Phật giáo và Văn Hóa Ấn Độ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Phật giáo và Văn Hóa Ấn Độ

Gửi bàigửi bởi honomushi » Thứ 5 30/07/09 11:10

[justify]Văn hóa Ấn Độ là sự pha trộn của Brahman (Bà là môn) và Sraman nghĩa là những truyền thống của đạo Jain (Đạo Lõa Thể) và Phật giáo. Cả hai truyền thống này đã có nhiều sự đóng góp phong phú cho sự phát sinh và phát triển văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, dòng lịch sử của Phật giáo và truyền thống Phật giáo hòan tòan khác hơn truyền thống Bà la môn (đạo Hindu) hoặc là truyền thống Đạo Jain. Truyền thống Bà la môn là nền văn hóa chiếm ưu thế, liên tục giữ gìn truyền thống của chính mình ngay cả trong mọi hòan cảnh chính trị bất lợi có những ngược đãi nào đó. Bất cứ khi nào tôn giáo và đạo đức xã hội xuống thấp thì những nhà lãnh đạo tôn giáo đã xuất hiện để chấn chỉnh và làm trong sáng hệ thống này bằng cách đánh thức quần chúng về đạo đức chân chánh của các giai đoạn lịch sử ở Ấn Độ từ xưa đến nay, và ngay cả truyền thống của đạo Jain đương thời, mặc dù tín đồ của đạo này có phần giới hạn về số lượng, nhưng họ đã tiếp tục tồn tại và duy trì nét đặc thù của đạo Jain bằng việc thực hiện các sự chỉnh lý bên ngòai với sự tồn tại các hệ thống xã hội mà không làm tổn thương các nguyên lý cơ bản. Quy chế sinh họat của tu sĩ cũng như cư sĩ của đạo Jain không những bảo tồn những di sản của nó mà còn chắc chắn tiếp tục truyền thống thiêng liêng của họ.
Việc phát sinh hiện tượng Phật giáo từ một tông phái tu viện nhỏ bé vào thế kỷ thứ XI trước Tây Lịch đã trở thành một quốc giáo dưới thời hòang đế A Dục và lan rộng trong các quốc gia Tích Lan, Miến Điện, và các vùng thuộc Đông Nam Á; rồi dưới thời vua Kanishka, Phật giáo đã truyền đến vùng Trung Á và Trung Quốc, đã đánh dấu một tính cách vô cùng quan trọng vượt khỏi phạm vi quốc gia của giáo lý Đức Phật.

Tại Ấn Độ, sau một giai đoạn phồn thịnh với sự biểu hiện những đặc điểm của nền văn hóa, văn chương phong phú và các họat động nghệ thuật ca ngợi tánh chất thiêng liêng dưới các giai đọan đa dạng của Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cang thừa, Phật giáo hầu như đã bắt đầu bị suy tàn và biến mất vào thế kỷ thứ XII. Sự đồng hóa của những ý tưởng và cách tu tập của Đạo Hindu, đặc biệt là Tantrik (mật giáo) trong Phật giáo đương thời bị suy yếu dần ,thêm vào đó sự xâm lăng của Hồi giáo ở thế kỷ XI là những nguyên nhân dẫn đến sự hủy diệt các tu viện Phật giáo ở Bắc và Trung Á đây là một vài thực tế lịch sử cho biết Phật giáo hòan tòan đã bị suy tàn. Chỉ có Laddakh và vùng lân cận là một ngọai lệ, nơi Phật giáo mật tông đã được thiết lập và tiếp tục vững mạnh.
Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng Phật giáo đã biến mất khỏi Ấn Độ mà không để lại ảnh hưởng của nó đối với dân chúng và văn hóa Ấn Độ.Phật giáo đã có ảnh hưởng tỏa khắp chiều rộng lẫn chiều sâu ở Ấn Độ. Các tháp, tu viện, đền và các thánh tượng của Phật giáo được xây dựng ở nhiều nơi phật tích trên lục địa Ấn Độ này. Trong nhiều thế kỷ, người dân Ấn đã kính trọng và tôn thờ các danh hiệu, hình tượng, lời dạy của chư Phật và Bồ Tát.Phật giáo đã sản sinh một khối lượng đồ sộ văn học Pali, Sanskrit và các ngôn ngữ bản xứ; các bài học, cao đẳng và tu viện Phật giáo với những thư viện và giáo lý phong phú vĩ đại đã hướng dẫn người dân Ấn trong nhiều thế kỷ qua; vô số trung tâm nghệ thuật và chiêm bái của Phật giáo khắp Ấn Độ đã trở thành một nguồn giáo dục và rèn luyện cho vô số người Ấn từ thời cổ đại. Tôn giáo, đạo đức, triết học và mật tông của Phật giáo đã phát triển như là một đỉnh cao đã tạo ra sự ảnh hưởng lâu dài đến nền văn hóa và văn minh của Ấn Độ . Ấn giáo của đạo Bà la môn về Smritis, các thiên sử thi và chuyện cổ tích Ấn Độ đã thấm nhuần di sản phong phú của Phật giáo và chấp nhận Đức Phật như là vị thần Avatara thứ chín. Các bậc đạo sư Hindu nổi tiếng đã tự hào khi tuyên bố Đức Phật như bậc thánh vĩ đại của đạo Hindu, và như "người sáng lập đạo Hindu hiện đại" . Chúng ta không thể chối bỏ sự thật rằng, Phật giáo tiếp tục tồn tại trong đạo Hindu, mà Hindu đã đồng hóa các giáo lý trung tâm của đạo đức và siêu hình học của Phật giáo và đó là lý do tại sao Phật giáo đã chuyển hóa đạo Bà la môn cổ thành đạo Hindu hoặc Tân Bà la môn. Đức Phật được xem như vị thần Avatara là hóa thân của thần Vishnu. Các đấng sáng tạo Hindu đã thêm vào các ý niệm hữu thần trong hệ thống vô thần của Yoga, Samkhya và Phật giáo. Điều này hình như đã thành công trong việc đem Yoga, Samkhya và Phật giáo vào trong đạo Hindu.
Sau khi Ấn Độ đã được độc lập, Chuyển pháp luân (Dharmacakra ) của Phật giáo được xem là biểu tượng của quốc gia và được gắn trên quốc kỳ Ấn Độ, cũng như đầu cột hình sư tử nổi tiếng của vua A Dục đã trở thành con dấu của nước cộng hòa Ấn Độ. Những di sản của Phật giáo này đối với đời sống hàng ngày của chúng ta phải được duy trì vô hạn. Hãy để những biểu tượng của lý tưởng Hòa bình và Gíac ngộ của Phật giáo là những ngôi sao sáng để dẫn đường tất cả tư tưởng và hành động của chúng ta trong đời sống quốc gia và trật tự quốc tế trên thế giới này.
(Từ nguyên tác tiếng Anh của Dr. Bimlendra Kumar (405 Mansarovar Hostel, University of Delhi, Delhi 7 ), trong tạp chí " Maha Bodhi Century Volumn", New Delhi, 1991, P. 17-18 )
http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/gi ... nhoaAn.htm[/justify]
RANDOM_AVATAR
honomushi
 
Bài viết: 75
Ngày tham gia: Thứ 7 08/12/07 22:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Phật giáo và Văn Hóa Ấn Độ

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Thứ 7 01/08/09 22:53

[center]VÌ SAO ĐẠO PHẬT SUY TÀN Ở ẤN ĐỘ?[/center]
[center]Minh Chi[/center]
[center]Học Viện Phật giáo Việt Nam[/center]

[justify]Vì sao đạo Phật nảy sinh ra từ Ấn Độ, trải qua một thời kỳ phát triển huy hoàng ở đây, và hơn nữa được truyền bá thắng lợi tại nhiều vùng rộng lớn trên thế giới, nhưng lại bị suy vong và hầu như mất hết dấu tích tại chính nơi “chôn nhau cắt rốn của mình”.
Đó là một vấn đề khó hiểu, một vấn đề mà các sử gia tôn giáo đã từng dày công nghiên cứu để tìm cách giải đáp. Theo chúng tôi có thể có những nguyên nhân chính như sau:
1.Nguyên nhân thứ nhất mà cũng là nguyên nhân chính, đó là sự thoái hóa của đoàn thể Tăng già Phật giáo, đặc biệt là từ thế kỷ thứ VIII trở đi, khi phong trào Phật giáo Mật tông lan tràn khắp Ấn Độ, dẫn tới nhiều Tăng Ni buông lỏng giới luật, chây lười học tập, say sưa với những phép tu kỳ hoặc, hấp dẫn, thường mở đường cho nhiều tệ mê tín dị đoan. Sức sống của Tăng đoàn Phật giáo trước hết là ở chỗ, Tăng Ni luôn luôn nêu gương của đời sống thánh hạnh, trong sáng, giản dị, thiểu dục tri túc, rộng lượng bao dung, toàn tâm toàn ý vì chúng sanh phục vụ. Nếu để cho những đức tính đó suy giảm đi, thì ảnh hưởng của Tăng đoàn sẽ lu mờ. Lúc sinh thời, Phật Thích Ca và những học trò thân cận của Phật đều là hiện thân sinh động của những đức tính nói trên, và sau khi Phật nhập Niết Bàn, nhiều thế hệ Tăng Ni đã kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang đó của Phật, thu hút vào Phật giáo hàng triệu tín đồ mới, xuất gia và tại gia, gồm đủ các hạng người, từ vua chúa cho đến thứ dân.
Ngay ở thế kỷ thứ VI sau Công nguyên, tức thế kỷ thứ IX sau Niết Bàn, ở Ấn Độ có những trung tâm Phật học lớn, những trường Đại học Phật giáo lớn rải rác khắp xứ. Đến học tập tại những trung tâm Phật học và trường Đại học Phật giáo đó, không những có người Ấn Độ, mà có cả những người từ nhiều nước đến từ Trung Hoa, Nhật Bản, Mông Cổ, Tây Tạng, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam v.v...
Vua quan, thương nhân và cả những tín chủ bình thường cũng đều góp công, góp của xây dựng và duy trì những trung tâm Phật giáo và Phật học lớn đó. Số của cải cúng dường lớn lao của thập phương một mặt làm cho các trung tâm Phật giáo và Phật học ở Ấn Độ trở nên hưng thịnh, giàu có, nhưng mặt khác cũng dễ làm cho Tăng Ni quen với nếp sống dễ dãi, thậm chí, phần nào xa hoa. Một số Tăng đoàn tại một số nơi, chiều theo tâm lý quần chúng, bắt đầu dung túng những lễ nghi, tín ngưỡng, xa lạ, thậm chí còn mâu thuẫn với tôn chỉ của đạo Phật. Đó là những bước đầu thoái hóa của đạo Phật ở Ấn Độ, tức là sự thoái hóa từ bên trong của nội bộ Tăng đoàn.
2. Nguyên nhân thứ hai là nạn xâm lăng và phá phách của các đạo quân Hồi giáo.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ XII, các đạo quân Hồi giáo từ mé Tây Bắc tràn xuống Ấn Độ, tiến tới đâu thì tàn sát dân chúng tới đó, không kể là Tăng hay tục, đốt phá nhà cửa, chùa chiền, tu viện Phật giáo. Sử gia người Thổ mô tả trong cuốn sách Yavakât của ông về vụ đốt cháy trường Đại học Phật giáo Nalanda, trong đó hàng nghìn vị sư bị thiêu sống, một số nhiều hơn bị chặt đầu, thư viện của trường cháy hàng tháng trời mới tắt.
Số Tăng Ni bị giết hại quá nhiều, khiến cho hàng ngũ Phật tử mất hết những người lãnh đạo cuộc sống tâm linh của họ, dần dần, để tự vệ, họ ngả theo đạo Hồi và đạo Bà-la-môn.
3. Nguyên nhân thứ ba: là sự chống đối và phá hoại của đạo Bà-la-môn. Những người Bà-la-môn sở dĩ căm thù đạo Phật là bởi vì đạo Phật chống lại chế độ đẳng cấp xã hội, chế độ này vốn suy tôn những người Bà-la-môn là đẳng cấp xã hội cao nhất. Khi đạo Phật đang ở trong thời kỳ hưng thịnh, thì những người Bà-la-môn không làm gì được, vì đạo Phật được hàng vua chúa sùng đạo che chở và có quần chúng tín đồ đông đảo. Nhưng trải qua mấy đợt xâm lăng của quân Hồi, đạo Phật bị suy yếu đi nhiều, những người Bà-la-môn bèn ra mặt bài xích Phật giáo và dần dần cải tạo những chùa chiền Phật giáo còn sót lại thành đền thờ Bà-la-môn giáo. Nhiều vị Bồ-tát và A-la-hán quen thuộc trong Phật giáo trở thành những vị thần của Bà-la-môn giáo, và bản thân Phật Thích Ca cũng được Bà-la-môn giáo tôn thờ như là hiện thân lần thứ 9 của thần Vishnou, vị Thần tối thượng của Bà-la-môn giáo, trên thế gian này. Và ngay hiện nay, các tu sĩ Ấn Độ giáo, hàng ngày làm lễ cầu nguyện, vẫn đọc câu: “Trong kỷ nguyên này có sự hiện diện của đức Phật, tôi nguyện làm lễ cúng dường...”
Nguy hiểm nhất là việc làm của các học giả Bà-la-môn giáo. Những học giả Bà-la-môn giáo thông minh và có tiếng tăm như Sankaracarya và Kumarailaba đều có nghiên cứu và thâm hiểu đạo Phật, họ đã biết rút tỉa những cái gì hay nhất, nhân bản nhất trong giáo lý đạo Phật để canh tân Bà-la-môn giáo, lập ra Vedanta giáo là một thứ Ấn Độ giáo cách tân. Sankara thận chí đã bị nhiều học giả Bà-la-môn giáo chính thống tố cáo là phần tử Phật giáo ngụy trang.
Đảo sử Tích Lan Mahavamsa (chương 5 trang 228-230) kể lại rằng, có một số người là Bà-la-môn giáo đã giả đò quy y theo đạo Phật, gia nhập Tăng chúng để rồi ngấm ngầm phá hoại Tăng chúng Phật giáo từ bên trong. Như vậy tức là cả ba nguyên nhân, sự suy thoái của Tăng già, cuộc ngoại xâm của quân Hồi giáo và sự chống đối ngấm ngầm từ bên trong của đẳng cấp Bà-la-môn là những nguyên nhân chính làm cho đạo Phật dần dần suy vong đến mức hầu như bị tuyệt tích tại Ấn Độ, trong khi đó, thì Phật giáo lại lan tràn mạnh mẽ trên thế giới, phía Bắc và Tây Bắc, Đông Bắc Ấn Độ cũng như ở phía Nam và Đông Nam Ấn.
4. Sau đây là một số tư liệu bổ xung, giúp soi sáng vấn đề khó hiểu này:
Trong những thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, đạo Phật được sự ủng hộ tích cực của các vua chúa, thí dụ các triều đại vua Asoka (273-202 trước Công nguyên), vua Kaniskha (120-162 sau Tây lịch). Do ảnh hưởng của đạo Phật, cho nên những vua chúa này tuy rất sùng đạo Phật, tôn trọng đạo Phật như quốc giáo, nhưng lại không bao giờ khủng bố các tôn giáo khác. Trong một bia đá của vua Asoka, có ghi rằng “Phải tôn trọng các đạo giáo khác một cách xứng đáng, và trong mọi trường hợp. Người nào hành động như vậy, chính là làm cho đạo giáo của mình được hưng thịnh và đồng thời cũng làm điều lợi đối với các tôn giáo khác. Mọi người hãy lắng nghe và học hỏi lẫn nhau những đều có lợi.”
Vua Asoka tế nhị đến mức, tránh không ghi những từ như “Đức Phật và Niết Bàn” trên các bia đá của mình. Vua Asoka chỉ khuyến khích thần dân của mình “Hãy sống theo những đức tính cao cả, như lòng thành tín, tình thương yêu đồng loại và loài vật, lòng yêu chuộng hòa bình... là cốt tủy của hết thảy mọi đạo giáo”, theo như lời vua thường nói.
Nhưng đáng tiếc là các vua chúa theo Bà-la-môn giáo đã không có được một thái độ bao dung rộng rãi như vậy. Khi vua Bribadratha, nhà vua cuối cùng của triều đại Maurya bị Pushyamitra, một vị quan của mình ám sát và tiếm vị, thì ông này chính lại là một người theo đạo Bà-la-môn. Triều đình Sunga do ông ta khai sáng đã làm tất cả để khôi phục lại địa vị độc tôn ngày xưa của đạo Bà-la-môn.
Cần nhắc lại rằng, đến triều đại vua Harsha, một ông vua khác cũng sùng đạo Phật, lại xảy ra sự kiện những người Bà-la-môn giáo đã tổ chức ám sát vị vua này, nhưng thất bại.
Đến triều đại vua Gupta (320-480 Tây lịch), tuy nghệ thuật điêu khắc Phật giáo đạt tới đỉnh cao tuyệt vời (thế kỷ thứ IV-VI), nhưng các vị thần Bà-la-môn như Vishnou và Siva lại được vua chúa phụng thờ và cầu đảo. Tại triều vua, các đạo sĩ Bà-la-môn lại tổ chức những hình thức tế đàn xa xỉ, tốn kém như tế đàn con Ngựa. Còn trong dân gian, các đạo giáo Siva và Vishnou tỏ ra có sức hấp dẫn quần chúng mạnh mẽ với những đền đài lộng lẫy, hình thức lễ nghi huyền bí, trang trọng, những phép tu ép xác quái lạ...
Tranh thủ thời cơ thuận lợi, các học giả Bà-la-môn tuyên truyền khắp nơi rằng “Phật Thích Ca là hiện thân lần thứ 9 của Thần Vishnou tại thế gian này. Phật Thích Ca giáng sinh xuống trần để tuyên bố đạo lý Ahimsa. Vì vậy thờ Thần Vishnou cũng tức là thờ Phật, và ngược lại cũng vậy.” Các học giả Bà-la-môn có tiếng tăm như Sankaracarya và Kumarilabata đều có nghiên cứu, thâm hiểu đạo Phật, rút tỉa tất cả những gì hay nhất trong giáo lý đạo Phật để bổ xung cho cơ sở triết học của Bà-la-môn giáo, cải tiến Bà-la-môn giáo thành Vedanta giáo (một hình thức cách tân của Ấn Độ giáo).
Trước phong trào cách tân đó của Bà-la-môn giáo, trước những cố gắng phi thường của những bậc tài năng và đạo đức như Sankara, thì Tăng đoàn Phật giáo đã đối phó như thế nào?
Ở đây, cần phải nói tới sự thoái hóa trong nội bộ Tăng già Phật giáo, và đây chính là nguyên nhân cơ bản, chính yếu đưa tới sự suy vong và tuyệt tích của đạo Phật ở Ấn Độ. Một số bi hài kịch Ấn Độ đã mô tả những nhà sư Phật giáo như là tham ăn và tham sắc và ni cô, như những bà mối lái cung cấp gái tơ cho bọn đàn ông háo sắc... Trong những vỡ bi hài kịch như thế, phần nào là xuyên tạc và phần nào là sự thật? Điều này cũng khó nói. Thế nhưng, đã có thể dựng thành kịch bản được, đã có thể diễn cho công chúng xem được thì tức là hiện tượng thoái hóa của Tăng già Phật giáo cũng đã đạt tới một mức độ phổ biến khá nghiêm trọng.
Bản chất của đạo Phật vốn là bao dung, rộng lượng. Trong những thời đại hưng thịnh của nó, đạo Phật vẫn để cho đạo Bà-la-môn song song tồn tại, cũng như đối với các đạo giáo khác. Như vậy, đạo Bà-la-môn có đến hàng thế kỷ để chuẩn bị cho cuộc phản công thắng lợi. Đạo Bà-la-môn một cách có hệ thống, dần dần từ bỏ những hình thức tế đàn đẫm máu (giết hàng trăm trâu bò để cúng tế), những lễ nghi có tính chất mê tín dị đoan,...đồng thời lại tiếp nhận và cải biên một số triết thuyết Phật giáo, như triết thuyết tái sinh, lý thuyết về hai loại chân lý, tương đối và tuyệt đối... Ngược lại, Đạo Phật trong quá trình thâm nhập vào quần chúng, khi cọ xát với những tín ngưỡng dân gian, pha lẫn bao nhiêu mê tín dị đoan, thì cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực, xấu xa, và tình hình này cũng góp phần làm xóa nhòa phần nào tính giản dị cố hữu của đạo Phật, vốn dĩ là sức mạnh của nó.
Sách sử Mahavamsa (chương 5 trang 228-300) kể rằng, có một số người Bà-la-môn giả dạng quy y theo Phật giáo, gia nhập đoàn thể Tăng già rồi ngấm ngầm phá hoại tổ chức Tăng già từ bên trong.
(Tư liệu lấy trong cuốn “World Buddhism” số 3 tháng 10 năm 1974).[/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron