
 
Bài viết: 60
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/03/08 22:50
Đến từ: nhà của tui
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron